Phát hiện cổ vật mô tả mẹ sinh con

 

 

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hai mảnh của một tác phẩm nghệ thuật đáng kinh ngạc có niên đại chừng 2.600 năm, mô tả một người phụ nữ khi đang sinh. Đây là hình ảnh được cho là lâu đời nhất từng được tìm thấy ở phương Tây. Tác phẩm nghệ thuật này được phát hiện ở khu định cư xa xưa Etruscan, tại thung lũng Mugello gần Florence, Ý.

Hình ảnh trên một mảnh gốm nhỏ có niên đại 600 năm trước Công nguyên cho thấy đầu và vai đứa bé đang chui ra khỏi cơ thể người mẹ, mà người ta tin rằng đó là hình tượng một nữ thần. Hình ảnh người phụ nữ được mô tả với đầu gối khá to, khuôn mặt nhìn nghiêng, một cánh tay giơ lên và tóc kiểu đuôi ngựa chảy dài xuống lưng. Điều lý thú là mảnh gốm này được tìm thấy bởi William Nutt, sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Texas trong lần đầu tiên đi khai quật khảo cổ của mình. Việc thực hiện khai quật lần này là từ dự án do nhiều đơn vị hợp tác: Các đại học Dallas, Texas, Franklin, Marshall, Pesynnvania, Bảo tàng Khảo cổ và nhân chủng học, Viện Đại học mở của Anh.

Theo báo Daily Mail, việc xác định hình ảnh được thực hiện bởi tiến sĩ Phil Perkin, chuyên gia thuộc Viện Đại học mở. Ông  ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh riêng tư này, nó có lẽ đại diện cho việc sinh con trong nghệ thuật phương Tây.  Hình ảnh xưa của phụ nữ Etruscan thường mô tả họ tham dự tiệc tùng, các nghi lễ hoặc khắc họa các nữ thần. Riêng với hình ảnh trên mảnh gốm, các nhà khoa học phải tìm ra câu trả lời người phụ nữ này là ai và con của bà ra sao.

Mảnh gốm có kích cỡ 3 x 4cm vỡ ra từ một cái lọ được làm bởi bucchero - loại chất liệu gốm sứ đen, mịn. Loại bình gốm này thường được trang trí, làm đẹp bởi các họa tiết trừu tượng, thông thường là những động vật kỳ lạ trong huyền thoại.

 

Phát hiện 70 thi thể từ thế kỉ 17 bị chôn vùi tại Peru

 

 

70 thi thể từ thế kỷ 17 bị chôn vùi đã được tìm thấy trong một hầm mộ dưới nhà thờ Lima, Peru. Phát hiện này đã được công bố vào ngày thứ Sáu (21/10) vừa qua. Thông qua phát hiện mới nhất này, các nhà khảo cổ hi vọng có thêm cái nhìn sâu sắc về quá khứ thuộc địa của Peru.

5 ngôi mộ đã được tìm thấy trong quá trình xây dựng một sàn giả cách tân cổ điển trong nhà nguyện của Trinh nữ Maria tại nhà thờ Cathedral Lima, Peru. Các công nhân đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy một cầu thang dẫn xuống hầm mộ bí mật. Trong 5 ngôi mộ đó, người ta tìm thấy 70 thi thể, trong đó có 15 trẻ em. Tổ công tác khai quật hy vọng phát hiện này sẽ dẫn đến một sự hiểu biết tốt hơn về nghi lễ chôn cất và lối sống trong giai đoạn này.
 
Theo nhà khảo cổ học Raul Greenwich, ông và các cộng sự nghi ngờ rằng đây là những thành viên và các nhà hảo tâm của nhà thờ, những người muốn được cùng được chôn cất trong không gian này.
 
Nhà thờ Cathedral Lima là nhà thờ công giáo La Mã, nằm ​​ở quảng trường Plaza của trung tâm thành phố Lima, Peru được xây dựng bắt đầu từ năm 1535. Tuy nhiên, nó đã trải qua 3 lần cải tạo trước khi chính thức khánh thành vào năm 1898. Những hầm mộ ẩn được cho là đã được thiết lập vào giữa thế kỷ 17 và đóng cửa hơn 200 năm sau đó.
 
Ông Raul Greenwich cho biết thêm: “Chúng tôi tin rằng không gian này có chức năng từ năm 1625, khi mà nhà thờ bắt đầu kế hoạch cải tạo lần thứ 3 cho đến khoảng thế kỷ 19. Tại sao lại chôn mình dưới một nhà nguyện chung, liệu đó có phải là thói quen của họ? Tuy nhiên, chắc chắn 1 điều, họ tin rằng nó làm cho họ gần gũi hơn với Thiên Chúa”.

Các nhà khảo cổ đang bắt đầu với công việc làm sạch xương và tiến hành nghiên cứu mở rộng từ những phát hiện này. Họ cũng hi vọng nhanh chóng tìm được những nguyên nhân của cái chết và các mối quan hệ giữa các thi thể được phát hiện.

 

Tìm thấy hóa thạch của loài khủng long mới

 

 

Các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy hóa thạch vô cùng hiếm, là những móng vuốt khổng lồ ước tính 76 triệu năm của loài khủng long mới Talos sampsoni.

Tiến sĩ Mike Knell, người tìm thấy hóa thạch Talos, cho biết đó là một sự tình cờ khi bà đang tìm kiếm hóa thạch của loài rùa ở Utah. "Đây là một trong những loài chim ăn thịt đẹp nhất mà chúng tôi tìm thấy ở Bắc Mỹ", bà nói thêm.

Talos sampsoni sống trong “thế giới ôn hòa”, thời kỳ mưa vào cuối kỷ Phấn trắng ở Bắc Mỹ. Talos là một trong những loài động vật nhỏ ăn thịt, giống như chim. Loài khủng long này được đặt tên dựa trên hình tượng một nhân vật thần thoại Hi Lạp, có cánh và có thể chạy với tốc độ như chớp.

Nhưng điều thú vị là hóa thạch khủng long Talos này bị thương ở ngón chân thứ 2 và điều này tạo nên một làn sóng tranh luận dữ dội xoay quanh việc “Talos sử dụng chân trước để làm gì?”.

Khi các nhà khoa học phân tích xương bị gãy của Talos thông qua một máy quét CT, họ đã khẳng định vết cắt này do một loài khác gây ra. Tuy nhiên trưởng nhóm nghiên cứu Zanno nói thêm: “Chúng tôi không bao giờ quan sát được hành vi của loài Talos này và nó luôn luôn gây ra sự tranh cãi".

 

Nhiều phát hiện khảo cổ tại di tích Tháp Mẫm

 

 

Ngày 27/9, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, Đoàn khảo cổ học đã báo cáo kết quả đợt khai quật  di tích lịch sử Tháp Mẫm (lần 2) tại thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

alt

Đoàn khảo cổ học thuộc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch và Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.

Sau ba tháng tiến hành khai quật và nghiên cứu trên diện tích 1.000m2 các hố thám sát và khai quật ở độ sâu từ 1,8-2m, Đoàn khảo cổ đã có nhiều phát hiện mới làm rõ toàn bộ mặt bằng và nền móng kiến trúc còn lại của di tích Tháp Mẫm.

Ngoài ra, Đoàn phát hiện một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý giá còn sót lại, tiêu biểu cho thời kỳ thứ hai của nghệ thuật Champa (thế kỷ XI-XV), trong đó có hàng loạt các khối tượng tròn của linh thú như rồng, Makata, sư tử, Garuda; phù điêu của các vị thần, chủ yếu là Shiva, Brahma, Visnu cùng các loại hình vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc và các loại đồ dùng sinh hoạt đương thời.

Tất cả đã được đưa lên khỏi lòng đất với khối lượng hiện vật trên 58 tấn, giúp cho quá trình nhận thức, tìm hiểu lịch sử hình thành và biến đổi của di tích Tháp Mẫm.

Mặt khác, việc khai quật và nghiên cứu Tháp Mẫm bước đầu cho thấy quy mô mặt bằng một tổ hợp kiến trúc đồ sộ với đầy đủ các loại hình kiến trúc quan trọng của một khu vực đền-tháp Champa, thể hiện sự chặt chẽ về vũ trụ quan Ấn giáo của người Chăm.

Về kỹ thuật xây dựng có thể thấy, những di tích gia cố nền móng được tìm thấy ở đây đều phản ánh với một trình độ kỹ thuật xây dựng điêu luyện của người Chăm.

Về tính chất và vai trò của Tháp Mẫm thuộc hệ thống các di tích kiến trúc đền-tháp Champa cả ở những giai đoạn sớm cũng như các giai đoạn muộn sau này và chưa thấy một di tích nào có một hệ thống tượng thờ, trang trí kiến trúc nhiều, hoành tráng như tháp Mẫm.

Về mặt niên đại, di tích này đã được xác định vào khoảng nửa sau thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XIII.

Tiến sỹ sử học Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết, từ những kết quả nghiên cứu cho thấy, di tích tháp Mẫm có một kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho các di tích đền-tháp Champa trên đất Bình Định.

Việc phát hiện, tìm hiểu và nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc đá ở đây sớm định hình một phong cách nghệ thuật nổi tiếng trong 77 năm qua. Vì vậy việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy phần "hồn-cốt" của di tích tháp Mẫm là một việc làm hết sức cần thiết và quan trọng hiện nay, từ đó các cấp chính quyền, ngành chức năng và nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ, có giải pháp bảo tồn phát huy một cách tối đa và hiệu quả giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc của tháp này.

Tháp Mẫm đã từng được Viện Viễn Đông Bác Cổ - Pháp phát hiện năm 1933 và tổ chức khai quật nghiên cứu vào năm 1934 và đã được xác định là một di tích rất có giá trị, phản ánh sự sáng tạo và độc đáo trong kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc Champa.

Tuy nhiên, từ đó đến nay do biến cố của thăng trầm lịch sử và sự biến động của thiên nhiên, Tháp Mẫm chỉ còn như một phế tích nằm trên một khu đất cao với um tùm cây ăn quả và cây bụi giăng kín, rất khó nhận biết được quy mô ban đầu, vị trí hố đào của người Pháp trước đây, nhiều chỗ bị đào phá san lấp làm biến dạng hiện trạng của khu vực tháp.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hà Nội: Phát hiện quan tài cổ ở bến Chương Dương

 

 

Một chiếc quan tài cổ được làm từ một thân cây khoét rỗng mới được phát hiện ở bến Chương Dương (Hà Nội).

Hà Nội: Phát hiện quan tài cổ ở bến Chương Dương

Chiếc quan tài này có hình thuyền, chiều dài chừng 3m, rộng 70cm, chiều sâu tới lòng quan tài chừng 25cm, độ dày khoảng 7cm. Hai đầu quan tài có đẽo những tay cầm như những chiếc cáng trong bệnh viện để dễ dàng khiêng quan tài tới nơi chôn cất.

Được một số người dân phát hiện vào ngày 27/9 và hiện tại, chiếc quan tài này đã được đóng neo và chờ kết luận của các chuyên gia khảo cổ học. 

Trước đó ngày 27/7, người dân xóm 8, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh trong khi làm thủy lợi đã phát hiện ngôi mộ cổ tại cánh đồng Lội Mồ. Mộ cổ được phát hiện nằm ở độ sâu 1,5m, quan tài làm bằng thân cây màu đen, khoét rỗng. Bên trong 1 quan tài có 2 hai chiếc bình sứ cổ có màu trắng mịn và có hai chiếc bát sứ úp lên trên, lòng bát có khắc chữ Hán (chữ phúc).

Niên đại của ngôi mộ cổ được ước định vào khoảng từ thế kỷ XVI - thế kỷ XVII. Các nhà nghiên cứu khảo cổ học Hà Tĩnh đang triển khai nghiên cứu, tìm hiểu giới tính của người trong ngôi mộ cổ này.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xác định được sự tiến hóa của vượn người

 

 

Kỹ thuật quét CT (chụp quét cắt lớp điện toán) mảnh sọ hóa thạch có niên đại khoảng 1,4 triệu năm có thể giúp các nhà nghiên cứu kết thúc một cuộc tranh luận lâu dài về sự tiến hóa của chi vượn người Australopithecus ở Châu Phi – tổ tiên của con người hiện đại.

Nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, cho biết phương pháp chụp CT đã cung cấp những thông tin quan trọng về giải phẫu bên trong khuôn mặt.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã không chú ý đến tầm quan trọng của đặc điểm trên khuôn mặt ở một số loài Australopithecus, đặc biệt là hai chiếc xương được gọi là “cột chống đỡ phía trước” kéo dài từ răng nanh đến khe mũi.

Tiến sĩ Brian Villmoare (Đại học London và Đại học George Washington) và giáo sư William Kimbel (Đại học bang Arizona) đã tiến hành phân tích bằng cách quét CT sọ hóa thạch từ 5 loài Australopithecus và thấy cấu trúc bên trong của những xương trụ phía trước ở các loài là khá khác nhau.

Theo nhóm tác giả, loài A. robustus ở Nam Phi và loài A. boisei ở Đông Phi có những chiếc xương chắc chắn và đặc, mô xương xốp, trong khi loài A. africanus (cũng từ Nam Phi) chỉ có những chiếc xương trụ rỗng. Sự khác biệt đó cho thấy xương trụ phía trước ở các loài khác nhau thì phát triển theo các cách khác nhau.

Phát hiện này đã phủ nhận lại dòng lý thuyết từ lâu cho rằng các tính năng cũng như đặc điểm khuôn mặt của các loài đều thừa hưởng từ một tổ tiên chung và đưa ra nhận định sự tương đồng bên ngoài của loài A. Africanus và loài A. Robustus Nam Phi là do quá trình tiến hóa song song.

“Chúng tôi tin rằng sự giống nhau về mặt giải phẫu bên trong khuôn mặt có thể hình thành giả thuyết rằng có một nhánh tiến hóa riêng biệt của “người vượn phương nam” và loài A. Africanus cũng như A. Boisei đều có một tổ tiên chung”, Tiến sĩ Villmoare phát biểu.

“Nét tương đồng của xương trụ phía trước ở những loài Australopith khác nhau có thể xuất phát từ chế độ ăn uống giống nhau mặc dù chúng không phải là cùng một tổ tiên”, ông nói thêm.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện 3 ngôi mộ gốm tại Quảng Nam

 

 

Ngày 19.9, các nhà khảo cổ học và cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Quảng Nam đã phát hiện 3 ngôi mộ gốm dạng mộ nồi, mộ vò tại di chỉ khảo cổ học Phước Hội (thôn Phước Hội, xã Quế Lâm, H.Nông Sơn) sau nửa tháng tiến hành khai quật.

Ngoài ra, trong 2 hố khai quật còn có nhiều hiện vật quan trọng khác gồm 12 cụm di tích là những đồ gốm tùy táng (bị vỡ nát hoặc nguyên vẹn), như khuyên tai gốm, nồi gốm, công cụ sắt, hạt chuỗi...

Các nhà khoa học nhận định, di chỉ Gò Chùa là một khu mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh vùng núi, thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh niên đại khoảng trên 2.000 năm.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện 2 điểm đặc biệt tại ngôi mộ cổ ở Nam Định

 

 

Sau 5 tháng phơi mưa phơi nắng tại cánh đồng Đầu Đín, thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Thanh Niên đã có bài phản ánh), ngôi mộ cổ đã được khai quật vào sáng 15.9 và hoàn tất vào 16 giờ 30 cùng ngày.

alt

Theo PGS Nguyễn Lân Cường, Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, người tham gia khai quật, đây là ngôi mộ hợp chất trong quan ngoài quách nhỏ nhất được phát hiện tại Việt Nam từ trước đến nay. Quách làm bằng mật, cát, vôi, than…  dày 6,3 cm, bao bọc quan tài còn nguyên vẹn, bằng gỗ có hương thơm (nhiều khả năng là gỗ ngọc am). Điểm đặc biệt là quan tài này khá nhỏ, chiều dài 94,5 cm, rộng 27,3 cm, cao 33,4 cm, kích thước này nhỏ bằng một nửa hoặc một phần ba quan tài ở các ngôi mộ cổ từng khai quật trước đây.

Ván làm quan tài dày 6 cm, các tấm ván được chốt với nhau bằng 4 chốt gỗ, hoàn toàn không có đinh. Bên trong quan tài là một bộ xương, còn nguyên hộp sọ và 32 chiếc răng, bao phủ xung quanh bộ xương là một hợp chất có hương thơm. Đây là mộ cải táng, có niên đại hơn 300 năm.

Theo PGS Lân Cường, điểm đặc biệt thứ hai ở ngôi mộ này là ướp tinh dầu cho một bộ xương. "Thông thường, người ta chỉ ướp thi thể khi mới mất. Các mộ cải táng thường có xương đặt vào tiểu sành hoặc chum, chưa bao giờ chúng tôi phát hiện ra việc ướp tinh dầu một bộ xương, đặt trong quan tài gỗ, ngoài phủ quách như lần này”, PSG Lân Cường cho biết.

Đoàn khảo cổ đã lấy tinh dầu và các mẫu vật để giám định, nghiên cứu. Bộ xương đã được đặt lại vào tiểu sành đưa vào nghĩa trang địa phương. Quan tài gỗ quý sẽ được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Nam Định.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện xác ướp hơn 200 năm tuổi ở Đồng Nai

 

 

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, sở tổ chức đoàn khai quật mộ cổ Cầu Xéo ở tổ 23, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành (Đồng Nai) để giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, qua đó đã phát hiện xác ướp với niên đại trên 200 năm.

Phát hiện xác ướp hơn 200 năm tuổi ở Đồng Nai

Đến cuối ngày 16/9, cuộc khai quật cơ bản hoàn thành với việc xử lý toàn bộ phần kiến trúc ngôi mộ và đưa quan tài, trong đó có xác ướp về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh.

Đoàn khai quật do phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Đức Mạnh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và nhà nghiên cứu mộ cổ Đỗ Đinh Truật phụ trách.

Kết quả khai quật ban đầu cho thấy, mộ cổ Cầu Xéo có kiến trúc khép kín, hình chữ nhật. Nếu tính cả phần tường bao, mộ có chiều dài khoảng 8,5m, rộng 4,5-4,6m. Mộ được cấu tạo trong quan ngoài quách gồm: quách hợp chất bao quanh 6 mặt (cả phần đáy và nắp) dày khoảng 50cm, bên trong có quách bằng gỗ và trong cùng là quan tài với nắp hình bán nguyệt, phía trên có phủ vải với họa tiết hoa văn dây, lá và hoa cúc. Khi mở nắp quan tài, phát hiện bên trong là khối xác ướp được bao bọc bằng vải và trên cùng phủ lá sen.

Theo chuyên gia nghiên cứu mộ cổ Đỗ Đinh Truật, khi thăm dò ở vị trí đầu xác ướp cho thấy phần xác bên trong được bảo quản rất tốt. Theo các nhà khảo cổ, căn cứ những thông tin bên ngoài và phần xác ướp bên trong quan tài có thể khẳng định người trong quan tài là cụ bà, hoặc có thể là một mệnh phụ phu nhân gắn bó mật thiết với triều Nguyễn.

Mộ cổ Cầu Xéo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì ngoài kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đây là lần đầu tiên khảo cổ học Đồng Nai phát hiện xác ướp với niên đại trên 200 năm, hứa hẹn lý giải nhiều vấn đề để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, thời khai phá vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai.

Trong những ngày tới, Đoàn khảo cổ sẽ phối hợp với các chuyên gia thuộc Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý xác ướp và tiếp tục nghiên cứu.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Cá ăn thịt 375 triệu năm trước

 

 

Một loài cá ăn thịt tồn tại cách đây 375 triệu năm đã được phát hiện tại vùng biển Bắc cực thuộc Canada.

Theo chuyên san Journal of Vertebrate Paleontology, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên ở Philadelphia (Mỹ) cho biết loài cá có tên gọi Laccognathus embryi (được đặt theo tên của chuyên gia nghiên cứu Bắc cực người Canada Ashton Embry) đã từng tới lui tìm mồi trên các tuyến đường thủy tại Bắc Mỹ vào kỷ Devon, trước khi những loài động vật có xương sống tồn tại trên đất liền.

Kỷ Devon, cách đây 415 - 360 triệu năm, thường được gọi là Kỷ nguyên cá do sự tồn tại của nhiều loài thủy sinh sống ở các vùng biển, đầm phá và sông suối cổ. Laccognathus embryi là loài cá có vây, dài khoảng 1,5-1,8 mét, có đầu rộng và bẹt, mắt nhỏ và hàm cứng với những chiếc răng dài và nhọn. Chuyên gia động vật học xương sống Edward “Ted” Daeschler, đồng tác giả nghiên cứu, phát biểu: “Tôi sẽ chẳng muốn lội hoặc bơi trong vùng nước mà loài cá này ẩn náu. Rõ ràng những hệ sinh thái cuối kỷ Devon là nơi nguy hiểm, và Laccognathus embryi là loài ăn thịt lớn rình rập dưới đáy với cú đớp mồi mạnh mẽ”.


Ông Daeschler và các cộng sự, những người vừa tìm thấy hóa thạch Laccognathus embryi, hồi năm 2004 cũng đã tìm thấy hóa thạch cá Tiktaalik roseae, vốn được xem là “mắt xích bị thất lạc” giữa cá với những loài động vật có chi sơ khai nhất. Đáng chú ý là hóa thạch của loài cá “mới” cũng được tìm thấy tại cùng địa điểm với cá Tiktaalik roseae trên đảo Ellesmere thuộc vùng lãnh thổ xa xôi Nunavut của Canada. Hai loài cá này thuộc nhóm cá có vây giống chân hình tròn. Theo các nhà khoa học, những thành viên còn sống duy nhất của nhóm này là cá vây tay (coelacanth) và cá phổi (lungfish).

Theo các nhà nghiên cứu, việc phát hiện ra 2 loài cá trên cung cấp thêm những manh mối để giới khoa học tìm hiểu về những điều kiện môi trường đã buộc cá “đổ bộ” lên đất liền và cuối cùng tiến hóa thành những loài động vật có chi, bao gồm cả loài người chúng ta.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9023486
Số người đang online: 19