`Báu vật` lộ diện trong ngôi mộ cổ 2.000 năm ở Hà Nội

 

 

Ngôi mộ nhỏ có hoa văn “xương cá”, “trám lồng”. Nhưng một điều bí mật chưa được giải mã là ngôi mộ lớn có tới 40 chữ Hán cổ: bên trái là bộ “thổ”, bên phải là bộ “mộc”…

`Báu vật` lộ diện trong ngôi mộ cổ 2.000 năm ở Hà Nội

Việc phát hiện các ngôi mộ và giếng cổ dưới khu Ciputra, Hà Nội đang khiến người dân cả nước quan tâm vì những ý nghĩa lịch sử của nó. Còn các nhà khảo cổ thì rất phấn khởi khi tìm ra những hiện vật quý giá cho phép họ hiểu sâu hơn đời sống ông cha ta xưa.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam về những điều thú vị trong hai ngôi mộ và giếng cổ.

"Cuộc khai quật khẩn cấp"

Vào lúc 9h47 sáng 2/4, tôi nhận được điện thoại của TS Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng Ban quản lý di tích - danh thắng Hà Nội: “Anh Cường ơi! Anh thu xếp công việc và tới ngay gần cổng Ciputra sát đường lên cầu Thăng Long ấy. Họ vừa phát hiện ra mộ đấy. Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc đón anh ở đó”.

Cái bệnh nghề nghiệp nó là vậy, đã đam mê mộ cổ gần 50 năm, nên khi nghe xong tôi khoác vội tấm áo choàng và phi ngay xe máy với tốc độ… 60km/giờ lên Ciputra. Gần đến nơi tôi đã nhìn thấy một “vị Chủ tịch xã thật bảnh trai” đứng gần cổng vẫy vẫy tôi. Anh tự giới thiệu là Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch xã Đông Ngạc.

Chỉ cách cổng Ciputra về phía bắc khoảng 100 mét là thấy ngay công trường ngổn ngang đất đá, máy xúc đang đào bới của Xí nghiệp xây dựng số 1, thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Vừa lúc đó TS Nguyễn Doãn Tuân cũng lên tới hiện trường.

Anh Chiến báo cáo lại với chúng tôi đầu đuôi câu chuyện. Hoá ra từ 3h chiều hôm trước, gầu xúc của đơn vị thi công trong khi đặt hệ thống cống ngầm ở độ sâu 2 mét đã quệt phải một hàng gạch làm lộ ra ngôi mộ thứ nhất, phía trong có lớp bùn dày khoảng 35cm phủ kín nền mộ. Thấy vậy họ đình lại và gọi điện báo về xã, rồi xã cũng đã báo ngay lên huyện, và huyện đã báo cho Ban quản lý Di tích-Danh thắng Hà Nội.

Sáng sau, lúc 8h30, máy xúc định chuyển hướng cào đất tiếp ở cách chỗ cũ khoảng 1m50, thì không ngờ lại quệt phải nóc ngôi mộ thứ hai, làm vỡ một phần nóc mộ mà bên trong lộ rõ lớp bùn lấp tới gần một phần ba thành mộ.

Tôi bỗng linh cảm mộ đã lộ ra thế này thì kẻ gian dễ dòm ngó lắm. Một anh bạn làm ở công trường đứng gần đó nói: “Hôm qua nghe nói phía trong cùng của mộ có bài vị, thế mà sáng nay ra đã bị mất...”

Tôi bàn với anh Tuân, anh Chiến là ta nên khai quật ngay chiều hôm đó. Bằng điện thoại di động chúng tôi liên hệ với ông Phạm Hồng Khang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long - đơn vị chủ đầu tư, người đã tạo mọi điều kiện cho tôi 6 năm về trước khi tôi nhận trách nhiệm phụ trách cuộc khai quật mộ hợp chất Cánh đồng Đào - phường Nhật Tân (Quận Tây Hồ).

Ông Khang đồng ý cho tạm dừng thi công và cấp kinh phí để chúng tôi “xung trận”. Chủ tịch Chiến yêu cầu ngay công an xã đêm đó phải trực luôn. Có lẽ trong đời làm khảo cổ của mình, chưa bao giờ lại có một quyết định khai quật khẩn cấp nhanh như vậy.

Tôi gọi điện cho Viện trưởng Viện Khảo cổ học: PGS.TS. Tống Trung Tín và Phó Viện trưởng - kiêm Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Nguyễn Giang Hải để báo cáo. Các anh đồng ý để Hội Khảo cổ học đứng ra khai quật khẩn cấp 2 ngôi mộ cổ này như đề nghị của TS Nguyễn Doãn Tuân.

Tôi gọi điện cho TS Hà Văn Cẩn đề nghị anh cùng các bạn trẻ: Nguyễn Văn Mạnh, Mai Thuỳ Linh trong Phòng nghiên cứu Khảo cổ học Lịch sử cùng tham gia khai quật. Tôi cũng lại gọi điện cho hoạ sĩ Võ Thanh Hưởng, hội viên Hội Khảo cổ học VN đề nghị chị sẽ chịu trách nhiệm cho các bản vẽ của cuộc khai quật.

Kể cả Nguyễn Anh Tuấn - một cán bộ trẻ Phòng nghiên cứu Môi trường - Con người cổ, đoàn khai quật sẽ có con số tròn 6 người. Chiều 2/4 tôi làm giấy phép cho Sở VHTTDL Hà Nội, đề nghị xin được khai quật khẩn cấp.

Những “báu vật” lộ diện…

Ngay chiều hôm đó, chiếc bình gốm khá to nằm nghiêng trên một đĩa gốm đã được phát hiện ở sát cửa mộ lớn. Bùn trong mộ này nhão nhoét, rất khó làm và phải thận trọng, nếu không là sẽ dẫm phải hiện vật. Tôi bàn bạc với anh em trong đoàn là cuộc khai quật phải gắng đạt được các mục đích sau:

+ Kết cấu của 2 ngôi mộ này có khác gì các ngôi mộ thời Bắc thuộc đã phát hiện ở nơi khác (Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang…?)

+ Thu thập và nghiên cứu bộ sưu tập hiện vật trong 2 mộ.

+ Niên đại của 2 ngôi mộ ra sao?

Trời đất đã ủng hộ chúng tôi. Suốt hơn nửa tháng khai quật, không hôm nào bị mưa to, hay nắng gắt. Hiện vật thì xuất lộ ngày càng nhiều. Chỉ thương mấy cán bộ công an huyện Từ Liêm và xã Đông Ngạc nằm trong nhà bạt, gió mạnh quá không mắc được màn, muỗi đốt suốt đêm, mà vẫn lo ngay ngáy “mất hiện vật của bác Cường ở trong mộ”. Cuối cùng bàn bạc với anh Chiến chủ tịch xã Đông Ngạc và cô Huyền - Phó trưởng Phòng văn hoá Huyện Từ Liêm, chúng tôi quyết định đánh dấu vị trí các hiện vật trong mộ và đưa toàn bộ số cổ vật về bảo quản tại Phòng văn hoá Huyện Từ Liêm, trong một két sắt vững chắc mới toanh do Công ty TNHH Nam Thăng Long vừa sắm cho.

Hai ngôi mộ xuất lộ dần, từng hàng gạch được làm sạch. Ngôi mộ to: dài 4,7m; rộng 2,15m và cao 1,9m. Ngôi mộ bé: dài 3,9m; rộng 1,2m và cao 0,95m. Các bạn trẻ trong đoàn đã tìm được biên mộ và phân biệt rất rõ đất cái hoàng thổ và đất lấp mộ.

Tôi chụp tới hơn trăm bức ảnh, nhưng đang loay hoay tìm chỗ đứng để chụp tổng thể từ trên cao xuống 2 ngôi mộ, thì anh Tuấn lái máy xúc bảo tôi: “Chú trèo vào gầu xúc đi, cháu sẽ cho chú lên tận…trời xanh, tha hồ mà chụp nhé”. “Ôi! Ý tưởng tuyệt vời” - Tôi đáp và nhanh chân leo tọt vào trong gầu xúc. Chiếc gầu nâng dần độ cao, tôi bấm máy lia lịa, mãi lúc sau nhìn xuống bên dưới thì thấy các bạn Tuấn, Mạnh, Linh cũng đang chĩa máy hướng vào… tôi bấm tanh tách. Có lẽ đó là bức ảnh khá độc đáo của tôi ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”!

…và những bí mật bên trong mộ cổ

Chỉ ngay mấy ngày đầu khai quật tôi đã thấy điều phân biệt của ngôi mộ cổ này với các ngôi mộ khác, chính là chạy dọc theo bên ngoài nóc mộ là hàng gạch khoá vòm mộ. Trông từ trên xuống, 2 ngôi mộ cổ như 2 con cá nằm song song với nhau theo hướng tây bắc - đông nam và đều có “dải vây cá trên lưng”. Ngôi mộ cổ to như gian nhà mà tôi được khai quật cùng nhà khảo cổ lão thành Đỗ Văn Ninh ở Quảng Ninh vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, cũng như những ngôi mộ khác ở Hải Dương... chưa bao giờ thấy “hàng gạch khoá mộ” như 2 ngôi mộ ở đây.

Trong ngôi mộ lớn, xen giữa những rìa bên của các viên gạch là mẫu trang trí hoa văn “đồng tiền” và hoa văn “trám lồng”. Còn ngôi mộ nhỏ hầu hết là có trang trí hoa văn “xương cá” một số nhỏ là “trám lồng”. Nhưng một điều bí mật chưa được giải mã là trong ngôi mộ lớn có tới 40 chữ Hán cổ: bên trái là bộ “thổ”, bên phải là bộ “mộc”. Tôi đã tìm gặp những “cây đa, cây đề” trong ngành Hán học (chứ không phải là Hán nôm như có báo đã đăng hôm 20/4) để hỏi về chữ cổ này, nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời. Giá 2 bộ đổi chỗ cho nhau thì chẳng cần bàn cãi, vì đó là chữ “đỗ”.

Trong ngôi mộ lớn tổng cộng tìm thấy 28 hiện vật: 16 bát, đĩa, bình gốm có men và không có men, 9 chiếc đinh sắt đã bị rỉ, 1 hạt chuỗi thuỷ tinh màu xanh (không phải một “chuỗi hạt” như có báo đã đưa tin), một phiến đá dẹt hình chữ nhật vuông vắn màu xanh nhạt, mà theo nhà thạch học Lê Thị Thu Hương thuộc loại đá phiến xanh. Một bát đồng rất mỏng đã bị vỡ nát.

Phát hiện thóc và gạo cổ

Đặc biệt, ngay sáng 6/4, ở lớp bùn đáy mộ, Nguyễn Anh Tuấn đã phát hiện ra một lớp gạo, thóc cháy. Chúng tôi báo ngay cho Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng phòng nghiên cứu Con người - Môi trường cổ Viện Khảo cổ học. Chị đã lên ngay lấy mẫu phân tích.

Hôm sau khi chỉnh lý những đồ gốm tại Phòng văn hoá huyện, chúng tôi lại phát hiện 2 bát nhỏ, khi nạo hết bùn ở lớp trên lộ dần ra những hạt gạo, thóc cháy. Ngày 10/4, Trưởng phòng Mai Hương gọi điện thông báo cho tôi giọng hồ hởi: “Rất hay Thầy ạ”. Bên chiếc kính lúp với độ phóng đại lớn chị đã chụp và đo đạc được những hạt thóc, gạo cháy này. Một số hạt thóc còn giữ được cuống và một phần vỏ trấu. Hạt thóc và gạo thuộc dạng hạt bầu đến tròn (tỉ lệ dài/rộng 1,7 - 2,5mm).

Ngôi mộ nhỏ chỉ vẻn vẹn có 5 đồ gốm, trong số đó đặc biệt có bình gốm đầu gà rất đẹp còn rõ cả mào, mắt và đuôi gà. Có lẽ đây là hiện vật quý nhất trong lần khai quật này.

Cả 2 ngôi mộ đều không có dấu vết của gỗ quan tài và di cốt người. Theo tôi đã bị tiêu hết như phần lớn các mộ táng thời Bắc thuộc ở Việt Nam.

Tôi nhớ mãi hôm sinh viên Trường Đại học văn hoá tới thăm khu mộ có em sinh viên hỏi tôi: “Thưa Thầy! Sao quan tài và xương bị tiêu mà hạt gạo lại còn”? Một câu hỏi rất thông minh. Tôi đã giải thích cho em rằng: nước ngấm vào trong mộ qua khe nứt tạo nên một lớp bùn mỏng ở đáy mộ, chính nó đã bảo vệ cho hạt thóc, gạo cháy không bị phân huỷ.

Ngược lại quan tài và di cốt đã bị tiêu vì có một khoảng không trong mộ, đó là môi trường tốt để vi khuẩn phân huỷ chẳng những chỉ có di cốt mà cả quan tài nữa. Lẽ dĩ nhiên đinh sắt thì … “bọn đó” không “gặm” được.

Dựa vào kích thước của những viên gạch xây mộ, các đặc điểm của đồ gốm, chúng tôi cho rằng cả 2 ngôi mộ đều thuộc thời “Lục Triều” có niên đại trong khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6. Mặc dù ngôi mộ to có sớm hơn ngôi mộ nhỏ một chút".

Các chuyên gia lịch sử hàng đầu của Việt Nam đều "khen" mộ cổ

Chiều 14/4, tôi mời các nhà khảo cổ và lãnh đạo của huyện Thường Tín, xã Đông Ngạc, thôn Nhật Tảo, cũng như Lãnh đạo của các đơn vị đang thi công lên thăm 2 ngôi mộ cổ.

Từ các Phó Giáo sư, Tiến sĩ như: Tống Trung Tín, Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền, Trịnh Sinh, Phạm Quốc Quân, Nguyễn Văn Hùng, Trình Năng Chung, Vũ Quốc Hiền, Lại Văn Tới, Nguyễn Kim Dung… đến các vị lãnh đạo của huyện, xã, và những em sinh viên đang học tại trường Đại học văn hoá, ai cũng khen 2 ngôi mộ thật tuyệt vời.

Mọi người đều có chung một đề nghị phải giữ lại 2 ngôi mộ cổ này. PGS.TS. Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học phát biểu: “đây là 2 ngôi mộ rất hay, hầu như chưa bị kẻ gian phá huỷ để trộm cắp hiện vật như nhiều ngôi mộ khác ở quanh vùng. Các hiện vật thu được càng làm rõ hơn những nhận thức về táng thức của thời Lục Triều, ngay sát ở ngoại vi thành Thăng Long xưa…”

Anh em trong đoàn khai quật được khen thì mừng lắm, đó là những lời động viên để anh em vượt qua mọi khó khăn với những bữa cơm hộp, hay giấc ngủ trưa ngắn ngủi mà “giường hảo hạng và riêng biệt của họ” là những ống cống ngay cạnh hố khai quật.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện một hóa thạch nhện lớn chưa từng thấy

 

 

Các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện được một con nhện hóa thạch lớn chưa từng thấy ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc.

Phát hiện một hóa thạch nhện lớn chưa từng thấy

Đây là một con nhện cái cách đây khoảng 160 triệu năm, thuộc loại nhện có kiểu dệt lưới rất phức tạp màu vàng. Loài nhện này dệt những tấm lưới từ các sợi tơ màu vàng rất dai và rõ.

Đốt chân của mẫu vật hóa thạch trên dài 5cm. Các nhà nghiên cứu xếp con nhện hóa thạch này vào nhóm Nephila. Hiện nay, người ta vẫn thấy các loại Nephila tồn tại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Phát biểu với hãng tin BBS, giáo sư Paul Selden thuộc trường Đại học Kasas của Mỹ cho biết: “Đây là con nhện hóa thạch lớn chưa từng thấy. Thân của con nhện này không phải là to nhất, nhưng nếu cộng cả những cái chân dài vào thì đây là con nhện lớn nhất.”

Trước khi phát hiện hóa thạch này, mẫu vật cổ đại nhất trong nhóm nhện này chỉ cho thấy chúng tồn tại được 35 triệu năm tuổi. Do đó, hóa thạch mới này đã đẩy sự tồn tại của loại Nephila lùi lại Kỷ Jura và trở thành loài nhện sinh tồn lâu nhất.

Con nhện này bị vùi lấp trong tro bụi núi lửa ở đáy của một khu vực có thể trước kia là hồ. Giáo sư Selden giải thích: “Bạn không chỉ nhìn được phần lông trên những cái chân của nó mà còn thấy rõ cả những thứ nhỏ xíu thường được dùng để phát hiện sự chuyển động của không khí. Đây là đặc điểm rất riêng của chúng”.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Giới thiệu chùa Thiên Quang, tỉnh Phú Thọ

 

 

Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) Mời quý vị thăm Chùa Thiên Quang nằm trong khu Di tích lịch sử Đền Hùng

alt

Chùa Thiên Quang nằm trong khu di tích lịch sử Đền Hùng, trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Được xây kề bên đền Hạ, ở độ cao 80m. Xưa chùa có tên là Sơn Cảnh Thừa Long Tự. Thời Lê Trung Hưng làm lại chùa gọi là Thiên Quang Thiền Tự. Chùa làm theo kiểu "nội công ngoại quốc" gồm các nhà: Tiền đường, Thiêu hương, Tam bảo, ở phía trước là dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau.

Trước sân chùa có hai tháp sư hình trụ 4 tầng; một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII gồm ba gian, hai tầng mái. Trên gác chuông có treo quả chuông đúc vào thời Hậu Lê.

Chùa thờ Phật theo phái Đại Thừa. Trong chùa có trên 30 pho tượng: Tam thế, A Di Đà, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tống Tử, Đức Thánh Hiền, Hộ pháp… được bài trí trang nghiêm.

Tháng 9 năm 1954, khi về thăm Đền Hùng, tại chùa Thiên Quang Bác Hồ đã ngồi nghỉ bên gốc cây thiên tuế, sau đó, gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ và chiến sỹ Đại Đoàn Quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản thủ đô Hà Nội với Iời căn dặn:

"Các vua Hùng đã có công dựng nước

  Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.      

    ----------------------------

Nguồn: Sách Chùa Việt Nam

Tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long. Ảnh: Nguyễn Văn Kự,

 Nxb Thế giới,2011 (in lần thứ tư).Giá 496.000đ/cuốn (chuyển đến tận nhà miễn phí). Liên hệ mua tại: Ban Biên tập: Số 8A, ngách 17, ngõ 378 Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội.

ĐT: 0903265331- 0435821820. Email: nguyenvanku@gmail.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

  

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện ngôi mộ cổ có niên đại 1.900 năm tại Ciputra

 

 

Ngôi mộ Đông Hán có niên đại khoảng 100, 200 năm sau Công nguyên được tình cờ phát hiện vào ngày 1/4 bởi công nhân Xí nghiệp Xây dựng số 1 (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị), khi đang thi công tại khu vực Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra.

Phát hiện ngôi mộ cổ có niên đại 1.900 năm tại Ciputra

Một ngôi mộ Đông Hán có niên đại khoảng 100, 200 năm sau Công nguyên vừa được phát hiện tại khu vực chân cầu Thăng Long, thuộc xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Ngôi mộ này được tình cờ phát hiện vào ngày 1/4 bởi công nhân Xí nghiệp Xây dựng số 1 (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị), khi đang thi công tại khu vực Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra.

Trong khi đào đất để đặt cống, máy xúc của đơn vị này đã va phải một thành mộ, khiến ngôi mộ lở ra. Ngay hôm đó, công ty đã báo cáo lên xã, và thông tin được báo ngược lên Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội.

Nhận được tin, PGS. TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và các nhà khảo cổ học khác đã lập tức có mặt khảo sát. Bước đầu khai quật cho thấy lộ ra 2 ngôi mộ, một lớn, một nhỏ ở nông hơn.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho biết: Những ngôi mộ lớn thì đã được tìm thấy rất nhiều ở Việt Nam, nhưng ngôi mộ nhỏ thì rất hiếm gặp. Hiện vật bước đầu được tìm thấy là 1 bình gốm rất đẹp, đặt trên 1 cái bát gốm.

alt
Ngôi mộ cổ đang được khai quật.


Thành mộ được làm bằng đất nung xếp chồng lên nhau, không hề có chất kết dính, nhưng vẫn bền đến ngày nay. Trên bề mặt gạch có những hoa văn hình tiền, hình trám lồng rất tinh tế. Các hiện vật này đã được mang cất đi vì sợ mất, mặc dù xung quanh khu vực khai quật đang được lực lượng Công an xã bảo vệ ngày đêm.

PGS Nguyễn Lân Cường và TS Hà Văn Cẩn cho biết, việc khai quật sẽ được tiến hành trong khoảng 1 tuần nữa, và hy vọng có thể tìm thêm được các hiện vật mới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sẽ không tìm được xương người táng trong mộ, bởi nó đã tiêu hủy hết. Do đây là công trường đang xây dựng, 2 ngôi mộ cũng đã bị phá hủy một phần, nên trong vài ngày tới các nhà khoa học sẽ tiếp tục khai quật, thu toàn bộ hiện vật mang về nghiên cứu.

Hiện, tại xã Thụy Phương (Từ Liêm) cũng đã phát hiện được một ngôi mộ khác. Sau này Bảo tàng Hà Nội có điều kiện sẽ tiến hành khai quật, đánh dấu từng viên gạch một để mang về trưng bày, cho người tham quan được tận mắt chứng kiến một ngôi mộ Hán nguyên vẹn


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hóa thạch 525 triệu năm ở Trung Quốc

 

 

Theo tiết lộ thì đây là bộ hóa thạch của một loài sinh vật biển.

Hóa thạch 525 triệu năm ở Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu hiện đang làm việc tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã phát hiện ra một mẫu hóa thạch có niên đại 525 triệu tuổi. Theo thông tin đưa ra đây là mẫu hóa thạch của một loài sinh vật biển có xúc tu. Đây là lần đầu tiên hóa thạch toàn phần bao gồm các mô mềm của loài sinh vật này được tìm thấy. Trong quá khứ những mẫu hóa thạch được tìm thấy trước đây đa phần là các mẫu nhỏ, lẻ.

Giáo sư David Siveter đến từ trường đại học Leicester thuộc Cục địa chất cho hay: “Thật ngạc nhiên khi mà cả các mô mềm cũng được bảo quản nguyên vện bao gồm các xúc tu có nhiệm vụ như những cánh tay cho đến các xúc tu sử dụng để ăn. Mẫu hóa thạch này sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về nhóm sinh vật cổ xưa này”.

Tên khoa học của loài sinh vật mới được khám phá này là Galeaplumosus.

Với mẫu hóa thạch mới được khai quật này các nhà khoa học sẽ đi sâu tìm hiểu về lịch sử tiến hóa của chúng trong những tháng tiếp theo.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện nhiều di vật cổ tại Thái Nguyên

 

 

 Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy đây là dấu tích của người tiền sử có niên đại ít nhất cách đây từ 7000-8000 năm 

alt

Theo thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, trong đợt khảo sát khảo cổ học cuối tuần qua tại huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ, Đoàn khảo cổ học của Bảo tàng Thái Nguyên và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện nhiều hang động có dấu tích người Việt cổ sinh sống; trong đó, đáng chú ý nhất là sự phát hiện các di vật cổ ở hang Ốc, thuộc địa bàn xóm Phố, xã Bình Long (huyện Võ Nhai).

Tại hang Ốc – nơi có diện tích hơn 100 m2, Đoàn khảo cổ đã phát hiện và sưu tầm được hơn 300 di vật đá cùng rất nhiều vỏ ốc bị chặt đuôi, xương, răng động vật và các loại như công cụ chặt thô, nạo, dao, cuốc… Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy đây là dấu tích của người tiền sử có niên đại ít nhất cách đây từ 7000-8000 năm; những vỏ ốc bị chặt đuôi, xương động vật là những tàn tích thức ăn của người xưa. Ngoài ra, đoàn khảo cổ cũng phát hiện được những mảnh gốm thời kim khí chứng tỏ hang được sử dụng làm nơi cư trú của cư dân thời đại kim khí cách thời đại ngày nay khoảng 3000 năm.

Theo các nhà khảo cổ, đây là di tích rất quan trọng, cần được quan tâm khai quật cũng như bảo tồn bởi hang Ốc có tầng lớp văn hóa dầy, chứa đựng những hiện vật của nhiều thời đại, hứa hẹn sẽ cung cấp những nhận thức mới về sự phát triển liên tục của văn hóa tiền sử Thái Nguyên và Việt Nam...

Từ những năm 1980, cũng tại huyện Võ Nhai, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích của người Việt cổ tại khu vực Mái Đá Ngườm thuộc xã Thần Sa. Hiện di chỉ khảo cổ học này đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia và trở thành một trong những “điểm nhấn” quan trọng trong hệ thống các điểm du lịch trên địa bàn.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thuyền độc mộc 700 tuổi trên sông Hương

 

 

Ngày 9/3, trong lúc lặn vớt phế liệu dưới sông Hương, hai người dân chài đã phát hiện 2 mũi và thân thuyền độc mộc cổ chìm dưới lớp bùn. Các hiện vật đã được giới sưu tập cổ vật ở Huế cất giữ để nghiên cứu.

Thuyền độc mộc 700 tuổi trên sông Hương

Thuyền được phát hiện dưới ngã ba Sình, gần đập Thảo Long (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), hạ lưu của sông Hương. Các hiện vật được phát hiện gồm hai mũi thuyền dài lần 2,65 m, 1,34 m và thân thuyền dài 2 m.

Theo nhận định ban đầu của nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, có khả năng đây là các bộ phận của ba chiếc thuyền độc mộc cổ tách rời. Bởi theo quan sát hai mũi và một thân mạn thuyền rất khác nhau, không phải là của một chiếc hoàn chỉnh.


“Rất có thể đây là thuyền độc mộc cổ của người sống trước thể kỷ 14, dùng để đi lại trên sông Hương trước khi người Việt vào Thuận Hóa năm 1306. Vì dung lượng cũng như kiểu cách thuyền rất hạn chế, khác hẳn với các loại thuyền của người Việt đầu thế kỷ 14 có kỹ thuật đường sông phát triển, con người biết xẻ ván gỗ đóng thuyền”, ông Phan nói.

Đây là lần thứ hai người dân phát hiện thuyền độc mộc trên sông Hương. Lần trước thuyền được phát hiện ở ngã ba Tuần, nơi thượng nguồn sông Hương.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện nhiều hiện vật nghìn năm tuổi dưới lòng hồ

 

 

Sau hai tháng khai quật giai đoạn 1 tại thôn Trà Veo 2, Trà Veo 3, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), các chuyên gia khảo cổ học phát hiện nhiều hiện vật có niên đại hàng nghìn năm vùi sâu dưới lòng hồ Nước Trong.

alt

Hồ Nước Trong là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Qua khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật cổ xưa thuộc lớp văn hóa của cư dân đá cũ: công cụ ghè đẽo bằng đá có niên đại hơn 10.000 năm; lớp cư trú cư dân hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí gồm: đồ gốm, rìu đá mài lưỡi, cuốc rìu đá có vai, công cụ bàn mài, chày nghiền bằng đá… cách nay hơn 4.000 năm.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy tại đây hiện vật thuộc lớp muộn của cư dân Sa Huỳnh gồm 6 mộ nồi kèm theo đồ tùy táng khuyên tai hai đầu thú. Nồi gốm được dùng làm mộ táng nằm một cụm trong hố khai quật, có niên đại hơn 2.000 năm. Ngoài ra, các chuyên gia khai quật còn phát hiện ở lòng hồ Nước Trong lò luyện sắt của cư dân bản địa có niên đại khoảng thế kỷ thứ 6. Qua phân tích, mẫu than trong lò luyện sắt này cách nay hơn 1.400 năm.

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, Tiến sĩ sử học Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng Quảng Ngãi cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy lớp cư dân đá cũ từng sinh sống, cư trú trên thượng nguồn sông Tang của Quảng Ngãi. Lớp văn hóa cư dân hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí đặc trưng về di vật đồ đá, gốm có mối quan hệ mật thiết với nền văn hóa hậu kỳ đá mới ở Tây Nguyên. Giai đoạn muộn Sa Huỳnh tại khu vực này cũng có mối quan hệ chặt chẽ với vùng Tây Nguyên”.

Tiến sĩ Khôi nhận định, căn cứ các hiện vật đồ đá, gốm đã khai quật nói trên, rõ ràng nơi đây có dòng chảy văn hóa từ Tây Nguyên chuyển dịch dần xuống phía Đông Trường Sơn; từ địa điểm thung lũng sông Tang chuyển xuống đồng bằng duyên hải; hình thành văn hóa Sa Huỳnh ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.


Các nhà khảo cổ học Quảng Ngãi đang phối hợp với chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khẩn trương khai quật, di dời, thu hồi toàn bộ di sản văn hóa khảo cổ trong lòng hồ Nước Trong để bảo tồn, trưng bày tại các bảo tàng.

Trước tình hình này, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép lùi thời gian kết thúc khai quật điểm di tích này đến ngày 30/5, chậm hơn ba tháng so với kế hoạch.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Bí mật xác ướp thời Minh còn nguyên vẹn

 

 

Mới đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy một xác ướp từ thời Minh vẫn còn nguyên vẹn nhưng xác ướp này là của ai và tại sao được bảo quản như vậy thì vẫn còn là một điều bí ẩn.

Bí mật xác ướp thời Minh còn nguyên vẹn

Tối ngày 24 tháng 2, tại đường Xuân Lan, thành phố Thái Châu (Giang Tô, Trung Quốc), công nhân mở đường đã tìm thấy ba chiếc quan tài thời Minh (1368 đến 1644) được làm bằng gỗ tốt nằm sâu dưới lòng đất trên 2 m. Ngày 28 tháng 2, nhân viên bảo tàng Thái Châu đã tiến hành làm sạch hai trong số ba chiếc quan tài và chỉ phát hiện gối gỗ, trang phục nhà Minh, đồ gốm, xương người…mà không tìm thấy bất cứ di vật nào có văn tự hay bất cứ tài sản gì có giá trị.

Tới ngày 1 tháng 3, khi mở nắp chiếc quan tài thứ ba, các nhà khảo cổ mới phát hiện, xác chết trong đó vẫn chưa hề bị mục nát.

Bên ngoài chiếc quan tài được phủ một lớp gạo nếp trộn bùn dày chừng 10 cm chứng tỏ đây là thi thể của một người được coi trọng vào thời Minh. Tuy nhiên, khi mở nắp quan tài ra, một thi thể nữ được bọc vải kỹ càng, chăn và trang phục đều được làm bằng vài thường chứ không phải tơ lụa. Điều này khiến cho các nhà khảo cổ gặp phải khó khăn trong vấn đề xác định đây là thi thể của ai, một dân thường hay một quý tộc. Toàn bộ thi thể được ngâm trong dung dịch màu vàng nâu. Xác ướp vẫn cứng, da còn nguyên vẹn, ngũ quan, tóc, lông mi đều còn có thể nhìn thấy rõ ràng một cách bí ẩn, thi thể dài chừng 1,5 m.

Đây không phải lần đầu tiên tìm thấy xác ướp tại Thái Châu. Tháng 11 năm 1980, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy xác của một đôi vợ chồng chôn cùng nhau. Được biết, đó chính là xác của Từ Phiên và vợ ông ta được chôn vào năm 1532, cách đây gần 500 năm.

Các nhân viên bảo tàng Thái Châu đưa xác ướp ra khỏi quan tài


Thái Châu có địa thế thấp, nước ngầm nhiều không giống như những xác ướp cổ được khai quật ở Tần Cương có khí hậu khô hạn mà khí hậu ở đây rất ẩm ướt và rất khó để bảo quản xác chết. Vậy tại sao xác ướp mới được tìm thấy lại còn nguyên vẹn trong khi hai xác chết được chôn bên cạnh đã bị phân hủy? Qua phân tích có thể thấy, không phải là biện pháp bảo quản khi chôn tốt cũng không có chất bảo quản gì đặc biệt. Có thể do mộ nằm ở chỗ thấp khiến cho ngước ngầm ngấm vào trong quan tài và trộn lẫn với các chất trong đó tạo thành một dung dịch chống phân hủy đặc biệt.

Từng đường kim mũi chỉ trên đôi giày vẫn còn nguyên


Quan sát quá trình các nhà khảo cổ khai quật có thể thấy thi thể đều không hề bị phân hủy, nước ngầm đã ngấm vào trong quan tài và thi thể bị ngâm hoàn toàn trong đó. Trong mộ của vợ chồng Từ Phiên, dung dịch trong quan tài có màu cả phê và có mùi thơm, dung dịch trong quan tài có lẽ có tác dụng bảo quản, dung dịch này chắc chắn không phải được cho vào lúc chôn mà do bị nước ngầm ngấm vào quan tài và kết hợp với các chất trong đó tạo nên. Trong những chiếc quan tài cổ được tìm thấy ở Ai Cập, người ta cũng phát hiện thấy những mùi thơm đặc biệt.

Thi thể vẫn còn rất cứng sau mấy trăm năm nằm dưới lòng đất


Giám đốc bảo tàng Thái Châu Uông Duy Dần cho biết nước không phải là nguyên nhân khiến thi thể bị phân hủy mà chính là vi sinh và oxy, vì lớp dung dịch trong quan tài rất dày nên đã cách ly được vi sinh vật và oxy xâm nhập vào. Hơn nữa, trải qua hàng trăm năm, có thể nước đã dần ngấm sâu vào trong quan tài và tạo nên một chất bảo quản tuyệt vời.


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trung Quốc phát hiện hố chôn tập thể cổ xưa

 

 

Hố chôn gồm nhiều thi thể và đồ vật được làm từ các chất liệu khác nhau được xác định có niên đại 3.000 năm.

Trung Quốc phát hiện hố chôn tập thể cổ xưa

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một hố chôn tập thể cổ đại tại khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương) có niên đại cách đây 3.000 năm.

Theo viện khảo cổ học Tân Cương, hố chôn vừa được khai quật rộng tới 10.000 m2. Đây là hố chôn tập thể đầu tiên được tìm thấy tại khu vực này. Các thi thể được chôn vùi cùng với nhiều vật thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau như mây, gỗ, đá, sừng, xương, đồng và sắt. Tại đây, các nhà khảo cổ học phát hiện thêm 1 ngôi mộ cùng 1 bàn thờ hiến tế.

Ngoài ra, họ còn phát hiện được những di sản văn hóa quý giá, một số vật liệu chưa từng được khám phá trước đây cũng như nhiều vật thể khác liên quan tới các lối kiến trúc xây xựng hay các phong tục chôn cất độc nhất vô nhị.

Nghiên cứu của các nhà khảo cổ học chỉ ra rằng, hố chôn tập thể nằm ở bên bờ phía nam của Con đường tơ lụa cổ đại  này có thể thuộc về Thời kì đồ sắt có niên đại cách đây 3.000 năm.

Những vật thể vừa được tìm thấy cũng hé mở nhiều thông tin quan trọng về môi trường sinh thái thời kỳ cổ xưa.


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9023305
Số người đang online: 18