Thanh Hóa: Phát hiện trống đồng cổ dưới chân núi Rú Thần

 

 

Trong lúc xới đất trồng cây khu vực dưới chân núi Rú Thần, ông Trịnh Văn Trung (42 tuổi, thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã phát hiện ra một chiếc trống đồng cổ.

Thanh Hóa: Phát hiện trống đồng cổ dưới chân núi Rú Thần

Theo ông Trung, mới đây, trong lúc đang xới đất trồng cây ông đã phát hiện một chiếc trống đồng cổ. Ngay sau khi phát hiện chiếc trống đồng cổ nói trên, người dân đã báo cáo lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Sau khi nhận được thông tim, Viện Khảo cổ học đã về tìm hiểu. Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ học, rất nhiều khả năng chiếc trống đồng mới được phát hiện thuộc về văn hóa Đông Sơn.

Theo quan sát, kích thước của chiếc trống khá lớn với đường kính khoảng 0,8m, chiều cao 0,6m. Giữa mặt trống đồng có một ngôi sao 12 cánh, xen giữa các cánh sao là những họa tiết và những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau.


Bao quanh các ngôi sao là các vòng, nhiều những hình người đan xen lồng ghép vào nhau, tái hiện một bức tranh về đời sống và sinh hoạt của con người thời bấy giờ như giã gạo, săn thú, múa hát, chèo thuyền... Bên cạnh đó là những hình động vật xen lẫn với hoa văn hình học.

Hiện tại, chiếc trống đang được các nhà khảo cổ tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và xuất xứ.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hà Tĩnh: Kết quả bước đầu đợt khai quật ngôi đền cổ bị chôn vùi trong cát

 

 

Sáng ngày 8/1, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, Bảo tàng tỉnh này cùng UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật ngôi đền cổ bị vùi lấp sâu trong cát tại Cồn Chỏi, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh.

alt

Theo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đền cổ, vết tích ngôi đền vừa được phát hiện là ngôi đền cổ, có hệ thống tường được xây bằng gạch nung, gồm 2 cột nanh có chiều cao 1,80m, đế rộng 0,36m x 0,36m gắn với tường dài 1,50 m, cao 0,95 m; phần đầu cột có 2 con Nghê được trang trí hoa văn rất đẹp; trước mỗi bức tường đắp nổi một con ngựa hình thế cân đối hài hoà, có kích thước chiều dài 1,1m, chiều cao 0,75;

Cổng vào đền chiều rộng 1,70m hai bên tả hữu là 2 cột nanh gắn với tường có chiều cao 2,85 m; chân đế trụ hình vuông kích thước 0,60m x 0,60m cao 0,35m; phía trước đắp nỗi hai câu đối chữ Hán gắn bằng mảnh sứ men lam “Kình thiên nam đối cao sơn thọ; Tiếp địa đông lai đại hải trường” (Ngôi đền này phía Nam đối mặt với núi cao đời đời; phía Đông tiếp đất lại có biển lớn, dài);

Cách cổng đền 1,35m là tắc môn hình chữ nhật kích thước đế 1,44m x 0,50m x 0,23m, thân có kích thước 1,30m x 0,38m; phía trước tắc môn đắp hình hổ phù được trang trí hoa văn bằng bằng mảnh sành sứ, mắt hổ gắn bằng thuỷ tinh làm cho hình tượng hổ có thần thái rất oai nghiêm và hùng dũng.
 
Ngoài ra, xung quanh khu vực đền có nhiều hiện vật cổ như: gạch, ngói mũi, bình vôi, đĩa sứ được trang trí hao văn lá cây, tất cả các hiện vật cổ gắn liền với di tích đều mang dấu ấn chế tác thời Nguyễn.

Phía sau đền 4 cây Chỏi đường kính 0,40m có niên đại tương đồng với ngôi đền, thân cây và ngôi đền bị vùi lấp dưới cát sâu gần 6m nhiều chục năm thậm chí hàng trăm năm.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là lịch sử hình thành ngôi đền đã bước đầu được lý giải tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật này. Theo đó, căn cứ vào các hạng mục công trình, các hiện vật mà nhóm khảo cổ khai quật được có thể khẳng định, ngôi đền mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thờ một vị thần theo nghi thức truyền thống vùng Hà Tĩnh.

Nguyên nhân khiến ngồi đền bị bỏ quên trước khi bị cát vùi lấp cũng đã được các nhà chuyên môn nhận định tại buổi báo cáo sơ bộ này. Theo đó, vết tích ngôi đền vừa được phát hiện là đền Đức Ông, thuộc Cồn Chỏi, làng Trảo Nha, tổng Đậu Chữ (nay là thôn Tiến Thành, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), một làng cổ có nhiều dòng họ sinh sống như họ Hồ, Tô, Hoàng, Trần, Đào, nhưng định cư lâu đời nhất tại ngôi làng cổ này là dòng họ Tô, đã trải qua 9 thế hệ khoảng 200 năm. Do biến động của lịch sử vào những năm giữa thế kỷ XX dân làng đã phiêu tán ra các vùng khác định cư, vì vậy khu Cồn Chỏi nơi có đền Đức Ông dần trở nên hoang vắng. Bị lãng quên, theo năm tháng ngôi đền bị cát vùi lấp. 

Cũng tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật các nhà chuyên môn nhận định, ngôi đền cổ thờ thần, nhưng hiện chưa rõ ngôi đền được lập thờ nhân thần hay nhiên thần.
 
Ông Võ Hồng Hải - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh - cho hay, các kết quả thăm dò khảo cổ tại di tích đền Đức Ông sẽ góp thêm cơ sở khoa học vững chắc cho việc nghiên cứu lập dự án “Bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích Đức Ông” đảm bảo tính chân xác trong trùng tu di tích.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện quần thể đền chùa 800 năm tuổi

 

 

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một quần thể ngôi đền cổ 800 năm tuổi tại Orkney, Scotland, vương quốc Anh, mang nhiều ý nghĩa văn hóa.

Quần thể những ngôi đền 800 tuổi này gồm 100 ngôi đền khác nhau, có thể gọi là “phường” đền. Nằm ​​cách 500 dặm về phía nam ở hạt Wiltshire, Scoland, mỗi ngôi đền nhỏ nằm trong một khuôn viên được thiết kế theo kích thước khác nhau.

Quần thể đền chùa 800 tuổi vừa phát hiện này được đánh giá là quan trọng hơn cả ngôi đền 5.000 năm tuổi cũng tìm thấy tại Orkney trước đó.

Tính đến nay, đã có 14 quần thể đền chùa thuộc thời kỳ đồ đá tại Anh được khai quật. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cho biết, có thể 100 quần thể đền chùa thuộc thời kỳ đồ đá tại Anh chưa được khai quật.

Theo nhà khảo cổ Oliver, ngôi đền 800 tuổi vừa được khai quật nằm trong mạng lưới di chỉ thời đồ đá mới ở Orkney, cho phép tái tạo một thế giới đồ đá cổ đại. Đó cũng như cánh cửa mở ra những điều kỳ bí của một thời kỳ đồ đá.

Các nhà khảo cổ đến từ Đại học Highland and Island (Anh) tin rằng, những khám phá mới về thời kỳ đồ đá giúp con người có nhiều niềm tin vào thế giới và vũ trụ.

Orkney là khu vực tồn tại nhiều quần thể, khuôn viên thuộc thời kỳ đồ đá. Hiện di chỉ thời kỳ đồ đá mới ở Orkney gồm bốn di sản: Maeshowe - mộ cổ rộng có nhiều phòng mộ, Standing Stones of Stenness và Ring of Brodgar- vòng tròn các cột đá dựng đứng, dùng cho nghi lễ, Skara Brae - nơi định cư của các người thời đồ đá mới.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

TRIỂN LÃM ẢNH “HÀ NỘI TRONG TÔI” LẦN THỨ VII: CÂU LẠC BỘ NHIẾP ẢNH NGƯỜI CAO TUỔI

 

 

Ngày 10 tháng 12 năm 2011, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Khai mạc triển lãm ảnh  “HÀ NỘI TRONG TÔI” lần thứ VII của CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội và hai CLB kết nghĩa: CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) và CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Vĩnh Long. Triển lãm ảnh có sự tham gia của Nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học.

alt

Đây là cuộc triển lãm hàng năm của các cụ nhiếp ảnh cao tuổi Hà Nội, với 27 hội viên, tuổi đời trung bình 70, các cụ Lê Vượng, cụ Nguyên Nhưng  tuổi đời là 94 và 96 tuổi. Các hội viên CLB gồm nhiều ngành nghề khác nhau đã nghỉ hưu như: phóng viên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Biên tập viên nhà xuất bản, Chuyên viên Khoa học xã hội, Lâm nghiệp…. Cuộc triển lãm năm nay có 92 tác phẩm của 23 tác giả Hà Nội và 20 tác phẩm của 17 tác giả hai CLB phía Nam kết nghĩa.

Nội dung các tác phẩm đều hướng vào những nét đẹp về cảnh vật, cuộc sống xã hội và tình người. Cuộc triển lãm thể hiện tình yêu vô hạn đối với Hà Nội và Tổ quốc nói chung, đồng thời cho thấy nhiệt tình lao động và say mê sáng tác của các cụ cao tuổi.

Triển lãm đã đón nhận được rất nhiều sự quan tâm và tình cảm mến mộ của người xem, thuộc nhiều tầng lớp và lứa tuổi.

 Bà Phạm Thị Nhung, số 12B4 B, Nghĩa Tân, Hà Nội đã viết: “Tôi rất vui và xúc động trước sự lao động và sáng tạo của các Nhiếp ảnh gia cao tuổi. Đóng góp của họ làm cho người xem thêm yêu đời, yêu cuộc sống, yêu Hà Nội thân thương. Xin cám ơn sự đóng góp lớn lao của các nhiếp ảnh gia cao tuổi Hà Nôi – cuộc đời rất cần những tấm lòng và nhiệt tâm của các vị.”. Một người Hà Nội xưa viết: “ Sau bao năm tưởng rằng Hà Nội đã bị đô thị hóa hoàn toàn, nhưng xem triển lãm hôm nay, tôi lại tìm thấy những khoảnh khắc của Hà Nội xưa, thật tuyệt vời khi còn lại những nơi, những con người đáng yêu như vậy.” Nghệ sĩ nhiếp ảnh cao tuổi Phạm Tuệ thì viết: “Đã lâu lắm người cầm máy ảnh mới được xem ảnh “thật” chứ không phải xem ảnh “giả”. Đây là điều đáng mừng, các đồng nghiệp vẫn theo con đường của mình, đạt được: ảnh Chân – Thiện – Mỹ. Xin cám ơn các bạn đồng nghiệp.”

Ngoài sự quan tâm của các khán giả cao tuổi, triển lãm còn đón nhận sự tham gia của các bạn trẻ. Đến với triển lãm ảnh, giới trẻ mang trong mình niềm yêu mến với Hà Nội và cảm phục tinh thần hăng say sáng tạo của các nhiếp ảnh người cao tuổi. Bạn Vân Anh, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu: “hoạt động này sẽ là tấm gương sáng về tinh thần say mê với nhiếp ảnh, về tình yêu nồng nàn với Hà Nội của các cụ đáng để thế hệ trẻ chúng tôi noi theo và học tập.”

Chúng tôi giới thiệu một số ảnh của tác giả Nguyễn Văn Kự - Nguyên cán bộ Viện khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội viên CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội trưng bày tại cuộc triển lãm.


 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lễ hội văn hóa Chăm Ninh Thuận qua ống kính của nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trương Văn Ẩn.

 

 

Nhiếp ảnh gia Trương Văn Ẩn là Hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, giám đốc bảo tàng  Ninh Thuận, ông có hơn 35 năm làm việc trong ngành Văn hóa thông tin của hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

alt

Chúng tôi giới thiệu một số bức ảnh trong số 150 ảnh của ông hiện trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng (đến hết tháng 12 năm 2011). Nội dung ảnh trưng bày bao gồm các Lễ hội Văn hóa Chăm Ninh Thuận mà ông đã sưu tập 12 năm qua: Lễ Katê; lễ Ramưwan; Lễ Tảo mộ; lễ Cha bun (lễ mẹ xứ sở), lễ Yươr yang (lễ cầu đảo)  tại đền tháp; lễ Rija Nưgar (lễ tống ôn đầu năm); lễ Palau sah(lễ cầu đảo) ở các cửa biển; lễ Rija Harei (lễ múa ban ngày); lễ Rija Praung (lễ múa lớn); lễ cúng đập nước Kaya; Lễ tôn chức phó cả sư (Tapah) và thầy Bà xế (puah); lễ Karơh (lễ cắt tóc); lễ cưới của người Chăm Ahiêr và Chăm Awal; lễ Ndam cuh (lễ hỏa táng); lễ Ba talang tamư Kut (lễ nhập Kut).


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện mộ thân cây ở Thái Nguyên

 

 

Lần đầu tiên tại khu vực Việt Bắc, các nhà khảo cổ Việt Nam phát hiện loại di tích quan tài bằng thân cây khoét rỗng có từ cách đây 500 năm.

Phát hiện mộ thân cây ở Thái Nguyên

Quan tài được tìm thấy có độ dài toàn bộ là 2,8 m trong hang đá thuộc bản Ta Ngoải, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nó được đẽo từ một thân cây gỗ lớn, đặt trong ngách hẹp có hướng đông tây, ở vị trí cao cách nền hang khoảng 0,8 m.

Căn cứ vào những vết gia công để lại, các nhà khảo cổ cho rằng, người xưa đã tách đôi thân cây gỗ theo chiều dọc, tạo thành hai tấm có mặt cắt hình bán nguyệt khá đều nhau. Tiếp đến, họ đẽo phần bên trong của hai tấm gỗ lõm xuống hình lòng máng.

Hiện phần nắp trên của quan tài đã bị bật mở, tấm đáy của quan tài, nơi đặt thi thể người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ tùy táng rơi xuống nền hang.

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy ở hai chiếc bát ở gần vị trí mảnh sọ. Theo các nhà khoa học, chiếc bát có niên đại từ thế kỷ 15, thuộc dòng gốm Chu Đậu, Hải Dương.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát, đây là lần đầu tiên tìm thấy loại di tích quan tài bằng thân cây, táng trong hang ở khu vực rừng Việt Bắc.

"Phát hiện này có giá trị khoa học cao, gợi mở nhiều nhận thức mới về lịch sử, văn hóa vùng Việt Bắc. Còn rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ về chủ nhân ngôi mộ và truyền thông văn hóa, xã hội của khu vực trong lịch sử", ông Chung nói.

alt
Hai chiếc bát tìm thấy trong quan tài. Ảnh: Trình Năng Chung.
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Sơ

 

 

Kết quả khai quật khảo cổ học suốt tháng 10 và 11 tại điện Kính Thiên (thuộc Hoàng thành Thăng Long ở số 9 Hoàng Diệu, Hà Nội) vừa được Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội công bố sáng 6-12.

alt

Chỉ với năm hố khai quật với tổng diện tích 100m2, các nhà khảo cổ học đã khẳng định được niên đại của thềm rồng trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Kết quả cho thấy nhiều dấu tích của điện Kính Thiên thời Lê Sơ không còn nguyên vẹn nữa (do được sửa chữa thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn).

Nói theo PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học), “lần đầu tiên chạm đến chỗ thiêng liêng nhất của kinh thành Thăng Long” nên tất cả đều rất cẩn trọng. Sau hai tháng khai quật tại năm điểm, các nhà khoa học cũng chỉ mới đào sâu xuống 1m so với mặt đất và chưa tiếp cận được lớp sinh thổ.

Tuy diện tích nhỏ nhưng lần khai quật này được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu dấu tích kiến trúc và quy mô của Hoàng thành Thăng Long xưa.

Tầng văn hóa thời Lê Sơ thể hiện rõ nét ở dấu tích của đan trì (sân rồng dành cho vua quan nhà Lê) xây dựng bằng gạch vồ có niên đại kéo dài từ thời Lê Sơ đến thời Lê Trung Hưng chìm xuống 1m so với bề mặt. Loại sân nền này có quy mô rộng toàn bộ khu vực từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên. Đặc biệt quan trọng là phía dưới nền điện Kính Thiên có xuất hiện ba dấu tích móng đầm kiến trúc dài 4,2m.

Các nhà khoa học cho rằng đấy có thể là dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Sơ. Dấu tích thời Nguyễn với các nền gạch, móng tường, móng đầm được phát hiện ở độ sâu 60cm so với bề mặt hiện tại. Đặc biệt, đối chiếu với những bức ảnh chụp của Pháp và kết quả khảo cổ, các nhà khoa học đi đến khẳng định: dù điện Kính Thiên có niên đại từ thời Lê Sơ nhưng quy mô nền điện hiện nay lại thuộc về thời Nguyễn.

Theo đánh giá của GS Phan Huy Lê, kết quả đào thám sát các hố khai quật đã làm rõ diễn tiến của khu vực khai quật từ thế kỷ 15 cho đến nay, đặc biệt là thời kỳ Lê Sơ. Còn GS Lưu Trần Tiêu (chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN) khẳng định kết quả khai quật cũng cho thấy bên trong khu vực Hoàng thành Thăng Long còn rất nhiều nghi vấn cần phải làm sáng tỏ để trả lại diện mạo nguyên vẹn cho một giai đoạn lịch sử dài.

Trên cơ sở báo cáo của đoàn khai quật cũng như tìm hiểu thực địa, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) cho rằng khi đào sâu xuống phát hiện thêm một bậc thềm. Như vậy là có 10 bậc chứ không phải 9, và 10 không phải là con số dành cho nhà vua. Số bậc đá này cũng không tương ứng với số đếm của các trục 9, 11. Giải quyết vấn đề này, có lẽ chúng ta nên nhấc các bậc đá lên để xác định các dấu vết bậc đá còn sót lại của điện Kính Thiên thời Lê Sơ.

Với những kết quả được tìm thấy tại khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, GS Phan Huy Lê và một số nhà khoa học đề nghị nên giữ lại một hố khai quật thể hiện rõ nhất diễn tiến văn hóa từ thời Lê Sơ. “Chúng ta phải giải quyết khó khăn lớn nhất là gia cố thế nào để tránh ngập nước. Nhưng nếu lấp tất cả đi sẽ rất đáng tiếc” - GS Lê nói.

Cùng quan điểm, nhiều nhà khoa học cho rằng nếu cứ đào lên rồi lấp đi thì rất lãng phí. Bởi vì nếu khu 18 Hoàng Diệu cho khách tham quan hiểu rõ diễn tiến từ thời Đại La đến thời Trần thì khu vực điện Kính Thiên (số 9 Hoàng Diệu) lại thể hiện rất rõ thời kỳ từ Lê Sơ đến hiện tại.

Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thế Hùng (cục trưởng Cục Di sản văn hóa) cho rằng nên “tạm thời lấp đi đến khi có hiểu biết rộng hơn và khai quật đủ thì khi đó mới lên kế hoạch bảo tồn tổng thể”.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hóa thạch hổ cổ đại hai triệu năm

 

 

Các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch loài hổ tuyệt chủng cách đây hai triệu năm tại Trung Quốc.

Hóa thạch mà các nhà khảo cổ tìm thấy gồm hộp sọ của loài hổ tên Panthera Tigris, xuất hiện cách đây hơn hai triệu năm. Loài này có hàm răng sắc, mũi dài. Hộp sọ của loài hổ này nhỏ hơn kích thước loài hổ hiện đại nhưng có nhiều nét tương đồng.

Theo các chuyên gia, loài hổ cổ đại này giống con mèo khổng lồ, ăn thịt động vật và có thể di chuyển tới châu Á. Trọng lượng loài hổ này có thể lên tới 660 pound (khoảng 300kg).

Nguồn gốc của loài hổ này đang được các nhà khoa học tìm hiểu. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng xuất hiện ở miền trung Trung Quốc hoặc ở bắc Siberia và di chuyển tới châu Á.

Trước đó, các nhà khoa học phát hiện hộp sọ của loài báo tuyệt chủng tại phía Tây Bắc Trung Quốc có niên đại từ 2,16 – 2,55 triệu năm và một hóa thạch hổ khác xuất hiện cách đây nửa triệu năm.

Như vậy, đến nay, loài hổ cổ đại nhất được xác định là Panthera Tigris.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lưỡi câu cổ nhất thế giới tại Đông Timor

 

 

Các nhà khoa học vừa phát hiện được những lưỡi câu bằng xương được chế tạo từ 42.000 năm trước đây tại một hang động ở Đông Timor, bằng chứng cho thấy con người đã đánh cá ngoài biển sâu lâu hơn nhiều so với những ước tính trước đây.

Các cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy rằng những người tiền sử đã có khả năng vượt qua những vùng biển sâu từ khoảng 50 nghìn năm trước đây, như họ đã từng làm khi xâm chiếm Australia. Tuy nhiên, cho tới nay các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được những chứng cứ cho thấy rằng việc đánh bắt cá ở những vùng biển sâu mới chỉ bắt đầu từ khoảng 12 nghìn năm trước.

Bà O’Connor và các đồng nghiệp của mình vừa phát hiện được dấu vết của một số công cụ đánh cá thời tiền sử và xương của những con cá lớn như cá ngừ tại một hang động có tên là Jerimalai, (Đông Timor).

Tại địa điểm khai quật này, các nhà khoa học đã phát hiện được có các mũi lao bằng xương, các chuỗi hạt làm từ vỏ sò và khoảng 38.000 chiếc xương cá thuộc 23 loài khác nhau, trong đó có các loài cá sống ở các vùng nước sâu như cá ngừ hoặc cá vẹt. Trong đó, đáng chú ý nhất là những chiếc lưỡi câu được làm bằng xương có niên đại khoảng 42.000 năm. Cho đến nay, đây là những chiếc lưỡi câu được chế tạo sớm nhất trên thế giới. Bà O’Connor nói: “Rất có thể người ta đã đánh bắt cá ngừ tại các luồng nước sâu ngoài khơi của hang Jerimalai”. Bà phỏng đoán rằng, do các đảo thuộc Đông Timor có rất ít động vật trên cạn và các loài chim, bởi vậy có thể là những người dân cổ đại đã phải tăng cường việc đánh bắt cá để sinh sống.

Có khoảng một nửa các bộ xương phát hiện được tại địa điểm khảo cổ là xương của các loài cá lớn sống ở các vùng biển xa như cá ngừ. Đây là những loài cá sống ở sâu dưới nước và có tốc độ rất nhanh và để bắt được những loài cá như vậy đòi hỏi phải có kỹ năng và công nghệ đánh bắt cá phức tạp. Điều này cho thấy rằng có thể những người tiền sử đã có được những kỹ năng này sớm hơn so với những nghiên cứu trước đây. Bà O’Connor nói: “Tôi nghĩ rằng những chứng cứ phát hiện được ở Đông Timor cho thấy rằng con người đã có khả năng đánh bắt cá xa bờ từ rất sớm”.

Một số nhà khoa học có thể cho rằng hầu hết các xương cá dường như là của những con cá còn nhỏ, và do đó chúng có thể bị đánh bắt dễ dàng ở gần bờ chứ không phải là ở những vùng biển xa. Tuy nhiên, bà O’Connor phản bác: “Dù có như thế đi chăng nữa, thì cũng không dễ dàng gì để đánh bắt những con cá ngừ, bởi việc đó đòi hỏi người ta phải đặt lưới ở sâu dưới biển”.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Nguồn gốc thực sự của Bức tường thành Jerusalem

 

 

Lịch sử của một trong những địa điểm linh thiêng nhất thế giới đối với cả người Do Thái và người Hồi Giáo có lẽ sẽ phải được viết lại sau một khám phá bất ngờ của các nhà khảo cổ Israel.

Ngày (23/11), một nhóm khảo cổ học Israel cho biết, họ đã tìm thấy những đồng tiền cổ có thể chứng minh nguồn gốc thực sự của Bức tường phía Tây thành Jerusalem.

Trong nhiều thế kỷ, người ta luôn tin rằng bức tường được xây dựng bởi vua Herod - người đứng đầu nhà nước Do Thái cổ đại khi chúa Giê - su ra đời.

Tuy nhiên, thông tin từ những đồng tiền bị chôn vùi dưới bức tường cho thấy chúng được đúc 20 năm sau cái chết của vua Herod vào năm thứ 4 trước Công nguyên. Như vậy, công trình này nhiều khả năng là do người kế nhiệm ông xây dựng nên.

Chủ nhân của những đồng tiền được xác định là Flavius Josephus, một vị tướng Do Thái, người về sau trở thành nhà sử học La Mã.

Trong một số tài liệu của mình, ông đã viết về cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại thành Rome, phá hủy Đền thờ vào năm 70 sau CN và cả về việc xây dựng Temple Mount (Núi Đền) của vua Agrippa II - cháu trai Herod Đại đế.

Những thông tin này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp “bằng chứng khảo cổ học đầu tiên cho thấy một phần của bức tường rào không phải thuộc về Herod”, nhà khảo cổ học Aren Maeir đến từ Đại học Bar - Ilan phát biểu.

Bức tường phía Tây (hay còn gọi là Bức tường Than khóc) - một phần còn sót lại của bức tường cổ bao quanh đền thờ Do Thái, nằm ở phía tây Temple Mount thuộc thành phố cổ Jerusalem.

Theo kinh Tanakh, Đền thờ của Solomon được hoàn thành trên đỉnh Temple Mount vào thế kỷ thứ 10 trước CN và bị quân Babylon tàn phá năm 586 trước CN. 70 năm sau, Ngôi đền thứ hai được tái xây dựng. Khoảng năm 19 trước CN, Herod Đại đế bắt đầu một công trình vĩ đại tại đây. Ông cho mở rộng khu vực này thành một gò, hay một nền đất lớn. Ngày nay, Bức tường Than Khóc là một phần còn sót lại của nền đất này và người ta tin rằng tất cả đều do Herod Đại đế xây dựng.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9023811
Số người đang online: 25