Hà Tĩnh: Phát hiện dãy thành lũy cổ bằng đá

 

 

Ngày 17/6 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hà Tĩnh vừa cho biết, nhóm nghiên cứu khảo cổ học Hà Tĩnh vừa phát hiện đoạn thành lũy cổ bằng đá trên địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh.

Hà Tĩnh: Phát hiện dãy thành lũy cổ bằng đá

Theo đó, thành lũy cổ được nhóm nghiên cứu phát hiện nằm ở đỉnh Đèo Bụt thuộc địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Thành lũy nằm theo trục từ Tây sang Đông với chiều dài hơn 1km và được ghép bằng những phiến đá liếp kích thước to nhỏ không đều nhau.

Phía Nam, mặt đứng thành lũy tạo theo phương thẳng đứng (độ cao bình quân 3.5m - 4 m), phía Bắc chân thành lũy được mở rộng ra, cách nhau 5m lại được tạo một ô hình vuông (70cm x 70cm) xuyên từ mặt bắc sang mặt nam của thành và cứ 20 m có ghép lớp đá theo kiểu tam cấp để lên mặt lũy. Mặt trên thành lũy khá bằng phẳng, nơi rộng nhất là 2m, nơi hẹp nhất từ 1.20m 1.50m.

Khảo cứu ban đầu được biết, thành lũy cổ trên là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) kéo dài từ Tây sang Đông với độ dài khoảng trên 30 km do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn (345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới.

Lũy bắt đầu từ địa phận làng Ngưu Sơn tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Nam, Kỳ phương) kéo tận lên làng Xuân Quan, Xuân Sơn tổng Vọng Liêu (nay là xã Kỳ Lạc), chỗ được ghép bằng đá, chỗ đắp bằng đất và xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn. Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (đợt thứ 5 - 5/1655-5/1659) thì hệ thống lũy này được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm nên người dân còn gọi là lũy ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).

Anh Nguyến Tiến Thiệu cán bộ chuyên trách văn hóa xã Kỳ Lạc cho biết thêm, trước đây lũy đá này này được cây rừng bao phủ. Thời kỳ xây đập Kim Sơn (xã Kỳ Hoa) người dân trong vùng đã khai thác đá của thành lũy để kè bờ đập và trong quá trình xây dựng đường điện Bắc - Nam, một cột trụ của đường điện nằm sát điểm đầu vị trí Đèo Bụt nên một phần thành lũy bị phá vỡ.

Đây là một phát hiện khá lý thú chuyên ngành khảo cổ học nói riêng và giới nghiên cứu lịch sử nói chung trong việc khám phá, nghiên cứu về những dấu tích thành lũy cổ Việt Nam.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hơn 17 kim tự tháp nhờ vệ tinh NASA

 

 

Một “kho báu” gồm 17 kim tự tháp, khoảng 3.000 ngôi mộ và nhà cổ vừa được nhà khảo cổ học, giáo sư Sarah Parcak Trường Đại học tổng hợp Alabama (Mỹ) phát hiện tại Ai Cập thông qua sử dụng hình ảnh từ một vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Trong hơn một năm, giáo sư Parcak đã sử dụng những hình ảnh có độ phân giải cao do một vệ tinh của NASA chụp khu vực Saqqarah và Tanis, một khu vực khảo cổ quan trọng ở miền Đông Bắc Ai Cập. Vệ tinh của NASA có thể phân biệt được những đồ vật có đường kính dưới 1m trên mặt đất. Hình ảnh chụp bằng tia hồng ngoại còn phân biệt được nguyên vật liệu nằm ở dưới đất, đồng thời làm nổi bật hình dạng của những ngôi nhà, ngôi mộ và đền thờ.

Bộ phim tài liệu về việc khai quật “kho báu khảo cổ” ở Ai Cập của giáo sư Parcak đã được phát trên kênh truyền hình BBC vào ngày 30/5 với tựa đề “Những thành phố bị mất tích”.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hà Tĩnh: Phát hiện ấn đồng cổ thời Lê

 

 

Ngày 5/6, ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc bảo tàng Hà Tĩnh cho biết nhà thờ họ Hoàng (thôn Vân Hải, Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện đang lưu giữ chiếc ấn cổ bằng đồng từ thời Lê vô cùng quý giá.

Hà Tĩnh: Phát hiện ấn đồng cổ thời Lê

Trao đổi với VietNamNet, ông Hạnh cho biết, chiếc ấn này có kích thước 10cm x 7cm, dày 1,3cm, trọng lượng 1kg. Chiếc ấn dù đã bị cháy và bị bào mòn một phần nhưng vẫn còn giữ nguyên được các đường nét của chữ khắc nổi ở mặt trước.

Theo ông Hoàng Mão, tộc trưởng dòng họ Hoàng, chiếc ấn này đã được dòng họ ông lưu giữ từ nhiều đời này. Ông Mão cho biết chiếc ấn có liên quan đến một vị tướng tên Hoàng Xuân (1705-1779), quê ở làng Vân Hải, tổng Cổ Đạm, thuộc huyện Nghi Xuân, làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông (1717-1786). Ông Hoàng Xuân từng lập được nhiều chiến tích và được phong giữ chức Đô chỉ huy sứ Đại tướng quân.

Ông Hạnh cho biết ngoài chiếc ấn đồng quý trên, dòng họ Hoàng còn lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ thời hậu Lê như chiếc khánh bằng đồng, bộ lư đồng, cờ hiệu bằng vải…

Trước đó vào năm 2009, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã từng phát hiện được chiếc ấn đồng cổ thời Tây Sơn (1798 – 1802) tại gia đình ông Đậu Đình Văn (làng Khả Luật, Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên).

Chiếc ấn này có trọng lượng 600g, kích thước 10cm x 7cm, dày 1,3cm, bề mặt sau ấn có 2 dòng chữ Hán nằm đối xứng với nhau, bao quanh bề mặt chính của ấn có khung viền gờ nổi 1cm, trong đó khắc 9 chữ được tạo thành 3 dòng, mỗi dòng 3 chữ theo thế chữ Triện.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện dấu tích bến gốm sứ cổ

 

 

Trong đợt điều tra khảo sát trên Vịnh Hạ Long, Viện Khảo cổ Việt Nam và Ban Quản lý Vịnh Hạ long đã phát hiện dấu tích một bến gốm sứ cổ tại hang Trinh nữ.

alt

Trước đó, vào năm 2000, các nhà khảo cổ đã phát hiện những dấu tích của cư dân tiền sử thuộc văn hoá Hạ Long, cách nay khoảng 4.000 năm còn lưu lại trong lòng hang.

Khảo sát lần này, các nhà khảo cổ học phát hiện thêm những bằng chứng của người tiền sử như lớp trầm tích văn hoá chứa than tro, mảnh xương động vật, mảnh gốm và di vật đá, các nhà khảo cổ còn phát hiện được dấu tích của bến gốm sứ cổ ở khu vực trước cửa hang Trinh Nữ.


Cụ thể, các chuyên gia đã phát hiện được nhiều mảnh gốm sứ, sành (chủ yếu là các lon sành dầy, thô), vò, hũ các loại với nhiều hoa văn trang trí khắc vạnh song song hay hình sóng nước. Các mảnh vỡ bát đĩa được xác định thuộc thời Trần, mảnh đồ gốm có men lam thời Lê, cùng nhiều mảnh gốm sứ có xuất xứ nước ngoài.

Căn cứ vào kết quả khảo sát cho thấy, đây là di tích bến gốm sứ cổ giống như các di tích bến thuyền cổ khác đã được phát hiện và chịu ảnh hưởng của hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn.


PGS.TS. Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát cho biết, do địa hình và vị trí khá kín đáo của khu vực này nên có nhiều khả năng đây là bến gốm sứ cổ có quy mô nhỏ và không thường xuyên. Có thể là do những điều kiện đặc biệt nào đó (tránh bão, tránh sự kiểm soát của thuế quan…) mà khu vực hang Trinh Nữ được chọn làm nơi bến đậu giao và nhận hàng. Di tích bến gốm sứ cổ này được xác định tồn tại khoảng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Australia thấy hóa thạch khủng long Spinatosaurid

 

 

Các nhà khoa học vừa phát hiện xương hóa thạch của khủng long Spinatosaurid bí ẩn tại bang Victoria của Australia, cho thấy loài khủng long này không chỉ cư trú ở Bắc bán cầu như người ta vẫn nghĩ mà trên thực tế chúng còn đi xa hơn rất nhiều.

Australia thấy hóa thạch khủng long Spinatosaurid

Spinatosaurid là loài bò sát lớn sống ở giai đoạn đầu của kỷ Phấn Trắng, có niên đại cách đây 146-140 triệu năm. Loài bò sát chuyên ăn cá này di chuyển trên hai chân sau và có mõm giống như cá sấu.

Các nhà khảo cổ học Australia đã khai quật được mẫu xương sống hóa thạch của khủng long Spinatosaurid từ những năm 1990 nhưng chưa xác định được thuộc về loài nào. Từ đó đến nay, mẫu hóa thạch này được lưu giữ tại Viện bảo tàng Victoria ở Melbourne để chờ phân tích.

Nhà nghiên cứu Paul Barrett, thuộc Viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên tại London (Anh), cho biết việc phân tích mẫu hóa thạch kết hợp với các bằng chứng khác cho thấy đây thuộc về khủng long Spinatosaurid, chứng tỏ loài bò sát này di chuyển tới các vùng đất xa xôi hơn nhiều so với nhận định trước đó của giới khoa học.

Trong trường hợp của Australia, khủng long Spinatosaurid đã có một hành trình tới đây trước khi vùng đất này tách khỏi đại lục để trở thành một lục địa độc lập.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hóa thạch sinh vật có gai 700 triệu năm tuổi

 

 

Các nhà khảo cổ sinh học đến từ Đại học Harvard (Mỹ) vừa phát hiện một hóa thạch sinh vật có gai khoảng 700 triệu năm tuổi tại biên giới Alaska - Canada - thông tin đăng tải trên tờ The Journal Geology ngày 8 - 6 cho biết.

Phát hiện hóa thạch sinh vật có gai 700 triệu năm tuổi

Theo các chuyên gia, sinh vật có gai này thuộc loài sinh vật có chi Characodictyon sống vào thời điểm quả cầu tuyết Trái đất xuất hiện, cách đây 717 – 812 triệu năm. Thời điểm này, các sinh vật đơn bào phát triển mạnh và sau đó có thể bị "nhấn chìm" dưới lớp băng giá.

Tác giả Cohen và Macdonald cùng các đống sự tại Đại học California, Mỹ (UCLA) đã chụp lại hình ảnh 3D của hóa thạch này. Những hình ảnh hiện rõ loài sinh vật có cấu trúc theo từng mảng như một chiếc đĩa, mỗi mảng rộng 20 micro- bằng 1/5 đường kính sợ tóc. Nó xếp theo hình tổ ong, có nhiều màu sắc và đều có gai nhô ra.

Theo phân tích, các gai bao quanh cơ thể giúp sinh vật tiêu hóa và giải phóng chất thải, cũng như có tác dụng như một "áo giáp” bảo vệ cơ thể.

Loài sinh vật có gai này sống nổi trên mặt nước và không lặn được sâu. Đây là một trong những loài động vật ăn tạp sớm nhất có tác động tích cực trong quá trình phát triển sinh vật đơn bào.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu và hi vọng sẽ phát hiện thêm nhiều loài sinh vật cổ khác chứng minh cho sự phát triển của thế giới sinh vật cổ.

 

Phát hiện một thành phố lâu đời nhất của châu Âu

 

 

Truyền thông địa phương đưa tin, các nhà khảo cổ Bulgaria đã phát hiện một thành phố 7.000 năm tuổi, được cho là lâu đời nhất tại châu Âu.

Phát hiện một thành phố lâu đời nhất của châu Âu

Khu khai quật trên ở gần thành phố Pazardzhic thuộc trung tâm của Bulgaria.

Vào năm 2008, nhóm nghiên cứu của nhà khảo cổ Yasen Boyadzhiev đã phát hiện ở khu vực trên một có một nghĩa địa cổ rộng lớn, được biết đến dưới cái tên hiện nay là vùng Yunatsite, có nghĩa là những người anh hùng.

Sau đó, các cuộc khai quật đã được mở rộng và mới đây (ngày 4/6) các nhà nghiên cứu công bố, họ đã tìm thấy một khu định cư rộng lớn và lâu đời đến kinh ngạc, trải rộng 100.000km2 và có niên đại từ khoảng 4.700-4.600 năm trước Công nguyên.

Nhà khảo cổ Boyadzhiev nói, khu vực này có tất cả các nét đặc trưngcủa một thành phố trung tâm. Một con hào và những bức tường phòng thủ, tất cả đều bố trí hợp lý.

Bên trong những bức tường, các nhà khảo cổ phát hiện thấy, không chỉ có các ngôi nhà mà còn cả những công trình giống như trung tâm công xưởng. Một vài đồ tạo tác trong số này cho thấy kỹ năng sản xuất nơi đây rất phát triển.

Nhà khảo cổ Boyadzhiev bày tỏ, cho đến nay, những công trình xây dựng có quy mô thành phố như vậy chỉ có thể được tìm thấy ở các khu định cư của những giai đoạn muộn hơn.

 

Phát hiện cổ vật liên quan đến phế tích Tháp Chămpa

 

 

Sau một tuần tiến hành khai quật tại địa điểm thuộc thửa đất số 173 và 101 khu vực xóm Cấm (thuộc tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), đoàn khảo cổ đã phát hiện một số hiện vật cổ có liên quan đến tháp cổ Chămpa có niên đại hơn 1.000 năm tuổi.

alt

Ông Nguyễn Chiều, Giảng viên Khảo cổ học, Khoa Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội -  người chủ trì đoàn khai quật cho biết, khi đào sâu xuống 1,5m trên bề mặt diện tích 36m2, đoàn khảo cổ phát hiện nhiều cổ vật liên quan đến tháp Chăm như: 2 phác thảo chưa rõ về biểu tượng rắn 3 đầu, nhiều gạch Chăm cổ có trang trí hoa văn, 1 bậc tam cấp bằng đá, 1 con voi bằng đá, một ít ngói… Tất cả được sắp xếp theo hình khối của tháp Chăm, trong đó các cổ vật đã bị dịch chuyển do phế tích bị ngã đổ.

Theo kế hoạch, việc khai quật sẽ tiến hành từ nay đến hết tháng 10/2011 với hai giai đoạn. Gai đoạn 1 diễn ra từ ngày 6 đến 24/5, chủ yếu khai quật thăm dò trong khuôn viên 36m2, từ đó có thể định hình được vị trí toàn bộ khu Tháp. Sau khi hội thảo, đánh giá kết quả đợt 1, đoàn khảo cổ sẽ tiếp tục khai quật đợt 2, trong đó chủ yếu đào thám sát các vị trí có liên quan đến khu phế tích.

Toàn bộ số cổ vật khai quật được, sẽ chuyển về trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện mộ "nàng Mona Lisa"?

 

 

Ngày 14-5, các chuyên gia khảo cổ Ý đã phát hiện nơi được coi là chốn yên nghỉ của người mẫu gợi cảm hứng cho danh họa Leonardo da Vinci vẽ nên bức chân dung nàng Mona Lisa nổi tiếng.

Phát hiện mộ

Báo Daily Mail cho hay giáo sư Silvano Vinceti - người chỉ đạo cuộc tìm kiếm người mẫu Lisa Gherardini Del Giocondo, đã phát hiện ngôi mộ của nàng dưới nền nhà tu viện St Ursula ở thành phố Florence của nước Ý.

Ngôi mộ này nằm cách chân móng mới của tu viện chừng 30cm. Ông Vinceti và các đồng sự đã đào bới lớp gạch cổ xưa rộng chừng 90cm và phát hiện thấy họ đang đứng ngay chỗ ban thờ, tìm thấy hai ngôi mộ, một ngôi cổ hơn và họ tin rằng một trong hai ngôi mộ đó là của Lisa Gherardini.

Hai ngôi mộ họ tìm ra được nhắc đến trong các tài liệu cổ của nhà thờ năm 1495 và 1625. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những đồ gốm tuyệt đẹp và xương cổ. Tuy nhiên, họ cần phải mở ngôi mộ ra để xem xét bên trong và so sánh ADN giữa hài cốt trong đó với hài cốt của những người con được chôn cất tại nhà thờ Santissima Annunziata ở thành phố Florence.

Sau đó, các chuyên gia sẽ dựng lại gương mặt của Lisa Gherardini và so sánh với bức vẽ nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo.

Tu viện St Ursula/Saint`Orsola bỏ hoang - nơi các chuyên gia tìm thấy mộ được coi là của nguyên mẫu nàng Mona Lisa

Lisa Gherardini mất năm 1542, là vợ một thương nhân buôn tơ lụa giàu có tên là Francesco del Giocondo. Tại Ý, bức tranh Mona Lisa được gọi là La Gioconda.

Các nhà nghiên cứu lịch sử đã phát ra giấy chứng tử của Lisa Gherardini, trong đó ghi nơi yên nghỉ là tu viện Saint Orsola nhưng họ e rằng sau 500 năm, ngôi mộ của bà đã bị di dời. Trong khi đó, các nhà sử học hiện đại cũng nhất trí rằng nguyên mẫu Mona Lisa chính là Lisa del Giocondo theo họ chồng - người sau đó trở thành tu sĩ sau khi chồng mất và bản thân bà mất vào ngày 15-7-1542, thọ 63 tuổi.

Giáo sư Vinceti đã dùng radar, bản đồ và các tư liệu cổ để phát hiện ngôi mộ này. Ông từng dùng phương pháp này để xác định được hài cốt của danh họa Caravaggio thời Phục hưng vào năm ngoái.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

LỄ PHẬT ĐẢN - NGÀY LỄ LỚN CỦA PHẬT GIÁO

 

 

Ngoài hội Vu Lan, hội Phật Đản (ngày sinh của đức Phật) vào ngày 8 tháng tư Âm lịch(1) cũng là một hội lớn của Phật giáo. Từ thời Lý-Trần, hội Phật Đản đã được tổ chức trọng thể. Một nghi thức quan trọng của ngày hội này là tắm Phật. Sách An Nam chí lược của Lê Trắc thời Trần chép: "Mài trầm hương, hòa hương với nước đem tắm tượng Phật. Dùng bánh tròn tinh khiết để dâng cúng". Ngày nay, người ta thường dùng nước ngũ vị hương (nước nấu bằng các hoa cỏ thơm) dội lên tượng Phật. Cái khăn lau tượng bằng vải đỏ cũng được xé ra chia cho mỗi người một mảnh để cầu phúc.

Lễ tắm Phật ở Việt Nam còn gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của người nông dân. Người ta tin rằng, trong ngày mồng 8 tháng tư, trời thế nào cũng mưa để lấy nước tắm Phật. Và ngược lại, lễ tắm Phật bằng cách dội nước cũng là một hình thức cầu mưa. Người nông dân Việt Nam tin rằng, ngày 8 tháng tư mà không mưa thì mùa màng sẽ mất. Đã có câu ca dao:
Mồng tám tháng tư không mưa,
Vứt cả cày bừa mà lấp ruộng đi.
Những cư dân trồng lúa cần nước. Trong bốn nhu cầu thiết yếu mà người nông dân Việt Nam đã tổng kết là "nước, phân, cần, giống" thì nước là hàng đầu. Mà ở khu vực nhiệt đới gió mùa này, nói đến nước là nói đến mưa. Chính vì thế mà khi Phật giáo mới truyền nhập vào Việt Nam, thì tại trung tâm đầu tiên là Luy Lâu, tức vùng Dâu, nó đã gắn kết với sự sùng bái bốn nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Các nữ thần này được thờ trong bốn ngôi chùa mà tượng của họ còn to hơn cả tượng Phật. Mây, mưa, sấm, chớp chỉ là biểu hiện của mưa. Cho nên có thể gọi chung bốn nữ thần này là các nữ thần mưa. Và họ đã được Phật hóa, đã trở thành các Phật. Từ các vua Lý đến các vua Lê, mỗi lần có hạn hán, đều cho rước Phật Pháp Vân về Thăng Long để làm lễ cầu mưa.
Như đã nói ở trên, hệ thống chùa Tứ Pháp có ở nhiều nơi trên châu thổ sông Hồng. Các hội chùa Tứ Pháp cho ta thấy một cách sống động sự tiếp hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng cầu mùa của người nông dân Việt Nam vẫn diễn ra.
Một số chùa Tứ Pháp như Dâu (tỉnh Bắc Ninh), Thứa (tỉnh Hưng Yên) mở hội vào ngày 8 tháng tư, trùng với ngày Phật Đản.
Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấp tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Vì đây là các chùa thờ Phật, các nữ thần Tứ Pháp cũng đã trở thành Phật Bà, nên việc lấy ngày Phật Đản làm ngày hội cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã
----------------
 (1) Trước đây, theo truyền thống, ở Việt Nam ngày Phật Đản là ngày 8 tháng tư. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định chuyển lễ Phật Đản vào ngày rằm tháng tư Âm lịch.
lưu ý rằng, gần với ngày này, nhiều hội làng đã được mở trong vùng đồng bằng Bắc Bộ:
Mồng bảy hội Khám(1)
Mồng tám hội Dâu,
Mồng chín đâu đâu
Cũng về hội Gióng(2)
Và có giả thuyết là những ngày này trùng hợp với Tết Mưa dông hay Hội Sấm dậy của vùng Đông Nam Á.
Trong hội chùa Dâu, ngày 8 tháng tư, các làng rước tượng ba bà Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Điện về chùa Dâu để họp mặt với chị cả là bà Pháp Vân. Người dự hội rất đông. Để "dẹp đám", tức mở đường cho đám rước, các tráng đinh đi theo kiệu bà Pháp Điện, người em út, múa một vũ khúc mạnh mẽ bằng 32 chiếc gậy.
Đúng Ngọ (12 giờ trưa), bà Pháp Vân (tức Bà Dâu) thi cướp nước với người em thứ hai là bà Pháp Vũ (tức Bà Đậu). Kiệu của hai bà được rước chạy từ cửa chùa Dâu ra cửa tam quan, được đặt xuống, người ta múc nước trong giếng, rồi rước kiệu về. Nghi thức cướp nước, lần nữa, cho ta liên hệ với lễ cầu mưa.
Sau đó đám rước lại đưa kiệu bốn Bà về chùa Tổ ở Mãn Xá để bái vọng Man Nương, được coi là mẹ của cả bốn nữ thần.
Ngày hôm sau, kiệu của bốn Bà được rước về chùa Tổ để thăm Mẹ lần nữa, sau đó các Bà trở về các ngôi chùa của mình.
Trong hội Dâu, ngoài trò cướp nước, dâng nước, đánh gậy, còn có múa hóa trang rùa và hạc, múa sư tử, múa trống, đấu vật, đánh cờ người và đốt pháo bông(3).
Ở các chùa thờ Tứ Pháp trong vùng huyện Mỹ Văn (tỉnh Hưng Yên), thì trong ngày hội, tượng của các nữ thần cũng được rước đến thăm nhau, riêng tượng bà Pháp Điện thì không bao giờ được rước khỏi chùa, mà chỉ chờ các bà chị đến, vì Pháp Điện là nữ thần Chớp, người ta tin rằng, nếu rước Bà khỏi chùa thì sẽ gây hỏa hoạn, Bà nhìn vào đâu thì ở đấy cháy.
Đó là trong những ngày hội định kỳ. Những ngày hội này là lễ "giao hiếu" giữa các thần mà cũng là giữa các làng. Còn vào lúc có hạn hán thì phải làm lễ đảo vũ tức lễ cầu mưa.
Chúng tôi muốn nhắc lại ở đây các lễ đảo vũ trong chùa Tứ Pháp vùng Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.
Chùa Thái Lạc, nổi tiếng với những phù điêu thời Trần được nhắc đến ở phần trên cũng là ngôi chùa bà Pháp Vân (nên chùa có tên là Pháp Vân tự) ở vùng này. Lúc có hạn hán, người ta rước tượng Pháp Vân ra khỏi chùa, cùng với tượng của các bà Pháp Lôi, Pháp Vũ ở các chùa gần đó đến chùa Ôn Xá, được gọi là chùa Un, nơi thờ bà Pháp Điện để làm lễ cầu mưa. Tượng các Bà đều lớn, phải đặt lên bệ gỗ vuông, có sáu vòng sắt ở hai bên. Người ta luồn hai đòn gỗ sơn son qua các vòng sắt để khiêng.
----------------------
(1) Hội làng Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
(2) Hội đền Phù Đổng, thờ Thánh Gióng, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
(3) Lê Trung Vũ (chủ biên): Lễ hội cổ truyền, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.188-189.
Người khiêng, được gọi là phù giá, là những trai tráng khỏe mạnh ở trần đóng khố vải điều, có tấm vải choàng chéo từ vai xuống sườn, được ghim lại ngang hông và hai đầu tấm vải buông tận đầu gối. Một người cầm cờ lệnh đi phía trước, hò lớn câu:
Ba Bà trẩy hội chùa Un
Mưa gió dùn dùn... thiên hạ dễ làm ăn... này.
Phật Bà ở làng nào thì có các cô gái làng ấy đi theo hai bên kiệu, một tay cầm quạt, một tay cầm phướn, vừa đi vừa kể hạnh, kể sự tích Tứ Pháp và niệm Nam Mô... Nếu gặp lúc mưa dầm dai dẳng thì người ta lại rước các Bà về chùa Un để cầu tạnh.
Lễ cầu mưa ở vùng chùa Thứa (Đại Bi tự, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên) có phần phức tạp hơn. Năm nào đại hạn, một chùa trong bốn chùa Tứ Pháp sẽ làm lễ cầu mưa ba ngày đêm, xong đóng cửa chùa nghỉ ba ngày. Nếu chưa mưa thì làm lễ cầu lại, rồi nghỉ chờ ba ngày. Nếu hai lần làm lễ cầu rồi mà trời vẫn chưa mưa thì phải cho người đến chùa Tứ Pháp bên cạnh làm lễ cầu mưa tiếp. Nếu đến lần thứ ba mà vẫn không mưa thì phải làm lễ xin keo (tức gieo hai đồng tiền) xin rước các Bà hội với nhau. Trước tiên là rước bà Pháp Vũ ở chùa làng Thanh Xá đến chùa làng Hoàng Đôi, nơi thờ bà Pháp Lôi. Dân hai làng làm lễ ở đây một đêm. Hôm sau, hai Bà lại được rước đến chùa làng Yên Phú, nơi thờ bà Pháp Điện. Hai Bà ở lại đây một đêm, để dân làng làm lễ cầu mưa, rồi hôm sau lại được rước đi. Chúng ta nhớ là bà Pháp Điện chẳng bao giờ đi đâu cả. Chỉ có hai bà Pháp Vũ và Pháp Lôi được rước đến đình làng Nguyên Xá, ở đây ba đêm rồi trở về họp mặt với bà Pháp Vân ở chùa Thứa. Sau chừng 4 giờ làm lễ, hai bà Pháp Vũ và Pháp Lôi lại được rước về các chùa của họ.
Nếu đại hạn trầm trọng, thì các làng trong huyện phải rước các thành hoàng tức thần của làng, đến hội với các bà Tứ Pháp ở một đình làng nào đó, tiếp tục làm lễ cầu mưa(1).
Như vậy, điều thú vị mà ta thấy ở đây là có cuộc gặp gỡ giữa các thành hoàng, tức các thần của làng, được thờ trong các đình với các nữ thần mưa Tứ Pháp, đã được Phật hóa và được thờ trong các chùa Phật, để cùng làm một nghi lễ nông nghiệp là cầu mưa.
Đó là một điểm độc đáo của Phật giáo Việt Nam, cũng là của văn hóa Việt Nam, và từ đây có thể nhận ra vị trí của ngôi chùa giữa cộng đồng làng xã Việt Nam.
---------------
(1) Theo Toan Ánh, Hội hè đình đám, quyển hạ, Sài Gòn, 1974, tr.216, 222-223.
---------------------------------
Nguồn: Sách Chùa Việt Nam. Tr.47- 50
Tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long. Ảnh: Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long
 Nxb Thế giới,2011 (in lần thứ tư, có sửa chữa bổ sung).
Giá 496.000đ/cuốn (chuyển đến tận nhà miễn phí). Liên hệ mua tại: Ban Biên tập: Số 8A, ngách 17, ngõ 378 Đường Lê Duẩn,  Hà Nội. ĐT: 0903265331- 0435821820. Email: nguyenvanku@gmail.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9023186
Số người đang online: 17