Khai quật 350 bộ xương của binh sĩ thời Napoleon

 

 

Các nhà khảo cổ vừa khai quật được rất nhiều bộ xương của khoảng 350 binh sĩ Napoleon đã chết trong cuộc hành quân thất bại nhằm vào Moscow năm 1812.

Địa điểm này thuộc về một nghĩa trang vốn đã bị lãng quên, người ta chỉ phát hiện ra nó khi tiến hành xây dựng đường vòng mới ở Olecko, phía đông bắc Ba Lan.

“Kết quả phân tích mẫu xương lấy từ những người đàn ông được chôn cất ở đây cho thấy nhiều đặc điểm của nhóm người chuyên sống trên lưng ngựa”, nhà khảo cổ học Hubert Augustyniak nói.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy đồ trang sức, cây thánh giá bằng sắt cùng một số đồng tiền xu đúc vào giữa những năm 1710 và 1842.

Điều đặc biệt là khoảng một nửa trong số đó là trẻ em đến từ ngôi làng địa phương. Tiến hành kiểm tra, nhóm chuyên gia nhận thấy chế độ ăn uống của người dân trong ngôi làng này rất nghèo nàn, đồng thời họ thường xuyên phải làm việc quần quật, chẳng khác nào lao động khổ sai.

Ước tính có khoảng 400.000 lính Pháp - nhiều người là dân Ba Lan - đã chết trong Chiến dịch Moscow của Napoleon. Thi thể các nạn nhân xấu số vẫn còn nằm rải rác ở khu vực Đông Âu ngày nay.

Napoleon đã tạo ra cái gọi là Lãnh địa Warsaw vào năm 1807. Đến năm 1812, Napoleon vượt sông Neman, buộc Hoàng đế nước Nga là Aleksandr I ở lại trong Hệ thống phong tỏa Lục địa của Vương quốc Anh, mục đích chính là để tránh các đe dọa của Nga tới Ba Lan. Napoleon đã đặt tên cuộc xâm lăng này là Chiến dịch Ba Lan lần thứ hai.

Tuy nhiên, kế hoạch thất bại buộc quân đội Napoleon phải rút lui khỏi thủ đô nước Nga trong mùa đông năm 1812-1813, đồng thời đánh dấu sự kết thúc của Hoàng đế Napoleon Bonaparte và cả đế chế mà ông xây dựng.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm thấy hóa thạch nhỏ nhất hành tinh

 

 

Các nhà khoa học thuộc Đại học Manchester, Anh vừa tìm thấy hóa thạch của loài ký sinh trùng 50 triệu năm tuổi sống bám vào cơ thể một con nhện. Nó được xem là hóa thạch nhỏ nhất thế giới.

Tiến sĩ sinh vật học David Penney cho biết hóa thạch đó được tìm thấy trong lớp hổ phách ở biển Baltic. Hóa thạch này rất nhỏ, chiều dài nhỏ hơn 0,2mm. Và đây được xem là một trong những hóa thạch quý hiếm nhất hiện nay.

Ông Penny nói với BBC: “Hiện tại chỉ có phương pháp chụp CT mới có thể giúp chúng tôi khảo sát tỉ mỉ những phần rất nhỏ nằm ở bên dưới con nhện trong lớp hổ phách Baltic đó”.

Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng hóa thạch đó có khả năng sẽ phá kỷ lục về tuổi lâu đời nhất trong họ Histiostomatidae. Đồng thời cũng là hóa thạch nhỏ nhất hành tinh hiện nay.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm thấy nền văn minh “bị mất”

 

 

Các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy nền văn minh “bị mất” ở phía tây nam Libya. Đó là những lâu đài trên cát của nền văn hóa cổ đại trong sa mạc Sahara.

Các nhà khảo cổ học chia sẻ những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hơn một trăm khu định cư, pháo đài nằm ở phía tây nam Libya. Các pháo đài nằm cách thủ đô Tripoli 1.000km về phía nam, được bao quanh bởi những bức tường kiên cố. Dù đã bị gió làm xói mòn chút ít, nó vẫn cao từ 3-4m.

Quần thể này hình thành từ khoảng 1 đến 500 năm sau Công nguyên, thuộc quyền sở hữu của nhóm người bí ẩn Garamantes, những người cai trị từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 7 sau CN ở vùng đất sa mạc này.

Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những đồ gốm của Garamantes. Họ vô cùng ngạc nhiên về độ bền của hợp chất cổ đại bằng gạch bùn này.

Ông David Mattingly, người đứng đầu dự án, thuộc Đại học Leicester, Vương quốc Anh, cho biết: “Nhiều người lầm tưởng pháo đài này giống những thiết kế pháo đài biên giới La Mã. Nhưng trên thực tế không như vậy, nó đã vượt ra xa sự suy đoán, đó là những dấu hiệu hùng mạnh của vương quốc bản địa châu Phi”.

Các nhà khảo cổ học tin rằng ở Garamantes đã có luyện kim, chất lượng hàng dệt may rất cao, có cả hệ thống chữ viết... Đặc biệt hơn hết là hệ thống thủy lợi tiên tiến của Garamantes để tạo ra những ốc đảo xanh trong sa mạc.

Hiện vẫn chưa biết vì sao nền văn minh này biến mất, nhưng theo suy đoán của các nhà khoa học, cộng đồng sống trong sa mạc này đã không thể tiếp tục tồn tại khi hết nguồn nước ngầm. Ngoài ra việc đế chế La Mã sụp đổ, xung đột ở khu vực Địa Trung Hải cũng ảnh hưởng đến các con đường thương mại vốn nuôi sống các cộng đồng trong sa mạc.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ chùa Dạm

 

 

Chùa Dạm có tên chữ là Đại Lãm tự, Lãm Sơn tự vốn là ngôi chùa cổ được xây dựng ven sườn núi phía Nam núi Lãm sơn nay thuộc địa bàn xã Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh). Lãm Sơn là dải núi dài đột khởi trên vùng đất đồng bằng xứ bắc với đỉnh cao 171m, kéo dài trên 2km chạy từ đông sang tây.

alt

Sử liệu ghi: Đại Lãm tự xây dựng vào mùa đông năm 1086 triều vua Lý Nhân Tông và đến năm 1094 thì hoàn thành với nhiều hạng mục công trình xây dựng nguy nga đồ sộ xếp vào hàng Đại danh lam kiêm hành cung. Nơi đây thời các vua Lý thường đến nghỉ ngơi du ngoạn và trở thành một trong những trung tâm tín ngưỡng lớn thờ Phật trong vùng, được vua Lý Nhân Tông ban cho bốn chữ: “Cảnh Lam Đồng Khánh”. Vua Trần Nhân Tông có thơ họa về quy mô như sau:

Nhị thập lâu đài khai hoa lục/Tam thiên thế giới nhập thị mầu

Tạm dịch là:

Bức tranh kiến trúc mười hai lớp/ Mắt thấy thiên nhiên đẹp vạn lần.

Điểm nhấn kiến trúc của quần thể tôn giáo này cùng với chùa chính là 3 cây tháp đá, có cây tháp xây dựng 5 năm 6 tháng mới hoàn thành. Thời Trần chùa vẫn được duy trì với 12 tòa nhà (nhị thập lâu đài) được mang tên “Thần Quang Tự”. Đến thời Lê chùa được trùng tu quy mô lớn với trên 100 gian và bị phá hủy sau này, duy chỉ còn lại những lớp thềm chùa được kè đá cùng một số hiện vật độc đáo như: cột đá, bia đá, chân tảng cùng nhiều phế tích hoa văn bằng đá, gốm đất nung... Những năm gần đây chùa được dựng lại trên nền cũ, quy mô nhỏ, mang tên là chùa “Thần Quang”. Khảo sát hiện trạng cùng dấu tích để lại cho thấy từ chân núi Lãm Sơn đi lên có 4 cấp nền, tương ứng với 4 lớp kiến trúc cao dần lên trên tổng diện tích mặt bằng khoảng 7.356m2. Mỗi cấp nền được kè đá 3 lớp giật cấp vững trãi. Riêng trên cấp nền 2 còn trụ cột đá và đế móng tháp đá thời Lý. Cấp nền 3 còn ngôi chùa nhỏ mới xây dựng lại năm 1986, cấp nền 4 xây 3 gian đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan kiến trúc đơn giản.

Thực hiện quyết định số 2745/QĐ-BVHTTDL ngày 5-9-2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 4-10-2011 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học, bước đầu tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích chùa Dạm, kết quả cho thấy:

Trên cấp nền thứ nhất diện tích rộng khoảng trên 1.364 m2, theo một con đường bậc cấp dưới chân núi đi lên. Hố thám sát lớp nền này (H6) có diện tích 15m2 (3m x 5m). Tại độ sâu 0,2m xuất hiện nền gạch đường lát phẳng chạy dài từ đông sang tây. Mặt đường rộng 0,92m, dài 4,7m. Tại độ sâu 0,3m tìm được một trụ sỏi của kiến trúc kích thước 1,2m x 1,2m, nền đường lát đè lên trụ sỏi. Như vậy ở cấp nền thứ nhất có dấu tích kiến trúc thời Lý và sau này được tu sửa, con đường lát gạch thành đường đi.

Cấp nền thứ hai: diện tích rộng khoảng gần 21.760m2 có hai hệ thống bậc lát đá cân xứng dẫn lên. Tại đây khai quật hai hố. Hố H3 diện tích 54m2 làm xuất lộ toàn bộ móng cây tháp đá. Tháp đá có bình đồ vuông 8,4m x 8,4m cửa mở về hướng Đông. Phần cao nhất 1,56m với các lớp đá xếp chồng lên nhau trang trí hoa văn thủy ba nhiều loại khác nhau. Kỹ thuật ghép đá mộng đuôi cá, đổ chì liên kết vững chắc. Hố H4 khai quật dấu vết giếng cổ, diện tích khai quật 85,5m2. Tại đây xuất lộ bờ gạch xây quanh giếng hình vuông, giếng có hình tròn, bờ xếp đá.

Cấp nền thứ ba: có mặt bằng rộng nhất trên 2.370m2 có hai hệ thống bậc đá từ cấp nền hai dẫn lên. Tại đây bên phải chùa khai quật 35m2, kết quả cho thấy trong lòng đất xuất lộ 6 trụ sỏi móng chịu lực của công trình kiến trúc. Kích thước các trụ sỏi 1,35m x 1,35m. Bên trái chùa khai quật diện tích 45,5m2 tại đây xuất lộ dấu vết kiến trúc xếp gạch thời Lê, các chân tảng thời Lý cùng nhiều hiện vật các thời đại liên quan đến quá trình xây dựng và tồn tại tu bổ chùa.

 Cấp nền thứ tư: có diện tích mặt bằng 1.446m2 hiện còn một hệ thống bậc đá bên trái dẫn lên. Tại đây bên trái đền thờ khai quật 20m2. Kết quả tìm được dấu trụ sỏi cùng dải gạch bó nền, gạch lát nền, ngói mũi sen. Bên phải đền thờ khai quật 20m2. Kết quả tìm được trụ sỏi hình tròn đường kính 1,7m cùng hệ thống trụ sỏi hình vuông. Ngoài những dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật còn tìm được hàng trăm hiện vật thuộc nhiều chất liệu: gạch, đá, gốm sứ, sành của nhiều thời đại khác nhau: Lý - Trần - Lê. Đặc biệt là những hiện vật thời Lý như gạch, ngói mũi sen chiếm đa số mang những đặc trưng điển hình của vật liệu thời đại khởi dựng chùa.

Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy chùa được xây dựng là một quần thể kiến trúc, gồm 4 lớp kiến trúc xây cao dần vươn lên theo độ cao sườn núi. Mỗi lớp kiến trúc có nhiều công trình khác nhau, trong đó chùa chiếm vị trí trung tâm. Các kiến trúc tháp đá, cột đá nằm trong tổng thể chung của khu di tích, dấu tích các trụ sỏi tìm được mang kỹ thuật và vật liệu thời Lý, đã cho thấy quy mô ngôi chùa thời Lý được xây dựng to lớn trên toàn bộ mặt bằng khu di tích. Ba cấp dưới là kiến trúc chùa. Cấp cao nhất là đền thờ Linh Nhân Hoàng thái Hậu, mẹ vua Lý Nhân Tông người xướng xuất xây dựng chùa. Mặt bằng chùa thuộc loại hình kiến trúc “tiền Phật hậu thánh”. Với diện tích khai quật còn khiêm tốn nhưng kết quả khẳng định đây là khu di tích được khởi dựng thời Lý như lịch sử đã ghi chép và tồn tại qua năm tháng cho đến ngày nay.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện nhiều bình gốm thời Lê

 

 

Thông tin từ UBND H.Triệu Sơn (Thanh Hóa): ngày 9.11, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tiến hành khai quật khu vực chùa Đồng Đó ở xã Dân Lý, H.Triệu Sơn và phát hiện được 19 bình cổ (2 bình sành và 17 bình gốm), trong đó có 2 bình còn khá nguyên vẹn. Qua nhận định ban đầu của một số nhà nghiên cứu thì các di vật này có niên đại vào khoảng thế kỷ 15 (thời hậu Lê).

Phát hiện nhiều bình gốm thời Lê

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Được biết, chùa Đồng Đó (nhưng cũng có ý kiến đây là đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành - PV) tọa lạc tại thôn 9, xã Dân Lý. Trong quá trình đào móng trùng tu chùa, người dân đã phát hiện một số hiện vật gốm sành. Ngay sau đó, sự việc được báo cáo lên chính quyền địa phương.

Hiện số di vật trên đã được niêm phong, bảo vệ để phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời UBND huyện giao cho chính quyền địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ khu vực phát hiện những di vật cổ trên.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Vệ tinh giúp phát hiện nền văn minh cổ xưa ở Lybia

 

 

Hình ảnh vệ tinh đã giúp các nhà khảo cổ phát hiện ra sự tồn tại của một nền văn minh cổ xưatại sa mạc Sahara, thuộc phía tây nam Libya, phát hiện mới này có thể giúp Libya viết lại lịch sử của đất nước mình.

Bằng việc sử dụng vệ tinh với độ phân giải cao để tìm kiếm, các nhà khoa học Anh đã phát hiện hơn 100 làng mạc và nông trại kiên cố tại một vùng có khí hậu khắc nghiệt trong sa mạc Sahara, những kiến trúc này liên kết với nhau thành các thị trấnvàước đoán được hình thành từ khoảng từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V năm sau Công nguyên. Những "thành phố mất tích" này xây dựng bởi một nền văn minh cổ xưa ít người biết đến có tên là Garamantes, đây là nền văn minh có trình độ phát triển cao so với các bộ tộc khác tại khu vực Bắc Phi.

Nhóm khảo sát của trường Đại học Leicester đã tìm thấy những viên gạch xây nhà được làm bằng bùn khô, các bức tường cao trên 4m vẫn còn đứng vững qua thời gian, ngoài ra họ còn phát hiện một số giếng nước được liên kết với những hệ thống tưới tiêu phức tạp.

Trưởng nhóm khảo sát, giáo sư khảo cổ David Mattingly của trường Đại học Leicester cho biết: "Hình ảnh vệ tinh đã giúp quan sát một vùng rộng lớn, có thể thấy khí hậu của vùng đất này đã không hề thay đổi trong suốt hàng ngàn năm qua, vùng đất khắc nghiệt này không hề có mưa, chính điều đặc biệt này đã giúp các công trình kiến trúc không bị xói mòn và vẫn có thể đứng vững qua hàng ngàn năm”.

Tiến sĩ Martin Sterry, người phân tích hình ảnh của nhóm giải thích rằng những phát hiện này sẽ giúp đánh giá lại về thời kỳ La Mã, có thể nền văn minh Garamantes bao gồm nhiều bộ tộc du mục thiện chiến trên sa mạc đã liên minh với nhau và không ngừng tấn công quấy rối Đế chế La Mã”

Giáo sư David Mattingly và các cộng sự của ông đã buộc phải sơ tán khỏi Libya vào tháng Hai khi phe nổi dậy bắt đầu cuộc chiến chống lại chế độ Gaddafi, hiện nay họ hy vọng sớm có thể quay lại Libya để tiếp tục nghiên cứu nếu tình hình an ninh được đảm bảo. Hội đồng nghiên cứu châu Âu đã tài trợ cho nhóm của giáo sư Mattingly 2,5 triệu euro để theo đuổi dự án này.

Giáo sư Mattinglynói: “Đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho ngành khảo cổ Lybia, người dân Lybia có thể tự hào về lịch sử dân tộc mình khi biết cha ông họ đã từng tồn tại ngang hàng với người Hy Lạp và La Mã quanh vùng biển Địa Trung Hải. Hy vọng việc đưa những phát hiện về nền văn minh Garamantes vào sách giáo khoa sẽ giúp trẻ em Lybia hiểu thêm về lịch sử và những di sản của tổ tiên mình”.

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Một số chương trình hợp tác quốc tế cuối năm 2011

 

 

Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2011, Viện Khảo cổ học có rất nhiều chương trình hợp tác quốc tế ý nghĩa. Sau đây là những hoạt động hợp tác tiêu biểu:

          Từ ngày 24 tháng 8 năm 2011 đến ngày 3 tháng 9 năm 2011, đoàn Viện Khảo cổ học do PGS TS Tống Trung Tín làm trưởng đoàn đã sang thăm và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Wisconsin, Mỹ. Hai bên đã thảo luận nhiều nội dung hợp tác như trao đổi thông tin nghiên cứu, tài liệu, hợp tác nghiên cứu, đào tạo... Tiến sĩ Nguyễn Giang Hải, Phó Viện trưởng đã thay mặt Viện ký kết văn bản hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Wisconsin. Tham gia đoàn còn có TS Bùi Văn Liêm, Thư ký Khoa học Viện Khảo cổ học và TS Trịnh Hoàng Hiệp, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Thời đại kim khí.

         

          Từ ngày 1 tháng 11 năm 2011 đến ngày 2 tháng 12 năm 2011, Viện Khảo cổ học phối hợp với các chuyên gia của Viện Khảo cổ- Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga do Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện trưởng Viện Khảo cổ học- Dân tộc học Novosibirsk, Giáo sư Anatoly Derevyanko dẫn đầu sẽ tiến hành khai quật địa điểm Khảo cổ học hang Con Moong, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Đây là chương trình hợp tác giữa hai Viện, bắt đầu triển khai từ cuối năm 2010 và sẽ kéo dài trong thời gian 5 năm.

 

          Từ ngày 11 tháng 12 năm 2011 đến 18 tháng 12 năm 2011, các nhà Khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học sẽ phối hợp cùng các nhà Khảo cổ học thuộc Đại học Quốc gia Úc sẽ tiến hành thảm sát địa điểm Cồn Cổ Ngựa, huyện hà Trung, tỉnh Thanh Hóa trong một chương trình hợp tác hai viện do TS Nguyễn Giang Hải, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học chủ trì.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện nhiều cổ vật khi tu bổ chùa

 

 

Trong khi tu bổ ngôi chùa Duyên Khánh, người dân thôn Cao Trung (xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) đã phát hiện một con rùa đá và một số hiện vật cổ khác được người dân cho là đã tồn tại cách đây 4, 5 thế kỷ.

Phát hiện nhiều cổ vật khi tu bổ chùa

Toàn bộ các hiện vật tìm được dưới nền chùa khá nhiều, gồm cả 1 tấm bia khắc chữ, chĩnh sành, tiền cổ, nhiều mảnh vỡ của các đồ dùng xưa. Do biết trong làng có nhạc sỹ Lê Mây, tác giả của "Hà Nội linh thiêng hào hoa" đang "ở ẩn", các cụ cao niên trong làng đã nhờ nhạc sỹ liên lạc với ông bạn cùng trong Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ Hà Nội, là PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam. Say mê với nghề khảo cổ suốt mấy chục năm trời, quãng đường hơn 30km bụi bặm không ngăn được vị PGS tuổi "thất thập cổ lai hy" phóng xe máy lên để nhìn tận mắt cổ vật.

Khi PV Báo CAND cùng PGS.TS Nguyễn Lân Cường có mặt, các hiện vật và "cụ" rùa đá đã được đặt trang trọng tại hậu cung, hương khói thành kính. Tấm bia ngự trên lưng rùa thì chưa tìm thấy. Một tấm bia cổ khác khắc chữ cùng các hiện vật, như đồng tiền cổ, chĩnh sành... cũng được làm vệ sinh sạch sẽ.

Cẩn thận hơn, ông Nguyễn Công Canh, người thông thạo chữ nho trong làng còn chép lại toàn bộ chữ trên tấm bia, tra sách vở để bước đầu xác định niên đại của nó.  "Chữ Nho thì tôi đọc được, cũng ban đầu nhận định đây là rùa đội bia, nhưng việc xác định niên đại của cụ thì phải nhờ các nhà chuyên môn. Tôi không rành thứ ấy" - ông Canh cho biết.


Theo quan sát của PGS. TS Nguyễn Lân Cường, cụ rùa này được tạc từ loại đá mà lượng cacbonat khá lớn và có nhiều khả năng là loại đá từ Hòa Bình, nên khi chôn lâu ngày trong đất, nước ngầm đã hoà tan vôi làm cho toàn bộ thân rùa bị phong hóa, xù xì như được đúc bằng xi măng. Tuy nhiên, dựa trên những vết đầu rùa bị cào do máy xúc thì cụ được làm bằng đá nguyên khối.

Người trong làng cho biết, rùa đá được tìm thấy ngay dưới ban Đức Ông, nằm sâu dưới đất khoảng 1,6m. Theo đo đạc của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, rùa có chiều dài 1,05m, ngang 0,62m, đế đặt bia rộng 0,54m, cao 0,21m và chiều dài mai là 0,8m. Theo nhận định ban đầu của PGS.TS Nguyễn Lân Cường "có nhiều khả năng con rùa này có niên đại cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Cấu trúc của cửa võng, hay cúc dây cuốn thư cũng cho ta thấy niên đại khoảng thế kỷ XIX".

Bên cạnh đó, trong ngôi chùa còn lưu một tấm bia đá khắc chữ. Ông Nguyễn Công Canh cho biết: Theo nội dung được khắc trên tấm bia, nó được dựng lên vào năm Dương Hòa Nguyên Niên, tức khoảng năm 1635, cách đây gần 4 thế kỷ. Tấm bia ghi lại công đức của một ông Hậu đã hằng tâm, hằng sản để tu bổ chùa. Cũng theo tấm bia thì ngôi chùa này được khởi công tu bổ vào năm Ất Mão, 1615. Tuy nhiên, chưa hiểu vì lý do gì mà sau đó 20 năm, tấm bia mới được dựng lên. Các cụ cao niên trong làng hi vọng những gì được tìm thấy sẽ làm rõ được một phần lịch sử và niên đại chùa.

"Chúng tôi còn tìm được một đồng chinh cổ mà chúng tôi nghĩ có lẽ có từ thời Trần, là từ thế kỷ XIII. Vậy có lẽ đến giờ ngôi chùa đã có đến 800 năm tuổi" - các cụ cao niên trong làng cho biết. Nhưng theo PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, đồng tiền này là đồng Nguyên Phong thông bảo triều Vua: Bắc Tống Thần Tông (Triệu Húc), có niên hiệu Nguyên Phong 1078 - 1085. Đồng tiền Nguyên Phong thông bảo của Triều Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) cũng có niên hiệu Nguyên Phong, nhưng là 1251 - 1258. Chữ Nguyên của 2 đồng tiền có sự khác biệt rất rõ ràng. Theo trí nhớ của ông Canh, khu vực chùa có thể là một nền đất cổ, bởi vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi gia đình ông làm đất canh tác ở đây, đất lẫn rất nhiều mảnh chĩnh sành. Thêm vào đó, ông và bạn bè đã từng tìm thấy một hũ đựng đầy tiền cổ và mang ra làm đồ chơi.

Hiện chùa Duyên Khánh cũng vẫn còn giữ lại được một số hiện vật từ thời Nguyễn, như một chiếc chuông được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 9 và chiếc khánh đúc vào thời Thiệu Trị. Ngoài ra, dù cột, kèo, rui, mè... đã bị mọt ăn hỏng cả, nhưng chùa vẫn giữ được một bộ cửa võng khắc rồng tuyệt đẹp mà PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho rằng rất có giá trị, là một trong những yếu tố giúp chùa sau này có thể được xếp hạng di tích.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Bình gốm trên 1.500 tuổi dưới sông Hương

 

 

Bình gốm cổ được các chuyên gia nhận định là tiêu bản kendi gốm Chămpa (loại bình có vòi mà không quai) cổ nhất từ trước đến nay vừa vớt được từ lòng sông Hương (Thừa Thiên - Huế).

Bình gốm trên 1.500 tuổi dưới sông Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình gốm cao khoảng 18 cm, đường kính thân 18 cm, miệng loe, xương gốm trộn lẫn nhiều hạt lớn và đá vụn. Trong khi lặn ở cửa sông Hương (đoạn gần đập Thảo Long), một ngư dân đã tìm thấy bình.

Theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, loại bình này được gọi là kendi gốm, thuộc thời đầu của văn hóa Chămpa (192-1306 SCN), niên đại nằm trong khoảng thế kỷ thứ V.

“Căn cứ vào xương gốm làm bằng cát lớn, đá vụn thô có thể khẳng định đây là một trong những kendi gốm cổ nhất trong những kendi tìm được từ trước đến nay. Vì càng về sau, con người đã biết nâng cao kỹ thuật, vẫn trộn cát khi nung (tránh cho bình khỏi vỡ) nhưng cát mịn và thẩm mỹ hơn”, ông Phan nói.

Bình gốm vừa tìm được theo gốc tiếng Phạn là bình nước, dùng để đựng nước thiêng hoặc các lễ phẩm trong lễ nghi ở các đền tháp Chămpa cổ hoặc làm đồ gia dụng. Hiện bình gốm này đã được một nhà sưu tập đồ cổ ở Huế mua lại.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xác chết "nắm tay" nhau suốt 1.500 năm

 

 

Các nhà khảo cổ vừa khai quật hai bộ xương người ở miền Bắc nước Ý cho thấy họ được chôn cất theo tư thế nắm tay nhau từ thời kỳ đế chế La Mã, cách đây khoảng 1.500 năm.

Các nhà khảo cổ người Ý cho biết, cả người đàn ông và người phụ nữ được chôn cất cùng lúc vào khoảng giữa thế kỷ V và VI ở vùng ngoại ô của Modena, trung tâm miền Bắc nước Ý. Trên tay người phụ nữ đeo một chiếc nhẫn bằng đồng và mặt thì nhìn về phía người đàn ông.

Từ những đặc điểm và tư thế của 2 bộ hài cốt, các nhà khảo cổ tin rằng họ là vợ chồng, chết cùng thời gian với nhau. Nó cho thấy, theo quan niệm của người cổ đại, mối quan hệ của họ quan trọng không chỉ khi sống mà cả khi chết, Kristina Killgrove, một nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Bắc Carolina cho biết.

Vấn đề là ở chỗ họ chết cùng nhau. Lý giải điều này, Kristina Killgrove nói với Discovery News rằng: “Trong thời cổ, không có gì ngạc nhiên khi tìm hiểu vợ, chồng hoặc các thành viên của một gia đình cùng chết một lúc khi các bệnh dịch, chẳng hạn như dịch hạch tàn phá Châu Âu, thì một thành viên của gia đình thường sẽ chết theo một thành viên khác đang được chôn cất”.

Tuy nhiên, hộp sọ của người đàn ông bị cuộn sang phía không đối diện với người phụ nữ. Các nhà khảo cổ học cho rằng, có thể nó bị ảnh hưởng bởi trận lũ thảm khốc năm 589 từ dòng sông Tiepido đã tràn qua các ngôi mộ.

Năm 2007, một vài bộ xương của các cặp đôi khác được chôn vào giữa 5.000-6.000 năm trước đây, đã được tìm thấy tại một vùng thuộc thời kỳ đồ đá mới gần Mantova, chỉ 25 dặm về phía nam của Verona, nơi Shakespeare thiết lập các câu chuyện lãng mạn của Romeo và Juliet.

 

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9023536
Số người đang online: 19