Tác giả : Ngô Vũ Hải Hằng và Lê Quang Chắn (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội - 2022
Số trang: 332tr
Khổ sách: 16 x 24
Đồng bằng sông Hồng mà lõi là Kinh thành Thăng Long và các vùng xung quanh Kinh thành thường gọi là tứ trấn, bao gồm: trấn Kinh Bắc, trấn Hải Dương, trấn Sơn Nam và trấn Sơn Tây là cái nôi của Nho giáo nên có nhiều điều kiện để phát triển về Nho học. Các làng ở đồng bằng sông Hồng có ưu thế hơn hẳn các làng ở trung du, miền núi về vị trí gần với Kinh thành, về điều kiện kinh tế và điều kiện trường lớp, thầy giáo dạy học…Cho đến nay, có nhiều công trình nghiên cứu nổi bật về chủ đề khoa bảng và làng khoa bảng nhưng mới chỉ ở phạm vi một dòng họ hay một tỉnh mà chưa có công trình nào hệ thống ở phạm vi rộng hơn. Do đó, bằng việc kế thừa kết quả từ nhiều nghiên cứu nổi bật về làng xã, làng khoa bảng, khoa bảng, năm 2022, Nhà xuất bản khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Làng khoa bảng Nho học ở đồng bằng sông Hồng” do Ngô Vũ Hải Hằng và Lê Quang Chắn làm đồng chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ cùng tên được thực hiện trong giai đoạn 2019-2020 do Viện Sử học là đơn vị chủ trì. Nội dung của cuốn sách tập trung phân tích các điều kiện làm cho giáo dục, khoa cử phát triển, nêu lên đặc điểm, truyền thống giáo dục – khoa cử tại các làng để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử, phát huy truyền thống đối với việc phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài ở nông thôn Việt Nam hiện nay.
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:
Chương I. Vài nét về giáo dục – khoa cử Nho học trong lịch sử Việt Nam và tiêu chí xác định làng khoa học
Chương này, nhóm tác giả khái quát về sự hình thành và phát triển của nền giáo dục Nho học cũng như giới thiệu các kỳ thi và khoa thi Nho học qua các triều đại. Điểm nổi bật là đã đưa ra khái niệm về làng khoa bảng và tiêu chí xác định làng khoa bảng, trong đó, “làng khoa bảng là những làng truyền thống của người Việt ở nông thôn có nhiều người theo đuổi việc học hành và đỗ đạt cao qua các kỳ thi Nho học của nhà nước quân chủ, tạo nên truyền thống hiếu học và khoa bảng qua nhiều thế hệ, hình thành những nét riêng về văn hóa và có sức sáng tạo rõ rệt”. Bên cạnh các tiêu chí định lượng về số lượng người đỗ đại khoa trở lên, nhóm nghiên cứu xem xét một số tiêu chí khác như truyền thống khoa bảng của dòng học, các điều kiện khuyến học và bồi dưỡng nhân tài tại các làng để xác định làng khoa bảng… Điểu hình là làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam định) tuy chỉ có 7 nguồi đỗ đại khoa nhưng có đến gần 400 người đỗ trung khoa…
Chương II. Khảo cứu một số làng khoa bảng
Dựa vào các tiêu chí được đặt ra đối với khu vực đồng bằng sông Hồng, nhóm nghiên cứu đã chọn ra mỗi tỉnh một làng để khảo cứu như: làng Mộ Trạch, làng Đông Ngạc, làng Quan Tử, làng Kim Đôi, làng Xuân Cầu và làng Hành Thiện. Các làng này đều có số lượng người đỗ đại khoa trên dưới 10 người, trong đó xuất hiện những dòng họ khoa bảng mà lớp lớp các thế hệ từ ông đến cháu, cha đến con, chú rồi cháu, anh rồi em… nối nhau đăng khoa để tạo nên mạch nguồn chảy mãi, duy trì truyền thống hiếu học của dòng họ. Ở mỗi làng khoa bảng, nhóm nghiên cứu đi sâu tìm hiểu đặc điểm, vị trí địa lý, truyền thống giáo dục và các yếu tố khác tác động đến nền giáo dục của làng góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng những nhân tài đỗ đạt cao. Trong khi Làng Đông Ngạc là một làng cửa ngõ của Kinh đô, là nơi ít ruộng đất nên người dân lựa chọn theo con đường “đèn sách” để tiến thân, thay đổi cuộc sống, thì làng Kim Đôi, một làng khoa bảng xứ Bắc, có đặc điểm nổi bật là giáo dục gia đình, truyền thống này rất quan trọng, là nền tảng hình thành ý chí quyết tâm học hành đỗ đạt cho các con, cháu.
Chương III. Tổng luận về các làng khoa bảng Nho học ở đồng bằng sông Hồng
Trên cơ sở phân tích và khảo cứu tài liệu từ các công trình nghiên cứu trước đó, các tác giả chỉ ra những điểm chung, đặc điểm riêng của làng khoa bảng và những đóng góp của các nhà khoa bảng Nho học. Về điểm chung, đa số các làng khoa bảng có vị trí địa lý thuận lợi, cả về giao thông thủy và bộ, cả về vị trí gần trung tâm chính trị - giáo dục lớn. Đây là điều kiện cần để hình thành một làng khoa bảng. Việc gần trung tâm chính trị - giáo dục là điều kiện để các học trò tham kiến, học  hỏi từ các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó nhóm tác giả cũng chỉ ra những đặc điểm riêng biệt, là yếu tố then chốt hình thành truyền thống giáo dục khoa cử của làng mình. Nghiên cứu khẳng định, sự xuất hiện của các làng khoa bảng là hệ quả tất yếu của làng xã Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng trong khuôn khổ của chế độ quân chủ Việt Nam. Mục tiêu hướng tới của việc học hành và khoa cử, là động lực để các sĩ tử xả thân cho việc học. Chế độ “học quan” mà nhà nước quân chủ tạo ra đã góp phần tạo nên truyền thống hiếu học tại các làng quê; Các học trò đua nhau học, theo nhau “dùi mài kinh sử”, đồng thời cha mẹ cố gắng làm lụng vất vả, dành dụm tiền gạo cho con em ăn học, đi thi và thi đỗ ra làm quan, mong được thay đổi thân phận gia đình.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu khẳng định, trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập, việc mở mang, phát triển đất nước để phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế tri thức. Muốn có tri thức thì cần phải học hỏi, và kinh nghiệm học được từ lịch sử đó là phát huy truyền thống hiếu học, chính là khuyến học. Ngày nay, trong nhiều dòng họ cũng có các hình thức  Khuyến học như tặng phần thưởng cho các con em đạt học sinh giỏi, đỗ đại học hoặc đạt học vị cao….và hình thức khuyến học này được duy trì từ trung ương tới địa phương thông qua hội Khuyến học.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả không chỉ thể hiện qua bố cục nội dung, cách phân tích, kế thừa các nghiên cứu đi trước mà còn có sự tổng hợp, thống kê các dữ liệu về danh sách cá nhân đạt học vị cao ở các làng khoa bảng. Những thông tin này rất hữu ích đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu giáo dục và những độc giả quan tâm tới các làng khoa bảng Nho học nói chung và làng khoa bảng ở đồng bằng sông Hồng nói riêng.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
 
- Tác giả: Pierr Gourou
- Nxb: Trẻ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện viễn đông bác cổ pháp
- Khổ sách: 16 x 24cm
- Số trang:
- Hình thức bìa: mềm

 
Cuốn sách Người nông dân châu thổ Bắc kỳ của Pierr Gourou nghiên cứu về châu thổ sông Hồng, một châu thổ vào loại đông dân nhất thế giới, cái nôi của nền văn minh Việt Nam, là một tác phẩm đặc sắc nghiên cứu về địa lý, nhân văn. Mặc dù sách đã xuất bản (nguyên bản tiếng Pháp) từ các năm 30 của thế kỷ trước nhưng đến nay sau hơn 70 năm, nó vẫn còn nguyên tính thời sự… Bởi lẽ dù vùng đất này đã có nhiều biến đổi về chính trị, kinh tế, xã hội nhưng vẫn còn lưu giữ được những nét cơ bản cho đến tận ngày nay. Cần biết thêm đôi điều về tác giả: Pierr Gourou là thạc sỹ sử học và địa lý học, tiến sỹ văn chương, ủy viên thông tấn Viện viễn đông bác cổ Pháp. Ông đã thực hiện nhiều cuộc điều tra trên thực địa, tiếp xúc với nông dân, chú ý đến cấu trúc gia đình, tín ngưỡng tôn giáo… và có lẽ nhờ vậy, những công trình nghiên cứu của ông là một phương thức đóng góp cho sự phát triển đi lên của các nước nghèo.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
 
Tác giả: Nguyễn Giang Hải và Phạm Đức Mạnh
Nhà xuất bản: NXB Khoa Học Xã Hội - 2022
Kích thước: 16x24 cm

Số trang: 300 trang

Hình thức: Bìa mềm

Chuyên khảo Đàn đá Việt Nam do hai tác giả PGS.TS. Nguyễn Giang Hải và PGS.TS. Phạm Đức Mạnh thực hiện, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam ấn hành. Đây là cuốn sách chuyên khảo nhằm tập hợp và hệ thống hóa toàn bộ tư liệu về Đàn đá phát hiện ở Việt Nam từ trước tới nay; xác định không gian phân bố và truyền thống phát triển của Đàn đá Việt Nam đồng thời xác định niên đại, giá trị lịch sử di vật Đàn đá trong bối cảnh phát triển của lịch sử vùng đất Nam Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nghiên cứu quy trình chế tác Đàn đá thông qua: chất liệu đá được sử dụng; các chỉ số đo lường với từng thanh đàn; so sánh với từng sưu tập và nhiều sưu tập khác nhau; kỹ thuật ghè đẽo trên tất cả các sưu tập. Kết hợp giữa nghiên cứu kỹ thuật chế tác đá và phân tích tần số âm thanh ( sử dụng kết quả đo đạc và nghiên cứu của các nhà âm nhạc học) để phân định truyền thống phát triển của nhóm Đàn đá và xác định giá trị lịch sử - văn hóa của các loại hình di vật này trên cả hai hướng tiếp cận: nghiên cứu khảo cổ học và cổ âm nhạc học. Kết quả nghiên cứu kỹ thuật học là cơ sở dữ liệu xác lập và phân loại chức năng giữa nhóm Đá kêu và Đàn đá…
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Sơn La
- Nxb: Thế giới - 2022
- Số trang: 474 tr
- Khổ sách: 16 x 24
Cuốn sách đã hệ thống hóa toàn bộ tư liệu khảo cổ học tiền sử và sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và đặt chúng trong bối cảnh tiền sử - sơ sử Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung bước đầu khái quát những đặc trưng cơ bản về di tích và di vật khảo cổ vùng lòng hồ, xác định nội dung, tính chất, niên đại và các giai đoạn phát triển thời tiền - sơ sử ở đây; thử phác thảo diễn trình lịch sử văn hóa các cộng đồng cư dân từng khai phá vùng đất này thừ thuở bình mình của lịch sử, cách đây khoảng 30.000 năm, cho đến thời kỳ văn minh thời đại kim khí cách đây 3.000 năm.
Trong công trình này, các tác giả không chỉ khái quát được những thành tựu cơ bản về kinh tế, văn hóa, xã hội của các cộng đồng cư dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La ở các lát cắt thời gian khác nhau, mà còn đưa ra một số đánh giá khách quan về những giá trị di sản nổi bật mà tổ tiên chúng ta đã để lại cho thế hệ hôm nay, cũng như những đóng góp của tiền - sơ sử Sơn La trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử văn hóa vùng đất trong mối liên hệ rộng hơn, đặc biệt là vùng trung du đồng bằng Bắc bộ.
Chương 1: Trình bày tổng quan tư liệu về địa lý nhân văn và tình hình phát hiện, nghiên cứu khảo cổ học vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nói riêng và Sơn La nói chung.
Chương 2. Trình bày lịch sử văn hóa cộng đồng cư dân thời đại đá cũ vùng lòng hồ. Trên cơ sở tư liệu khai quật các di tích Mường Chiên, Pắc Ma, Văn Pán, Hua Lon, Hang Tọ I và hang Lán Mỏ (lớp dưới), công trình xác định những đặc trưng cơ bản về di tích, di vật, niên đại và các giai đoạn phát triển thời đại đá cũ vùng lòng hồ.
Chương 3: trình bày lịch sử văn hóa cư dân thời đại đá mới vùng lòng hồ thủy điện Sơn La với hai giai đoạn đá mới sớm (11.000 năm đến 6000 năm BP) và đá mới muộn (6000 năm đến 4000 năm BP), đi sâu phân tích đặc trưng di tích, di vật, niên đại, phác thảo lịch sử văn hóa hai giai đoạn đá mới vùng lòng hồ và vị trí của chúng trong bối cảnh rộng hơn.
Chương 4. Đề cập đến lịch sử văn hóa cư dân thời đại kim khí hay sơ sử ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La với hai giai đoạn sơ kỳ kim khí thuộc thời đại đồ đồng, tương đương với tiền Đông Sơn (4000 năm - 25000 năm BP) và giai đoạn kim khí phát triển thuộc thời đại sắt sớm, tương đương với văn hóa Đông Sơn.
Chương 5: Trình bày khái quát những giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng người ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nói riêng và vùng núi Sơn La nói chung trong bối cảnh tiền - sơ sử khu vực với các mốc chính: đá cũ, đá mới và kim khí.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Nguyễn Văn Quảng
- Nxb: Khoa học xã hội - 2022
- Số trang: 446 tr
- Khổ sách: 16 x 24
 
Cuốn sách Các di tích đền tháp thành lũy Champa ở Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế của TS.Nguyễn Văn Quảng được xuất bản trên cơ sở kế thừa nội dung luận án tiến sĩ được bảo vệ xuất sắc tại trường Đại học KHXH và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 9 năm 2018.
Cuốn sách đã tập hợp, hệ thống hóa, cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về các di tích đền - tháp, thành lũy champa hiện còn ở khu vực Bình Trị Thiên trên các phương diện lịch sử nghiên cứu, vị trí, đặc điểm tọa lạc, cảnh quan kiến trúc, hiện trạng, quy mô, cấu trúc, niên đại .v.v.. Đây là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến lịch sử, văn hóa champa nói chung và ở khu vực bắc champa nói riêng.
- Thông qua việc khảo sát toàn bộ hệ thống di tích, tác giả đã xây dựng bản đồ di tích đền - tháp, thành - lũy champa ở khu vực này, từ đó góp phần phục vụ cho việc nghiên cứu và quản lý.
- Trên cơ sở các di tích, di vật hiện còn, tác giả làm rõ đặc điểm của các di tích đền - tháp, thành - lũy champa trên địa bàn Bình - Trị - Thiên dưới các góc độ: vị trí xây dựng, cảnh quan kiến trúc, loại hình, quy mô, cấu trúc, chức năng, niên đại của các di tích đền - tháp, thành - lũy champa; góp phần làm sáng rõ đặc điểm văn hóa Champa ở khu vực. Kết quả của công trình sẽ góp phần nghiên cứu toàn diện hơn văn hóa Champa trên địa bàn Bình - Trị - Thiên, từ đó bổ sung nhận thức về lịch sử, văn hóa Champa nói chung.
- Cuốn sách tập trung giải quyết các mối quan hệ của các di tích đền - tháp, thành - lũy champa ở khu vực Bình - Trị - Thiên, từ đó định vị nền văn hóa Champa ở khu vực này trong tổng thể văn hóa Champa trên góc độ thời gian, không gian. Bên cạnh đó, cũng đánh giá các giá trị, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích đền - tháp, thành - lũy champa ở khu vực này.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung

Vừa qua, Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An phối hợp với Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ tại các địa điểm là chùa Hạ Trạo và chùa Khả Lương liên quan đến thời Trần trong phạm vi Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.

Ninh Bình: Phát hiện nhiều dấu tích thời Trần trong vùng Di sản Tràng An - Ảnh 1.

Một số di vật được phát hiện ở các hố khai quật khảo cổ.


Dự hội nghị có đại diện Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao, các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học, đại diện Phòng Văn hóa Thông tin huyện và chính quyền xã Ninh Thắng và Ninh Hải (Hoa Lư).

Cuối năm 2022, Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật và đã phát hiện 3 công trình kiến trúc thời Trần ở các vị trí vườn Am, vườn Triều cũ và đền Thái Vi.

Tiếp nối những kết quả nghiên cứu năm 2022, đợt công tác này, đoàn nghiên cứu tiếp tục làm rõ hệ thống di tích thời Trần, thu thập thêm tư liệu, từ đó nhận diện một cách rõ ràng hơn không gian Hành cung Vũ Lâm trong lịch sử.

Cụ thể, đoàn đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ học tại chùa Hạ Trạo và chùa Khả Lương thuộc xã Ninh Thắng (Hoa Lư).

Trong khuôn viên chùa Hạ Trạo (Thắng Lâm Tự), đoàn nghiên cứu mở 2 hố thăm dò (mỗi hố có diện tích 5m2) và 1 hố khai quật khảo cổ; tại chùa Khả Lương, tiến hành mở 4 hố thăm dò (mỗi hố có diện tích 5m2) và 1 hố khai quật khảo cổ để tìm hiểu diễn biến địa tầng khu vực di tích.

Đoàn nghiên cứu đánh giá, đợt công tác đã thu được một số kết quả quan trọng xác định được vị trí 2 bến thuyền ở khu vực chùa Hạ Trạo và chùa Khả Lương.
Ninh Bình: Phát hiện nhiều dấu tích thời Trần trong vùng Di sản Tràng An - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở Du lịch phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, chùa Hạ Trạo từ lâu đã được dân gian lưu truyền là bến thuyền của các vua Trần để đi vào Hành cung Vũ Lâm. Kết quả khảo cổ đợt này đã cung cấp thêm tư liệu khẳng định đây là vị trí bến thuyền giai đoạn đầu của nhà Trần.

Chùa Khả Lương nằm ở vị trí gần ngã ba sông Sào Khê vào Sông Vân và là tuyến đường ngắn nhất đi từ sông Hoàng Long vào khu vực Hành cung Vũ Lâm. Tại đây, đoàn nghiên cứu tìm thấy những di vật thuộc giai đoạn muộn của thời Trần nằm trên nền bãi cát bồi ven sông. Từ vị trí này đến đình Sen - chùa Hành cung (nơi tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần giai đoạn phát triển) rất gần. Khả năng vị trí chùa Khả Lương có vai trò là bến thuyền ở giai đoạn sau của thời Trần.

Từ những kết quả thu được, đoàn nghiên cứu cho rằng giai đoạn đầu thời Trần, trước họa xâm lược Mông Nguyên, các vua Trần đã lui về Hành cung Vũ Lâm xây dựng căn cứ kháng chiến mà trung tâm của căn cứ là đền Thái Vi.

Giai đoạn này, bến Hạ Trạo là nơi các vua Trần đi lại từ căn cứ đóng quân Thiên Dưỡng về Hành cung Vũ Lâm và ngược lại để tránh sự truy lùng của quân địch. Ở giai đoạn sau, khi đất nước thái bình, các vua Trần vẫn tiếp nối truyền thống tri ân cha ông đã vất vả kháng chiến nên hàng năm vẫn về cúng tế. Vì vậy, bến Khả Lương là nơi bến thuyền và đình Sen - chùa Hành cung là vị trí Hành cung Vũ Lâm được dịch chuyển ở giai đoạn sau này.

Kết quả đợt công tác đã tiếp tục làm rõ hơn vai trò và vị trí quan trọng của Hành cung Vũ Lâm thời Trần hiện nay nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An.

Ghi nhận những kết quả đoàn nghiên cứu, nhiều đại biểu đồng quan điểm, đề nghị cần sớm có sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử quan trọng này.

Các cơ quan chuyên môn cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, toàn diện nhằm nghiên cứu làm rõ không gian Hành cung Vũ Lâm trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, quảng bá nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử địa phương phục vụ du lịch.

Theo Báo Ninh Bình

Sáng 1/6, Sở Du lịch phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ tại địa điểm chùa Hạ Trạo và chùa Khả Lương, thuộc xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư.

Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ tại chùa Hạ Trạo và chùa Khả Lương, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư.Đợt khai quật khảo cổ lần này được tiến hành từ cuối tháng 4 và tháng 5 năm 2023, nhằm tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hệ thống di tích thời nhà Trần, thu thập thêm tư liệu nhằm nhận diện một cách rõ ràng hơn không gian hành cung vũ lâm trong lịch sử. 

Đồng thời, góp thêm tư liệu phục vụ công tác tu bổ, phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch trong tương lai. Kết quả bước đầu khai quật đã phát hiện nhiều hiên vật như gạch, vật liệu xây dựng có niên đại nhà Trần và các dấu tích xác định lịch sử hình thành vùng đất. 

Trong đó, nhận định khu vực chùa Hạ Trạo và chùa Khả Lương là bến thuyền tập kết quân lương của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân nguyên mông vào thế kỷ XIII. Trong thời gian tới, các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu toàn diện làm rõ về không gian hành cung vũ lâm, nhằm phát huy giá trị lịch sử của Quần thể danh thắng Tràng An.

Tin: Trần Trung

- Tác giả: Lê Quang Định
- Nxb: Thế giới
-Năm xb: 2022
- Số trang: 684tr
- Khổ: 16 x 24cm
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Bộ sách được viết từ rất sớm, khi hoàng đế Gia Long vừa đăng quang, đang trong thời gian tổ chức và ổn định triều chính sau mấy thế kỷ nhân dân phải trải qua nạn binh đao, cát cứ. Mặt khác, diện mạo đất nước đương thời đã hoàn toàn đổi khác, biên cương được mở rộng phía Bắc từ Tuyên – Lạng, phía Nam đến Hà Tiên.
“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX. Sự ra đời của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ đó.
Mặt khác, kế thừa những công trình địa chí có từ trước, bộ sách này tiếp tục làm nổi bật hình ảnh một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, một dân tộc bất khuất, hào hùng trong công cuộc giữ nước và dựng nước.
Ưu điểm nổi bật của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chính là việc mô tả một cách chính xác về đường đi, các dịch trạm, địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, về cửa biển, kèm theo lời tường giải rất cụ thể về mặt mạnh mặt yếu, chỗ hiểm chỗ thuận lợi của từng địa phương.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Quảng Văn Sơn và Ngô Minh Hùng
- Nxb: Thế Giới
-Năm xb: 2020
- Số trang: 327tr
- Khổ: 16 x 24cm
Cuốn sách “Ilimo Campa từ khảo cổ học” được tập hợp từ 16 bài viết và được chia thành 2 nhóm: điêu khắc kiến trúc Champa (10 bài), văn hóa và thương mại Champa (6 bài). Chủ yếu tập trung vào văn hóa, khảo cổ học Champa, từ những bức tượng đến di tích, những nhận định mới về di vật, di tích thông qua tư liệu khảo cổ học. Những vấn đề liên quan đến tôn giáo, âm nhạc, giao lưu mậu dịch, đến những phát thảo hướng nghiên cứu mới về bảo tồn di sản văn hóa Champa một cách có hệ thống
Di sản (Heritage) là giá trị tinh thần và vật chất của văn hóa thế giới hay một quốc gia, một dân tộc để lại. Di sản văn hóa (cultural heritage) là sản phẩm vật chất và tinh thần do con người hoặc thiên nhiên tạo ra trong quá khứ, có giá trị về lịch sử, văn hóa mà các thế hệ trước để lại cho các thế hệ sau. Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể (ngôn ngữ, phong tục, tập quán, đạo đức, nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo, luật pháp, văn học, âm nhạc v.v…) và di sản văn hóa vật thể (dấu tích vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa của các thời đại trước lưu truyền cho thời đại sau).
Ilimo Campa: là phiên âm latinh từ chữ Chăm, có nghĩa tiếng Việt là văn hóa Champa, một trong những nền văn minh đã có một quá trình tồn tại ở miền Trung Việt Nam (từ Quảng Bình đến Đồng Nai) từ năm 192 sau Công nguyên đến năm 1835, nhưng việc tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa Champa vẫn còn nhiều hạn chế.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Anne Cheng
- Nxb: Thế giới
-Năm xb: 2022
- Số trang: 684tr
- Khổ: 16 x 24cm
Nội dung cuốn Lịch sử tư tưởng Trung Quốc được chia thành 6 phần, 22 chương; trình bày và thảo luận về lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã được Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp trao giải thưởng Stanilas Julien (1997) và Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị Pháp trao giải thưởng Dagnan-Bouveret (1998). Cuốn sách được đón nhận một cách nồng nhiệt không chỉ trong cộng đồng Pháp ngữ (tái bản vào các năm 2002, 2014) mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng (11 thứ tiếng).
Theo tác giả thì cảm hứng để bà viết cuốn sách này “bắt nguồn từ tinh thần cả phê phán lẫn thấu cảm (theo nguyên nghĩa), đứng từ góc độ của cả người trong cuộc và ngoài cuộc. Công trình này cơ bản chỉ mang tính gợi dẫn, không có chủ ý mang đến một lượng tri thức như là các chân lý định sẵn mà hy vọng khơi dậy tâm lý tò mò và hứng thú cho người đọc: đó là những ‘chìa khóa’, những cuốn sách có giá trị và hữu ích đối với độc giả nhằm giúp cho họ tôi rèn được ‘chìa khóa’ của riêng mình.
Tác giả không hề có chút cao vọng là sẽ hoàn thành một công trình mang tính quyết định mà chỉ có một mong muốn là cùng độc giả chia sẻ niềm vui được viếng thăm những nhà tư tưởng lỗi lạc, chia sẻ một góc nhìn được tạo dựng từ cá nhân tác giả, một người sở hữu hai nền văn hóa [phương tây và Trung Quốc].”
Vì vậy, nhìn vào cấu trúc của bộ sách, người ta sẽ thấy rằng đây là một bộ sách về tư tưởng Trung Quốc được trình bày theo tuyến lịch sử hơn là một bộ sách lịch sử viết về lĩnh vực tư tưởng, tức là bộ sách có dáng dấp một tác phẩm triết học hơn là một tác phẩm sử học, mặc dù cả hai bình diện đều có dấu ấn đậm nét.
Với việc bổ sung một bản dịch sách Lịch sử tư tưởng Trung Quốc của Anne Cheng, độc giả tiếng Việt có cơ hội thưởng thức một ấn phẩm có nhiều ưu điểm so với các bộ sách thông sử tư tưởng Trung Quốc bằng Việt ngữ đã xuất bản trước đây. Những ưu điểm chủ yếu có thể kể ra là: (1) góc nhìn phương Tây của một học giả người Pháp gốc Hoa đủ độ uyên thâm về truyền thống Hán học, từ đó thâu thái được những điểm tinh hoa của hai nền học vấn Đông - Tây; (2) bút pháp thiên về biện giải, phân tích, xâu chuỗi, trừu tượng hóa, chứ không phải là khảo cứu tư liệu ngữ văn, mô tả tác phẩm và hành trạng nhân vật; (3) tri thức và ảnh hưởng của Phật giáo được coi trọng như là một tác nhân thúc đẩy sự phát triển của dòng lịch sử tư tưởng; (4) các giai đoạn lịch sử tư tưởng được trình bày một cách cân đối, toàn diện, có hệ thống lớp lang, có tính xâu chuỗi và gắn kết để tạo thành dòng mạch tư tưởng một cách thông suốt.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7615955
Số người đang online: 19