Ngày 18/10/2024, tại Di chỉ khảo cồ học Vườn Chuối - thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, đoàn công tác khai quật khảo cổ học đã báo cáo sơ bộ những kết quả khai quật và báo cáo phương án di dời di tích, di vật ở phía Tây gò Vườn Chuối.
Thực hiện Quyết định số 520/QĐ-BVHTTDL ngày 06/03/2024 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ tại phía Tây gò Vườn Chuối - từ cuối tháng 3/2024, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan liên quan tiến hành khai quật với tổng diện tích 6.000m2.

hnmo_1.jpg
Khu vực khai quật phía tây Di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Đoàn khai quật

Cuộc khai quật phía tây Di chỉ Vườn Chuối đã triển khai 60 hố khai quật, mỗi hồ có diện tích 100m², và bước đầu đã có những phát hiện quan trọng:

Thứ nhất, Phát hiện mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn.
Di tích nằm ở vị trí cao nhất của gò Vườn Chuối, cấu trúc hình lòng chảo với rìa ngoài cao hơn bên trong khoảng 0,5m. Nhận định ban đầu về sự hình thành di tích có thể người xưa lợi dụng địa hình dương là những gò đất tự nhiên cũng như những địa hình âm dưới chân gò và giữa các gò và đã vượt thổ ở khu vực xung quanh tạo khu cư trú ở bên trong và một vòng hào bảo vệ rộng khoảng 10m và sâu khoảng 2,5 - 3m bao quanh bên ngoài. Di tích có chiều dài bắc - nam khoảng 90m, rộng đông - tây 35m và còn tiếp tục mở rộng sang phía đông di chỉ. Đất đắp là đất sét màu nâu vàng thường thấy trên các gò đất tự nhiên ở khu vực này. Bên trong di tích là dấu tích các giai đoạn văn hoá Tiền Đông Sơn. Sườn ngoài của di tích là nơi chôn cất người chết, ở góc tây bắc mật độ chôn cất rất cao tạo thành một bãi mộ tiền Đông Sơn nằm tập trung với ít nhất hai giai đoạn cắt phá nhau.


Khu vực cư trú sớm ở phía bắc Di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Đoàn khai quật
 

Khả năng di tích được hình thành trong giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, là lớp cư dân đầu tiên đến cư trú ở khu vực này. Đây là phát hiện rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam, giúp chúng ta có những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú nhằm ứng phó với những hiểm nguy từ môi trường tự nhiên cũng như xã hội cổ đại. Đồng thời, việc xây dựng công trình quy mô như trên cũng phần nào phản ánh về một xã hội có tổ chức và phân công lao động ở trình độ khá cao.
Thứ hai, làm rõ khu mộ táng có niên đại kéo dài từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của văn hoá Đông Sơn.
Đến nay đã phát hiện hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn, chia thành 2 giai đoạn mộ Đông Sơn sớm và mộ Đông Sơn muộn. Trong đó, một đặc điểm quan trọng là mộ táng tiền Đông Sơn có tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành nhưng đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn thì không còn thấy tục lệ này.
Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

hnmo_2.jpg
Mộ táng, di cốt và dấu vết của tục nhổ răng cửa trên di cốt tiền Đông Sơn. Ảnh: Đoàn khai quật

Đợt khai quật này cũng cho thấy di tích đã nhiều lần bị xâm phạm, đào trộm trong những năm qua.

hnmo_3.jpg
Khu mộ Đông Sơn bị đào trộm. Ảnh: Đoàn khai quật
hnmo_4.jpg
Đồ tùy táng trong mộ Đông Sơn giai đoạn sớm. Ảnh: Đoàn khai quật

Thứ ba, phát hiện dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn lần đầu được tìm thấy tại Vườn Chuối.
 Kết quả khai quật đã bước đầu nhận diện khả năng người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài kiểu/tương tự như những ngôi nhà dài của một số tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn còn sử dụng cho đến gần đây. Phát hiện này mở ra triển vọng mới về việc tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong một ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng.

Kiến trúc nhà ở thời Đông Sơn tại phía bắc Di chỉ Vườn Chuối. Tư liệu: Đoàn khai quật

Khẳng định giá trị và Kiến nghị
Kết quả thu được qua đợt khai quật từ tháng 3/2024 đến nay đã bổ sung tư liệu khẳng định Vườn Chuối là một ngôi làng đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn - cách đây từ 4000 đến 2000 năm. Những kết quả khai quật - nghiên cứu đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ hiện vật về sự có mặt của con người từ rất sớm trên khu vực Hà Nội ngay nay. Hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử, chứng minh rõ dần thời đại “Hùng Vương dựng nước” bằng các chứng cứ khảo cổ học.
Địa điểm Vườn Chuối là di chỉ cư trú - mộ táng phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn. Địa tầng di chỉ Vườn Chuối tồn tại nhiều lớp văn hóa trải qua các giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và hậu Đông Sơn chứng minh giá trị lịch sử văn hóa quan trọng của di chỉ Vườn Chuối. Đây là di chỉ khảo cổ hiếm và quý về/trong thời đại Kim khí ở cả khu vực miền Bắc Việt Nam.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục khai quật - nghiên cứu phần còn lại ở hiện trường di tích và chỉnh lý nghiên cứu chuyên sâu hứa hẹn sẽ đến thêm nhiều tư liệu quan trọng trong nghiên cứu nhận diện về giai đoạn Kim khí không chỉ ở khu vực Hà Nội mà còn có thể mở rộng hơn. Đoàn khai quật đề nghị UBND TP Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sớm cho phép triển khai giai đoạn chính lý, tránh thất thoát lãng phí những di sản văn hóa quý báu; đồng thời đẩy nhanh việc công nhận Di chỉ Vườn Chuối là Di tích cấp Thành phố và thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích./.

Tin bài: Nguyễn Thơ Đình

 
Hội thảo Văn hoá Đông Sơn – 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị được tổ chức vào ngày 9/8/2024 với sự phối hợp giữa Sở VHTTDL Thanh Hóa, Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cùng các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa trong cả nước.
Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận 30 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, di sản, bảo tàng..., những người nhiều năm trực tiếp khai quật, nghiên cứu văn hoá Đông Sơn.
Các báo cáo tham luận tập trung đề cập tới nhiều vấn đề với những cách tiếp cận mới, tư liệu mới, nhận thức mới về nền văn hóa Đông Sơn, cũng như chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
Hội thảo đã hướng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa Đông Sơn; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch để tạo điểm nhấn quan trọng chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở quê hương xứ Thanh.
https://baovanhoa.vn/van-hoa/van-hoa-dong-son-100-nam-phat-hien-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-101253.html
 
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh
- Nhà xb: Văn hóa dân tộc
- Năm xb: 2024
- Số trang: 302tr
 
Nhà khảo cổ học Phạm Văn Kỉnh thuộc thế hệ những cán bộ nghiên cứu đầu tiên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ông đã phát hiện và nghiên cứu hang chục địa điểm khảo cổ thuộc các thời đại khác nhau, từ Bắc chí Nam. Chính từ những cuộc khảo sát và khai quật này, ông và các cộng sự đã đưa về bảo tang những sưu tập hiện vật quý giá, có niên đại từ thời đá cũ cho tới thời quân chủ độc lập, mà rất nhiều trong số đó hiện nay đang được trưng bày phục vụ công chúng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Ông và các đồng nghiệp đã biên soạn nhiều chuyên khảo quan trọng của khảo cổ học Việt Nam, đặc biệt là các công trình lien quan tới thời đại đá cũ và kim khí, bởi đây là hai thời đại lien quan đến sự xuất hiện đầu tiên của con người trên lãnh thổ Việt Nam hiện tại, cũng như sự ra đời của nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó ông còn có hang chục bài viết riêng và chung, bàn về các vấn đề khác nhau của khảo cổ học Việt Nam. Ông đã rời xa cõi tạm gần năm thập kỷ. Để ghi dấu lại những đóng góp của ông đối với khảo cổ học Việt Nam nói chung và Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nói riêng, cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm và Phòng Tư liệu – Thư viện, và sự cộng tác của TS. Tạ Quốc Khánh (Viện Bảo tồn di tích) đã tập hợp các bài viết của ông từ các tạp chí, các kỷ yếu hội thảo để biên soạn cuốn sách này.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Dịch giả: Phan Phương Thảo, Phan Hải Linh, Phạm Lê Huy
- Nhà xb: Khoa học xã hội
- Năm xb: 2024
- Số trang: 722tr

Ấn phẩm kỉ niệm 90 năm ngày sinh GS. Phan Huy Lê (23/2/1934 - 23/2/2024).

Cuốn sách Phan Huy Lê Di Cảo – Nhận thức lịch sử Việt Nam  tập hợp “những tổng kết hội nghị, hội thảo khoa học; những bài viết khai mở và định hướng cho nhiều hướng nghiên cứu mới; những trao đổi thảo luận về các vấn đề hay nhân vật lịch sử có nhiều gai góc, “nhạy cảm” của một trong tứ trụ của ngành Sử học Việt Nam – Giáo sư Phan Huy Lê.

Cuốn sách gồm 27 bài viết từ tháng 9 năm 1982 đến tháng 4 năm 2018, được chia thành hai phần:

Phần thứ nhất: Tư liệu và Tổng quan, gồm 3 bài về các nguồn tư liệu cụ thể và 6 bài trên cơ sở tư liệu đưa ra những nhận xét mang tính tổng quan và định hướng về lịch sử Việt Nam nói chung; về vùng đất Nam Bộ, về Hội An và về Hoàng thành Thăng Long nói riêng.

Phần thứ hai: Nhân vật và Sự kiện, tập trung cao cho nội dung hình thành, phát triển, tính chất, chức năng, vai trò và đóng góp của các nhà nước từ thời đại dựng nước đầu tiên cho đến các nhà nước thế kỷ X, thời Lý, Trần, Lê, Mạc, chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Mảng đề tài thứ hai là lịch sử quân sự và các cuộc chiến tranh giữ nước từ khởi nghĩa Hoan Châu (713-722) cho đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954).
Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

- Tác giả: GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và TS. Nguyễn Anh Thư
- Nhà xb: Văn hóa dân tộc
- Năm xb: 2020
- Số trang: 312tr
Văn minh Champa để lại những di sản quý cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên mảnh đất miền Trung Việt Nam hiện nay, sự hiện hữu của các di tích văn hóa Champa vẫn còn rõ nét và ngày càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nghiên cứu đồ gốm Champa - một loại hình di vật “gốc”, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập và phục dựng diện mạo đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Champa trong lịch sử đang ngày càng được chú trọng.
Khi nói tới gốm Champa, đa phần người nghiên cứu và công chúng thường nghĩ đến gốm Gò Sành thế kỷ XIV, XV (Bình Định) và gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận). Trong khi đó còn một khối lượng lớn đồ gốm tìm được trong các địa điểm khảo cổ học Champa thế kỷ I-X vẫn chưa được nghiên cứu và công bố một cách đầy đủ, khoa học và hệ thống.
Cuốn sách Nghìn năm gốm cổ Champa sẽ hệ thống hóa và cung cấp nguồn tư liệu cập nhật về gốm Champa trong suốt 1.000 năm lịch sử (từ thế kỷ I đến thế kỷ X), góp phần bổ’ sung nhận thức mới về đồ gốm Champa và nghề sản xuất gốm truyền thống của cư dân vương quốc Champa. Bên cạnh đó nội dung cuốn sách còn đi sâu phân tích ảnh hưởng của các mối quan hệ tiếp xúc, giao lưu văn hóa đối với sản xuất và buôn bán đồ gốm Champa trong 10 thế kỷ, đồng thời nghiên cứu đồ gốm Champa trong bối cảnh rộng hơn (trong nước và khu vực) nhằm làm rõ nguồn gốc, vị trí, vai trò của đồ gốm Champa.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Cuốn sách là kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có quy mô lớn về văn hóa Óc Eo, được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021. Quyển sách tập trung giới thiệu kết quả khai quật, nghiên cứu mới nhất của khảo cổ học, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về văn hóa Óc Eo.
Sách có 4 chương: “Khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Óc Eo ở Nam bộ”, “Những phát hiện khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê”, “Những phát hiện khảo cổ học tại di tích Nền Chùa” và “Đánh giá tổng quan kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa năm 2017-2020”.
Đây là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, được đánh giá có giá trị về khoa học, đạt chất lượng cao về nội dung, trình bày đẹp, bản vẽ, hình ảnh được bố cục chuyên nghiệp. Sách có giá trị trong nghiên cứu, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguồn: https://baohaugiang.com.vn/
Bộ VHTTDL và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam - Thousand Years of Viet Nam National Civilization”.
Tính đến ngày 18.1.2024, Việt Nam có 294 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, qua 12 đợt ký duyệt kể từ năm 2012.
 
294 bảo vật quốc gia này hết sức đặc biệt, là những “hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, hiện đang được lưu giữ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và được bảo quản, bảo vệ theo chế độ đặc biệt, với những phương pháp bảo quản đặc thù tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật.
Cũng bởi có giá trị đặc biệt quý hiếm, nên việc công nhận bảo vật quốc gia được thực hiện theo trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Để được công nhận bảo vật quốc gia, các hiện vật phải đáp ứng những tiêu chí quy định tại khoản 3, Điều 2 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP, ngày 11.11.2002 của Chính phủ: hiện vật phải nguyên gốc, độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện là vật chứng của một sự kiện lớn hoặc gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân kiệt xuất; là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng - nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu có giá trị thực tiến cao, có tác dụng thúc dẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định.
Trong thời gian qua, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các bảo vật đã được quan tâm, thực hiện bằng những hình thức khá đa dạng, từ tổ chức các cuộc trưng bày trong và ngoài nước cho đến giới thiệu qua các trang web, phương tiện truyền thông xã hội, số hóa, phát hành các bộ tem theo chủ đề về bảo vật quốc gia....
Tuy nhiên, các bảo vật quốc gia hiện nay thuộc quyền quản lý của nhiều địa phương, tổ chức khác nhau nên mỗi nơi có cách thức quảng bá, khai thác, cũng như tôn vinh các giá trị của các hiện vật, nhóm hiện vật khác nhau. Do vậy, công chúng còn gặp nhiều khó khăn khi muốn chiêm ngưỡng, tìm hiểu một cách hệ thống về các bảo vật quốc gia.
Cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam - Thousand Years of Viet Nam National Civilization” sẽ đưa bạn đọc tìm hiểu theo hành trình niên đại của các bảo vật quốc gia, bắt đầu từ giai đoạn trước Công nguyên cho đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, đánh dấu bằng bước ngoặt vĩ đại là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuốn sách giới thiệu các bảo vật một cách súc tích, ngắn gọn nhất, nhưng cũng đủ để bạn đọc có cái nhìn cơ bản, khái quát về nguồn gốc, thời đại, đặc điểm cùng những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của bảo vật. Kèm theo những thông tin cô đọng đó là hình ảnh của từng bảo vật.
Hy vọng cuốn sách sẽ giúp đông đảo công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa được “dệt” nên bởi bàn tay và khối óc con người Việt Nam, được liên tục bồi đắp suốt hàng nghìn năm qua, để tạo nên một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong lần xuất bản đầu tiên, năm 2023, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã giới thiệu 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia qua 11 đợt ký duyệt. Ở lần xuất bản thứ hai này, Nhà xuất bản giới thiệu bổ sung 29 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt công nhận thứ 12) theo Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18.1.2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguồn: https://baovanhoa.vn
Jacques de Guerny giới thiệu cho chúng ta không chỉ trống đồng Việt Nam, Hoa Nam (Trung Quốc) mà cả một thế giới trống đồng Đông Nam Á: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Công trình dẫn dắt người ta từ quê hương của trống đồng là tam giác Việt Nam - Vân Nam - Quảng Tây từ thiên niên kỷ thứ nhất, sau đó phát triển ra Myanmar, Thái Lan và các quốc gia hải đảo.
 
Công trình cũng giới thiệu kỹ thuật đúc trống đồng, ý nghĩa của các họa tiết trên mặt trống, phong tục gõ trống đồng. Trống đồng không chỉ gõ như trống da, mà nó còn được gõ theo kiểu giả lên mặt trống, được đeo lên người mà gõ (trống nhỏ). Trống được sử dụng để báo hiệu, để gõ trong các lễ hội, được dùng trong các nghi lễ thờ thần, trong ma chay, dùng trong nhạc lễ cung đình, và nhất là được dùng trong chiến trận. Trên mặt trống đồng còn ghi khá rõ các phong tục dùng trống.
Việt Nam là cái nôi của trống đồng. Từ khi Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hiện cái trống đầu tiên ở Thanh Hóa, đến nay người ta đã sưu tập được trên 600 cái trống lớn nhỏ. Trống đồng Việt Nam phần nhiều thuộc loại một, to lớn, tinh xảo. Ở Bắc Ninh vài chục năm trước đây người ta còn đào được một cái khuôn gốm đúc trống đồng. Sử sách còn ghi lại tướng nhà Hán, nhà Minh (Trung Quốc) từng thu hàng chục trống đồng để nấu ra lấy đồng; hoặc trống đồng từng là cống vật cho các triều đình Trung Quốc. Sứ thần nhà Nguyên từng viết về uy lực của âm vang trống đồng sau khi thất trận ở Đại Việt: "Kim qua ảnh lý đan tâm khổ/ Ðồng cổ thanh trung bạch phát kim" (Lờ mờ giáo sắt, lòng kinh khiếp/ Ầm ầm tiếng trống, tóc bạc phơ).
Jacques de Guerny không phải là nhà sử học, ông là một doanh nhân người Pháp, một giáo sư về kinh tế học, nhưng yêu thích trống đồng, ông bỏ nhiều thì giờ, công sức để nghiên cứu các tài liệu về trống đồng, đi hầu khắp các nước, các bảo tàng có lưu giữ trống đồng, nhờ thế ông có một kiến thức vững chắc, sâu rộng và có hệ thống về trống đồng Đông Nam Á. Công trình viết bằng tiếng Pháp được dịch giả Đào Tuyết Nga dịch một cách nghiêm túc, thú vị, mà thanh thoát.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/
- Tác giả: GS.TS Ngô Đức Thịnh
- Nhà xb: Đại học Quốc gia Hà Nội
- Năm xb: 2021
- Số trang: 403tr
- Khổ: 16 x 24cm
Cuốn sách Tộc người và văn hóa Việt Nam của tác giả Ngô Đức Thịnh, viết về văn hóa tộc người, chủ yếu là các dân tộc thiểu số. Sau khi trình bày quan niệm của mình về văn hóa tộc người thể hiện trên ba cấp độ; văn hóa nhóm ngôn ngữ - tộc người, văn hóa tộc người và văn hóa nhóm địa phương của tộc người, tác giả phác họa bức tranh chung về diện mạo và nguồn gốc các tộc người, về một số tộc người và nhóm tộc người cụ thể, như Tày, Nùng, Thái, Khơ Me, Mảng, Thu Lao, Pa Dí…., đi sâu giới thiệu về một số hiện tượng văn hóa cụ thể, như trang phục, ăn uống, táng thức, văn hóa dân gian, nhạc khí, văn hóa và du lịch dân tộc…
Xin trân trọng giới thiệu!
- Tác giả: Nguyễn Xuân Kính
- Nhà xb: Khoa học xã hội
- Năm xb: 2019
- Số trang: 1022tr
Trình bày khái quát chân dung người Việt trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính mình. Người Việt trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với những kiểu dạng cụ thể: người nông dân, người thành thị, người thợ thủ công, người buôn bán, nhà nho, người trí thức tân học… với các khía cạnh mưu sinh, ẩm thực, trang phục, đi lại, một số biểu hiện của văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần.
Xin trân trọng giới thiệu!

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9020363
Số người đang online: 12