Qua những phát hiện về kiến trúc và di vật trong quá trình khai quật nghiên cứu phế tích tháp Xuân Mỹ góp phần làm rõ thêm về tiến trình trang trí kiến trúc trong nghệ thuật Champa thời vương triều Vijaya. Nếu giai đoạn đầu khi dời đô về Vijaya vào cuối thế kỷ X, các kiến trúc tháp Champa trang trí bằng cách khắc tạc trực tiếp trên gạch là chủ đạo, tiêu biểu như tháp Bình Lâm. Đến thế kỷ XII, khi có sự chuyển biến về kiến trúc, về cơ bản những họa tiết trang trí trực tiếp trên gạch trở nên giảm dần, thay vào đó là những trang trí bằng gốm đất nung trở thành chủ đạo, bên cạnh đó vẫn sử dụng chất liệu đá trong trang trí nhưng với số lượng hạn chế, tiêu biểu cho kiến trúc thời kỳ này là tháp Bánh Ít, phế tích tháp Lai Nghi, phế tích tháp Rừng Cấm và phế tích tháp Xuân Mỹ. Đến đầu thế kỷ XIII, trở về sau, khi ảnh hưởng của kiến trúc Khmer trở nên đậm nét hơn thì việc sử dụng chất liệu đá trong trang trí kiến trúc trở nên phổ biến hơn, tiêu biểu như tháp Dương Long, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, phế tích Tháp Mắm…
Bối cảnh lịch sử có sự tác động đến kiến trúc Champa trong từng thời kỳ khác nhau. Với quy mô kiến trúc to lớn, trang trí mỹ thuật đẹp, được xây dựng tại cửa ngõ kinh đô Vijaya, đã phần nào phản ảnh lịch sử Vijaya thời kỳ này, đây là thời kỳ ổn định về xã hội, kinh tế phát triển, tạo nên sức sống mới sau những biến động lịch sử. Như phần trên đã trình bày, có thể tháp Xuân Mỹ được xây dựng dưới triều vua Jaya Harivarman I. Ông là vị vua đã đưa vương quốc Champa phát triển hùng mạnh với nhiều chiến công như đẩy lùi cuộc tấn công của quân Khmer vào Vijaya vào năm 1149 và sự can thiệp của Đại Việt ở phía bắc năm 1150. Để củng cố vương quyền và sự thống nhất trên toàn lãnh thổ vương quốc Champa, vua Jaya Harivarman I đã đem quân dẹp tan các cuộc nổi loạn của tiểu quốc Amaravarti năm 1151 và tiểu quốc Panduranga năm 1160, được công nhận là người cai trị toàn cõi vương quốc Champa. Sau những chiến thắng, ông đã cho xây dựng rất nhiều ngôi tháp trên khắp lãnh thổ Champa như tại tháp G trong thánh địa Mỹ Sơn, mà bia ký G5 có ghi lại và tại tháp Po Nagar, hai thánh địa lớn nhất phía Bắc và phía Nam của vương quốc Champa (Maspero 2020: 252-253).
Những mảnh gốm sứ có nguồn gốc từ Đại Việt và Trung Hoa được sử dụng phục vụ trong công trình tôn giáo Champa, cũng phản ánh quá trình giao thương buôn bán diễn ra giữa vương quốc Champa với các quốc gia lân cận.Vương quốc Champa có vị trí địa lý nằm trên tuyến đường giao thương đông - tây, chính vì vậy có điều kiện tiếp thu những ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài. Phế tích tháp Xuân Mỹ được xây dựng theo truyền thống kế thừa tinh hoa nghệ thuật kiến trúc tháp Champa, đó là sử dụng chất liệu gạch, kết hợp vật liệu xây dựng mới ảnh hưởng từ văn hóa Khmer đó là đá ong. Quá trình khai quật phát hiện một số hiện vật trang trí kiến trúc có khắc chữ Hán, phản ánh sự giao lưu giữa văn hóa Champa với văn hóa Đại Việt hoặc Trung Hoa xa hơn là Khmer. Đó là những minh chứng cho mối quan hệ mở rộng  đa chiều giữa vùng đất Vijaya với các nền văn hóa bên ngoài, tiếp thu có chọn lọn làm giàu bản sắc văn hóa Champa trong lịch sử.

(Hoàng Như Khoa, Khảo cổ học số 2/2024)
Tác giả sử dụng phương pháp phân tích thuộc tính để hiểu sự biến đổi hình thái và hành vi sử dụng vật liệu liên quan đến các kỹ thuật sản xuất theo thời gian, như trong trường hợp các hiện vật đá được thu thập từ hang đá Thung Lau trong cuộc khai quật năm 2022 tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Kết quả cho thấy, trong khoảng thời gian hơn 20.000 calBP và trước đó, các loại công cụ đều là những chiếc chopper với các cạnh nằm ngang, dọc hoặc ba cạnh, được làm từ vật liệu đá vôi thuận lợi. Những đặc điểm này có sự tương đồng với một số di tích Hòa Bình sớm ở Ninh Bình đã được xác định niên đại chính xác, từ hơn 30.000 calBP đến 20.000 calBP. Từ khoảng 14.000 calBP đến 9.000 calBP, các công cụ có hình dạng xuất hiện và có sự gia tăng các công cụ được làm từ đá magma và đá biến chất với sự xuất hiện của đá bazan, diabase và granite. Giai đoạn mới nhất cho thấy sự hiện diện của cư dân Đa Bút, những người biết làm gốm và khai thác tài nguyên biển.
(Phạm Thanh Sơn, Khảo cổ học số 1/2024)
Khổ 19x27, 100 trang

- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học

Năm xuất bản: 2023
- Số trang: 432tr
Cuốn sách được phát triển từ đề tài nằm trong hệ đề tài nghiên cứu cấp Bộ về Nông thôn Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại do Viện Sử học triển khai từ năm 2013. Hệ đề tài nghiên cứu Nông thôn Việt Nam sẽ góp phần nhận diện đầy đủ hơn về diện mạo làng xã, hình thức quần cư, cộng cư, thiết chế chính trị - xã hội làng xã; kết cấu kinh tế truyền thống; quá trình thiên di, di dân; các mối quan hệ họ hàng – làng – nước ở nông thôn… và vai trò của nông thôn, làng xã trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nội dung khoa học của đề tài góp phần tư vấn cho các nhà quản lý hoạch định những chính sách phù hợp đối với nông thôn, nông dân qua những kinh nghiệm lịch sử, như chính sách về đất đai, thuế khóa, về xây dựng thiết chế làng xã, về việc kết hợp các yếu tố pháp luật với luật lệ làng xã khi xử lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến người dân… Đặc biệt, nội dung nghiên cứu của đề tài có thể góp phần cung cấp kinh nghiệm lịch sử trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Đầu thế kỷ XX, nông thôn Việt Nam, trong đó nông thôn Trung Kỳ đã nằm trong chủ trương khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp vì đây chính là nơi sản sinh ra các nguồn lực chủ yếu của thuộc địa như đất đai, thuế, nông sản phẩm, nguồn nhân lực. Việc phân chia Việt Nam ra làm ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ và quá trình thiết lập hệ thống quản lý hành chính, kinh tế và xã hội ở những xứ này là một phần quan trọng trong hoạt động khai thác thuộc địa của Pháp ở Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu của các học giả nước ngoài cho thấy Trung Kỳ là xứ có điều kiện tự nhiên đang dạng nhất Đông Dương, cùng với đó là sự phức tạp được hiện diện ở nhiều mặt như địa lý, lịch sử, thể chế chính trị. Chính những yếu tố này có những tác động nhất định đến nông thôn Trung Kỳ dưới chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Để làm rõ vấn đề này, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách “Nông thôn Trung Kỳ từ năm 1858 đến năm 1945” do TS. Trần Thị Phương Hoa làm chủ biên.

Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được thể hiện qua 3 chương:

Chương 1. Tổ chức, quản lý làng xã nông thôn Trung Kỳ thời Pháp thuộc

Chương 2. Kinh tế nông thôn Trung Kỳ dười thời Pháp thuộc

Chương 3. Văn hóa – xã hội nông thôn Trung Kỳ thời Pháp thuộc

Cầm cuốn sách trên tay, độc giả được tiếp cận một lượng lớn tài liệu sơ cấp và thứ cấp qua đó hiểu rõ phần nào sự thay đổi diện mạo nông thôn Trung Kỳ từ năm 1858 đến năm 1945. Phân tích nông thôn Trung Kỳ từ năm 1858 đến năm 1945 trên các bình diện, nhóm nghiên cứu khẳng định, thay đổi lớn nhất ở nông thôn Trung Kỳ thời Pháp thuộc là mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền làng xã được tăng cường; cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống được xây dựng, kết nối nông thôn với thành thị và giữa các vùng nông thôn với nhau. Tuy nhiên, đời sống người dân dường như không có thay đổi gì rõ rệt nếu không muốn nói tình trạng nghèo đói và bần cùng hóa có xu hướng tăng cao. Mâu thuẫn xã hội trong làng ngày càng thêm căng thẳng khi làng xã là nơi cung cấp nguồn nhân lực cũng như vật lực chủ yếu, quan trọng nhất cho chính quyền trung ương. Trong khi đó, người nông dân bị bần cùng hóa, bị bóc lột. Căng thẳng xã hội đã dẫn đến những phản kháng. Trên thực tế, các cuộc đấu tranh phần nhiều xuất phát từ nông thôn, kể từ phong trào Văn thân – Cần Vương, đến phong trào Duy Tân và sau này là phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh đều lấy nông thôn, làng xã là nơi khởi phát và địa bàn hoạt động. Nhằm xoa dịu người dân, chính quyền thực dân đã thực thi một số chính sách đầu tư cho nông thôn nhưng sản xuất nông nghiệp đình đốn, suy thoái, đời sống người dân bấp bênh, kiệt quệ...
Xin trân trọng giới thiệu!

 

- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ

- Năm xuất bản: 2023
- Nhà xb:Lao Động
- Số trang: 500
Vùng Nam Bộ là một vùng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam. Vùng bao gồm Đông Nam Bộ và Tây  Nam Bộ (Đồng Bằng Sông Cửu Long) bao gồm 19 tỉnh (trong đó có 2 thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) với nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng quan trọng của đất nước. Những năm trở lại đây, thực tiễn sự phát triển của đất nước cho thấy những đóng góp lớn ở nhiều lĩnh vực có đóng góp nhiều nhất đươc đến từ vùng Nam Bộ. Riêng Đông Nam Bộ với đầu tàu kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh và tam giác phát triển: Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa -Vũng Tàu tạo ra một vùng kinh tế năng động bậc nhất của Việt Nam và đóng góp kinh tế lớn nhất cả nước. Theo thống kê năm 2020, vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, Đồng Bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là thủ phủ của xuất khẩu nông sản của Việt Nam với nhiều sản phẩm có quy mô sản xuất khẩu lớn như: Gạo, thủy sản, trái cây. Sự phát triển của kinh tế đem lại sự tác động phát triển xã hội. Trong giai đoạn 2020 -2023, có nhiều thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế, xã hội.

Cuốn sách: “Một số vấn đề về khoa học xã hội trong phát triển vùng Nam Bộ” – Phiên bản năm 2023 là một ấn phẩm thường niên của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Cuốn sách tập hợp các bài viết nghiên cứu của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trong từng năm. Trong cuốn sách phiên bản năm 2023 này, có tổng số trên 50 bài viết về các mảng vấn đề của khoa học xã hội trên các phương diện như: Sử học, Kinh tế học, xã hội học, Triết học và chính trị học, Văn học và Ngôn ngữ học, Môi trường và phát triển, Dân tộc – tôn giáo, Khảo cổ học,…Các nghiên cứu được đề cập và viết theo diện những nghiên cứu chuyên sâu vào từng lĩnh vực là kết quả nghiên cứu khoa học, hội thảo, các đề tài các cấp do viên chức và các nhà nghiên cứu của Việt cùng triển khai, tập hợp và xuất bản.
Xin trân trọng giới thiệu!

 
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​
Năm xuất bản: 2022
- Số trang: 244
Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “Cải cách thể chế kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông”, do Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì và TS. Lý Hoàng Mai làm chủ nhiệm.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được bố cục thành 3 chương:
Chương 1. Cải cách thể chế chính trị, kinh tế của Hồ Quý Ly
Chương này, nhóm tác giả mô tả, phân tích bối cảnh lịch sử dẫn đến các cuộc cải cách thể chế của Hồ Quý Ly, đồng thời nghiên cứu, phân tích các nội dung của cuộc cải cách thể chế của Hồ Quý Ly dưới góc độ thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Nghiên cứu khẳng định, cuộc cải cách của Hồ Quý Ly đã phần nào giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội cuối thời Trần. Những cải cách này có mặt tích cực và hạn chế, nhưng vai trò “mở đường” của Hồ Quý Ly trong lịch sử khi thực hiện cuộc cải cách với mong muốn xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền có sức mạnh về chính trị, quân sự, kinh tế để chống giặc ngoại xâm là điều không thể phủ nhận. Sự xuất hiện những tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly cuối thể kỷ XIV đầu thế kỷ XV đã góp phần định hướng một tiến trình vận động của xã hội phong kiến Việt Nam ở những thế kỷ tiếp theo trong việc xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.
Chương 2. Cải cách thể chế chính trị, kinh tế của Lê Thánh Tông
Tập trung phân tích bối cảnh lịch sử dẫn đến cải cách thể chế của Lê Thánh Tông; nghiên cứu, phân tích nội dung các cuộc cải cách thể chế của Lê Thánh Tông dưới hai góc độ thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Về cải cách thể chế chính trị, nhóm tác giả phân tích một số nội dung: (i) Tư tưởng trị nước của lê Thánh Tông; (ii) Cải cách thể chế chính trị; (iii) Cải cách thể chế hành chính. Nghiên cứu khẳng định, cải cách hành chính dưới triều vua Lê Thánh Tông được đánh giá là tương đối toàn diện và đã mang lại sự hưng thịnh cho đất nước lúc bấy giờ, tình hình chính trị - xã hội ổn định, kinh tế đất nước phát triển. Thể chế nhà nước cũng hoàn thiện hơn các triều đại trước như: hạn chế sự lạm dụng quyền lực, hạn chế tha hóa, tham nhũng, hối lộ, lộng quyền của công thần trong giai đoạn Lê sơ, khi nhà vua còn là bậc minh quân.
Chương 3. Những tác động của các cuộc cải cách tới nền kinh tế phong kiến thế kỷ XV và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong chương này, nhóm nghiên cứu làm rõ ảnh hưởng của hai cuộc cải cách này tới nền kinh tế phong kiến ở thế kỷ XV trên các phương diện: sở hữu đất đai, nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đồng thời, đánh giá những kết quả của hai cuộc cải cách ở các mặt thành công và hạn chế, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm trong phát triển đất nước.
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả. Bằng cách tiếp cận đặc thù của lịch sử kinh tế, phương pháp nghiên cứu lịch sử, logic, so sánh..  nhóm nghiên cứu đã cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích, đặc biệt có giá trị về hoạt động cải cách thể chế chính trị và kinh tế  của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XV. Hy vọng cuốn sách đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguồn: Nxb: Khoa học xã hội
 


 
- Tác giả: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
- Nhà xuất bản: Văn hóa Dân tộc
- Năm xuất bản: 2021
- Số trang: 400tr
- Khổ sách: 16 x 24
 
Đầu tháng 6 năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ra mắt cuốn sách “Vũ Quốc Hiền - Hành trình tìm về quá khứ” nhân dịp tròn 1 năm “rời xa cõi tạm” của Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia do các đồng nghiệp và học trò của ông lựa chọn, tổ chức bản thảo.
Bố cục cuốn sách được cấu trúc theo hành trình nghiên cứu của Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền với 2 phần chính:

 - Phần thứ nhất có tựa đề Đi tìm những cổ xưa là tập hợp các bài nghiên cứu tiêu biểu của ông, bao gồm cả bài viết riêng và chung, nhưng đều không thể phủ nhận dấu ấn của Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền. Các bài viết phần này được sắp xếp theo niên đại và khu vực, nhằm nêu bật những đóng góp của ông đối với khảo cổ học Việt Nam, đặc biệt là khảo cổ học ở khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.
- Phần thứ hai với tựa đề Trong miền ký ức là tập hợp một số bài viết của bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm và niềm thương tiếc của họ đối với ông.

Ngoài ra, trong cuốn sách còn có các bức ký họa về Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền dưới ngòi bút của các họa sĩ Trần Nguyên Đán và Chu Văn Vệ cùng với những bức hình kỷ niệm trong suốt quá trình gần 40 năm công tác của ông.
Cuốn sách “Vũ Quốc Hiền - Hành trình tìm về quá khứ” là một tri ân với những kỷ niệm, những tình cảm cá nhân, song đây cũng là một ấn phẩm khoa học của một nhà khảo cổ học trung thực, nghĩa tình, một người luôn cháy hết mình với nghề, với đời.
Xin trân trọng giới thiệu!
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do Nguyễn Hữu Giềng, Nguyễn Thị Hiệp, Olivier Tessier tổ chức, biên dịch và giới thiệu.
Tác giả Louis Malleret (1901 - 1970) là nhà khảo cổ học người Pháp, nguyên Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - École française d'Extrême-Orient (EFEO). Trong vòng hai thập kỷ cộng tác, đồng hành rồi giữ vị trí lãnh đạo Viện (1950 - 1956), ông đã thực hiện nhiều chương trình khai quật khảo cổ học ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ những năm 1937 - 1944, và là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ về các di chỉ văn hóa Óc Eo.
Mục đích của việc ra mắt bản tiếng Việt Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo lần này trước hết là để độc giả trong nước nói chung và các nhà nghiên cứu nói riêng có cơ hội khám phá Óc Eo tường tận hơn qua những nghiên cứu khảo cổ học quan trọng của Louis Malleret.
 
Ngoài ra, mục đích thứ hai là thu thập, công bố tư liệu nhằm chuẩn bị hồ sơ xin công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới cho Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt: Óc Eo - Ba Thê.
Vì hai mục đích cấp thiết này, Ban Quản lý Di tích Văn hóa óc Eo tỉnh An Giang đã tiến hành hợp tác với EFEO và NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức biên soạn, dịch và giới thiệu bộ sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông. Chính vì các lý do trên, tập II của bộ sách có nhan đề Văn minh vật chất Óc Eo được lựa chọn công bố trước tiên.
Đây là bản Việt ngữ chính thức ra mắt độc giả lần đầu tiên sau hơn 60 năm, kể từ thời điểm nguyên tác tiếng Pháp ra đời, do EFEO ấn hành vào năm 1959. Các tập còn lại của bộ sách sẽ lần lượt ra mắt độc giả Việt Nam trong thời gian tới.
Tập II Văn minh vật chất Óc Eo được chia làm hai quyển (chính văn và phụ bản), trong đó quyển 1 dành cho việc khảo sát, khai quật, miêu tả hiện vật và nghiên cứu khảo cổ. Nội dung quyển I gồm ba phần:
Phần 1 giới thiệu các hiện vật là công cụ lao động, sinh hoạt của cư dân thuộc văn hóa Óc Eo, chất liệu được làm bằng đá và xương răng của các loài động vật.
Phần 2 giới thiệu chi tiết các hiện vật bằng đất nung bao gồm các công cụ được sử dụng trong hoạt động thủ công nghiệp làm gốm, kim hoàn và các loại đồ gốm được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân văn hóa Óc Eo.
Phần 3 là những nghiên cứu về kỹ thuật luyện kim đồng và sắt của cư dân cổ cùng các hiện vật được làm bằng kim loại như tượng của các vị thần và Phật, nhạc khí, đồ trang sức và các hiện vật kim loại của nước ngoài được phát hiện ở các di chỉ Óc Eo.
Riêng quyển 2 là phần phụ bản bao gồm hình ảnh và chú thích về các dụng cụ, di vật thu thập được từ các cuộc khai quật quần thể di chỉ Óc Eo và Ba Thê cùng với một số ảnh chụp, ảnh dập từ nguồn ảnh liệu của EFEO. Nhiều hiện vật được chụp từ các góc độ khác nhau kèm với số đo, kích thước, đường kính rất chính xác, tỉ mỉ.
Tập II bộ sách này cho thấy Louis Malleret đã nghiên cứu một cách toàn diện và chi tiết nhiều phương diện văn hóa của miền Tây sông Hậu, giúp người đọc nhận diện được các loại hình cổ vật Óc Eo, phương thức sản xuất và ảnh hưởng kỹ thuật cũng như mối quan hệ giao thoa văn hóa của cư dân Óc Eo với các nền văn minh khác trong khu vực.
Hội thảo khoa học Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 năm 2024 của ngành Khảo cổ học Việt Nam do Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 11 năm 2024 tại Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.
Ban tổ chức Hội thảo kính mời các tổ chức, cá nhân làm công tác Khảo cổ học, các quý đại biểu, khách quý, các tác giả viết bài tham dự hội thảo. Nội dung chi tiết Giấy mời tham dự Hội thảo khoa học Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 năm 2024 (xin xem file đính kèm).
 Viện Khảo cổ học xin trân trọng thông báo!

 

Ngày 18-10, đoàn khai quật khảo cổ học báo cáo sơ bộ những kết quả tại Di chỉ Vườn Chuối năm 2024 (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức).
Từ cuối tháng 3-2024, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan liên quan tiến hành khai quật khu vực phía tây Di chỉ Vườn Chuối với tổng diện tích 6.000m2.

hnmo_1.jpg
 
hu vực khai quật phía tây Di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: N.N.Q

TS. Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học, cho biết: “Cuộc khai quật phía tây Di chỉ Vườn Chuối đã triển khai 60 hố khai quật, mỗi hố có diện tích 100m², bước đầu đã có những phát hiện quan trọng.

Đầu tiên là phát hiện mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn. Di tích nằm ở vị trí cao nhất của gò Vườn Chuối, cấu trúc hình lòng chảo với rìa ngoài cao hơn bên trong khoảng 0,5m. Di tích có chiều dài khoảng 90m, rộng 35m và còn tiếp tục mở rộng sang phía đông di chỉ. Bên trong di tích là dấu tích các giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn. Khả năng di tích được hình thành trong giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, với lớp cư dân đầu tiên đến cư trú ở khu vực này.

Đây là phát hiện rất quan trọng trong nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam, giúp chúng ta có những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú nhằm ứng phó với hiểm nguy từ môi trường tự nhiên cũng như xã hội. Đồng thời, việc xây dựng công trình quy mô như trên cũng phần nào phản ánh về một xã hội có tổ chức và phân công lao động ở trình độ khá cao.

hnmo_2.jpg
Mộ táng, di cốt và dấu vết của tục nhổ răng cửa trên di cốt tiền Đông Sơn. Ảnh: N.N.Q

Thứ hai, là khu mộ táng có niên đại kéo dài từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Đến nay đã phát hiện hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn. Trong đó, một đặc điểm quan trọng là mộ táng tiền Đông Sơn có tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành nhưng đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn thì không còn thấy tục lệ này.

Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Đợt khai quật này cũng cho thấy di tích đã nhiều lần bị xâm phạm, đào trộm trong những năm qua.

hnmo_3.jpg
Khu mộ Đông Sơn bị đào trộm. Ảnh: N.N.Q

Thứ ba là những dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn lần đầu được tìm thấy tại Vườn Chuối. Kết quả khai quật đã bước đầu nhận diện khả năng người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài tương tự những ngôi nhà dài của một số tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn còn sử dụng cho đến gần đây. Phát hiện này mở ra triển vọng mới về việc tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong một ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng.

hnmo_4.jpg
Đồ tùy táng trong mộ Đông Sơn giai đoạn sớm. Ảnh: N.N.Q

Theo TS Nguyễn Ngọc Quý, những kết quả thu được qua đợt khai quật từ tháng 3-2024 đến nay đã bổ sung tư liệu khẳng định Vườn Chuối là một ngôi làng đã được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn - cách đây từ 4.000 đến 2.000 năm. Những kết quả khai quật - nghiên cứu đã góp phần cung cấp chứng cứ hiện vật về sự có mặt của con người từ rất sớm trên khu vực Hà Nội ngày nay. Đây là di chỉ khảo cổ hiếm và quý trong thời đại Kim khí ở cả khu vực miền Bắc Việt Nam.

Tin bài: Vân Hạ, Thơ Đình

 

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9020359
Số người đang online: 9