Tháng 7 năm 2013, trong khuôn khổ thực hiện Đề tài cấp Cơ sở, chúng tôi đã tiến hành phúc tra lại hệ thống các di tích văn hóa Tiền Đông Sơn tỉnh Phú Thọ trên địa bàn các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông và thành phố Việt Trì. Hiện trạng các di chỉ như sau:

1. Hệ thống các di tích văn hóa Phùng Nguyên

          1.1. Huyện Lâm Thao:

          - Di chỉ Gò Chùa Cao (xã Cao Xá): Hiện tại khu gò cây cối mọc um tùm. Trên sườn gò xây dựng một ngôi chùa, cổng tam quan rất rộng, đẹp. Phía trước gò là khu nghĩa địa.

          - Di chỉ Thành Dền (xã Cao Xá): Hiện tại nhà dân ở kín phạm vi gò. Có một số khu vực còn rõ tầng văn hóa, dày khoảng 80cm - 100cm nhưng cũng khó thực hiện khai quật do người dân đã xây dựng những công trình kiên cố

          - Di chỉ Xóm Kiếu (xã Tứ Xã): Khu vực này giờ là khu dân cư đông đúc.

          - Di chỉ Gò Mả Nguộn (xã Tứ Xã): Toàn bộ gò đã bị san bạt để xây dựng trường học. Khu di chỉ giờ là trường THCS Tứ Xã rất khang trang.

          - Di chỉ Gót Rẽ (xã Tứ Xã): Vẫn là cánh đồng lúa, sau đợt khai quật của Viện Khảo cổ học vào năm 1995 thì bà con đi làm ruộng hầu như không nhặt được những chiếc búa đá nữa (đồ đá bà con thường gọi là búa đá).

          - Di chỉ Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ): Khu vực ao gần chợ tầng văn hóa còn rất rõ, đồ gốm còn rải rác trên vách ao, khu vực giáp cánh đồng trồng lúa ở ngoài ao còn có gốm vỡ rải rác trên bề mặt.

          1.2. Huyện Phù Ninh:

          - Di chỉ An Đạo (xã An Đạo): Gò vẫn còn gần nguyên nhưng giờ thành đất của chùa Hoàng Long, phần sườn gò có thể khai quật nhưng vị sư trụ trì không cho phép đào trong đất chùa.

          - Di tích Xóm Rền (xã Gia Thanh): Di tích nằm trong khu vườn của các gia đình dân nên vẫn còn được bảo tồn, vẫn có khu vực có thể khai quật được. Tuy nhiên, có một tình trạng là di tích hiện giờ không được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các cơ quan chức năng có liên quan. Biển giới thiệu di tích lịch sử cấp Quốc gia đã bị rơi xuống đất không biết từ bao giờ.

          - Di tích Gò Diễn (xã Tiên Du): Khu gò này đã bị san phẳng và phá hủy hoàn toàn để xây hai trường học của xã Tiên Du (trường THCS và trường TH Tiên Du).

          1.3. Huyện Tam Nông:

          - Di chỉ Gò Chùa (xã Hương Nộn): Giờ trở thành khu dân cư đông đúc với nhà cửa xây san sát.

          - Di chỉ Gò Chè (xã Dậu Dương): Giờ trở thành khu dân cư đông đúc với nhà cửa xây san sát.

          - Di chỉ Gò Bông (xã Thượng Nông): Khu vực này cũng nhà cửa san sát, dân ở đông đúc. Trong vườn một số nhà dân vẫn rải rác có gốm.

          - Di chỉ Hồng Đà (xã Hồng Đà): Đã bị xóa sổ, không còn chút dấu tích nào của công xưởng chế tác đá quy mô lớn. Theo một số người dân cao tuổi, khu di chỉ Hồng Đà nằm trên Gò Tôm và đến nay người ta đã đào thành đầm để thả sen.

          1.4. Thành phố Việt Trì:

          - Di chỉ Đồng Ghệ (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay là các ruộng lúa nước, chỉ còn lại rải rác một số ụ đất nhô cao ở trong các ruộng lúa.

          - Di chỉ Đồng Dạ (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay không còn dấu tích khảo cổ, dân đã san bạt gò và xây dựng nhà ở san sát, trở thành khu dân cư đông đúc.

          - Di chỉ Gò Mồng (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay không còn dấu tích khảo cổ, dân đã san bạt gò và xây dựng nhà ở san sát, trở thành khu dân cư đông đúc.

          - Di chỉ Khu Đường (xã Vĩnh Lại, trước đây thuộc huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Hiện là khu vực trồng màu và ruộng lúa, trên bờ ruộng có xuất lộ mảnh gốm vỡ.

          - Di chỉ Đồi Giàm (Phường Trưng Vương): Gò vẫn còn cây cối um tùm, nhưng ngay dưới phần lưng chừng gò có một cộc mốc, qua tìm hiểu chúng tôi được biết đây là cộc mốc quy hoạch đường. Một con đường trong thành phố sẽ chạy vòng quanh khu di chỉ.

2. Hệ thống các di tích văn hóa Đồng Đậu

          - Di chỉ Đồng Đậu con (xã Tứ Xã): Vẫn là cánh đồng lúa, nhưng rất tiếc khi chúng tôi chuẩn bị ra di chỉ thì trời đổ mưa rất to và đường ra cánh đồng là đường đất nhỏ nên chúng tôi không thực hiện được việc định vị GPS tại di chỉ này.

3. Hệ thống các di tích văn hóa Gò Mun

          3.1. Huyện Lâm Thao:

          - Di chỉ Mã Lao (xã Thụy Vân): Khu di chỉ này đến nay đã bị xóa sổ, toàn bộ phạm vi khu di chỉ dân đã san bạt gò để xây dựng nhà ở. Các khu nhà khang trang đã phủ kín khu gò.

          - Di chỉ Gò Đồng Sấu (xã Thụy Vân): Khu di chỉ hiện tại là khu đồi trồng sắn của dân.

          - Di chỉ Gò Chiền (xã Tứ Xã): Gò hiện tại đã bị san phẳng, là khu ruộng trồng cà và mướp.

          - Di chỉ Gò Mun (xã Tứ Xã): Di tích đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, có bảo vệ nhưng không hiệu quả. Đây là di chỉ hiếm hoi còn có thể khai quật.

          - Di chỉ Gò Tro Trên (xã Thụy Vân): Toàn bộ khu vực gò cây hoang mọc um tùm, nhiều bụi xương rồng to, bụi dứa dại và mộ cải táng được xây dựng tại đây.

          - Di chỉ Gò Tro Dưới (xã Thụy Vân): Khu vực trên đỉnh gò trồng sắn và phi lao, lưng chừng gò người dân đã xây dựng một khu mộ tổ quy mô lớn.

           - Di chỉ Nội Gan (xã Kinh Kệ): Khu gò đã bị san phẳng, hiện là khu nghĩa trang và vườn trồng cây ăn quả của người dân.

Lời kết

          Phú Thọ là một vùng đất hội tụ đậm đặc nhất những di tích khảo cổ thuộc các văn hóa Tiền Đông Sơn từ Phùng Nguyên đến Gò Mun.

          Tuy nhiên cho đến nay, đa số các di chỉ đã bị phá hủy một phần hoặc phá hủy hoàn toàn nhằm lấy đất xây dựng nhà ở của dân hoặc thực hiện các mục đích khác như canh tác lúa nước, trồng màu, xây trường học, lập trại chăn nuôi...

          Trong tình trạng các di tích gần như bị xóa sổ hết, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như các cấp chính quyền cần có những chương trình cụ thể bảo vệ và gìn giữ các di tích, đặc biệt là các di tích đã được xếp hạng.

 

(Nhóm tác giả: Bùi Thu Phương, Nguyễn Tiến Đông, Nguyễn Anh Tuấn)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

  1. Từ lâu, biển đã là môi trường sống của con người trên đất nước ta

Mở đầu là lớp người cư trú ở Cát Bèo (Bến Bèo) trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), cách ngày nay khoảng 6.000 năm (niên đại C14: 5.640±115 năm, hiệu chỉnh theo tuổi vòng cây: 6.475±205 năm). Tại nơi cư trú của con người, bên cạnh công cụ bằng đá, đồ đựng, đồ đun nấu bằng đất nung, còn cả một khối lượng lớn di cốt cá biển do con người bắt về, trong di cốt cá biển, phổ biến là loại cá sạo, cá úc…, là những loại cá chịu được sự biến đổi lớn về độ mặn trong nước, chúng thường xuất hiện ở hồ, vịnh, cửa sông, v.v… Chứng tỏ vùng biển xung quanh đảo Cát Bà, lúc này còn là vùng biển nông (thấp hơn hiện nay khoảng - 2m).

Một biến cố lớn của thiên nhiên xảy ra, mực nước biển tăng nhanh (khoảng + 4m so với mực nước hiện nay), đạt tới mức cực đại, nước biển bắt đầu hạ xuống, lùi dần ra phía đông.

Từ khoảng 5.000 năm cách nay, theo vết nước biển rút đi, nhiều lớp người đến cư trú sinh sống lâu dài tại vùng biển – hải đảo từ bắc vào nam:

Tại vùng ven biển và hải đảo đông bắc (Vịnh Bắc Bộ), phân bố các di chỉ thuộc văn hóa Hạ Long. Trên đảo Cát Bà đã phát hiện được hai di chỉ thuộc văn hóa Hạ Long, trong đó một di chỉ phân bố ngay trên di chỉ Cát Bèo trước đây, phân cách giữa hai lớp cư trú thuộc hai văn hóa khác nhau là lớp sạn con, mỏng, vát dần từ phía biển vào chân núi, có 91% qua sàng 5mm. Lớp sạn con có nguồn gốc biển và thuộc tướng bãi biển; ở các đảo xa, như đảo Ngọc Vừng có tới ba địa điểm cư trú của cư dân Hạ Long.

Trên doi cát - dấu vết của mực nước biển dâng cao nhất, thuộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), đã phát hiện di chỉ Gò Trũng - một di chỉ thuộc văn hóa Đa Bút và một số di chỉ muộn hơn, thuộc văn hóa Hậu Lộc.

Tại cánh đồng lúa phía đông (giáp biển) của huyện Quỳnh Lưu, trước đây, vào khoảng 5.000 năm, nơi đây còn là vùng vịnh nông, nửa hở, nơi rất thuận lợi cho điệp sinh sống và phát triển, đã phát hiện trên 20 đống vỏ điệp, là di chỉ của văn hóa Quỳnh Văn. Điệp biển và sò do con người bắt về sử dụng, vỏ của chúng chất thành đống, có đống rộng tới 500m2, có đống cao trên 10m, …

Tại xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), tại mép nước biển cổ, cách nay khoảng 5.000 năm (cách mép nước biển hiện tại khoảng 4km) phân bố di chỉ thuộc văn hóa Thạch Lạc, những tích tụ trong nơi cư trú của người Thạch Lạc là vỏ điệp, vỏ sò, và rất nhiều xương cá biển, v.v…

Tại vùng biển từ miền Trung Trung Bộ trở vào, lần lượt đã phát hiện: di chỉ Bàu Tró, di chỉ Xóm Cồn, các di chỉ thuộc các giai đoạn phát triển văn hóa Sa Huỳnh v.v…

Trên đảo Thổ Chu, điểm tận cùng của phía nam đất nước ta, cũng đã phát hiện di chỉ cư trú và mộ chum, mang những nét điển hình ở vùng Nam Bộ.

  1. Biển đảo không chỉ là môi trường sống của con người, các loài hải sản, như xương cá, vỏ các loại nhuyễn thể là nguồn cảm hứng bất tận trong đời sống tinh thần của con người, nhất là người thợ làm đồ gốm đương thời

Sinh sống trong môi trường biển đảo, hoạt động đi lại của con người ắt phải dựa vào phương tiện giao thông. Trong các văn hóa đã đề cập đến ở trên thì đến nay chúng ta chưa phát hiện được bất kỳ một dấu tích nào của phương tiện đi lại. Trong các di chỉ cư trú của những lớp người cư trú ở vùng biển - đảo này, tồn tại những chiếc bôn đá có nấc, bôn đá có vai có nấc, những chiếc bôn đá hình răng trâu, v.v… là những công cụ dùng để chế tạo đồ gỗ, trong đó hẳn có các phương tiện đi lại, như thuyền, bè, v.v…

Văn hóa Đông Sơn, một văn hóa có địa bàn cư trú khá rộng mà trung tâm là vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã. Địa bàn cư trú có cả chiều dài phía đông giáp với Biển Đông. Một môi trường sống đa dạng, rất thuận lợi cho sự sống và phát triển của cư dân Đông Sơn.

Khác với các lớp cư dân nói trên, trong di chỉ cư trú của cư dân Đông Sơn đã phát hiện được một số dấu tích quan trọng của phương tiện đi lại trên sông nước.

Từ hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn, Parmentier và Goloubew là những người đầu tiên nhận ra hình thuyền trên trống là hình thuyền đi biển. Bởi trên thuyền có cột buồm, trên cột buồn trang trí hình lông chim và đầu chim, đuôi thuyền và ở mũi thuyền đều có bánh lái, cùng người cầm lái. Đào Duy Anh có cùng một nhận định, đó “là thuyền chạy trên biển bằng buồm” và giải thích thêm “bánh lái ở mũi để đi khi ngược gió” (Đào Duy Anh: “Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt” trong “Lịch sử cổ đại Việt Nam” - Nxb. Văn hóa thông tin - năm 2005). Nhà khảo cổ học Trung Quốc - Lý Vĩ Khanh, không đồng tình với nhận định của ParmentierGoloubew và Đào Duy Anh, cho rằng cột có trang trí lông chịm không phải là cột buồm, mà là hình tượng của “doanh cổ” trang trí trên đồ đồng của Trung Quốc. Đồng thời, Lý Vĩ Khanh còn nhấn mạnh: tất cả thiết bị thấy được trên thuyền, không có một thiết bị nào, chứng tỏ đây là thuyền vượt biển (Lý Vĩ Khanh: “Tìm hiểu thêm về hoa văn thuyền trên trống đồng” – trong “Tập luận văn hội thảo khoa học lần thứ hai của Hội Nghiên cứu trống đồng Trung Quốc” – Nxb.VV - năm 1986).

Hình thuyền trên trống đồng cũng như trên đồ đồng khác của văn hóa Đông Sơn, không phải là ảnh chụp, mà là bản vẽ do người thợ đúc đồng tạo ra, nên độ chính xác không cao và không đầy đủ như đối tượng vốn có; do vậy, những chi tiết trên đó không giống với đối tượng cũng là điều bình thường. Có điều, học giả Lý Vĩ Khanh đã không phát hiện ra, dưới hình thuyền còn có hình các loại hải sản, như: cá đuối, cá heo, rùa biển v.v… đang bơi theo thuyền (!). Điều đó chẳng khác gì một lời “chú giải” về chức năng của chiếc thuyền: Đây là thuyền đang đi biển!

Trong biển có tới hàng trăm loại hải sản, nhưng chỉ có vài ba loại nhất định được cư dân Đông Sơn chọn để thể hiện cùng với thuyền đang vận hành trên biển (?). Theo những người đi biển, những loài hải sản đó rất gần gũi và thân thiện với con người, nó có thể hỗ trợ người đi biển trong lúc gặp nạn, và đã có biết bao câu chuyện cá heo cứu người rơi xuống biển, v.v… Để có thể nhận định được những thuộc tính quý báu của các loài hải sản này, cư dân Đông Sơn đã phải có một quá trình hoạt động lâu dài và thường xuyên trên biển.

Những hình thuyền thể hiện trên đồ đồng của văn hóa Đông Sơn, như trống đồng, thạp đồng, v.v… đều được thể hiện theo cách thống nhất: chúng đang vận hành theo một hướng từ phải qua trái, chiều ngược kim đồng hồ. Điều đó có ẩn ý gì (?).

Vùng biển của nước ta là vùng biển của bão thuộc bắc bán cầu, đường đi của bão vừa xoay tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, vừa di chuyển vào lục địa. Người đi biển gặp bão, cần phải biết mình đang ở đâu trong vùng có bão để tìm cách thoát ra. Theo kinh nghiệm của người đi biển, khi gặp bão, nhìn theo hướng di chuyển của tâm bão, khu vực nguy hiểm sẽ ở bên phải hướng di chuyển của bão, bên trái là khu vực có thể đi được. Một khi bão đổi hướng, nếu thấy gió thổi thuận theo chiều kim đồng hồ, lúc đó thuyền đang ở nửa vòng nguy hiểm, nếu ngược kim đồng hồ, lúc đó thuyền đang ở nửa vòng có thể đi được. Do vậy, hướng ngược kim đồng hồ là hướng hy vọng của sinh tồn.

Hướng vận động ngược kim đồng hồ đã được thể hiện trong một số điệu múa dân gian sau này, đặc biệt trong điệu hát trống quân Đức Bác (Phú Thọ), khi di chuyển từ bờ sông vào đình làng, người hát đã tái hiện chính xác đường di chuyển của bão: vừa xoay tròn vừa di chuyển.

Ngoài hình thuyền trang trí trên đồ đồng, trong mộ táng của văn hóa Đông Sơn còn phát hiện được một số mộ táng có quan tài là thân cây khoét rỗng; điều đó gợi ra hình ảnh của những chiếc thuyền độc mộc trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt hơn cả là chiếc thuyền cùng mái chèo đã được chôn cùng với người chết và đồ tùy táng của họ ở Việt Khê (Hải Phòng), cách ngày nay khoảng 2.500 năm, hiện nay tại một số nơi ở vùng ven biển vẫn còn giữ tục dùng thuyền để đưa người chết đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

Cho nên có thể nói, biển thực sự là một thành tố quan trọng của văn hóa Đông Sơn.

 (Tác giả: Nguyễn Văn Hảo)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Đồ gốm trong văn hóa Sa Huỳnh có nhiều chức năng khác nhau: đồ chứa đựng hài cốt mai táng, đồ thờ cúng, đồ gốm dùng trong sinh hoạt (đồ đun nấu, đồ đựng đồ ăn uống), đồ gốm chứa đựng, đồ trang sức, đồ sản xuất. Các đồ gốm có kiểu dáng đa dạng, thậm chí cùng một loại đồ gốm nhưng cũng có dáng khác nhau. Điều này do chức năng sử dụng, môi trường sống và tư duy thẩm mỹ của các cư dân đã sáng tạo nên các đồ gốm. Dựa trên chức năng và kiểu dáng đồ gốm, các thợ gốm đã tạo nên các mô típ hoa văn đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh và đặc trưng cho từng loại đồ gốm khác nhau.

Đồ gốm Sa Huỳnh ở vùng Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có nhiều khác biệt với nhau cả về hình dáng và hoa văn. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến sự tương quan giữa loại hình và hoa văn trang trí trên đồ gốm trong văn hóa Sa Huỳnh ở vùng Trung Trung Bộ.

Các mô típ hoa văn đặc trưng trên đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh

- Chum, vò gốm: Đây là loại đồ gốm có kích thước lớn nhất trong số các đồ gốm Sa Huỳnh, được dùng với chức năng như các quan tài mai táng. Gồm có chum hình trụ, chum hình trứng, chum hình cầu, nồi - vò. Các loại chum hình trụ, hình trứng thường có nắp hình nón cụt được trang trí hoa văn khá đẹp, trong khu đó các loại chum hình cầu hoặc nồi - vò nắp không thống nhất một kiểu loại và hầu như không được trang trí hoa văn.

Các loại chum hình trụ, hình trứng thường có văn thừng phủ bên thân bên ngoài, từ dưới vành miệng (hoặc từ 2/3 thân) xuống gần đáy. Đây là loại văn mang tính kỹ thuật được sử dụng khi làm đồ gốm. Nắp của các loại chum này được trang trí những mô típ hoa văn cầu kỳ thường là các băng khắc vạch - khắc vạch ngắn tạo các đường cong dạng hình sin hoặc các hình tam giác, hình chữ nhật, hình thoi, các băng thẳng… xen giữa các băng khắc vạch - khắc vạch ngắn là băng màu đỏ. Các hoa văn này thường được trang trí từ sát đỉnh nắp tới gần vành mép. Một số nắp được trang trí đơn giản, chỉ gồm một băng chì đen trên vành miệng.

- Bình gốm: Có thể nói là loại đồ gốm được trang trí nhiều nhất và có những hoa văn đẹp nhất. Trang trí trên vành miệng phía ngoài, thậm chí cả phía trong, trên cổ, vai, chân đế, phổ biến nhất vẫn là vị trí trên vai.

Các mô típ hoa văn trang trí cho bình gốm tiêu biểu trong văn hóa Sa Huỳnh là: Khắc vạch thành từng nhóm gồm 3 đường song song nằm dọc, khoảng cách giữa các nhóm được tô màu đỏ trên loại hình gốm vai xuôi, gờ gãy góc thấp gần đáy, chân đế thấp choãi. Hoa văn được trang trí trên phần vai. Tiêu biểu là bình ở Lai Nghi, Hậu Xá, An Bang,… Cũng trên loại bình tương tự loại này có hoa văn khắc vạch hình tam giác bên trong các tam giác chứa các đường khắc vạch song song, màu đỏ được tô ở bên ngoài.

Mô típ tiêu biểu thứ hai trang trí trên vai các bình gốm là mô típ chữ S nằm ngang nối đuôi nhau có đệm các tam giác. Màu đỏ thường nằm len lỏi giữa những khoảng trống của các đường khắc vạch kết hợp in chấm, dạng hoa văn này có rất nhiều biến thể với những cách biến đổi các họa tiết và sự linh hoạt trong cách phối màu. Trong một số mô típ màu đen phủ đầy trong các mô típ tạo sự khác lạ và nổi bật trong mô típ. Các bình gốm ở Cồn Ràng, Gò Mả Vôi,… Nửa thân dưới của bình thường phủ văn thừng.

Ngoài ra, một số mô típ hoa văn cũng được sử dụng trên vai hoặc chân đế bình là: mô típ khắc vạch in chấm đệm tam giác kết hợp tô màu, hoa văn khắc vạch gồm những họa tiết tam giác và tam giác đệm, xen kẽ tô màu đỏ và in chấm bằng mép vỏ sò, hoa văn khắc vạch hình răng sói,… 

- Nồi gốm: Được sử dụng làm đồ đun nấu thức ăn, số lượng được phát hiện khá nhiều với các kiểu dáng đa dạng. Trên nồi gốm, chủ yếu được phủ văn thừng ở thân bên ngoài, một số ít nồi trên vai hoặc cổ được trang trí hoa văn rất đơn giản như các họa tiết khắc vạch, tô màu, một số nồi khác để trơn không có hoa văn. Các hoa văn thường được trang trí trên nồi là các mô típ in mép vỏ sò tạo các hình dích dắc, hình trám, hình xương cá; hoa văn khắc vạch in chấm hoa văn mô típ chữ S nối đuôi nhau có đệm các tam giác; hoa văn khắc vạch hình răng sói; hình trám; khắc vạch tạo hình các tam giác liền kề nhau.

- Bát/ mâm bồng: Hoa văn được trang trí trên phần thân bát và chân đế. Trên chân đế có nhiều băng khắc vạch song song hoặc cắt nhau màu đỏ hoặc chì được tô xen kẽ các băng đó; hoặc hoa văn khắc vạch in chấm hình chữ S biến thể nối đuôi nhau nằm ngang có (đệm các tam giác trổ lỗ trên đỉnh) các tam giác xen kẽ.

Bát gốm: Hoa văn in mép vỏ sò trên mép miệng, hoặc in mép sò thành các đường cong, thành các nhóm đường thẳng tạo thành hình trám lồng hoặc hình dích dắc.

Cốc gốm: Cốc là loại đồ đựng chân đế cao, phần thân nhỏ, thường được trang trí hoa văn chấm dải hình chữ S nằm ngang móc với nhau đệm các tam giác, rìa miệng có những đường khắc vạch nghiêng song song, dưới đó là một băng gồm những hình tam giác cân nằm cạnh nhau, bên trong có in chấm, đệm giữa các tam giác là những họa tiết xoắn, phía dưới là một băng giống phần miệng. Chân đế trang trí in chấm rải rác.

- “Đèn”: loại hình hiện vật này rất đặc trưng cho văn hóa Sa Huỳnh, song chức năng thực sự của nó chưa xác định chính xác được, có mặt trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh nhưng với số lượng rất ít. Hầu hết các “đèn” gốm tìm thấy đều được trang trí hoa văn với các họa tiết rất cầu kỳ, có thể đây là đồ gốm mang tính nghi lễ hoặc vật biểu trưng sự giàu có (?). Hoa văn thường được trang trí trên khoảng giữa hai vành miệng trong và ngoài, trên toàn bộ phần thân và chân đèn. “Đèn” gốm trang trí hoa văn khắc vạch thành từng nhóm, giữa các đường khắc vạch được tô màu đỏ được trang trí trên vành miệng, tiêu biểu là đèn ở Lai Nghi, Hậu Xá, Tam Mỹ,… ; hoa văn khắc vạch tạo thành mô típ hình chữ nhật trên thân đèn tiêu biểu là đèn ở Sa Huỳnh; các họa tiết các băng khắc vạch kết hợp khắc vạch ngắn tạo thành hình các tam giác và các đường dích dắc, các họa tiết này thường được kết hợp tô màu đỏ hoặc màu đen ánh chì; hoa văn khắc vạch in chấm hoặc in chấm tạo thành các nhóm đường thẳng, đường dích dắc hoặc tam giác. Trên “đèn” gốm thường được tô màu đỏ.

Dọi xe chỉ: hầu hết không trang trí hoa văn, một số ít trang trí các họa tiết khắc vạch.

Một vài nhận xét bước đầu

  1. Tùy theo chức năng của các đồ gốm, người thợ gốm trang trí các hoa văn nhiều ít, cầu kỳ hoặc đơn giản. Những đồ gốm như nắp hình nón cụt của chum, “đèn” gốm, bình gốm, mâm/bát, cốc gốm hầu như đều được trang trí hoa văn với các họa tiết cầu kỳ và thường được kết hợp tô màu. Có thể các đồ gốm này mang tính nghi lễ nhiều hơn là tính thực dụng. Nhóm đồ gốm như nồi, bát, dọi xe chỉ được trang trí ít hơn và hoa văn cũng đơn giản hơn.
  2. Một số họa tiết chỉ đượng sử dụng trang trí trên một số loại hình đồ gốm nhất định, trong khi một số họa tiết lại được sử dụng cho nhiều đồ gốm có chức năng khác nhau. Các họa tiết trang trí trên nắp chum dường như hiếm được sử dụng để trang trí trên các đồ gốm khác, như mô típ các băng khắc vạch - khắc vạch ngắn tạo hình sin, hình chữ nhật lồng, hình trám. Đa phần các mô típ được sử dụng cho nhiều đồ gốm khác nhau. Mô típ hoa văn khắc vạch in chấm tạo thành các chữ S nằm ngang nối đuôi nhau có đệm các tam giác kết hợp tô màu được sử dụng trang trí trên: vai bình, chân đế bình, nồi gốm, cốc gốm, bát/mâm bồng, chân đế mâm bồng. Đây là loại hoa văn khá tiêu biểu trong văn hóa Sa Huỳnh, hoa văn này có rất nhiều biến thể khác nhau, các họa tiết này trang trí trên bình gốm hoặc mâm bồng thì thường được kết hợp tô màu. Mô típ khắc vạch tạo thành các nhóm đường thẳng cũng được sử dụng trang trí nhiều trên bình gốm, “đèn” gốm. Mô típ khắc vạch tạo thành các tam giác liền nhau được dùng để trang trí trên vai bình, nồi gốm và nắp chum. Hoa văn in mép sò tạo thành các nhóm đường thẳng và các hoa văn khắc vạch hình răng sói được trang trí trên nồi, bát gốm. Mô típ khắc vạch ngắn tạo hình các tam giác nằm trong các băng đường thẳng dích dắc được trang trí trên đèn gốm, vành mép nắp chum và chân đế của bát/mâm bồng.
  3. Các hoa văn thường được trang trí trên những vị trí dễ được nhìn thấy. Đối với các loại chum mộ, hoa văn trang trí trên nắp chum để khi hạ quan tài xuống hố, thì phần nắp sẽ được quan sát thấy từ trên và thể hiện sự giàu sang cho chủ nhân ngôi mộ. Bình, cốc gốm thường được trang trí trên vai hoặc chân đế. “Đèn gốm” thường được trang trí trên toàn thân, đặc biệt là phần miệng luôn phủ kín hoa văn. Bát/mâm bồng được trang trí ở vành miệng phía ngoài, hoặc ở phần nửa thân phía trên gờ gãy góc và trên chân đế. Bát thường được trang trí trên mép miệng hoặc thành miệng phía ngoài của bát. Nồi gốm thường được trang trí trên vai hoặc cổ.

 (Tác giả: Hoàng Thúy Quỳnh)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Văn hóa Xóm Cồn được phát hiện và nghiên cứu muộn hơn nhóm di tích Long Thạnh và Bình Châu, nhưng lại được xác lập thành văn hóa khảo cổ riêng biệt. Xung quanh nền văn hóa này đã có nhiều ý kiến thảo luận và một số ý kiến cho rằng văn hóa Xóm Cồn không thuộc hệ thống văn hóa Sa Huỳnh, nhưng chắc chắn có nhiều đóng góp vào sự hình thành văn hóa Sa Huỳnh (Vũ Quốc Hiền 1996). Sau khi nghiên cứu các di tích, di vật của văn hóa Xóm Cồn, chúng tôi cho rằng nhiều yếu tố văn hóa của nền văn hóa này đã đóng góp trực tiếp vào sự hình thành và phát triển của văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt là loại hình Sa Huỳnh ở khu vực đảo ven bờ Nam Trung bộ. Như vậy có thể coi văn hóa Xóm Cồn là một văn hóa Tiền Sa Huỳnh, mà sự hình thành của nó có quan hệ chặt chẽ với vùng hội nhập Dak Lấp - Cầu Sắt.

Cho đến nay đã phát hiện được 8 địa điểm thuộc văn hóa Xóm Cồn. Các di tích này phân bố ở đồng bằng ven biển và đảo ven bờ hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là những đồng bằng nhỏ hẹp, không tách biệt với vùng núi về mặt nguồn gốc phát sinh. Cư dân văn hóa Xóm Cồn đã tụ cư ở những cồn cát trên dải đồng bằng ven biển ấy, hoặc ở trên những hòn đảo không xa bờ.

Kết quả khai quật các di tích văn hóa Xóm Cồn cho thấy tích tụ văn hóa dày từ 80cm -110cm, bên trong có chứa vỏ các loài nhuyễn thể, xen lẫn cát phù sa và các di cốt động vật. Điều đáng lưu ý là trong tích tụ tầng văn hóa không thấy nhiều vỏ điệp, mà phổ biến nhiều loại ốc như ốc Mặt trăng (Tuybo sp), ốc Tai tượng (Tridacna sp) và một số loài sò ốc khác. Tích tụ văn hóa này là một đặc trưng văn hóa riêng biệt so với các văn hóa Tiền Sa Huỳnh khác, nhưng lại là yếu tố văn hóa dễ nhận biết trong loại hình Sa Huỳnh khu vực đảo ven bờ Nam Trung Bộ.

Đặc trưng văn hóa nổi trội nhất của văn hóa Xóm Cồn là những hiện vật xương và vỏ nhuyễn thể. Theo thống kê của những người khai quật, trong 8 địa điểm của văn hóa này đã phát hiện được 84 công cụ lao động với một vài mũi dùi, mũi lao làm bằng xương hoặc sừng, còn tuyệt đại đa số làm bằng vỏ nhuyễn thể bao gồm các loại hình như công cụ ghè đẽo, công cụ nạo và hòn ghè. Bên cạnh đó còn có 18 mảnh vòng trang sức bằng vỏ ốc Tai tượng và một số lõi vòng bằng vỏ ốc. Những hiện vật này phát hiện thấy từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn trong văn hóa Xóm Cồn. Và, điều đặc biệt là các hiện vật này cũng thấy xuất hiện trong địa tầng của các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực đảo ven bờ như di tích Xóm Ốc, Suối Chình trên đảo Lý Sơn và di tích Hòa Diêm ở gần vịnh Cam Ranh - Khánh Hòa. Ngoài ra còn thấy xuất hiện ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á như ở cực Nam Nhật Bản, Đông Đài Loan, Bắc Philippines, Nam Thái Lan.

Bên cạnh những hiện vật bằng vỏ nhuyễn thể, trong văn hóa Xóm Cồn còn có các di vật bằng đá, với đặc trưng nổi bật là sự độc tôn loại rìu, bôn, đục không có vai, phổ biến loại rìu bôn hình thang đốc thuôn nhỏ, mặt cắt ngang hình chữ nhật hoặc thấu kính. Nét đặc trưng này mang nhiều dấu ấn của công cụ đá nhóm di tích Dak Lấp - Cầu Sắt ở khu vực Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ.

Đồ gốm trong văn hóa Xóm Cồn phổ biến loại hình nồi đáy tròn miệng loe, được tạo bởi kỹ thuật nặn tay kết hợp bàn đập - hòn kê. Trang trí trên đồ gốm chủ yếu là văn chải, khắc vạch, in chấm, tô màu. Loại văn in chấm kiểu dích dắc cũng là nét đặc trưng của hoa văn gốm trong văn hóa Xóm Cồn. Loại hoa văn này cũng xuất hiện trong một số loại hình gốm ở di chỉ Lộc Giang (Long An), di chỉ Lung Leng (Tây Nguyên) và ở di chỉ Sam-rông-sen (Căm-pu-chia). Một loại hoa văn gốm nữa là văn vẽ màu trên nền áo đỏ hoặc da cam với những đường xoắn ốc, gần tương tự hoa văn gốm Ban Chiang. Điều ghi nhận nữa là ngoài các kiểu dạng nồi gốm, trong văn hóa Xóm Cồn còn có một số loại hình bát và đĩa mâm bồng có tô màu đỏ. Những loại hình đồ gốm này có nhiều nét gần gũi với đồ gốm Sa Huỳnh giai đoạn sớm.

Sự đóng góp của cư dân văn hóa Xóm Cồn vào quá trình hình thành văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực đảo ven bờ là phương thức sống khai thác biển, sử dụng vỏ nhuyễn thể làm công cụ lao động và đồ trang sức. Những chứng cứ này có thể tìm thấy trong tầng văn hóa của các di tích văn hóa Sa Huỳnh Xóm Ốc, Suối Chình trên đảo Lý Sơn, hay ở di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa), đã tạo nên nét độc đáo, đa dạng cho văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời, trong lớp sớm nhất của tầng văn hóa di chỉ Xóm Ốc, bên cạnh những hiện vật đặc trưng Long Thạnh đã tồn tại công cụ nạo bằng vảy ốc Mặt Trăng, công cụ ghè đẽo bằng vỏ ốc Tai Tượng và đồ gốm trang trí văn dích dắc đặc trưng của văn hóa Xóm Cồn.

Như vậy, văn hóa Xóm Cồn không phải là đóng góp gián tiếp, mà là một trong những nguồn đóng góp trực tiếp vào sự hình thành và phát triển của văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam.

(Tác giả: Phạm Thị Ninh)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

 

Tư liệu khai quật và kết quả phân tích niên của một số di tích hang động trong khoảng hơn hai thập kỷ qua cho thấy khá nhiều  di tích thuộc kỹ nghệ Hòa Bình có niên đại Pleistocene muộn, nằm trong khoảng 2-3 vạn năm trước. Các kỹ nghệ đá Hòa Bình sớm trong hang động hiện biết thực tế không mang đặc trưng kỹ nghệ Sơn Vi như vẫn thường được hiểu mà nó có những tính chất khá riêng biệt và cần được thảo luận.

1. Cấu tạo trầm tích

 Về mặt cấu tạo trầm tích giai đoạn Hòa Bình sớm có thể thấy các đặc điểm như sau:

  - Môt số địa điểm như lớp dưới Mái đá Điều (Thanh Hóa), lớp dưới Hang Chổ (Hòa Bình), lớp dưới hang Mang Chiêng (Thanh Hóa), trầm tích là loại sét vôi kết vón màu nâu đỏ hay nâu vàng lẫn sạn sỏi thạch anh, sạn sỏi laterit chứa ít vỏ ốc bị vụn nát bị carbonat hóa. Trong dạng trầm tích này thường phát hiện được các di cốt động vật bán hóa thạch.

  - Các địa điểm như lớp dưới Con Moong (Thanh Hóa), lớp dưới Hang Trống (Ninh Bình), trầm tích lại là sét vôi dạng bột khá mịn và mềm màu vàng/đỏ/nâu/xám loang lổ, có những lớp hoặc thấu kính đất bị kết vón do nước chứa carbonat calci thấm vào ở từng thời kỳ gián đoạn. Dạng thành tạo này có lẽ do gió kết hợp với phong hóa từ trần hang rơi xuống. Trầm tích dạng này thường rất hiếm vỏ ốc, di cốt động vật thường ở dạng bán hóa thạch nhưng mức độ thấp.

   - Loại trầm tích thứ ba được ghi nhận ở lớp dưới Mái đá Ông Hay là dạng sét vôi dẻo màu nâu xám khá kết dính, ít sạn sỏi. Di tích động vật trong trầm tích này chủ yếu là vỏ ốc mủn nát bị carbonat hóa cao, trong lòng vỏ ốc bị đất điền đầy, di cốt động vật bán hóa thạch nhưng ở mức độ rất thấp.

   Các dạng trầm tích trong các di tích hang động thời kỳ này có sự khác nhau có lẽ là do các điều kiện tự nhiên, địa thế cấu tạo của hang cũng như chế độ thủy văn của từng khu vực.

2. Khung niên đại

Khung niên đại cho giai đoạn Hòa Bình sơ khai dựa trên các niên đại tuyệt đối đã được xác định nằm trong khoảng 2-3 vạn năm nhưng có nhiều khả năng còn lên đến 4-5 vạn năm cách ngày nay. Sau đây là dẫn liệu một số niên đại tuyệt đối và niên đại dự đoán dựa trên đặc điểm trầm tích của giai đoạn Hòa Bình sơ khai của các di tích hang động hiện biết (Biểu 1).

Biểu 1Một số di tích Hòa Bình có niên đại sớm nhất

Di tích

(lớp dưới)

Niên đại (BP)

Di tồn văn hóa

Mái đá Thẩm Khương

28-32.000

Choppers; công cụ đá kiểu Hòa Bình không đặc trưng

Mái đá Điều

19- 24.000

Di cốt động vật hóa thạch (trong đó có Pongo); công cụ hình đĩa cùng với công cụ đá thạch anh không định hình và end-chopper

Hang Áng Mả

25.000

Vài công cụ đá hình bàn là và không định hình, vỏ ốc núi

Hang Chổ

22-29.000

Vết tích của Stegodon; công cụ mảnh/công cụ kích thước nhỏ kiểu Hòa Bình

Hang Muối

21.000

Công cụ đá kiểu Hòa Bình

Hang Con Moong

Khoảng 20.000 -50.000

Di cốt động vật bán hóa thạch mức độ thấp; công cụ hình đĩa nhỏ, công cụ mảnh tu chỉnh thô/vừa, công cụ đá thạch anh

Hang Trống

23.000

Các choppers và công cụ mảnh tu chỉnh thô/vừa

Mái đá Ông Hay

20.000 -30.000

Vỏ ốc mủn nát bị carbonat hóa; các end-choppers và công cụ mảnh thô, công cụ đá thạch anh, đá vôi

Hang MangChiêng

Khoảng 20.000

Di cốt động vật hóa thạch; các end-choppers, công cụ không định hình, công cụ hình đĩa nhỏ, công cụ đá thạch anh, đá vôi

 

3. Đặc trưng kỹ nghệ đá

 Ngoài một vài di tích thuộc giai đoạn này có công cụ Hòa Bình tương đối tiêu chuẩn như ở Thẩm Khương và Hang Muối (hai di tích này địa tầng chưa rõ ràng), còn lại chúng ta thấy bộ công cụ đá có những đặc trưng riêng biệt, đó là những đặc điểm sau:

3.1. Về mặt loại hình

- Chỉ mới xuất hiện một vài nạo hình đĩa khá nhỏ, chưa có công cụ kiểu Sumatralith hình bầu dục, công cụ hình rìu hay rìu ngắn.

- Các công cụ dạng chopper thường không định hình, trong đó hầu hết là end-chopper, công cụ có mũi nhọn hình tam giác, rất hiếm side-chopper.

- Công cụ mảnh khá phổ biến nhưng thường ở không định hình, chỉ có vết tu chỉnh thô/vừa tạo rìa tác dụng.

3.2. Về mặt kỹ thuật

Giai đoạn này ngoài kỹ thuật ghè đẽo, đã xuất hiệkỹ thuật mài với chứng cứ bàn mài tìm thấy ở lớp sớm nhất của Mái đá Điều.

3.2. Về mặt chất liệu đá

Giai đoạn này nổi bật là sự sử dụng chất liệu đá thạch anh (quartz) để chế tác công cụ. Loại này chủ yếu ở dạng cuội lăn kích thước lớn, mức độ mài mòn kém cho nên trước khi ghè thành công cụ người ta phải tiến hành tách mảnh, công cụ thường kém quy chuẩn.

4. Tính chất kỹ nghệ và văn hóa

Như những đặc điểm nêu trên, tính chất kỹ nghệ đá giai đoạn này không phải là kỹ nghệ Sơn Vi, yếu tố Hòa Bình cũng còn khá mờ nhạt. Theo trật tự địa tầng thì kỹ nghệ này sẽ phát triển thành kỹ nghệ Hòa Bình là điều chắc chắn, như vậy mô hình tiến triển  Sơn Vi-Hòa Bình vào giai đoạn 1-2 vạn năm trước cần phải xem xét lại. Kỹ nghệ Sơn Vi thực thụ có thể vẫn là tiền Hòa Bình nhưng ở giai đoạn xa xưa hơn khoảng 6-7 vạn năm trở về trước như Làng Vạc, Đồi Thông. Giữa Sơn Vi và Hòa Bình có lẽ còn một nhịp trung gian, đó là kỹ nghệ Hòa Bình sớm và thậm chí còn mang sắc thái một kỹ nghệ tiền Hòa Bình.

 

(Tác giả: Nguyễn Gia Đối)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học 2013)

Từ trước đến nay, những người làm công tác khảo cổ học từ Trung ương cho đến các địa phương, thường sau những đợt khai quật khảo cổ học, tất cả các hiện vật chỉ được rửa sạch sẽ, thống kê, phân loại và làm hồ sơ khoa học, rồi sau đó lại bàn giao cho các địa phương. Cán bộ bảo tàng ở các địa phương sau đó cũng sẽ chọn lựa những hiện vật đẹp, có giá trị để trên phòng trưng bày, còn đa phần để cất giữ trong các kho. Nhưng tất cả mọi người đều thừa hiểu rằng: những hiện vật đó chưa hề được bảo quản theo đúng nghĩa: Bảo quản khoa học thật sự đối với hiện vật khảo cổ học.

Là người làm công tác khảo cổ học tới 40 năm tròn, tôi cũng đã có dịp đi công tác gần như khắp đất nước và cũng có nhiều dịp trở lại với các bảo tàng mà những người làm công tác khảo cổ như chúng tôi đã từng bàn giao lại cho địa phương có khi đến vài ba xe ôtô hiện vật khảo cổ học sau những lần khai quật. Nhưng thật đau lòng và cảm thấy xót xa là số hiện vật khảo cổ học mà mình đã từng nâng niu, trân trọng sau khi đã được bàn giao cho bảo tàng địa phương vì nhiều lý do nay đã hư hỏng xuống cấp, thậm chí mất mát hoặc xếp đống trong các kho tạm. Những hiện vật khảo cổ này đã trở thành mối lo cho một số bảo tàng như chứa rác trong nhà, vô tác dụng đối với các nhà nghiên cứu. Chính bản thân chúng tôi đã từng phải đi làm cái việc cực chẳng đã là thanh lý giúp một số bảo tàng (như Bảo tàng Nam Định chẳng hạn) cả một kho hiện vật (trong cái gọi là kho tạm) vô chủ, sau khi chỉ làm được mỗi một việc là thống kê, phân loại.

Vậy thì chúng ta đào lên nhiều để làm gì, trong khi chúng ta chưa có đủ điều kiện để bảo quản, giữ gìn nó (trừ việc khai quật giải phóng mặt bằng phục vụ cho quốc kế dân sinh). Trở lại chủ đề chính của báo cáo: Đã đến lúc chúng ta phải  có ý thức và có cách bảo quản, giữ gìn những hiện vật khảo cổ học sau khai quật.

Sau ngày được Viện khảo cổ học cho nghỉ hưu theo chế độ, cũng vì còn máu mê với nghề nghiệp, tôi đã được Công Ty TNHH Bảo quản và Bảo tồn Di sản mời với tư cách là chuyên gia khảo cổ học, được tham gia bảo quản hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội, phục vụ cho Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ; được bảo quản gần như toàn bộ mấy vạn hiện vật đủ các loại hình cho Bảo tàng Thanh Hóa và nhiều hiện vật khác nữa cho các Bảo tàng Hưng Yên, Yên Bái, Tuyên Quang .... Tôi mới thấy việc tìm kiếm hiện vật khảo cổ học đã khó, nhưng việc bảo quản, giữ gìn cho hiện vật khảo cổ được lâu dài còn thật khó và tốn kém tiền của hơn nhiều.

Cũng vì khuôn khổ chỉ trong một bài viết nhỏ, chúng tôi không thể đi vào diễn giải thật chi tiết, khoa học cho tất cả các loại hình di tích và di vật khảo cổ học với các phương pháp bảo quản chúng mà khắp trên thế giới đã và đang áp dụng, ở đây chúng tôi chỉ rút ra một vài tiêu chí, cách xử lí tối thiểu mà tất cả chúng ta, những người làm công tác khảo cổ học, những cán bộ bảo tàng, ai cũng có thể làm được, miễn là chúng ta có tâm huyết và thực hiện đúng qui trình. Các công đoạn thực hiện bảo quản được tóm tắt như sau:

Thứ nhất: Vệ sinh hiện vật:

Tuyệt đối chúng ta không được rửa các hiện vật bằng nước lã (nước máy, nước sông, suối, hồ, ao...). Thông thường chúng ta tìm được hiện vật, kể cả trong các cuộc khai quật khảo cổ học, chúng ta đều mang đi rửa cho sạch sẽ...nhưng làm như vậy vô hình chung chúng ta đã làm hỏng thêm hiện vật. Kinh nghiệm cho hay, hiện vật được lấy lên từ lòng đất chỉ nên cạy sạch sẽ bùn đất bằng những dụng cụ chuyên dùng (như dụng cụ dùng trong ngành y tế..) Sau khi hiện vật được làm sạch đất cát, bụi bẩn, phải được vệ sinh bằng hợp chất: Nước cất + Ethanol loại tinh khiết, tỷ lệ 1/1

Dùng loại bông y tế, nhúng vào hợp chất này, chùi rửa cho hiện vật thật sạch sẽ.

Nếu là hiện vật kim loại bị han gỉ do ô-xít hóa, sau khi làm vệ sinh sạch phải có công đoạn tẩy gỉ. Đây là một công việc phức tạp, phải thực hiện qua nhiều công đoạn mà chúng tôi không thể giải trình ở đây.

Thứ hai: Hiện vật phải được biến tính:

Đây là một công việc bắt buộc phải làm, đặc biệt là những hiện vật bằng kim loại và cả đồ gốm, sứ. Biến tính hiểu đúng nghĩa là làm cho cốt hiện vật cứng lên. Hợp chất biến tính gồm: Bezotriazol + Ethanol loại tinh khiết, tỷ lệ 0,4%.

Có thể ngâm hiện vật trong bể chứa hợp chất tối thiểu 12h, tối đa 24h tùy thuộc vào tình trạng cốt hiện vật. Cũng có thể quét hợp chất lên hiện vật nhiều lần.

Hiện vật sau khi được biến tính, phải được làm sạch lớp hóa chất dư thừa bám trên bề mặt hiện vật bằng dung dịch nước cất + Ethanol tinh khiết, tỷ lệ 1/1 như khi làm vệ sinh hiện vật ở bước thứ 1. Sau đó hiện vật phải được sấy khô ở nhiệt độ 50oC - 60oC, đạt đến độ ẩm bằng 65%.

Thứ ba: Công đoạn phủ màng bảo vệ:

Muốn giữ được hiện vật lâu dài, ít chịu tác động của thời gian, hiện vật phải được phủ kín bằng một lớp màng bảo vệ. Hợp chất phủ gồm: Paruloi B72 + Aceton tinh khiết tỷ lệ 4%

Dung dịch này được quét hoặc phun dạng sương bằng bình nén khí lên toàn bộ các bề mặt hiện vật để tạo nên một lớp màng bảo vệ. Có thể hiện vật được phủ lên nhiều lớp màng mỏng, nhưng phải đảm bảo có độ bóng hợp lý. Sau đó cũng sấy khô hiện vật ở nhiệt độ 40oC - 50oC.

Lưu ý:

  1. Tùy theo từng loại hình hiện vật, chất liệu hiện vật, thực trạng hiện vật...chúng ta sẽ có những cách xử lý khác nhau chút ít.
  2. Hiện vật mặc dù đã được bảo quản nhưng cũng được để ở những nơi có điều kiện thích hợp, đảm bảo tính khoa học cả về nhiệt độ, ánh sáng...
  3. Bảo quản nhưng không phải là vĩnh viễn. hiện vật vẫn cần phải bảo dưỡng định kỳ.

Chúng ta là người làm công tác khoa học xã hội, mới nghe qua về các công thức hóa chất của khoa học tự nhiên, tưởng là một việc làm quá xa vời và khó thực hiện. Nhưng trên thực tế đã và đang làm cho một số bảo tàng chúng tôi thấy công việc cũng không có gì là quá khó khăn, miễn là chúng ta có tâm huyết và cũng phải có kinh phí.

Thực tế ở những bảo tàng đã thực hiện công tác bảo quản, kể cả để ở trên các phòng trưng bày, trong các kho hay kể cả để ngoài trời, hiện vật đều được đảm bảo lâu dài, bền, đẹp, xứng đáng là những cổ vật - báu vật của quốc gia, đồ quí hiếm của cha ông, tổ tiên ta để lại.

Là những người làm công tác khảo cổ, công tác bảo tàng...chúng ta sẽ có tội với tiền nhân, với đất nước, khi chúng ta đào bới, sưu tầm hiện vật về mà không giữ gìn bảo quản, để hiện vật hư hỏng xuống cấp, mất hẳn giá trị vốn có của hiện vật. Nếu chúng ta không làm được những việc trên, thà ``gửi`` lại chúng trong lòng đất giữ gìn bảo quản hộ còn được lâu dài, để sau này thế hệ con cháu chúng ta có điều kiện hãy đào bới lên.

Trung Quốc chưa tìm được mộ Tào Tháo, mộ Thành Cát Tư Hãn, nhưng đã tìm ra chính xác lăng mộ Tần Thủy Hoàng...Nhưng trình độ khoa học của Trung Quốc hiện tại vẫn chưa dám khai quật mộ Tần Thủy Hoàng mà chỉ dám động đến những khu ngoại vi, làm xuất lộ những tượng đất nung, xe cộ... phục vụ khách tham quan.

Giới khảo cổ học Việt Nam chúng ta cũng đã tìm ra chính xác vị trí ngôi mộ Lê Lợi nhưng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi đó không cho phép khai quật vì theo cố Thủ tướng: lòng đất sẽ lưu giữ ngôi mộ được lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn, hơn là chúng ta khai quật lên mà không có cách bảo quản, giữ gìn cho muôn đời con cháu. Bài học xương máu và nhãn tiền là trước đây chúng ta đã khai quật ngôi mộ vua Lê Dụ Tôn từ Thọ Xuân Thanh Hóa, để rồi gây rắc rối cho các đời giám đốc Viện bảo tàng Lịch Sử Việt Nam trông nom hương khói, giữ gìn. Sau nhiều năm, dòng họ Lê Thanh Hóa đòi rước Cụ về nhưng trong tình trạng từ một xác ướp nguyên lành, cả râu tóc, áo quần như người đang nằm ngủ, giờ trở lại quê hương chỉ còn là một đống xương khô. Thật là cám cảnh và đau lòng cho các nhà khảo cổ học nước nhà!

(Tác giả: Phạm Như Hồ)

Lâu nay, khi đề cập đến vấn đề chủ nhân và niên đại của thành Hóa Châu, giữa các nhà khoa học vẫn chưa có quan điểm thống nhất. Về cơ bản, có hai quan điểm nổi bật: 1/ Thành Hóa Châu do Đại Việt xây dựng vào thế kỷ XIV trên lớp cư trú của người Chăm; 2/ Thành Hóa Châu do Đại Việt xây dựng trên nền cũ của một tòa thành Champa. Quan điểm này, không đưa ra niên đại cụ thể của thành.

Về vấn đề này, chúng tôi đã bàn đến trong một số bài báo. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập sâu hơn về vấn đề chủ nhân và niên đại của thành cổ Hoá Châu trên cơ sở những nguồn tư liệu mới qua những lần khai quật khảo cổ học và nghiên cứu thực địa tại thành cổ này.

Theo quan điểm của chúng tôi, để giải quyết vấn đề chủ nhân và niên đại của thành cổ Hóa Châu, cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố như địa tầng, cấu trúc thành, kỹ thuật xây luỹ thành và cần thiết phải đối chiếu, so sánh với các di tích, di vật liên quan…

  1. Về vấn đề chủ nhân

Thành Hóa Châu tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, bao quanh thành phần lớn là ruộng lúa, địa hình đồng bằng ở đây chỉ cao 1m – 1,5m so với mặt nước biển và phần cực Bắc của thành hiện nay chỉ cách phá Tam Giang khoảng 2,5km. Thành có cấu trúc gồm 2 vòng lũy: thành Ngoại và thành Nội (thành Cụt), với tổng kích thước chiều dài, rộng của thành gần 5 km (xem sơ đồ). Thành Ngoại có hình chữ nhật hơi bị méo và có một số chỗ không nối liền nhau, phần lớn được đắp bằng đất, một số chỗ có gia cố gạch, đá, cọc gỗ lim. Thành Nội (Thành Cụt) có hình chữ nhật, ở giữa thôn Thành Trung, nằm về phía bắc của sông Thành Trung. Cả 2 lũy thành phía bắc và phía nam đều chạy song song với lũy thành phía Bắc của thành Ngoại. Thành Nội bị san bạt nhiều, nhất là luỹ phía đông và phía bắc.

 alt

 Sơ đồ thành Hóa Châu

Mặc dù có hai vòng lũy rõ ràng nhưng ở một số chỗ chẳng hạn như ở phía đông, góc thành tây - bắc hoặc ở khu tây - nam còn có một số lũy ngắn bao bên ngoài hoặc bên trong lũy thành Ngoại. Cấu trúc này càng làm cho thành Hóa Châu thêm hiểm trở, thuận lợi cho những hoạt động quân sự liên quan đến thành.

Thành được xây dựng khá quy chỉnh, triệt để tận dụng địa thế tự nhiên. Bao quanh thành là hệ thống hào nước khép kín, nối với hệ thống sông lớn (sông đào Thành Trung, sông Bồ) và phá Tam Giang, tạo thành một hệ thuỷ chằng chịt và thông suốt, góp phần tạo nên sự kiên cố thành.

 alt

 Lớp cư trú Champa

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, phía ngoài của lũy thành phía đông (thuộc phạm vi làng Kim Đôi) có một khu vực như lũy thành bao quanh, tất nhiên là không được rõ như các lũy thành khác. Lũy phía bắc chạy theo hướng đông nam - tây bắc như nối nhau với lũy thành Ngoại phía bắc, có những chỗ không nối nhau. Còn ở khu vực phía đông tiếp giáp với lũy phía đông của thành ngoại cũng có một đoạn lũy chạy song song và chiều dài, rộng tương đương với lũy thành phía đông. Lũy này có thể nằm trong cấu trúc tổng thể với khu vực thành ở làng Kim Đôi (xem sơ đồ).

Năm 2009, chúng tôi có xem lại mặt cắt lũy thành Nội do Viện Khảo cổ đào năm 1997. Sau khi nạo sạch mặt cắt, chúng tôi thấy diễn biến địa tầng lũy như sau: trên cùng là lớp đất cát pha sét rất dày, màu vàng khá thuần, lẫn nhiều hiện vật, sớm nhất là thời Trần (thế kỷ XIV). Phía dưới kế tiếp lớp đất này là một lớp đá tự nhiên (kích thước mỗi viên khoảng từ 30cm - 50cm) trên nền bằng đất cát màu nâu đen.

 alt

Gốm Champa TK: IX-X ở  thành Hóa Châu

Mặt khác, địa tầng của lũy không tồn tại những lớp nhỏ do chình tường như một số lũy thành ở Bắc Bộ tiêu biểu như thành Cổ Loa, Luy Lâu.

Như vậy, cấu trúc và cách xây lũy thành Hóa Châu hoàn toàn khác so với các lũy thành ngoài Bắc. Đó là một trong những chứng cứ quan trọng chứng minh thành Hóa Châu hoàn toàn không phải do người Việt xây dựng.

Kết quả thám sát tháng 8 - 2010 của chúng tôi đã phát hiện dấu vết cư trú của thời kỳ Champa. Điều này thể hiện qua các hố đào THC10.XM9 và THC10.KTr. Lớp cư trú này nằm cách mặt bằng hiện tại khoảng từ 40cm - 50cm, dày khoảng 25cm - 30cm. Đất có màu nâu đen, lẫn nhiều tro than, mảnh gốm vỡ. Gốm có xương mịn, ít pha cát, màu đỏ nhạt, trong lớp này, cũng phát hiện gốm sứ Việt Châu – Trung Quốc niên đại khoảng thế kỷ IX-X. Ngoài ra, tại hố thám sát THC09.ĐTTX8, trong những lớp dưới cùng đã xác định được sự có mặt của gốm sứ Trung Quốc thuộc Thế kỷ XI–XII. Trong và xung quanh khu vực thành cổ Hóa Châu hiện nay còn tồn tại một số di tích và di vật Champa như phế tích đền tháp Đức Nhuận, bia Phú Lương và Lai Trung, chân trụ cửa Thành Trung, bệ thờ Thành Trung… chứng tỏ sự tồn tại của các công trình kiến trúc tôn giáo của Champa ở khu vực này. Các công trình này có khả năng phục vụ cho nhu cầu tâm linh của một bộ phận cư dân trong khu vực, trong đó trung tâm là thành Hóa Châu. Những chứng cứ này chứng tỏ sự hiện diện của cư dân Champa trong khu vực thành Hóa Châu.

Rõ ràng, các bằng chứng về cấu trúc thành, kỹ thuật xây dựng lũy thành, tầng văn hóa cũng như các di tích, di vật liên quan chứng tỏ thành cổ Hóa Châu do người Champa xây dựng. Sau khi chiếm vùng đất này vào đầu thế kỷ XIV, nhà Trần đã kế thừa tòa thành này, đồng thời gia cố thêm các bờ luỹ cho kiên cố hơn.

  1. Về niên đại

Trước đây, một số học giả có đưa ra quan điểm thành Hóa Châu được xây dựng trong thời kỳ Champa, nhưng không định ra một niên đại cụ thể nào. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu mới về tòa thành này trong mấy năm gần đây, chúng tôi cho rằng, thành Hóa Châu nhiều khả năng được xây dựng đầu tiên vào khoảng thế kỷ IX – X. Căn cứ để chúng tôi đưa ra quan điểm này là các hiện vật gốm (gốm đất nung bản địa và gốm men Việt Châu - Trung Quốc) phát hiện được trong tầng văn hóa Champa ở các hố thám sát THC10.XM9 và THC10.KTr. Các hiện vật gốm này được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ IX-X. Địa tầng hai hố thám sát này cũng cho thấy, từ thế kỷ IX cho đến thế kỷ XIV, đều có sự hiện diện của cư dân Champa. Trong thời kỳ này, các hiện vật gốm sứ Trung Quốc cũng được phát hiện. 

alt

Bệ thờ phát hiện trong khu vực thành Hóa Châu

Một điều cũng cần quan tâm là, các di tích và di vật Champa trong và xung quanh khu vực thành Hóa Châu phần lớn có niên đại thế kỷ IX - X. Điều này cho thấy sự phát triển thịnh đạt của vương quốc Champa dưới thời kỳ Đồng Dương/Indrapura (875-991). Giữa cuối thế kỷ thứ IX, người Chăm chuyển đô về Indrapura (nay thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), khu vực bắc Hải Vân trở thành vùng đất quan trọng ở phía Bắc, là lá chắn quan trọng cho kinh đô ở phía nam. Ở vùng đất Quảng Điền – Thừa Thiên Huế ngày nay, thành Hóa Châu được hình thành, trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hoá và kinh tế của một vùng – tiểu quốc của Champa, có thể là châu Ulik, tương ứng với địa bàn châu Ô theo cách gọi của Đại Việt, sau này được đổi thành Châu Hóa dưới thời Trần.

Như vậy, khoảng giữa cuối thế kỷ IX, thành Hoá Châu được xây dựng bởi người Champa và tồn tại cho đến đầu thế kỷ XIV thì bị nhà Trần chiếm giữ. Lúc đầu, thành Hóa Châu đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Đại Việt, là lá chắn quan trọng nhất của Đại Việt ở phía cực nam, đồng thời đây cũng là bàn đạp để Đại Việt tiếp tục con đường Nam tiến. Chính vì thế, nó luôn được các triều đại của Đại Việt quan tâm xây dựng một cách kiên cố.

 

(Tác giả: Nguyễn Văn Quảng)

(Nguồn: Những phát hiện mới năm 2011)

Thành tựu nghiên cứu khảo cổ học về văn hoá Sa Huỳnh vùng nam Trung bộ Việt Nam trong những thập kỷ gần đây đã phát triển vượt bậc. Từ những phát hiện gần 20 di tích mộ chum với gần nghìn chum táng của các học giả nước ngoài trước năm 1975, thì nay con số thống kê các di tích văn hoá Sa Huỳnh và Tiền Sa Huỳnh đã lên tới gần 100 di tích, thể hiện một quá trình phát sinh và phát triển liên tục của một nền văn hoá khảo cổ ngay trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này.

Xuất phát từ góc độ nghiên cứu các loại hình mộ táng trong văn hoá Sa Huỳnh thời đại Sắt sớm, chúng tôi nhận thấy có nhiều yếu tố bộc lộ các mối quan hệ xã hội, thân phận và địa vị xã hội của từng cá thể trong một di tích hay một cụm di tích. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong văn hoá Sa Huỳnh đã tồn tại ba loại hình mộ táng: Mộ chum, mộ nồi chôn úp nhau và mộ đất. Trong ba loại hình mộ táng này thì loại hình mộ nồi chôn úp nhau được sử dụng chôn cải táng di cốt trẻ em. Những bằng chứng này có thể tìm thấy trong 8 cụm mộ nồi ở di tích Suối Chình, mộ nồi số 5 ở di tích Xóm ốc trên đảo Lý Sơn, hoặc trong cụm mộ nồi số 1, số 7, số 20, số 30 ở di tích Động Cườm và ở di tích Cồn Ràng, Gò Mả Vôi, Giồng Cá Vồ, Giồng Lớn... Loại hình mộ chum và mộ đất thường được sử dụng hung táng (chôn nguyên xác lần đầu tiên). Phương thức hung táng trong chum rõ nét nhất là trong di tích Giồng Cá Vồ và trên đảo Lý Sơn, trong mộ đất song táng của di tích Xóm ốc. Một điều có thể nhận xét ngay là các di tích mộ chum Sa Huỳnh chỉ tồn trong khu vực đất liền và vắng bóng ở khu vực đảo ven bờ ở nam Trung bộ và Nam bộ Việt Nam. Điều này có thể lý giải bằng sự khan hiếm nguồn nguyên liệu tạo chum gốm, mặt khác cũng bộc lộ rõ bản lĩnh trong thế ứng xử của người cổ Sa Huỳnh với điều kiện tự nhiên và xã hội trong từng khu vực. Chúng ta có thể nhận thức được xã hội Sa Huỳnh thời cổ đại có tổ chức chặt chẽ. Bằng chứng là các di tích mộ chum, mộ nồi trong những di tích văn hoá Sa Huỳnh thường được chôn thành từng hàng ba hoặc năm chiếc theo một hướng nhất định, không bao giờ cắt phá nhau. Xu hướng chôn cất theo từng cụm có tổ chức, cùng với sự chăm sóc cẩn thận mộ táng như đốt than sưởi mộ, đặt hòn đá hay vỏ nhuyễn thể đánh dấu mộ, đã khiến một số học giả nước ngoài như M.Colani, O.Janse cho rằng chủ nhân của những mộ chum này là những cư dân có trình độ văn minh cao hơn từ ngoài biển vào. Những cụm mộ chum đó là biểu tượng của những con thuyền do họ sáng tạo ra.

Tổ chức xã hội Sa Huỳnh còn bộc lộ rõ qua các đồ tuỳ táng trong mộ. Các đồ tuỳ táng có thể là đồ gốm như nồi, bình con tiện, bát mâm bồng với những đồ án hoa văn khắc vạch kết hợp với tô màu độc đáo, bên cạnh đó còn có những đồ trang sức như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu bằng đá ngọc, bằng thuỷ tinh, hay những hạt chuỗi bằng mã não, thuỷ tinh màu. Những đồ sắt như rìu, cuốc, thuổng, dao mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh, những đồ đồng mang đặc trưng văn hoá Đông Sơn. Đến giai đoạn muộn đã xuất hiện đồ tuỳ táng bằng đồng thời Hán như gương, chậu, bình và đồ trang sức bằng vàng, mã não, thuỷ tinh có nguồn gốc từ Ấn Độ. Những vật phẩm chôn theo đó đã thể hiện địa vị xã hội của chủ nhân mộ táng, hoặc các mối quan tâm sâu sắc trong một tổ chức xã hội. Đồng thời, sự phân bố số lượng đồ tuỳ táng ít/nhiều cũng như các loại hình vật phẩm chôn theo quý giá hay bình dân đã thể hiện rõ sự phân hoá giàu/nghèo trong tầng lớp xã hội. Chúng tôi lấy ví dụ trong di tích mộ chum Động Cườm khai quật năm 2003. Chỉ tính riêng hố khai quật 112m2, chúng tôi đã phát hiện 36 cụm mộ chum và mộ nồi chôn úp nhau (32 mộ chum và 4 cụm mộ nồi). Điều đặc biệt là cả 4 cụm mộ nồi đều có đồ tuỳ táng, thậm chí có rất nhiều vật phẩm chôn theo như trong mộ nồi số 20 có 2 khuyên tai ba mấu bằng đá nephrite, nồi gốm nhỏ, dao sắt và hơn 600 hạt cườm bằng thuỷ tinh màu. Cụm mộ nồi số 30 lại được đặt ken sát giữa mộ chum 28 và mộ chum 29, dường như giữa họ có mối quan hệ huyết thống nào đó. Trong số 32 mộ chum ở hố khai quật của di tích Động Cườm, chỉ có già nửa số mộ chum có đồ tuỳ táng, số còn lại không có hiện vật nào, đã nói lên xã hội Sa Huỳnh đã có sự phân chia tầng lớp.

 Hiện tượng đồ tuỳ táng chôn phong phú trong các cụm mộ nồi, cùng với sự sắp đặt cẩn thận những vật phẩm đó cũng tồn tại trong các di tích Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Điều đó biểu hiện mối quan tâm sâu sắc đã đi vào tiềm thức của người cổ Sa Huỳnh đối với trẻ nhỏ khi rời xa thế giới hiện tại để đi đến một thế giới mới.

Chủ nhân mộ đất chôn song táng tại di tích Xóm Ốc, được xác định là cư dân cổ của văn hoá Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Cách thức chôn cất và sự bài trí các đồ tuỳ táng của ngôi mộ này đã thể hiện địa vị quan trọng của họ. Xung quanh hai di cốt đều có những nồi, bình, đĩa mâm bồng bằng gốm, nhưng khi quan sát kỹ thì thấy địa vị quan trọng hơn tập trung vào di cốt nữ. Trên khuỷu tay bà ta có đặt một mũi tên bằng đồng, cổ tay và ngón tay có đeo vòng, nhẫn bằng vỏ ốc. Phải chăng bà ta có một vị trí quan trọng như là một thủ lĩnh của bộ lạc?

Xã hội Sa Huỳnh ngày càng phát triển trên nền tảng kinh tế ngày càng vững chắc. Các nghề chế tác đồ gốm, đồ trang sức, đồ sắt phát triển vượt bậc và tách ra khỏi sản xuất nông nghiệp, khiến cho tổ chức xã hội Sa Huỳnh ngày càng chặt chẽ, các nhóm cư dân đã có cuộc sống ổn định lâu dài và liên kết gắn bó với nhau, tạo nên các loại hình Sa Huỳnh Bắc, Sa Huỳnh Nam và Sa Huỳnh đảo ven bờ trong một nền văn hoá Sa Huỳnh thống nhất. Cư dân văn hoá Sa Huỳnh đã có đủ khả năng mở rộng các mối giao lưu trao đổi với các nền văn hoá khác: với văn hoá Đông Sơn, với văn hoá Hán, văn hoá Ấn Độ và các văn hoá đồng đại ở khu vực Đông Nam Á.

Sự giao lưu trao đổi không chỉ dừng lại ở mức độ hàng đổi hàng, mà đã nâng tầm thành những tụ điểm buôn bán mang tính chất thương mại hoá. Những cảng thị sơ khai như Hội An, Cần Giờ, hay những bến neo đậu ở Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) đã chứng minh cho điều đó. Tổ chức xã hội chặt chẽ là tiền đề cho sự phát triển, mà trong đó con người là hạt nhân quan trọng, giữ một vai trò chủ đạo mang tính quyết định sự thành công hay thất bại. Sự phân hoá giàu/nghèo trong xã hội Sa Huỳnh cũng chính là hệ quả tất yếu của sự phát triển của nền kinh tế, đồng nghĩa với sự đi lên của xã hội. Sự giàu có của một nhóm người trong xã hội đã hình thành rõ nét và tất nhiên, đi đôi với giàu có là quyền lực. Chúng tôi đã thống kê được 12 vật phẩm chôn trong một mộ chum của hố khai quật ở di tích Gò Quê (Quảng Ngãi). Những vật phẩm này là tấm che ngực, dao găm, kiếm, rìu đồng mang đặc trưng văn hoá Đông Sơn, nằm cùng với dao sắt mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh, đã thể hiện rõ địa vị cao sang của chủ nhân mộ táng.

(Tác giả: Phạm Thị Ninh)

(Nguồn: Những phát hiện mới năm 2008)

Viện trưởng Viện Khảo cổ học gửi thư chúc mừng tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam18/5

 

 

THƯ CHÚC MNG

 

            Kính gửi: Cán bộ công chức, viên chức và người lao động Viện Khảo cổ học

 

            Nhân dịp ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, tôi xin được gửi lời tri ân đến tất cả cán bộ công chức, viên chức và người lao động Viện Khảo cổ học, những người hiện đang làm việc và đã nghỉ hưu, các cộng tác viên trong nước và nước ngoài, các tổ chức và cá nhân đã có những hành động thiết thực, cụ thể trong những năm qua đối với sự phát triển của Viện Khảo cổ học.

          Những thành tựu mà Viện Khảo cổ học có được ngày hôm nay đều in dấu ấn của các thế hệ những người làm công tác khảo cổ học, các nhà nghiên cứu, các chuyên viên, quay phim viên, họa sĩ, biên tập viên, thư viện viên,..đó là thành quả, là niềm tự hào chung của tất cả chúng ta.

          Thay mặt Lãnh đạo Viện Khảo cổ học, xin kính chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các thế hệ của Viện sức khỏe, hạnh phúc, may mắn và thành công trong mọi công việc của mình.


                                                                                               Viện trưởng Viện Khảo cổ học

                                                                                                      Nguyễn Giang Hải

 

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Công đoàn Viện Khảo cổ học dã ngoại đầu năm

 

 

Ngày 6/3/2015, Công đoàn Viện Khảo cổ học tổ chức chuyến dã ngoại đầu xuân gắn với tìm hiểu di tích lịch sử cho các công đoàn viên tại khu di tích Quốc gia Tân Trào và nhiều di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Tân Trào là xã nằm ở đông bắc huyện Sơn Dương, gắn liền với tên tuổi sự nghiệp vị lãnh tụ của Cách mạng Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Những di tích chính của Tân Trào gồm: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… Cùng với những di tích lịch sử ghi dấu ấn cuộc kháng chiến của dân tộc ta suốt 9 năm trường kỳ. Khu di tích văn hóa lịch sử và sinh thái Quốc gia Tân Trào là tâm điểm của những chuyến du lịch về nguồn. Tại Tân Trào, ngày 2 tháng 12 năm 1953, Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập theo Quyết định số 34/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.  Giữa năm 1954 Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học đổi tên thành Ban nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý, gọi tắt là Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa. Đây chính là tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay.

Đến khu di tích Quốc gia Tân Trào, cán bộ Viện Khảo cổ học tham quan nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945 để chỉ đạo công tác chuẩn bị Khởi nghĩa Cách mạng giành chính quyền. Tiếp đến đoàn thăm cây đa Tân Trào nơi ngày 16 tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 Đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.

Lán Nà Nưa, nơi ở của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ tháng 5 - tháng 8/1945

TS Nguyễn Gia Đối (Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn) giới thiệu về bối cảnh lịch sử Việt Nam trước tháng 8/1945 và địa thế khu di tích Tân Trào

Công đoàn Viện Khảo cổ học cạnh lán Nà Nưa (Tân Trào, Tuyên Quang)

Công đoàn Viện Khảo cổ học bên gốc đa Tân Trào, Tuyên Quang

Công đoàn viên trẻ của Viện Khảo cổ học bên gốc đa Tân Trào, Tuyên Quang

Điểm đến tiếp theo của Công đoàn Viện Khảo cổ học là thăm Bảo tàng Tuyên Quang. Giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang đánh giá cao kết quả hợp tác nghiên cứu giữa hai cơ quan trong những năm qua và hy vọng trong những năm tới hoạt động hợp tác sẽ phát triển hơn. Bảo tàng Tuyên Quang được xây dựng trên khu đất giữa hồ Tân Quang (TP Tuyên Quang) và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2010. Bảo tàng có diện tích trưng bày 1.600 m2 được chia làm 4 phần: Phần trọng tâm và 3 chủ đề.

Phần trọng tâm là không gian trung tâm của bảo tàng, nơi bắt đầu hành trình tham quan mà hình ảnh ấn tượng đầu tiên là bức phù điêu bằng gỗ có diện tích 100 m2 với lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, làng Tân Lập- Hình tượng “Thủ đô Khu giải phóng” kết hợp trưng bày ảnh phong cảnh đẹp, ảnh về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tuyên Quang. 

Chủ đề 1 được bố cục thành tiểu đề về điều kiện tự nhiên - tiềm năng kinh tế tỉnh Tuyên Quang và tiểu đề về đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang.

Chủ đề 2 trưng bày các hiện vật và nhóm hiện vật Tuyên Quang thời kỳ tiền sử, sơ sử; lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Chủ đề 3 là Tuyên Quang- Thủ đô Khu giải phóng- Thủ đô Kháng chiến và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện bảo tàng đang trưng bày hơn 18.000 hiện vật.

Kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không gian đẹp và trưng bày nhiều hiện vật, bảo tàng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử đến tìm hiểu. Đặc biệt, trong Bảo tàng đang trưng bày di cốt của người nguyên thủy cách nay khoảng 12.000 năm tuổi, còn tương đối nguyên vẹn. Di cốt được khai quật tại hang Phia Vài (Nà Hang). Điều đặc biệt ở di cốt này là cách táng thức độc đáo với 2 con ốc biển được đặt vào hai hốc mắt.

Giao lưu giữa cán bộ Bảo tàng Tuyên Quang và Công đoàn Viện Khảo cổ học

TS Nguyễn Gia Đối giới thiệu về mộ táng 12.000 năm tuổi với táng tục đặt 2 con ốc biển vào hốc mắt

Sưu tập hiện vật văn hoá Đông Sơn (rìu đồng, vũ khí đồng, trống đồng Hegher loại I...) và các thời kỳ lịch sử trong Bảo tàng Tuyên Quang rất phong phú và đa dạng. Với sự đa dạng, phong phú, độc đáo về hiện vật và chủ đề trưng bày, Bảo tàng Tuyên Quang thu hút được đông đảo khách đến thăm quan.

Công đoàn Viện Khảo cổ học tại Bảo tàng Tuyên Quang

(Nguyễn Thơ Đình)

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9599057
Số người đang online: 16