Mô hình nhà thời Trần ở Bảo tàng Thái Bình
Cho đến hiện nay, các mô hình nhà thời Trần mới được phát hiện và nghiên cứu ở hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. Đây là những tư liệu quý để tìm hiểu về kiến trúc thời kỳ này trong điều kiện các dấu tích kiến trúc đều đã bị phá hủy hoàn toàn, có chăng còn lại các phát hiện của khảo cổ học về dấu tích nền móng của các công trình. Do vậy, việc trưng bày, tuyên truyền rộng rãi giá trị của các mô hình nhà trên đây có ý nghĩa lớn không chỉ với các nhà nghiên cứu mà còn đánh thức niềm tự hào của người dân về một thời kỳ hào hùng của dân tộc.
Trong phòng trưng bày cũng như các ấn phẩm được công bố, mô hình nhà được sắp xếp gồm hệ thống tường bao xung quanh được lợp ngói mũi sen đơn, 4 hướng có 4 cổng được lợp bằng ngói mũi sen kép, các cổng có chiều cao cao hơn so với đỉnh tường, trong đó cổng chính cao hơn và kiên cố hơn các cổng còn lại. Bên trong tường có một tòa nhà được đặt dọc theo chiều từ ngoài vào, theo hướng cổng chính, có một bộ phận được lắp nối từ cổng chính đến tòa nhà.
Mô hình nhà được trưng bày và giới thiệu trong cuốn “Bảo tàng Thái Bình, tự giới thiệu”
Nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu về mô hình kiến trúc giữa Việt Nam và Nhật Bản, năm 2011, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc và nghiên cứu đánh giá tư liệu về mô hình nhà nói trên. Qua công tác chỉnh lý, xác định lại các thành phần cấu trúc, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét sau:
- Về cấu trúc: mô hình nhà là một tổng thể khép kín, hệ thống tường bao bao quanh một toà nhà bên trong. Mặt ngoài của tường bao có các đường bổ dọc tượng trưng cho các cột gỗ, giữa các khoảng cột được chạm khắc ô hoa chanh có 4 cánh đặc. Mặt trong tường bao để trơn. Các góc tường có các đầu đao cong vút lên, phù điêu trang trí được gắn ở bờ nóc và bờ dải. Mái tường bao được lợp bằng ngói mũi sen đơn. Chân tường có hệ thống đế, đó có thể là móng của tường bao.
Các hệ thống cổng nằm chính giữa của các tường bao, với kết cấu 1 tầng 4 mái cong vút, trong đó nổi bật lên là cửa chính với kết cấu chắc chắn và kiên cố hơn các cổng khác. Ngói lợp mái các cổng là loại ngói mũi sen kép, khác hẳn với loại ngói lợp tường bao. Trên mái phía sau của cổng chính có phần được làm nổi lên để nối với một phần khác bên trong. Các góc của bờ dải gắn điêu khắc trang trí hình rồng.
Tòa nhà bên trong chỉ còn lại một phần, xung quanh có hệ thống các cột, giữa các khoảng cột được trang trí bằng các ô hoa chanh 4 cánh rỗng, mỹ thuật hơn. Mái được lợp bằng ngói mũi sen kép, kết cấu tòa nhà gồm 1 tầng 4 mái, bờ nóc chạy dài cong vút lên. Các phù điêu được gắn ở hai đầu của bờ nóc.
- Về trang trí: có thể phân thành 2 loại: loại các kiến trúc chính gồm các cổng và tòa nhà chính bên trong, loại các công trình phụ trợ của kiến trúc đó là tường bao. Giữa 2 loại đều được trang trí và dùng loại ngói khác nhau để lợp mái. Trên bờ nóc và bờ dải của cổng chính và tòa nhà bên trong có các lỗ để gắn các thành phần trang trí kiến trúc.
- Về quy mô: mô hình nhà có diện tích 0,97m2, chiều dài tổng thể của mô hình là 1,0m, rộng 0,97m, hệ thống tường bao cao trung bình 0,32m, tòa nhà chính cao trung bình 0,35m.
Như vậy, mô hình nhà được sắp xếp, trưng bày ở Bảo tàng Thái Bình như trên có thể điều chỉnh như sau:
1/ Phần nối giữa tòa nhà và cổng chính không hợp lý, nên bỏ đi vì ngói lợp trên đó là loại ngói sen đơn do vậy đây có thể là thành phần phụ trợ khác của kiến trúc.
2/ Tòa nhà chính nên đặt quay ngang, vì đây là mô hình nhà có hình chữ công “工”. Phần còn lại của tòa nhà chính có điểm gờ để khớp nối với một phần khác.
3/ Với các phần còn lại của mô hình được trưng bày, chắc hẳn có một số bộ phận khác của mô hình đã bị thất lạc hoặc thiếu khi đưa lên trưng bày.
Trên cơ sở phân tích các yếu tố về kết cấu và trang trí, chúng tôi xin đưa ra mô hình nhà thời Trần ở Thái Bình như sau:
|
Ghi chú: (1): Hệ thống tường bao (2): Cổng chính (3): Các cổng phụ (4): Ống muống (5): Tòa nhà chính |
Phạm Văn Triệu