Về những chiếc “Dấu Bắc Sơn”: Chức năng và niên đại
“Dấu Bắc Sơn” là tên gọi của một loại bàn mài được phát hiện đầu tiên trong các di tích hang động thuộc thời đại Đá ở dải núi đá vôi thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tên gọi này do hai nhà khảo cổ học người Pháp là H. Mansuy và M. Colani xác định khi họ nghiên cứu các di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn - một văn hóa khảo cổ có niên đại cách ngày nay ước chừng 11.000-7.000 năm. Tên gọi “văn hóa Bắc Sơn” và “Dấu Bắc Sơn” là do họ xác lập.
Về niên đại, văn hóa Bắc Sơn có thời gian cuối của nó ở vào sơ kỳ thời đại Đá mới khoảng 7.000 năm với sự xuất hiện của công cụ cuội mài lưỡi là có thể tin được, song với những chiếc “Dấu Bắc Sơn” cho đến nay vẫn là một tồn nghi chưa có lời giải đáp đầy đủ. Tuy nhiên, giới khảo cổ học vẫn coi “Dấu Bắc Sơn” là tiêu chí chỉ thị tính chất văn hóa và nếu di tích khảo cổ học nào tìm thấy loại di vật này thường được họ xếp ngay vào văn hóa Bắc Sơn. Vậy có đích thực là những chiếc “Dấu Bắc Sơn” là tiêu chí xác định những di chỉ khảo cổ chứa đựng chúng thuộc thời đại Đá.
Trong cuộc khai quật hang Ngườm Vài (Thông Nông, Cao Bằng), một di chỉ được xếp vào văn hóa Bắc Sơn, cũng tìm thấy loại di vật này tuy số lượng so với tổng số di vật đá không nhiều (53/2.040). Cùng với “Dấu Bắc Sơn”, tại đây còn tìm được khá nhiều mảnh gốm vỡ thuộc thời Kim khí, mảnh vỡ của công cụ đá mài, chì lưới đánh cá (chế tạo bằng cách khoan - mài), đá có vết và nhiều viên cuội nhỏ có vết mài.
Quan sát “Dấu Bắc Sơn”, ta sẽ thấy chúng là một loại bàn mài dùng vào việc chế tác hay làm sắc rìa lưỡi của một loại công cụ khác có độ cứng cao hơn chúng. Về chất liệu, các “Dấu Bắc Sơn” thường là những viên cuội mỏng dẹt, dài chủ yếu là cuội sét kết hay cát kết mịn có độ cứng không cao lắm, tuy nhiên cũng có những chiếc làm bằng cuội silic hoặc bán quartz có độ cứng cao. Vết mài trên các “Dấu Bắc Sơn” có hình cong khum, một số ít có hình chữ V ngược. Điều đó cho biết loại công cụ được mài có rìa lưỡi vũm với kích thước nhỏ bởi các vết mài chỉ rộng từ 0,5cm đến xấp xỉ 1,0cm, thông thường chỉ trong khoảng 0,5-0,7cm. Vết mài trên di vật này thẳng, nhẵn bóng, rìa cạnh của vết mài (kể cả ở hai đầu) sắc gọn. Chất liệu và dấu vết kỹ thuật trên di vật cho hay chúng là những chiếc bàn mài đánh bóng hay “lấy lưỡi” của vật được mài, tức là chúng chỉ dùng vào việc làm tăng độ sắc bén của rìa lưỡi công cụ mà thôi và loại công cụ được mài có độ cứng cao hơn những chiếc “Dấu Bắc Sơn” rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có loại di vật nào tìm thấy trong các hang động thuộc văn hóa Bắc Sơn có rìa lưỡi vũm tương đương với những chiếc “Dấu Bắc Sơn” đã được phát hiện. Một số người cho những chiếc bàn mài này dùng để mài công cụ xương bởi chỉ có công cụ làm bằng xương mới có hình cong khum mà thôi. Song loại xương có thể sử dụng làm công cụ lại thường là xương ống của động vật lớn như trâu bò hay hươu nai nên vết mài vũm nếu có cũng lớn hơn vết mài trên các “Dấu Bắc Sơn” nhiều lần (chỉ có xương ống chân chim hoặc gà mới có kích thước gần tương đương với vết mài của “Dấu Bắc Sơn”). Nên, theo chúng tôi, ý kiến trên khó mà đứng vững được.
Từ dấu vết kỹ thuật còn lưu lại trên các “Dấu Bắc Sơn”, chúng tôi cho rằng chúng được dùng để mài công cụ kim loại. Bởi chỉ có kim loại mới có thể để lại vết mài sắc gọn, nhẵn bóng trên loại di vật này được mà thôi. Và, những chiếc “Dấu Bắc Sơn” ở Ngườm Vài cũng như trong các di chỉ chứa chúng khác không phải là loại công cụ không gia công của thời đại đá mà là sản phẩm của thời Kim khí. Do vậy, “Dấu Bắc Sơn”, cuội nhỏ có vết mài là những tiêu chí có thể sử dụng để xếp những di tích khảo cổ chứa chúng vào thời Kim khí.
(Tác giả: Đào Quý Cảnh)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)