Khảo cổ học dưới nước - Một số kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Trong đợt công tác mới đây tại Viện nghên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc tôi được tiếp xúc với Trung tâm Khảo cổ học dưới nước và trực tiếp tham gia hai cuộc hai quật Khảo cổ học dưới nước của bạn. Có thể nói Hàn Quốc giờ đây là một cường quốc trong lĩnh vực này song cách đây vài ba chục năm họ cũng ở trong điều kiện, hoàn cảnh và xuất phát điểm tương đồng với Việt Nam của chúng ta, vì vậy trong bài thông báo nhỏ này tôi muốn nêu lên một số kinh nghiệm về mô hình xây dựng Trung tâm Khảo cổ học dưới nước và đặc biệt là phương pháp khai quật khảo cổ học dưới nước của bạn để tham khảo và có thể ngiên cứu áp dụng trong việc xây dựng chuyên nghành Khảo cổ học dưới nước của chúng ta.

  1. Mô hình xây dựng Trung tâm Khảo cổ học dưới nước

Trước thập niên 80 đầu thế kỷ XX, cũng như chúng ta, Hàn Quốc bắt đầu chú ý đến Khảo cổ học dưới nước khi các cư dân địa phương phát hiện một xác tàu đắm ở vùng biển Sinan tỉnh Jeolla thuộc Tây - Nam Hàn Quốc và họ đã bắt đầu khai quật con tàu này từ năm 1976. Qua 5 năm khai quật, tất cả các hiện vật và xác con tàu này đã được trục vớt thành công. Năm 1981, Trung tâm Bảo quản và Phục dựng Di sản văn hóa dưới nước được thành lập với mục đích chủ yếu là bảo quản và phục dựng tàu đắm Sinan. Những năm tiếp theo, Trung tâm này ngoài việc tiếp tục phục dựng, bảo quản tàu Sinan, đã tiến hành khai quật 2 tàu đắm khác ở vùng biển Tây Nam là tàu Wando và tàu Jindo. Năm 1994, Bảo tàng văn hóa dưới nước được thành lập với chức năng là trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa biển, năm 2009 được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa dưới nước Quốc gia Hàn Quốc bao gồm cả Trung tâm Khảo cổ học dưới nước. Đến thời điểm này, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc là cơ quan quan trọng nhất và duy nhất của Hàn Quốc trực tiếp nghiên cứu, khai quật và trưng bày di sản văn hóa dưới nước ở quốc gia này. Họ đã có một trung tâm chuyên về khai quật khảo cổ học dưới nước, có trung tâm trưng bày và trung tâm nghiên cứu với một đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm có thể quán xuyến công tác nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước ở Hàn Quốc và mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Bài học kinh nghiệm của họ ở đây là mạnh dạn khởi đầu với những gì mình có, không có sự khởi đầu thì không có các quá trình tiếp theo. Lúc đầu, khi phát hiện tàu đắm Sinan, họ cũng đã bắt đầu từ con số 0, không thiết bị, không chuyên gia, không có kinh phí dồi dào, song họ mạnh dạn đưa một số cán bộ Khảo cổ học trên cạn học lặn và học cách làm việc dưới nước, thuê phương tiện như tàu, xà lan công trình và các thiết bị lặc của hải quân với một số kinh phí ít ỏi họ đã kiên trì khai quật con tàu. Đó là một quá trình vừa làm vừa học và họ đã thành công. Khi có thành công bước đầu họ mạnh dạn khuếch trương thành quả và xin thêm kinh phí của nhà nước để duy trì và phát triển. Có thể nói, Hàn Quốc bây giờ là một cường quốc về Khảo cổ học dưới nước.

  1. Một số kinh nghiệm về phương pháp khai quật

Do trực tiếp tham gia khai quật, tham gia lặn và làm việc với bạn trên di chỉ nên chúng tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm về phương pháp khai quật của bạn. Nói chung, những phương pháp đó không xa lạ gì với chúng ta, cái khác là môi trường làm việc và mục đích của cuộc khai quật.

Khi phát hiện được tàu đắm, công việc đầu tiên là tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ vị trí con tàu, độ nông sâu của nước cùng với các đặc điểm về địa hình, dòng chảy và khí hậu của khu vực, để có thể xác định thời gian, kinh phí và phương pháp thích hợp cho cuộc khai quật. Tất cả các cuộc khai quật đều do cán bộ của Trung tâm Khảo cổ học dưới nước đảm nhiệm.

Bước thứ hai là xác định chính xác mục tiêu khoa học của cuộc khai quật, thường mục tiêu được xác định là: nghiên cứu nguồn gốc và hàng hóa chuyên chở của con tàu, chủ nhân của tàu, hải trình tàu, nguyên nhân bị đắm… Trong đó, điều quan trọng nhất là bản thân con tàu như kích thước, kỹ thuật đóng tàu, nguồn gốc và chủ nhân của tàu để từ đó nghiên cứu về kỹ thuật đóng tàu, nguồn gốc và chủ nhân của tàu để từ đó nghiện cứu về kỹ thuật đóng tàu và các lĩnh vực khác liên quan khác như lịch sử hàng hải, giao thông, thương mại…Với cách tiếp cận như vậy nên hàng hóa mà con tàu chuyên chở bị đặt xuống hàng thứ yếu, điều này khác hẳn với chúng ta.

Xác định chính xác mục tiêu khoa học như vậy nên trong quá trình khai quật, tất cả các cứ liệu không bị bỏ qua dù là những chi tiết nhỏ nhất của con tàu. Tại cuộc khai quật tàu đắm Jindo, do đáy biển ở đây có nhiều bùn nên khi khai quật tầm quan sát rất hạn chế (khoảng 15-20cm), sợ bị bỏ sót tư liệu nhỏ nên họ đã sử dụng một máy hút công suất lớn hút bùn và nước tại di chỉ đưa lên sà lan công trình và cho chảy qua một hệ thống sàng nhằm thu lại những tư liệu có thể bị bỏ sót dưới đáy biển. Do khai quật tỉ mỉ như vậy nên đã thu được nhiều hiện vật nhỏ nhưng rất quý giá về mặt khoa học như: những thanh tre trên đó có ghi rất rõ loại hàng hóa, số lượng, tên, địa chỉ người gửi và người nhận; những thùng bằng gỗ hoặc bằng tre dùng để đựng hàng, hay những mẩu xương cá nằm trong lọ… Những hiện vật đó cung cấp thông tin khoa học chính xác về chủ nhân của con tàu, hàng hóa chuyên chở từ đâu đến đâu. Từ các thông tin trên, chúng ta dễ dàng phục dựng được con tàu, chủ nhân của tàu hay hải trình của tàu.

Cuộc khai quật tàu đắm ngoài khơi biển Incheon là một cuộc khai quật có quy mô rất lớn, đã huy động rất nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia lành nghề và được rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng đề cập song cách làm việc của họ lại rất tỉ mỉ, cẩn thận. Tôi đã cùng họ lặn xuống di chỉ nhiều lần nhưng chỉ quan sát, đo, vẽ, chụp ảnh từng chi tiết một, công việc này chiếm phần lớn thời gian khai quật ở đây. Họ không vội đưa hiện vật lên chúng ta có hỏi bạn tại sao không đưa hiện vật lên? Và được bạn trả lời đó là khâu cuối cùng của khai quật. Họ nói, nếu chú trọng đưa hiện vật lên thì sẽ bỏ qua nhiều thông tin khoa học của con tàu vì khi lấy hiện vật thì địa tầng sẽ bị xáo trộn, các vị trí của hiện vật trong và xung quanh tàu sẽ bị thay đổi do song của máy thổi gây nên. Điều quan trọng nhất là phải lấy hết các thông tin quan trọng trước, đó mới lấy hiện vật.

Do có phương pháp và mục đích khai quật khoa học như vậy nên họ đã thu được nhiều thành quả khoa học, đặc biệt là họ đã phục dựng lại được tất cả các con tàu họ đã khai quật về cả hình dáng, kích thước, kỹ thuật lẫn hải trình và đầy đủ hang hóa chuyên chở để trưng bày, giới thiệu; và quan trọng hơn từ đó họ phục dựng được lịch sử hành trình trên biển của các con tàu cũng như con đường thương mại cổ của Hàn Quốc mà ta thường gọi là con đường tơ lụa trên biển.

Liên hệ lại sáu cuộc khai quật của chúng ta trong vài chục năm trở lại đây tôi không khỏi luyến tiếc vì chúng ta chỉ chú trọng trục vớt hiện vật mà bỏ quên nhiều thông tin khoa học khác; duy chỉ cuộc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm là ngoài 240.000 cổ vật chúng ta đã lấy được một số thông tin khác như vài mảnh gỗ thân tàu, di cốt người…Đặc biệt là các xác tàu thì chúng ta chưa đưa về được cái nào; đáng tiếc hơn cuộc khai quật tàu cổ Bình Châu vừa rồi tại Quảng Ngãi, cả xác tàu đắm hầu như còn nguyên vẹn và đã xuất lộ rõ ràng mà Ban khai quật lại không đưa lên dù đây là khâu dễ nhất và ít tốn kém nhất của cuộc khai quật.

Việt Nam chúng ta có nguồn di sản văn hóa dưới nước dồi dào, đặc biệt là các di tích tàu đắm và nguồn di sản đó đang đứng trước nguy cơ bị phá hoại nghiêm trọng. Vì vậy, vấn đề nghiên cứu khai quật Khảo cổ học dưới nước đang được đặt ra một cách cấp thiết nhằm khai thác, bảo vệ nguồn di sản văn hóa quý giá này. Đặc biệt, tình hình tranh chấp biển Đông trong khu vực ngày càng trở nên phức tạp thì việc đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu di sản văn hóa biển sẽ giúp chúng ta có nhiều bằng chứng về chủ quyền biển đảo góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước một cách thuyết phục hơn. Việc hợp tác nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm của các nước tiên tiến nhằm xây dựng và phát triển chuyên ngành Khảo cổ học dưới nước của chúng ta, theo tôi, là con đường ngắn nhất để mà chúng ta có thể đưa sự nghiệp nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước phát triển lên một tầm cao mới.

(Tác giả: Nguyễn Tuấn Lâm)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)

Thư viện

- Tác giả: George Soulie De Morant - Nxb: Mỹ Thuật - Năm xb: 2023 - Số trang: 381tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh, Bá Minh Truyền - Nxb: Thế Giới - Năm xb: 2021 - Số trang: 527tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Viên Như - Nxb: Hồng Đức - Năm xb: 2022 - Số trang: 335tr - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Vũ Huyễn Trang - Nxb: Thế giới - Năm xb: 2022 - Số trang: 266 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Marcel Bernanose - Nxb: Mỹ Thuật -Năm xb: 2023 - Số trang: 238 - Khổ: 16 x 24 cm - Bìa: bìa mềm
- Tác giả: Đại úy hải quân Francis Garnier, Nguyễn Minh dịch và chú giải - Nxb: Đại học Sư phạm - Năm xb: 2023 - Số trang: 848 - Khổ: 18.5 x 26.5...
- Tác giả: Trần Minh Nhựt - Nxb: Dân Trí -Năm xb: 2022 - Số trang: 261 - Khổ: 20.5 x 27.5 cm - Bìa: mềm
- Tác giả: Đinh Khắc Thuân - Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2021 - Số trang: 752 tr - Khổ sách: 16x24tr - Hình thức bìa: cứng
- Tác giả: Nguyễn Tuấn Cường - Nxb: Khoa học xã hội - 2020 - Số trang: 522 tr - Khổ sách: 16x24tr

Tạp chí

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7560033
Số người đang online: 39