Về những bàn đập gốm phát hiện trong các di chỉ khảo cổ ở Việt Nam
Bàn đập gốm là loại hình công cụ sản xuất trong nghề làm gốm thủ công thời tiền sử. Cho đến nay, số lượng di vật này phát hiện được không nhiều trong các di chỉ Mán Bạc (Ninh Bình), Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa), Phù Mỹ (Lâm Đồng), Rạch Bà Giá, Rạch Lá, Suối Linh (Đồng Nai). Sau đây miêu tả bàn đập ở ba di chỉ tiêu biểu.
1. Di chỉ Mán Bạc (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)
- Chất liệu: Làm từ đất á sét có pha nhiều tạp chất như bã thực vật, vỏ nhuyễn thể, cát, sỏi nhỏ.
- Hình dáng: Giống như chiếc nấm, một đầu tròn loe rộng hình cầu, đỉnh hơi lồi, nhẵn bóng, phần này không trang trí hoa văn. Đầu kia thuôn nhỏ, thường có dạng hình trụ tròn đối với những hiện vật kích cỡ lớn, trung bình, còn những hiện vật kích thước nhỏ phần chân vuốt nhọn hình chóp nón. Phần chân này có chiếc đặc, có chiếc rỗng. Hoa văn thường được trang trí ở phần này.
- Màu sắc: Đỏ, xám, vàng.
- Hoa văn trang trí: Văn chấm que đầu nhỏ, ấn que đầu to hình bầu dục, khắc vạch hình zích zắc, khắc vạch đơn ngắn, khắc vạch hình chữ V nối tiếp nhau kết hợp chấm que.
- Kích thước: Có nhiều kích cỡ khác nhau. Chiều cao trung bình 5cm, chiều cao lớn nhất là 8cm, chiều cao nhỏ nhất là 1,2cm. Đường kính phần loe rộng trung bình 7,3cm, lớn nhất 9,6cm, nhỏ nhất 1,8cm.
2. Di chỉ Cồn Chân Tiên (xã Thiệu Vân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
- Chất liệu: Làm từ đất sét pha cát hạt thô hoặc mịn, màu vàng nhạt hoặc màu đỏ.
- Hình dáng: Hình quả cân, hai đầu loe, một đầu loe nhiều hơn. Hai mặt cong vồng, thân hình ống thót ở giữa. Hoặc hình gần giống con dấu, một đầu loe rất rộng, một đầu không loe, hai mặt phẳng, thân hình trụ.
- Màu sắc: Màu đỏ hoặc vàng nhạt.
- Hoa văn trang trí: Hoa văn in chấm hình tròn hoặc hình bầu dục, hoa văn khắc vạch hình tam giác đối chiều, hoặc văn chải.
- Kích thước: Có nhiều kích thước khác nhau, trung bình cao 4cm - 8cm, đường kính bàn xoa 5cm - 8cm, đường kính tay cầm 3cm - 5cm, cao 4cm - 8cm.
3. Di chỉ Phù Mỹ (xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng)
- Chất liệu: Gốm thô, chủ yếu màu đỏ.
- Hình dáng: Hình chóp cụt dài, phía dưới bè ra như chiếc bánh dày. Phần tay cầm có lỗ hoặc không xuyên lỗ. Phần xoa có chiếc mặt cong vồng cao, có chiếc cong vồng thấp
- Hoa văn trang trí: Không hoa văn
4. Nhận xét
- Đây là một loại di vật độc đáo mới chỉ phát hiện ở một số ít di tích khảo cổ học.
- Về hình dáng các di vật tìm thấy ở các địa điểm tuy có sự khác nhau nhưng có điểm chung là gồm hai phần: phần tay cầm hình trụ tròn và phần bàn xoa hình tròn dẹt.
- Bàn đập gốm di chỉ Mán Bạc và Cồn Chân Tiên, một số có trang trí hoa văn khắc vạch, khắc vạch - chấm que... Bàn đập gốm di chỉ Phù Mỹ không trang trí hoa văn.
- Về tên gọi có nhiều cách gọi khác nhau, như ở di chỉ Mán Bạc các nhà khảo cổ đặt tên cho chúng là “vật hình nấm” hay “bàn xoa gốm”, ở di chỉ Phù Mỹ gọi là “bàn đập gốm”, ở di chỉ Rạch Bà Giá, Rạch Lá, Suối Linh gọi là “bàn xoa gốm”. Có thể thống nhất gọi tên đây là bàn đập gốm.
- Về công dụng: Ở di chỉ Phù Mỹ và Rạch Bà Giá có thể những người khai quật gọi tên di vật theo giả định của họ về công dụng của di vật. Còn ở di chỉ Mán Bạc có người cho rằng đây là vật dùng trong kỹ thuật tạo hình gốm và đề nghị gọi là “quả chuốt gốm”.
Có ý kiến cho rằng đây là hiện vật mang tính tôn giáo. So sánh tài liệu dân tộc học ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á cho thấy rằng chức năng chính của chúng là dụng cụ sản xuất đồ gốm.
Tại một số di chỉ khảo cổ trong khu vực cũng đã phát hiện loại hình hiện vật này như di chỉ Ban Na Di (Thái Lan). Đến nay, một số làng làm gốm tại Campuchia như Damnak Chambak vẫn sử dụng loại hình hiện vật này vào công việc sản xuất đồ gốm
|
|
Bàn đập gốm sử dụng tại làng làm gốm Damnak Chambak– Campuchia [Nguồn: Chhay Visoth, The new Perspective on Modern pottery in Cambodia A case study of Damnak Chambak villige, International Workshop on Southeast Asian Ceramic Archaeology: Directions for Methodology and Collaboration, USA 2010] |
(Tác giả: Bùi Thị Thu Phương)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011)