Về loại ngói bờ dải gắn trên góc đao kiến trúc thời Trần - Hồ

Bài viết này xin trình bày về một loại ngói thời Trần - Hồ, mà theo nhận thức của tác giả gọi là: ngói bờ dải gắn trên góc đao kiến trúc. Về cơ bản, loại ngói này có hình dáng và cấu tạo tương tự như ngói dương lợp diềm mái, gồm 2 bộ phận: thân ngói và đầu ngói, nhưng có kích thước lớn hơn. Điều đặc biệt là phía dưới đầu ngói thường để lại phần khuyết hình tam giác cân.

Cho đến nay, hình dạng nguyên lành của hiện vật này phát hiện được không nhiều, nhưng mảnh vỡ của chúng tại các di tích thời Trần - Hồ không ít. Dưới đây xin đề cập đến 4 tiêu bản tương đối nguyên vẹn: 1 tiêu bản ở đền Bảo Lộc (khu di tích Thiên Trường, tỉnh Nam Định); 1 tiêu bản ở Ly Cung (di tích cung Bảo Thanh, tỉnh Thanh Hóa); 2 tiêu bản ở đàn Nam Giao (khu di tích thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa).

 

Hình 1. Hiện vật đền Bảo Lộc (Nam Định)

Tiêu bản đền Bảo Lộc: được phát hiện tại phía tây bắc khu lăng mộ Trần Hưng Đạo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định, ký hiệu BTNĐ1272/SS4521. Phần thân ngói có đường kính 25cm, dài còn lại 14,5cm, dày 1,2cm - 1,4cm; phần đầu ngói còn nguyên dáng, cao toàn bộ 24cm, cao ở giữa 18cm, rộng nhất 25,5cm, dày 1,5cm - 2cm; mặt sau đầu ngói có vết chải cho thấy đầu ngói được in khuôn riêng rồi mới ghép vào thân ngói; mặt trước đầu ngói trang trí đôi chim phượng chầu học báu theo motif tương tự gặp trên lá đề cân thời Trần (Hình 1).

- Tiêu bản Ly Cung: khai quật tại Ly Cung, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa, ký hiệu BTTH522/S:132. Phần thân ngói không còn, chỉ còn lại vết gắn thân và đầu ngói; phần đầu ngói còn gần nguyên, chiều cao còn lại 22cm, chiều rộng còn lại 28cm, dày 3,5cm, nặng 2,6kg; mặt trước trang trí hình rồng đơn trong tư thế nhả ngọc; phía trên lưng ngói còn lại dấu vết gắn lá đề, có thể khi sử dụng, loại ngói này được gắn thêm lá đề cân (Hình 2).

Hình 2. Hiện vật đền Bảo Lộc (Nam Định)

Tiêu bản Nam Giao: có 2 tiêu bản tương đối nguyên vẹn. Tiêu bản 08NG-TH.H7L3.KV4:48, phần thân ngói có đường kính 27cm, dài 29,5cm, dày 1,6cm - 1,7cm; phần đầu ngói cao toàn bộ 21,5cm, rộng 27,2cm dày 1,5cm. Tiêu bản 08NG-TH.H7L3.KV4:47, phần thân ngói có đường kính 26,5cm, dài 28cm, dày 1,8cm; phần đầu ngói cao toàn bộ 23,5cm, rộng 26,7cm; dày 1,6cm. Đầu ngói trang trí hình lá đề cách điệu bằng các đường chỉ chìm đơn giản3.

 

         Vị trí của ngói mặt quỷ

    trong kiến trúc cổ Nhật Bản4

                Hình 3

                   Vị trí của ngói mặt quỷ

             trong kiến trúc cổ Hàn Quốc5

Loại ngói có hình dạng tương tự, trong kiến trúc cổ Hàn Quốc6, Nhật Bản7 đều tồn tại và được lợp ở 2 vị trí trên bờ dải (Hình 3). Giới nghiên cứu kiến trúc cổ hai nước này gọi chung là ngói mặt quỷ. Điểm khác biệt duy nhất của ngói mặt quỷ Nhật Bản, Hàn Quốc là chúng được lợp trên ngói ống, cho nên phần khuyết thường có hình tròn với kích thước vừa khít với kích thước của ngói dương.

Ngói mặt quỷ ở Nhật Bản, Hàn Quốc được sử dụng phổ biến trong thế kỷ VII-X, tương đương với thời Đường ở Trung Quốc. Trong các di tích kiến trúc thời Đường ở Trung Quốc loại hình ngói này đều không phát hiện được, mà chỉ phát hiện một loại ngói mặt thú dạng hình vuông không có phần khuyết tròn trên đầu ngói và cũng không có phần thân ngói8. Loại ngói mặt thú này, ở Việt Nam cũng phát hiện được trong các di tích có tầng văn hóa thế kỷ VII-X, mà chúng ta gọi là ngói chữ nhật trang trí mặt linh thú9, còn ngói mặt quỷ cũng không phát hiện được.

Bốn tiêu bản ngói phát hiện được trong các di tích Trần - Hồ đã mô tả ở trên, căn cứ vào kích thước và diện mạo của đầu ngói, chúng tôi cho rằng chúng được gắn phía trên đầu đao, làm sao để phần khuyết hình tam giác cân của đầu ngói khít vừa với độ vát hình chữ V của đầu đao. Về đầu đao đất nung thời Trần-Hồ đã từng tìm thấy hiện vật tương đối nguyên vẹn ở đàn Nam Giao Thanh Hóa, khu di tích 18 Hoàng Diệu, chùa tháp Hắc Y… là những đầu đao chỉ trang trí đơn giản bằng các đường khắc chìm; ở Tam Đường, Ly Cung, Kiếp Bạc, chùa tháp Hắc Y… thuộc loại có gắn 3 lá đề cân ở bên trên. Về các loại đầu đao này, xin đề cập đến ở một dịp khác.

Chú thích:

1 Tư liệu Bảo tàng Nam Định.

2 Tư liệu Bảo tàng Thanh Hóa.

3 Tống Trung Tín (chủ biên) (2008): Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu di tích đàn tế Nam Giao (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), tư liệu Viện Khảo cổ học, ký hiệu Hs 587, tr. 63-64; Trần Anh Dũng (2012): "Một số loại hình trang trí trên mái kiến trúc ở đàn Nam Giao (thành nhà Hồ)", Khảo cổ học, số 3, tr. 84.

4 Vương Phi Phong (2008): "Giao lưu văn hóa Đông Á thời Hán Đường", Nghiên cứu khảo cổ học biên cương, tập 7, tr. 226, hình 11.

5 Bảo tàng Khánh Châu (2000): Gạch ngói Tân La (chữ Hàn), tr. 440.

6 Bảo tàng Khánh Châu (2000): Gạch ngói Tân La (chữ Hàn); Trương Khởi Nhân (1993): Kiến trúc Hàn Quốc toàn tập, tập VII: Ngói lợp (chữ Hàn), Nxb Phổ Thành Các.

7 David & Michiko Young (2007): Nghệ thuật kiến trúc Nhật Bản, người dịch Lưu Văn Hy, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, tr. 53.

8 Hàn Triệu, Trương Vĩnh Hồng (2003): "Thử tìm hiểu về ngói đầu đao thời Đường – so sánh với loại hình ngói mặt quỷ của Nhật Bản", Khảo cổ và Văn vật, số 4, tr. 71-74 .

9 Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí (2010): Thăng Long Hà Nội: Lịch sử nghìn năm từ lòng đất, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 80.

 

(Tác giả: Đặng Hồng Sơn)

(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2012)

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

Tin tức khác


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9027739
Số người đang online: 22