Bàn đập gốm là loại hình công cụ sản xuất trong nghề làm gốm thủ công thời tiền sử. Cho đến nay, số lượng di vật này phát hiện được không nhiều trong các di chỉ Mán Bạc (Ninh Bình), Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa), Phù Mỹ (Lâm Đồng), Rạch Bà Giá, Rạch Lá, Suối Linh (Đồng Nai). Sau đây miêu tả bàn đập ở ba di chỉ tiêu biểu.
1. Di chỉ Mán Bạc (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)
- Chất liệu: Làm từ đất á sét có pha nhiều tạp chất như bã thực vật, vỏ nhuyễn thể, cát, sỏi nhỏ.
- Hình dáng: Giống như chiếc nấm, một đầu tròn loe rộng hình cầu, đỉnh hơi lồi, nhẵn bóng, phần này không trang trí hoa văn. Đầu kia thuôn nhỏ, thường có dạng hình trụ tròn đối với những hiện vật kích cỡ lớn, trung bình, còn những hiện vật kích thước nhỏ phần chân vuốt nhọn hình chóp nón. Phần chân này có chiếc đặc, có chiếc rỗng. Hoa văn thường được trang trí ở phần này.
- Màu sắc: Đỏ, xám, vàng.
- Hoa văn trang trí: Văn chấm que đầu nhỏ, ấn que đầu to hình bầu dục, khắc vạch hình zích zắc, khắc vạch đơn ngắn, khắc vạch hình chữ V nối tiếp nhau kết hợp chấm que.
- Kích thước: Có nhiều kích cỡ khác nhau. Chiều cao trung bình 5cm, chiều cao lớn nhất là 8cm, chiều cao nhỏ nhất là 1,2cm. Đường kính phần loe rộng trung bình 7,3cm, lớn nhất 9,6cm, nhỏ nhất 1,8cm.
2. Di chỉ Cồn Chân Tiên (xã Thiệu Vân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
- Chất liệu: Làm từ đất sét pha cát hạt thô hoặc mịn, màu vàng nhạt hoặc màu đỏ.
- Hình dáng: Hình quả cân, hai đầu loe, một đầu loe nhiều hơn. Hai mặt cong vồng, thân hình ống thót ở giữa. Hoặc hình gần giống con dấu, một đầu loe rất rộng, một đầu không loe, hai mặt phẳng, thân hình trụ.
- Màu sắc: Màu đỏ hoặc vàng nhạt.
- Hoa văn trang trí: Hoa văn in chấm hình tròn hoặc hình bầu dục, hoa văn khắc vạch hình tam giác đối chiều, hoặc văn chải.
- Kích thước: Có nhiều kích thước khác nhau, trung bình cao 4cm - 8cm, đường kính bàn xoa 5cm - 8cm, đường kính tay cầm 3cm - 5cm, cao 4cm - 8cm.
3. Di chỉ Phù Mỹ (xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng)
- Chất liệu: Gốm thô, chủ yếu màu đỏ.
- Hình dáng: Hình chóp cụt dài, phía dưới bè ra như chiếc bánh dày. Phần tay cầm có lỗ hoặc không xuyên lỗ. Phần xoa có chiếc mặt cong vồng cao, có chiếc cong vồng thấp
- Hoa văn trang trí: Không hoa văn
4. Nhận xét
- Đây là một loại di vật độc đáo mới chỉ phát hiện ở một số ít di tích khảo cổ học.
- Về hình dáng các di vật tìm thấy ở các địa điểm tuy có sự khác nhau nhưng có điểm chung là gồm hai phần: phần tay cầm hình trụ tròn và phần bàn xoa hình tròn dẹt.
- Bàn đập gốm di chỉ Mán Bạc và Cồn Chân Tiên, một số có trang trí hoa văn khắc vạch, khắc vạch - chấm que... Bàn đập gốm di chỉ Phù Mỹ không trang trí hoa văn.
- Về tên gọi có nhiều cách gọi khác nhau, như ở di chỉ Mán Bạc các nhà khảo cổ đặt tên cho chúng là “vật hình nấm” hay “bàn xoa gốm”, ở di chỉ Phù Mỹ gọi là “bàn đập gốm”, ở di chỉ Rạch Bà Giá, Rạch Lá, Suối Linh gọi là “bàn xoa gốm”. Có thể thống nhất gọi tên đây là bàn đập gốm.
- Về công dụng: Ở di chỉ Phù Mỹ và Rạch Bà Giá có thể những người khai quật gọi tên di vật theo giả định của họ về công dụng của di vật. Còn ở di chỉ Mán Bạc có người cho rằng đây là vật dùng trong kỹ thuật tạo hình gốm và đề nghị gọi là “quả chuốt gốm”.
Có ý kiến cho rằng đây là hiện vật mang tính tôn giáo. So sánh tài liệu dân tộc học ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á cho thấy rằng chức năng chính của chúng là dụng cụ sản xuất đồ gốm.
Tại một số di chỉ khảo cổ trong khu vực cũng đã phát hiện loại hình hiện vật này như di chỉ Ban Na Di (Thái Lan). Đến nay, một số làng làm gốm tại Campuchia như Damnak Chambak vẫn sử dụng loại hình hiện vật này vào công việc sản xuất đồ gốm
|
|
Bàn đập gốm sử dụng tại làng làm gốm Damnak Chambak– Campuchia [Nguồn: Chhay Visoth, The new Perspective on Modern pottery in Cambodia A case study of Damnak Chambak villige, International Workshop on Southeast Asian Ceramic Archaeology: Directions for Methodology and Collaboration, USA 2010] |
(Tác giả: Bùi Thị Thu Phương)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011)
- Đặt vấn đề
Việt Nam là một quốc gia Biển. Việt Nam có đường bờ biển dài nhất trong số 10 quốc gia bao quanh biển Đông (3260km), có tới trên 3000 đảo lớn nhỏ, có diện tích và chủ quyền biển đảo lớn gấp nhiều lần trên đất liền. Bên cạnh đất liền, Biển đảo là đặc trưng ĐỊA - VĂN HÓA, nổi bật của Văn hóa và Văn minh Việt Nam. Biển Đông có tuổi 30 triệu - 17 triệu năm. Trong kỷ Đệ Tứ có nhiều đợt biển tiến biển thoái. Biển tiến Holocene bắt đầu từ 7000BP là một trong những tác nhân môi trường sinh thái hình thành hệ thống văn hóa Biển Việt Nam.
- Hệ thống văn hóa Biển Việt Nam thời Tiền - Sơ sử
2.1. Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn là những văn hóa Tiền sử từ cuối thời hậu kỳ đá cũ đến sơ kỳ thời đại đá mới - niên đại trên dưới 20.000BP đến 7.000BP – 8.000BP thực sự là những nền văn hóa bản địa gốc cho các văn hóa Tiền - Sơ sử và lịch sử sau đó trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Người Hòa Bình - Bắc Sơn đã bước đầu làm quen với biển qua các chứng tích nhuyễn thể biển ở một số hang động Hòa Bình (Mái Đá Nước, Xóm Thân, Đức Thi...)
2.2. Bình tuyến hậu Hòa Bình = Cái Bèo - Đa Bút - Quỳnh Văn - Bàu Dũ: 7000BP - 4000BP - Mở đầu văn hóa Biển.
Những chủ nhân văn hóa Cái Bèo - Đa Bút - Quỳnh Văn - Bàu Dũ là những người hậu Hòa Bình - Bắc Sơn, cũng là những người đầu tiên sống với biển trên đảo Cát Bà (Hải Phòng - đồng bằng ven biển Hà Trung - Hậu Lộc (Thanh Hóa), vịnh cổ Quỳnh Lưu - cửa sông Nghèn (Nghệ An - Hà Tĩnh) và Bàu Dũ ven biển Quảng Nam. Cư dân bình tuyến Cái Bèo - Đa Bút - Quỳnh Văn - Bàu Dũ ven biển và hải đảo đã sống với biển, tiến hành kinh tế, khai thác biển (khai thác nhuyễn thể: sò, ốc, ngao, hàu, điệp…), đánh bắt cá và các loại hải sản khác, phát triển kinh tế khai thác thủy sản lên một trình độ cao chưa từng có trước đó: phát triển công cụ mài, phương tiện đi lại bằng bè, mảng, dụng cụ đánh bắt cá, sáng tạo đồ gốm…, xác lập lối sống ngoài trời, và có thể bước đầu đẩy mạnh một bước kinh tế sản xuất. Những hành vi ứng xử thích hợp và sáng tạo văn hóa ở môi trường sinh thái mới đã làm thay đổi diện mạo kinh tế, văn hóa Tiền sử Việt Nam thời ấy. Đó là những tiến bộ chưa có trước đó hay chưa có điều kiện phát triển trước đó. Những tiến bộ này có thể ảnh hưởng ngược trở lại bộ phận văn hóa nền gốc vùng nội địa, và là cơ sở cho những tiến bộ tại chỗ ở bình tuyến sau đó.
2.3. Giai đoạn hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí với hệ thống văn hóa Hạ Long - Hoa Lộc - Thạch Lạc - Bàu Tró - Xóm Cồn: Giai đoạn phát triển thuần thục văn hóa Biển: trên 4000BP – 3000BP.
Không gian phân bố của bình tuyến văn hóa này bao hàm hết vùng đồng bằng ven biển và hải đảo miền Bắc và miền Trung, từ Móng Cái, Quảng Ninh, Hải Phòng đến Ninh Thuận - Bình Thuận. Số lượng các di tích - đơn vị cư trú gia tăng không thua kém các văn hóa đồng đại trong nội địa như các văn hóa Phùng Nguyên, Mai Pha, Hà Giang. Kinh tế - văn hóa phát triển, đặc biệt là sự phát triển của kinh tế sản xuất, nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp như chế tác đá, gốm, nghề mộc, phát triển nghề khai thác biển. Bình tuyến này đã xác lập việc định cư ở đồng bằng, ven biển và hải đảo và tham gia vào quá trình tạo dựng, phát triển văn hóa - văn minh vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ - Trung Bộ và Tây Nguyên. Góp phần tạo dựng văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh.
2.4. Bình tuyến Đông Sơn – Sa Huỳnh
Vùng Quảng Ninh, Hải Phòng: Có các địa điểm Tiền Đông Sơn - Đông Sơn như Hang Bồ Chuyến (và huyện Hoành Bồ), địa điểm Đầu Rằm (Yên Hưng ) thể hiện sự hòa nhập văn hóa Hạ Long (muộn) với Phùng Nguyên - Tràng Kênh để hình thành loại hình Đông Sơn Biển.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên
- Văn hóa Hoa Lộc - Cồn Chân Tiên góp phần hình thành loại hình văn hóa Đông Sơn - Thanh Hóa.
- Đền Đồi và các địa điểm giai đoạn Bàu Tró - Nghệ Tĩnh cùng với Rú Trăn tạo dựng Đông Sơn – Nghệ Tĩnh.
- Bàu Tró - Ba Cồn I - Ba Cồn II, Cồn Nền - Bàu Khê tham gia tạo dựng văn hóa Sa Huỳnh - Bình - Trị - Thiên.
- Bàu Tró, Bàu Trám, Long Thạnh cùng với Biển Hồ, Lung Leng tạo dựng Sa Huỳnh phía Bắc (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định)
- Xóm Cồn, Biển Hồ, Lung Leng tạo dựng Sa Huỳnh Nam.
- Loại hình hải đảo Trường Sa, Cù Lao Chàm - Lý Sơn - Phú Quý - Côn Đảo - Thổ Chu - Phú Quốc - Kiên Hải là giai đoạn phát triển văn hóa Biển.
- Nhận xét
3.1. Từ góc độ địa văn hóa có thể thấy thời Tiền - Sơ sử từ giai đoạn trung kỳ đá mới - hậu Hòa Bình - Bắc Sơn trở về thời Sơ sử và lịch sử có hai hệ thống văn hóa:
- Hệ thống văn hóa núi và đồng bằng: Hòa Bình - Bắc Sơn - Văn hóa hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí - và sơ kỳ thời đại Đồ Sắt ở địa bàn núi đồi trung du - đồng bằng châu thổ và cao nguyên.
- Hệ thống Văn hóa Biển: Phân bố ở đồng bằng ven biển và hải đảo suốt từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, gồm 3 giai đoạn: Hình thành (Cái Bèo - Đa Bút - Quỳnh Văn – Bàu Dũ); Phát triển: Hạ Long - Hoa Lộc - Bàu Tró - Xóm Cồn. Giai đoạn thuần thục là các di tích Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh hải đảo từ Cù Lao Chàm - Lý Sơn - Khánh Hòa - Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu tới Kiên Giang.
3.2. Từ giai đoạn hậu kỳ Đá mới – sơ kỳ Kim khí trở về sau, hai hệ thống văn hóa Núi – Biển là hòa nhập vào nhau và lan tỏa tới tất cả mọi miền từ miền núi cao, cao nguyên, đến các hải đảo xa bờ trên biển Đông vừa làm nên tính đa dạng nhưng thống nhất của Văn hóa Việt Nam. Trong cơ cấu của chỉnh thể văn hóa Việt Nam như vậy hệ thống Văn hóa Biển là hệ quả phát triển tất yếu, khách quan của các yếu tố gốc nền Hòa Bình – Bắc Sơn nhưng là hệ thống mở, vừa có vai trò khai triển, vừa thúc đẩy nhịp độ phát triển các yếu tố văn hóa nội địa và lịch sử. Ở góc độ địa – văn hóa – hệ thống Văn hóa Biển Việt Nam cũng là đặc trưng cho một Quốc gia Biển vừa có biển rộng sông dài vừa có núi cao và đồng bằng châu thổ vừa ở vị trí ngã tư đường của các nền văn hóa và văn minh.
(Tác giả: Nguyễn Trung Chiến, Nguyễn Khắc Sử)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011)
Giới thiệu và bối cảnh
Chúng ta đều nhất trí rằng trong nghiên cứu xương học thì xương là "nguyên liệu động năng tác động với điểm nhấn đặt trên nó bởi lực nâng cơ học" (Hamill và Knutzen, 1995; Weiss, 2010).
Như sẽ được thảo luận chi tiết hơn dưới đây, kết quả của sự chuyển động này là cả periosteal và endosteal (phía bên trong và bên ngoài) bề mặt của xương có thể mở rộng và đáp ứng với áp lực môi trường và cơ học (xem ví dụ, Ruff, Holt và Trinkaus, 2006). Nói chung, đó là sự thay đổi về kích thước và hình dạng mặt cắt ngang có thể được điều tra, định lượng bằng các phương pháp khác nhau, và so sánh với rất nhiều biến liên quan đến quy mô liên dân số hay trong nội bộ…đây là những điều có thể dẫn đến suy luận về tăng hoặc giảm chuyển động theo thời gian, tính chất tự nhiên của địa hình được thể hiện qua đôi chân, mức độ tổng thể của lực và trọng lượng của xương để bản thân nó có thể chống đỡ tránh bị gãy. Tuy nhiên, cơ sở chung của vấn đề này vẫn còn nhiều phức tạp chưa được giải quyết, chẳng hạn như câu hỏi về sự tái tạo của xương ở mức độ tế bào (Hamrick et al., 2006), và làm thế nào để tăng hoặc giảm tải cơ học (do tăng cân, bất động, hoặc tăng tính hoạt động do tập thể dục) ở tuổi trưởng thành ảnh hưởng đến cấu trúc của một nguyên tố (Pearson và Lieberman, 2004)? Hơn nữa, một nghiên cứu mới cũng đang điều tra về sự tái tạo xương xảy ra như thế nào khi tập thể dục cường độ cao ở tuổi thanh thiếu niên, có khả năng là đặc trưng của chế độ làm việc trong các cộng đồng tiền sử, ảnh hưởng đến hình dạng và sức mạnh của xương ở tuổi trưởng thành (Shaw và Stock, 2009). Liên quan đến điều này, nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng hai bên xương không cân bằng cũng có thể phản ánh mô hình hoạt động bên trong và giữa các môi trường (Weiss, 2009; Maggiano et al., 2008; Stock và Pfeiffer, 2004). Tuy nhiên, thông qua việc sử dụng các phương pháp như quét CT và "phương pháp đúc latext" (sau đây gọi là LCM) kích thước bên trong và phân bố xương, cả hai đều thể hiện sức đề kháng của xương và nhấn mạnh đến hoạt động có liên quan, có thể được hiểu một cách chính xác. Trong khi công nghệ quét CT có thể cung cấp đủ chi tiết về mô hình di động của một cá nhân cụ thể (Ruff et al., 2006), thì chi phí tài chính, hạn chế thời gian và dễ dàng truy cập đã khiến nó rất khó để ứng dụng cho các nghiên cứu lớn hơn. Do đó, một phương pháp khác là cần thiết, một phương pháp nào đó ít tốn kém và dễ dàng hơn để sử dụng, nhưng chính xác hơn bằng các phép đo bên ngoài.
Phương pháp luận của phương pháp đúc Latext
Để điều tra sự thay đổi mặt cắt ngang hình học trong một phòng thí nghiệm cơ bản, làm khuôn đúc của bề mặt periosteal (bên ngoài) của một xương ở một vị trí "mặt cắt" đã chọn có thể được thực hiện bằng phương pháp "LCM", phương pháp này đã được thực hiện lần đầu tiên ở Stock (2002), sau đó ở O`Neill và Ruff (2004), Stock và Shaw (2007), Sparacello và Pearson (2010). Như đã được mô tả trong các nghiên cứu được trích dẫn ở trên, bước đầu tiên liên quan đến việc lựa chọn những cá thể có xương được bảo tồn tốt và phù hợp (thường là xương đùi, xương ống chân và xương cánh tay). Bước tiếp theo là xác định "vị trí giải phẫu tiêu chuẩn" ở mỗi xương thông qua việc sử dụng một bàn đo và dây thăng bằng, với đất sét được sử dụng để đỡ các xương từ bên dưới. Điều này đảm bảo rằng phía bên trái, phải và phía đầu của bề mặt bên ngoài của xương được đánh dấu bằng bút chì một cách chính xác, và do đó nó sẽ được in vào bên trong và đánh dấu bên ngoài của khuôn khi cứng, xương có thể thay đổi vị trí khi chụp X-quang (xem phụ lục b trong Ruff, 2002). Mỗi khuôn cắt sau đó được scan trước khi nhập dữ liệu vào trong một chương trình máy tính thích hợp để phân tích dữ liệu. Để đảm bảo kết quả chính xác nhất có thể, những nghiên cứu gần đây (O`Neill và Ruff, 2004) đã gợi ý rằng nên chụp X-quang ở mỗi xương đã được thực hiện khuôn đúc. Các đo đạc chính xác sau đó có thể đo được đối với độ dày của xương ở cả bốn phía. Với cả hai khuôn đúc và số liệu đo được, có thể tái dựng lại chính xác bằng kỹ thuật số các đường nét bên trong và bên ngoài của xương, và các biến liên quan đến thiết diện mặt cắt, khối lượng và kích thước (cho thấy xương đã tự tái tạo bao nhiêu do căng thẳng, và tại những điểm nào) có thể được tính toán, sau đó tính trung bình và so sánh giữa các nhóm giới tính hoặc các nhóm dân cư.
Áp dụng phương pháp "LCM" trong nghiên cứu các bộ xương ở Mán Bạc
Đối với các nghiên cứu được trình bày ở đây, mặt cắt của ba trong bốn chi dưới ở phần mà bên ngoài của mỗi cá thể đã được đo đạc (giữa trục xương đùi, giữa trục xương chày và các lỗ dinh dưỡng) cũng đã được làm khuôn đúc, chủ yếu sử dụng xương bên phải, phía bên trái được thay thế khi cần thiết. Ngoài ra, các số đo và khuôn đúc cũng được thực hiện ở khoảng 35% chiều dài xương cánh tay, cả hai bên tay trái và tay phải. Tổng số 26 mẫu xương đùi, 20 mẫu xương ống chân, 23 cặp xương cánh tay, và hai mẫu chỉ có một xương cánh tay còn khá nguyên vẹn đã được xác định chính xác vị trí và chụp X-quang. Kết quả sơ bộ từ số liệu đo bên ngoài cho thấy sự thay đổi được đánh dấu trong tầm vóc, sức mạnh của xương và sự thay đổi trong sử dụng của phía bên trái so với bên phải của phần trên cánh tay (không cân xứng) ở cư dân Mán Bạc (Matsumura et al., 2011). Các số liệu đo bên ngoài sẽ được bổ sung thêm vào những kết quả này, cũng như việc cho phép so sánh kết quả ở Mán Bạc với các dữ liệu thu thập được từ các di chỉ thuộc văn hóa Đa Bút (c.5.600BP - 5,000BP) như di chỉ Cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa). Hơn nữa, việc sử dụng dữ liệu "LCM" từ các bộ xương của Mán Bạc sẽ cho phép so sánh sơ bộ về tính chuyển động vượt trội của nam giới so với nữ giới. Ví dụ, kết quả sơ bộ của các phân tích hóa học strontium và các đồng vị oxy từ men răng của con người cho thấy rằng một nhóm nhỏ nam giới lớn lên bên ngoài Mán Bạc. Hơn nữa, một vài người trong số họ có gen di truyền khác với tất cả các cá nhân khác trong cộng đồng dân cư (xem Matsumura et al., 2008.), và hầu như tất cả họ đều được chôn cất kỹ lưỡng. Vậy, liệu có những cá thể di chuyển nhiều hơn so với những người lớn khác không? Hay, có những đại diện cho một trạng thái ít hoạt động, có địa vị cao "ưu tú" được hỗ trợ bởi những người khác không? Các nghiên cứu được trình bày trong luận án của tôi sẽ xác định mối quan hệ di truyền trong dân số Mán Bạc như chúng ta biết hiện nay. Với mối quan hệ di truyền thân thích được hiểu rõ ràng hơn. Câu hỏi về sự chuyển động và các hoạt động khác nhau giữa các thành viên trưởng thành của các gia đình khác nhau có thể bắt đầu có câu trả lời. Thông qua nghiên cứu này, di chỉ Mán Bạc có thể được đặt trên “bản đồ” của các tập hợp xương trên toàn thế giới, đại diện cho những người sống trong điều kiện xã hội và môi trường khác nhau, với những mô hình chuyển động đã được hiểu biết rõ ràng. Cuối cùng, các dữ liệu về Mán Bạc (và Cồn Cổ Ngựa, ở một mức độ thấp hơn) có thể phục vụ như là một số liệu "cơ bản" để so sánh với các tập hợp xương mới phát hiện ở Bắc Việt Nam, đặc biệt là từ Đồng Đậu, Gò Mun hoặc các di chỉ Đông Sơn, và do đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tính chuyển động và hoạt động thay đổi theo thời gian. Có thể kết luận rằng những nghiên cứu điều tra trong tương lai tương tự nghiên cứu đã thảo luận ở trên sẽ giúp nghiên cứu về hoạt động cổ xưa và cuộc sống "di chuyển" hàng ngày ở Việt Nam theo đúng hướng.
(Tác giả: Damien Huffer)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011)
Bài viết này xin trình bày về một loại ngói thời Trần - Hồ, mà theo nhận thức của tác giả gọi là: ngói bờ dải gắn trên góc đao kiến trúc. Về cơ bản, loại ngói này có hình dáng và cấu tạo tương tự như ngói dương lợp diềm mái, gồm 2 bộ phận: thân ngói và đầu ngói, nhưng có kích thước lớn hơn. Điều đặc biệt là phía dưới đầu ngói thường để lại phần khuyết hình tam giác cân.
Cho đến nay, hình dạng nguyên lành của hiện vật này phát hiện được không nhiều, nhưng mảnh vỡ của chúng tại các di tích thời Trần - Hồ không ít. Dưới đây xin đề cập đến 4 tiêu bản tương đối nguyên vẹn: 1 tiêu bản ở đền Bảo Lộc (khu di tích Thiên Trường, tỉnh Nam Định); 1 tiêu bản ở Ly Cung (di tích cung Bảo Thanh, tỉnh Thanh Hóa); 2 tiêu bản ở đàn Nam Giao (khu di tích thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa).
|
Hình 1. Hiện vật đền Bảo Lộc (Nam Định) |
- Tiêu bản đền Bảo Lộc: được phát hiện tại phía tây bắc khu lăng mộ Trần Hưng Đạo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định, ký hiệu BTNĐ1272/SS4521. Phần thân ngói có đường kính 25cm, dài còn lại 14,5cm, dày 1,2cm - 1,4cm; phần đầu ngói còn nguyên dáng, cao toàn bộ 24cm, cao ở giữa 18cm, rộng nhất 25,5cm, dày 1,5cm - 2cm; mặt sau đầu ngói có vết chải cho thấy đầu ngói được in khuôn riêng rồi mới ghép vào thân ngói; mặt trước đầu ngói trang trí đôi chim phượng chầu học báu theo motif tương tự gặp trên lá đề cân thời Trần (Hình 1).
- Tiêu bản Ly Cung: khai quật tại Ly Cung, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa, ký hiệu BTTH522/S:132. Phần thân ngói không còn, chỉ còn lại vết gắn thân và đầu ngói; phần đầu ngói còn gần nguyên, chiều cao còn lại 22cm, chiều rộng còn lại 28cm, dày 3,5cm, nặng 2,6kg; mặt trước trang trí hình rồng đơn trong tư thế nhả ngọc; phía trên lưng ngói còn lại dấu vết gắn lá đề, có thể khi sử dụng, loại ngói này được gắn thêm lá đề cân (Hình 2).
Hình 2. Hiện vật đền Bảo Lộc (Nam Định)
- Tiêu bản Nam Giao: có 2 tiêu bản tương đối nguyên vẹn. Tiêu bản 08NG-TH.H7L3.KV4:48, phần thân ngói có đường kính 27cm, dài 29,5cm, dày 1,6cm - 1,7cm; phần đầu ngói cao toàn bộ 21,5cm, rộng 27,2cm dày 1,5cm. Tiêu bản 08NG-TH.H7L3.KV4:47, phần thân ngói có đường kính 26,5cm, dài 28cm, dày 1,8cm; phần đầu ngói cao toàn bộ 23,5cm, rộng 26,7cm; dày 1,6cm. Đầu ngói trang trí hình lá đề cách điệu bằng các đường chỉ chìm đơn giản3.
Vị trí của ngói mặt quỷ trong kiến trúc cổ Nhật Bản4 |
Hình 3 |
Vị trí của ngói mặt quỷ trong kiến trúc cổ Hàn Quốc5 |
Loại ngói có hình dạng tương tự, trong kiến trúc cổ Hàn Quốc6, Nhật Bản7 đều tồn tại và được lợp ở 2 vị trí trên bờ dải (Hình 3). Giới nghiên cứu kiến trúc cổ hai nước này gọi chung là ngói mặt quỷ. Điểm khác biệt duy nhất của ngói mặt quỷ Nhật Bản, Hàn Quốc là chúng được lợp trên ngói ống, cho nên phần khuyết thường có hình tròn với kích thước vừa khít với kích thước của ngói dương.
Ngói mặt quỷ ở Nhật Bản, Hàn Quốc được sử dụng phổ biến trong thế kỷ VII-X, tương đương với thời Đường ở Trung Quốc. Trong các di tích kiến trúc thời Đường ở Trung Quốc loại hình ngói này đều không phát hiện được, mà chỉ phát hiện một loại ngói mặt thú dạng hình vuông không có phần khuyết tròn trên đầu ngói và cũng không có phần thân ngói8. Loại ngói mặt thú này, ở Việt Nam cũng phát hiện được trong các di tích có tầng văn hóa thế kỷ VII-X, mà chúng ta gọi là ngói chữ nhật trang trí mặt linh thú9, còn ngói mặt quỷ cũng không phát hiện được.
Bốn tiêu bản ngói phát hiện được trong các di tích Trần - Hồ đã mô tả ở trên, căn cứ vào kích thước và diện mạo của đầu ngói, chúng tôi cho rằng chúng được gắn phía trên đầu đao, làm sao để phần khuyết hình tam giác cân của đầu ngói khít vừa với độ vát hình chữ V của đầu đao. Về đầu đao đất nung thời Trần-Hồ đã từng tìm thấy hiện vật tương đối nguyên vẹn ở đàn Nam Giao Thanh Hóa, khu di tích 18 Hoàng Diệu, chùa tháp Hắc Y… là những đầu đao chỉ trang trí đơn giản bằng các đường khắc chìm; ở Tam Đường, Ly Cung, Kiếp Bạc, chùa tháp Hắc Y… thuộc loại có gắn 3 lá đề cân ở bên trên. Về các loại đầu đao này, xin đề cập đến ở một dịp khác.
Chú thích:
1 Tư liệu Bảo tàng Nam Định.
2 Tư liệu Bảo tàng Thanh Hóa.
3 Tống Trung Tín (chủ biên) (2008): Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu di tích đàn tế Nam Giao (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), tư liệu Viện Khảo cổ học, ký hiệu Hs 587, tr. 63-64; Trần Anh Dũng (2012): "Một số loại hình trang trí trên mái kiến trúc ở đàn Nam Giao (thành nhà Hồ)", Khảo cổ học, số 3, tr. 84.
4 Vương Phi Phong (2008): "Giao lưu văn hóa Đông Á thời Hán Đường", Nghiên cứu khảo cổ học biên cương, tập 7, tr. 226, hình 11.
5 Bảo tàng Khánh Châu (2000): Gạch ngói Tân La (chữ Hàn), tr. 440.
6 Bảo tàng Khánh Châu (2000): Gạch ngói Tân La (chữ Hàn); Trương Khởi Nhân (1993): Kiến trúc Hàn Quốc toàn tập, tập VII: Ngói lợp (chữ Hàn), Nxb Phổ Thành Các.
7 David & Michiko Young (2007): Nghệ thuật kiến trúc Nhật Bản, người dịch Lưu Văn Hy, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, tr. 53.
8 Hàn Triệu, Trương Vĩnh Hồng (2003): "Thử tìm hiểu về ngói đầu đao thời Đường – so sánh với loại hình ngói mặt quỷ của Nhật Bản", Khảo cổ và Văn vật, số 4, tr. 71-74 .
9 Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí (2010): Thăng Long Hà Nội: Lịch sử nghìn năm từ lòng đất, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 80.
(Tác giả: Đặng Hồng Sơn)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2012)
Trong đợt công tác mới đây tại Viện nghên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc tôi được tiếp xúc với Trung tâm Khảo cổ học dưới nước và trực tiếp tham gia hai cuộc hai quật Khảo cổ học dưới nước của bạn. Có thể nói Hàn Quốc giờ đây là một cường quốc trong lĩnh vực này song cách đây vài ba chục năm họ cũng ở trong điều kiện, hoàn cảnh và xuất phát điểm tương đồng với Việt Nam của chúng ta, vì vậy trong bài thông báo nhỏ này tôi muốn nêu lên một số kinh nghiệm về mô hình xây dựng Trung tâm Khảo cổ học dưới nước và đặc biệt là phương pháp khai quật khảo cổ học dưới nước của bạn để tham khảo và có thể ngiên cứu áp dụng trong việc xây dựng chuyên nghành Khảo cổ học dưới nước của chúng ta.
- Mô hình xây dựng Trung tâm Khảo cổ học dưới nước
Trước thập niên 80 đầu thế kỷ XX, cũng như chúng ta, Hàn Quốc bắt đầu chú ý đến Khảo cổ học dưới nước khi các cư dân địa phương phát hiện một xác tàu đắm ở vùng biển Sinan tỉnh Jeolla thuộc Tây - Nam Hàn Quốc và họ đã bắt đầu khai quật con tàu này từ năm 1976. Qua 5 năm khai quật, tất cả các hiện vật và xác con tàu này đã được trục vớt thành công. Năm 1981, Trung tâm Bảo quản và Phục dựng Di sản văn hóa dưới nước được thành lập với mục đích chủ yếu là bảo quản và phục dựng tàu đắm Sinan. Những năm tiếp theo, Trung tâm này ngoài việc tiếp tục phục dựng, bảo quản tàu Sinan, đã tiến hành khai quật 2 tàu đắm khác ở vùng biển Tây Nam là tàu Wando và tàu Jindo. Năm 1994, Bảo tàng văn hóa dưới nước được thành lập với chức năng là trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa biển, năm 2009 được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa dưới nước Quốc gia Hàn Quốc bao gồm cả Trung tâm Khảo cổ học dưới nước. Đến thời điểm này, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc là cơ quan quan trọng nhất và duy nhất của Hàn Quốc trực tiếp nghiên cứu, khai quật và trưng bày di sản văn hóa dưới nước ở quốc gia này. Họ đã có một trung tâm chuyên về khai quật khảo cổ học dưới nước, có trung tâm trưng bày và trung tâm nghiên cứu với một đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm có thể quán xuyến công tác nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước ở Hàn Quốc và mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bài học kinh nghiệm của họ ở đây là mạnh dạn khởi đầu với những gì mình có, không có sự khởi đầu thì không có các quá trình tiếp theo. Lúc đầu, khi phát hiện tàu đắm Sinan, họ cũng đã bắt đầu từ con số 0, không thiết bị, không chuyên gia, không có kinh phí dồi dào, song họ mạnh dạn đưa một số cán bộ Khảo cổ học trên cạn học lặn và học cách làm việc dưới nước, thuê phương tiện như tàu, xà lan công trình và các thiết bị lặc của hải quân với một số kinh phí ít ỏi họ đã kiên trì khai quật con tàu. Đó là một quá trình vừa làm vừa học và họ đã thành công. Khi có thành công bước đầu họ mạnh dạn khuếch trương thành quả và xin thêm kinh phí của nhà nước để duy trì và phát triển. Có thể nói, Hàn Quốc bây giờ là một cường quốc về Khảo cổ học dưới nước.
- Một số kinh nghiệm về phương pháp khai quật
Do trực tiếp tham gia khai quật, tham gia lặn và làm việc với bạn trên di chỉ nên chúng tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm về phương pháp khai quật của bạn. Nói chung, những phương pháp đó không xa lạ gì với chúng ta, cái khác là môi trường làm việc và mục đích của cuộc khai quật.
Khi phát hiện được tàu đắm, công việc đầu tiên là tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ vị trí con tàu, độ nông sâu của nước cùng với các đặc điểm về địa hình, dòng chảy và khí hậu của khu vực, để có thể xác định thời gian, kinh phí và phương pháp thích hợp cho cuộc khai quật. Tất cả các cuộc khai quật đều do cán bộ của Trung tâm Khảo cổ học dưới nước đảm nhiệm.
Bước thứ hai là xác định chính xác mục tiêu khoa học của cuộc khai quật, thường mục tiêu được xác định là: nghiên cứu nguồn gốc và hàng hóa chuyên chở của con tàu, chủ nhân của tàu, hải trình tàu, nguyên nhân bị đắm… Trong đó, điều quan trọng nhất là bản thân con tàu như kích thước, kỹ thuật đóng tàu, nguồn gốc và chủ nhân của tàu để từ đó nghiên cứu về kỹ thuật đóng tàu, nguồn gốc và chủ nhân của tàu để từ đó nghiện cứu về kỹ thuật đóng tàu và các lĩnh vực khác liên quan khác như lịch sử hàng hải, giao thông, thương mại…Với cách tiếp cận như vậy nên hàng hóa mà con tàu chuyên chở bị đặt xuống hàng thứ yếu, điều này khác hẳn với chúng ta.
Xác định chính xác mục tiêu khoa học như vậy nên trong quá trình khai quật, tất cả các cứ liệu không bị bỏ qua dù là những chi tiết nhỏ nhất của con tàu. Tại cuộc khai quật tàu đắm Jindo, do đáy biển ở đây có nhiều bùn nên khi khai quật tầm quan sát rất hạn chế (khoảng 15-20cm), sợ bị bỏ sót tư liệu nhỏ nên họ đã sử dụng một máy hút công suất lớn hút bùn và nước tại di chỉ đưa lên sà lan công trình và cho chảy qua một hệ thống sàng nhằm thu lại những tư liệu có thể bị bỏ sót dưới đáy biển. Do khai quật tỉ mỉ như vậy nên đã thu được nhiều hiện vật nhỏ nhưng rất quý giá về mặt khoa học như: những thanh tre trên đó có ghi rất rõ loại hàng hóa, số lượng, tên, địa chỉ người gửi và người nhận; những thùng bằng gỗ hoặc bằng tre dùng để đựng hàng, hay những mẩu xương cá nằm trong lọ… Những hiện vật đó cung cấp thông tin khoa học chính xác về chủ nhân của con tàu, hàng hóa chuyên chở từ đâu đến đâu. Từ các thông tin trên, chúng ta dễ dàng phục dựng được con tàu, chủ nhân của tàu hay hải trình của tàu.
Cuộc khai quật tàu đắm ngoài khơi biển Incheon là một cuộc khai quật có quy mô rất lớn, đã huy động rất nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia lành nghề và được rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng đề cập song cách làm việc của họ lại rất tỉ mỉ, cẩn thận. Tôi đã cùng họ lặn xuống di chỉ nhiều lần nhưng chỉ quan sát, đo, vẽ, chụp ảnh từng chi tiết một, công việc này chiếm phần lớn thời gian khai quật ở đây. Họ không vội đưa hiện vật lên chúng ta có hỏi bạn tại sao không đưa hiện vật lên? Và được bạn trả lời đó là khâu cuối cùng của khai quật. Họ nói, nếu chú trọng đưa hiện vật lên thì sẽ bỏ qua nhiều thông tin khoa học của con tàu vì khi lấy hiện vật thì địa tầng sẽ bị xáo trộn, các vị trí của hiện vật trong và xung quanh tàu sẽ bị thay đổi do song của máy thổi gây nên. Điều quan trọng nhất là phải lấy hết các thông tin quan trọng trước, đó mới lấy hiện vật.
Do có phương pháp và mục đích khai quật khoa học như vậy nên họ đã thu được nhiều thành quả khoa học, đặc biệt là họ đã phục dựng lại được tất cả các con tàu họ đã khai quật về cả hình dáng, kích thước, kỹ thuật lẫn hải trình và đầy đủ hang hóa chuyên chở để trưng bày, giới thiệu; và quan trọng hơn từ đó họ phục dựng được lịch sử hành trình trên biển của các con tàu cũng như con đường thương mại cổ của Hàn Quốc mà ta thường gọi là con đường tơ lụa trên biển.
Liên hệ lại sáu cuộc khai quật của chúng ta trong vài chục năm trở lại đây tôi không khỏi luyến tiếc vì chúng ta chỉ chú trọng trục vớt hiện vật mà bỏ quên nhiều thông tin khoa học khác; duy chỉ cuộc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm là ngoài 240.000 cổ vật chúng ta đã lấy được một số thông tin khác như vài mảnh gỗ thân tàu, di cốt người…Đặc biệt là các xác tàu thì chúng ta chưa đưa về được cái nào; đáng tiếc hơn cuộc khai quật tàu cổ Bình Châu vừa rồi tại Quảng Ngãi, cả xác tàu đắm hầu như còn nguyên vẹn và đã xuất lộ rõ ràng mà Ban khai quật lại không đưa lên dù đây là khâu dễ nhất và ít tốn kém nhất của cuộc khai quật.
Việt Nam chúng ta có nguồn di sản văn hóa dưới nước dồi dào, đặc biệt là các di tích tàu đắm và nguồn di sản đó đang đứng trước nguy cơ bị phá hoại nghiêm trọng. Vì vậy, vấn đề nghiên cứu khai quật Khảo cổ học dưới nước đang được đặt ra một cách cấp thiết nhằm khai thác, bảo vệ nguồn di sản văn hóa quý giá này. Đặc biệt, tình hình tranh chấp biển Đông trong khu vực ngày càng trở nên phức tạp thì việc đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu di sản văn hóa biển sẽ giúp chúng ta có nhiều bằng chứng về chủ quyền biển đảo góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước một cách thuyết phục hơn. Việc hợp tác nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm của các nước tiên tiến nhằm xây dựng và phát triển chuyên ngành Khảo cổ học dưới nước của chúng ta, theo tôi, là con đường ngắn nhất để mà chúng ta có thể đưa sự nghiệp nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước phát triển lên một tầm cao mới.
(Tác giả: Nguyễn Tuấn Lâm)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)
Trong năm 2013, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tiếp tục tiến hành công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Kết quả mới nhất: đã xác định được không gian của trục trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lê kéo dài từ cửa Đoan Môn vào đến thềm rồng của nền điện Kính Thiên. Tại khu A (khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) đã xác định được 1 di tích kiến trúc thời Lê còn khá rõ mặt bằng với các móng trụ và nền đất đắp.
1. Vị trí phát hiện
- Phía đông: Kiến trúc nằm sát vách đông của khu khai quật.
- Phía tây: Kiến trúc nằm chồng đè lên các kiến trúc Lý-Trần và lớp đất đắp nền phủ đè lên bề mặt của các kiến trúc đó khoảng 60cm. Các móng trụ ngoài cùng phía tây nằm sát với dấu tích của dòng chảy thời Lê.
- Phía bắc: Kiến trúc chạy dài theo chiều bắc-nam.
2. Phạm vi phân bố
Trên các dấu tích đã được xác định, mặt bằng kiến trúc xuất lộ dài theo chiều bắc-nam: 42,5m, rộng theo chiều đông-tây: 9,0m với 17 móng trụ được gia cố bằng gạch vồ đầm chặt và đất sét.
3. Mặt bằng di tích
Các móng trụ được đầm gia cố bằng gạch vồ thời Lê và đất sét, ngoài ra quan sát tại một số móng trụ còn thấy có sự tận dụng một số mảnh gạch bìa đỏ, một số mảnh gốm sứ và các mảnh ngói nhỏ.
Hiện trạng kiến trúc đã xuất lộ dấu tích của 17 móng trụ, theo chiều từ bắc xuống nam xếp thành 10 hàng, tạo thành 09 khoảng cách gian, trong đó khoảng cách 1 có kích thước là 2,6m (đây có thể là chái phía bắc của kiến trúc), các khoảng cách gian còn lại có kích thước tương đương nhau từ 3,6m đến 4,1m . Theo chiều từ đông sang tây, dấu tích các móng trụ xếp thành 03 hàng, tạo thành 02 khoảng cách, trong đó khoảng cách 1 có số đo là 2,6m, khoảng cách 2 chưa xác định do dấu tích các móng trụ còn lại trong các hàng không đồng đều (trên bản vẽ, tạm xác định được số đo khoảng 4,5m).
Mặt bằng hiện trạng di tích
Đây là dấu tích kiến trúc duy nhất của thời Lê còn xác định được trên mặt bằng khu di tích, mặt bằng các di tích thời Lê có thể đã bị thời sau phá hủy rất mạnh. Bản thân kiến trúc, ngoài các móng trụ đã được xác định nêu trên, các thành phần kiến trúc khác đều đã bị mất (ngoại trừ dấu tích đất tôn đắp nền còn được nhận diện được tại các rìa cạnh móng trụ).
Phía tây của khu A, xuất lộ dấu tích của 02 móng trụ được dùng gạch vồ đầm chặt, đây là dấu tích các móng trụ đầm của thời Lê. Trong số 02 móng trụ trên, thì dấu tích móng trụ phía bắc nằm thẳng hàng với dấu tích của các móng trụ thuộc hàng 1 (theo chiều bắc-nam). Dấu tích móng trụ phía nam nằm thẳng hàng với các móng trụ thuộc hàng móng trụ 3.
a. Nền kiến trúc
Nền kiến trúc gồm 02 bộ phận, đất đắp nền và nền lát gạch, tuy nhiên chỉ còn nhận diện được dấu tích còn lại của đất đắp nền tại các rìa cạnh móng trụ. Đất đắp nền dày 60cm, màu nâu, lẫn nhiều các mảnh gạch, ngói, sành vụn, kết cấu đất khá chặt, bề mặt trên cao tương đương với bề mặt còn lại của các móng trụ, và đều nằm trên lớp vật liệu của thời Trần.
b. Móng trụ
Trên tổng thể mặt bằng, kiến trúc đã xuất lộ với dấu tích của 17 móng trụ, theo chiều từ bắc xuống nam xếp thành 10 hàng, theo chiều từ đông sang tây xếp thành 03 hàng. Dấu tích các móng trụ xuất lộ đã bị thời sau phá hủy nghiêm trọng, một số móng trụ trong phạm vi của kiến trúc không còn dấu tích.
- Khoảng cách giữa các móng trụ theo chiều từ đông - tây: theo chiều này, kiến trúc đã xuất lộ 3 hàng móng trụ tạo thành 2 khoảng cách:
+ Khoảng cách 1: Có số đo dao động từ 2,6m đến 2,8m. Đây có thể là khoảng cách giữa cột quân và cột cái trong vì của kiến trúc.
+ Khoảng cách 2: Hiện trạng không đo được kích thước do các móng trụ bị phá huỷ, tuy nhiên căn cứ số đo của khoảng cách 1 thì đoán định khoảng cách 2 có số đo dao động từ 4,5m đến 5,0m. Đây có thể là khoảng cách giữa 2 cột cái trong 1 vì kiến trúc.
- Khoảng cách giữa các móng trụ theo chiều bắc-nam: Theo chiều này, các móng trụ xếp thành 10 hàng, tạo thành 9 khoảng cách.
+ Khoảng cách 1: Có số đo nhỏ nhất (2,6m). Và đây có thể là khoảng cách gian chái phía bắc của kiến trúc.
+ Khoảng cách 2 đến khoảng cách 9: có số đo dao động từ 3,6m đến 4,1m. Đây có thể là khoảng cách gian của kiến trúc.
Nhận xét:
Trên tổng thể mặt bằng khu di tích, các dấu tích thời Lê được nhận diện chủ yếu là loại hình giếng nước (có lẽ do được đào sâu xuống dưới, nên không bị phá hủy hoàn toàn), dấu tích kiến trúc rất mờ nhạt có thể đã bị thời sau phá hủy. Việc còn nhận diện được dấu tích kiến trúc thời Lê như trên là tư liệu hết sức đáng chú ý.
Hiện trạng kiến trúc đã xuất lộ tổng số 17 móng trụ, theo chiều đông-tây xếp thành 03 hàng, theo chiều bắc-nam gồm 10 hàng tạo thành 09 khoảng cách gian, như vậy mặt bằng 01 chái phía bắc và 08 khoảng cách gian.
Các khoảng cách theo chiều từ đông sang tây có số đo lần lượt là 2.6m và 4.5m – 5,0m, nên có thể mặt bằng kiến trúc có kết cấu gồm 4 móng trụ trong 1 vì, tuy nhiên hàng móng trụ ngoài cùng phía tây có thể đã bị phá hủy.
Như vậy, ở thời Lê, khu vực 18 Hoàng Diệu vẫn tồn tại các kiến trúc cung điện, lầu gác (có thể đã bị phá hủy ở thời sau - thời Nguyễn?) cho thấy khu vực này vẫn là trung tâm của Cấm thành Thăng Long từ thời Lý đến thời Lê.
(Tác giả: Phạm Văn Triệu)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)
Di chỉ Dương Xá thuộc thôn Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Di chỉ được phát hiện một cách ngẫu nhiên từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong quá trình cải tạo và quy hoạch đất đai, nhân dân địa phương phát hiện những ngôi mộ gạch và những đồ đồng, đồ gốm mang phong cách Đông Sơn.
Toàn cảnh di chỉ khảo cổ học Dương Xá
Tháng 4 năm 1987, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội kết hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật di chỉ này với diện tích 30m2. Kết quả khai quật này cho thấy, Dương Xá là di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, rộng khoảng 3 vạn m2, có tầng văn hóa dày và khá ổn định, chia thành hai lớp: Gò Mun lớp dưới và Đông Sơn lớp trên, không có lớp vô sinh ngăn cách giữa hai lớp này. Cư dân Dương Xá cổ làm nhiều nghề khác nhau, đặc biệt là nghề gốm, nghề luyện đồng và nghề cá khá phát triển.
Tháng 1 năm 1998, Viện Khảo cổ học đã đào thám sát di chỉ Dương Xá. Kết quả cũng cho thấy Dương Xá là di chỉ cư trú có 1 tầng văn hóa chia thành 2 lớp phát triển liên tục, không có lớp vô sinh ngăn cách: Lớp dưới là nơi cư trú của cư dân Gò Mun; lớp trên là nơi cư trú của cư dân Đông Sơn và mộ táng Đông Sơn. Trong hố thám sát không phát hiện được đồng, đồ đá nghèo nàn, đồ gốm (các mảnh vỡ) có số lượng lớn. Diễn biến đồ gốm rất phù hợp với sự phân chia các lớp văn hóa. Từ lớp I đến lớp III: Gốm Đông Sơn mang đặc trưng loại hình Đường Cồ có số lượng áp đảo.
Tháng 12 năm 2008, đoàn thực tập của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tiến hành khai quật di chỉ Dương Xá với diện tích 50m2. Tầng văn hóa gồm các lớp đất xám đen, xám nâu, vàng nhạt, trong đó lớp đất xám đen là dày nhất và được ngăn cách với lớp xám nâu bởi một dải đất vàng nhạt dày mỏng không đều và liền mạch. Thông qua các hiện vật thu được ở các lớp đất ta có thể thấy rõ, lớp đất xám đen tương ứng với văn hóa Đông Sơn, lớp đất xám nâu mang nhiều yếu tố của văn hóa Gò Mun. Còn lớp đất vàng nhạt gần giống như sinh thổ có thể là do cư dân Đông Sơn đào những hố đất đen xuyên qua lớp văn hóa Gò Mun xuống sinh thổ, rồi đất đào từ các hố đó được phủ lên mặt lớp văn hóa Gò Mun. Dựa trên các dấu tích còn lại trong địa tầng văn hóa, đặc điểm di tích, di vật, những người khai quật đồng ý với ý kiến của TS. Lại Văn Tới cho rằng niên đại di chỉ Dương Xá này là thuộc cuối giai đoạn văn hóa Gò Mun chuyển tiếp sang giai đoạn Đông Sơn.
Diễn biến địa tầng trong hố khai quật năm 2008.
Dựa vào di vật đồng, đá và gốm, chúng ta thấy rất rõ nhận định trên. Các mũi lao, mũi giáo đều là những loại hình xuất hiện trong các di chỉ thuộc văn hóa Gò Mun và Đông Sơn. Tuy các di vật mang đậm tính chất của văn hóa Gò Mun, nhưng trên thực tế, khi chưa bị san ủi, di chỉ Dương Xá vốn cao hơn hiện tại gần 1m nên có thể các di vật Đông Sơn ở phần đất này có lẽ cũng chiếm một tỷ lệ nhất định. Ngoài ra, hiện vật Đông Sơn và Gò Mun cũng bị xáo trộn ở các lớp văn hóa. Người Đông Sơn đã kế thừa sản phẩm của người Gò Mun, trên cơ sở những thành tựu văn hóa Gò Mun, người Đông Sơn đã tạo cho mình một nền văn hóa rưc rỡ.
Một số di vật khai quật năm 2008.
Như vậy, Dương Xá là một di chỉ khảo cổ học tiêu biểu cho giai đoạn chuyển tiếp từ văn hóa Gò Mun lên văn hóa Đông Sơn. Chủ nhân của nó chính là những người Gò Mun sau đó người Đông Sơn tiếp tục kế thừa và phát triển thêm một bước cao hơn nữa. Tuy lớp văn hóa của giai đoạn Đông Sơn bị san bạt đi đi khá nhiền, nhưng độ dày của di chỉ vẫn còn trên 1m và mang đậm những yếu tố văn hóa Gò Mun pha lẫn với một số dấu tích văn hóa Đông Sơn. Nghiên cứu di chỉ khảo cổ học Dương Xá góp phần tìm hiểu tiến trình phát triển từ giai đoạn Tiền Đông Sơn lên Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng. Hiện nay, với tầng văn hóa còn tương đối dày và diện tích tiềm năng cho khai quật tương đối còn lớn, trong tương lai, chúng ta cần có thêm những đợt khảo sát và khai quật để có một cái nhìn toạn diện về di chỉ khảo cổ học quan trọng này.
Chu Mạnh Quyền, n
Tại nút Đào Tấn đầu năm 2013 Viện Khảo cổ học đã khai quật 6 hố với tổng diện tích 600m2. Các di tích xuất lộ trong các hố H1, H2, H3 và H6 cho thấy kỹ thuật đắp La Thành thời Lý và thời Trần góp phần củng cố thêm những nghiên cứu từ trước đến nay về vòng thành này. Theo thứ tự xuất lộ từ trên xuống dưới có những kỹ thuật như sau:
- Lớp đầm/đắp thời Trần
Xuất lộ ở lớp 2 của các hố khai quật với các mảnh ngói, mảnh sành được đầm vụn trong đất thịt pha sét mịn, màu nâu đỏ. Trong đó, các loại vật liệu được đầm vụn ở phía dưới chân tường thành tạo thành bề mặt phẳng rộng 1,2m, dày khoảng 25cm. Trong lớp đầm này đa số là mảnh ngói phẳng, màu đỏ, sành mịn và một số mảnh gốm men. Đồ gốm và sành có niên đại thời Trần. Tuy nhiên, có một số mảnh gốm men Trung Quốc, thời Tống. Trên lớp vật liệu này được đầm/đắp bằng đất phù sa pha sét màu nâu đỏ tạo thành taluy lên tới mặt trong của tường thành. Phần đất này còn để lại nhiều dấu vết cho thấy người xưa chuyển đất thành từng khối lớn 30x40cm và đắp ập vào tường thành. Cách này khác hẳn việc đầm đắp của thời Lý được trình bày dưới đây. Qua địa tầng các hố ở khu vực Đào Tấn chúng tôi nhận thấy, lớp đầm đắp thời Trần chỉ có ở phía trên và ở mặt trong của đê.
- Lớp đầm/đắp thời Lý
Tường La Thành đầm/đắp thời Lý xuất lộ trong các hố khai quật với phần trên là tường đất dùng kỹ thuật đầm chân cừu và phần dưới là tường đất được đầm/đắp không dùng kỹ thuật đầm chân cừu. Phần tường trên xuất lộ ở độ sâu từ -280cm đến -500cm (so với mốc 0 giả định). Đây là phần lõi tường thành bằng đất được đầm chặt thành nhiều lớp mỏng mỗi lớp dày khoảng 5 – 10cm (phía trên dày 10cm, càng xuống dưới lớp càng mỏng chỉ khoảng 5 – 7 cm). Người xưa đã dùng dụng cụ đầm có nhiều núm đinh gần tròn khi đầm để lại các lỗ rỗng với độ dài đinh khoảng 2cm, đường kính từ 2,2 – 3,4cm, lớp đất đầm tiếp theo đất trám vào vị trí các lỗ rỗng đó tạo sự liên kết rất chặt giữa các lớp đất đầm (ngành Xây dựng gọi là kỹ thuật đầm chân cừu). Khi tách các lớp đầm ra chúng tôi phát hiện bề mặt các lớp đều có một lớp tro đen rất mỏng cho thấy tro thực vật đã được dùng để tránh chống dính khi đầm. Đất trong tường đầm là đất phù sa pha sét mịn màu nâu đỏ được chọn lọc và nhào trộn rất kỹ nên đến nay không hề có vết nứt ngang trong thân đê. Dựa theo vết tách tự nhiên khi đất khô và dấu đinh đầm để lại, từ độ sâu -317 đến -500cm (dày 1,83m) tách ra được 23 lớp đầm.
Phần tường dưới là lớp đất đắp lõi thành có mặt cắt ngang gần hình thang với chiều rộng ngang thân thành khoảng 9m, dày hơn 1m. Đất trong lớp này được chọn lọc rất kỹ nên không hề lẫn vật liệu hay đá sỏi, là loại sét vàng loang lổ, đầm chặt. Không thấy sử dụng kỹ thuật đầm có dấu đinh. Mặt trong lớp đất được đặt gỗ kè vuông vức, nhưng mặt ngoài lại được đắp vát chéo xuống.
Các lớp đầm đắp La thành thời Lý tại hố khai quật Đào Tấn
Phân tách giữa hai phần tường có hai móng sỏi chạy dọc hai bên tường thành. Hai móng sỏi xuất lộ dưới lớp đất đầm chân cừu cuối cùng, móng được đào sâu vào lớp tường dưới trước khi dổi sỏi vào đầm. Khoảng cách giữa hai đường sỏi hai bên lõi tường thành khoảng 8,4m. Vật liệu đầm trong di tích này là cuội sông trộn với đất phù sa pha sét mịn màu nâu làm kết dính. Cuội có nhiều kích thước khác nhau, to nhất 3x4cm, trung bình 3x2cm, nhỏ 1x0,5cm. Lớp sỏi được dải/đầm có chiều rộng 50 – 52cm và dày 10cm. Về phía đông của đường sỏi phía trong thành có hàng cọc gỗ đóng với khoảng cách từ tâm cọc nọ đến cọc kia là 95cm, rộng nhất là 105cm, ngắn nhất 85cm. Các lỗ cọc để lại với đường kính phổ biến 14cm, to nhất 23cm.
Trong lớp sỏi cũng như phần tường đất đầm chân cừu bên trên, thi thoảng có mảnh gốm thô, sành, ngói cong thời Đường và thời Lý. Phần tường bên dưới đất không hề có hiện vật.
La thành tuyến đê Bưởi mang hai tính chất vừa là đê ngăn nước vừa là thành quân sự vì vậy khi đắp thành người xưa đã xử lý đất rất kỹ để đáp ứng cả hai mục tiêu này và cho đến nay trong thân đê vẫn không hề có những vết nứt ngang. Việc xây dựng La thành thời Lý đã rất quy chuẩn với kỹ thuật đầm nén kỹ lưỡng, thành được đắp cao. Đến thời Trần La thành được bồi đắp thêm ở mặt trong cho rộng mặt thành và thêm vững chắc.
Việc đầm đắp tường thành thời Lý và thời Trần trên tuyến đê Bưởi khá thống nhất. Các dấu tích như đã trình bày trên đây còn được phát hiện trong các hố khai quật tại nút giao thông Đội Cấn giao với đê Bưởi.
Josdar (NPHM 2013)
Tháng 7 năm 2013, trong khuôn khổ thực hiện Đề tài cấp Cơ sở, chúng tôi đã tiến hành phúc tra lại hệ thống các di tích văn hóa Tiền Đông Sơn tỉnh Phú Thọ trên địa bàn các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông và thành phố Việt Trì. Hiện trạng các di chỉ như sau:
1. Hệ thống các di tích văn hóa Phùng Nguyên
1.1. Huyện Lâm Thao:
- Di chỉ Gò Chùa Cao (xã Cao Xá): Hiện tại khu gò cây cối mọc um tùm. Trên sườn gò xây dựng một ngôi chùa, cổng tam quan rất rộng, đẹp. Phía trước gò là khu nghĩa địa.
- Di chỉ Thành Dền (xã Cao Xá): Hiện tại nhà dân ở kín phạm vi gò. Có một số khu vực còn rõ tầng văn hóa, dày khoảng 80cm - 100cm nhưng cũng khó thực hiện khai quật do người dân đã xây dựng những công trình kiên cố
- Di chỉ Xóm Kiếu (xã Tứ Xã): Khu vực này giờ là khu dân cư đông đúc.
- Di chỉ Gò Mả Nguộn (xã Tứ Xã): Toàn bộ gò đã bị san bạt để xây dựng trường học. Khu di chỉ giờ là trường THCS Tứ Xã rất khang trang.
- Di chỉ Gót Rẽ (xã Tứ Xã): Vẫn là cánh đồng lúa, sau đợt khai quật của Viện Khảo cổ học vào năm 1995 thì bà con đi làm ruộng hầu như không nhặt được những chiếc búa đá nữa (đồ đá bà con thường gọi là búa đá).
- Di chỉ Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ): Khu vực ao gần chợ tầng văn hóa còn rất rõ, đồ gốm còn rải rác trên vách ao, khu vực giáp cánh đồng trồng lúa ở ngoài ao còn có gốm vỡ rải rác trên bề mặt.
1.2. Huyện Phù Ninh:
- Di chỉ An Đạo (xã An Đạo): Gò vẫn còn gần nguyên nhưng giờ thành đất của chùa Hoàng Long, phần sườn gò có thể khai quật nhưng vị sư trụ trì không cho phép đào trong đất chùa.
- Di tích Xóm Rền (xã Gia Thanh): Di tích nằm trong khu vườn của các gia đình dân nên vẫn còn được bảo tồn, vẫn có khu vực có thể khai quật được. Tuy nhiên, có một tình trạng là di tích hiện giờ không được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các cơ quan chức năng có liên quan. Biển giới thiệu di tích lịch sử cấp Quốc gia đã bị rơi xuống đất không biết từ bao giờ.
- Di tích Gò Diễn (xã Tiên Du): Khu gò này đã bị san phẳng và phá hủy hoàn toàn để xây hai trường học của xã Tiên Du (trường THCS và trường TH Tiên Du).
1.3. Huyện Tam Nông:
- Di chỉ Gò Chùa (xã Hương Nộn): Giờ trở thành khu dân cư đông đúc với nhà cửa xây san sát.
- Di chỉ Gò Chè (xã Dậu Dương): Giờ trở thành khu dân cư đông đúc với nhà cửa xây san sát.
- Di chỉ Gò Bông (xã Thượng Nông): Khu vực này cũng nhà cửa san sát, dân ở đông đúc. Trong vườn một số nhà dân vẫn rải rác có gốm.
- Di chỉ Hồng Đà (xã Hồng Đà): Đã bị xóa sổ, không còn chút dấu tích nào của công xưởng chế tác đá quy mô lớn. Theo một số người dân cao tuổi, khu di chỉ Hồng Đà nằm trên Gò Tôm và đến nay người ta đã đào thành đầm để thả sen.
1.4. Thành phố Việt Trì:
- Di chỉ Đồng Ghệ (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay là các ruộng lúa nước, chỉ còn lại rải rác một số ụ đất nhô cao ở trong các ruộng lúa.
- Di chỉ Đồng Dạ (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay không còn dấu tích khảo cổ, dân đã san bạt gò và xây dựng nhà ở san sát, trở thành khu dân cư đông đúc.
- Di chỉ Gò Mồng (trước thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Khu di chỉ này hiện nay không còn dấu tích khảo cổ, dân đã san bạt gò và xây dựng nhà ở san sát, trở thành khu dân cư đông đúc.
- Di chỉ Khu Đường (xã Vĩnh Lại, trước đây thuộc huyện Lâm Thao, nay thuộc TP. Việt Trì): Hiện là khu vực trồng màu và ruộng lúa, trên bờ ruộng có xuất lộ mảnh gốm vỡ.
- Di chỉ Đồi Giàm (Phường Trưng Vương): Gò vẫn còn cây cối um tùm, nhưng ngay dưới phần lưng chừng gò có một cộc mốc, qua tìm hiểu chúng tôi được biết đây là cộc mốc quy hoạch đường. Một con đường trong thành phố sẽ chạy vòng quanh khu di chỉ.
2. Hệ thống các di tích văn hóa Đồng Đậu
- Di chỉ Đồng Đậu con (xã Tứ Xã): Vẫn là cánh đồng lúa, nhưng rất tiếc khi chúng tôi chuẩn bị ra di chỉ thì trời đổ mưa rất to và đường ra cánh đồng là đường đất nhỏ nên chúng tôi không thực hiện được việc định vị GPS tại di chỉ này.
3. Hệ thống các di tích văn hóa Gò Mun
3.1. Huyện Lâm Thao:
- Di chỉ Mã Lao (xã Thụy Vân): Khu di chỉ này đến nay đã bị xóa sổ, toàn bộ phạm vi khu di chỉ dân đã san bạt gò để xây dựng nhà ở. Các khu nhà khang trang đã phủ kín khu gò.
- Di chỉ Gò Đồng Sấu (xã Thụy Vân): Khu di chỉ hiện tại là khu đồi trồng sắn của dân.
- Di chỉ Gò Chiền (xã Tứ Xã): Gò hiện tại đã bị san phẳng, là khu ruộng trồng cà và mướp.
- Di chỉ Gò Mun (xã Tứ Xã): Di tích đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, có bảo vệ nhưng không hiệu quả. Đây là di chỉ hiếm hoi còn có thể khai quật.
- Di chỉ Gò Tro Trên (xã Thụy Vân): Toàn bộ khu vực gò cây hoang mọc um tùm, nhiều bụi xương rồng to, bụi dứa dại và mộ cải táng được xây dựng tại đây.
- Di chỉ Gò Tro Dưới (xã Thụy Vân): Khu vực trên đỉnh gò trồng sắn và phi lao, lưng chừng gò người dân đã xây dựng một khu mộ tổ quy mô lớn.
- Di chỉ Nội Gan (xã Kinh Kệ): Khu gò đã bị san phẳng, hiện là khu nghĩa trang và vườn trồng cây ăn quả của người dân.
Lời kết
Phú Thọ là một vùng đất hội tụ đậm đặc nhất những di tích khảo cổ thuộc các văn hóa Tiền Đông Sơn từ Phùng Nguyên đến Gò Mun.
Tuy nhiên cho đến nay, đa số các di chỉ đã bị phá hủy một phần hoặc phá hủy hoàn toàn nhằm lấy đất xây dựng nhà ở của dân hoặc thực hiện các mục đích khác như canh tác lúa nước, trồng màu, xây trường học, lập trại chăn nuôi...
Trong tình trạng các di tích gần như bị xóa sổ hết, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như các cấp chính quyền cần có những chương trình cụ thể bảo vệ và gìn giữ các di tích, đặc biệt là các di tích đã được xếp hạng.
(Nhóm tác giả: Bùi Thu Phương, Nguyễn Tiến Đông, Nguyễn Anh Tuấn)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)
- Từ lâu, biển đã là môi trường sống của con người trên đất nước ta
Mở đầu là lớp người cư trú ở Cát Bèo (Bến Bèo) trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), cách ngày nay khoảng 6.000 năm (niên đại C14: 5.640±115 năm, hiệu chỉnh theo tuổi vòng cây: 6.475±205 năm). Tại nơi cư trú của con người, bên cạnh công cụ bằng đá, đồ đựng, đồ đun nấu bằng đất nung, còn cả một khối lượng lớn di cốt cá biển do con người bắt về, trong di cốt cá biển, phổ biến là loại cá sạo, cá úc…, là những loại cá chịu được sự biến đổi lớn về độ mặn trong nước, chúng thường xuất hiện ở hồ, vịnh, cửa sông, v.v… Chứng tỏ vùng biển xung quanh đảo Cát Bà, lúc này còn là vùng biển nông (thấp hơn hiện nay khoảng - 2m).
Một biến cố lớn của thiên nhiên xảy ra, mực nước biển tăng nhanh (khoảng + 4m so với mực nước hiện nay), đạt tới mức cực đại, nước biển bắt đầu hạ xuống, lùi dần ra phía đông.
Từ khoảng 5.000 năm cách nay, theo vết nước biển rút đi, nhiều lớp người đến cư trú sinh sống lâu dài tại vùng biển – hải đảo từ bắc vào nam:
Tại vùng ven biển và hải đảo đông bắc (Vịnh Bắc Bộ), phân bố các di chỉ thuộc văn hóa Hạ Long. Trên đảo Cát Bà đã phát hiện được hai di chỉ thuộc văn hóa Hạ Long, trong đó một di chỉ phân bố ngay trên di chỉ Cát Bèo trước đây, phân cách giữa hai lớp cư trú thuộc hai văn hóa khác nhau là lớp sạn con, mỏng, vát dần từ phía biển vào chân núi, có 91% qua sàng 5mm. Lớp sạn con có nguồn gốc biển và thuộc tướng bãi biển; ở các đảo xa, như đảo Ngọc Vừng có tới ba địa điểm cư trú của cư dân Hạ Long.
Trên doi cát - dấu vết của mực nước biển dâng cao nhất, thuộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), đã phát hiện di chỉ Gò Trũng - một di chỉ thuộc văn hóa Đa Bút và một số di chỉ muộn hơn, thuộc văn hóa Hậu Lộc.
Tại cánh đồng lúa phía đông (giáp biển) của huyện Quỳnh Lưu, trước đây, vào khoảng 5.000 năm, nơi đây còn là vùng vịnh nông, nửa hở, nơi rất thuận lợi cho điệp sinh sống và phát triển, đã phát hiện trên 20 đống vỏ điệp, là di chỉ của văn hóa Quỳnh Văn. Điệp biển và sò do con người bắt về sử dụng, vỏ của chúng chất thành đống, có đống rộng tới 500m2, có đống cao trên 10m, …
Tại xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), tại mép nước biển cổ, cách nay khoảng 5.000 năm (cách mép nước biển hiện tại khoảng 4km) phân bố di chỉ thuộc văn hóa Thạch Lạc, những tích tụ trong nơi cư trú của người Thạch Lạc là vỏ điệp, vỏ sò, và rất nhiều xương cá biển, v.v…
Tại vùng biển từ miền Trung Trung Bộ trở vào, lần lượt đã phát hiện: di chỉ Bàu Tró, di chỉ Xóm Cồn, các di chỉ thuộc các giai đoạn phát triển văn hóa Sa Huỳnh v.v…
Trên đảo Thổ Chu, điểm tận cùng của phía nam đất nước ta, cũng đã phát hiện di chỉ cư trú và mộ chum, mang những nét điển hình ở vùng Nam Bộ.
- Biển đảo không chỉ là môi trường sống của con người, các loài hải sản, như xương cá, vỏ các loại nhuyễn thể là nguồn cảm hứng bất tận trong đời sống tinh thần của con người, nhất là người thợ làm đồ gốm đương thời
Sinh sống trong môi trường biển đảo, hoạt động đi lại của con người ắt phải dựa vào phương tiện giao thông. Trong các văn hóa đã đề cập đến ở trên thì đến nay chúng ta chưa phát hiện được bất kỳ một dấu tích nào của phương tiện đi lại. Trong các di chỉ cư trú của những lớp người cư trú ở vùng biển - đảo này, tồn tại những chiếc bôn đá có nấc, bôn đá có vai có nấc, những chiếc bôn đá hình răng trâu, v.v… là những công cụ dùng để chế tạo đồ gỗ, trong đó hẳn có các phương tiện đi lại, như thuyền, bè, v.v…
Văn hóa Đông Sơn, một văn hóa có địa bàn cư trú khá rộng mà trung tâm là vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã. Địa bàn cư trú có cả chiều dài phía đông giáp với Biển Đông. Một môi trường sống đa dạng, rất thuận lợi cho sự sống và phát triển của cư dân Đông Sơn.
Khác với các lớp cư dân nói trên, trong di chỉ cư trú của cư dân Đông Sơn đã phát hiện được một số dấu tích quan trọng của phương tiện đi lại trên sông nước.
Từ hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn, Parmentier và Goloubew là những người đầu tiên nhận ra hình thuyền trên trống là hình thuyền đi biển. Bởi trên thuyền có cột buồm, trên cột buồn trang trí hình lông chim và đầu chim, đuôi thuyền và ở mũi thuyền đều có bánh lái, cùng người cầm lái. Đào Duy Anh có cùng một nhận định, đó “là thuyền chạy trên biển bằng buồm” và giải thích thêm “bánh lái ở mũi để đi khi ngược gió” (Đào Duy Anh: “Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt” trong “Lịch sử cổ đại Việt Nam” - Nxb. Văn hóa thông tin - năm 2005). Nhà khảo cổ học Trung Quốc - Lý Vĩ Khanh, không đồng tình với nhận định của Parmentier, Goloubew và Đào Duy Anh, cho rằng cột có trang trí lông chịm không phải là cột buồm, mà là hình tượng của “doanh cổ” trang trí trên đồ đồng của Trung Quốc. Đồng thời, Lý Vĩ Khanh còn nhấn mạnh: tất cả thiết bị thấy được trên thuyền, không có một thiết bị nào, chứng tỏ đây là thuyền vượt biển (Lý Vĩ Khanh: “Tìm hiểu thêm về hoa văn thuyền trên trống đồng” – trong “Tập luận văn hội thảo khoa học lần thứ hai của Hội Nghiên cứu trống đồng Trung Quốc” – Nxb.VV - năm 1986).
Hình thuyền trên trống đồng cũng như trên đồ đồng khác của văn hóa Đông Sơn, không phải là ảnh chụp, mà là bản vẽ do người thợ đúc đồng tạo ra, nên độ chính xác không cao và không đầy đủ như đối tượng vốn có; do vậy, những chi tiết trên đó không giống với đối tượng cũng là điều bình thường. Có điều, học giả Lý Vĩ Khanh đã không phát hiện ra, dưới hình thuyền còn có hình các loại hải sản, như: cá đuối, cá heo, rùa biển v.v… đang bơi theo thuyền (!). Điều đó chẳng khác gì một lời “chú giải” về chức năng của chiếc thuyền: Đây là thuyền đang đi biển!
Trong biển có tới hàng trăm loại hải sản, nhưng chỉ có vài ba loại nhất định được cư dân Đông Sơn chọn để thể hiện cùng với thuyền đang vận hành trên biển (?). Theo những người đi biển, những loài hải sản đó rất gần gũi và thân thiện với con người, nó có thể hỗ trợ người đi biển trong lúc gặp nạn, và đã có biết bao câu chuyện cá heo cứu người rơi xuống biển, v.v… Để có thể nhận định được những thuộc tính quý báu của các loài hải sản này, cư dân Đông Sơn đã phải có một quá trình hoạt động lâu dài và thường xuyên trên biển.
Những hình thuyền thể hiện trên đồ đồng của văn hóa Đông Sơn, như trống đồng, thạp đồng, v.v… đều được thể hiện theo cách thống nhất: chúng đang vận hành theo một hướng từ phải qua trái, chiều ngược kim đồng hồ. Điều đó có ẩn ý gì (?).
Vùng biển của nước ta là vùng biển của bão thuộc bắc bán cầu, đường đi của bão vừa xoay tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, vừa di chuyển vào lục địa. Người đi biển gặp bão, cần phải biết mình đang ở đâu trong vùng có bão để tìm cách thoát ra. Theo kinh nghiệm của người đi biển, khi gặp bão, nhìn theo hướng di chuyển của tâm bão, khu vực nguy hiểm sẽ ở bên phải hướng di chuyển của bão, bên trái là khu vực có thể đi được. Một khi bão đổi hướng, nếu thấy gió thổi thuận theo chiều kim đồng hồ, lúc đó thuyền đang ở nửa vòng nguy hiểm, nếu ngược kim đồng hồ, lúc đó thuyền đang ở nửa vòng có thể đi được. Do vậy, hướng ngược kim đồng hồ là hướng hy vọng của sinh tồn.
Hướng vận động ngược kim đồng hồ đã được thể hiện trong một số điệu múa dân gian sau này, đặc biệt trong điệu hát trống quân Đức Bác (Phú Thọ), khi di chuyển từ bờ sông vào đình làng, người hát đã tái hiện chính xác đường di chuyển của bão: vừa xoay tròn vừa di chuyển.
Ngoài hình thuyền trang trí trên đồ đồng, trong mộ táng của văn hóa Đông Sơn còn phát hiện được một số mộ táng có quan tài là thân cây khoét rỗng; điều đó gợi ra hình ảnh của những chiếc thuyền độc mộc trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt hơn cả là chiếc thuyền cùng mái chèo đã được chôn cùng với người chết và đồ tùy táng của họ ở Việt Khê (Hải Phòng), cách ngày nay khoảng 2.500 năm, hiện nay tại một số nơi ở vùng ven biển vẫn còn giữ tục dùng thuyền để đưa người chết đến nơi yên nghỉ cuối cùng.
Cho nên có thể nói, biển thực sự là một thành tố quan trọng của văn hóa Đông Sơn.
(Tác giả: Nguyễn Văn Hảo)
(Nguồn: Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013)