Hơn 50% di tích thuộc thời đại Đông Sơn (Thanh Hóa) “biến mất”. Hơn nửa thế kỷ “kêu cứu”, tới nay, di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội) vẫn “quẫy đạp” trong tuyệt vọng… Và rất nhiều di tích, di chỉ khảo cổ sau khi được phát hiện rơi vào lãng quên. Những dấu hỏi bỏ ngỏ về một quy hoạch khảo cổ suốt chục năm vẫn đang treo lơ lửng như một thách thức đối với Luật Di sản văn hóa.
“Lệnh Hà Nội và TP.HCM” không bằng… xe ủi, máy xúc?
Chọn Hà Nội và TP.HCM mở đầu, để nói, ở hai trung tâm kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử lớn nhất cả nước, với một thiết chế văn hóa dù chưa hoàn chỉnh nhưng cũng đầy đủ ban bệ hơn các địa phương khác, việc thực thi pháp luật về di sản cũng đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Dường như những mệnh lệnh hành chính (từ Luật Di sản văn hóa cho tới các văn bản pháp luật của thành phố ban bố) bằng cách nào đó đã bị vô hiệu hóa bởi cái máy xúc, máy ủi (từ phía doanh nghiệp, cá nhân).
Xâm phạm di chỉ Mỏ Phượng và Dền Rắn (Hoài Đức - Hà Nội) cuối năm 2019
Thế nên, mới có chuyện, một di tích khảo cổ dù được xếp hạng di tích quốc gia như Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM), hết lần này tới lần khác vẫn bị người dân cho xe ủi vào san lấp. Sau cú “san phẳng” cuối cùng hồi tháng ba tới nay, dư luận vẫn chưa nhận được một câu trả lời xác đáng từ phía chính quyền thành phố, cũng như các cấp quản lý địa phương.
Thế nên mới có chuyện, dù được các nhà khảo cổ học phát hiện cả nửa thế kỷ, tới nay, một di chỉ có niên đại 3.500 tuổi như Vườn Chuối (Hà Nội) vẫn đang “ngắc ngoải” trong cuộc chiến giữa bảo tồn và phát triển. Mới đây, ngay trước ngày Di sản văn hóa Việt Nam với loạt hoạt động kỷ niệm rình rang, dù đã có lệnh tạm dừng thi công từ phía chính quyền thành phố, đơn vị thi công vẫn đưa máy xúc vào, xâm phạm, san ủi toàn bộ di tích Gò Mỏ Phượng và 50% di tích Gò Dền Rắn nằm trong cụm di chỉ này để làm đường nội bộ. Đến nỗi, người ở Viện Khảo cổ học phải thốt lên: “Luật Di sản văn hóa đang bị thách thức ở đây”.
Đây không phải lần đầu tiên, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo cũng như những nguy cơ về tình trạng suy thoái di tích, di chỉ khảo cổ; thế nhưng, những cảnh báo này dường như chỉ là câu chuyện riêng của các nhà khảo cổ học. Một nghịch lý vẫn tồn tại: số di tích, di chỉ, những thành quả nghiên cứu được công bố mới, tiếp tục khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến Đại Việt, có vẻ tỷ lệ nghịch với số lượng những di tích được bảo vệ; thậm chí, có xu hướng biến mất, bị xóa sổ ngày càng tăng.
Một thống kê chưa đầy đủ được các nhà khoa học đưa ra cũng đủ khiến chúng ta giật mình: Ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%. Hơn 50% di tích thuộc thời đại Đông Sơn (Thanh Hóa) cũng có số phận tương tự. Sau ba mươi hai năm khai quật, lập quy hoạch, di tích văn hóa Óc Eo cỏ mọc um tùm… Lò gốm Hưng Lợi dù được xếp hạng di tích cấp quốc gia cũng không tránh khỏi số phận “phế tích”… PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, từng kêu lên: “Nếu không bảo vệ được các di tích, di chỉ, có nghĩa, ngành khảo cổ học sẽ chết!”.
Loay hoay quy hoạch khảo cổ
Một trong những công cụ giảm thiểu tình trạng suy thoái di tích, di chỉ khảo cổ mà các nhà khoa học đã nói rất nhiều suốt thời gian qua, là phải xây dựng một quy hoạch, một bản đồ cho khảo cổ học Việt Nam. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 cũng đã quy định các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ, kèm theo phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần. Thế nhưng, cho tới nay, trên cả nước, chưa có địa phương nào hoàn thiện và đưa quy hoạch này vào áp dụng trong thực tiễn, kể cả Hà Nội và TP.HCM.
Dù có lệnh ngừng thi công nhưng máy ủi vẫn tiến hành xâm phạm khu di chỉ Vườn Chuối
Thực tế ở nhiều nơi đã chỉ rõ, những xung đột giữa bảo tồn và phát triển xảy ra thời gian qua cũng bắt nguồn từ việc chưa có quy hoạch. Chỉ khi nào có quy hoạch, ta mới xác định và bảo vệ được những khu vực trọng yếu của khảo cổ. Nếu có quy hoạch, vừa giữ được di sản, lại không làm khó nhà đầu tư. Nếu có quy hoạch, tránh được chuyện “cha chung không ai khóc”.
Đặc biệt, khi có một quy hoạch khảo cổ với các nội dung cơ bản như số lượng và loại hình di tích, vị trí, phạm vi của di tích, mức độ quan trọng của di tích, tiềm năng nghiên cứu và phát huy giá trị của di tích, những nguy cơ tác động đến di tích... cơ sở khoa học để xây dựng các dự án phát triển và thực hiện Luật Di sản văn hóa một cách đầy đủ và đúng luật cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Đó cũng là căn cứ để quyết định bảo tồn hay xóa bỏ khi đặt trong mục tiêu phát triển.
Thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì, cả chục năm trôi qua, vẫn chưa có một địa phương nào tiến hành quy hoạch khảo cổ. Cần làm sớm, nếu không, bảo vệ và phát huy giá trị di sản chỉ là một “xảo chính sách”.
Du Nguyên
Ở di sản khảo cổ học Vườn Chuối đang có sự chung tay giữa chính quyền, ngành văn hóa, các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng phía cộng đồng sở tại. Sự chung tay, phối hợp này đang mở ra một mô hình tốt nhằm bảo đảm cân bằng giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển.
Ngày 13-5, tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối ở thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu một đợt khai quật mới. Đây là đợt khai quật thứ 10 kể từ lần đầu tiên năm 1969 và sau đợt khai quật gần đây nhất (năm 2019) tròn một năm. Đợt khai quật lần này nhằm mục tiêu hoàn thiện phương án tối ưu để giữ lại một phần và bảo tồn những giá trị quý giá của di chỉ này, từ đó tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng lớn là đường vành đai 3,5 của thành phố và khu đô thị Kim Chung - Di Trạch đã được doanh nghiệp Viettransimex đầu tư xây dựng từ nhiều năm qua.
Hố khai quật khảo cổ lần thứ 10 ở Vườn Chuối.
Sau thời gian khá dài âm thầm, sau nhiều lần bị xâm hại, mang số phận khá long đong hơn nửa thế kỷ với nhiều lần khai quật được các GS đầu ngành khảo cổ học Việt Nam chủ trì, đến nay những giá trị đặc sắc và độc đáo của khu di chỉ này đã được khẳng định và chính quyền thành phố đã quyết định chọn phương án bảo tồn một phần trên tổng diện tích hơn 19.000 m² của khu di chỉ.
Lần khai quật này, các nhà khảo cổ học đã chọn phương án “khai quật bảo tồn” để làm hiện rõ dòng chảy văn hóa hơn 3.000 năm. Những dấu vết cư trú, sinh hoạt, mai táng… đã chứng minh Lai Xá là một trong số những làng cổ xuất hiện sớm nhất ở vùng Thủ đô ngày nay. Những chứng tích của con người thời sơ sử tại di chỉ này nằm trong những tầng văn hóa kế tiếp liên tục suốt từ văn hóa Đồng Đậu đến văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 3.500 - 2.000 năm) sẽ được các nhà khảo cổ cẩn trọng bộc lộ và tìm phương án tốt nhất để giữ gìn và giới thiệu với công chúng. Các lớp văn hóa sẽ lộ dần với các di tích, di vật chồng xếp lên nhau từ trên xuống dưới, từ muộn đến sớm. Một nhà trưng bày tại chỗ cũng đã được tính đến trong phương án phát huy giá trị đặc biệt của di chỉ này.
Sau đợt khai quật khảo cổ lần thứ chín (năm 2019), UBND thành phố Hà Nội tạm đưa ra phương án bảo tồn nửa phía đông di chỉ gò Vườn Chuối. Tại đây sẽ khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Phần phía tây gò Vườn Chuối nằm trong quy hoạch đường vành đai 3,5 sẽ được tiến hành khai quật, nghiên cứu rồi giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng. Các di chỉ ở gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng sẽ được tiến hành khai quật nghiên cứu rồi xây dựng khu đô thị. Giải pháp này được đánh giá là vừa chọn được trọng tâm để bảo tồn văn hóa vừa không cản trở xây dựng phát triển.
Sau khi có những quyết định quan trọng này, chính quyền huyện Hoài Đức, xã Kim Chung đã cùng với các chủ đầu tư xây dựng cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ khoanh vùng bảo vệ khu di chỉ, phối hợp các nhà khoa học để thống nhất thời gian và những công việc cần thiết khi tiến hành khai quật. Dù việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 có làm gián đoạn tiến độ công việc nhưng sau dịch, guồng máy đã khẩn trương tái khởi động. Đại diện Công ty Viettransimex, chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, cũng cho biết: “Thời gian qua, chủ đầu tư đã phối hợp các ban, ngành, chính quyền địa phương và Viện Khảo cổ học để xác định ranh giới cắm mốc khoanh vùng khai quật di chỉ Vườn Chuối; tăng cường tuần tra bảo vệ để không xảy ra việc xâm phạm di chỉ. Chủ đầu tư cam kết sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để vừa phát triển vừa bảo tồn di chỉ lịch sử này một cách hài hòa và hiệu quả”.
Cùng với những động thái tích cực từ UBND thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, chính quyền địa phương và sự hợp tác của doanh nghiệp chủ đầu tư, còn có cuộc trưng bày “Đối thoại với Di sản khảo cổ học Vườn Chuối” được nhân dân Lai Xá nỗ lực thực hiện với sự giúp đỡ của Bảo tàng Nhân học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, một thương binh, sau khi giã từ quân ngũ về “nhậm chức” trưởng thôn (năm 2000) đã tiếp xúc và dần say mê với những kết quả khảo cổ học trên quê hương mình. Ông Thắng đã kêu gọi và cùng với nhiều người dân Lai Xá cần mẫn theo chân các nhà khảo cổ để chụp ảnh tư liệu, trân trọng nhặt nhạnh từng hiện vật sót lại trên công trường khai quật, kịp thời báo động, cùng bảo vệ di chỉ trước nạn đào trộm cổ vật và đang ra sức hoàn thành trưng bày “Đối thoại với Di sản khảo cổ học Vườn Chuối” như một tiếng nói tâm nguyện từ phía cộng đồng.
Với những động thái tích cực từ nhiều phía: quyết định bảo vệ kịp thời từ chính quyền, sự nỗ lực cẩn trọng của các nhà khoa học, sự hợp tác của các chủ đầu tư doanh nghiệp và sự chung tay góp cả tình cảm và công sức của cộng đồng người dân Lai Xá, có thể hy vọng nhìn thấy một hình mẫu mà ở đó bảo tồn văn hóa đã “hòa thuận” với sự phát triển của đô thị hiện đại.
Bài: Ngữ Thiên; Ảnh: Nguyễn Thơ Đình

- Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 297 tr
- Hình thức bìa: cứng
Tháng 5, 6 năm 2006, cán bộ Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khảo sát để chuẩn bị cho đợt thám sát và khai quật khảo cổ học tìm vết tích đàn Xã Tắc ở ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội nhằm phục vụ công tác mở đường vành đai I (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa).
Đến tháng 10-12/2006, cuộc thám sát, khai quật đã được tiến hành và đã tìm thấy một số dấu tích kiến trúc, di vật có niên đại vào khoảng thế kỷ XI - XVIII) nằm bên trên các lớp văn hóa có niên đại khoảng 10 thế kỷ sau Công nguyên và lớp văn hóa Phùng Nguyên có niên đại khoảng 3.500 năm cách ngày nay.
Mỗi loại hình di tích ở đây đều có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là di tích đàn Xã Tắc.
Đến năm 2006, cuộc khai quật đã tìm lại được một chút ít dấu tích móng nền và di vật. Đặc điểm di tích, di vật và nghiên cứu so sánh tổng hợp, địa hình, địa danh đã cho thấy các dấu tích ít ỏi còn lại đó đúng là dấu tích của đàn Xã Tắc.
Hiện nay di tích đã được bảo tồn dưới lòng đất, công cuộc nghiên cứu các di tích và di vật xuất lộ về cơ bản đã kết thúc, con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã hoàn thành được đặt tên là đường Xã Đàn để gợi nhớ về đàn Xã Tắc xưa ở đây.
Cuốn sách Di tích Khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long (Thăng Long - Xã Tắc altar archaeological site) do PGS.TS Tống Trung Tín (Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam), và là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội làm chủ biên, cùng với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu khác.
Sách được trình bày công phu, hình ảnh in màu sống động, sắc nét, bìa cứng, nội dung được chia thành 4 chương:
Chương 1: Vị trí địa lý và quá trình nghiên cứu địa điểm Đàn Xã Tắc
Chương 2: Di tích, di vật thời Lý - Trần - Lê và diện mạo Đàn Xã Tắc Thăng Long
Chương 3: Các loại hình di tích khác: di chỉ cư trú khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên và di chỉ cư trú văn hóa Phùng Nguyên.
Chương 4: Giá trị của địa điểm khảo cổ học Đàn Xã Tắc
Xin trân trọng giới thiệu!

- Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 201 tr
- Hình thức bìa: mềm
Nghiên cứu về “hoa văn Việt Nam” cũng là tìm về một mạch nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam, qua đó phản ánh được tính chất xuyên suốt, đa dạng trong thống nhất của lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Cội nguồn của hoa văn Việt Nam bắt nguồn từ thời tiền sử và sơ sử, cách đây hàng chục ngàn năm với sự có mặt của những nét vẽ người xưa trên đồ gốm cổ.
Với nền văn hóa Đông Sơn người Việt khẳng định mình bằng các quốc gia sơ khai Văn Lang, Âu Lạc, được biểu hiện qua di sản văn hóa vật thể bằng trống đồng và nền nông nghiệp trồng lúa nước, thời này hoa văn trang trí lại được tập trung chủ yếu vào đồ đồng.
Mười thế kỷ Bắc thuộc, hoa văn Việt tiếp thu có chọn lọc nhiều yếu tố Hán.
Từ thời Đông Sơn đến các triều đại quân chủ chuyên chế ở nước ta, thì sự nối mạch hoa văn lại càng rõ rệt: Từ hoa văn mặt trời trên trống đồng Ngọc Lũ đến mặt trời trên trán bia, từ hình giao long trên hộ tâm phiến mà nhiều người cho là một loại rồng sơ khởi cho đến con rồng thật sự trong tạo hình sau này. Các hình tượng chim, voi, trâu, hươu v.v... trang trí trên đình, chùa phải chăng cũng bắt nguồn từ các động vật như vậy trên trống đồng Đông Sơn.
Nội dung cuốn sách bao gồm 2 phần:
- Phần 1: Giai đoạn Tiền sử và sơ sử bao gồm 2 chương: 1/ Hoa văn gốm tiền sử, 2/ Hoa văn thời Đông Sơn (đồ đồng)
- Phần 2: Giai đoạn Tự chủ gồm 2 chương: 1/ Biểu tượng về lực lượng tự nhiên và triết học; 2/ Hình tượng linh vật trong di tích cổ truyền Việt; 3/ Hình tượng cây cỏ; 4/ Hình tượng con người.
Xin trân trọng giới thiệu!

- Nxb: Văn hóa dân tộc - 2019
- Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm
- Số trang: 425 tr
Nội dung cuốn sách gồm 2 chương: 1/ Khái quát về người Giáy ở Lào Cai: Tên gọi, dân số, lịch sử tộc người, đặc điểm kinh tế xã hội, tín ngưỡng dân gian; 2/ Tín ngưỡng Then của người Giáy ở Lào Cai: Sự hình thành và phát triển tín ngưỡng then, nghề Then, thầy Then, các đạo cụ sử dụng trong nghi lễ, các mối quan hệ giữa Then Giáy với loại hình nghệ thuật dân gian khác, các nghi lễ Then của người Giáy.
Xin trân trọng giới thiệu!
Sức ép của phát triển đang đè nặng trên các di sản khảo cổ học. Nhiều di sản này dù đã xếp hạng nhưng chưa được quan tâm, bị xâm phạm, không phát huy được các giá trị, thậm chí bị xóa sổ trước khi kịp nghiên cứu, đánh giá.
Kho báu mong manh và tình trạng xuống cấp phổ biến
Tài nguyên di sản khảo cổ học của Việt Nam đa dạng về thể loại, giàu có về số lượng, mang nhiều tiềm năng để phát huy giá trị. Việt Nam có nhiều di sản khảo cổ học đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới như: Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); khu di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa); Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)... Nhờ công sức miệt mài của nhiều thế hệ các nhà khảo cổ học Việt Nam, kho tàng di sản này ngày càng phong phú hơn. Đến nay, đã có tới hàng trăm di tích khảo cổ học, hàng trăm triệu di vật là những hiện vật gốc chứng minh quá trình phát triển liên tục của những cư dân bản địa qua các giai đoạn lịch sử của người Việt Nam. Nhiều tàu đắm được phát hiện, khai quật trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam: Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam); Hòn Cau (Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu); Hòn Dầm (Phú Quốc, Kiên Giang); ở Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau… đã cho phác thảo về các tuyến đường giao thương quốc tế qua vùng biển Việt Nam.
![]() |
Di tích bãi cọc Cao Quỳ được quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị.Ảnh: QUANG HIẾU. |
Di sản khảo cổ học là một nguồn văn hóa mong manh và không tái sinh được. Khi một di tích khảo cổ được khai quật cũng đồng nghĩa nó sẽ bị phá hủy. Trong quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ (có thể coi là) rất nhanh như hiện nay, di sản khảo cổ học đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Sự bất cập khi thực thi Luật Di sản văn hóa, sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong quản lý, nghiên cứu và bảo tồn. Ở nhiều địa phương, di sản khảo cổ học chưa được quan tâm. Việc sử dụng quỹ đất trong xây dựng các công trình, dù được quy định chặt chẽ trong Luật Di sản văn hóa để giảm thiểu việc hủy hoại nguồn tài nguyên di sản khảo cổ học nhưng việc tuân thủ và thực thi không đồng bộ.
Trường hợp Di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm hại nặng nề do nạn đào trộm cổ vật và nguy cơ bị xóa sổ bởi các dự án làm đường và xây khu đô thị là ví dụ điển hình. Ngay cả những di sản khảo cổ học nổi tiếng, có giá trị đặc biệt quan trọng, được xếp hạng cấp quốc gia cũng đối mặt với tình trạng bị xuống cấp. Điển hình như Di tích khảo cổ học Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). Đây được coi là khu di tích khảo cổ học quan trọng của quốc gia, nhưng do việc quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” mà khu đất nằm trong quy hoạch xây dựng khu di tích rộng 4,2ha đã bị một số người dân tự ý lấn chiếm, trồng cây, ảnh hưởng lớn đến các điểm khai quật. Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Đông Sơn (Thanh Hóa) sau khi khai quật đã được giữ lại làm khu trưng bày ngoài trời, có mái che để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập. Tuy nhiên, việc bảo quản ngày càng bộc lộ nhiều bất cập vì khi được khai quật phát lộ, sự thay đổi môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, tác động của mưa nắng, nấm mốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của di tích, di vật, địa tầng... khiến di tích xuống cấp nhanh chóng.
Đừng để di sản khảo cổ bị lãng quên
Để bảo quản được một di sản khảo cổ học cần nguồn kinh phí thường xuyên của địa phương trong khi nguồn thu trực tiếp từ di sản khảo cổ học lại hầu như không có. Đây là một trong những nguyên nhân khiến di sản khảo cổ học bị coi là kém hấp dẫn hơn so với các loại hình di sản văn hóa khác. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa phi vật thể… đều có nguồn thu thường xuyên hàng năm từ các hoạt động du lịch. Trong khi đó, do đặc thù của loại hình di sản khảo cổ học rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài: Môi trường, khí hậu, thời tiết, con người… nên việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này cần đầu tư về vật chất và nhân lực lớn gấp nhiều lần so với các loại hình di sản vật thể khác. Điều này, dẫn đến việc nhiều địa phương đã chọn phương án phát triển và “hy sinh” di sản khảo cổ học.
Câu hỏi làm sao để vừa bảo vệ được di sản khảo cổ học mà không cản trở tới sự phát triển chung của kinh tế-xã hội luôn chờ được giải đáp. Phần lớn di tích khảo cổ học sau khi được khai quật, nghiên cứu thì toàn bộ di vật được chuyển về các bảo tàng để giải phóng mặt bằng, trả lại cho các dự án xây dựng. Nếu có được địa phương xếp hạng di tích và giữ lại bảo tồn sau khi được thám sát khai quật và nghiên cứu thì qua thời gian, các di sản khảo cổ học cũng bị xuống cấp, xâm phạm và dần chìm vào quên lãng. Như trường hợp Di tích tháp Chăm Phong Lệ (Đà Nẵng). Di tích đền tháp được đánh giá có quy mô lớn nhất miền Trung với niên đại gần 1.000 năm tuổi, có thể góp phần tìm hiểu về hệ thống di tích đền tháp Champa, tuy nhiên, sau gần 10 năm kể từ khi phát hiện, di tích này vẫn chưa được xếp hạng, các hố thám sát đã bị sụt lún nghiêm trọng, hiện vật bị phong hóa nằm vương vãi trên mặt đất...
Trái ngược với trường hợp Di tích tháp Chăm Phong, sau khi phát hiện hệ thống bãi cọc trên cánh đồng Cao Quỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), chính quyền, cơ quan quản lý các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc khiến Di tích bãi cọc Cao Quỳ ngay sau khi xuất lộ đã được khai quật nghiên cứu trên diện rộng. Các biện pháp bảo vệ đã nhanh chóng tiến hành; hoàn thiện Dự án tuyến đường vào và khu bảo tồn nhằm phát huy giá trị của di sản khảo cổ học đặc biệt này. Đây được là tín hiệu đáng mừng về ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học trong tương lai.
TS NGUYỄN ANH THƯ
Công đoàn Viện Khảo cổ học phối hợp với Đoàn thanh niên phát động chương trình hiến máu nhân đạo.
Rất mong các Công đoàn viên Viện khảo cổ học nhiệt tình đăng ký tham gia hoạt động ý nghĩa này.

- Nxb: Hà Nội - 2019
- Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 795 tr
Cuốn sách Tổng tập khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội (1898 - 2008) do PGS.TS Tống Trung Tín (Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) làm chủ biên, với sự tham gia của hơn 30 nhà khảo cổ học và sử học hàng đầu. Là một công trình nghiên cứu được tiến hành quy mô từ nhiều năm trong Chương trình Khảo cổ học 10 năm (từ năm 2000) hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Công trình là tập hợp các kết quả nghiên cứu suốt 110 năm từ 1898 đến tháng 8/2008, khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính. Năm 1898 là thời điểm thành Hà Nội của vương triều Nguyễn bị phá bỏ, những di vật thời Lý - Trần - Lê ở khu vực trung tâm Hà Nội bắt đầu được thu thập nghiên cứu. Đây chính là tổng kết lịch sử của khảo cổ học Hà Nội sau phát hiện đầu tiên từ năm 1896, khi mà người Pháp tiến hành nghiên cứu ngôi mộ gạch Hán ở Cổ Nhuế (Từ Liêm).
Về kết cấu, ngoài lời giới thiệu, sách gồm các nội dung sau:
Chương 1: Vị trí địa lý và lịch sử khảo cổ học Thủ đô Hà Nội trước tháng 8/2008
Chương 2: Khảo cổ học Hà Nội thời đại Đồng thau - Sắt sớm. Chương này giới thiệu các địa điểm khảo cổ thuộc các văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở Hà Nội. Tiếp theo là tổng quan về khảo cổ học thời đại Đồng thau - Sắt sớm.
Chương 3: Khảo cổ học Lịch sử Hà Nội. Chương này giới thiệu Khảo cổ học Hà Nội thế kỷ 1 - 19. Tiếp theo là Tổng quan về Khảo cổ học Lịch sử Hà Nội.
Chương 4. Giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích khảo cổ học Hà Nội
Chương này phân tích các giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích khảo cổ Hà Nội trong thời kỳ dựng nước và giữ nước từ thuở sơ khai đến thế kỷ 19.
Chương 5. Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học Hà Nội.
Chương này đánh giá về thực trạng công tác bảo tồn các di sản khảo cổ học Hà Nội, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học.
Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc!

- Nxb: Hà Nội - 2019
- Khổ sách: 21 x 29 cm
- Số trang: 379 tr
Năm 1010, Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra miền đất Thủ đô Hà Nội ngày nay thành lập kinh đô Thăng Long. Kể từ đó trở đi, Thăng Long là nơi đóng đô của các vương triều Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng. Thời Nguyễn, Thăng Long với thành Hà Nội là hành cung của các vua Nguyễn, là trọng trấn đứng đầu phía Bắc của Đại Nam. Từ năm 1945 đến nay, Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau đó là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong quá trình phát triển lâu dài hàng nghìn năm, các vương triều quân chủ Việt Nam nối tiếp nhau xây dựng cung quán, cầu cống ... tạo nên một kinh đô Việt Nam độc đáo, hoa lệ có lịch sử lâu dài nhất Việt Nam.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, dấu tích kinh đô xưa hầu như đã bị hủy hoại, trên mặt đất chỉ còn lại dấu tích của các thời Lê - Nguyễn như Cột cờ, Đoan Môn, Kính Thiên, Bắc Môn ... Vì vậy trong những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu luôn dày công nghiên cứu lịch sử cũng như diện mạo của kinh đô Thăng Long.
Cuốn sách này sẽ cho chúng ta cái nhìn về Kinh đô Thăng Long thông qua những khám phá, phát hiện về khảo cổ học trong những năm gần đây, với một số nội dung sau: Khảo cổ học trục di tích Đoan Môn - Hậu Lâu - Bắc Môn, Kính Thiên, địa điểm 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng và một số địa điểm khác như địa điểm 11 Lê Hồng Phong, địa điểm 62-64 Trần Phú, địa điểm Giảng Võ, địa điểm Quần Ngựa, Văn Miếu, đàn tế Nam Giao, Đội Cấn - đê Bưởi. Đặc biệt là cuốn sách đã nêu lên được những giá trị lịch sử - văn hóa nổi bật toàn cầu của kinh đô Thăng Long.
Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc!

- Nxb: Sân Khấu - 2019
- Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm
- Số trang: 231 tr
Người Ê đê sinh sống chủ yếu ở Đắc Lắk. Trong xã hội đương đại, nhất là thời gian gần đây, do tác động của nhiều yếu tố môi trường, kinh tế, hỗn cư, tôn giáo, văn hóa từ bên ngoài v.v.. đã làm cho các thành tố văn hóa, trong đó có luật tục bị mai một, biến đổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của tộc người.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về tộc người Ê đê: khái quát điều kiện tự nhiên, nhóm tộc người, phân bố dân cư, khí hậu, đời sống, tập quán, trang phục, gia đình, dòng họ, văn hóa ứng xử v.v..
Chương 2: Luật tục Ê đê trong đời sống xã hội: Vai trò của luật tục, nội dung, tình hình sử dụng, nhân tố tác động v.v..
Chương 3: Bảo tồn và phát huy giá trị của luật tục Ê đê tại Đắk Lắk trong xã hội hiện đại.
Xin trân trọng giới thiệu!