“Đối thoại” mới ở Vườn Chuối
Ở di sản khảo cổ học Vườn Chuối đang có sự chung tay giữa chính quyền, ngành văn hóa, các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng phía cộng đồng sở tại. Sự chung tay, phối hợp này đang mở ra một mô hình tốt nhằm bảo đảm cân bằng giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển.
Ngày 13-5, tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối ở thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu một đợt khai quật mới. Đây là đợt khai quật thứ 10 kể từ lần đầu tiên năm 1969 và sau đợt khai quật gần đây nhất (năm 2019) tròn một năm. Đợt khai quật lần này nhằm mục tiêu hoàn thiện phương án tối ưu để giữ lại một phần và bảo tồn những giá trị quý giá của di chỉ này, từ đó tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng lớn là đường vành đai 3,5 của thành phố và khu đô thị Kim Chung - Di Trạch đã được doanh nghiệp Viettransimex đầu tư xây dựng từ nhiều năm qua.
Hố khai quật khảo cổ lần thứ 10 ở Vườn Chuối.
Sau thời gian khá dài âm thầm, sau nhiều lần bị xâm hại, mang số phận khá long đong hơn nửa thế kỷ với nhiều lần khai quật được các GS đầu ngành khảo cổ học Việt Nam chủ trì, đến nay những giá trị đặc sắc và độc đáo của khu di chỉ này đã được khẳng định và chính quyền thành phố đã quyết định chọn phương án bảo tồn một phần trên tổng diện tích hơn 19.000 m² của khu di chỉ.
Lần khai quật này, các nhà khảo cổ học đã chọn phương án “khai quật bảo tồn” để làm hiện rõ dòng chảy văn hóa hơn 3.000 năm. Những dấu vết cư trú, sinh hoạt, mai táng… đã chứng minh Lai Xá là một trong số những làng cổ xuất hiện sớm nhất ở vùng Thủ đô ngày nay. Những chứng tích của con người thời sơ sử tại di chỉ này nằm trong những tầng văn hóa kế tiếp liên tục suốt từ văn hóa Đồng Đậu đến văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 3.500 - 2.000 năm) sẽ được các nhà khảo cổ cẩn trọng bộc lộ và tìm phương án tốt nhất để giữ gìn và giới thiệu với công chúng. Các lớp văn hóa sẽ lộ dần với các di tích, di vật chồng xếp lên nhau từ trên xuống dưới, từ muộn đến sớm. Một nhà trưng bày tại chỗ cũng đã được tính đến trong phương án phát huy giá trị đặc biệt của di chỉ này.
Sau đợt khai quật khảo cổ lần thứ chín (năm 2019), UBND thành phố Hà Nội tạm đưa ra phương án bảo tồn nửa phía đông di chỉ gò Vườn Chuối. Tại đây sẽ khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Phần phía tây gò Vườn Chuối nằm trong quy hoạch đường vành đai 3,5 sẽ được tiến hành khai quật, nghiên cứu rồi giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng. Các di chỉ ở gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng sẽ được tiến hành khai quật nghiên cứu rồi xây dựng khu đô thị. Giải pháp này được đánh giá là vừa chọn được trọng tâm để bảo tồn văn hóa vừa không cản trở xây dựng phát triển.
Sau khi có những quyết định quan trọng này, chính quyền huyện Hoài Đức, xã Kim Chung đã cùng với các chủ đầu tư xây dựng cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ khoanh vùng bảo vệ khu di chỉ, phối hợp các nhà khoa học để thống nhất thời gian và những công việc cần thiết khi tiến hành khai quật. Dù việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 có làm gián đoạn tiến độ công việc nhưng sau dịch, guồng máy đã khẩn trương tái khởi động. Đại diện Công ty Viettransimex, chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, cũng cho biết: “Thời gian qua, chủ đầu tư đã phối hợp các ban, ngành, chính quyền địa phương và Viện Khảo cổ học để xác định ranh giới cắm mốc khoanh vùng khai quật di chỉ Vườn Chuối; tăng cường tuần tra bảo vệ để không xảy ra việc xâm phạm di chỉ. Chủ đầu tư cam kết sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để vừa phát triển vừa bảo tồn di chỉ lịch sử này một cách hài hòa và hiệu quả”.
Cùng với những động thái tích cực từ UBND thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, chính quyền địa phương và sự hợp tác của doanh nghiệp chủ đầu tư, còn có cuộc trưng bày “Đối thoại với Di sản khảo cổ học Vườn Chuối” được nhân dân Lai Xá nỗ lực thực hiện với sự giúp đỡ của Bảo tàng Nhân học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, một thương binh, sau khi giã từ quân ngũ về “nhậm chức” trưởng thôn (năm 2000) đã tiếp xúc và dần say mê với những kết quả khảo cổ học trên quê hương mình. Ông Thắng đã kêu gọi và cùng với nhiều người dân Lai Xá cần mẫn theo chân các nhà khảo cổ để chụp ảnh tư liệu, trân trọng nhặt nhạnh từng hiện vật sót lại trên công trường khai quật, kịp thời báo động, cùng bảo vệ di chỉ trước nạn đào trộm cổ vật và đang ra sức hoàn thành trưng bày “Đối thoại với Di sản khảo cổ học Vườn Chuối” như một tiếng nói tâm nguyện từ phía cộng đồng.
Với những động thái tích cực từ nhiều phía: quyết định bảo vệ kịp thời từ chính quyền, sự nỗ lực cẩn trọng của các nhà khoa học, sự hợp tác của các chủ đầu tư doanh nghiệp và sự chung tay góp cả tình cảm và công sức của cộng đồng người dân Lai Xá, có thể hy vọng nhìn thấy một hình mẫu mà ở đó bảo tồn văn hóa đã “hòa thuận” với sự phát triển của đô thị hiện đại.
Bài: Ngữ Thiên; Ảnh: Nguyễn Thơ Đình