Không vì phát triển mà quên lãng di tích khảo cổ học

Sức ép của phát triển đang đè nặng trên các di sản khảo cổ học. Nhiều di sản này dù đã xếp hạng nhưng chưa được quan tâm, bị xâm phạm, không phát huy được các giá trị, thậm chí bị xóa sổ trước khi kịp nghiên cứu, đánh giá.

Kho báu mong manh và tình trạng xuống cấp phổ biến

Tài nguyên di sản khảo cổ học của Việt Nam đa dạng về thể loại, giàu có về số lượng, mang nhiều tiềm năng để phát huy giá trị. Việt Nam có nhiều di sản khảo cổ học đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới như: Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); khu di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa); Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)... Nhờ công sức miệt mài của nhiều thế hệ các nhà khảo cổ học Việt Nam, kho tàng di sản này ngày càng phong phú hơn. Đến nay, đã có tới hàng trăm di tích khảo cổ học, hàng trăm triệu di vật là những hiện vật gốc chứng minh quá trình phát triển liên tục của những cư dân bản địa qua các giai đoạn lịch sử của người Việt Nam. Nhiều tàu đắm được phát hiện, khai quật trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam: Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam); Hòn Cau (Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu); Hòn Dầm (Phú Quốc, Kiên Giang); ở Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau… đã cho phác thảo về các tuyến đường giao thương quốc tế qua vùng biển Việt Nam.

Không vì phát triển mà quên lãng di tích khảo cổ học
Di tích bãi cọc Cao Quỳ được quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị.Ảnh: QUANG HIẾU.

Di sản khảo cổ học là một nguồn văn hóa mong manh và không tái sinh được. Khi một di tích khảo cổ được khai quật cũng đồng nghĩa nó sẽ bị phá hủy. Trong quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ (có thể coi là) rất nhanh như hiện nay, di sản khảo cổ học đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Sự bất cập khi thực thi Luật Di sản văn hóa, sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong quản lý, nghiên cứu và bảo tồn. Ở nhiều địa phương, di sản khảo cổ học chưa được quan tâm. Việc sử dụng quỹ đất trong xây dựng các công trình, dù được quy định chặt chẽ trong Luật Di sản văn hóa để giảm thiểu việc hủy hoại nguồn tài nguyên di sản khảo cổ học nhưng việc tuân thủ và thực thi không đồng bộ.

Trường hợp Di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) bị xâm hại nặng nề do nạn đào trộm cổ vật và nguy cơ bị xóa sổ bởi các dự án làm đường và xây khu đô thị là ví dụ điển hình. Ngay cả những di sản khảo cổ học nổi tiếng, có giá trị đặc biệt quan trọng, được xếp hạng cấp quốc gia cũng đối mặt với tình trạng bị xuống cấp. Điển hình như Di tích khảo cổ học Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). Đây được coi là khu di tích khảo cổ học quan trọng của quốc gia, nhưng do việc quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc” mà khu đất nằm trong quy hoạch xây dựng khu di tích rộng 4,2ha đã bị một số người dân tự ý lấn chiếm, trồng cây, ảnh hưởng lớn đến các điểm khai quật. Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Đông Sơn (Thanh Hóa) sau khi khai quật đã được giữ lại làm khu trưng bày ngoài trời, có mái che để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập. Tuy nhiên, việc bảo quản ngày càng bộc lộ nhiều bất cập vì khi được khai quật phát lộ, sự thay đổi môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, tác động của mưa nắng, nấm mốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của di tích, di vật, địa tầng... khiến di tích xuống cấp nhanh chóng.

Đừng để di sản khảo cổ bị lãng quên

Để bảo quản được một di sản khảo cổ học cần nguồn kinh phí thường xuyên của địa phương trong khi nguồn thu trực tiếp từ di sản khảo cổ học lại hầu như không có. Đây là một trong những nguyên nhân khiến di sản khảo cổ học bị coi là kém hấp dẫn hơn so với các loại hình di sản văn hóa khác. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa phi vật thể… đều có nguồn thu thường xuyên hàng năm từ các hoạt động du lịch. Trong khi đó, do đặc thù của loại hình di sản khảo cổ học rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài: Môi trường, khí hậu, thời tiết, con người… nên việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này cần đầu tư về vật chất và nhân lực lớn gấp nhiều lần so với các loại hình di sản vật thể khác. Điều này, dẫn đến việc nhiều địa phương đã chọn phương án phát triển và “hy sinh” di sản khảo cổ học.

Câu hỏi làm sao để vừa bảo vệ được di sản khảo cổ học mà không cản trở tới sự phát triển chung của kinh tế-xã hội luôn chờ được giải đáp. Phần lớn di tích khảo cổ học sau khi được khai quật, nghiên cứu thì toàn bộ di vật được chuyển về các bảo tàng để giải phóng mặt bằng, trả lại cho các dự án xây dựng. Nếu có được địa phương xếp hạng di tích và giữ lại bảo tồn sau khi được thám sát khai quật và nghiên cứu thì qua thời gian, các di sản khảo cổ học cũng bị xuống cấp, xâm phạm và dần chìm vào quên lãng. Như trường hợp Di tích tháp Chăm Phong Lệ (Đà Nẵng). Di tích đền tháp được đánh giá có quy mô lớn nhất miền Trung với niên đại gần 1.000 năm tuổi, có thể góp phần tìm hiểu về hệ thống di tích đền tháp Champa, tuy nhiên, sau gần 10 năm kể từ khi phát hiện, di tích này vẫn chưa được xếp hạng, các hố thám sát đã bị sụt lún nghiêm trọng, hiện vật bị phong hóa nằm vương vãi trên mặt đất...

Trái ngược với trường hợp Di tích tháp Chăm Phong, sau khi phát hiện hệ thống bãi cọc trên cánh đồng Cao Quỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), chính quyền, cơ quan quản lý các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc khiến Di tích bãi cọc Cao Quỳ ngay sau khi xuất lộ đã được khai quật nghiên cứu trên diện rộng. Các biện pháp bảo vệ đã nhanh chóng tiến hành; hoàn thiện Dự án tuyến đường vào và khu bảo tồn nhằm phát huy giá trị của di sản khảo cổ học đặc biệt này. Đây được là tín hiệu đáng mừng về ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học trong tương lai.

TS NGUYỄN ANH THƯ

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Nhà xb: Khoa học xã hội - 2024 - Số trang: 1358tr - Khổ: 19x27cm
- Tác giả: Trương Khởi Chi (Chủ biên) - Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội - Năm xb: 2021 - Khổ sách: 16 x 24 - Số trang: 661 trang
- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244

Tạp chí

Phần 3: KCH sơ sử và nhà nước sớm
Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9214975
Số người đang online: 12