Ngày 27/8, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ tại xã Gia Thủy (huyện Nho Quan). Dự hội nghị có các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu tham quan tại di tích

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu phát biểu tập trung làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích và các phương án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích này.

Được biết, từ tháng 7/2020 đến nay, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trên tổng diện tích 280m2 tại các địa điểm trường Tiểu học Gia Thủy; đình Mỹ Hạ thuộc xã Gia Thủy.

Kết quả khai quật mộ gạch tại trường Tiểu học Gia Thủy đã làm rõ toàn bộ hình dáng, quy mô và cấu trúc của một ngôi mộ gạch có quy mô lớn, niên đại thế kỷ I-II Công nguyên. Ngôi mộ cũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học về đề tài mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam. Ngoài ra, tại đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga, sau khi đoàn công tác thăm dò, khai quật khảo cổ, làm xuất lộ các dãy nền móng của ngôi đình cũ có quy mô to lớn nằm sâu dưới mặt đất 0.5m...

Tại hội nghị, đoàn công tác đã đề xuất phương án lấp bảo tồn di tích tạm thời đối với mộ gạch cổ và nền móng kiến trúc tại đình Mỹ Hạ nhằm giúp bảo quản di tích trong lòng đất, đợi những kế hoạch phát huy giá trị trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, phương án này giúp cho địa phương vẫn có thể sử dụng mặt bằng sân trường cho các em học sinh tựu trường vào đầu tháng 9 cũng như phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương tại đình Mỹ Hạ.

Việc khai quật, khảo cổ di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ tại xã Gia Thủy đã góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Nho Quan - Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Đặc biệt là sự đóng góp vào quá trình hình thành, phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt ở Kinh đô Hoa Lư, thế kỷ X.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cần xây dựng nhữngbảng chỉ dẫn, hình ảnh nhằm giáo dục lịch sử cho học sinh và nhân dân địa phương về kết quả nghiên cứu khảo cổ học - lịch sử  ở vùng đất này.

Bài và ảnh: Nguyễn Thơ Đình

Hai xác ướp đã được khai quật tại Thung lũng của các vị vua Ai Cập, nghĩa địa  có  lăng mộ của Vua Tut và các hoàng gia Ai Cập khác.
Ngoài các xác ướp, các nhà khảo cổ học cũng khai quật một số công xưởng, điều này tiết lộ chi tiết hơn về cuộc sống của  các công nhân xây dựng nên khu phức hợp hùng vĩ này. Phát hiện được công bố 10 tháng 10 năm 2019 tại một cuộc họp báo.

Các nhà khảo cổ khai quật một vài khu vực phía đông và tây Thung lũng của các vị vua Ai Cập (ảnh: Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập)
 
Mặc dù không tìm thấy lăng mộ hoàng gia nào, nhưng các phát hiện mới cho thấy các khu vực lưu trữ dụng cụ của công nhân,  tài liệu viết về cuộc sống của họ và thậm chí là một hiện vật đặc biệt mà công nhân có thể đã sử dụng để di chuyển đồ đạc.
Một trong những phát hiện quan trọng nhất là  phức hệ công xưởng rộng lớn được tìm thấy ở khu vực phía tây Thung lũng của các vị vua, gần thành phố cổ Luxor. Khu phức hợp này bao gồm các xưởng được sử dụng để tô màu đồ gốm, sản xuất đồ nội thất và làm sạch vàng, trưởng nhóm Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, cho biết tại cuộc họp báo.
 
Hawass cho biết: Gần khu phức hệ công xưởng, các nhà khảo cổ tìm thấy một khu vực dài 5 mét đã được đào xuống thung lũng và có thể được sử dụng như một kho chứa đồ (nơi cất giữ các vật dụng). Địa điểm này thu được các tàn tích  nhiều vật dụng, bao gồm tàn tích của hành tây, quả sung, vải lanh, dây thừng và các mảnh vật liệu còn sót lại sau quá trình ướp xác. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra một mảnh gỗ dài khoảng 0,9 m trông giống như một chiếc dĩa có hai ngạnh. Một dòng chữ tượng hình trên đó có nội dung "chúa tể của hai vùng đất." Hiện vật đặc biệt  này có thể đã được sử dụng như một chiếc đẩy hoặc xe nâng "để chứa đồ đạc để đưa vào bên trong lăng mộ”.

Gần đó, các nhà khảo cổ tìm thấy tàn tích  của các cấu trúc dùng để nướng bánh mì, làm đồ gốm và dự trữ nước. Họ cũng tìm thấy hai chiếc nhẫn, một trong số đó có khắc tên của Amenhotep III, một pharaoh có lăng mộ nằm ở thung lũng phía tây, và một chiếc nhẫn khác có thể đã được sử dụng cho nữ hoàng. Hawass cho biết ông hy vọng sẽ tìm thấy những ngôi mộ chưa được phát hiện  của các thành viên gia đình Amenhotep III, ông nội của Vua Tut, trong các mùa khai quật tiếp.

 
Nhiều phát hiện mới.
Ở phía đông Thung lũng của  các vị vua, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 10 bia khắc được viết trên mảnh gốm gần lăng mộ của Ramesses III (người trị vì từ năm 1184 trước Công nguyên đến năm 1153 trước Công nguyên). Trong khi công việc dịch thuật đang được tiến hành, các nhà khảo cổ có thể nói rằng ít nhất một trong những bản khắc "nói về những người thợ nam thực sự đến làm việc tại địa điểm này," Hawass nói.
Ông cũng cho biết: Gần lăng mộ của Ramesses VII (người trị vì từ năm 1136 trước Công nguyên đến năm 1129 trước Công nguyên), các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu tích của 40 túp lều nhỏ, có niên đại khoảng 3.300 năm, thực chất là kho chứa công cụ, các nam công nhân dùng để xây dựng lăng mộ.
Hawass cho biết: nhiều phát hiện  được tìm thấy gần lăng mộ của Hatshepsut, một nữ pharaoh, và bao gồm hài cốt của hai xác ướp nữ, cũng như một số bức tượng nhỏ shabti. Người Ai Cập cổ đại thường chôn cất shabtis (shabtis - một loại tượng nhỏ  giống như con người ) cùng với các xác ướp bởi vì họ  tin rằng các tượng này sẽ bảo vệ người đã khuất ở thế giới bên kia. Hai xác ướp nữ này không rõ là ai.
 Những phát hiện trên sẽ giúp các nhà khảo cổ học tìm hiểu thêm về những công nhân đã xây dựng các lăng mộ, và việc phát hiện những ngôi mộ hoàng gia mới có thể vẫn sẽ tiếp tục.
 
Khaled al-Anani, Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, cho biết tại cuộc họp báo “ Chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể tìm thấy những ngôi mộ hoàng gia hoặc tư nhân chưa được phát hiện trong thung lũng,. "Việc khai quật dự kiến sẽ mất nhiều năm hơn."


Nguồn tham khảo:
https://www.livescience.com/mummies-discovered-egypt-valley-of-kings.html


Người dịch: Minh Tran
 

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1290/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, tổng diện tích Quy hoạch hơn 977 ha, bao gồm: khu vực bảo vệ của di tích có diện tích 499,8 ha; khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích có diện tích 477,7 ha. Phạm vi Quy hoạch bao gồm phần đất thuộc địa phận các xã Thành Yên và Thành Minh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Thời gian thực hiện Quy hoạch từ năm 2021 đến năm 2030.
 

Hang Con Moong (thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa)


Du khách tham quan hang Con Moong

Mục tiêu dài hạn của việc quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận với minh chứng xác thực cho diễn tiến văn hóa của người Việt cổ. Bên cạnh đó, Quy hoạch còn nhằm khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa; giữ gìn, khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo; nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần nhân dân; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Theo định hướng, quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo đối với từng điểm di tích trên cơ sở bảo đảm tôn trọng tối đa tính nguyên gốc về giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực di tích; tái hiện tính đặc trưng của di tích là hang động gắn với rừng nguyên sinh bao quanh và suối. Đồng thời, định hướng quy hoạch nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Cúc Phương; bảo quản các hố khai quật khảo cổ hiện có; thực hiện thám sát, khai quật bổ sung trước khi triển khai hoạt động xây dựng công trình phát huy giá trị di tích có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có thể có các di chỉ.

Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, bao gồm: hang Con Moong; hang Lai; hang Diêm; hang Lý Chùn; hang Bố Giáo; thành đất đắp núi Đầu Voi; hang và mái đá Mộc Long. Quy hoạch phát triển không gian các khu phát huy giá trị di tích theo nguyên tắc bố cục không gian tự do, đường nét quy hoạch tự nhiên; hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới bảo đảm hài hòa với không gian cảnh quan bản địa và di tích hang động, chiều cao công trình…

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/8/2020.

Tin, ảnh: Nguyễn Thơ Đình
 
Viện Khảo cổ học trân trọng kính mời toàn thể cán bộ Viện Khảo cổ học cùng toàn thể quý thầy, cô, các nhà nghiên cứu tới dự buổi Tọa đàm khoa học: "Kết quả khai quật khảo cổ học Bãi cọc Cao Quỳ, Đầm Thượng (Huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng).
- Diễn giả: TS. Bùi văn Hiếu
- Thời gian: 9h sáng thứ 4 (ngày 19/8/2020)
- Địa điểm: Hội trường Viện Khảo cổ học
Xin trân trọng kính mời!
Viện Khảo cổ học
- Tác giả: Trần Lâm Biền - Trịnh Sinh
- Nxb: Hồng Đức - 2017
-  Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 259 tr + 151tr phụ lục (bản ảnh và bản vẽ)

Biểu tượng được cho là xác định tư cách cho những kiến trúc cùng với hệ thống đồ thờ liên quan để trở thành di tích mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Biểu tượng đã góp phần thiêng hóa kiến trúc thờ tự, nó đã hướng tâm con người đến lẽ huyền vi của đạo, hướng đến chân, thiện, mỹ, tránh thoát những dục vọng thấp hèn. Biểu tượng gắn với sản phẩm văn hóa hữu thể, nó chứa đựng những ước vọng truyền đời của tổ tiên, qua nó như qua thần linh để cầu nguồn hạnh phúc trần gian.
Nghiên cứu biểu tượng nhằm phác họa, đánh giá và phần nào giải mã một số yếu tố văn hóa nghệ thuật tạo hình trong các di tích cổ truyền của người Việt trong văn hóa Việt Nam.
Nội dung cuốn sách chia làm 2 phần:
Phần 1: Biểu tượng văn hóa nghệ thuật của cư dân Hà Nội thời tiền sử và sở sử.
Phần này tập trung vào hệ di sản văn hóa khảo cổ thuộc thời Tiền sử và Sơ sử trên đất Hà Nội (bao gồm cả phần mới mở rộng).
Phần 2: Biểu tượng văn hóa nghệ thuật của cư dân Hà Nội dưới thời quân chủ dân tộc. Bao gồm giá trị các công trình kiến trúc, giá trị điêu khắc tượng tròn, đồ thờ, giá trị và ý nghĩa các phù điêu trang trí trên di sản văn hóa.
Xin trân trọng giới thiệu!
 
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Lê Thanh Sang, Ono Mikiko
- Nxb: Khoa học xã hội - 2016
-  Khổ sách: 14 x 26 cm
- Số trang: 255 tr

Làng xã Việt nam và Đông Nam Á là đơn vị cư trú và là tổ chức xã hội truyền thống của cộng đồng cư dân ở khu vực nông thôn, trong các vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo. Đặc điểm nổi bật của làng xã Việt Nam và Đông Nam Á là vừa có tính cộng đồng và vừa có tính tự quản. Tuy nhiên, làng xã Việt Nam và Đông Nam Á cũng có nhiều biến đổi qua thời gian, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay.
Ở Việt Nam, về đại thể được phân làm ba miền (Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ) với sáu vùng (Đồng bằng sông Hồng, Trung du và Miền núi Bắc bộ, Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long). Làng xã tại mỗi vùng miền trên đây hàm chứa trong đó cái chung của làng xã Việt Nam và nét riêng của làng xã mỗi vùng miền.
Tọa đàm “Làng xã Việt Nam và Đông Nam Á trong thời kỳ hội nhập” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto đồng tổ chức.
Cuốn sách gồm nhiều bài viết của nhiều học giả, nhà nghiên cứu khác nhau về chủ đề làng xã Việt Nam và Đông Nam Á trong thời kỳ hội nhập.
 Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Trần Lâm Biền
- Nxb: Hồng Đức - 2017
-  Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 298 tr

Nghiên cứu về “kiến trúc cổ truyền Việt Nam” cũng là tìm về một mạch nguồn bản sắc dân tộc, qua đó phần nào cũng phản ánh được tính chất xuyên suốt, đa dạng trong thống nhất của lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Cội nguồn của kiến trúc Việt Nam bắt nguồn từ thời Tiền sử và Sơ sử, cách đây hàng chục ngàn năm. Tới thời Đông Sơn (niên đại từ thế kỷ VII trước công nguyên đến thế kỷ  thứ I sau công nguyên) người Việt khẳng định mình bằng các quốc gia sơ khai Văn Lang, Âu Lạc, được biểu hiện qua nền nông nghiệp trồng lúa nước.
Mười thế kỷ Bắc thuộc, trong cơn lốc giằng xé giữa đồng hóa triệt để và chống đồng hóa mãnh liệt ở mạch nối thượng tầng, dường như kiến trúc Việt đã tiếp thu có chọn lọc nhiều yếu tố Hán, song ở mạch chìm dân dã, sức sống của truyền thống vẫn tồn tại. Chỉ đến kỷ nguyên tự chủ, kiến trúc Việt Nam mới thực sự khởi sắc phong phú về thể loại, đa dạng dần về đối tượng vì đã hợp nguồn biết bao sắc thái của các tộc người anh em cùng sống trên mảnh đất này.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1: Một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến kiến trúc truyền thống Việt. Chương này đề cập để chủ nhân sáng tạo và sử dụng, các kiểu nhà dân gian liên quan đến kiến trúc của người Việt, vài nét về lịch sử xã hội liên quan đến kiến trúc.
Chương 2: Bước đi của kiến trúc ở vùng châu thổ.
Trong chương đề cập đến diễn biến loại hình di tích kiến trúc hiện còn qua các thời; sự phân bố của di tích kiến trúc hiện còn qua các thời; niên đại của các di tích kiến trúc hiện còn qua các thời; sự phát triển của các loại hình di tích qua các thời.
Chương 3: Tổ chức không gian, kết cấu và chạm khắc trên kiến trúc qua các thời.
Xin trân trọng giới thiệu!
 
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: GS. Trần Quốc Vượng
- Nxb: Khoa học xã hội - 2018
-  Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 470 tr

Cuốn sách giống như một cuốn hồi ký ghi lại chặng đường lịch sử nghiên cứu của GS. Trần Quốc Vượng, những mảnh đất nơi ông đã từng đến và đi qua trên mọi miền tổ quốc, cùng với những quan điểm, suy nghĩ, nghiên cứu của ông về lịch sử, văn hóa và tâm thức người Việt. Đặc biệt là khảo cổ học.
Các vấn đề lịch sử văn hóa, các vùng đất được đề cập đến trong quyển sách như: đất tổ Đền Hùng, trống đồng và tâm thức Việt cổ, mảnh đất Vĩnh Phú, Cổ Loa, Làng Bùng, Trạng Bùng, khảo cổ học khu vực Hương Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hà Bắc, Sông Châu - Núi Đọ, Xứ Thanh, Hà Tĩnh ...
Xin trân trọng giới thiệu!
- Tác giả: GS. Trần Lâm Biền
- Nxb: Khoa học xã hội - 2017
-  Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 179 tr
 
Đình làng, một kiến trúc truyền thống thân thương của người Việt, ngay từ khi ra đời, đình làng đã là một mảng tâm hồn của dân tộc, gắn kết chặt chẽ với những “thác ghềnh” lịch sử của thôn xã và dân tộc. Đương nhiên, trong quá trình tồn tại, nó đã phản ánh trung thành bước đi văn hóa và nhu cầu sử dụng của tổ tiên ta, mặt nào đó cũng cho thấy mối giao lưu với kiến trúc của dân tộc khác.
Nội dung cuốn sách nêu đầy đủ quá trình hình thành, phát triển diễn biến trong lịch sử của kiến trúc đình làng vùng châu thổ Bắc bộ.

Cuốn sách gồm các chương sau:
Chương 1: Khái quát về sự hình thành và phát triển của Đình làng Việt Nam
Chương 2: Nghệ thuật kiến trúc đình làng: chương này nêu các vấn đề như không gian kiến trúc, mặt bằng của ngôi đình làng, cấu trúc bộ khung của đình làng.
Chương 3. Chạm khắc ở đình làng: kỹ thuật chạm khắc, các đề tài chạm khắc và các vấn đề liên quan như về lễ hội đình làng
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc và các nhà nghiên cứu!
 
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Viện Nghiên cứu Kinh thành
- Nxb: Khoa học xã hội - 2019
-  Khổ sách: 24 x 29 cm
- Số trang: 255 tr

Kinh thành cổ Việt Nam
là ấn phẩm khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành, được xuất bản hàng năm, mỗi năm một tập.
Đây là ấn phẩm chuyên ngành về khảo cổ học đô thị, chuyên biên soạn và công bố những thành tựu nghiên cứu mới về các lĩnh vực liên quan đến kinh thành cổ Việt Nam và châu Á.

Năm 2019 là năm thứ hai của Kinh thành cổ Việt Nam được xuất bản. Trong năm này, Kinh thành cổ Việt Nam lựa chọn công bố các bài viết chuyên khảo về các lĩnh vực liên quan đến di sản văn hóa Champa và Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại các di tích và kết quả nghiên cứu, chỉnh lý di vật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long do Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức trong nhiều năm qua.

Các kết quả nghiên cứu mang tính hệ thống về văn hóa Sa Huỳnh, thành cổ Champa ở miền Trung và những nghiên cứu mới về đồ gốm Champa - Bình Định trong bối cảnh thương mại biển châu Á, đồ gốm Hải Dương trong bối cảnh đời sống Hoàng cung Thăng Long thời Lê hay các vấn đề liên quan đến nghệ thuật, kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần, cùng những nghiên cứu so sánh về vườn cổ điển Trung Quốc lần đầu tiên được công bố trong ấn phẩm này.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm khoa học năm 2019 của Viện Nghiên cứu Kinh thành!
Ngô Thị Nhung
 

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9589365
Số người đang online: 16