Sáng 29-9, tại TP Hải Phòng, Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tiến hành khai mạc Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 - năm 2020.
Tới dự khai mạc Hội nghị Về phía thành phố Hải Phòng có ông Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng. Về phía Viện Hàn lâm có GS.TS. Phạm Văn Đức (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam), GS.TS Andrew Hardy (Viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội), TS. Nguyễn Văn Đoàn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), TS Nguyễn Gia Đối (Q. Viện trưởng Viện Khảo cổ học), cùng đông đảo các nhà khoa học trong các lĩnh vực Khảo cổ học, nhân chủng học, địa chất học, bảo tàng học, di sản…Theo Ban tổ chức, năm nay hội nghị đã nhận được 341 bài viết theo các chủ đề của 4 tiểu ban: Khảo cổ học Tiền sử 105 bài, Khảo cổ học Lịch sử 166 bài, Khảo cổ học Champa – Óc Eo 48 bài, Khảo cổ học Dưới nước 16 bài và 6 bài về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ. Đây là những phát hiện mới về di tích, di vật cũng như những nghiên cứu chuyên sâu xuyên suốt từ thời tiền sử đến lịch sử.



Tại hội nghị lần này, nhiều hoạt động khảo cổ học của Bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Trung tâm Khảo cổ học- Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ; Viện Khảo cổ học về những phát hiện mới của khảo cổ học thời đại Tiền sử, Lịch sử, Champa-Óc eo, Khảo cổ học dưới nước được công bố…
Sau phiên khai mạc, các nhà khoa học sẽ trình bày và thảo luận tại các phòng họp tiểu ban. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/9 và bế mạc vào 11h-11h30 sáng 30/9.
 
 

Vườn Chuối, Thành Dền, Đình Tràng… là những di chỉ khảo cổ học quý giá của Hà Nội. Bảo tồn được những di chỉ, lưu giữ những chứng tích quan trọng về quá trình cư trú và sáng tạo văn hóa lâu đời của cư dân này, Hà Nội sẽ giữ được những chứng tích, nối dài thêm bản “lý lịch văn hóa” của mình hàng nghìn năm trước khi có lịch sử. Nhưng muốn vậy, trước tiên cần có một bản quy hoạch khảo cổ học đầy đủ, chi tiết và khả thi.

Thành Dền và nhiều di chỉ khảo cổ học khác vẫn đang chờ một quy hoạch khảo cổ học của Hà Nội để được bảo vệ. Ảnh: Nguyễn Thơ Đình
 

Một di tích quan trọng thời “tiền Đông Sơn”

Thời gian vừa qua dư luận đã ngạc nhiên xôn xao biết đến giá trị đặc biệt của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Khu di chỉ này đang đứng trước áp lực giải phóng mặt bằng cho các công trình xây dựng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết có một phương án hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Nhưng ít người biết Hà Nội còn có nhiều khu di chỉ khảo cổ học khác, quý giá nhưng đã bị lãng quên. Di chỉ khảo cổ học Thành Dền (thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội) là một thí dụ tiêu biểu.

Thành Dền có nhiều tên gọi khác nhau như Thành Cự Triền, Thành Trại hay Thành Cờ, tương truyền là nơi xưa kia Hai Bà Trưng cho đắp thành chống lại quân Nam Hán. Đã qua ba lần thám sát, bảy lần khai quật với tổng diện tích 559,5 m2 trong những năm từ 1972 - 2013, các nhà khoa học đã xác định khu vực di tích có diện tích rộng hơn 40.000 m2, và tìm thấy các sưu tập hiện vật đồ đồng, đá, gốm, xương có số lượng phong phú, các loại hình di tích độc đáo như những hố đất đen, vết tích bếp, vết tích lò đúc đồng, mộ táng, cụm gốm, cụm đất nung… mang đặc trưng điển hình của văn hóa Đồng Đậu (3.500 - 2.900 năm cách ngày nay). Đáng chú ý, tại Thành Dền đã phát hiện được dấu tích của chín lò nấu kim loại đắp bằng đất sét còn khá nguyên vẹn, số lượng lớn di vật là khuôn đúc, mảnh khuôn đúc, lõi khuôn, mảnh gốm vụn dính xỉ đồng, mảnh nồi nấu đồng, đồ đồng, các cục xỉ đồng là phế phẩm của quá trình luyện kim. Đây là những minh chứng chắc chắn về sự phát triển của một cơ sở chế tác đồ đồng quy mô lớn ở Thành Dền. Cho tới nay, đã xác định được 15 địa điểm khảo cổ văn hóa Đồng Đậu có chứa các vết tích liên quan tới hoạt động đúc đồng trong giai đoạn Đồng Đậu, nhưng ở Thành Dền vết tích dày đặc về mật độ và phong phú về loại hình nhất. Người thợ đúc Thành Dền đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ kỹ thuật, trình độ đúc đồng điêu luyện, quy mô hoạt động sản xuất đã mở rộng, thu hút đông nhân lực tham gia. Cùng với chứng tích của nghề nông trồng lúa nước, những dấu tích về nghề luyện kim đồng và chế tác đồng, những ngành nghề thủ công nghiệp với trình độ chuyên môn hóa cao được tìm thấy ở Thành Dền là minh chứng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của những cộng đồng cư dân cổ ở khu vực Hà Nội ngày nay. Rộng hơn, có thể khẳng định Thành Dền là một trong những di tích quan trọng nhất thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng.

Mặc dù mang nhiều giá trị khoa học, văn hóa nhưng cho đến nay di chỉ Thành Dền vẫn nằm ngoài tất cả những danh sách di tích, di chỉ cần bảo vệ. Đơn giản vì nó chưa được xếp hạng nên không được bảo vệ bằng luật. Thành Dền và nhiều di chỉ khảo cổ học khác còn chờ một quy hoạch (để bảo vệ) khảo cổ học của Hà Nội.

Trong khi chờ đợi, di chỉ Thành Dền đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại do hoạt động canh tác nông nghiệp. Trở lại khảo sát Thành Dền giữa tháng 8-2020, GS khảo cổ học Lâm Mỹ Dung (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) trăn trở: “Nếu không có biện pháp kịp thời can thiệp thì chẳng bao lâu, chứng tích quan trọng nhất về một trung tâm/làng đúc đồng lớn nhất châu thổ Bắc Bộ sẽ chỉ còn trong hồ sơ và ký ức của các nhà khoa học”. 

Cần sớm có quy hoạch khảo cổ học Hà Nội 

Phía dưới Hà Nội hôm nay còn là cả một “Thăng Long - Hà Nội trong lòng đất”. Một nhà khảo cổ học nói vui (mà thật): “Cả Hà Nội là một bảo tàng lớn. Ở Hà Nội đào ở đâu cũng có thể thấy công trình khảo cổ, cũng có thể gặp hiện vật khảo cổ...”. Đó là “mối nguy” cho các nhà quản lý, các nhà xây dựng khi các di sản có thể sẽ “kìm chân” các dự án. Dường như các nhà khảo cổ học, các nhà văn hóa đang ở vị thế “đối đầu” (!) với các nhà đầu tư xây dựng, thậm chí cả các nhà quản lý khi thực hiện các dự án? 

Từ trường hợp di chỉ Vườn Chuối và Thành Dền, có thể nhìn thấy sự thiếu đồng bộ và nhất quán về quản lý, nghiên cứu và bảo tồn, chưa có quy hoạch khảo cổ học khi quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn ngày càng nhanh và mạnh đang gây nên nhiều hệ lụy và mất mát lớn cho di sản. Chính vì vậy, việc gấp cần kíp hiện nay là Hà Nội phải tiến hành xây dựng Quy hoạch khảo cổ học, trong đó xác định (tương đối) những khu vực nào có các di tích dày đặc và quan trọng, khu vực nào có mật độ di tích vừa phải, khu vực nào không có di tích. Quy hoạch đó phải được chính thức hóa về mặt Nhà nước, được phê duyệt, công bố bởi các cấp có thẩm quyền. Khi đã có một quy hoạch bảo tồn trên cơ sở thăm dò và khảo sát về khảo cổ học, chúng ta có thể đưa ra được những phương án tối ưu để bảo đảm phát triển đồng thời vẫn bảo tồn được tối đa các di sản, di tích, di vật. Và cũng cần lưu ý bảo vệ, bảo tồn không chỉ những di tích đã được xếp hạng mà phải chú ý đến cả những di tích chưa được (kịp) xếp hạng.

TS NGUYỄN ANH THƯ (Bài gửi nhandan.com.vn)
Hội nghị Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2020 sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị thành phố Hải Phòng (số 18 Hoàng Diệu - Hồng Bàng - Hải Phòng) từ ngày 28-30/9/2020.
​Ban tổ chức thông báo chương trình Hội nghị như sau:
Ngày 28/9:
+ 12h-14h30: Đưa đại biểu từ Viện Khảo cổ học đi tham dự Hội nghị
+ 14h30-17h: Tham quan Di tích bãi cọc Cao Quỳ và Khu di tích Bạch Đằng Giang
+ 18h30-20h30: Tiệc chiêu đãi của UBND thành phố Hải Phòng
Ngày 29/9:
+ 8h-11h30: Phiên khai mạc Hội nghị
+ 13h30-17h: Báo cáo và thảo luận tại các tiểu ban
Ngày 30/9:
+ 8h-9h45: Báo cáo và thảo luận tại các tiểu ban
+ 10h-11h30: Tổng kết và bế mạc
+ 12h-13h30: Tiệc chiêu đãi của Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
+ 14h-16h30: Đưa đại biểu về Hà Nội
(Chi tiết xem file đính kèm)
Trống đồng Heger I, hay trống Đông Sơn, là sản phẩm tiêu biểu nhất của văn hóa Đông Sơn thời Sơ sử. Tuy nhiên, câu hỏi trống Đông Sơn được đúc như thế nào vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Vào các năm 2014 - 2015, 923 mảnh khuôn đúc trống đồng đã được phát hiện tại di tích Luy Lâu, đây là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về trống đồng.
Trên cơ sở các phân tích về kiểu dáng, chất liệu, dấu vết kỹ thuật, hoa văn của các mảnh khuôn để phục dựng lại hình dáng và hoa văn của trống Luy Lâu. Qua so sánh trống Luy Lâu với các loại hình trống Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, kết hợp với kết quả phân tích niên đại C14 các mảnh khuôn, bàiviết đã có một số nhận định bước đầu về: (1) niên đại của mảnh khuôn, theo đó là niên đại của loại trống tương ứng được đúc bởi những chiếc khuôn này; (2) quy trình đúc trống; (3) một số giá trị lịch sử và văn hóa của sưu tập khuôn đúc quý giá này.

(Theo Trương Đắc Chiến, số 3/2020).
- Tác giả: Đặng Văn Thắng, Nguyễn Hữu Giêng, Hà Thị Sương
- Nxb: TP.HCM - 2020
-  Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 254 tr
Vương quốc Phù Nam là một vương quốc cổ ở Đông Nam Á, tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau công nguyên, có diện tích bao trùm từ Nam Bộ Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan, phía nam Lào, một phần phía đông Myanmar và một phần phía nam Malaysia ngày nay.
Vương quốc Phù Nam được hình thành từ các tiểu quốc (tiểu quốc trong Mandala), mà tiểu quốc đầu tiên là Na Phật Na, trung tâm là vùng đất Óc Eo ngày nay. Từ Na Phật Na (Óc Eo) phát triển rộng ra hình thành tiểu quốc Na Phật Na, tiểu quốc “chinh phục từ đầm lầy”, tiểu quốc Cát Tiên và các tiểu quốc khác nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam ngày nay.
Tiểu quốc Na Phật Na là vùng trung tâm trong Madala, là vùng địa lý ở sông Hậu, bao gồm khu vực vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh, vùng lòng chảo Ô Môn Phụng Hiệp và vùng Sóc Trăng, Bạc Liệu ... Trung tâm vùng tứ giác Long Xuyên - Khu di tích Óc Eo cho đến nay vẫn được nhìn nhận là địa điểm khảo cổ có quy mô rộng lớn nhất, tập trung nhiều di tích nhất, di tích đa dạng nhất và có tổ hợp di vật lớn nhất về số lượng, đa dạng nhất về chủng loại, cao cấp nhất về trình độ kỹ thuật, về thẩm mỹ nghệ thuật so với những vùng khác trong vương quốc Phù Nam.
Căn cứ vào sự dày đặc, quy mô đồ sộ của những công trình kiến trúc, tầng văn hóa dày đặc những vết tích của những di chỉ cư trú, sự xa hoa rõ nét của các di vật đặc biệt như đồ nữ trang, trang sức quý giá bằng, hạt ngọc, tiền vàng, đồ thủy tinh,... đã tìm được ở khu vực sông Hậu có thể xác định được chính xác vị trí quan trọng của Na Phật Na, không chỉ là một tiểu quốc lớn, tiểu quốc trung tâm, một cảng thị quan trọng mà còn là kinh đô đầu tiên chi phối về kinh tế, thương mại, chính trị đối với các tiểu quốc xung quanh trong suốt ba đời dòng họ Hỗn cai trị Phù Nam (Hỗn Điền - Hỗn Bàn Huống - Hỗn Bàn Bàn) từ lúc hình thành vào thế kỷ I cho tới đầu thế kỷ III. Sau đó, do nhu cầu cần đảm bảo độ an toàn cho bộ máy quản lý nhà nước mà Angkor Borei đã được chọn làm kinh đô để xây dựng thành một khu vực hành chính quân sự độc lập khỏi khu vực cảng thị Óc Eo, khi phát triển thành đế quốc/ đế chế Phù Nam (từ thế kỷ III).
Cuốn sách giới thiệu toàn bộ về Na Phật Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam với 4 chương:
Chương 1: Giới thiệu khái quát về tiểu quốc Na Phật Na
Chương 2: Các di tích và di vật tiêu biểu đã phát hiện ở kinh đô Na Phật Na
Chương 3: Đặc điểm dân cư và kinh tế - văn hóa - xã hội của kinh đô Óc Eo thời Phù Nam
Chương 4: Vị trí của kinh đô Na Phật Na trong vương quốc Phù Nam và mối quan hệ với các khu vực khác trên thế giới.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung

- Tác giả: Viện Nghiên cứu Hán nôm

- Năm xuất bản: 2019

- Số trang: 737

Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam tái bản lần này, tác giả mới đưa được 1.137 tên tự, tên hiệu, đạo hiệu và biệt hiệu khác nhau của 791 tác gia Hán Nôm. Các tên tự, tên hiệu, đạo hiệu và biệt hiệu được lựa chọn lần này chủ yếu lấy ở thư tịch Hán Nôm, văn khắc Hán Nôm hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, còn thư tịch Hán Nôm ở các địa phương cũng như các loại hình văn bản khác, tác giả chưa có điều kiện đi sâu. Hy vọng vào một thời điểm thích hợp, Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam sẽ tiếp tục lựa chọn bổ sung một cách đầy đủ hơn. Việc sưu tầm tên tự tên hiệu của các tác gia Hán Nôm Việt Nam tựa như mò kim đáy biển, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm và bổ sung.

Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam là một loại sách công cụ, trong quá trình biên soạn thực sự gặp nhiều khó khăn, tác giả đã cố gắng ở mức độ cao nhất, nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Mong được độc giả chỉ giáo để có thể bổ sung và sửa chữa được tốt hơn.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Nguồn: Nhà xuất bản Khoa học xã hội

 

 

Các công cụ xương cổ nhất ở châu Âu được phát hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc Đại học London, những công cụ này tiết lộ cho chúng ta biết về những người đã làm ra chúng.
 

Công cụ được làm từ xương ngựa ( Ảnh chụp bởi Viện Khảo cổ học - Đại học London )
Boxgrove ở Sussex là một địa điểm thuộc thời kỳ đồ Đá cũ, và đây là nơi phát hiện ra những di cốt người cổ nhất ở Anh – các hóa thạch Homo heidelbergensis. Là một phần của di chỉ đá cổ rộng 26 km được bảo tồn đặc biệt, hầu như không bị ảnh hưởng của con người sơ khai gần nửa triệu năm trước.
 
Khu vực được bảo tồn hoàn hảo nhất của địa điểm này được biết đến với tên gọi “Di chỉ giết thịt ngựa”, nơi một con ngựa lớn đã bị giết và chế biến cách đây khoảng 480.000 năm. Kể từ năm 1994, chúng tôi đã làm việc trên các đồ tạo tác bằng xương và đá từ đây - một số đồ tạo tác sớm nhất ở Châu Âu - như một phần của nhóm đa ngành do Viện Khảo cổ học – Đại học London dẫn đầu. Điều này đã mang lại cho chúng tôi những hiểu biết quan trọng về cuộc sống của H heidelbergensis bí ẩn, mà chúng tôi vừa công bố trong một cuốn sách.
Nghiên cứu của  Matt Pope - một thành viên trong nhóm nghiên cứu của thuộc Đại học London tập trung vào các đồ tạo tác bằng đá - hơn 1.750 mảnh đá lửa đã được mài. Các công cụ này, cùng với xương của một con ngựa cái lớn, đã được phát hiện hơn một phần tư thế kỷ trước, và vị trí của mỗi đồ tạo tác được vẽ chính xác đến từng milimet.
Mức độ ghi này đạt được mà không cần đến thiết bị khảo sát laser và chụp ảnh kỹ thuật số - hai cơ sở chính của việc ghi chép địa điểm khảo cổ hiện đại ngày nay. Thay vào đó, nhóm khai quật đã sử dụng kỹ thuật chụp ảnh từ trên cao, một phòng tối được thiết lập trong quán rượu nhỏ và bút mực để ghi lại tỉ mỉ vị trí của từng công cụ bằng đá và mảnh xương.
Trước khi có thể giải thích những gì người sớm đã làm tại địa điểm này, chúng ta phải hiểu các trầm tích bảo quản các di cốt. Các cuộc điều tra này cho thấy bản thân các lớp trầm tích này dường như là đất đầm lầy liên thủy triều, được hình thành ở rìa một đầm phá trong giai đoạn khí hậu ấm . Khi những người sớm làm thịt con ngựa, một đợt thủy triều cao ập đến, bảo tồn địa điểm này giống như khi những người này chuyển đi.
“Việc bảo tồn như trên là rất hiếm trong bất kỳ thời kì khảo cổ nào, ngay cả những thời kì gần đây. Các lớp bùn mịn đã chôn vùi địa điểm này qua một hoặc nhiều đợt thủy triều cao mà không làm di chuyển các hiện vật hoặc các di cốt một khoảng cách đáng kể. Điều này có nghĩa là chúng tôi có thể phục dựng lại hành vi ban đầu của con người ở mức độ phân giải cao”. Matt Pope cho hay.
 
Công việc của  Matt Pope là ghép lại các công cụ đá di chỉ này lại với nhau - một quá trình được gọi là “ phục dựng lại”. Mỗi mảnh tước được  người cổ lấy ra sẽ chỉ phù hợp, duy nhất, với những mảnh đá khác được lấy ra từ cùng một khối đá lửa ngay trước và sau nó.
Việc tái tạo lại có thể cung cấp cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về cách một cá nhân tạo ra một công cụ, điều chỉnh và giải quyết vấn đề, đôi khi thay đổi vị trí khi họ dành ra có lẽ 10 hoặc 15 phút để làm mỗi công cụ.
 Matte Pope cho biết: Từ việc trang bị lại, chúng tôi có thể ghi lại quá trình sản xuất 8 công cụ cắt lớn (được gọi là rìu tay hoặc công cụ ghè hai mặt), việc sửa đổi các công cụ khác đã có từ trước và chuẩn bị các khối đá lửa đã được đưa đến địa điểm này.
Khi kết hợp với việc phục dựng lại xương, nghiên cứu chi tiết của chúng tôi đã tiết lộ một cái nhìn sâu sắc đáng kể về một ngày trong đời sống của những người khó nắm bắt này. Trong khi tất cả hoạt động tập trung vào việc chế tạo công cụ và làm thịt ngựa, chúng tôi có thể theo dõi chuyển động chi tiết trong ngày.
Ông cũng cho biết thêm:  Chúng tôi thấy rằng những mảnh tước được chuyển từ những đống vật liệu thải ở rìa khu vực được sử dụng để lọc thịt con vật. Các bộ phận của con ngựa này cũng được sử dụng làm các công cụ xương để tạo ra các công cụ mới, như được tiết lộ bởi những dấu in ngẫu nhiên của đầu gối và chân ngựa để lại như những cái bóng trong các mảnh tước bỏ đi . Điều này cho thấy rằng con người đã hiểu các đặc tính của vật liệu hữu cơ. Sự di chuyển của các mảnh tước, việc sản xuất các công cụ cắt lớn và việc mang các hiện vật phong hoá, già hơn  và khối hoặc nguyên liệu thô cũ hơn, đến địa điểm này cho thấy rằng một số lượng tương đối lớn người đã tham gia vào việc giết ngựa. Với quá trình chế biến rộng rãi  xác ngựa, chúng tôi tin rằng nó có thể bao gồm một đại gia đình có thể có 30 cá thể hoặc nhiều hơn.
Đây là thông tin vô cùng quý giá vì chúng tôi biết quá ít về các khía cạnh khác trong cuộc sống của người dân Boxgrove. Ví dụ, chúng tôi không biết họ ngủ ở đâu, chăm sóc người chết như thế nào hoặc họ đã ăn gì cùng với thịt ngựa. Hồ sơ khảo cổ học chủ yếu tập trung vào các hoạt động của họ tích lũy các vật liệu bền ở đâu,  chẳng hạn như đá và xương, điều này đã định hình rất nhiều quan điểm của chúng ta về người sớm.
Do đó, các bài báo của chúng tôi đôi khi tập trung vào các lĩnh vực được phân chia theo từng khía cạnh  của cuộc sống người sớm, chẳng hạn như sinh thái hoặc kĩ thuật. Nhưng một địa phương như Di chỉ giết thịt ngựa Boxgrove nhắc nhở chúng ta, khi xem xét chi tiết, tất cả các khía cạnh của sự thích nghi của con người đều được điều chỉnh thông qua sự thích nghi tiến hóa mạnh mẽ nhất của chúng ta: đời sống xã hội và văn hóa.
Người Boxgrove, giống như tất cả các loài người khác, có khả năng chia sẻ thời gian, sự quan tâm và kiến thức trong tất cả các phần của cuộc sống của họ. Những kết nối này, ngay cả trong những công việc thường ngày nhất, đã luôn đóng góp vào sự thành công và sự bền bì của chúng ta.
 
Nguồn tham khảo:

https://www.independent.co.uk/news/science/bone-tools-stone-age-boxgrove-europe-ucl-archeology-a9671216.html

Người dịch : Minh Trần


 

Ngày 27-8, tại xã Gia Thủy (huyện Nho Quan, Ninh Bình), Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình phối hợp các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội khoa học báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học và nghiên cứu lịch sử - văn hóa khu vực này với nhiều kết quả đáng chú ý.

Quy mô lớn cho giả thiết về một khu trị sở cấp cao

Xã Gia Thủy (thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình) là vùng đất trũng, được bao bọc bởi sông Bôi ở phía đông và sông Đập ở phía tây. Dân cư khu vực này sống trên các gò, mô đất cao, chung quanh là các đầm, ao, ruộng trũng ngập nước. Khi chưa có đê Hoàng Long, mùa lũ nước đổ về gây ngập lụt nhưng rút nhanh, đồng ruộng được bồi đắp phù sa, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp.

Từ năm 2002, ở thôn Mỹ Hạ (xã Gia Thủy) đã phát hiện dấu hiệu di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ. Cuối tháng 12-2019, một kiến trúc gạch cổ lại được phát hiện khi đào móng xây dựng phòng học trong khuôn viên trường tiểu học xã Gia Thủy. Từ đây, xuất hiện những lời đồn đoán trong nhân dân địa phương cho rằng, khu vực này có mộ vua Đinh Tiên Hoàng (!).

Tháng 2-2020, Bảo tàng Ninh Bình đã tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi mộ gạch đó, nghiên cứu, xử lý và công bố kết quả nghiên cứu để loại trừ những tin đồn gây hoang mang dư luận. Các nhà khảo cổ học đã xác định đây là một ngôi mộ gạch có niên đại thế kỷ 3 sau Công nguyên. Mộ đã nhiều lần bị xâm phạm nhưng vẫn tìm thấy trong mộ nhiều hiện vật tùy táng như: gương đồng, chậu đồng, hạt cườm bằng vàng, bằng đá ngọc và nhiều đồ gốm men, đồ sành. Sau khi khai quật, những hiện vật đã được chuyển về bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình.

Trong tháng 8-2020, tại khuôn viên Trường tiểu học Gia Thủy, các nhà khoa học đã thăm dò, khai quật khảo cổ học với tổng diện tích 130 m2, phát hiện một ngôi mộ gạch có quy mô khá lớn: chiều dài 8,46m, gồm ba gian, chiều rộng lớn nhất là 3,5m. Đã tìm thấy nhiều đồ tùy táng trong mộ gồm gương đồng, hạt chuỗi, đồ đá trang sức và nhiều đồ gia dụng làm từ gốm men, đồ sành. Đặc biệt, nhóm đồ gốm men trong mộ hầu hết đều là những bản mô phỏng của các loại đồ đồng thời Đông Hán (Trung Quốc) như thống có nắp đậy, bình tỳ bà, tô có chân cao, chén hình bầu dục có tai (nhĩ bôi)... Cấu trúc xây dựng mộ gạch với nhiều phòng (thất) mang phong cách mộ táng của tầng lớp quan lại quý tộc thời Bắc thuộc; gạch xây mộ có các đồ án hoa văn trang trí ô trám đơn, ô trám lồng, xương cá, đồng tiền... cùng đồ tùy táng mang ảnh hưởng của nhóm đồ đồng giai đoạn Đông Hán,... cho phép sơ bộ nhận định ngôi mộ có niên đại thế kỷ 1 - 3 sau Công nguyên. Đây cũng là ngôi mộ có kích thước lớn và có bộ hiện vật tùy táng gốm sứ đầy đủ nhất được phát hiện ở Ninh Bình từ trước đến nay. 


Các nhà khoa học nghe báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học tại Gia Thủy.

Mộ gạch phát hiện tại xã Gia Thủy có hình dạng, quy mô và cấu trúc tương tự những ngôi mộ gạch đã được tìm thấy ở Thuận Thành (Bắc Ninh), Quảng Yên (Quảng Ninh), Quốc Oai (Hà Nội), Kim Thành (Hải Dương) - là nơi có những trị sở lớn của chính quyền đô hộ thời Bắc thuộc. Dựa vào quy mô xây dựng to lớn và lượng đồ tùy táng phong phú, có thể dự đoán chủ nhân của ngôi mộ này là quan lại cấp cao trong xã hội đương thời.

Ngoài hai ngôi mộ gạch đã được khai quật trong tháng 2 và tháng 8-2020, người dân ở khu vực này còn cung cấp thông tin cho biết còn nhiều ngôi mộ gạch khác, cho phép nhận định trên địa bàn các xã Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường (Nho Quan) và Liên Sơn (Gia Viễn) đã tồn tại một hệ thống mộ gạch có niên đại những thế kỷ đầu Công nguyên, có thể đặt ra giả thiết rằng thời Bắc thuộc ở vùng Ninh Bình ngày nay đã từng có một trị sở quy mô, với những quan lại cấp cao.

Nhiều liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh và thời kỳ “tiền Hoa Lư”

Một hố khai quật khảo cổ học diện tích 120m² tại đình Mỹ Hạ (xã Gia Thủy) thờ Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga đã phát hiện một mặt bằng kiến trúc thờ tự có quy mô khá lớn. Bên cạnh việc khai quật nghiên cứu khảo cổ học, các nhà khoa học còn tiến hành điều tra điền dã để thu thập tư liệu lịch sử văn hóa - nhân học - Hán Nôm tại tại sáu xã: Gia Thủy, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường (Nho Quan), Gia Hưng và Liên Sơn (Gia Viễn). Những kết quả điều tra đã ghi nhận những chứng tích lịch sử và văn hóa dân gian liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh và nhà Đinh.

Đây là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, có nhiều liên quan tới quê hương, thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh và sau này còn là căn cứ quân sự, có quan hệ mật thiết với kinh đô Hoa Lư. Ở đây còn nhiều dấu tích, địa danh gắn với các sự tích truyền thuyết liên quan đến thân thế và hành trạng lúc thiếu thời của vua Đinh Tiên Hoàng như: miếu Long Viên, giếng Ngọc, đền Cầu Mổ, đình Mỹ Hạ, đồi Họ, nội Cầu, nội Rốn Chiêng, nội Chòi, nội Nắm Cơm, nội Bàn Cờ, bến Ngự Dội, đồng Quân, vườn Kiệu, rừng Am…

Các di tích liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện nhiều nhất ở Gia Thủy (sáu điểm) và lan dần theo hướng về phía hạ lưu sông Bôi. Dấu ấn của Nho, Phật, Đạo hòa cùng tín ngưỡng dân gian của cư dân địa phương qua việc thờ tự ở các di tích đình, đền, chùa, miếu thể hiện rõ sự hỗn dung văn hóa tại khu vực này.

Những kết quả nghiên cứu đã góp phần làm rõ hơn những đường nét lịch sử - văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Gia Thủy trong vùng tam giác Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư trong thời kỳ “tiền Hoa Lư” - khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Các di tích đã thăm dò khai quật tại xã Gia Thủy đang đợi những kế hoạch phát huy giá trị trong tương lai, trước mắt cần khoanh vùng, bảo tồn để tránh tình trạng bị xâm hại bởi quá trình xây dựng các công trình dân dụng của người dân hoặc nạn đào trộm cổ vật.

NGỮ THIÊN

Ngày 27/8, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ tại xã Gia Thủy (huyện Nho Quan). Dự hội nghị có các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu tham quan tại di tích

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu phát biểu tập trung làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích và các phương án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích này.

Được biết, từ tháng 7/2020 đến nay, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trên tổng diện tích 280m2 tại các địa điểm trường Tiểu học Gia Thủy; đình Mỹ Hạ thuộc xã Gia Thủy.

Kết quả khai quật mộ gạch tại trường Tiểu học Gia Thủy đã làm rõ toàn bộ hình dáng, quy mô và cấu trúc của một ngôi mộ gạch có quy mô lớn, niên đại thế kỷ I-II Công nguyên. Ngôi mộ cũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học về đề tài mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam. Ngoài ra, tại đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga, sau khi đoàn công tác thăm dò, khai quật khảo cổ, làm xuất lộ các dãy nền móng của ngôi đình cũ có quy mô to lớn nằm sâu dưới mặt đất 0.5m...

Tại hội nghị, đoàn công tác đã đề xuất phương án lấp bảo tồn di tích tạm thời đối với mộ gạch cổ và nền móng kiến trúc tại đình Mỹ Hạ nhằm giúp bảo quản di tích trong lòng đất, đợi những kế hoạch phát huy giá trị trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, phương án này giúp cho địa phương vẫn có thể sử dụng mặt bằng sân trường cho các em học sinh tựu trường vào đầu tháng 9 cũng như phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương tại đình Mỹ Hạ.

Việc khai quật, khảo cổ di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ tại xã Gia Thủy đã góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Nho Quan - Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Đặc biệt là sự đóng góp vào quá trình hình thành, phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt ở Kinh đô Hoa Lư, thế kỷ X.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cần xây dựng nhữngbảng chỉ dẫn, hình ảnh nhằm giáo dục lịch sử cho học sinh và nhân dân địa phương về kết quả nghiên cứu khảo cổ học - lịch sử  ở vùng đất này.

Bài và ảnh: Nguyễn Thơ Đình

Hai xác ướp đã được khai quật tại Thung lũng của các vị vua Ai Cập, nghĩa địa  có  lăng mộ của Vua Tut và các hoàng gia Ai Cập khác.
Ngoài các xác ướp, các nhà khảo cổ học cũng khai quật một số công xưởng, điều này tiết lộ chi tiết hơn về cuộc sống của  các công nhân xây dựng nên khu phức hợp hùng vĩ này. Phát hiện được công bố 10 tháng 10 năm 2019 tại một cuộc họp báo.

Các nhà khảo cổ khai quật một vài khu vực phía đông và tây Thung lũng của các vị vua Ai Cập (ảnh: Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập)
 
Mặc dù không tìm thấy lăng mộ hoàng gia nào, nhưng các phát hiện mới cho thấy các khu vực lưu trữ dụng cụ của công nhân,  tài liệu viết về cuộc sống của họ và thậm chí là một hiện vật đặc biệt mà công nhân có thể đã sử dụng để di chuyển đồ đạc.
Một trong những phát hiện quan trọng nhất là  phức hệ công xưởng rộng lớn được tìm thấy ở khu vực phía tây Thung lũng của các vị vua, gần thành phố cổ Luxor. Khu phức hợp này bao gồm các xưởng được sử dụng để tô màu đồ gốm, sản xuất đồ nội thất và làm sạch vàng, trưởng nhóm Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, cho biết tại cuộc họp báo.
 
Hawass cho biết: Gần khu phức hệ công xưởng, các nhà khảo cổ tìm thấy một khu vực dài 5 mét đã được đào xuống thung lũng và có thể được sử dụng như một kho chứa đồ (nơi cất giữ các vật dụng). Địa điểm này thu được các tàn tích  nhiều vật dụng, bao gồm tàn tích của hành tây, quả sung, vải lanh, dây thừng và các mảnh vật liệu còn sót lại sau quá trình ướp xác. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra một mảnh gỗ dài khoảng 0,9 m trông giống như một chiếc dĩa có hai ngạnh. Một dòng chữ tượng hình trên đó có nội dung "chúa tể của hai vùng đất." Hiện vật đặc biệt  này có thể đã được sử dụng như một chiếc đẩy hoặc xe nâng "để chứa đồ đạc để đưa vào bên trong lăng mộ”.

Gần đó, các nhà khảo cổ tìm thấy tàn tích  của các cấu trúc dùng để nướng bánh mì, làm đồ gốm và dự trữ nước. Họ cũng tìm thấy hai chiếc nhẫn, một trong số đó có khắc tên của Amenhotep III, một pharaoh có lăng mộ nằm ở thung lũng phía tây, và một chiếc nhẫn khác có thể đã được sử dụng cho nữ hoàng. Hawass cho biết ông hy vọng sẽ tìm thấy những ngôi mộ chưa được phát hiện  của các thành viên gia đình Amenhotep III, ông nội của Vua Tut, trong các mùa khai quật tiếp.

 
Nhiều phát hiện mới.
Ở phía đông Thung lũng của  các vị vua, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 10 bia khắc được viết trên mảnh gốm gần lăng mộ của Ramesses III (người trị vì từ năm 1184 trước Công nguyên đến năm 1153 trước Công nguyên). Trong khi công việc dịch thuật đang được tiến hành, các nhà khảo cổ có thể nói rằng ít nhất một trong những bản khắc "nói về những người thợ nam thực sự đến làm việc tại địa điểm này," Hawass nói.
Ông cũng cho biết: Gần lăng mộ của Ramesses VII (người trị vì từ năm 1136 trước Công nguyên đến năm 1129 trước Công nguyên), các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu tích của 40 túp lều nhỏ, có niên đại khoảng 3.300 năm, thực chất là kho chứa công cụ, các nam công nhân dùng để xây dựng lăng mộ.
Hawass cho biết: nhiều phát hiện  được tìm thấy gần lăng mộ của Hatshepsut, một nữ pharaoh, và bao gồm hài cốt của hai xác ướp nữ, cũng như một số bức tượng nhỏ shabti. Người Ai Cập cổ đại thường chôn cất shabtis (shabtis - một loại tượng nhỏ  giống như con người ) cùng với các xác ướp bởi vì họ  tin rằng các tượng này sẽ bảo vệ người đã khuất ở thế giới bên kia. Hai xác ướp nữ này không rõ là ai.
 Những phát hiện trên sẽ giúp các nhà khảo cổ học tìm hiểu thêm về những công nhân đã xây dựng các lăng mộ, và việc phát hiện những ngôi mộ hoàng gia mới có thể vẫn sẽ tiếp tục.
 
Khaled al-Anani, Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, cho biết tại cuộc họp báo “ Chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể tìm thấy những ngôi mộ hoàng gia hoặc tư nhân chưa được phát hiện trong thung lũng,. "Việc khai quật dự kiến sẽ mất nhiều năm hơn."


Nguồn tham khảo:
https://www.livescience.com/mummies-discovered-egypt-valley-of-kings.html


Người dịch: Minh Tran
 

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9023961
Số người đang online: 15