- Tác giả: Lâm Mỹ Dung, Đặng Hồng Sơn
- Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2018
-  Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 757 tr
Cuốn sách là ấn phẩm của hội thảo khoa học Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và triển vọng do Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Nội dung tập hợp các bài viết của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực theo 03 chủ đề lớn:
- Phần 1: Quá trình chiếm lĩnh và khai thác các vùng biển đảo Việt Nam
- Phần 2: Kết quả nghiên cứu khảo cổ học biển đảo Việt Nam
- Phần 3: Ứng dụng một số lý thuyết và phương pháp trong nghiên cứu và khai thác di sản khảo cổ học biển đảo Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung

                                  

Hóa thạch oviratorosaur được phục dựng gần đây được tìm thấy ở nam Trung Quốc bị mất hộp sọ và một phần đốt sống, nhưng đáng chú ý là ổ 24 quả trứng hình bầu dục được bảo quản tốt.   (Nguồn:  Shundong Bi)
 
 
CNN đưa tin: Trong các trầm tích 70 triệu năm tuổi ở tỉnh Giang Tây, miền nam Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã khai quật được hóa thạch loài khủng long oviraptorosaur đang ấp 24 quả trứng. 7 trong số những quả trứng này đang trong giai đoạn nở, khiến đây là hóa thạch duy nhất được ghi nhận có bằng chứng về việc  khủng long đang ấp những quả trứng vẫn còn phôi bên trong và là bằng chứng thuyết phục đầu tiên cho thấy loài khủng long này đã ấp con non, theo tin trên Live Science. Nghiên cứu này đã được công bố vào tháng 3 /2021 trên Science Bulletin.
Đồng tác giả của bài báo - Shundong Bi, một nhà cổ sinh  Đại học Ấn Độ, Pennsylvania cho biết: “
"Khủng long bảo vệ tổ của chúng là rất hiếm và phôi hóa thạch cũng vậy. Đây là lần đầu tiên một loài khủng long không thuộc lớp chim được tìm thấy, ấp  trứng để bảo quản các phôi” .
Live Science đưa tin: Oviraptorosaurs - một loài khủng long đi bằng các chân sau, và  có chân trước ngắn, đồng thời có lông vũ với hộp sọ ngắn giống con vẹt nhỏ. Chúng phát triển mạnh trong kỷ Phấn trắng từ 65,5 triệu đến 145,5 triệu năm trước. Nhiều di cốt hóa thạch của chúng được bảo tồn, tìm thấy ở khu vực Cám Châu (Ganzhou), miền nam Trung Quốc. Hóa thạch khủng long oviratorosaur   được phục hồi gần đây được tìm thấy dọc nhà ga Cám Châu bị mất hộp sọ và một phần đốt sống, nhưng cẳng tay, chân sau và một phần đuôi của nó vẫn được bảo tồn. Live Science đưa tin: Đáng nói hơn nữa, ổ trứng gồm 24 quả trứng hình bầu dục bên dưới con khủng long trưởng thành cũng được bảo quản rất tốt. Mỗi quả trứng có chiều dài 8,5 inch (22cm) và chiều ngang 3 inch (7.6 cm). Trong 7 quả trứng, các nhà nghiên cứu tìm thấy xương và phôi của khủng long con ở vị trí cuộn tròn, theo báo Science Alert.
 
 
 

                                            
Oviraptorosaurs - một loài khủng long đi bằng các chân sau, và  có chân trước ngắn, đồng thời có lông vũ với hộp sọ ngắn giống con vẹt nhỏ. Nhiều di cốt hóa thạch của chúng được bảo tồn, tìm thấy ở khu vực Cám Châu (Ganzhou), miền nam Trung Quốc. Nguồn: (Zhao Chuang).
 
Khủng long bố mẹ được tìm thấy đang ngồi phía trên những quả trứng với cẳng tay che tổ. Theo Live Science, một hành vi mà các nhà nghiên cứu nghi ngờ cho thấy con khủng long này đã ấp trứng trong một thời gian dài, một phần là do những quả trứng được bảo quản gần như đã sẵn sàng để nở.
Đồng tác giả nghiên cứu và là nhà cổ sinh học Matt Lamanna cho biết. “Trong mẫu  mới này, các con non gần như đã sẵn sàng nở, điều này cho chúng ta biết ngoài nghi ngờ  loài  Oviraptorosaurs này đã chăm sóc tổ của nó trong một thời gian dài,” "Con khủng long này là một bậc cha mẹ chăm sóc, cuối cùng đã cho nó sự sống trong khi nuôi dưỡng con non."
Live Science đưa tin: Để xác nhận những con khủng long oviraptorosaurs trưởng thành đang ấp trứng, các nhà nghiên cứu đã phân tích đồng vị oxy bên trong phôi khủng long và vỏ trứng hóa thạch.  Science Alert đưa tin: Các nhà nghiên cứu phát hiện ra các phôi được ấp ở nhiệt độ từ 86 đến 100 độ F (tương đương với từ 30 -38 độ C) phù hợp với nhiệt độ cơ thể của khủng long bố mẹ.  Thêm một lớp bằng chứng cho thấy oviraptorid có thể ngồi trên tổ để giữ ấm cho trứng theo tin trên  Live Science.
CNN đưa tin: Phát hiện hóa thạch trên cũng chứa các loại đá, hoặc sỏi trong vùng bụng của khủng long oviraptorosaurs trưởng thành, tiết lộ cho các nhà nghiên cứu rằng những con khủng long này có thể đã ăn đá để nghiền và tiêu hóa thức ăn. Khám phá này cũng là lần đầu tiên quan sát thấy sỏi trong dạ dày của một hóa thạch khủng long oviraptorosaurs.
Xing Xu, nhà cổ sinh vật học tại Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: "Thật thú vị khi có bao nhiêu thông tin sinh học được thu thập chỉ trong một hóa thạch duy nhất này. Chúng ta sẽ học hỏi từ mẫu vật này trong nhiều năm tới".

Người dịch: Minh Trần
Nguồn tham khảo:  https://www.smithsonianmag.com/smart-news/unearthed-dinosaur-fossil-found-incubating-nest-eggs-180977264/
 
 
                                                                          Hình người từ hang Hermoso Tuliao.  Nguồn: Mark D. Willis

Một nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Đại học Griffith đã định niên đại carbon cho bức hoạ trong hang giống hình người, lần đầu tiên ở Philippines, có khả năng làm rõ chuỗi thời gian hoạt động của người sớm trong khu vực.
Được phát hiện tại một trong các hang động Peñablanca, khu vực tìm thấy các di cốt người cổ nhất ở Philippines, hình vẽ này có niên đại trực tiếp khoảng 3500 năm tuổi.
Tác giả chính, Tiến sĩ Andrea Jalandoni từ  Khoa Di sản Nghệ thuật hang động, Tiến hóa và Cư trú của Đại học Griffith cho biết niên đại này cung cấp một cái nhìn tổng thể hơn về  cư dân sinh sống trong các hang động vào thời điểm đó.
"Niên đại tương ứng với hoạt động khảo cổ được tìm thấy tại các địa điểm khác như hoạt động chăn nuôi ở các hang Eme và Arku và đồ gốm ở hang Callao.
"Giờ đây, chúng tôi có một bức tranh toàn cảnh về những người sinh sống trong hang động Peñablanca hơn 3.500 năm trước, họ kiếm thức ăn, sử dụng đồ gốm và tạo ra tác phẩm nghệ thuật trên đá."
Tiến sĩ Jalandoni cho biết: việc xác định niên đại của các bức hoạ trên đá than tương tự ở vùng Peñablanca có thể giúp giải quyết các câu hỏi còn tồn tại về sự di cư của con người.
Nó được tạo ra bởi những người Austronesia đầu tiên, những người đến khoảng 4000 năm trước và là quần thể người phổ biến hiện nay ở Philippines hoặc những người Agta Negritos di cư trong Kỷ Băng hà. Cả hai nhóm vẫn sống trong khu vực, vì vậy nghệ thuật trên đá cần phải được xác định niên đại để xác định nguồn gốc của nó. "
Nhóm nghiên cứu cũng đã xem xét nghệ thuật hang động hắc tố  trên khắp Đông Nam Á và tìm thấy các dạng tương tự ở Malaysia và Indonesia.
Giáo sư Paul Taçon, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Nghệ thuật trên đá của Đại học Griffith cho biết kết quả này rất thú vị vì nó chứng minh một số tác phẩm nghệ thuật trên đá hình người được làm từ than đã được tạo ra từ hàng nghìn năm trước trong quá trình thay đổi văn hóa xã hội khắp khu vực.
"Bây giờ điều quan trọng là phải xác định niên đại của những hình tương tự ở những nơi khác để xem liệu chúng có cùng tuổi hay những loại hình người này được tạo ra trong một khoảng thời gian dài."
Tiến sĩ Jalandoni cho biết thêm:  niên đại mới cũng thách thức quan niệm phỏng đoán trước đây rằng tất cả nghệ thuật đá hắc tố là gần đây.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tầm quan trọng của những địa điểm có nghệ thuật trên đá này và tại sao một kế hoạch bảo tồn là rất cần thiết.
"Những địa điểm nghệ thuật trên đá này đang biến mất nhanh chóng. Nhóm chúng tôi chỉ có thể tìm thấy 94 trong số 250 bức vẽ được tìm từ năm 1976-1977. Một địa điểm nghệ thuật trên đá ở Hunong Spring đã bị mất hoàn toàn và nó đang được quan tâm bởi các nhà nghiên cứu.
Phó phòng Văn Hoá Thung lũng Cagayan, Bảo tàng Văn hóa Quốc gia Philippines - Mylene Lising cho biết nghiên cứu trên góp phần nâng cao nhận thức về các nhóm người sớm ở quần đảo Philippines.
"Đó là một cái nhìn thoáng qua về cách họ tương tác với môi trường và hành vi của họ như thế nào cách đây 3500 năm. Điều này có liên quan trong bối cảnh lớn hơn vì nó thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về chúng ta với tư cách là con người."
 
Người dịch: Minh Trần
Nguồn tham khảo:
https://phys.org/news/2021-05-philippines-cave-art-dated-southeast.html

Guillem Pérez Jordà và Salvador Pardo Gordó -  các nhà nghiên cứu từ Khoa Tiền sử, Khảo cổ học và Lịch sử Cổ đại của Đại học València, đăng một bài báo trên Tạp chí Journal of Archaeological Science Reports  về sự xuất hiện của các loại cây ăn quả ở Bán đảo Iberia thông qua  nghiên cứu các di cốt động thực vật cổ vật. Các nhà khoa học ước tính rằng việc trồng các loài này bắt đầu ở Cộng đồng người Valencia khoảng 3.000 năm trước, trùng với sự phát triển kinh tế và xã hội đáng kể.


                  Nguồn:  Asociacion RUVID
 
Ở những nơi như Fonteta (Guardamar del Segura), Barranc de Beniteixir (Piles), Peña Negra (Crevillent) hoặc L'Alt de Benimaquia (Dénia), vẫn có thể trồng các loại cây ăn quả như nho (Vinis vinifera) , cây ô liu (Olea europaea) hoặc cây lựu (Punica granatum) khoảng 3.000 năm trước. Hình thức nông nghiệp mới này cho phép trao đổi kinh tế và văn hóa của các dân tộc ở bán đảo phía đông với những cư dân khác có nguồn gốc từ phía đông, những người đã thành lập các thuộc địa trên những bờ biển này, chẳng hạn như người Phoenicia.
 
Guillem Pérez  cho biết: "Mặc dù vào thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên đã có những dấu hiệu về sự trao đổi này giữa Iberia và các dân tộc ở Tây Địa Trung Hải, nhưng phải đến thiên niên kỷ thứ nhất, mô hình nông nghiệp dựa trên cây ăn quả mới thịnh vượng và được hình thành ở Bán đảo Iberia". Bằng chứng đầu tiên của việc trồng cây ăn quả là những vật liệu được phục chế ở Huelva (thế kỉ IX-VIII trước Công nguyên). Tuy nhiên, phải đến thế kỷ VIII-VII trước Công nguyên, những cây trồng này mới được trồng ở bán đảo phía đông.
 
Guillem Pérez, nhà nghiên cứu xuất sắc thuộc Đại học Valencia, giải thích rằng sự xuất hiện của những loại cây trồng mới này ngụ ý sự thay đổi trong mối quan hệ của nông dân với đất đai. Từ trước đến nay họ chỉ trồng những cây có chu kỳ hàng năm và cho năng suất tức thì (ngũ cốc, cây họ đậu, v.v.), nhưng bây giờ họ đầu tư vào những loại cây trồng mất vài năm để đưa vào sản xuất, đòi hỏi phải kiểm soát quyền sở hữu đất đai.
Sự thay đổi trong mô hình nông nghiệp là một phần trong sự chuyển đổi của các cộng đồng này, hướng tới các xã hội phức tạp hơn, kết thúc bằng việc áp dụng mô hình đô thị và lần đầu tiên phát triển một nền nông nghiệp thương mại, trong đó cây ăn quả và các sản phẩm phụ của chúng như rượu vang là những sản phẩm nổi bật nhất.
 
 
Việc áp dụng các loại cây trồng mới này xảy ra với tỷ lệ khác nhau ở các khu vực khác nhau của Bán đảo Iberia và quốc gia Valencia hiện tại là một khu vực mà việc trồng cây ăn quả đã phát triển hơn, với định hướng thương mại rõ ràng, khi xuất khẩu các sản phẩm này sang các khu vực khác của bán đảo.


Người dịch: Minh Trần

Nguồn tham khảo:  

https://archaeologynewsnetwork.blogspot.com/2021/05/fruit-crops-reached-iberian-peninsula.html

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các nhà khảo cổ học thuộc Đại học Northern Arizona (NAU), Mỹ  đang hy vọng một công nghệ mới giúp họ đi tiên phong trong việc thay đổi cách các nhà khoa học nghiên cứu những mảnh vỡ để lại từ các xã hội trước đó.

Nhóm nghiên cứu từ Khoa Nhân chủng học của NAU đã thành công trong việc dạy máy tính thực hiện một nhiệm vụ phức tạp mà nhiều nhà khoa học nghiên cứu các xã hội cổ đã mơ ước từ lâu: phân loại nhanh chóng và nhất quán hàng nghìn hoạ tiết trang trí trên gốm thành các nhóm loại. Bằng cách sử dụng một dạng máy  được gọi là Mạng nơ ron phức hợp (Convolutional Neural Networks: CNN), các nhà khảo cổ học đã tạo ra một phương pháp máy tính mô phỏng gần như các quá trình suy nghĩ của con người trong việc phân tích thông tin trực quan.

 
Leszek Pawlowicz, trợ giảng tại Khoa Nhân chủng học cho biết “Giờ đây, bằng cách sử dụng các ảnh kỹ thuật số về đồ gốm, máy tính có thể hoàn thành công việc đã từng đòi hỏi hàng trăm giờ làm việc tẻ nhạt, mệt mỏi và căng mắt của các nhà khảo cổ học, những người đã phân loại các mảnh gốm vỡ thành từng nhóm, trong một khoảng thời gian ngắn và có tính nhất quán cao ". Ông và giáo sư nhân chủng học Chris Downum đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng máy tính để phân loại chính xác các mảnh gốm vỡ”, thành các loại gốm được biết đến vào năm 2016. Kết quả nghiên cứu của họ được đăng trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học/ số tháng 6


                    

Một dải các mảnh gốm trắng Tusayan, cho thấy sự thay đổi về kiểu dáng từ loại sớm nhất ở bên trái sang loại muộn nhất ở bên phải. Học sâu cho phép phân loại chính xác và có thể phân loại lặp lại các loại mảnh vỡ này.
 (Nguồn: Chris Downum).
 

Downum nói :" Rất nhiều trong số hàng nghìn địa điểm khảo cổ rải rác khắp Tây Nam Hoa Kỳ, các nhà khảo cổ học thường sẽ tìm thấy những mảnh gốm vỡ. Nhiều trong số các mảnh này sẽ có kiểu dáng có thể được sắp xếp thành các loại đã được xác định trước có tương quan với cả khoảng thời gian chung mà chúng được sản xuất và địa điểm sản xuất chúng " . "Những điều này cung cấp cho các nhà khảo cổ học thông tin quan trọng về thời gian một địa điểm được chiếm cư, nhóm văn hóa và cả các nhóm văn hoá khác mà chúng đã tương tác."
Nghiên cứu này dựa trên những đột phá gần đây trong việc sử dụng máy  để phân loại hình ảnh theo loại, cụ thể là CNN. CNN hiện đang là trụ cột chính trong nhận dạng hình ảnh máy tính, được sử dụng cho mọi thứ, từ hình ảnh X-quang trong y tế và hình ảnh khớp nối trong công cụ tìm kiếm động cơ cho xe ô tô tự lái. Pawlowicz và Downum lý luận rằng nếu CNN có thể được sử dụng để xác định các giống chó và các sản phẩm mà người tiêu dùng có thể thích, thì tại sao không áp dụng cách tiếp cận này để phân tích đồ gốm cổ?
Cho đến nay, quá trình nhận biết các đặc điểm thiết kế chẩn đoán trên đồ gốm còn nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian. Nó có thể đòi hỏi nhiều tháng hoặc nhiều năm đào tạo để nắm vững và áp dụng chính xác các tiêu chí phân loại cho các mảnh nhỏ của một chiếc nồi bị vỡ. Tệ hơn nữa, quá trình này dễ xảy ra lỗi của con người vì các nhà khảo cổ chuyên nghiệp thường không đồng ý loại nào được đại diện bởi một mảnh và có thể khó giải thích vì sao lại đưa ra quyết định như vậy. Một nhà phản biện ẩn danh của bài báo đã gọi đây là "bí mật trong khảo cổ học mà không ai nói đủ."
 
Quyết tâm tạo ra một quy trình hiệu quả hơn, Pawlowicz và Downum đã thu thập hàng nghìn bức ảnh về các mảnh gốm với một bộ xác định các đặc điểm vật lý cụ thể, được gọi là Gốm trắng Tusayan, phổ biến trên phần lớn phía đông bắc Arizona và các bang lân cận. Sau đó, họ tuyển dụng bốn chuyên gia gốm hàng đầu khu vựcTây Nam để xác định kiểu thiết kế đồ gốm cho mỗi mảnh vỡ và tạo ra một 'bộ các tiêu chí phân loại' các mảnh vỡ để máy có thể học được. Cuối cùng, họ huấn luyện  máy tính học các loại gốm bằng cách tập trung vào các mẫu gốm mà các nhà khảo cổ học đã đồng ý.
Pawlowicz nói : “Kết quả thật đáng chú ý,”. "Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, máy tính đã tự đào tạo để xác định đồ gốm với độ chính xác tương đương, và đôi khi tốt hơn cả các chuyên gia con người."
Đối với bốn nhà khảo cổ học với hàng chục năm kinh nghiệm phân loại hàng chục nghìn mảnh gốm thực tế, chiếc máy này vượt trội hơn hai trong số họ và có thể so sánh với hai chuyên gia còn lại. Ấn tượng hơn nữa, cỗ máy đã có thể làm được điều mà nhiều nhà khảo cổ có thể gặp khó khăn: mô tả lý do tại sao nó lại đưa ra quyết định phân loại như vậy. Sử dụng bản đồ nhiệt được mã hóa bằng màu sắc của mảnh gốm, máy chỉ ra các đặc điểm thiết kế mà nó sử dụng để đưa ra quyết định phân loại, từ đó cung cấp bản ghi trực quan về "suy nghĩ" của nó.
 
Downum cho biết: “Một phần phụ thú vị của quá trình này là khả năng máy tính có thể tìm thấy các điểm phù hợp  gần như chính xác các đoạn, mảnh của các thiết kế đồ gốm được thể hiện trên các mảnh vỡ riêng lẻ. "Bằng cách sử dụng các phép đo độ tương đồng do CNN nhận được cho các thiết kế, chiếc máy này có thể tìm kiếm qua hàng nghìn hình ảnh để tìm ra bản sao tương tự nhất của một thiết kế đồ gốm riêng lẻ."
 
Pawlowicz và Downum tin rằng khả năng này có thể cho phép máy tính tìm thấy các mảnh vỡ rải rác của một chiếc nồi bị vỡ trong vô số các mảnh tương tự ở một bãi rác cổ hoặc tiến hành phân tích toàn khu vực về những điểm tương đồng và khác biệt trong phong cách của nhiều cộng đồng cổ. Cách tiếp cận này có khả năng liên kết tốt hơn các thiết kế đồ gốm cụ thể từ các cấu trúc khai quật đã được xác định niên đại bằng phương pháp vòng cây.
Nghiên cứu của họ đã nhận được nhiều lời khen ngợi.
Stephen Plog, giáo sư danh dự về khảo cổ học tại Đại học Virginia và là tác giả của cuốn sách "Sự thay đổi phong cách trong gốm sứ thời tiền sử" cho biết: "Tôi thực sự hy vọng rằng các nhà khảo cổ học Tây Nam sẽ áp dụng cách tiếp cận này và thực hiện nhanh chóng. "Chúng tôi đã học được rất nhiều điều từ hệ thống cũ, nhưng nó đã kéo dài quá mức độ hữu dụng của nó, và đã đến lúc phải chuyển đổi cách chúng ta phân tích các trang trí gốm sứ."
Các nhà nghiên cứu đang khám phá các ứng dụng thực tế về phân loại của mô hình CNN và đang viết thêm các bài báo trên tạp chí để chia sẻ công nghệ này với các nhà khảo cổ học khác. Họ hy vọng cách tiếp cận mới này về phân tích khảo cổ học đồ gốm có thể được áp dụng cho các loại hiện vật cổ khác, và khảo cổ học có thể bước vào một giai đoạn mới của phân loại bằng máy, mang lại hiệu quả cao hơn cho các nỗ lực khảo cổ học và các phương pháp dạy thiết kế đồ gốm hiệu quả hơn cho các thế hệ sinh viên.

Người dịch:     Minh Trần

Nguồn tham khảo:
https://www.eurekalert.org/pub_releases/2021-05/nau-atc051721.php

 
 

Làm chủ được lửa đã mang lại cho con người quyền thống trị thế giới tự nhiên. Một nghiên cứu do đại học Yale, Mỹ cung cấp bằng chứng sớm nhất cho đến nay về việc người cổ đã dùng lửa làm thay đổi đáng kể toàn bộ hệ sinh thái.


Nghiên cứu trên được công bố ngày 5 /  5 /2021 trên tạp chí Science Advances, kết hợp bằng chứng khảo cổ học - những cụm dày đặc hiện vật đá có niên đại cách đây 92.000 năm cùng với dữ liệu môi trường cổ ở bờ biển phía bắc Hồ Malawi thuộc đông Phi để ghi lại bằng chứng những người sớm là các kĩ sư hệ sinh thái. Họ đã sử dụng lửa để ngăn chặn sự phát triển lại của các khu rừng trong vùng, tạo ra một vùng đất bụi rậm rạp tồn tại cho đến ngày nay.
Jessica Thompson, trợ lý giáo sư nhân chủng học tại Khoa Nghệ thuật và Khoa học, đồng thời là tác giả chính của bài báo cho biết: “Đây là bằng chứng sớm nhất cho thấy việc con người biến đổi cơ bản hệ sinh thái của họ thông qua lửa. “Nó cho thấy rằng trước giai đoạn cuối thời kì Pleistocen muộn, con người đã học cách sử dụng lửa theo những cách thực sự mới lạ. Trong trường hợp này, việc đốt cháy của họ đã gây ra sự thay thế các khu rừng rậm trong vùng bằng các khu rừng thưa mà chúng ta thấy ngày nay ”.
Thompson - tác giả nghiên cứu chính cùng 27 đồng nghiệp đến từ các tổ chức ở Hoa Kỳ, Châu Phi, Châu Âu, Châu Á và Úc. Thompson dẫn đầu dự án khảo cổ học này với sự hợp tác của Sở Bảo tàng và Di tích Malawi; David Wright , Đại học Oslo - người dẫn đầu trong các nỗ lực xác định niên đại các địa điểm khảo cổ của nghiên cứu; và Sarah Ivory ở Penn State, người dẫn đầu các phân tích môi trường cổ.

Các hiện vật thời kỳ đồ Đá được khai quật ven hồ Malawi ở phía đông châu Phi, kết hợp với dữ liệu môi trường cổ từ lòng hồ, cung cấp bằng chứng sớm nhất về việc những người cổ đã sử dụng lửa để tác động  lên hệ sinh thái.
 

Các hiện vật này được các nhà nghiên cứu giám định là các loại được sản xuất trên khắp châu Phi vào thời kỳ Đá giữa có niên đại ít nhất là 315.000 năm. Những người hiện đại sớm nhất xuất hiện trong thời kỳ này, với bằng chứng khảo cổ học châu Phi cho thấy những tiến bộ đáng kể trong nhận thức và tính phức tạp xã hội.
Thompson và Wright đã ghi lại một số mùa thực địa khảo cổ trong khu vực trước khi có cuộc trò chuyện với Ivory giúp họ hiểu được các mẫu mà họ quan sát được trong dữ liệu của mình. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hồ sơ khảo cổ khu vực, những thay đổi sinh thái của nó và sự phát triển của các quạt phù sa gần Hồ Malawi - một sự tích tụ trầm tích bị xói mòn từ cao nguyên của khu vực - có cùng thời kỳ nguồn gốc, cho thấy chúng có mối liên hệ với nhau.
Mực nước của Hồ Malawi đã dao động mạnh qua các thời kỳ. Trong thời kỳ khô hạn nhất của hồ, lần cuối cùng kết thúc khoảng 85.000 năm trước, nó giảm dần thành hai vùng nước mặn nhỏ. Theo nghiên cứu, hồ đã phục hồi sau những dải đất khô cằn này và mực nước của nó vẫn ở mức cao kể từ đó.
Dữ liệu khảo cổ học được thu thập từ hơn 100 hố đào trên hàng trăm km của các quạt phù sa đã phát triển trong thời gian mực nước hồ ổn định này. Dữ liệu môi trường cổ dựa trên số lượng phấn hoa và than tro lắng xuống đáy hồ và sau đó được phục hồi trong lõi trầm tích dài được khoan từ một chiếc thuyền được sửa đồi.
Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu tiết lộ rằng sự gia tăng đột biến trong tích tụ than xảy ra ngay trước khi sự đa dạng các loài của khu vực giữ ở mức ổn định - số lượng các loài khác biệt sinh sống ở đó. Nghiên cứu cho thấy, mặc dù mực nước hồ luôn cao, nghĩa là hệ sinh thái ổn định hơn, nhưng sự phong phú của các loài vẫn không thay đổi sau thời kỳ khô cằn cuối cùng dựa trên thông tin từ phấn hoa hóa thạch lấy mẫu từ đáy hồ. Ivory giải thích:  Điều này thật bất ngờ vì trong các chu kỳ khí hậu trước, môi trường mưa đã tạo ra những khu rừng cung cấp các khu vực sống phong phú cho vô số loài.
Cô cho biết thêm: “Phấn hoa mà chúng ta thấy trong thời kỳ khí hậu ổn định gần đây nhất rất khác so với trước đây,”.   “Cụ thể, những cây biểu thị tán rừng rậm rạp, có cấu trúc phức tạp không còn phổ biến và được thay thế bằng phấn hoa từ những loài thực vật thích nghi với cháy thường xuyên và xáo trộn”.


                                                

                                Các cuộc khai quật phát hiện được  những cụm hiện vật đá dày đặc có niên đại cách đây 92.000 năm.
 

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự gia tăng các địa điểm khảo cổ sau thời kỳ khô cằn gần đây nhất, cùng với sự gia tăng đột biến của than củi và sự vắng mặt của rừng, cho thấy rằng con người đang tác động hệ sinh thái bằng lửa. Quy mô tác động đến môi trường của họ về lâu dài thường liên quan đến nông dân và người chăn nuôi, hơn là săn bắn hái lượm. Điều này cho thấy sự tác động sớm vào hệ sinh thái một cách khéo léo tương đương với người hiện đại và cũng có thể giải thích tại sao các ghi nhận khảo cổ được tạo ra.
Các nhà nghiên cứu giải thích, việc đốt cháy kết hợp với những thay đổi do khí hậu đã tạo ra các điều kiện cho phép bảo quản hàng triệu hiện vật trong khu vực. “Bụi bẩn sẽ lăn xuống dốc trừ khi có thứ gì đó ngăn nó lại,” Wright nói. "Chặt  cây cối đi, và khi trời mưa, có rất nhiều cát bụi di chuyển xuống dốc trong môi trường này."



                                            
Đốt cháy kết hợp với những thay đổi do khí hậu đã tạo các điều kiện cho phép bảo quản hàng triệu hiện vật.
 

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các quá trình chuyển đổi trước đây từ điều kiện khô sang ẩm ướt trong khu vực không tạo ra một loại quạt phù sa tương tự và không có cùng sự tăng vọt về than tro.
Thompson cho biết: không rõ tại sao mọi người lại đốt cảnh quan. Có thể họ đang thử nghiệm đốt có kiểm soát để tạo ra các môi trường sống đa dạng có lợi cho việc săn bắn và hái lượm, một hành vi được ghi nhận giữa những người săn bắn hái lượm. Cô giải thích, có thể là do ngọn lửa của họ bùng cháy ngoài tầm kiểm soát, hoặc đơn giản là có rất nhiều người đốt nhiên liệu trong môi trường của họ để sưởi ấm, nấu ăn hoặc xã hội hóa.
Cô cho biết:  “Bằng cách này hay cách khác, nó gây ra bởi  hoạt động con người”. “Nó cho thấy những người sớm, trong một thời gian dài, đã kiểm soát môi trường của họ hơn là bị kiểm soát bởi nó. Họ đã thay đổi toàn bộ cảnh quan một cách tốt hơn hay xấu đi đó là mối quan hệ với môi trường của chúng ta vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. "
Công trình này được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Úc, Quỹ Địa lý Quốc gia Waitt, Quỹ Wenner-Gren, Trường Khảo cổ học Đại học Queensland, Mạng lưới Nghiên cứu Toàn cầu của Quỹ Nghiên cứu Hàn Quốc, Deutsche Forschungsgemeinschaft, Đại học Emory, và Diễn đàn Belmont.


 
Người dịch:  Minh Trần

Nguồn tham khảo:
https://news.yale.edu/2021/05/05/study-offers-earliest-evidence-humans-changing-ecosystems-fire


 
 

Phát hiện nơi cư trú lâu đời nhất của con người ở Bán đảo Ả Rập, phục chế  354 hiện vật và tiết lộ những thay đổi trong hành vi của con người trong lịch sử.

Các hiện vật tìm thấy ở Hail, Ả Rập Saudi. (Ảnh: Thông tấn xã Saudi).
 

Một trong những địa điểm Acheulean cổ nhất thế giới được tìm thấy phía bắc của thành phố Hail,  Ả Rập Saudi.
Thông tấn xã  Ả Rập Saudi đưa tin, phát hiện về nơi cư trú lâu đời nhất của con người ở Bán đảo Ả Rập được đăng tải trong một bài báo trên tạp chí Nature Scientific Report.
Địa điểm Al Nasim có bằng chứng môi trường cổ về các sông, hồ nước ngọt, và các đặc điểm địa mạo liên quan đến các đặc điểm Pleistocen giữa.
Ủy ban Du lịch và Di sản Quốc gia Ả Rập Saudi bắt đầu các cuộc điều tra về khảo cổ và cổ môi trường của Dự án Ả rập Xanh hơn 10 năm trước với sự hợp tác của Hiệp hội Max Planck Đức, Đại học Oxford, Cơ quan Khảo sát Địa chất Saudi và Đại học King Saudi ở Riyadh.
Cuộc khảo sát cho thấy Bán đảo Ả Rập có điều kiện khí hậu mưa nhiều và ẩm ướt hơn ở miền trung.
Điều này dẫn đến sự hình thành các hồ, sông, thung lũng và thảm thực vật góp phần vào cách sống tốt hơn cho con người và làm thay đổi sự phân bố không gian của hominin trong và giữa các lục địa.
Các nghiên cứu khảo cổ cũng cho rằng người sớm nhất sinh sống ở Tây Nam Á và nền văn minh Acheulean có một trong những truyền thống chế tạo công cụ lâu đời nhất.
Các hiện vật được tìm thấy bao gồm rìu tay và công cụ đá, cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách sống của các cư dân này.
Thông tấn xã Saudi đưa tin “Al Nasim đại diện cho một trong những địa điểm Acheulean lâu đời nhất ở Ả Rập Saudi, tiết lộ các tổ hợp công cụ đá đa dạng trong khu vực được sử dụng bởi cư dân Pleistocen giữa, điều này cho thấy kĩ hơn một mô hình nhập cư nhiều  lần của cư dân vào bán đảo trong giai đoạn 'Ả Rập xanh' ẩm.
Địa điểm này bao gồm một lòng chảo sâu và hẹp, nơi một số hiện vật thời kỳ đồ Đá Cũ được khôi phục, tương tự như những hiện vật tìm thấy trước đây tại các địa điểm Acheulean trong sa mạc Nefud.
Sự tương đồng giữa những phát hiện về Acheulean ở Al Nasim và  ở Sa mạc Nefud cho thấy rằng những hồ cổ của vùng này đã tạo ra một hành lang quan trọng cho con người đi lại và gặp gỡ những người khác.
Năm ngoái, Ủy ban Di sản đã phát hiện dấu vết của người, voi và lạc đà cùng các loài động vật khác tại một hồ cổ, khô có niên đại hơn 120.000 năm trước đây ở Tabuk.
Đây là phát hiện đầu tiên với bằng chứng khoa học về các dấu chân cổ nhất của con người và động vật ở Bán đảo Ả Rập.
Các chuyên gia Ả Rập Saudi thuộc Ủy ban Di sản tiếp tục làm việc trong Dự án Ả Rập Xanh cùng với các chuyên gia từ Viện Max Planck để nghiên cứu những thay đổi khí hậu ở Bán đảo Ả Rập theo thời gian và lịch sử của những cuộc di cư cổ từ các lục địa khác.



Nguồn tham khảo:  https://www.thenationalnews.com/gulf/saudi-arabia/saudi-arabia-discovers-a-350-000-year-old-archaeological-site-in-hail-1.1221864

Người dịch: Minh Trần
 

 
 
 
 
 
         Các nhà khoa học phát hiện người Hobbit và những người sớm không phải là 'tác nhân hủy diệt' gây ra sự tuyệt chủng

Hình minh họa một con voi lùn cư trú trên các hòn đảo ở biển  Địa Trung Hải và nó đã tuyệt chủng cho đến khi con người đến. (Nguồn: Peter Schouten / Ross MacPhee © AMNH)

Một nghiên cứu mới cho thấy khi đề cập đến nguyên nhân gây tuyệt chủng, những người sớm có thể không phải là những kẻ dại dột như chúng ta ngày nay.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy:  Họ hàng của loài người sớm đã sống trên các hòn đảo kể từ đầu thế Pleistocen (cách đây 2,6 triệu đến 11,700 năm). Nhưng sự tuyệt chủng trên diện rộng trên các hòn đảo phần lớn có thể bắt nguồn từ 11.700 năm qua trong giai đoạn Holocen, khi con người hiện đại bắt đầu tàn phá ở đó - săn mồi quá mức, thay đổi môi trường sống và du nhập các loài xâm lấn.
 
Đồng tác giả nghiên cứu Ross MacPhee, chuyên gia  động vật có xương sống ở Bảo tàng lịch sử Quốc gia Mỹ  phát biểu trong email với Live Science : "Trong khi con người chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp cho hàng trăm thiệt hại trên các hòn đảo trong vài trăm năm qua, dấu vết của sự phá huỷ này càng ít đi khi bạn quay ngược thời gian"."Tác động của họ [họ hàng xa của người hiện đại ] là không đáng kể, trong khi tác động của chúng ta đã từ lâu và thật thảm khốc."
Tại sao là các đảo?
Các nhà khoa học viết trong nghiên cứu:
Quần đảo rất nhiều các loài động vật tuyệt chủng.  Ví dụ, các hòn đảo ở New Zealand, nơi 9 loài moa, một loài chim khổng lồ, giống như đà điểu, từng sinh sống. Nhưng trong vòng 200 năm kể từ khi con người đến, tất cả chúng đều tuyệt chủng cùng với ít nhất 25 loài động vật có xương sống khác.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi các nhà khoa học tại Đại học Griffith ở Úc, tập trung vào các hòn đảo vì một lý do lớn: Chúng "đặc biệt dễ bị tuyệt chủng trên diện rộng". Đó là bởi vì các hòn đảo có xu hướng có các loài động vật có kích thước và số lượng cá thể  nhỏ hơn, có tính đa dạng di truyền thấp hơn (một phần là do giao phối cận huyết), dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện ngẫu nhiên hơn, tạo ra ít cơ hội tái thuộc địa hơn và hỗ trợ mức độ cao hơn của động vật bản địa so với với những loài ở lục địa.
 
Để điều tra xem liệu sự tuyệt chủng trên đảo có trùng hợp với sự xuất hiện của hominin – hoặc người hiện đại, tổ tiên và những người anh em họ hàng tiến hóa gần gũi của chúng ta hay không - các nhà nghiên cứu đã đi sâu vào hồ sơ khảo cổ và hóa thạch của 32 nhóm đảo có bằng chứng về sự có mặt của hominin, bao gồm các đảo ở Anh, Đài Loan Okinawa và Tasmania. (Không giống như nhóm hominids, nhóm hominin không bao gồm đười ươi.). Tuy vậy, MacPhee cho biết:  việc xác định niên đại xuất hiện của hominin và sự tuyệt chủng trên đảo không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hơn nữa, rất khó để phân biệt liệu một loài động vật bị tuyệt chủng phần lớn là do con người hay do các yếu tố khác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.
"Tuy nhiên, những nơi mà chúng tôi thu thập được hầu hết dữ liệu của mình - quần đảo đảo ở phía đông lục địa châu Á - ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi khí hậu nghiêm trọng có thể phát hiện được, loại ảnh hưởng đến Bắc Mỹ" vào cuối kỷ băng hà cuối cùng, khi các động vật lớn  như voi ma mút đã tuyệt chủng.
 
 
Các nhóm đảo đại dương có bằng chứng về hominin  kỷ Pleistocen và sự tuyệt chủng của động vật. Theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống là (A) San Miguel, Santa Rosa và Santa Cruz; (B) Ireland; (C) Sardinia; (D) Honshu, Shikoku và Kyushu; (E) Ishigaki, Miyako, Kume và Okinawa; (F) Luzon, Mindanao, Mindoro và Palawan; (G) New Ireland và Buka; (H) Sulawesi; (I) Timor, Alor, Flores và Sumba; và (J) Cyprus, Crete và Naxos. MP, Pleistocen giữa; LP, Pleistocen muộn. (Nguồn: Louys, J. et al. PNAS (2021); (CC BY-NC-ND 4.0))
 
 
Nhóm nghiên cứu cũng giải thích một số trường hợp tuyệt chủng xảy ra một cách tự nhiên trong suốt quá trình tiến hóa. Ngoài ra, họ dẫn chứng rằng những người hominin thời kỳ đầu đã săn bắn động vật trên cạn – kết quả là có những bộ xương động vật cổ với dấu vết chặt. Nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy những hominin thời kỳ đầu đã không săn bắn một số  sinh vật bị tuyệt chủng. MacPhee nói: “Thay vào đó, đã có sự chung sống, giống như luôn tồn tại trong tự nhiên giữa các loài khác nhau. "lặp đi lặp lại, bằng chứng cho thấy" những tổ tiên trước của chính chúng ta ... không làm tăng tỷ lệ tuyệt chủng trên các hòn đảo mà chúng chiếm cư. "

Các mốc thời gian tuyệt chủng của các loài động vật trên các đảo đại dương khác nhau, cho thấy thời điểm những người hominin và Homo sapiens đầu tiên đến. Niên đại xuất hiện lần cuối (LAD) của động vật được hiển thị bằng các đường ngang. Các đường LAD đứt đoạn biểu thị sự không chắc chắn. (Nguồn: Louys, J. et al. PNAS (2021); (CC BY-NC-ND 4.0))
 
hoặc ví dụ, trên Flores ở Indonesia, nơi "Người Hobbit", hay Homo floresiensis, sinh sống, "không có cuộc tuyệt chủng nào được biết đến có liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện của hominin đầu tiên", các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu. Điều này cũng đúng với hominin ở Sardinia.
 
Ngược lại, các nhà nghiên cứu nhận thấy: trong vòng 5.000 năm kể từ khi người hiện đại đến quần đảo California Channel khoảng 13.000 năm trước, voi ma mút Colombia (Mammuthus columbia), voi ma mút lùn (Mammuthus exilis) và loài gặm nhấm  (Microtus miguelensis) đã tuyệt chủng. Tương tự như vậy, ở Ireland, một con hươu khổng lồ (Megaloceros giganteus) và một con vượn cáo (Dicrostonyx torquatus) đã tuyệt chủng ngay sau khi  người hiện đại đến 13.000 năm trước, như trường hợp của một loài sếu (chi Grus)  biến mất ở Timor sau khi  người hiện đại đến cách đây 46.000 năm.

 
Các nhóm đảo lục địa (những vùng đất được kết nối với các lục địa tại các điểm trong suốt lịch sử, nhưng hiện nay là các đảo) có bằng chứng về hominin trong kỷ Pleistocen và sự tuyệt chủng của động vật. Theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống là (A) Anh; (B) Sri Lanka; (C) Đài Loan; (D) Hokkaido; (E) Đảo King và Tasmania; (F) Đảo Kangaroo; (G) New Guinea; và (H) Borneo, Java và Sumatra. (LP là viết tắt của Pleistocen muộn.) (Nguồn: Louys, J. et al. PNAS (2021); (CC BY-NC-ND 4.0))
 
 
Danh sách tiếp tục: một con voi ở Sulawesi, Indonesia; Cò (Leptoptilos robustus), kền kền (chi Trigonoceps), chim  (chi Acridotheres), voi răng kiếm  (Stegodon florensis insularis) và thậm chí người Homo floresiensis, đã biến mất ngay sau khi Homo sapiens đến Flores, các nhà nghiên cứu phát hiện.
 
 
Tại sao người hiện đại là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt này?

Vậy, tại sao loài người hiện đại lại là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng như vậy, còn các hominin thời kỳ đầu thì không?
MacPhee nói: "Văn hóa, văn hóa, văn hóa". Nếu bạn nhìn nhận sự thích nghi của con người qua lăng kính văn hóa, thì sự khác biệt rõ ràng nhất giữa lúc đó và bây giờ là mức độ mà ngày nay chúng ta có thể kiểm soát các môi trường trên toàn trái đất."
 
Nói cách khác, các hominin ban đầu có rất ít quyền kiểm soát môi trường của chúng; họ có thể săn bắn, nhưng  không sử dụng các công nghệ phức tạp. MacPhee cho biết: “Những người sớm trên các hòn đảo đến đó bằng cách thực hiện các cuộc hành trình trên biển - họ đã định hướng về biển và tài nguyên biển, và không biết cách săn bắt động vật trên cạn hoặc không quan tâm đến việc đó”.
Khi con người trở nên tiên tiến hơn, có khả năng là "hành vi của chúng ta đối với môi trường đã thay đổi và trở nên phá hoại hơn khi chúng ta có khả năng  sử dụng công nghệ cao hơn".
Mốc thời gian tuyệt chủng cho thấy thời điểm động vật tuyệt chủng liên quan đến thời điểm hominin và Homo sapiens đến các đảo lục địa. Các thanh màu tím dọc cho biết khi nào những vùng đất này là đảo. Niên đại xuất hiện cuối cùng (LAD) của các loài động vật đã tuyệt chủng được thể hiện bằng các đường ngang, với các đường chấm chấm đánh dấu sự không chắc chắn. (EAD là viết tắt của niên đại  xuất hiện sớm nhất.) (Nguồn: Louys, J. và cộng sự PNAS (2021); (CC BY-NC-ND 4.0))
Ông cũng cho biết: Phát hiện cho thấy rằng con người không nên cho rằng "tổ tiên của mình đã có sẵn ý thức khai thác quá mức mà chúng ta có nó, đâu đó nằm trong gen của chúng ta". "Nếu có một bài học, thì nó chỉ đơn giản là : Hãy hành động như tổ tiên xa xôi của chúng ta đã làm, lấy những gì bạn cần từ thiên nhiên nhưng không phá hủy nó trong quá trình này."
 
Điều này cũng giải thích tại sao các cuộc tuyệt chủng không liên quan đến sự xuất hiện đầu tiên của người Homo sapiens trên các hòn đảo cách đây khoảng 50.000 năm. Julian Hume, một nhà cổ sinh học và cộng tác nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, London Vương quốc Anh, người không tham gia  nghiên cứu này, cho biết: “Có vẻ như trong suốt thời gian này, cả hominin và hệ động vật trên đảo đã xuất hiện và phát triển cùng nhau. Vào thời điểm đó, có ít người hơn, công cụ kém tinh vi hơn và tỷ lệ chiếm cư chậm hơn. Điều này đã thay đổi trong suốt thời kỳ Holocen, khi con người hiện đại làm chủ việc di chuyển đường dài vượt biển với số lượng lớn, phát triển các công cụ tinh vi và đưa các loài động vật không bản địa  cùng với chúng đến các hòn đảo.
 
Tuy nhiên, Hume lưu ý rằng các hòn đảo nổi tiếng là những nơi bảo tồn hóa thạch kém. Ngoài ra, các hóa thạch tồn tại lâu dài theo thời gian có xu hướng là từ động vật to lớn và khỏe mạnh, thay vì động vật nhỏ và mỏng manh. Vì vậy, thật khó để nói, khi nhìn vào hồ sơ hóa thạch, liệu các hominin trước đó có gây ra sự tuyệt chủng cho động vật hay không -  Hume trả lời  Live Science trong một email.
 
Hume cũng cho hay: Hơn nữa, xương động vật cổ bị chặt để lấy thịt và bị đốt là "cực hiếm". "Bởi vì các tác giả đã tìm thấy rất ít bằng chứng về sự ăn thịt của con người, nhưng không có nghĩa điều đó đã không diễn ra.”
Nhưng ông vẫn đồng ý với thông điệp rút ra của các nhà nghiên cứu. Ông nói: “Chúng ta có thể hiểu và  tha thứ cho tổ tiên loài người đã săn lùng những thứ cần thiết khi họ đi khắp các đại dương. "Điều không thể tha thứ là con người hiện đại đang phá hủy thế giới tự nhiên với tốc độ chưa từng có, mặc dù có hiểu chi tiết về cái giá cuối cùng phải trả như thế nào”.
 
Nghiên cứu được công bố trực tuyến vào thứ Hai (3 tháng 5/2021) trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.  Bản gốc được công bố trên Live Science.
 
 
Người dịch:  Minh Trần
 
Nguồn tham khảo:   https://www.livescience.com/early-humans-island-extinctions.html
 
- Tác giả: Phan Huy Lê
- Nxb: Khoa học xã hội - 2019
-  Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 411 tr
Huế là mảnh đất nằm giữa miền Trung, là thủ phủ của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi kinh thành Phú Xuân của vương triều Quang Trung. Từ năm 1802 đến năm 1945, Phú Xuân - Huế trở thành kinh đô của vương triều Nguyễn, kinh đô của một quốc gia thống nhất trên lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả đất liền, hải đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa biển Đông như lãnh thổ Việt Nam hiện nay.
Huế gắn liền với triều Nguyễn bởi nơi đây còn lưu dấu nhiều thành lũy, cung đình, các giá trị văn hóa của triều Nguyễn. Cũng chính từ những giá trị đó, cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Năm 2003, nhã nhạc cung đình Huế lại được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể thế giới. Hiện nay, Huế được biết đến là một thành phố di sản nổi tiếng, một trung tâm du lịch hấp dẫn cả trong và ngoài nước.
Cuốn sách tập hợp hơn 20 công trình nghiên cứu, gồm các bài viết, bài phát biểu, giới thiệu của GS. Phan Huy Lê về Huế và triều Nguyễn. Huế đã gắn bó với Giáo sư từ ngay sau khi đất nước thống nhất.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
 
- Tác giả: Phan Huy Lê
- Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2018
-  Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 1050 tr
Cuốn sách do PGS.TS Phan Phương Thảo tuyển chọn (tái bản lần thứ 4), lần này tuyển chọn những bài viết mới sau năm 1998, bao gồm cả những báo cáo trong các hội thảo quốc gia và quốc tế, đã công bố và chưa công bố. Tất cả những bài viết đó được sắp xếp thành các chương sau:
Chương 1: Tính đa tuyến, toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam
Chương 2: Về những trung tâm văn minh và Nhà nước cổ đại trên lãnh thổ Việt Nam
Chương 3: Bước ngoặt lịch sử vào nửa đầu thế kỷ X
Chương 4: Bước chuyển biến từ thời cuối Trần sang Lê sơ
Chương 5: Thắng lợi và thất bại của Tây Sơn
Chương 6: Một số vấn đề về nông thôn và đô thị
Chương 7: Thành Thăng Long - Hà Nội và di tích Hoàng thành mới phát lộ
Chương 8: Một số sự kiện và nhân vật lịch sử
Chương 9: Sử học, Việt Nam học, Đông phương học. Quan hệ giao lưu văn hóa với thế giới.
 Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9022965
Số người đang online: 37