Vương Triều Trần (1226-1400)
- Nxb: Hà Nội - 2019
- Khổ sách: 16 x 24 cm
- Số trang: 804 tr
Sau khi nhận “chuyển giao quyền lực” một cách êm thấm, từ họ Lý vào ngày 10 tháng 1 năm 1226, vương triều Trần chính thức bước vào lịch sử Đại Việt, mở đầu những trang vàng chói lọi của một thời kỳ mới đưa đất nước tiếp tục phát triển rực rỡ với những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực: Chính quyền trung ương được củng cố, tổ chức bộ máy quản lý đất nước được kiện toàn, nhanh chóng ổn định được tình hình hỗn loạn cuối đời Lý; nền kinh tế phát triển khá năng động với cả nông - công - thương nghiệp... Đặc biệt, vua tôi nhà Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt anh dũng vượt qua ba lần xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên - đế quốc đã từng thôn tính và xóa sổ nhiều nền văn minh, nhiều dân tộc từ Á sang Âu - với quy mô và mức độ khốc liệt ngày càng cao vào các năm 1258, 1285 và 1287 - 1288. Đây là thắng lợi của tinh thần đoàn kết toàn dân, “cả nước đồng lòng, anh em hòa thuận”, “vua sáng tôi trung”, của ý chí và quyết tâm của những hoàng đế, quý tộc anh hùng và đông đảo những người lính - dân binh anh hùng khắc trên tay hai chữ Sát Thát.
Từ ngày thành lập vương triều cho đến lúc suy vong cách nay gần bảy trăm năm, sử sách đã tốn không ít giấy mực viết về giai đoạn này. Và có lẽ vương triều Trần với hào khí Đông A còn tiếp tục là đề tài nghiên cứu, sáng tác cho nhiều thế hệ mai sau. Công trình “Vương triều Trần (1226 - 1400)” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên được chia làm 5 chương cùng với phần phụ lục. Tên gọi của từng chương cũng nói lên được đầy đủ nội dung.
Chương 1. Vương triều Trần thành lập: Chương này nói về triều Lý suy vong và thời kỳ vương triều Trần thành lập
Chương 2. Những năm tháng hào hùng: Trải qua các đời vua” Trần Thái Tông (1226 - 1258), Trần Thánh Tông (1258 - 1278), Trần Nhân Tông (1278 - 1292).
Chương 3. Tiếp tục ổn định và phát triển: Qua 3 triều vua: Trần Anh Tông (1293 - 1314), Trần Minh Tông (1314 – 1329), Trần Hiến Tông (1329 - 1341).
Chương 4. Thời kỳ suy vong: Đây là thời kỳ của 3 triều vua chính: Trần Dụ Tông (1341 - 1369), Dương Nhật Lễ (1369 – 1370), Trần Nghệ Tông (1370 – 1372). Cùng những hoàng đế cuối cùng: Trần Duệ Tông (1373 - 1377), Trần Phế Đế (1377 - 1388), Trần Thuận Tông (1388 - 1398), Trần Thiếu Đế (1398 -1400).
Chương 5. Vương triều Trần - Quốc gia Đại Việt thế kỷ XIII - XIV.
Là chương tổng quát về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quân sự, ngoại giao... một lát cắt dọc theo suốt chiều dài lịch sử của cả vương triều gồm 5 mục chính sau: 1/Thể chế chính trị; 2/ Một nền kinh tế năng động; 3/Văn minh Đại Việt - Văn hóa Thăng Long; 4/Bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc; 5/Quan hệ Đại Việt với Trung Quốc, Chawmpa và các nước khác trong khu vực.
Cuốn sách được kết thúc bằng một bài nghiên cứu chuyên sâu “Kết luận”.
Ngoài ra công trình còn phần Phụ lục, chọn lọc 14 bài viết tiêu biểu của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tên tuổi đã công bố trước đây như: Hệ tư tưởng Trần, Tổ chức hành chính và quy hoạch đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XI - XIV, Vài nhận xét về tổ chức và tính chất nhà nước thời Trần, Những nhân tố đưa đến chiến thắng quân Nguyên hồi thế kỷ XIII, Mỹ thuật thời Trần...
Ngoài bộ sách đồ sộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”, công trình “Vương triều Trần (1226 - 1400)” được biên soạn, xuất bản tiếp theo “Vương triều Lý (1009 - 1226)” nhằm tiếp tục bổ sung những lát cắt tiêu biểu về lịch sử của thành phố - Thủ đô 1000 năm tuổi trong khuôn khổ Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung