Thêm nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng được phát hiện tại Luy Lâu

 

 

Cuối năm 2014, các chuyên gia Đại học Đông Á (Nhật Bản) cùng với các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hợp tác nghiên cứu thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng đã được phát hiện trong hố khai quật góp thêm tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá Đông Sơn.

Hơn 50 mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy ở độ sâu 1,8 - 2m, phân bố khá đều trong lòng hố khai quật, ở một địa tầng ổn định. Điều cần nhấn mạnh là những mảnh khuôn này được tìm thấy rất gần (chỉ cách 20m) với nơi PGS.TS Nishimura đã tìm thấy mảnh khuôn đúc trồng đầu đầu tiên tại Luy Lâu năm 1999.

Cùng với những mảnh khuôn là một số hiện vật khác không kém phần quan trọng trong việc chế tác trống đồng là phễu rót đồng và chốt định vị trục xoay (ắc) của khuôn đúc. Những hiện vật tìm được cho phép các nhà khoa học khẳng định giả thuyết: Trống đồng được đúc trên bàn xoay theo từng bước: Chế tạo ruột -> Chế tạo 2 mang thân và vẽ hoa văn -> Làm mặt và vẽ hoa văn -> Ráp khuôn -> Làm quai.

Niên đại của những mảnh khuôn được xác định khoảng thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Điều này đã “nối dài” thêm tuổi của văn hóa Đông Sơn - không phải nền văn hóa này kết thúc vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên mà còn kéo dài thêm vài trăm năm nữa - đồng thời cũng chứng minh sức sống của Văn hóa Đông Sơn trong bối cảnh đã có sự tác động của văn hóa Hán.

Với sự thận trọng cần thiết, các nhà khoa học chưa khẳng định Luy Lâu là nơi đúc trống và đề xuất nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa để xác định rõ hơn diện mạo khu di tích này. Qua gần hai nghìn năm phủ mờ của thời gian, đây là phát hiện quan trọng của khảo cổ học Việt Nam góp phần cung cấp thêm nhiều tư liệu về kỹ thuật đúc trống đồng và niên đại kéo dài của văn hoá Đông Sơn. Việc nghiên cứu một cách toàn diện di tích Luy Lâu cũng sẽ góp phần làm sáng tỏ về hệ thống, cách thức sản xuất, giao thương, các đường nét văn hóa - xã hội ở một trung tâm kinh tế - chính trị trong nhiều thế kỷ; góp phần nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á cổ đại nói chung.

Dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam sẽ kéo dài từ năm 2014 đến năm 2019.

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hé lộ phạm vi, cấu trúc thành Nội khu di tích Luy Lâu

 

 

Luy Lâu là một khu di tích lịch sử văn hóa có quy mô to lớn và phong phú đã, đang và luôn tiếp tục là di tích quan trọng hàng đầu trong việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam thời Bắc thuộc.

Hé lộ phạm vi, cấu trúc thành Nội khu di tích Luy Lâu

Theo quyết định số 3714/QĐ-BVHTTDL, ngày 5-11-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép BTLSG phối hợp với Đại học Đông Á Nhật Bản và Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh tiến hành khai quật khảo cổ học tại di tích thành cổ Luy Lâu với diện tích khai quật 30m2, từ ngày 10-11-2014 đến ngày 5-1-2015. Chủ trì khai quật là NCS Trương Đắc Chiến - Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

NCS Trương Đắc Chiến – Chủ trì cuộc khai quật bên hố thám sát P4.

Đoàn công tác gồm có 5 chuyên gia, là các giáo sư đến từ Nhật Bản, do GS Hoàng Hiểu Phấn- Trường Đại học Đông Á Nhật Bản làm Trưởng nhóm. Về phía Việt Nam có các cán bộ nghiên cứu của BTLSQG và của Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh tham gia. Trước đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành nhiều đợt khai quật khảo cổ học tại di tích này. Dựa trên kết quả của những đợt khai quật trước cùng kết quả 3 đợt khảo sát vào các năm 2008, 2012 và 2013 của BTLSQG; kết hợp kết quả khảo sát thực địa và khảo sát viễn thám, đoàn nghiên cứu đã quyết định mở 2 hố khai quật và 1 hố thám sát để tìm xem vết tích chính xác của thành nội Luy Lâu.

GS Hoàng Hiểu Phấn - Đại học Đông Á Nhật Bản tại hố khai quật T1.

 Đoàn công tác đang tiến hành khai quật tại hố T2.

Kết quả đợt phối hợp khai quật lần này đem lại nhiều thành công to lớn. Ngày 30-12-2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả đợt khai quật khảo cổ học tại di tích thành cổ Luy Lâu năm 2014.

Kết quả nghiên cứu đã bước đầu xác định vị trí và phạm vi thành nội di tích Luy Lâu lệch về phía Đông và phía Nam (chứ không phải là lệch phía Tây gần đền Sĩ Nhiếp như trước đây), khẳng định thành cổ Luy Lâu ở vị trí xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bên hữu ngạn dòng sông Dâu cổ.

Đoàn khai quật cũng tìm ra được lớp đắp thành từ thời Đông Hán (khoảng thế kỉ thứ 2-3 sau Công nguyên), tìm thấy dấu vết của tường thành phía Bắc và vết tích cổng thành phía Bắc thành Nội. Đây cũng là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu tìm được những mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn với số lượng lớn và nằm trong địa tầng ổn định, chứng minh cho tính bản địa của trống Đông Sơn cũng như góp phần giúp chúng ta hình dung rõ hơn về quy trình đúc trống đồng.

Bên cạnh đó, kết quả đào được tại các hố thám sát trong năm nay xuất lộ một số lượng lớn gạch ngói cùng với các hiện vật đúc đồng, cho thấy có hoạt động sản xuất chế tạo đồ kim loại tại khu vực Luy Lâu. Gạch tìm thấy trong khu thành Nội cùng với gạch tìm thấy trong khu mộ phía đông thành có sự tương đồng về trang trí hoa văn.

Một số hoa văn trên gạch cũng mang yếu tố văn hóa Đông Sơn, ví dụ như vòng tròn đồng tâm, vòng tròn tiếp tuyến. Bà Hoàng Hiểu Phấn, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong lần khai quật này, thành công lớn nhất của chúng tôi làm rõ phạm vi, cấu trúc bên trong cũng như niên đại xây dựng nội thành.

Chúng tôi làm rõ được nội thành được xây dựng từ thời Hán, sau đó các thời kì sau cũng được liên tục tu sửa. Chúng tôi cũng thấy được sự hình thành của đội quân Giao Chỉ, sự hình thành chế độ quân quyền ở khu vực này. Giá trị lớn nhất là chúng tôi thấy được sự tích hợp giữa văn hóa Hán-tức văn hóa ngoại lai với văn hóa bản địa-là văn hóa Đông Sơn.”

Trong những năm tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khai quật với mong muốn làm sáng tỏ diện mạo khu di tích Luy Lâu, đánh giá được ý nghĩa trị sở của quận Giao Chỉ giai đoạn đầu Công nguyên, đồng thời sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo quốc tế để công bố kết quả nghiên cứu tại Việt Nam và Nhật Bản./.

 

 

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật nhất trong năm 2014

 

 

Hội thảo "Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển" do Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức đã được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ công nhận là một trong mười sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật trong năm 2014.

Chiều 24/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ đã công bố mười sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật trong năm 2014.

Ảnh chỉ có tính minh họa. 



Các sự kiện này được các nhà báo theo dõi lĩnh vực khoa học và công nghệ bình chọn theo sáu lĩnh vực: Cơ chế chính sách, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, hợp tác quốc tế và tôn vinh các nhà khoa học.

Các sự kiện được bình chọn:

1. Một loạt Nghị định, Thông tư được ban hành để đưa nhanh Luật Khoa học và Công nghệ vào đời sống

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển Khoa học và Công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000), Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành sáu Nghị định hướng dẫn Luật nhằm đưa nhanh các cơ chế chính sách vào cuộc sống. Các thông tư quy định chi tiết nội dung của các nghị định cũng đã được hoàn thiện theo tinh thần đổi mới của Luật Khoa học và Công nghệ.

2. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5)
 

Lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và tuần lễ truyền thông Khoa học và Công nghệ với chủ đề “Khoa học và Công nghệ-Động lực phát triển nhanh và bền vững” với sự tham gia của các bộ ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ trong cả nước.

3.Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông-Nam Á- hợp tác để phát triển”

Trung tuần tháng 10, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tỉnh Quảng Ngãi  tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á-Hợp tác để phát triển.”

Các nhà khoa học đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước, song đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở lĩnh vực này.

Viện Khảo cổ học đang xây dựng Đề án Phát triển khảo cổ học dưới nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hy vọng từ kết quả của hội thảo khoa học quốc tế nói trên và nhất là khi đề án được triển khai lĩnh vực khảo cổ học dưới nước sẽ ngày càng phát triển.

 

 

4. Sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ

Nằm trong khuôn khổ các nhiệm vụ của Chương trình Tây Nguyên 3, giai đoạn 2011-2015, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã triển khai đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liêu không nung từ bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên.”

Trong quá trình triển khai đề tài các nhà khoa học đã hoàn chỉnh quy trình công nghệ sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ.

Thành công bước đầu của đề tài là khâu “đột phá” đáng nghi nhận của các nhà khoa học trong việc sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ, bảo vệ môi trường.

5. Nghiên cứu thành công Vắcxin Rotavin-M1

Việt Nam vừa sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công vắcxin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em có tên Rotavin-M1, qua đó trở thành quốc gia thứ hai của châu Á, nước thứ tư trên thế giới nghiên cứu và sản xuất thành công loại vắcxin này.
 

Thành công này thuộc về các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Luân làm chủ nhiệm đề tài.

 

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Luân.

 

6.Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam nhận Giải thưởng “Thành tựu xuất sắc”

Trong năm 2014, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trao giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức của các nước thành viên có nhiều thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống, đóng góp hiệu quả vào bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Việt Nam đã giành được ba trong số 23 giải thưởng, trong đó có một giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” cho Viện Di truyền nông nhiệp Việt Nam.

7. Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện trung ương Huế

Nhóm bác sĩ, y tá Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công Đề tài cấp Nhà nước độc lập đầu tiên “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng.”

Chị Nguyễn Thị Sau là người bệnh đã thoát khỏi căn bệnh ung thư sau khi được chữa bằng phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị liều cao, điều trị đích, kết hợp với ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho phép tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Thành công của đề tài mở ra phương pháp mới trong điều trị ung thư ở Việt Nam nói chung và ung thư vú, ung thư buồng trứng nói riêng.

8. Hiệp định hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân

Ngày 6/5, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear chính thức ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.

Hiệp định này được ký kết nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại trong lĩnh vực hạt nhân và tạo khung pháp lý để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhất là trong phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam...

9. Giáo sư Châu Văn Minh được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Belarus

Năm 2014, vượt qua 20 ứng viên, giáo sư Châu văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cùng hai nhà khoa học khác trên thế giới đã được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Belarus.

Kể từ tháng 3/2000, đến nay Viện Hàn lâm khoa học Belarus mới có thêm ba viện sĩ nước ngoài, nâng tổng số viện sĩ người nước ngoài của Viện Hàn lâm Belarus lên 13 người.

10. Ba nhà khoa học Việt Nam được Thomson Reuters tôn vinh là những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014

Ba nhà khoa học của Việt Nam vừa được tổ chức Thomson Reuters (tổ chức theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu) xếp vào danh sách Những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014.

Ba nhà khoa học đó là: Giáo sư Đàm Thanh Sơn (giảng dạy ngành vật lý tại Đại học Chicago, Mỹ), Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Sơn Bình (nghiên cứu giảng dạy ngành hoá học tại Đại học Northwestern, Mỹ) và Phó giáo sư,  tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (nghiên cứu giảng dạy về ngành tính toán cơ học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Việt-Đức).

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Báo cáo kết quả khảo sát và khai quật thám sát khu vực Yên Giang và cánh đồng Yên Giang

 

 

Chiều ngày 29/12/2014, tại Viện Khảo cổ học đã diễn ra hội thảo “Báo cáo kết quả khảo sát và khai quật thám sát khu vực Yên Giang và cánh đồng Yên Giang” trên bờ sông Chanh, khu 6, phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thuộc đồ án “Bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng” do TS. Lê Thị Liên làm chủ nhiệm.

alt

Chiều ngày 29/12/2014, tại Viện Khảo cổ học đã diễn ra hội thảo “Báo cáo kết quả khảo sát và khai quật thám sát khu vực Yên Giang và cánh đồng Yên Giang” trên bờ sông Chanh, khu 6, phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thuộc đồ án “Bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng” do TS. Lê Thị Liên làm chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Bùi Văn Liêm và TS Nguyễn Gia Đối, hai Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, ông Nguyễn Văn Vụ, Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hoàng Tùng, Cán bộ Công ty Mỹ thuật Xây dựng Việt Nam và đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện.

Mục đích của cuộc khảo sát và khai quật nhằm xác định tính chất, đặc điểm phạm vi phân bố các dấu tích khảo cổ học, đánh giá giá trị và cung cấp các ý kiến tư vấn cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị khảo cổ học trong khu vực quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.

20 hố khai quật thám sát đã được mở ở các khu vực dự tính có các công trình xây dựng và chia làm 5 khu vực. Sơ bộ kết quả tại khu vực 1 cho thấy địa tầng khu vực này thuộc ven sông cổ, được bồi tích nhiều thời kỳ, mức độ hoạt động của dòng chảy yếu. Khu vực 2 có tính chất lòng sông. Khu vực 3, ở độ sâu khoảng 60cm đã xuất lộ dày đặc một lớp di vật gồm các loại mảnh sành, gốm, gốm men, chày đá…Đây có thể là dấu tích cư trú tạm thời. Khu vực 4 có sự xáo trộn khá lớn và mang tính chất của dòng chảy yếu. Khu vực 5 là khu vực có dòng chảy khá mạnh.

Đã thu được tổng số 3450 mảnh di vật các loại, trong đó đáng chú ý có 1832 mảnh ngói, 21 mảnh gạch, 1365 mảnh sành và 26 mảnh gốm, 106 mảnh gốm men. Ngoài ra còn có các loại hình đơn chiếc như chì lưới, con quay, chuôi dao sắt, mảnh xương. Đồ sành thu được chủ yếu thuộc thời Lý, Trần với các loại hình như lon, vại, chum, hũ, lọ, chậu. Đồ gốm men chủ yếu thuộc thời Trần, một số thuộc thời Lý và thời Đường hay giai đoạn muộn hơn với các loại hình bát, đĩa, âu, liễn, thạp thuộc các dòng men trắng, men ngọc, men nâu, men đen.

Kết quả khảo sát cho thấy địa hình bờ bắc sông Chanh cổ gồm các gò cát lớn nhỏ, chia cắt bởi các đường nước, mang tính chất bãi bồi ven sông. Về phía nam-tây nam tính chất lòng sông có dòng chảy hoạt động theo chu kỳ. Càng về phía nam tướng lòng sông càng lộ rõ. Sự có mặt của dấu tích văn hóa khá rõ trên sườn và ven chân các gò cát. Tuy nhiên, chưa phát hiện được dấu vết tầng văn hóa của khu cư trú dài ngày. Sự xuất lộ của các di vật cho thấy hoạt động của con người ít nhất là từ thời Bắc thuộc ở khu vực ven sông, trên các cồn cát. Hoạt động này khá sôi nổi và tập trung ở khu vực I vào thời Lý, khu vực III, IV vào thời Lý, Trần, đặc biệt là vào thời Trần. Đáng chú ý là chiếc cọc gỗ lớn phát hiện trong hố thám sát 17 cho thấy một lần nữa tầm quan trọng chiến lược của bãi cọc Yên Giang, căn cứ vào kích thước cọc, độ sâu và vị trí đóng cọc. Cho đến nay, vẫn chưa phát hiện được những dấu tích đáng chú ý về di tồn của trận chiến (xác tàu đắm, vũ khí…)

Các đại biểu tham dự Hội thảo như GS,TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Tống Trung Tín, PGS.TS Bùi Văn Liêm, TS Nguyễn Gia Đối… đều đánh giá cao những giá trị khoa học của đợt điều tra khảo sát lần này. Việc áp dụng kết quả những phương pháp nghiên cứu mới trong việc phục dựng lại cảnh quan môi trường cổ, sự xuất hiện của của các dấu tích văn hóa trên sườn và ven chân các gò cát đã giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn không chỉ về chiến trường Bạch Đằng năm 1288 mà còn về diện mạo lịch sử văn hóa của khu vực này trong lịch sử.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Di tích quốc gia Yên Tử được "trùng tu - xây mới"

 

 

Chùa Một Mái, nơi biên soạn nhiều kinh văn của trường phái Trúc Lâm Yên Tử được xây mới hoàn toàn trên nền sàn bê tông cốt thép với diện tích mở rộng thêm. Am Dược, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh được trùng tu lại.

Khoảng nửa tháng nay, khi đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh), không ít du khách ngạc nhiên vì nhiều công trình cổ bị biến thành công trường xây dựng với ngổn ngang sắt thép, cát, vôi. Chùa Một Mái (Bán Thiên tự) - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông thường tới đây đọc sách, soạn kinh văn - nay những bao ximăng được chất đống để chuẩn bị phục vụ việc xây mới.

Khu phế tích Am Dược - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh - nay bị đào tung nền móng, tường đá cổ cũng không còn. Những phiến đá gạo với họa tiết trăm năm của di tích, sau khi bị phá dỡ nằm chỏng chơ xung quanh, không có mái che bảo quản như yêu cầu của Luật Di sản văn hóa. Duy nhất có bức tượng Phật nhỏ trên nền phế tích được đặt lên bàn thờ.

Am-Duoc-Yen-Tu-2935-1419595548.jpg

Am Dược (Yên Tử) bị phá bỏ nền móng cũ và tường đá cổ để làm mới công trình. Ảnh:  Mỹ Mỹ.

Giữa đại ngàn non thiêng Yên Tử hoang sơ, một con đường rộng mới được mở cắt xuyên rừng Yên Tử, hằn đầy vết xe cơ giới.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng ban Quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, những hạng mục đang được thi công này thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình phục hồi, tôn tạo di tích chùa Một Mái - Am Dược được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2011. Tổng mức đầu tư theo quyết định gần 20 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Theo kế hoạch, công trình được thực hiện từ năm 2013, nhưng nay mới có kinh phí để thi công.

Theo ông Hải, việc chùa Một Mái được xây mới, đúng với thiết kế bản vẽ thi công mà Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh phê duyệt năm 2012. Trong thiết kế, ngôi chùa nức tiếng trời Nam với thế "Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài" (thơ Hoàng Quang Thuận) này, sẽ bị dỡ bỏ kết cấu gạch, gỗ và xây mới hoàn toàn trên nền sàn bê tông cốt thép. Diện tích chùa cũng được mở rộng từ 41 lên 124 m2. Chùa Một Mái đến nay đã sắp trùng tu xong. 

chua-mot-mai-yen-tu-1-6652-1419595548.jp

Chùa Một Mái thuộc khu Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử trước và sau trùng tu tôn tạo. Ảnh: Mỹ Mỹ và tư liệu.

Phế tích Am Dược theo phê duyệt sẽ xây công trình mới nhưng giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại. "Việc phá dỡ nền móng cũ, tường đá, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh không cố tình làm mà vì các hạng mục đó đã bị sụp, lún sẵn rồi", ông Hải nói.

Theo Trưởng ban quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, nền móng của Am Dược khi công nhân phạt cỏ để gia cố đã thấy sân đá tảng bị trộm đào xới để tìm đồ cổ từ trước. Nền móng sụt lún nên không thể xây trên nền này được. Hai bức tường đầu hồi còn sót lại được giữ với nhau bằng rễ cây, dây leo. Khi chặt dây để trùng tu, tường đã sụp đổ.

Con đường rộng xe cơ giới chạy qua là chỉnh trang từ đường thăm dò địa chất đã có từ mấy chục năm trước, nay dùng để đưa vật liệu lên khu vực tôn tạo di tích và phục vụ công tác tuần tra.

Ngày 26-12, ông Ðào Lê Trung - chánh thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh - cho biết đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ thanh tra, phòng nghiệp vụ văn hóa, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã có kết quả rà soát di tích chùa Một Mái - am Dược tại khu di tích rừng quốc gia Yên Tử.

Theo đó, các cơ quan chức năng phát hiện đơn vị thi công có nhiều sai phạm trong quá trình tôn tạo, trùng tu như: xây dựng nền móng am Dược vượt quá diện tích thiết kế đã được phê duyệt, công tác bảo quản các di vật cổ không đúng quy định...

Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định đình chỉ thi công dự án tôn tạo am Dược tại quần thể di tích Yên Tử.

Ông Hồ Chí Ðức, trưởng Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, cho biết đơn vị thi công đã không tuân thủ các quy định về trùng tu, tôn tạo vì đào toàn bộ phần nền móng bằng đá gạo cũ của am Dược lên, không đánh dấu các cấu kiện và không bảo quản tốt các di vật cổ.

“Ðây là một sai sót đáng tiếc. Lẽ ra khi phát hiện nền móng sụt lún thì đơn vị thi công không được tự ý gia cố nền móng mà phải báo cơ quan quản lý văn hóa để thành lập hội đồng khoa học thẩm định, có các biện pháp xử lý hợp lý để vừa trùng tu vừa bảo tồn được di tích” - ông Ðức nói.

Về hướng xử lý, theo ông Trung, sắp tới sẽ yêu cầu Giáo hội Phật giáo tỉnh có báo cáo chi tiết, làm thủ tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh hồ sơ cấp phép, khi nào được cấp phép tiếp mới được xây dựng.

Ban quản lý khu rừng quốc gia Yên Tử cùng đơn vị thi công phải thực hiện phương án bảo quản các cấu kiện, di vật cổ theo đúng quy định.

 

 

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Nhóm cổ vật độc đáo mới phát hiện ở huyện Mường Ảng (Điện Biên)

 

 

Tháng 12 năm 2013 người dân bản Co Sản (xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) đã phát hiện được nhiều hiện vật bằng kim loại khi mưa làm sạt vách taluy dương của một quả đồi. Nhận được tin báo Công an huyện Mường Ảng đã tới vận động bà con giao nộp và đưa về lưu giữ đồng thời báo cho các cơ quan chức năng. Tháng 7/2014 Sở VHTTDL Điện Biên đã tiến hành nghiên cứu giám định sưu tập hiện vật quý này.

Khi tiếp cận với sưu tập hiện vật được lưu giữ tại Công an huyện Mưởng Ảng chúng tôi nhận thấy đây là một sưu tập hiện vật rất độc đáo, có giá trị cao về mặt văn hoá lịch sử cũng như nghệ thuật.

Nhóm cổ vật độc đáo mới phát hiện ở huyện Mường Ảng (Điện Biên)

Bộ sưu tập gồm 72 hiện vật kim loại với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau: vòng tay đồng (16 chiếc), vòng tay bạc (3 chiếc), vòng cổ bạc (1 chiếc), khuyên tai ống (28 chiếc), đầu châm hình hoa mạ vàng (2 chiếc), ấm bạc (2 chiếc), chén bạc (4 chiếc), âu bạc (2 chiếc)… Rất nhiều hiện vật được trang trí rất tinh vi đẹp mắt như hai chiếc ấm bạc được trang trí khắp toàn thân là hình hoa lá, chim, cánh sen, lá đề cách điệu… Trên chiếc ấm còn vòi rót có hai chữ Hán “Phúc”, “Thọ”; Trên chiếc còn lại có hai chữ Hán “Trường”, “Sinh”. Trong 4 chiếc chén bạc có 2 chiếc được trang trí rất cầu kỳ. Chiếc lớn hơn trang trí hoa dây và chim phượng cùng bốn chữ Hán “Phúc”, “Thọ”, “Trường”, “Sinh”. Chén nhỏ hơn trang trí hình rồng cùng hau chữ Hán “Trường”, “Sinh”, phía dưới gần đế chén có trang trí một băng cánh sen lồng rất đẹp. Căn cứ vào các mô tip hoa văn trang trí chúng tôi nhận định đây là bộ sưu tập hiện vật quý có niên đại thế kỷ XVIII-XIX, nhóm hiện vật này được chôn giấu của chứ không phải đồ tuỳ táng. Về chủ nhân của bộ sưu tập chúng ta chưa có tư liệu rõ ràng nhưng xét trên tư liệu hiện vật thì có nhiều yếu tố liên quan đến Phật giáo (cánh sen, lá đề…) và một số hoa văn dân tộc Thái, Lào trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn đang sử dụng.

Bộ sưu tập hiện vật phát hiện ở bản Co Sản rất có giá trị về mặt văn hoá lịch sử cũng như nghệ thuật. Sở VHTTDL Điện Biên đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo đúng Luật định để đưa nhóm hiện vật về cho Bảo tàng Điện Biên bảo quản, trưng bày phục vụ nhân dân và các nhà nghiên cứu.

Nguyễn Thơ Đình

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện ngôi mộ thời Đông Sơn ở Sơn La

 

 

Ngôi mộ còn nguyên vị trí, phần đầu còn cả xương sọ màu trắng, đã mủn, còn xương hàm dưới, 4 chiếc răng và 2 đoạn xương ống chân.

alt
Núi Lán Le, nơi có hang đá phát hiện mộ táng Đông Sơn.
 
Mới đây, trong khi đi cắt cỏ cho trâu, ông Quàng Văn Hảy ở bản Nà Pát đã tìm ra cửa một cái hang trên ngọn núi Lán Le gần bản. Cửa hang đã bị bịt lại bằng những hòn đá tảng. Sau đó, dân làng đã kéo lên hang và dỡ đá tảng, lộ ra một hang nhỏ. Nền hang sâu hơn mặt đất ngoài cửa khoảng 1,5m và rộng khoảng 6m2.

Vào bên trong, dân làng thấy hình hài một ngôi mộ nằm chính giữa nền hang, có nấm mồ cao khoảng 30-40cm và được xếp đá. Do hiếu kỳ, dân bản Nà Pát, đã tự "khai quật" ngôi mộ này. Theo ông Cả Văn Po và những người đào thì ngôi mộ còn nguyên vị trí, phần đầu còn cả xương sọ màu trắng, đã mủn, còn xương hàm dưới, 4 chiếc răng và 2 đoạn xương ống chân. Hướng đầu quay ra cửa hang và là hướng Bắc.

Đồ tùy táng phong phú và qua đó, người ta có thể hình dung ra cách chôn cất của người xưa. Trên đầu đặt 5 chiếc qua đồng của Văn hóa Đông Sơn, có phần lưỡi và cán gần vuông góc với nhau. Lưỡi nhọn, cán có lỗ để xuyên dây buộc. Một số lưỡi qua được khắc họa hoa văn 5 vòng tròn xoáy trôn ốc. Có chiếc qua có chiều dài lưỡi đến 30cm.

Đây là một loại vũ khí thường gặp trong Văn hóa Đông Sơn, được buộc dây vào đầu một chiếc cán dài, giống như một cái câu liêm, dùng để bổ, chém, nhất là để chặt chân ngựa và người. Rất ít khi tìm được loại vũ khí với số lượng nhiều như vậy trong lòng đất. Cả 5 chiếc qua này được chôn thành cụm ở phần đầu. Tại vị trí cổ người chết, đã tìm được một số hạt chuỗi đeo cổ, được làm bằng đá mài nhẵn, hình trụ dài có khoan lỗ, màu trắng và đen.

Một hiện vật đồng tìm thấy ở vị trí ngực. Đó là hiện vật hình tròn, đường kính 15 cm, ở giữa lồi và có núm, được trang trí các chấm tròn, có lỗ ở hai bên để xỏ dây đeo. Chưa rõ đây là loại mũ đồng hay là một loại "hộ tâm phiến" che ngực mà lần đầu các nhà khảo cổ biết tới.

Hai bên xương đùi người chết còn thấy 2 chiếc rìu đồng quen thuộc của Văn hóa Đông Sơn, là loại rìu hình chữ nhật có họng. Với những đồ tùy táng điển hình của Văn hóa Đông Sơn, các nhà khảo cổ có thể định được niên đại ngôi mộ này cách đây khoảng 2000 năm. Cũng có thể coi đây là một địa điểm phân bố hiếm hoi của nền văn hóa này được phát hiện trong lòng đất một cách rõ ràng như vậy.

alt
5 chiếc qua đồng Đông Sơn là đồ tùy tang.

Thân phận của chủ nhân ngôi mộ ở Chiềng Khoang cũng là điều đáng lưu ý. Chắc chắn đó là một người có địa vị trong cộng đồng và khá giàu có.

Với hạt chuỗi đeo cổ cũng khó đoán là phụ nữ hay đàn ông. Thường thì các tượng phụ nữ chống nạnh trên cán dao găm đều có khắc họa nhiều vòng chuỗi đeo cổ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ cả đàn ông thời đó cũng đeo nhiều đồ trang sức, trong đó có vòng cổ.

 

Sơn La là một vùng phát hiện ra dấu tích Văn hóa Đông Sơn trước đây ở vùng Đá Đỏ, huyện Phù Yên, nằm bên bờ sông Đà. Nay lại thêm một di tích văn hóa Đông Sơn nữa ở huyện Quỳnh Nhai. Điều đó chứng tỏ từ cách đây 2000 năm, cư dân Đông Sơn đã cư trú ở vùng Sơn La.

Có thể, khi đó, một cộng đồng người nào đó, tổ tiên của các dân tộc ít người hiện nay ở vùng Tây Bắc đã cùng với các tộc người ở nhiều vùng khác đã sáng tạo nên Văn hóa Đông Sơn. Như vậy, bức tranh tộc người thời này là đa dạng, có nhiều tộc người miền núi cùng là chủ nhân Văn hóa Đông Sơn.

Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” thì vùng phát hiện ra mộ táng Đông Sơn này thuộc về bộ Tân Hưng xưa của thời Hùng Vương, một thời thuộc tỉnh Hưng Hóa dưới triều Nguyễn. Vào thời Lý thuộc đạo Lâm Tây, thời Trần thuộc đạo Đà Giang.

Phát hiện địa điểm Văn hóa Đông Sơn ở vùng Sơn La là một phát hiện hiếm hoi và rất quý, khi ta biết rằng 3 tỉnh biên giới Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La rất ít các địa điểm thuộc Văn hóa Đông Sơn. Phát hiện mới này đã chứng minh người thời Đông Sơn đã làm chủ Tây Bắc cách đây 2000 năm.

Đây là một trong những bằng chứng xác đáng nhất để khẳng định vùng Tây Bắc từ xa xưa đã được các cộng đồng dân tộc Việt Nam khai phá, phát triển và giữ gìn bờ cõi phía tây và phía bắc của Tổ quốc.

Ông Bùi Văn Mạnh kiến nghị "Khu vực bản Nà Pát, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai có mối liên quan với khu vực xã Chiềng Bằng là khu vực đã khảo sát và khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Do vậy toàn bộ khu vực này cần được điều tra khảo cổ học một cách tổng thể".

Nguyễn Thơ Đình

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

BẰNG CHỨNG VỀ THUẦN DƯỠNG NGŨ CỐC 7.000BP Ở SUDAN

 

 

CƯ DÂN Ở CHÂU PHI ĐÃ KHAI THÁC NGŨ CỐC ĐƯỢC THUẦN DƯỠNG TỪ 7,000 NĂM TRƯỚC VÀ THẬM CHÍ LÀ Ở CÁC QUỐC GIA KHÁC NHƯ ĐÃ BIẾT TRƯỚC ĐÓ CÒN SỚM HƠN.

Một nhóm nghiên cứu từ Barcelona, Treviso, London và Kiel đã thành công trong việc xác minh di tồn lúa mì ở trong những đồ tùy táng và ở răng từ hai nghĩa địa thời đại Đá mới, miền Trung Sudan và Nubia.

BẰNG CHỨNG VỀ THUẦN DƯỠNG NGŨ CỐC 7.000BP Ở SUDAN

Dr. Welmoed Out ở Kiel có tham gia trong việc khảo sát. “Với những kết quả của chúng tôi chúng tôi có thể xác định rằng con người dọc sông Nile không chỉ khai thác những loài thực vật hoang dại, động vật hoang dã mà họ kiếm được thậm chí có cả lúa mì.

Lần đầu tiên lúa mì được canh tác ở Trung Đông khoảng 10.500BP và lan tỏa tới khu vực Trung và Nam Á cũng như châu Âu và Nam Phi. “Sự đa dạng của bữa ăn nhiều hơn những gì trước đây chúng ta đã biết,” Out nhấn mạnh thêm và xác nhận. “Hơn thế nữa, thực tế những hạt lúa mì đó được đặt trong những ngôi mộ của người chết hàm ý rằng chúng đã có một ý nghĩa đặc biệt và mang tính biểu tượng”.

Nhóm nghiên cứu kết hợp với Welmoed Out và nhà khảo cổ học môi trường Marco Madella từ Barcelona đã được cung cấp một trong những thiết bị đó gồm một kính hiển vi chất lượng cao với ánh sáng đặc biệt cũng như các phân tích cacbon phóng xạ để xác định tuổi. Họ nhận được sực khích lệ bởi thực tế là các mẫu khoáng thực vật được gọi là hóa thạch thực vật tồn tại trong một thời gian rất dài, thậm chí khi những di tồn thực vật khác không cổ xưa bằng nhưng khó có thể quan sát được. Thêm vào đó, những chiếc răng có niên đại nghìn năm tuổi có một số bị dính chặt với cao răng sẽ cung cấp về khẩu phần ăn của những cư dân tiền sử này vì các hạt tinh bột và hóa thạch thực vật có chứa trong đó.

Trong hoàn cảnh này, phải có sự kết hợp/thu hút các học giả về các lĩnh vực khoa học tự nhiên và nhân văn có liên quan tới kế hoạch nghiên cứu về phức hợp mối quan hệ giữa xã hội, văn hóa và môi trường. Cụ thể là, các xã hội tiền sử được nghiên cứu như các hình mẫu tiêu biểu.

Nguồn: (http://www.heritagedaily.com)

Dịch: Phạm Thanh Sơn

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

 
Kiếp Bạc - địa danh ấy khá nổi tiếng trong lịch sử, bởi nó gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược, người có công tích lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta vào thế kỷ XVIII, người được tôn vinh là "cha" trong tâm thức dân gian Việt, với lễ hội trang trọng vào tháng 8 Âm lịch hàng năm. Qua nghiên cứu diện mạo của Kiếp Bạc, trước hết là một "phủ đệ" thời Trần, đồng thời là vị trí "tiền tiêu" đặc biệt quan trọng, án ngữ đường tiến quân xâm lược của quân Nguyên Mông vào Thăng Long, sau đó là ngôi đền thờ, là chốn tâm linh, tín ngưỡng dân gian (Đạo Tổ)... ngày càng "hiện lên" rõ ràng hơn.

Vị trí mộ khai quật.

Khai quật mộ.

Do hàm chứa những giá trị lịch sử/văn hoá to lớn, từ lâu khu vực Kiếp Bạc đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của khảo cổ học. Nhiều đợt điều tra, khảo sát và khai quật đã được tiến hành ở khu vực di tích Kiếp Bạc.

Qua đó, đã phát hiện và bổ sung nhiều tư liệu quí giá có liên quan trực tiếp đến di tích trong suốt quá trình tồn tại, đó là các vết tích kiến trúc phủ đệ với nền, móng, cống thoát nước và các loại vật liệu kiến trúc thời Trần, cùng các dấu tích cư trú, sinh hoạt với nhiều di tích phụ cận tại các địa điểm Viên Lăng, Núi Trán Rồng, Từ Cũ, Hố Thóc, Ao Cháo, Vạ Yên, Xưởng Thuyền... Đặc biệt, trong đợt nghiên cứu năm 2000 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã tiến hành khai quật "chữa cháy" ngôi mộ thời Trần hết sức độc đáo và quí giá trên núi Trán Rồng được nhân dân địa phương phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình canh tác.Khi Đoàn công tác đến hiện trường, ngôi mộ gần như đã bị đào phá hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có thể xác định đây là một ngôi mộ có cấu trúc và táng thức đặc trưng thời Trần. Mộ có huyệt hình tròn, đường kính 3,3m, vát dần xuống dưới, đáy huyệt mộ nằm ở độ sâu 1,6m.  Những nghiên cứu cho thấy đây là ngôi mộ dạng "trong quan ngoài quách" rất đặc biệt, xung quanh được chèn và đậy gạch. Viên gạch sử dụng làm đậy nắp màu đỏ tươi, bề mặt trang trí khắc vạch hình bàn cờ tướng. "Quách" là chum đất nung màu đỏ tươi, vỡ thành hai mảnh không đều nhau, do bị đập vỡ khi sử dụng làm quách. Vai trang trí cánh sen kép và ở thân trang trí khắc chìm hình cá hoá rồng, phượng và hoa phù dung. Trong chum là một thạp hoa nâu, chân đế rời men trắng ngả xám, chân đế hình đài sen. Hài cốt đựng trong chiếc thạp này, xương cốt đều vụn nát, lẫn phía trong là một gương đồng và một khánh bạc chạm khắc hoa phù dung cực kỳ tinh xảo.

 

 

Lon sành thời Trần.

 

Trong quan ngoài quách.

 

Khôi phục hiện trạng.

 

Cấu trúc mộ.

Mặc dầu được phát hiện ngẫu nhiên, song về cơ bản chúng ta vẫn có thể phục dựng lại cấu trúc ngôi mộ với táng thức quan, quách và nhiều vấn đề có liên quan đến đặc trưng mộ táng thời Trần. Đây là một phát hiện rất thú vị, nó cho thấy còn rất nhiều bí ẩn trong lòng đất Kiếp Bạc. Từ những cứ liệu di vật thu được cùng với cấu trúc, vật liệu, hoa văn trang trí và đồ tuỳ táng có thể xác định chủ nhân của ngôi mộ là một phụ nữ thuộc dòng dõi "quí tộc" nhà Trần. Người phụ nữ đó là ai, có quan hệ với Đức thánh Trần Hưng Đạo như thế nào mà lại được an táng ở vị trí quan trọng ấy (trên núi Trán Rồng) với táng thức cùng đồ tuỳ táng "cao sang" như vậy vẫn là một ẩn số cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

 TS. Nguyễn Văn Đoàn ( Phó Giám đốc BTLSQG )

Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
<< Trang truớc<a data-cke-saved-href="/vi/tin-tuc-su-kien/tin-van-hoa-khao-co-hoc-trong-nuoc/3738-hoi-thao-van-hoa-dong-son-90-nam-phat-hien-va-nghien-cuu.html" href="/vi/tin-tuc-su-kien/tin-van-hoa-khao-co-hoc-trong-nuoc/3738-hoi-thao-van-hoa-dong-son-90-nam-phat-hien-va-nghien-cuu.html" title="Hội thảo " văn="" hóa="" Đông="" sơn-90="" năm="" phát="" hiện="" và="" nghiên="" cứu"="">Trang kế >>

Lều/trại 6,000 năm tuổi được phát hiện cạnh Stonehenge

 

 

Khu lều có niên đại thời đồ đá Giữa ở Stonehenge được phát hiện và nó sẽ chỉ ra được tổ tiên sớm nhất của nước Anh đã sống- nhưng nó cũng có thể bị hủy hoại nếu Chính phủ dự định xây dựng một đường hầm ở Stonehenge.

Than tro đã bị đào xới lên từ khu lều, khoảng 1.5 dặm từ Stonehenge đã được kiểm tra một cách khoa học và chỉ ra rằng niên đại khoảng 4.000BC. Hố đào cũng xuất lộ bằng chứng về sự tồn tại của một số kiến trúc nhưng cần hơn nữa là việc khảo sát xem xét một cách chi tiết những gì mà điều đó khắc họa trong bối cảnh thời đại đá Giữa không thể sờ được ở Di sản Thế giới Stonehenge chứa đựng.

Cũng có bằng chứng về ngày hội tôn giáo - đá lửa bị đốt và những di tồn của những con bò đực khổng lồ-bò rừng châu Âu đã bị ăn thịt bởi những người săn bắn hái lượm trước đó cũng như các công cụ. Một hố khai quật trước đó được đào tại di chỉ, dưới sự tiến hành của Đại học Buckingham, đã cho thấy Amesbury là một khu vực đã được cư ngụ liên tục trong một thời gian dài ở nước Anh và những mảnh xương chân bị đốt cháy của ếch từ 7.000 năm trước là món ăn ở đó khá lâu trước khi những người Pháp có sự ưa thích với chúng. Mật độ cao nhất của những hòn đá lửa bị đốt cháy và các công cụ trong thời đại đá Giữa ở bất cứ nơi đâu ở Vương quốc Anh đã được phát hiện ở một khu vực nhỏ bé tại di chỉ trong một hố khai quật trước đó.

Một dòng suối tự nhiên ở Blick Mead có sức hấp dẫn đối với cả con người và quần động vật. Sự kết hợp của nước với nhiệt độ không đổi và một loại tảo hiếm cũng chỉ gây ra sự thay đổi về màu sắc của đá từ nâu sang hồng, đã được tìm thấy trong một số di chỉ khảo cổ ở nước Anh.

Nhà khảo cổ học David Jacques tham gia phát hiện đó ở một hố đào đã thực hiện Luận văn của mình ở đại học Buckingham về Khảo cổ học vào tháng 10 nói rằng: “Thủ tướng háo hức về cuộc tái bầu cử trong 140 ngày-chúng ta rất háo hức về phát hiện cái cách mà tổ tiên của chúng ta đã sống cách đây 6.000 năm Thời kỳ tiền sử của nước Anh có thể được viết lại. Đây là niên đại mới nhất về thời đại đá Giữa của một trại/lều đã từng được phát hiện ở Vương quốc Anh. Di chỉ Blick Mead có mối liên hệ với những nhóm người săn bắn hái lượm sớm khi họ quay trở lại nước Anh sau kỷ Băng Hà tới khu vực Stonehenge bằng tất cả những cách thức thông qua thời đại Đá mới trong giai đoạn cuối của thiên niên kỷ V trước Công nguyên. Nước Anh đang bắt đầu ngang qua thời kỳ đó. Blick Mead kết nối một thời gian khi nước Anh vẫn nối liền với lục địa để lần đầu tiên trở thành các hòn đảo của nước Anh.

“Có phải Stonehenge đã được xây dựng như một nơi tưởng niệm tới tổ tiên từ những nơi sâu xa nhất của quá khứ Anh? Blick Mead có thể giải thích những gì mà các nhà khảo cổ học đã tìm ra khoảng vài thế kỷ- một câu trả lời về câu truyện của quá khứ Stonehenge xa xưa. Nhưng cơ hội của chúng ta chỉ để khám phá về những chương sử xa xưa nhất của nước Anh có thể bị hủy hoại nếu đường hầm đó được xây dựng”.

Giáo sư Tim Darill của Đại học Bournemouth đã mô tả điều này như sau: “Đây là khám phá quan trọng nhất ở Stonehenge trong hơn 60 năm qua”.

 “Những mối quan ngại đã tăng vì mực nước ngầm. Vì phong cảnh khu đất đá phấn nên đường hầm thực tế trở thành một con đập sẽ thay đổi dòng nước, gây ra một số vấn đề. Một vài km đá phấn sẽ phải được di chuyển. Điều hòa, máy bơm nước, ánh sáng và chi phí bảo quản sẽ rất lớn. Một giải pháp thực tế hơn là sẽ phải điều chỉnh tuyến A303 dưới sự ủng hộ của SouthWilishire cũng như các nước phương Tây”.
Những gì chúng ta đã biết về cách thức và thời điểm khi Stonehenge được xây dựng đã được đăng tải hôm thứ 6 trong nghiên cứu ở một Stonehenge mới MOOC, và điều hành bởi đại học Buckingham.

Nguồn: (http://www.heritagedaily.com)

Dịch: Phạm Thanh Sơn

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9025198
Số người đang online: 22