Chiếc vòng tay cổ nhất thế giới

 

 

Một chiếc vòng tay bằng đá xanh vừa được tìm thấy và được cho là chiếc vòng cổ nhất trong lịch sử với niên đại lên tới 40.000 năm tuổi.

Phát hiện chiếc vòng tay cổ nhất thế giới

Một chiếc vòng tay bằng đá xanh đã được tìm thấy bên trong một hang động ở Siberia. Đây được cho là chiếc vòng cổ nhất từng được tìm thấy trong lịch sử với niên đại lên tới 40.000 năm tuổi.

Chiếc vòng có tạo hình khá hiện đại và cầu kỳ, là một món đồ trang sức đã được mài bóng tinh xảo, có thể đã từng thuộc về một nàng công chúa sống ở thời tiền sử.

Chiếc vòng tay cổ nhất thế giới
Chiếc vòng đặc biệt này được tìm thấy trong dãy núi Altai từ năm 2008. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện những bức ảnh để tái hiện vẻ đẹp của chiếc vòng đá xanh có niên đại 40.000 năm tuổi.

Các chuyên gia đã dành ra nhiều năm để nghiên cứu chiếc vòng và khẳng định rằng nó là một cổ vật đặc biệt hiếm có, nắm giữ những thông tin quan trọng về những kỹ năng chế tác của người tiền sử. Chiếc vòng đã cho thấy người tiền sử từng sinh sống ở Siberia có nhiều kỹ năng tiến bộ hơn những gì các nhà khoa học từng biết.

Trên chiếc vòng có một lỗ nhỏ đã được “khoan” một cách khéo léo với độ chính xác cao. Lỗ khoan này chỉ có thể được thực hiện với một mũi dùi có thể xoay tròn với tốc độ cao.

Chiếc vòng tay cổ nhất thế giới
Chiếc vòng tay cổ nhất thế giới

Chiếc vòng đặc biệt hiếm có này hẳn phải thuộc về một phụ nữ có địa vị trong xã hội. Chiếc vòng đã được mài bóng cẩn thận và có một mặt dây được luồn qua chiếc lỗ nhỏ để tạo thành chi tiết trang trí cho chiếc vòng.

Lỗ nhỏ trên chiếc vòng có đường kính 0,8cm. Tốc độ để chiếc dùi có thể tạo nên lỗ khoan này phải khá cao với những vòng xoay được thực hiện bằng tay nhưng có mức độ lệch tâm rất nhỏ. Trước nay, những người tiền sử sống cách chúng ta 40.000 năm vốn không được “kỳ vọng” nắm giữ những kỹ thuật tiến bộ đến vậy.

Chiếc vòng tay cổ nhất thế giới
Chiếc vòng đặc biệt này hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Siberia ở thành phố Novosibirsk, Siberia, Nga. Trong ảnh là hang Denisova - nơi tìm thấy chiếc vòng đá cổ.

Giám đốc Viện bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Siberia cho rằng: “Kỹ thuật của những thợ thủ công chế tác ra chiếc vòng này thật hoàn hảo. Thoạt tiên chúng tôi nghĩ nó thuộc một thời kỳ gần với chúng ta hơn, nhưng hóa ra chiếc vòng có niên đại lên tới 40.000 năm. Mỗi món đồ trang sức đều có ý nghĩa tâm linh - tinh thần đặc biệt đối với những người tiền sử. Vòng cổ, vòng tay đối với họ không chỉ là món đồ trang sức mà còn được xem là vật trừ tà, giúp họ tránh khỏi những linh hồn quỷ dữ”.

Giám đốc Viện Khảo cổ và Dân tộc học Siberia - ông Anatoly Derevyanko cho biết: “Chiếc vòng thật đáng kinh ngạc. Đặt dưới ánh sáng mặt trời, nó có thể phản chiếu cả ánh nắng. Vào buổi đêm, khi đặt trước ngọn lửa, màu sắc của nó càng trở nên ấn tượng. Chiếc vòng này hẳn không phải một món trang sức để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tôi tin rằng chiếc vòng đẹp đẽ và tinh xảo này chỉ được sử dụng vào những dịp rất đặc biệt”.

Trước đây, trong hang động Denisova, người ta cũng đã từng tìm thấy xương của voi ma mút và tê giác. Nhiệt độ bên trong hang Denisova quanh năm đều ở mức 0 độ C - một nhiệt độ lý tưởng để bảo quản những gì thời tiền sử còn để lại.

Nguồn: Khoa học

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Chuẩn bị khai quật khảo cổ tại di tích chùa Bách Môn (Bắc Ninh)

 

 

Viện Khảo cổ học đã nhận được Quyết định số 1471/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 5 năm 2015 của Bộ VHTTDL về việc khai quật khảo cổ tại di tích chùa Bách Môn.

Theo đó, Bộ VHTTDL cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại di tích chùa Bách Môn thuộc xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh trong thời gian từ ngày 19/5/2015 đến ngày 30/6/2015, trên diện tích 200m2. Chủ trì khai quật là TS Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học.

Chùa Bách Môn (Bắc Ninh)

 

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó. Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 03 (ba) tháng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và sau 01 (một) năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa. Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra đợt khai quật nói trên đúng với nội dung Quyết định. 

Josdar

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:

Lập dự án bảo quản, tu bổ di tích khảo cổ học Mai Pha (Lạng Sơn)

 

 

Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1709/BVHTTDL-DSVH ngày 04 tháng 5 năm 2015 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc lập dự án bảo quản, tu bổ di tích khảo cổ học Mai Pha.

Di chỉ Mai Pha. Ảnh: internet

Theo đó, Bộ thống nhất với chủ trương đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị di tích của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan liên không lập quy hoạch tổng thể, mà cần tiến hành lập dự án bảo quản, tu bổ di tích Khảo cổ học Mai Pha (trong đó có phương án quy hoạch mặt bằng tổng thể) để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Về hồ sơ: Việc lập, trình duyệt và tổ chức thực hiện cần căn cứ quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nội dung dự án phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

Về kinh phí: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xem xét, chủ động cân đối vốn từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện./.

Nguồn: Dulichvn.org.vn

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội thảo “Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và triển vọng”

 

 

Hội thảo do bộ môn Khảo cổ học khoa Lịch sử và Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á (ĐH Quốc gia Hà Nội), tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 7/5 và 8/5/2015. Trong đó ngày 7/5/2015 tổ chức Hội thảo tại phòng 701 nhà E Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ngày 8/5/2015 tổ chức đi khảo sát di tích bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Yên, Quảng Ninh). Hội thảo quy tụ 29 tham luận của các chuyên gia trong các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, kỹ thuật… với 3 nội dung chính: Quá trình chiếm lĩnh và khai thác các vùng biển đảo Việt Nam; Kết quả nghiên cứu khảo cổ học biển đảo Việt Nam; Ứng dụng một số lý thuyết và phương pháp trong nghiên cứu và khai thác di sản khảo cổ học biển đảo Việt Nam.

 

Các cuộc khai quật các di tích trên các đảo ven bờ, Trường Sa và các tàu đắm từ thập niên 90 (thế kỷ XX) trong vùng biển Việt Nam chính là những bước đi đầu trong việc nghiên cứu khảo cổ học biển đảo Việt Nam. Khảo cổ học biển đảo nên được hiểu là nghiên cứu các di tích khảo cổ học dưới nước, các vùng ven biển và các đảo.

Gắn với biển đảo, những thành tựu khảo cổ học nổi bật nhất của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu vẫn là các đợt trục vớt cổ vật của xác tàu đắm tại Sa Huỳnh, Cù Lao Chàm, Vũng Tàu... và việc tìm thấy hàng loạt di vật thời Trần, Lê, Nguyễn tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, trên thực tế, việc trục vớt cổ vật hầu hết đều thực hiện theo hình thức liên kết và sử dụng kỹ thuật, kinh phí của đối tác (đa phần là các công ty nước ngoài). Còn lại, việc khai quật trên các đảo xa bờ gặp rất nhiều khó khăn cả về mặt kinh phí và chủ trương.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo (Ảnh: Hoàng Diệp)

"Với đường bờ biển dài và gần 1 triệu km2 mặt biển, tiềm năng của khảo cổ biển đảo Việt Nam là vô cùng lớn" – PGS.TS Lâm Mỹ Dung (ĐH Quốc gia HN) - chia sẻ. Tuy nhiên, với một quốc gia đang phát triển, khó khăn chính của chúng ta là những đòi hỏi đầu tư khổng lồ về kỹ thuật, phương tiện và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. TS Lê Thị Liên cho biết “Chi phí cho nghiên cứu khảo cổ học dưới nước gấp khoảng 6 lần so với một cuộc nghiên cứu khảo cổ tương tự trên đất liền”.

Năm 2013, với việc thành lập Phòng Khảo cổ học dưới nước tại Viện Khảo cổ Việt Nam, chuyên ngành này mới thoát khỏi tình trạng "ba không" (không chuyên gia, không máy móc và không kinh phí). Tuy vậy từ khi thành lập đến nay, các trang thiết bị chuyên biệt để nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Phòng Khảo cổ học dưới nước hầu như không có gì.

Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Hoàng Diệp)

Trong bối cảnh ấy, các bước đi trong lĩnh vực khảo cổ biển đảo của Trung Quốc khiến những chuyên gia Việt Nam rất lo lắng. Cụ thể đến nay, quốc gia này đã có đội ngũ 710 chuyên gia lặn, đã thành lập bảo tàng Con đường Tơ lụa trên biển tại Quảng Đông, đã có các cơ quan nghiên cứu đặc thù tại 10 tỉnh ven biển.

Đặc biệt, theo TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), tất cả các kết quả nghiên cứu đều được truyền thông theo hướng phục vụ cho những lập luận nhằm thiết lập cái gọi là "Di sản Con đường Tơ lụa trên biển" bao trùm phần lớn biển Đông. Trung Quốc chủ trương dần thay đổi nhận thức bằng các hoạt động thực tiễn.

"Trong bối cảnh này, có lẽ chúng ta rất nên chú trọng tới việc liên kết với nhiều quốc gia khác để đưa ra những nghiên cứu chính xác, nhằm đưa ra các hiểu biết khách quan trong học thuật. Bên cạnh đó cần có sự liên kết các đơn vị có thế mạnh trong nước về tàu thuyền, lặn, thiết bị dưới nước… để có thể dần tự chủ về nguồn lực tại chỗ" - TS Vũ nói.

Theo TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học), để có một trung tâm khảo cổ học dưới nước hiệu quả, các học giả quốc tế đã tư vấn giải pháp trước mắt: Việt Nam cần tổ chức đào tạo bài bản và đưa đi tập huấn thường xuyên tại nước ngoài để sớm có được những chuyên gia ở trình độ đại học, hoặc sau đại học về khảo cổ dưới nước. Có nghĩa, không thể muộn hơn nữa, một kế hoạch về thời gian, kinh phí, con người và bộ máy vận hành cần được xây dựng ngay. Ngành khảo cổ học biển đảo của Việt Nam cần sớm vượt qua giai đoạn "khởi động" để bắt đầu lộ trình của mình.

Hội thảo thống nhất cần có kiến nghị thúc đẩy nghiên cứu khảo cổ học biển đảo, chiến lược tuyên truyền về chủ quyền biển đảo gửi Hội đồng tư vấn chính sách. Bộ môn Khảo cổ học tiến hành mở chuyên đề giảng dạy về khảo cổ học biển đảo tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Josdar

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Video Hội thảo “Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và triển vọng”

 

 
 

 

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Gần 90% di sản tại Nepal đã bị phá hủy hoàn toàn

 

 

Người đứng đầu Cơ quan Khảo cổ học Nepal cho biết số di sản bị phá hủy là 200. Quá trình khôi phục đang được tiến hành nhưng phải mất nhiều năm cùng hàng triệu USD mới có thể hoàn thành.

Trận động đất khủng khiếp không chỉ sát hại hàng nghìn người mà còn phá hủy nghiêm trọng rất nhiều di sản văn hóa vô giá của đất nước Nepal.

Tòa tháp 9 tầng Dharahara, một địa điểm cực kỳ nổi tiếng ở quảng trường Durbar với cầu thang xoắn ốc 200 bậc đã sụp đổ chỉ còn trơ móng.

 

Di tích bị đổ nát hoàn toàn

“Tôi mới mua vé để tham quan tháp hôm qua và ở bên ngoài tầng dưới thì thấy mặt đất rung chuyển” - AFP dẫn lời anh Dharmu Subedi, 36 tuổi, kể lại trên giường bệnh - Chỉ trong vài phút, tòa tháp Dharahara sụp đổ hoàn toàn với khoảng 100 người ở trong đó”.

UNESCO hiện đang xác định thông tin về quy mô thiệt hại, bao gồm các quảng trường cổ ở thành phố Lalitpur và Bhaktapur, cũng như thủ đô Kathmandu.

“Chúng tôi biết các quảng trường lịch sử ở Kathmandu, Lalitpur và Bhaktapur đều hư hại nghiêm trọng” - ông Christian Manhart, đại diện UNESCO ở Nepal, cho biết.

“Hai ngôi đền cổ ở Patan sụp đổ hoàn toàn và quảng trường Durbar ở Kathmandu đang trong tình trạng vô cùng tồi tệ. Hiện tại chúng tôi đang đánh giá tình hình. Mọi cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã nhận được yêu cầu hỗ trợ từ phía chính phủ Nepal” - ông Manhart khẳng định.

Văn phòng UNESCO đang nỗ lực tìm hiểu xem khu Lumbini, được xem là nơi Đức Phật sinh thành hơn 2.600 năm trước đây, hiện là một di sản văn hóa thế giới, có bị hư hại hay không. Địa điểm này cách Kathmandu khoảng 280 km.

Chuyên gia khảo cổ P.D. Balaji bi quan dự báo Nepal rất khó khôi phục lại các di sản văn hóa vô giá này bởi mức độ thiệt hại là quá nặng nề.

Josdar (tổng hợp)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trao Quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học

 

 

Ngày 24/4/2015, tại Hội trường Viện Khảo cổ học đã diễn ra Lễ trao Quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học.

Trong buổi lễ, PGS.TS. Phạm Văn Đức (Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH), PGS.TS Nguyễn Giang Hải (Viện trưởng Viện Khảo cổ học) đã tặng hoa và bày tỏ sự tri ân với những đóng góp lớn lao của PGS.TS. Tống Trung Tín, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học. Phó Giáo sư Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh, trong thời gian giữ cương vị là Tổng biên tập, PGS.TS. Tống Trung Tín đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Tạp chí Khảo cổ học. Trong hệ thống tạp chí của Viện Hàn lâm, Tạp chí Khảo cổ học là một trong những tạp chí có chất lượng cao, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Viện Khảo cổ học cũng như diễn đàn của giới nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam. Tạp chí đã giữ đúng tôn chỉ, mục đích, công bố được nhiều nghiên cứu có giá trị. Bên cạnh đó, trong thời gian lãnh đạo Viện Khảo cổ học, trên cương vị Viện trưởng, PGS.TS. Tống Trung Tín đã có đóng góp lớn cho phát triển mạnh mẽ của Viện, tạo cơ sở cho thành công của Viện như ngày hôm nay. Mong rằng PGS.TS. Tống Trung Tín đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác chuyên môn, tư vấn cho sự phát triển của Viện, giúp những người đi sau phát triển hơn nữa Tạp chí Khảo cổ học.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm PGS.TS. Phạm Văn Đức trao tặng hoa PGS.TS. Tống Trung Tín nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học (Ảnh: Hà Mạnh Thắng)

Thay mặt Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm PGS.TS. Phạm Văn Đức đã trao Quyết định số 840/QĐ-KHXH ngày 21 tháng 4 năm 2015 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bổ nhiệm PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học kiêm giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học, thời gian giữ chức vụ từ ngày 15/4/2015 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Phó Chủ tịch mong rằng tân Tổng biên tập với cương vị mới đầy trọng trách hoàn thành tốt những nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ đảm nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa Ban lãnh đạo Viện với Ban lãnh đạo Tạp chí để cùng phát triển.Phát biểu giao nhiệm vụ cho tân Tổng biên tập tạp chí Khảo cổ học, Phó Giáo sư Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh: đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của PGS.TS. Bùi Văn Liêm, vì vậy tân Tổng biên tập phát huy truyền thống của Tạp chí để phát triển hơn nữa Tạp chí Khảo cổ học, thường xuyên công bố những nghiên cứu xuất sắc của cán bộ trong Viện, góp phần đào tạo thế hệ trẻ kế cận, mặt khác thu hút được nhiều bài viết của đội ngũ cộng tác viên bên ngoài góp phần làm cho Tạp chí Khảo cổ học ngày càng có uy tín hơn nữa với khu vực và quốc tế.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm PGS.TS. Phạm Văn Đức trao Quyết định bổ nhiệm và tặng hoa PGS.TS. Bùi Văn Liêm tân Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học (Ảnh: Hà Mạnh Thắng)
PGS.TS. Bùi Văn Liêm tân Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học phát biểu nhận nhiệm vụ 
(Ảnh: Hà Mạnh Thắng)

PGS.TS. Bùi Văn Liêm trân trọng cảm ơn Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, tập thể cán bộ viên chức Viện Khảo cổ học đã tin tưởng, tín nhiệm khi bổ nhiệm mình giữ trách nhiệm này. Tân Tổng biên tập mong muốn rằng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm đối với Tạp chí và cá nhân mình. PGS.TS Bùi Văn Liêm sẽ cùng với tập thể cán bộ viên chức Viện Khảo cổ học và tập thể cán bộ viên chức Tạp chí đưa Viện Khảo cổ học và Tạp chí Khảo cổ học ngày càng phát triển hơn nữa./.

Josdar

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật địa điểm Thạch Lạc (xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh)

 

 

Địa điểm Thạch Lạc đã trải qua nhiều lần khai quật vào những năm 1963-1964; 2002; 2003-2004; 2005; 2014. Nhiều cơ quan tham gia khai quật Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội ...

Kết quả xác định đây là địa điểm cư trú cồn sò điệp, có mộ táng chôn vào nơi cư trú. Thạch Lạc cùng với một số địa điểm cồn sò điệp huyện Thạch Hà tạo thành loại hình Thạch Lạc của văn hoá Bàu Tró, nền văn hoá khảo cổ phân bố ở vùng núi phía tây Nghệ An Hà Tĩnh, tây Quảng Bình và dải đồng bằng ven biển vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đến bắc Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế., niên đại 4000-3.500 năm cách ngày nay.

Hố khai quật năm 2015 rộng 20m2 (4x5m) mở gần hố thám sát 1 của Viện Khảo cổ học năm 2014.

alt

Cơ quan khai quật: Bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐHKHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Khảo cổ, Đại học Quốc gia Úc, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh

Phụ trách khai quật: PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung (chủ trì); PGS.TS. Philip Piper; GV. Nguyễn Chiều

Cố vấn: GS. Peter Bellwood

Thành viên tham gia ngoài những người làm khảo cổ học Việt Nam ở Hà Nội và Hà Tĩnh, Huế, Long An còn có các chuyên gia cổ động vật học, cổ thực vật học, địa khảo cổ học và cổ môi trường học của Đại học Quốc gia Úc.

Thời gian: Tháng 3, 4 và 5 năm 2015.

Mục đích và chủ thể nghiên cứu: Quá trình thành tạo của di tích, môi trường sống, tác động qua lại giữa con người với môi trường, phương thức kiếm sống; diễn biến văn hoá theo thời gian từ sớm đến muộn, mối quan hệ Thạch Lạc với những di tích đồng đại/lịch đại khác...chú trọng không chỉ địa tầng các giai đoạn sinh sống của con người, diễn biến loại hình công cụ, dụng cụ gốm đá, xương...của các cộng đồng người cổ theo thời gian mà còn cách thức, mức độ khai thác tự nhiên, loại thức ăn khai thác từ tự nhiên, chiến lược kiếm sống, sự thay đổi của phương thức kiếm sống, dấu hiệu của sản xuất (?)... qua thời gian, tốc độ/mức độ biến đổi của môi trường sinh thái....và ảnh hưởng tới tính chất cư trú của con người ở địa điểm này... bằng cách áp dụng các phương pháp khảo cổ học truyền thống và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.

Phương pháp: Dựa vào địa tầng đã xuất lộ từ những lần khai quật trước, những người khai quật lần này đã đào theo lớp đất văn hoá được thành tạo trên một địa hình không bằng phẳng và thường có những xáo trộn cục bộ do cư dân đời sau sống chồng lên cư dân đời trước và những hoạt động sống của họ vô tình phá vỡ những di tồn vật chất của cư dân sớm hơn, ở mỗi lớp đào đều cố gắng thu thập không chỉ công cụ, dụng cụ do con người chế tạo và sử dụng mà cả những mẫu đất, than, tàn tích động vật, thực vật để có thể phục dựng được môi trường, điều kiện sinh thái tác động lên lối sống, lối sinh hoạt của người cổ... Việc thu thập dữ liệu và thông tin được tiến hành bằng cách thu nhặt trực tiếp bằng tay, sàng khô, sàng ướt, lắng đất trong nước thu lượm những dấu tích nhỏ vụn...mọi biện pháp được tiến hành để thu được thông tin một cách hiệu quả nhất có thể.

Quy mô hố khai quật được xác định đủ để những người nghiên cứu trả lời những vấn đề đặt ra đồng thời cũng cố không làm tổn hại đến địa điểm, vì Thạch Lạc là một trong những địa điểm quan trọng nghiên cứu thời đại đá mới ở Việt Nam với mức độ bảo tồn di tích và di vật cao. Đây cũng là xu hướng chủ đạo trong nghiên cứu khảo cổ học hiện nay, nghiên cứu theo định hướng bảo tồn. Hố khai quật 20m2 (4x5m) đủ để xác định mối quan hệ không gian của những mô thức hành vi con người ở di tích ví dụ nơi ở vs khu vực vứt rác và sự tích tụ của những đống vỏ sò hay gốm.

Một trong những mục đich chính của nghiên khảo cổ học là xác định niên đại, để niên đại đưa ra chính xác và cụ thể bên cạnh theo dõi diễn biến của từng lớp đất văn hoá theo trật tự địa tầng kết hợp xem xét diễn biến của loại hình hiện vật, so sánh với kết quả của những lần khai quật trước thì lần khai quật này chú trọng đến thu thập mẫu phân tích niên đại các bon phóng xạ C14/AMS. Mẫu hữu cơ dùng phân tích niên đại kiểu này bao gồm ba loại mà kết quả có thể dùng để kiểm tra chéo xác định độ chính xác, đó là mẫu than/tro; mẫu vỏ sò; mẫu răng động vật/người... Gần 300 mẫu dùng xác định niên đại tuyệt đối đã được thu lượm từ tất cả các lớp văn hoá từ sớm đến muộn.

Một số kết quả ban đầu

Cư trú của người cổ ở Thạch Lạc không liên tục qua thời gian, những dấu tích hoạt động của con người chồng xếp theo trật tự từ sớm đến muộn và ngăn cách bằng hai thời kỳ ngắn không có người sinh sống.

Địa tầng: Tầng đất văn hoá (dấu tích sinh sống của con người) dày không đều ở các góc của hố khai quật, độ sâu trung bình từ 1.5 đến 1.7m. Nếu so sánh với những hố khai quật từ trước, ví dụ như hố năm 1963-1964 dày 2.70m), thì lớp văn hoá muộn nhất của hố khai quật 2015 này đã bị san bạt khá nhiều ( cư dân địa phương cũng cung cấp thông tin Rú Sò (tên gọi của khu vực di tích Thạch Lạc) vốn cao hơn rất nhiều nhưng đã bị san bạt qua quá trình người dân khai thác sò điệp vào những năm 60,70 của TK 20), hiện vật thu được ở tầng văn hoá trên lần này cũng ít hơn về chủng loại so với những lần khai quật trước.

Địa tầng còn lại của hố khai quật được phân từ muộn đến sớm như sau:

 

Lớp đất mặt: Phạm vi đào C100, C101, trên thực tế đây cũng thuộc đất của tầng văn hoá muộn nhất của di tích Thạch Lạc, quá trình canh tác, sinh sống đã là lớp này bị xáo trộn, chứa cả hiện vật cổ và hiện đại

Tầng văn hoá muộn: Phạm vi đào C102, cấu tạo gồm những lớp sò điệp rải rác, dải gốm và những khu vực đất nhiều than tro, hố dạng hố cột, công cụ đá, đồ gốm, tàn tích thức ăn động vật, cá, nhuyễn thể...

Lớp cát vàng dày mỏng không đều, có chỗ không nhân diện được, có thể là lớp vô sinh (lớp đất không có dấu tích sinh sống của con người): Phạm vi đào C.103. Rất ít hiện vật, những hiện vật ở đây chủ yếu là hiện vật giống với hiện vật của tầng văn hoá sớm ở dưới, do con người sinh sống ở tầng văn hoá muộn trên đào xuống làm lộn lên trên, cũng có một số miệng gốm của tầng văn hoá trên lẫn vào.

Tầng văn hoá giữa: Phạm vi đào C104-C112. Đây là tầng văn hoá dày nhất, khá nguyên vẹn, nhiều hiện vật và tàn tích động, thực vật nhất.

Dấu tích hoạt động của con người tích tụ thành từng lớp điệp/sò/đất nâu đen với những di tích xuất lộ như hố cột, bếp lửa, cụm gốm, mảnh gốm vỡ nằm rải rác, công cụ dụng cụ bằng đá, xương, sừng cùng rất nhiều tàn tích thức ăn động thực vật... gồm của những loài thú lớn như gấu, bò, hươu, cá lớn, rùa....

Tầng này có thể được chia thành hai giai đoạn phụ thuộc vào tần xuất hoạt động sống của con người. Giai đoạn 1 C112-C 105, những hố cột nhỏ và nông cho thấy có thể những cấu trúc nhà ở có tính chất tạm thời (?). Giai đoạn 2 C104, sự cư trú mang tính chất tăng cường và tập trung hơn, lâu dài hơn so với giai đoạn 1, những hố cột có kích thước lớn và sâu hơn cho thấy có thể đã có những nhà ở lâu dài hơn (?), mặc dù về văn hoá vật chất giữa hai giai đoạn này không có những khác biệt đáng kể, tuy nhiên có thể có những thay đổi nào đó về môi trường, những phân tích về môi trường cổ qua các mẫu đất sẽ giúp có câu trả lời xác đáng

Lớp đất sét xám hồng C 113 hầu như không có dấu tích sống của con người, lớp đất vô sinh giữa tầng văn hoá giữa và tầng văn hoá dưới, lớp này dày mòng không đều và nhận diện rõ nhất ở cạnh bắc nam của hố khai quật. Một số hiện vật gốm của tầng văn hoá dưới cũng tìm được trong lớp vô sinh này nhưng số lượng không đáng kể. 

Tầng văn hoá dưới: Phạm vi đào C114 – Những cụm sò điệp nằm thành dải xen kẽ đất cát màu nâu đỏ sắt và xanh xám loang lổ. Một số gốm đáy nhọn kiểu gốm Quỳnh Văn.

Sinh thổ/ đất cái: Phạm vi đào C115, cát mịn trằng.

Di tích và Di vật xuất lộ:  

Di tích: Hố kiểu hố cột, bếp, cụm gốm, cụm sò... Đáng chú ý là 02 xương sườn cá voi của hai cá thể khác nhau được đặt nằm trên các ô phía tây hố khai quật thuộc phạm vi đào C111/2 (tầng văn hoá giữa) theo hình )(, giữa chúng có một vài viên đá dạng đá thạch anh. Chưa rõ chức năng và ý nghĩa, nhưng có lẽ có sự sắp đặt một cách chủ ý.

Di vật (theo tầng văn hoá):

Tầng văn hoá trên:

Công cụ đá, tuyệt đại đa số là rìu/bôn đá tứ giác có hai cạnh thu nhỏ về phía trên, 01 rìu dạng trung gian giữa rìu vai xuôi và rìu hai cạnh thu nhỏ về phía trên, 01 rìu có vai xuôi.

Nhóm công cụ hòn đập, hòn kê, bàn mài và mảnh tách mảnh tước...

Gốm: Đặc biệt là nhóm gốm đỏ trang trí văn khắc vạch thành những đồ án văn uốn lượn và hình hình học, hồi văn. Gốm văn thừng thô kiểu văn tàn ong, văn đập, văn chải

Khuyên tai gốm hình con đỉa

Dụng cụ/công cụ xương, sừng

Tầng văn hoá giữa:

Công cụ đá đều là rìu/bôn có vai, không có rìu bôn tứ giác như tầng văn hoá trên.

Nhóm công cụ hòn đập, hòn kê, bàn mài và mảnh tách mảnh tước...

Gốm: Loại gốm đỏ hoa văn khắc vạch không có, gốm tầng này đa phần có màu xám, văn in đập, văn thừng, văn chải... nhiều đồ gốm kích thước lớn. Tại lớp muộn nhất của tầng văn hoá dưới có loại gốm trang bằng que nhiều răng, chưa phải là khắc vạch đích thực nhưng có lẽ là khởi đầu cho kỹ thuật khắc vạch tạo đồ án hoa văn hình học ở giai đoạn muộn hơn.

Dụng cụ/công cụ xương, sừng

Tầng văn hoá dưới: Chứa gốm đấy nhọn kiểu Quỳnh Văn, gốm văn chải hai mặt, gốm văn thừng mịn. Một số công cụ xương, sừng nhỏ.

Kết quả khai quật Thạch Lạc lần này cho thấy đầy đủ ba giai đoạn phát tiển của loại hình Thạch Lạc của văn hoá Bàu Tró từ sớm đến muộn, một số niên đại C14 đã có của Thạch Lạc lấy ở độ sâu 1m cho thấy niên đại trên 4000 năm, như vậy có thể giai đoạn sớm nhất của Thạch Lạc (sâu 1.70m) có niên đại trong khoảng thời gian 4500 – 5000 năm, tuy nhiên niên đại chính xác sẽ được đưa ra dựa vào kết quả phân tích C14/AMS của những mẫu than, vỏ sò và răng động vật lấy trong các lớp văn hoá.

(baotangnhanhoc.org)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Cục Di sản văn hoá: ‘Tuỳ từng điểm khai quật khảo cổ mới giữ trưng bày’

 

 

Trưởng phòng Quản lý di tích (Cục Di sản văn hoá) Nguyễn Viết Cường cho biết, ở các nước và ngay cả Việt Nam, đã có nhiều di tích khai quật chỉ để lại một phần, còn lại sẽ san lấp phục vụ mục đích dân sinh khác.

Ông Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cho biết, chưa nhận được công văn xin ý kiến của tỉnh Quảng Nam hay Viện Khảo cổ học liên quan đến vấn đề san lấp di chỉ Chămpa mới phát lộ tại xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) để làm đường cao tốc. “Mỗi khu vực, di tích có đặc điểm riêng nên phương án bảo tồn sẽ khác nhau. Chúng tôi phải nắm được hồ sơ cụ thể của di tích mới có hướng tham vấn cho địa phương được”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, không phải công trình khai quật khảo cổ nào cũng giữ lại để trưng bày mà phải tuỳ địa điểm. Trên thế giới và thực tế ở Việt Nam, đã có những khu vực khai quật khảo cổ chỉ để lại một phần, còn lại san lấp đi, phục vụ cho công trình dân sinh khác và để thế hệ sau nếu có điều kiện sẽ khai quật như: di tích số 18 Hoàng Diệu - Hoàng thành Thăng Long, bia đá ở Ô Chợ Dừa…

Các dấu vết khai quật được cho thấy đây có thể là nơi tập giảng kinh của Vương quốc Champa. Ảnh: Tiến Hùng.

Tiến sĩ Trần Quý Thịnh, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học), chuyên gia tư vấn khai quật di chỉ Champa tại xã Duy Trinh cho hay, phế tích Champa này không được thăm dò thám sát từ đầu để đánh giá quy mô, tính chất nên không có kế hoạch bảo tồn tại chỗ như thường làm với các di tích khảo cổ. "Các chuyên gia đầu ngành đánh giá đây là di chỉ rất đặc biệt, là nơi tăng lữ, quý tộc Champa ngày xưa tập trung về đây để tập kinh, lễ. Tuy nhiên, việc nắn đường cao tốc qua khu vực này là không thể nên chúng tôi sẽ di dời toàn bộ di chỉ và bàn giao lại cho đơn vị thi công san ủi toàn bộ, làm đường cao tốc chồng lên trên”, TS Thịnh nói.

Ban đầu diện tích khai quật được xác định là 3.000 m2, nhưng do chưa đủ điều kiện để nắm bắt đầy đủ về di chỉ, cán bộ khảo cổ phải mở rộng thêm 1.000 m2. Một tháng qua, việc khai quật bị dừng lại do khúc mắc giữa chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam và Viện Khảo cổ học. Ngày 27/4 tới, Viện Khảo cổ học sẽ làm việc cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư dự án đường cao tốc để đưa ra phương án giải quyết.

Trước đó tháng 8/2014, một quần thể kiến trúc nằm sâu trong lòng đất được phát lộ khi các công nhân san lấp mặt bằng đoạn qua thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, để phục vụ thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và thắng cảnh Quảng Nam, ông Phan Văn Cẩm, quần thể phế tích này có niên đại khoảng từ thế kỳ 9 đến 12, thuộc văn hoá Chăm. Hệ thống kiến trúc được cho là có mối liên hệ mật thiết với thánh địa Mỹ Sơn và kinh đô Trà Kiệu. Những hiện vật được tìm thấy phản ánh sinh hoạt của giai cấp thượng tầng Chăm. 

Quỳnh Trang (Vnexpress.net)

 

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hoàng thành Thăng Long (Thang long Imperial Citadel) (25/11/2009)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Văn hóa Thông tin

Kích thước: 23 x 28.5 cm

Hình thức bìa: Bìa cứng

Năm xuất bản: 2006

Số trang: 216

Những phát lộ của khảo cổ học dưới lòng đất Thăng Long từ những năm 1998, đặc biệt năm 2002-2003, đã đem lại một khối lượng di tích, di vật vô cùng phong phú và quý giá

Thăng Long là kinh đô cũ của các triều đại, núi sông tươi sáng, muôn vật phồn thịnh, hàng ngàn năm nay là nơi đại đô hội của nước ta
.
Hàng ngàn năm xưa ấy, lịch sử Kinh đô Thăng Long tuy còn lưu đọng trong những trang sử cũ, nhưng diện mạo của các cung điện, đền đài, lầu gác, miếu mạo cùng những vật dụng dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại như thế nào vẫn là điều bí ẩn và là mối quan tâm lớn của giới khoa học và dư luận.

Những phát lộ của khảo cổ học dưới lòng đất Thăng Long từ những năm 1998, đặc biệt năm 2002-2003, đã đem lại một khối lượng di tích, di vật vô cùng phong phú và quý giá. Các bí mật hàng ngàn năm ẩn mình trong lòng đất giờ đây đang dần được hé mở. Lịch sử Thăng Long - Hà nội - Thủ đô yêu dấu đang dần dần hiển diện ngày một rõ nét qua những khám phá của khảo cổ học.

Nhóm tác giả của Viện Khảo cổ học và một số cộng sự tiếp tục biên soạn cuốn sách ảnh Hoàng thành Thăng Long nhằm giới thiệu một số hình ảnh Thăng Long qua những phát hiện của khảo cổ học trong thời gian qua

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9593226
Số người đang online: 19