Làm đường, phát hiện di tích

 

 

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện nay Viện Khảo cổ học vẫn đang khai quật tại Khu Di tích Triền Tranh (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Trước đó, cuối tháng 8-2014, đơn vị thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phát hiện nhiều hiện vật cổ như ngói, gạch… gần khu Di tích Triền Tranh. Sau đó, cơ quan chức năng nhận định đây có thể là một góc tường bao của khu đền thờ thuộc khu Di tích Triền Tranh. Do đó, từ tháng 12-2014, Bộ VH-TT-DL đã giao Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam tiến hành khai quật khu vực này.

Khai quật khảo cổ tại Khu Di tích Triền Tranh trong ngày 4-3.
Khai quật khảo cổ tại Khu Di tích Triền Tranh

Theo ông Đặng Văn Minh, Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Xuyên, Triền Tranh là di tích văn hóa Chămpa có từ thế kỷ thứ X-XI, được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Di tích này hiện chỉ còn là một phế tích với phần nền móng được cho là của một khu đền. Đến nay, công tác khai quật đang được tiến hành nên các nhà khoa học chưa đưa ra nhận định nào về kết quả nghiên cứu tại di tích.

(Theo: Q.Vinh - http://nld.com.vn/)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hóa thạch cổ xưa nhất của loài người

 

 

Một mẩu xương răng người hàm dưới được khai quật ở Ethiopia, châu Phi có niên đại 2,8 triệu năm, cho thấy lịch sử loài người có từ sớm hơn chúng ta vẫn tưởng 400.000 năm.

Phát hiện hóa thạch cổ xưa nhất của loài người
Mẩu hóa thạch xương răng hàm dưới được tìm thấy ở Ethiopia. (Ảnh: Discovery News).

Các nhà khoa học đã khai quật được hóa thạch trên tại khu vực Ledi-Geraru ở bang Afar, phía bắc Ethiopia. Trước đây, hóa thạch người cổ nhất được biết đến có niên đại khoảng 2,3-2,4 triệu năm. Phát hiện này giúp đẩy lùi lịch sử tiến hóa của nhân loại vào quá khứ khoảng 400 nghìn năm.

"Ba triệu năm trước đây, loài người đương đối giống khỉ, sống trên cây và đi bằng hai chân", Brian Villmoare, nhà nghiên cứu ở Đại học Nevada Las Vegas, dẫn đầu nghiên cứu hóa thạch vừa tìm thấy cho biết. "Họ sống trong rừng, có bộ não nhỏ, không ăn thịt hay sử dụng công cụ".

"Sau hai triệu năm, loài người có bộ não lớn, sử dụng công cụ đá và ăn thịt. Do đó, giai đoạn chuyển tiếp này cực kỳ quan trọng về mặt tiến hóa của con người".

Villmoare và cộng sự cho rằng hóa thạch xương răng người vừa được tìm thấy có thể là tổ tiên chung của hai dòng người tách biệt phân chia khoảng 2,3 triệu năm trước, một dòng ở lại Ethiopia và dòng kia đi sang Tanzania.

Theo Discovery News, vì chỉ tìm thấy một mẩu xương răng hàm dưới nên các nhà khoa học không thể cho biết thêm về phần cơ thể còn lại của cá thể này.

"Tuy nhiên", Villmoare nói thêm, "mẩu xương có những yếu tố cho thấy răng hàm dưới đã thu nhỏ lại, phù hợp cho việc thích nghi tiến hóa sang chi Người".

(Theo: Khoahoc.tv)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Công đoàn Viện Khảo cổ học dã ngoại đầu năm

 

 

Ngày 6/3/2015, Công đoàn Viện Khảo cổ học tổ chức chuyến dã ngoại đầu xuân gắn với tìm hiểu di tích lịch sử cho các công đoàn viên tại khu di tích Quốc gia Tân Trào và nhiều di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Tân Trào là xã nằm ở đông bắc huyện Sơn Dương, gắn liền với tên tuổi sự nghiệp vị lãnh tụ của Cách mạng Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Những di tích chính của Tân Trào gồm: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… Cùng với những di tích lịch sử ghi dấu ấn cuộc kháng chiến của dân tộc ta suốt 9 năm trường kỳ. Khu di tích văn hóa lịch sử và sinh thái Quốc gia Tân Trào là tâm điểm của những chuyến du lịch về nguồn. Tại Tân Trào, ngày 2 tháng 12 năm 1953, Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập theo Quyết định số 34/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.  Giữa năm 1954 Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học đổi tên thành Ban nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý, gọi tắt là Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa. Đây chính là tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay.

Đến khu di tích Quốc gia Tân Trào, cán bộ Viện Khảo cổ học tham quan nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945 để chỉ đạo công tác chuẩn bị Khởi nghĩa Cách mạng giành chính quyền. Tiếp đến đoàn thăm cây đa Tân Trào nơi ngày 16 tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 Đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.

Lán Nà Nưa, nơi ở của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ tháng 5 - tháng 8/1945

TS Nguyễn Gia Đối (Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn) giới thiệu về bối cảnh lịch sử Việt Nam trước tháng 8/1945 và địa thế khu di tích Tân Trào

Công đoàn Viện Khảo cổ học cạnh lán Nà Nưa (Tân Trào, Tuyên Quang)

Công đoàn Viện Khảo cổ học bên gốc đa Tân Trào, Tuyên Quang

Công đoàn viên trẻ của Viện Khảo cổ học bên gốc đa Tân Trào, Tuyên Quang

Điểm đến tiếp theo của Công đoàn Viện Khảo cổ học là thăm Bảo tàng Tuyên Quang. Giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang đánh giá cao kết quả hợp tác nghiên cứu giữa hai cơ quan trong những năm qua và hy vọng trong những năm tới hoạt động hợp tác sẽ phát triển hơn. Bảo tàng Tuyên Quang được xây dựng trên khu đất giữa hồ Tân Quang (TP Tuyên Quang) và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2010. Bảo tàng có diện tích trưng bày 1.600 m2 được chia làm 4 phần: Phần trọng tâm và 3 chủ đề.

Phần trọng tâm là không gian trung tâm của bảo tàng, nơi bắt đầu hành trình tham quan mà hình ảnh ấn tượng đầu tiên là bức phù điêu bằng gỗ có diện tích 100 m2 với lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, làng Tân Lập- Hình tượng “Thủ đô Khu giải phóng” kết hợp trưng bày ảnh phong cảnh đẹp, ảnh về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tuyên Quang. 

Chủ đề 1 được bố cục thành tiểu đề về điều kiện tự nhiên - tiềm năng kinh tế tỉnh Tuyên Quang và tiểu đề về đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang.

Chủ đề 2 trưng bày các hiện vật và nhóm hiện vật Tuyên Quang thời kỳ tiền sử, sơ sử; lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Chủ đề 3 là Tuyên Quang- Thủ đô Khu giải phóng- Thủ đô Kháng chiến và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện bảo tàng đang trưng bày hơn 18.000 hiện vật.

Kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không gian đẹp và trưng bày nhiều hiện vật, bảo tàng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử đến tìm hiểu. Đặc biệt, trong Bảo tàng đang trưng bày di cốt của người nguyên thủy cách nay khoảng 12.000 năm tuổi, còn tương đối nguyên vẹn. Di cốt được khai quật tại hang Phia Vài (Nà Hang). Điều đặc biệt ở di cốt này là cách táng thức độc đáo với 2 con ốc biển được đặt vào hai hốc mắt.

Giao lưu giữa cán bộ Bảo tàng Tuyên Quang và Công đoàn Viện Khảo cổ học

TS Nguyễn Gia Đối giới thiệu về mộ táng 12.000 năm tuổi với táng tục đặt 2 con ốc biển vào hốc mắt

Sưu tập hiện vật văn hoá Đông Sơn (rìu đồng, vũ khí đồng, trống đồng Hegher loại I...) và các thời kỳ lịch sử trong Bảo tàng Tuyên Quang rất phong phú và đa dạng. Với sự đa dạng, phong phú, độc đáo về hiện vật và chủ đề trưng bày, Bảo tàng Tuyên Quang thu hút được đông đảo khách đến thăm quan.

Công đoàn Viện Khảo cổ học tại Bảo tàng Tuyên Quang

(Nguyễn Thơ Đình)

Đình Cổ Chế đứng trước nguy cơ sập đổ

 

 

Đình thôn Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) được xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa cấp Thành Phố từ năm 2004. Đây là 1 di tích có kiến trúc đẹp, độc đáo và hiếm hoi từ thời Lê Trung Hưng còn sót lại. Tuy vậy ngôi đình hơn 300 năm tuổi này đã xuống cấp trầm trọng và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Bước vào đình, du khách không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của ngôi đình, của những mảng chạm khắc như bay, như múa trên từng thân gỗ. Có những mảng chạm cực kỳ đặc biệt, hiếm có thể bắt gặp ở những ngôi đình khác có cùng niên đại như mảng chạm Nghê ổ, với nghê mẹ và 7 nghê con quấn quít. 

Mảng chạm Nghê ổ, rất hiếm khi xuất hiện tại đình làng Bắc Bộ

Bên cạnh hình tượng Nghê, ở ngôi đình này còn có hình tượng người cưỡi Nghê, người cưỡi Rồng, cưỡi Hổ… đặc sắc và độc đáo không kém. Hoạt cảnh dân gian cũng được tái hiện với hình ảnh 2 người nắm đuôi trâu kéo lại, không cho chúng chọi nhau.  

Thế nhưng, trái ngược với những hoạt cảnh vui nhộn, đầy chất dân gian trên, ngôi đình hơn 300 năm tuổi này lại đang đối diện với tình trạng xuống cấp từng ngày và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ngay từ ngoài sân đình, du khách đã nhận thấy sự xuống cấp đình qua chiếc bạt căng tạm trên nóc mái. Trông đình hệt như một công trường xây dựng. Hệ thống cột chống được các cụ neo giằng cẩn thận. Khắp đình, đâu đâu cũng thấy mối xông, các cột kèo rỗng ruột, ngói nát, rui mục. Công trình kỳ vĩ hơn 300 năm tuổi của làng nay hệt như trại thương binh, với các vết băng bó khắp cơ thể. 

Nhận thấy việc nguy hiểm đang xảy ra cho đình cổ, người dân thôn Cổ Chế đã có thông báo kêu gọi sự quyên góp của các nhà hảo tâm, với ý muốn khôi phục lại đình làng. Thế nhưng do UBND Thành phố Hà Nội chưa có quyết định đầu tư trùng tu, nên việc đành gác lại trong sự tiếc nuối, xót xa của người dân trong thôn. 

Xót xa đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc
Theo ông Phạm Văn Ấm, thủ từ đình Cổ Chế, cách đây 3 năm khi ông tiếp quản đình đã rơi vào tình trạng này. Mái đình khi đó đã sụp xuống, nhiều đoạn đứt gãy. Mỗi lần mưa gió, ông đều nơm nớp lo sập. Bản thân ông cũng đã được yêu cầu chuyển ra khỏi đình để đảm bảo an toàn. Ông Kiều Xuân Tiến, Trưởng thôn Cổ Chế cho biết thêm, ngoài các cuộc hội họp, lễ lạt, trước đây, ngôi đình còn là chỗ cho các cháu mầm non trong thôn học. Tuy nhiên, sau khi đình có dấu hiệu xuống cấp, mọi người dân trong làng đều được khuyến cáo không nên ra vào ngôi đình vì nó có thể sập bất cứ lúc nào. Các cụ cao niên trong làng, ngày ngày đi qua ngôi đình, nhìn thấy tình trạng đó đều hết sức xót xa, vì trước ngôi đình sừng sững, uy nghi, nay lại trở nên đổ nát, xập xệ đến mức không nhận ra. “Đình xuống cấp như thế nhưng chẳng ai ngó ngàng tới. Một mai mà đình sập thì thật là có lỗi với tổ tiên, với cha ông” - cụ Phạm Văn Đoàng, 86 tuổi rầu rĩ nói.

Xin nâng hạng để được “cứu”

“Tôi quá ngỡ ngàng và giật mình khi nhìn thấy những hình ảnh trong di tích” - TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học cho biết khi trực tiếp vào bên trong ngôi đình. Ông Nguyễn Hồng Kiên cho rằng, những mảng chạm khắc tinh xảo trong đình Cổ Chế là cực kỳ hiếm có, gần như không còn tìm thấy trong những ngôi đình cùng thời. Nó thể hiện phong cách nghệ thuật của thế kỷ 17 dưới thời nhà Lê, được đánh giá là đỉnh cao trên cả phương diện lịch sử và mỹ thuật. Với tình trạng này, ông cho rằng nếu chỉ dùng một vài phương án tạm thời để “cứu chữa” thì chẳng mấy mà ngôi đình sẽ lâm nguy! 

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Cương, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến cho biết, trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của đình Cổ Chế, năm 2013, ngân sách huyện đã chi 90 triệu đồng để chống sập, chống dột và mối cho ngôi đình. Phần mái ngôi đình cũng mới được lợp bằng bạt, tuy nhiên khi dỡ ra thì vẫn còn rất nhiều mối mọt. Song, với số tiền như vậy thì không thể là lấy chỗ nọ, bù chỗ kia, chẳng đáng là bao so với hiện trạng hư hỏng, xập xệ ngôi đình. Hơn nữa với thẩm quyền và chuyên môn của xã không thể xử lý được những kiến trúc phức tạp của ngôi đình. 

Tháng 2-2014, Sở VH-TT&DL, huyện Phú Xuyên và xã Phúc Tiến đã xây dựng hồ sơ gửi lên thành phố đề nghị nâng hạng cho di tích, để xin nguồn vốn trùng tu, tu bổ ngôi đình. Ông Vũ Hồng Cương cho biết thêm, từ đầu năm nay, UBND huyện Phú Xuyên cũng đã gửi tờ trình lên thành phố đề nghị cấp kinh phí tu bổ, dự kiến là 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề nghị trên vẫn chưa được duyệt. Trong khi mòn mỏi chờ nâng hạng, chờ xét duyệt kinh phí từ Trung ương, thì những người dân trong làng vẫn “ăn không ngon, ngủ không yên”, chỉ lo một ngày đình sập xuống thì cũng chỉ biết than trời, chứ chẳng biết kêu ai. Mùa mưa bão đang đến gần, ngôi đình này lại thêm 1 lần nữa chịu sự mài mòn, phá hoại của thời gian. Tính mạng của ngôi đình đang nguy cấp, có lẽ chỉ còn tính bằng ngày. Hơn ai hết, người dân thôn Cổ Chế đang khắc khoải từng ngày đợi Nhà nước đồng ý cho trùng tu ngôi đình cổ, trả lại vẻ khang trang ngày nào cho di tích, gìn giữ di sản quý báu của cha ông./.

(Tổng hợp theo: anninhthudo.vn; Vov.vn)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Nghiên cứu chữ nôm và tiếng việt qua các bản dịch khóa hư lục (04/03/2015)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Từ điển bách khoa

Kích thước: 14,5 x 20,5

Hình thức bìa: mềm

Năm xuất bản: 2012

Địa chỉ liên hệ: Phòng Thông tin - Thư viện; ĐT: 04. 39 332.071

Số trang: 355

- Tác giả: Trần Trọng Dương

Nghiên cứu chữ nôm và tiếng việt qua các bản dịch khóa hư lục là cuốn chuyên luận được sửa chữa trên cơ sở luận án tiến sĩ Ngữ văn chuyên ngành Hán Nôm mà tác giả bảo vệ năm 2011

Nội dung cuốn sách gồm các chương:

- Khảo cứu về dịch giả và văn bản qua các chứng tích ngôn ngữ, văn tự. Trong đó, phần quan trọng nhất của chương này là xác điịnh thời điểm hoàn thành bản giải nghĩa Khóa hư lục của thiền sư Tuệ Tĩnh từ các chứng tích về ngôn ngữ và văn tự.

- Nghiên cứu chữ Nôm qua Thiền tông khóa hư ngữ lục và khóa hư quốc âm được thực hiện với những thao tác thống kê, so sánh, phân loại cấu trúc chữ Nôm  qua thiền tông khóa hư ngữ lục và khóa hư quốc âm, từ đó đưa ra những nhận xét về sự vận động của các loại cấu trúc chữ Nôm.

- Nghiên cứu tiếng việt qua Thiền tông khóa hư ngữ lục và khóa hư quốc âm dựa trên việc nghiên cứu các từ Việt cổ, hư từ, đưa ra các số liệu thống kê về từ vựng qua hai bản giải nghĩa và giải âm, từ đó có nhận xét về sự khác nhau giữa hai phương pháp giải âm và giải nghĩa.

 

Ngô Thị Nhung; Phòng Thông tin - Thư viện

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Kinh dịch Trí Huệ và Quyền Biến (04/03/2015)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Giáo dục

Kích thước: 16x24

Hình thức bìa: cứng

Năm xuất bản: 2009

Địa chỉ liên hệ: Phòng Thông tin - Thư viện; ĐT: 04.39 332.071

Số trang: 848

- Tác giả: Đông A Sáng

Kinh dịch xuất hiện từ thời thượng cổ, là cuốn Kinh đứng đầu những cuốn Kinh - quần Kinh chi thủ - của Trung Hoa.

Kinh dịch bao gồm cả Đạo trời - Đạo đất - Đạo người. Riêng Đạo người, Kinh dịch có 64 quẻ, tượng trưng các thời; 384 hào tượng trưng 384 nhân vật điển hình, thiện có, ác có, sang có, hèn có; mỗi nhân vật ở trong hoàn cảnh đặc biệt và có thời riêng.

Nội dung cuốn sách gồm 4 phần:

- Kinh dịch và dịch học.

- Kinh dịch (thượng kinh)

- Kinh dịch (hạ kinh)

- Truyện

- Dịch đồ

 

Ngô Thị Nhung; Phòng Thông tin - Thư viện

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lịch sử Phú Quốc qua tài liệu lưu trữ (04/03/2015)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

Kích thước: 16 x 24

Hình thức bìa: cứng

Năm xuất bản: 2012

Địa chỉ liên hệ: Phòng Thông tin - Thư viện; ĐT: 04.39.332.071

Số trang: 518

- Tác giả: Cục văn thư lưu trữ Nhà Nước; Trung tâm lưu trữ Quốc gia II

Nội dung cuốn sách gồm 5 phần:

(1) Vùng đất và con người;

(2) Phú Quốc trong lịch sử mở cõi về phương Nam;

(3) Phú Quốc những năm Pháp thuộc;

(4) Phú Quốc trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam;

(5) Nhà tù chế độ thực dân mới ở Phú Quốc.

 

Ngô Thị Nhung; Phòng Thông tin - Thư viện

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lịch sử tư tưởng Việt Nam (04/03/2015)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Thuận Hóa

Kích thước: 16 x 24

Hình thức bìa: mềm

Năm xuất bản: 2012

Địa chỉ liên hệ: Phòng Thông tin - Thư viện; ĐT: 04.39 332.071

Số trang: 496

- Tác giả: Huỳnh Công Bá

Cuốn giáo trình này là một chuyên đề được xây dựng trên cơ sở học phần lịch sử tư tưởng Phương Đông và Việt Nam phục vụ cho chương trình đào tạo Đại học và cao học chuyên nghành lịch sử Việt Nam.

Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

- Chương 1: Tư tưởng triết học

- Chương 2: Tư tưởng chính trị

- Chương 3: Tư tưởng tôn giáo

 

Ngô Thị Nhung; Phòng Thông tin - Thư viện

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trưng bày báu vật khảo cổ Việt tại Đức

 

 

Dự án Báu vật khảo cổ học Việt Nam dự kiến trưng bày những hiện vật tiêu biểu được chọn lựa từ hơn 10 bảo tàng khác nhau tại Việt Nam, phản ánh nền văn hóa đa dạng từ bắc đến nam cùng những di vật mới nhất được khai quật từ khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại LWL - Bảo tàng Khảo cổ học tại Herne, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz, các bảo tàng Reiss - Engelhorn Mannheim - CHLB Đức từ tháng 9.2016 - 1.2018.

 


Cổ vật Hoàng thành Thăng Long sẽ được giới thiệu - Ảnh: TL
Dự án do Bộ VH-TT-DL và Đại sứ quán Đức tại Hà Nội... tổ chức, phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; 25 năm ký kết hợp tác văn hóa giữa VN và CHLB Đức.
(Theo: Thanhnien.com.vn)
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện quần thể kiến trúc thời Trần ở Nghệ An

 

 

Theo báo cáo sơ bộ Kết quả khai quật khảo cổ học di tích động Lỗ Ngồi của Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phát hiện được quần thể kiến trúc thời Trần ở Nghệ An.

 Phát hiện quần thể kiến trúc thời Trần ở Nghệ An

Các chuyên gia đã phát hiện mặt bằng một tòa kiến trúc có niên đại từ thời Trần với nhiều di vật lịch sử tại núi Đụn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Trước đó, vào năm 2014, trong quá trình điều tra thực địa tại di chỉ thành Vạn An, các chuyên gia khảo cổ học Trung tâm tâm nghiên cứu Kinh Thành (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phát hiện mặt bằng một tòa kiến trúc trên động Lỗ Ngồi.

Di tích động Lỗ Ngồi có vị trí ở sườn núi phía Nam của dãy núi Hùng Sơn (rú Đụn), phía sau lăng mộ của vua Mai Hắc Đế và có mặt bằng tương đối bằng phẳng, cao hơn lăng mộ vua Mai Hắc Đế 50m.

Tiến hành khai quật di tích này đã phát lộ nhiều dấu tích, hiện vật được các chuyên gia nhận định có mối liên hệ chặt chẽ với di tích lăng mộ vua Mai Hắc Đế.

Điểm khai quật thứ nhất có mặt bằng hình chữ nhật diện tích 241,2m2. Dấu vết còn lại bao gồm bó nền, móng trụ bằng đá được kè kiên cố, ở giữa bó nền có một bậc thềm dẫn xuống sân, các chân tảng bằng đá chế tác đơn giản, kích thước 30cm x 30cm được đặt trên các móng trụ, nền được xử lý kiên cố và đầm chặt bằng chất liệu.

Trong lòng kiến trúc có nhiều di vật như: ngói mũi lá, đồ sành, sứ đặc trưng của văn hóa Trần. Phía trước di tích là khoảng sân có diện tích dài 14,5m, rộng 8,1m, nối với kiến trúc di tích điểm thứ nhất với một hệ thống bậc tam cấp.

Dựa trên kiến trúc nền móng còn lại và các di vật, các chuyên gia đã bước đầu xác định được di tích này có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, khung gỗ, mái lợp ngói lá, khoảng cách các cột trong gian là 3,3m, di tích có chiều rộng là 6m.

Điều đặc biệt là di tích này có kiến trúc khá khác lạ với số gian thiên số chẵn (6 gian) khác với số gian lẻ thường thấy ở các kiến trúc phổ biến cùng thời kỳ.

Điểm thứ hai, tại vị trí phía Tây của khu đất thứ nhất, một mặt bằng kiến trúc hình vuông, có diện tích 129,6m2, còn nguyên bó nền và gia cố trụ móng, được xây dựng khá kiên cố với cấu trúc gồm 2 phần, phần đế rộng trung bình 60cm đến 80cm, được xếp bằng đá; phần thân xếp bằng gạch, hình chữ nhật, màu xám và màu đỏ.

Điểm đặc biệt tại điểm này là gạch bó nền hình chữ nhật và múi bưởi thời Tùy - Đường. Ngoài ra còn có nhiều di vật để sử dụng trong việc trang trí kiến trúc như: tượng chim uyên ương, tượng đầu rồng, tay rồng, lá đề, đầu đao được làm từ đất nung. Đặc biệt là các mảnh tháp bằng đất nung loại nhỏ 5 tầng, cao trung bình 30cm - 40cm.

Việc tìm thấy di tích động Lỗ Ngồi và các hiện vật liên quan ở khu vực Đền vua Mai, kết hợp với các yếu tố địa hình của khu vực này đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Di tích động Lỗ Ngồi cũng được đánh giá là quần thể kiến trúc thời Trần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Nghệ An và cũng là kiến trúc sớm nhất do triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng để tôn vinh, ghi nhận công lao của vua Mai Hắc Đế.

(Theo: XUÂN LÊ - phunuonline.com.vn)

 

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9592777
Số người đang online: 17