Bảo vật đời vua Hàm Nghi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

 

 

Theo nhận định của các đại thần, vua Hàm Nghi là người có đủ tư cách về dòng dõi nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc. Từ nhỏ ngài sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ đẻ, không như hai người anh ruột được ở trong cung. Khi thấy sứ giả đến đón, ngài hoảng sợ không dám nhận mũ áo người ta dâng lên. Sáng ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (tức 2 tháng 8 năm 1884), ngài được rước đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hòa để làm lễ lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Hàm Nghi. Ngài trở thành vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Sau sự biến kinh thành Huế (1885), Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn, phát hịch Cần Vương chống Pháp, kêu gọi văn thân, nghĩa sỹ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt, sau đó vua bị thực dân Pháp đem đi an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie thuộc Bắc Phi).

Sự biến kinh thành Huế xảy ra đêm mồng 5, rạng ngày mồng 6 tháng 7 năm 1885. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thấy người Pháp khinh mạn vua mình nên đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Đến sáng quân Pháp phản công, quân triều đình thua chạy, rời bỏ kinh thành Huế. Tôn Thất Thuyết mời Hoàng đế và Tam cung lên đường ra Quảng Trị tránh nạn. Ngày 9 tháng 7, Tôn Thất Thuyết đưa vua lên đường đi Tân Sở, rồi về vùng Tuyên Hóa (Quảng Bình). Sau đó, chuyển về xây dựng căn cứ ở Sơn Phòng (Hà Tĩnh). Thời gian này, nhà vua phải chịu nhiều gian khổ, luồn lách giữa núi rừng hiểm trở, thiếu thốn bệnh tật. Tại Tân Sở nhà vua đã hai lần xuống dụ Cần Vương cùng nhiều chỉ dụ khác tới các quan lại, lãnh tụ của phong trào chống Pháp. Tên của vua Hàm Nghi đã trở thành ngọn cờ độc lập quốc gia. Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời kêu gọi của ông vua xuất hạnh. Tháng 9 năm 1888, do bị viên hầu cận phản bội, vua Hàm Nghi bị bắt khi đó mới 17 tuổi.

Vì có tư tưởng chống Pháp, vua Hàm Nghi cùng với các vua Thành Thái và Duy Tân được xem là ba vị vua yêu nước của Việt Nam thời Pháp thuộc.

Trong sưu tập Bảo vật Cung đình Huế lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có ba bảo vật thuộc đời vua Hàm Nghi rất đáng chú ý như sau:

1.Kim Bảo: Giản Tông Nghị Hoàng Đế chi bảokí hiệu LSb 35954, 379KN (Ảnh 1). Ấn đúc bằng vàng, 2 cấp hình vuông, quai hình rồng đứng, đầu ngẩng, miệng ngậm ngọc, lưng cong, đuôi cuốn, 4 chân chùng. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán:

Kim Bảo: 簡 宗 毅 皇 帝 之 寶 Giản Tông Nghị Hoàng Đế chi  bảo.

- Bên trái:  八 歲 重 四 十 九 両 五 錢 一 分 (Bát tuế trọng tứ thập cửu lạng ngũ tiền nhất phân nghĩa là: vàng 8 tuổi, nặng 49 lạng 5 tiền 1 phân).

- Bên phải: 建 福 元 年 八 月 初 九 日 奉  鑄 造 (Kiến Phúc nguyên niên bát nguyệt sơ cửu nhật phụng chú tạonghĩa làphụng mệnh đúc vào ngày 9 tháng 8 năm Kiến Phúc 1, 1883).

Mặt ấn đúc nổi 7 chữ Triện trong khung diềm khá rộng: 簡 宗 毅 皇 帝 之 寶 (Giản Tông Nghị Hoàng Đế chi bảo). Đây là Kim Bảo được vua Hàm Nghi khi lên ngôi cho làm để dâng Miếu hiệu vua Kiến Phúc sau khi ông mất được 2 tháng, đem thờ trong Thế miếu. Vì lúc này chưa đặt niên hiệu mới nên trên ấn vẫn ghi theo niên hiệu Kiến Phúc.

2. Kim Bảo: Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảokí hiệu LSb 34946, 371KN (Ảnh 2). Ấn đúc bằng vàng 8 tuổi rưỡi, 1 cấp hình vuông, quai hình rồng đứng, đầu ngẩng, lưng cong, đuôi uốn, 4 chân chùng. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán:

 

Kim Bảo: 慈 愈 太 皇 太 后 之 寶 Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảo

- Bên trái: 八 五 金 重 八 十 六 両 四 錢 八 分 (Bát ngũ kim trọng bát thập lục lạng tứ tiền bát phânnghĩa là: vàng 8 tuổi rưỡi, nặng 86 lạng 4 tiền 8 phân).

- Bên phải: 咸 宜 元 年 三 月吉日奉 鑄 造 (Hàm Nghi nguyên niên tam nguyệt cát nhật phụng chú tạo, nghĩa là: phụng mệnh đúc vào ngày lành tháng 3 năm Hàm Nghi 1, 1885).

Mặt ấn đúc nổi 8 chữ Triện trong khung viền: 慈 愈 太 皇 太 后 之 寶 (Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảo).

Đây là Kim Bảo ấn thứ 2 của Hoàng Thái hậu Từ Dũ do vua Hàm Nghi là cháu nội tấn tôn cho bà năm 1885 sau khi lên ngôi.

3. Kim Khánh: Khuyến trung nghĩakí hiệu LSb. 34742, 250KN).

 

 Kim Khánh: 勸 中 義, 咸 宜 二 等 Khuyến trung nghĩa, Hàm Nghi nhị đẳng

Đây là loại thẻ đeo do vua Hàm Nghi ban tặng những người có công lao, thành tích. Thẻ đúc bằng bạc mạ vàng, có hình khánh, hai đầu uốn cong, đỉnh có lỗ xuyên dây đeo. Thẻ rộng 5,4cm, nặng 5gr. Một mặt thẻ đúc nổi 3 chữ: 勸 中 義 (Khuyến trung nghĩa, nghĩa là: khuyến khích người trung nghĩa), mặt bên đúc nổi 4 chữ: 咸 宜 二等(Hàm Nghi nhị đẳng, nghĩa là: Hàm Nghi hạng hai).

Mặc dù chỉ ở ngôi một thời gian ngắn nhưng vua Hàm Nghi đã mở đầu cho phong trào chống Pháp giành độc lập ở Việt Nam. Kim bảo 簡 宗 毅 皇 帝 之 寶 Giản Tông Nghị Hoàng Đế chi bảo thể hiện tấm lòng của nhà vua với người anh tuy cùng cha khác mẹ. Kim bảo 慈 愈 太 皇 太 后 之 寶 Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảo thể hiện tấm lòng hiếu thảo với bà nội theo đúng truyền thống tôn xưng của các vua nhà Nguyễn. Với Kim khánh 勸 中 義 Khuyến trung nghĩa, tuy tạo tác bằng bạc mạ vàng, nét chữ không thật sắc sảo nhưng đó là minh chứng sinh động thể hiện sự tôn vinh với các anh hùng nghĩa sỹ đã tham gia hưởng ứng có công lao thành tích chống Pháp theo lời kêu gọi của chiếu Cần Vương. Có thể những kim khánh này được tạo tác do một bộ phận Ngự xưởng đã rời kinh thành Huế theo vua Hàm Nghi ra vùng căn cứ kháng chiến.

Những bảo vật trên đây thực sự là những minh chứng sinh động gắn với cuộc đời của vua Hàm Nghi, rất cần được bảo vệ và tôn tạo, phát huy trưng bày trong phần lịch sử triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Theo: Kiều Trang (baotanglichsu.vn)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Đền thờ tiên đoán tương lai của người cổ đại

 

 

Các nhà khoa học khai quật ba đền thờ, có thể là nơi phục vụ cho hoạt động chiêm tinh thời cổ đại, trong một pháo đài trên đỉnh đồi ở Cộng hòa Armenia.

Theo nhóm khảo cổ, các đền thờ có niên đại khoảng 3.300 năm. Tầng lớp thống trị từng sử dụng chúng cho nghi thức dự đoán tương lai. Mỗi đền thờ là một căn phòng đơn lẻ có lòng chảo trũng bằng đất sét, chứa các bình gốm và tro.

Đền thờ tiên đoán tương lai của người cổ đại
Dấu vết ngôi đền thờ được khai quật tại một pháo đài ở Geghrot, Armenia. (Ảnh: Adam Smith/Cornell)

Nhiều di chỉ khảo cổ khác cũng được phát hiện tại đây, như tượng thần có sừng bằng đất sét, con dấu, lư bình dùng để đốt vật liệu dùng cho nghi lễ và xương động vật có dấu khắc. Con người thời kỳ này thường đốt các đồ vật và uống rượu trong khi thực hiện nghi lễ.

"Theo logic của hoạt động chiêm tinh, quá khứ, hiện tại và tương lai có mối liên kết với nhau, mở ra khả năng kết nối giữa tình hình hiện tại và các kết quả có thể được thay đổi", Adam Smith và Jeffrey Leon viết trên American Journal of Archaeology.

Tại đây, Smith và Leon còn phát hiện bằng chứng về ba nghi thức đoán trước tương lai. Trong đó, Osteomancy là hình thức dự đoán bằng nghi lễ với xương động vật như xương khuỷu chân bò, cừu và dê. Cách thứ hai là Lithomancy, sử dụng các viên sỏi nhiều màu sắc. Trong đền thờ còn lại, nhóm khảo cổ phát hiện dụng cụ để nghiền bột trong nghi thức Aleuromancy.

Đền thờ tiên đoán tương lai của người cổ đại
Các con dấu khai quật được bên trong ngôi đền. Theo các nhà khảo cổ, chúng được dùng để in hình lên đất sét trước nghi thức bói tương lai. (Ảnh: messagetoeagle.com)

Theo Live Science, pháo đài ở Gegharot là một trong những thành trì được xây dựng ở Armenia và có thể là trung tâm tín ngưỡng của chế độ cai trị trong thời kỳ này. Tuy nhiên, tên gọi và những người đứng đầu của thể chế đó vẫn còn là một bí ẩn.

(Theo: Khoahoc.tv)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

TOẠ ĐÀM KHOA HỌC “CON DẤU TRONG VĂN HÓA HOA LỘC”

 

 

Sáng 27/02/2015 tại Hội trường Viện Khảo cổ học đã diễn ra buổi Toạ đàm khoa học với chủ đề “Con dấu trong văn hoá Hoa Lộc”. TS. Judith Cameron (Đại học Quốc gia Úc) đã trình bày về quá trình phát hiện và nghiên cứu con dấu gốm tại Việt Nam, khu vực Đông Nam Á lục địa (Thái Lan, Lào), những kết quả nghiên cứu so sánh với Pakistan, Thổ Nhĩ Kì…

Cuối năm 1973, di tích Hoa Lộc (Xã Hoa Lộc nằm ở phía đông của huyện Hậu Lộc) là di tích đầu tiên được phát hiện và cũng là di tích điển hình cho nền văn hoá này. Các di chỉ văn hóa Hoa Lộc phân bố trên các đồi cát cao chạy dài ven biển bắc Thanh Hoá, từ huyện Hậu Lộc đến huyện Nga Sơn. Văn hóa Hoa Lộc nằm cùng bình tuyến và có mối quan hệ giao lưu văn hoá với các văn hoá sơ kì đồ đồng khác ở vùng Trung Bộ và Bắc Bộ Việt Nam là văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Hạ Long và nhóm di tích văn hóa Cồn Chân Tiên, Mả Đống. Niên đại của văn hoá Hoa Lộc trong khoảng từ 4.000 – 3.200 năm cách ngày nay. Trong các di tích văn hoá Hoa Lộc, đồ đá phong phú, đa dạng chủ yếu là công cụ lao động. Đồ gốm nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình. Ngoài các đồ gia dụng như nồi, bình, bát, chậu, vật hình hộp, đồ gốm có chân nhọn... còn có các đồ trang sức như vòng, hạt chuỗi, khuyên tai bằng đất nung, những con dấu in hoa văn đặc trưng cho văn hoá này. Đồ gốm được trang trí văn thừng, khắc vạch, in dấu lưng và miệng sò, ấn vũm, trổ lỗ. Các cách tạo hoa văn này được phối hợp với nhau, tạo nên phong cách rất riêng cho đồ gốm Văn hóa Hoa Lộc. Đồ đồng hiếm, mới tìm thấy mảnh vòng, rìu, mảnh đồng. Thời gian tồn tại của Văn hóa Hoa Lộc vào khoảng trên dưới 4.000 năm cách ngày nay.

Con dấu gốm là một loại hình hiện vật rất đặc trưng phát hiện nhiều trong văn hoá Hoa Lộc. Tại địa điểm Hoa Lộc đã phát hiện được 54 con dấu bằng gốm thô khác với các mảnh gốm có hoa văn trong di tích. 42 con dấu đã được tác giả nghiên cứu cho thấy các motip hoa văn âm bản không con dấu nào giống nhau. Về hình dáng có dạng hình chữ nhật, hình tròn…

Con dấu gốm cũng được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới như vùng đông bắc Thái Lan (di tích Bản Chiềng, Bản Na Di, Bản Non Wat), Lào (di tích Lao Pakeo), Pakistan. Xa hơn nữa, con dấu gốm tương tự được tìm thấy trong khá nhiều di tích khảo cổ học giai đoạn Đá mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu. Di tích phát hiện được con dấu gốm có niên đại sớm nhất là di tích Taxila (Thổ Nhĩ Kỳ), có niên đại khoảng 7.000 năm cách ngày nay. Qua nghiên cứu so sánh tác giả cho biết các con dấu gốm ở các nơi khác nhau nhưng khá tương đồng về hình dáng và một số motip hoa văn. Công năng của loại hình hiện vật này đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau: dùng đề in hoa văn trên vải, trên cơ thể người, trên đồ gốm, trên tường…

Bản đồ các di tích khảo cổ có con dấu gốm ở Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ (nguồn: Dr Judith Cameron)

Từ những nghiên cứu về mặt niên đại, Tiến sĩ Judith Cameron đưa ra một số giả thuyết nghiên cứu: Con dấu gốm Hoa Lộc có thể là vật dùng của các thương nhân. Vào giai đoạn cuối hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Đồng thau, Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới thương mại trong một khu vực lớn của Châu Á. Các con dấu gốm có thể được sử dụng như để in thương hiệu của hàng hoá một khu vực nào đó. 

Có mặt tại buổi toạ đàm khoa học, các nhà nghiên cứu đã thảo luận nhiều về hệ thống buôn bán trao đổi sớm, sự phân bố của con dấu gốm, công năng của chúng. Tổng kết buổi toạ đàm, PGS.TS Bùi Văn Liêm (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học) đánh giá “đây là một nghiên cứu chuyên sâu rất thú vị. Nó gợi mở nhiều vấn đề khoa học rất lý thú đòi hỏi sự nghiên cứu hợp tác của nhiều nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hy vọng chương trình hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Đại học Quốc gia Úc và các nhà Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục phát triển và mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các văn hoá khảo cổ khác tại Việt Nam”.

Một số hình ảnh buổi Toạ đàm:

PGS.TS Bùi Văn Liêm khai mạc buổi toạ đàm

Các nhà khoa học tham gia buổi toạ đàm

PGS.TS Tống Trung Tín troa đổi với diễn giả

TS Nguyễn Gia Đối trao đổi với diễn giả

TS Lê Thị Liên trao đổi tại buổi toạ đàm

(Nguyễn Thơ Đình)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

10 phát hiện khảo cổ học thế giới nổi bật năm 2014 (Phần 1): Bên dưới Stonehenge

 

 

Một cuộc khảo sát viễn thám chưa từng có trong lịch sử, bao gồm quét không ảnh, chụp cắt lớp đất và các phương pháp khảo sát viễn thám địa vật lý khác, đã phát hiện ra rằng Stonehenge, di tích cự thạch 5000 năm tuổi này, chỉ là một phần của một di tích có tính chất nghi lễ lớn hơn nhiều lần có niên đại thời kỳ Đá mới.

10 phát hiện khảo cổ học thế giới nổi bật năm 2014

Đợt khảo sát này đã phát hiện được 17 di tích mới cùng hàng nghìn hiện tượng khảo cổ học bí ẩn khác như những công trình tưởng niệm nhỏ, gò mộ, những hố đất đen lớn, trải rộng trên một diện tích rộng gần 5 dặm vuông vùng đồng bằng Salisbury. Kết quả khảo sát được công bố trong Hội nghị Khoa học Anh Quốc diễn ra vào tháng 9 năm 2014.

10 phát hiện khảo cổ học thế giới nổi bật năm 2014


Đợt khảo sát này đồng thời cũng cung cấp những nhận thức mới về các kết quả nghiên cứu trước đây. Ví dụ như, khảo sát địa vật lý ở di tích Cursus - một gò đất dài 2 dặm phía bắc Stonehenge, đã xác định được hai hố lớn mà nó nằm trên cùng một trục thiên văn với Stonehenge, cùng với một loạt những khoảng trống. Vincent Gaffney, Đại học Bradford cho rằng, những hố này cho thấy Cursus, công trình được xây dựng trước Stonehenge 400 năm, đã ảnh hưởng như thế nào đến vị trí của Stonehenge. "Chúng tôi cho rằng, những khoảng trống ở Cursus, có thể có vai trò định hướng sự di chuyển của các dòng người khi họ tiến hành hành lễ ở Stonehenge, đối lập với những suy nghĩ trước đây cho rằng chỉ có một số ít người tiếp cận Stonehenge". Thêm vào đó, khảo sát viễn thám ở di tích Durrington, một di tích có tính chất tín ngưỡng rộng 1 dặm gần với Stonehenge, đã phát hiện ra rằng nó đã có mối liên hệ với 60 di tích cự thạch lớn khác, mà ngày nay một vài trong số đó chìm dưới lòng đất. Graffney nói "Trước đây, chúng ta nghĩ rằng Stonehenge đứng một mình biệt lập, đơn lẻ, nhưng thực tế không phải vậy. Nó thật sự vĩ đại" 

Bùi Văn Hiếu lược dịch

(Nguồn: archaeology.com)

 

 

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện mảnh xương động vật dùng trong nghi lễ bói toán ở Nhật Bản

 

 

 Việc phát hiện mảnh xương vai phải của một con lợn rừng trong một hố đất đen hình bầu dục cùng với đồ gốm, di vật gỗ và những xương động vật khác cho thấy, vào thế kỷ 2 sau Công nguyên, pháp sư Himiko và những người đứng đầu nhà nước Yamato có thể đã thực hành các nghi lễ bói toán được du nhập từ Trung Quốc.

Phát hiện mảnh xương động vật dùng trong nghi lễ bói toán ở Nhật Bản

Hố đất đen này được phát hiện ở phế tích Makimuku, khu vực được cho là nơi an táng Himiko. Trên mảnh xương này có ba dấu tròn cháy. Nhà khảo cổ học Kaoru Terasawa, Trung tâm nghiên cứu Makimugaku cho rằng nghi lễ bói toán sử dụng xương động vật dần dần từng bước trở thành một hoạt động chính thức ở Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn của tờ Asahi Shimbun, ông cho rằng "Hố đất đen này có giá trị đặc biệt trong việc tìm hiểu sự tham gia vào hệ thống những giá trị dân tộc của hoạt động thực hành nghi lễ bói toán sử dụng xương động vật thủa ban đầu ở thời kỳ Yayoi" 

Bùi Văn Hiếu lược dịch 

(Nguồn: archaeology.com)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện miệng núi lửa cổ trăm triệu năm ở Quảng Ngãi

 

 

Các chuyên gia tìm thấy ở khu vực gần bờ vùng biển Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) còn nguyên vẹn dấu tích miệng núi lửa cổ có niên đại hàng triệu năm.

Trao đổi với PV, Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước - cho biết, miệng núi lửa cổ rộng khoảng 30m. Ở đây, hệ địa hình sinh thái trải rộng ra khu vực xung quanh với nhiều bãi đất bazan, cột đá balad trông khá độc đáo.

Phát hiện miệng núi lửa cổ trăm triệu năm ở Quảng Ngãi
Dấu tích miệng núi lửa vừa được các nhà khoa học phát hiện ở vùng gần bờ Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). (Ảnh: Công ty CP Đoàn Ánh Dương)

"So sánh về cấu tạo địa chất, bước đầu giới nghiên cứu xác định đảo Lý Sơn - Bình Châu cùng địa hình, địa mạo sinh thái phong phú, tuyệt đẹp trải rộng khoảng 40km2từ nhiều đợt phun trào núi lửa. Đợt phun trào có niên đại sớm nhất cách nay khoảng 6 triệu năm và muộn nhất khoảng 3.000 năm trước", ông Lâm nói.

Dịp này các nhà khoa học cũng tìm thấy dấu tích của những đợt phun trào núi lửa khác nhau ở trên đỉnh núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới (đảo Lớn) và khu vực bãi Sau (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn.

Phát hiện miệng núi lửa cổ trăm triệu năm ở Quảng Ngãi
Bên trong miệng núi lửa cổ vừa phát hiện ở Ba Làng An chứa đầy rong rêu, cỏ biển. (Ảnh: Công ty CP Đoàn Ánh Dương)

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia - cho hay, sau nhiều ngày khảo sát, các chuyên gia nhận định địa chất kiến tạo từ hoạt động núi lửa Bình Châu và đảo Lý Sơn có mối quan hệ với nhau. Tập tục, tín ngưỡng thờ cúng, sản xuất, nghề đi biển của cư dân, khai quật di tích khảo cổ ở hai địa phương này có nhiều nét tương đồng...

Theo ông Quân, việc phát hiện dấu tích miệng núi lửa đã tạo nên nét đặc biệt hiếm có ở vùng biển đảo Việt Nam. Di tích về địa chất nơi đây xứng đáng được đề xuất UNESSCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Sở Văn hóa thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương mời các chuyên gia hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu trình Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia; trình Chính phủ xếp hạng quần thể di tích văn hóa lịch sử huyện đảo Lý Sơn trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Trước đó, hồi tháng 10/2014, nhóm thợ lặn cùng một số nhà khảo cổ cũng phát hiện vòm đá có nhiều loài san hô đẹp sống ký sinh, cách mặt nước khoảng 6m uốn cong hình vòng cung và kéo dài khoảng 20m. Vòm đá nằm gần sát bờ biển xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn. Các chuyên gia nhận định, đây là dấu tích dung nham từ hoạt động phun trào núi lửa khi gặp nước biển đông cứng lại, tạo nên vòm đá kỳ vĩ này.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, huyện đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích của hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Hòn đảo tiền tiêu này có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Trong đó có nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò... có giá trị lớn để làm du lịch.

(Theo khoahoc.tv)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Am Ngọa Vân (04/02/2015)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Văn hoá thông tin

Kích thước: 15 x 21

Hình thức bìa: mềm

Năm xuất bản: 2013

Địa chỉ liên hệ: ĐT: 04.39.332.071

Số trang: 92

- Tác giả: Nguyễn Văn Anh

Đông Triều, mảnh đất địa linh nhân kiệt, vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa trên mặt đất cũng như trong lòng đất, và quần thể di tích nhà Trần tại Đông Triều là di tích đang được xây dụng hồ sơ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Cuốn sách Am Ngọa Vân là cuốn sách đầu tiên được xuất bản viết về các di tích nhà Trần ở Đông Triều. Sách giới thiệu một cách khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Đức vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông; lịch sử hình thành, phát triển cũng như vị trí của quần thể di tích Ngọa Vân trong hệ thống di tích nhà Trần ở Đông Triều nói riêng và hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử nói chung.

Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

- chương 1: Mở đầu

- Chương 2: Trần Nhân Tông, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa

- Chương 3: Ngọa Vân, nơi Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật

 

Ngô Thị Nhung; Phòng Thông tin - Thư viện

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng (04/02/2015)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Từ điển Bách Khoa và Viện Văn hóa

Kích thước: 14,5 x 20,5

Hình thức bìa: mềm

Năm xuất bản: 2009

Địa chỉ liên hệ: Phòng Thông tin - Thư viện; ĐT: 04. 39332071

Số trang: 425

- Tác giả: Nguyễn Xuân Hương

Tín ngưỡng - một thành tố văn hóa truyền thống, vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng.

Cuốn sách sẽ cung cấp cho giới nghiên cứu những tư liệu và thông tin về diện mạo và sinh hoạt tín ngưỡng trong đời sống của cộng đồng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng, về những dặc trưng cơ bản, những giá trị hàm chứa trong các hình thái tín ngưỡng truyền thống đó, ... đặc biệt về vai trò, tính chất của các sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa trong đời sống tinh thần hiện nay của cư dân.

Công trình này gồm 4 chương:

- Chương 1: Quảng Nam - Đà Nẵng và công đồng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng

- Chương 2: Tín ngưỡng thờ cá voi

- Chương 3: Tín ngưỡng thờ mẫu, thờ âm linh và Tiền hiền

- Chương 4: Những đặc trưng và giá trị trong tín ngưỡng của cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng

 

Ngô Thị Nhung; Phòng Thông tin - Thư viện

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm hiểu văn hóa phương Đông (04/02/2015)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Văn hoá thông tin

Kích thước: 13,5 x 20,5

Hình thức bìa: mềm

Năm xuất bản: 2013

Địa chỉ liên hệ: Phòng Thông tin - Thư viện; ĐT: 04.39332071

Số trang: 411

- Tác giả: Trần Thị Thanh Liêm; Trương Ngọc Quỳnh

Edouard Herriot đã nói: "Văn hóa là cái gì còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả". Bởi vậy ciuoons sách này chỉ lựa chọn biên soạn một số điểm nổi bật nhất trong kho tàng văn hóa huy hoàng, rực rỡ của phương Đông.

Nội dung cuốn sách gồm 5 phần và chia thành các chương nhỏ:

- Phần 1: Chế độ - tư tưởng

- Phần 2: Con người

- Phần 3: Thiên văn - khoa học

- Phần 4: Phong tục - ẩm thực

- Phần 5: Thư tịch - kiến trúc

 

Ngô Thị Nhung; Phòng Thông tin - Thư viện

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Người Việt với biển (04/02/2015)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Thế giới

Kích thước: 16 x 24

Hình thức bìa: mềm

Năm xuất bản: 2011

Địa chỉ liên hệ: Phòng Thông tin - Thư viện; ĐT: 04.39332071

Số trang: 606

- Tác giả: Nguyễn Văn Kim

Nước Việt và người Việt, từ thuở ban đầu đã hội tụ và sinh trưởng trong một môi trường như thế với núi rừng, đồng bằng và biển cả.

Dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, tác phẩm Người Việt với biển đã tập trung khai thác và lý giải mối quan hệ giữa đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam với thế giới bên ngoài qua con đường biển.

Cơ tầng văn hóa biển được đắp xây từ những huyền thoại về thời lập quốc, những tín niệm tâm linh cho tới những câu chuyện dân gian đời thường đã dần tạo nên ý thức về biển ngày một rộng lớn, sâu sắc.

Quan hệ giao thương là mặt nổi trội, khá liên tục và có hiệu quả trong hoạt động biển của đất nước.

Chủ quyền và an ninh biển là chủ đề được quan tâm xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử của đất nước.

Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:

- Phần 1: Truyền thống và tư duy hướng biển của người Việt

- Phần 2: Vị trí thương mại biển và quan hệ giao thương

- Phần 3: Ý thức về chủ quyền và an ninh, kinh tế biển

 

Ngô Thị Nhung ; Phòng Thông tin - Thư viện

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9025322
Số người đang online: 20