Văn tự Hán Nôm trên đồ gốm, sứ cổ là một trong những tư liệu quan trọng để minh chứng cho một nền văn hóa nhất định. Thông qua văn tự Hán nôm, chúng ta còn biết về lịch sử các làng nghề, lịch sử một số lĩnh vực như: thương mại, ngoại giao …
Cuốn sách Văn Tự Hán Nôm trên đồ gốm, sứ Việt Nam (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX) được hình thành trên cơ sở luận án tiến sĩ của TS. Nguyễn Văn Chiến là tài liệu tham khảo hữu ích trong việc nhận diện các giá trị tiềm ẩn của văn tự Hán Nôm trên đồ gốm, sứ Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về lịch sử, văn hóa, văn học … thể hiện qua cổ vật, phân biệt mức độ thật, giả của đồ gốm, sứ cổ thông qua hệ thống văn tự …

Nội dung cuốn sách còn góp phần giáo dục văn hóa địa phương và phát triển du lịch, bảo tồn, phát huy những giá trị của văn tự Hán Nôm trong thời đại mới, làm phong phú thêm nguồn tư liệu trong cùng lĩnh vực. Gồm 4 chương: 1/ Tình hình nghiên cứu văn tự Hán Nôm trên đồ gốm, sứ Việt Nam (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX); 2/ Những đặc trưng về hình thức của văn tự Hán Nôm trên đồ gốm, sứ Việt Nam; 3/Những đặc trưng về nội dung của văn tự Hán Nôm trên đồ gốm, sứ  Việt Nam; 4/ Một số vấn đề tác giả, tác phẩm và thể thơ thần trí trên đồ gốm, sứ Việt Nam.

 Xin trân trọng giới thiệu đến những độc giả quan tâm!
Ngô Thị Nhung

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Thời đại đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực" từ ngày 31/10 đến ngày 01/11/2016 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Hoi thao khoa hoc quoc te 'Thoi dai da cu Viet Nam trong boi canh khu vuc' - Anh 1

Hội thảo khoa học quốc tế “Thời đại đá cũ Việt Nam trong bối cảnh khu vực”

GS.VS. Anatoly.Deravianko trình bày tham luận nguồn gốc Kỹ nghệ ghè hai mặt ở Đông và Đông Nam Á.

GS.VS. Anatoly.Deravianko trình bày tham luận nguồn gốc Kỹ nghệ ghè hai mặt ở Đông và Đông Nam Á

Hội thảo được tổ chức sau khi các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế hệ thống các di tích khảo cổ học vùng thượng du sông Ba, nằm trên địa bàn thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và đã phát hiện gần 30 di chỉ khảo cổ học. Cuộc khai quật hợp tác giữa các nhà khảo cổ học Viện Khảo cổ Việt Nam và các nhà khảo cổ học Nga sau đó đã phát hiện nhiều công cụ ghè đẽo thô sơ, đặc biệt với các rìu tay điển hình và các mảnh Tectit trong tầng văn hóa. Từ phát hiện này cho phép bổ sung vào bản đồ Thế giới về quê hương loài người trong đó đã có mặt người vượn đứng thẳng ở khu vực thượng du sông Ba ở Tây Nguyên, Việt Nam.
Diễn ra trong 2 ngày, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của 15 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia Nga, Úc, Italya, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Philipin và hơn 50 đại biểu trong nước đến từ Viện Khảo cổ học và các địa phương. Các nhà khoa học báo cáo và thảo luận về một số tham luận như: Nguồn gốc của kỹ nghệ ghè hai mặt ở Đông và Đông Nam Á; Kết quả sơ bộ nghiên cứu khảo cổ học tại thị xã An Khê, Gia Lai năm 2015-2016; Khảo cổ học thời đại đá cũ ở Thái Lan; Thời đại đá cũ ở Philipines; Phương pháp chế tác rìu tay ở khu vực sông Imjin – Hantan – phân tích vết âm bản bằng số liệu quét 3D.

gl.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Thời đại đá cũ Việt Nam trong bối cảnh khu vực”

Hội thảo nhằm lấy ý kiến đánh giá, phản biện, củng cố các nhận định khoa học và thúc đẩy nghiên cứu mở rộng cũng như chuyên sâu về hệ thống các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê. Hoạch định chiến lược nghiên cứu trong thời gian tới, quảng bá các kết quả nghiên cứu bước đầu và giá trị đặc biệt của hệ thống di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê đối với giới nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như xây dựng cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Nguyễn Thơ Đình (Tổng hợp)

 

Viện Khảo cổ học trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu quan tâm tới dự tọa đàm khoa học với chủ đề: Bản chất kỹ thuật đúc đồng trong văn hóa Đông Sơn.
Thời gian: 8h30 ngày 19/10/2016 (thứ 4).
Địa điểm: Hội trường tầng 2, Viện Khảo cổ học, số 61 - Phan Chu Trinh - Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Nội dung:
img003.jpg
Cuốn sách là kỷ yếu của Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 50 năm 2015, tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nội dung cuốn sách tập hợp 348 bài viết của các tác giả khác nhau ở các cơ quan khác nhau như các bảo tàng, sở Văn hóa, Viện nghiên cứu, trung tâm bảo tồn di tích .v.v. , các cá nhân trong cả nước về những tổng kết, đánh giá và thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học trong năm 2015.

Xin trân trọng giới thiệu đến đông đảo các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm!
Ngô Thị Nhung

Chiều 6-10, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế tiến hành khai quật thăm dò dấu vết mộ vua Quang Trung. Theo đó, khu vực tiến hành khai quật thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế, Thừa Thiên - Huế), nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng đây là địa điểm chôn cất thi hài vua Quang Trung sau khi băng hà.

PGS.TS Bùi Văn Liêm (Phó viên trưởng - chủ trì khai quật) cho biết quyết định của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho phép đào năm hố thăm dò khảo cổ với diện tích 22m2. Trước mắt, đoàn khảo cổ sẽ mở một hố thăm dò trong khuôn viên chùa Thuyền Lâm (tên cũ Thiền Lâm, ở 150 đường Điện Biên Phủ, Huế). "Việc tìm ra dấu vết của ngài Quang Trung thì chúng tôi chưa dám nói nhưng sẽ là thành công nếu có dấu vết hoặc cả việc không có dấu vết. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”, PGS. Liêm nói.

Trước đó, từ năm 1985, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) đã cho rằng lăng mộ vua Quang Trung được an táng tại khu vực này, dựa trên các tư liệu lịch sử, văn học thời Tây Sơn cùng với các hiện vật gạch đá phát lộ trong vườn các chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước và nhà dân.

Ông Xuân đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu trên thực địa và các tài liệu lịch sử, rồi khẳng định: đây là nơi vua Quang Trung đã cho xây dựng cung điện Đan Dương. Khi băng hà, vua đã được an táng tại đây và cung điện được đổi tên thành lăng Đan Dương.

Sau nhiều hội thảo khoa học với những tranh luận không dứt, ngày 15-4-2016, Hội khoa học lịch sử VN đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Thừa thiên - Huế tổ chức thăm dò khảo cổ học để tìm câu trả lời và đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đồng ý.

lang-mo-quang-trung_lrhl.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (cầm gậy) cùng các nhà nghiên cứu khảo sát khu vực gò Dương Xuân tháng 10.2015
Thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung
Sơ đồ vị trí chùa Thuyền Lâm (màu đỏ) - nơi sẽ khai quật tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp

Nguyễn Thơ Đình (tổng hợp)

Trong lúc tiến hành đào móng xây dựng nhà, một người dân thôn Cầu Mư, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện một chiếc trống đồng cổ. Người phát hiện chiếc trống đồng cổ là ông Trịnh Văn Loán, thôn Cầu Mư, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc.

Vị trí phát hiện chiếc trống đồng
Vị trí phát hiện chiếc trống đồng

Qua hình dáng, hoa văn, họa tiết của chiếc trống đồng vừa được phát hiện có thể nhận định đây là trống đồng Đông Sơn loại I (Heger I), có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm.

Trống có đường kính 59cm, chiều cao 43cm. Mặt dưới đế trống, mặt trên có trang trí sao 12 cánh đắp nổi, không có tượng cóc trang trí ở rìa mặt trống, các hoa văn, họa tiết vẫn tinh xảo. Một phần bề mặt trống đã bị vỡ, phần chân trống cũng vỡ nhiều chỗ do quá trình oxy hoá.

Mặt trên của trống đồng
Mặt trên của trống đồng
Trống có niên đại khoảng 2.000 đến 2.500 năm
Trống có niên đại khoảng 2.000 đến 2.500 năm

Thôn Cầu Mư là làng cổ, cách Di sản Thành Nhà Hồ hơn 1 km về phía Đông Nam. Trước đó, tại khu vực này đã phát hiện nhiều trống đồng cổ có giá trị văn hoá, lịch sử. Hiện nay, UBND xã Vĩnh Long và các ngành chức năng đã lập đoàn kiểm tra đến nơi phát hiện trống đồng khẩn trương làm thủ tục tiếp nhận, bảo quản cổ vật theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Theo Dantri.com.vn

Trong hai ngày 22-23/9, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị thông báo Khảo cổ học lần thứ 51 – năm 2016. Dự hội nghị có GS.TS Nguyễn Quang Thuấn – Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Hà Kế San – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Giang Hải – Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo và đại diện các cơ quan quản lý văn hoá, bảo tàng, trung tâm bảo tồn di sản văn hoá từ trung ương đến địa phương …

Hội nghị thông báo khảo cổ học là hoạt động được tổ chức thường niên, đây không chỉ là diễn đàn khoa học mà còn là dịp để giới nghiên cứu Khảo cổ học cùng gặp gỡ, chia sẻ thông tin về những phát hiện và nghiên cứu mới, hướng tới sự hợp tác giữa Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với các trường đại học, bảo tàng, trung tâm quản lý văn hoá, chuyên gia trong phạm vi cả nước về khảo cổ và những ngành liên quan… Đây là lần đầu tiên Hội nghị thông báo Khảo cổ học được tổ chức tại Phú Thọ. Hội nghị là cơ hội thuận lợi để tỉnh Phú Thọ mở rộng giao lưu, hợp tác và quảng bá những nét độc đáo về văn hoá vùng đất Tổ tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế; tạo cơ sở quan trọng giúp tỉnh Phú Thọ đề ra những chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển văn hoá nói chung trong những năm tới, đặc biệt là những chủ trương cụ thể để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh…

16hn6.jpg
Khai mạc Hội nghị thông báo Khảo cổ học lần thứ 51

Năm 2016, hoạt động khảo cổ học trên toàn quốc diễn ra sôi nổi với nhiều cuộc khảo sát, điều tra, thăm dò, thám sát và khai quật, cung cấp nhiều tư liệu mới về khảo cổ học. Với sự nỗ lực và tâm huyết của các nhà khoa học, hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 51 năm 2016 đã nhận được 346 thông báo với 330 bài được sử dụng chính thức, trong đó tiểu ban Khảo cổ học Tiền sử có 115 bài, tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử có 151 bài, tiểu ban Champa - Óc Eo có 43 bài, tiểu ban khảo cổ học dưới nước có 10 bài và 11 bài vấn đề chung.

16hn9.jpg

Các nhà nghiên cứu tham dự phiên khai mạc Hội nghị

16hn4_1.jpg

Vấn đề đá cũ An Khê nhận được sự quan tâm đặc biệt

Với hai ngày hội thảo các tiểu ban đã tập trung thảo luận về các kết quả nghiên cứu khảo cổ học trong năm qua và thảo luận kỹ về việc bảo tồn phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học. Kết quả nghiên cứu di tích đá cũ An Khê (Gia Lai), khai quật Thành Cha (Bình Định), hào thành bắc Thành Nhà Hồ... thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu. Hội nghị đã đưa ra những kiến nghị về bảo vệ một số di tích bị xâm hại ở các tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ, Bình Định... cũng như kế hoạch chuẩn hóa thuật ngữ chuyên ngành. 16h chiều ngày 23/9 ban tổ chức đã bế mạc hội nghị. Ngày 24/9 các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ tham quan Đền Hùng và Bảo tàng Hùng Vương.

16hn5.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị thông báo Khảo cổ học lần thứ 51

Nguyễn Thơ Đình, Nguyễn Hữu Thiết

 

Từ những năm 2006 - 2010, để cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập dự án trùng tu, tôn tạo, bảo tồn Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia Cự thạch Hàng Gòn I - II, xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng Di sản văn hóa thế giới, Ban Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh và Bảo tàng tỉnh Đồng Nai phối hợp với các nhà khoa học đã tiến hành điều tra thám sát và khai quật hàng nghìn mét vuông trong cả khu vực rộng khoảng 4 - 5 ha xung quanh di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn và thu được nhiều kết quả quan trọng.
 
Cuốn sách Hàng Gòn - kỳ quan cự thạch Việt Nam của nhóm tác giả PGS.TS Phạm Đức Mạnh, PGS.TS Nguyễn Giang Hải và Ths. Nguyễn Hồng Ân được xuất bản nhằm giới thiệu đầy đủ thông tin quan trọng nhất và các kết quả nghiên cứu mới nhất về di sản quý báu này đến nhân nhân trong nước và bạn bè quốc tế.

Phần I, các tác giả giới thiệu đôi nét về điều kiện tự nhiên và nhân dân tiểu vùng đất đỏ ba dan phong hóa Đồng Nai đặt trong khung cảnh chung của môi trường sinh thái toàn miền Đông Nam Bộ, với các hệ thống dẫn liệu khảo cổ liên quan đến hoạt động cư trú và sáng tạo văn hóa của các tập thể người cổ từ buổi đầu Đá cũ đến những làng cổ làm nông, săn bắn, hái lượm lâm thủy sản và những hoạt động thủ công, những nghĩa địa mai táng người chết trong mộ đất, mộ chum vò gốm .v.v.

Phần II là nội dung chính yếu của công trình, giới thiệu chi tiết về lịch sử khám phá, khai quật và nghiên cứu quần thể kiến trúc Cự thạch hàng Gòn qua các giai đoạn từ năm 1927 đến năm 2015, đặc biệt trình bày về các di tích liên quan trực tiếp đến hàm mộ Đá lớn Hàng Gòn I (7A) và công xưởng Cự thạch Hàng Gòn II (&B), với các kết quả giám định thạch học, thành phần chất liệu đá, gốm, đồng thau và hệ thống niên đại 14C, với nhiều minh họa, thống kê chi tiết và hệt hống về các hiện trường ghi nhận chính trong hiện trường khảo cổ.

Ở phần III và Kết luận, là những nhận định bước đầu về đặc trưng văn hóa, về vị trí lịch sử của cả quần thể Cự thạch Hàng Gòn đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với các di tích thời đại Kim khi ở “miệt cao” Nam Bộ nói riêng và trong bình diện văn hóa Cự thạch hiện biết ở khu vực và châu lục.

Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Cuốn sách Tiếp cận văn hóa Biển tiền sử Việt Nam qua các bài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Trung Chiến là một tập tài liệu khá dày dặn bao quát hầu hết các địa điểm khảo cổ học tiền sử từ miền núi và ven biển phía Bắc đến các đại điểm văn hóa Biển tiền sử miền Trung và miền Nam Việt Nam, bước đầu phác lên một bức tranh phong phú và đa dạng về văn hóa Biển Việt Nam.
 
Việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa Biển tiền sử Việt Nam có đóng góp vào việc tìm hiểu các đặc điểm mang tính nguồn cội của lịch sử - Văn hóa Việt Nam mà còn góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu và khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
 
Cuốn sách là tập hợp những bài viết của tác giả, hoặc của tác giả kết hợp với các đồng nghiệp của mình sau những chuyến điều tra, thám sát, khai quật.
Nội dung cuốn sách ngoài lời giới thiệu, lời nói đầu và phụ lục ảnh, cuốn sách gồm 3 phần chính:
Phần thứ nhất: Văn hóa tiền sử vùng núi và vùng biển miền Bắc
Phần thứ hai: Văn hóa biển tiền sử miền Trung
Phần thứ ba: Văn hóa biển tiền sử miền Nam.
 
Xin trân trọng giới thiệu!
 
Ngô Thị Nhung
Năm 2000, khi cùng một số đồng nghiệp ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật làm cuốn sách về Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, viết “Tổng quan về kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam”, tác giả Nguyễn Chí Bền đã trình bày một quan niệm của mình về lễ hội cổ truyền từ góc nhìn thành tố của loại hình này. Khi đó, Nguyễn Chí Bền cho rằng, lễ hội cổ truyền là một thực thể gồm các thành tố: nhân vật thờ, trò diễn, các vật dâng cúng và nghi thức thờ cúng. Và từ đó, tác giả đã tìm đọc những công trình có liên quan để giải quyết vấn đề đã theo đuổi nhiều năm, và cuốn sách Lễ hội cổ truyền của người Việt: cấu trúc và thành tố đã giải quyết những suy nghĩ, băn khoăn đó của tác giả. 

Nội dung cuốn sách ngoài mở đầu, kết luận, phụ lục thống kê, gồm 8 chương:
Chương 1: Lịch sử sưu tầm, nghiên cứu lễ hội cổ truyền của người Việt
Chương 2: Chủ/ khách thể của lễ hội cổ truyền của người Việt
Chương 3: Cấu trúc lễ hội cổ truyền của người Việt
Chương 4: Nhân vật phụng thờ trong lễ hội cổ truyền của người Việt
Chương 5: Các thành tố hiện hữu trong lễ hội cổ truyền của người Việt
Chương 6: Các thành tố tàng ẩn nhưng hiện hữu trong thời gian thiêng
Chương 7: Quan hệ giữa các thành tố trong cấu trúc của lễ hội cổ truyền của người Việt.
Chương 8: Từ nghiên cứu cấu trúc đến bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội cổ truyền trong xã hội đương đại.

Xin trân trọng giới thiệu!

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9909273
Số người đang online: 13