Toàn cảnh Hội thảo quốc tế: “Thời đại Đá cũ Việt Nam trong bối cảnh khu vực”

Từ ngày 31/10/2016 đến ngày 1/11/2016, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã  phối hợp với Ủy Ban nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo: “Thời đại Đá cũ Việt Nam trong bối cảnh khu vực” tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Từ kết quả của hội thảo, những đề xuất nghiên cứu về sưu tập được nhận định thuộc giai đoạn Sơ kỳ Đá cũ ở các địa điểm khảo cổ học thị xã An Khê cần được bổ sung những nghiên cứu, phân tích mới bằng các phương pháp khoa học tự nhiên để đi đến những nhận định khoa học có cơ sở vững chắc.
Tham dự hội thảo có GS.TS. Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Dương Văn Trang- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, ông Vũ Ngọc Thành - phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, bà Huỳnh Nữ Thu Hà - phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, PGS.TS. Nguyễn Giang Hải-Viện trưởng Viện Khảo cổ học cùng các nhà quản lý Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai.
dsc_4821_0.jpg
GS.TS. Phạm Văn Đức phát biểu khai mạc hội thảo
dsc_4891.jpg
PGS.TS. Nguyễn Giang Hải phát biểu tại hội thảo
Các nhà khoa học quốc tế là các chuyên gia nghiên cứu tiền sử đến từ Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Myanmar và đông đảo các nhà nghiên cứu tiền sử Việt Nam cùng với nhiều cán bộ ngành văn hóa tỉnh Gia Lai quan tâm đến dự.
 
images1181410_1_linh.gif
Giáo sư, Viện sĩ Anatoly Derevianko phát biểu tại hội thảo
Khai mạc hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức vui mừng thông báo hội thảo này là kết quả của chương trình hợp tác nhiều năm giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai với các đơn vị thực hiện là Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai. Các phát hiện khảo cổ học Đá cũ ở An Khê, tỉnh Gia Lai có ý nghĩa rất lớn đối với nghiên cứu tiền sử Việt Nam tuy nhiên công cuộc khai quật và nghiên cứu mới chỉ là bước đầu, cần phải tiếp tục nghiên cứu để khẳng định các giá trị văn hóa khảo cổ học ở An Khê.
Về phía tỉnh Gia Lai, bà Huỳnh Nữ Thu Hà thay mặt lãnh đạo tỉnh Gia Lai ghi nhận những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học đến từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt là đôi ngũ các nhà khoa học Nga đến từ Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk đã có những đóng góp không chỉ đối với nghiên cứu khảo cổ học ở Gia Lai mà còn ở Việt Nam.
Mở đầu phiên thảo luận, Giáo sư, Viện sĩ Anatoly Derevianko đã trình bày về nguồn gốc của kỹ thuật ghè hai mặt. Ông đưa ra sơ đồ phân bố các kỹ nghệ ghè hai mặt và cho rằng, kỹ thuật ghè hai mặt ở châu Âu khác với khu vực châu Phi và Đông Nam Á. Theo ông, kỹ thuật ghè đẽo hai mặt ở khu vực Đông Nam Á sớm hơn châu Âu. Với phát hiện sưu tập hiện vật trong địa tầng ở một số địa điểm khảo cổ học ở Gia Lai, ông cho rằng An Khê là một trong những nơi có sự tồn tại của kỹ thuật ghè hai mặt rất sớm ở châu Á. Kỹ nghệ ghèo đẽo công cụ hai mặt ở An Khê tương đương với một số địa điểm Đá cũ đã biết đến như ở Lantian, Baise (Trung Quốc), Bori, Isampur (Ấn Độ) với niên đại gần 1 triệu năm cách ngày nay.
Nhận định về niên đại kỹ nghệ đá ghè đẽo ở An Khê của Viện sĩ Anatoly  Derevianko đã nhận được một số bình luận về vấn đề loại hình và đặc biệt là cơ sở để xác định niên đại cho di chỉ và sưu tập trong địa tầng tại di chỉ.
Các nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc mang đến hội nghị tham luận rất có ý nghĩa về các nghiên cứu Sơ kỳ thời đại Đá cũ ở Bách Sắc (Quảng Tây). Các di chỉ Đá cũ ở thung lũng Bách Sắc được phát hiện ở thềm bậc IV. Diện mạo của sưu tập công cụ đá nơi đây có nhiều nét tương đồng. Thiên thạch cũng được phát hiện cùng với công cụ đá trong địa tầng. Các chuyên gia tiền sử Trung Quốc tin rằng, địa tầng của các di chỉ Đá cũ ở Quảng Tây được hình thành tại chỗ và niên đại của di chỉ tương đương với đợt mưa thiên thạch có tuổi khoảng 800.000BP. Các nghiên cứu ở Quảng Tây sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu so sánh cho các di chỉ phát hiện ở An Khê.
Tham luận về thời đại Đá cũ của các học giả đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cái nhìn khách quan và cẩn trọng khi xác định một di tích sơ kỳ Đá cũ nói chung. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có những xác định niên đại bằng nhiều phương pháp khác nhau để có những bằng chứng chắc chắn về một di chỉ Đá cũ sơ kỳ.
Cùng quan điểm, các chuyên gia tiền sử đến từ Thái Lan, Philippines, Myanmar đã trình bày những nghiên cứu về thời đại Đá cũ ở mỗi nước cụ thể. Hiện tại, chưa có một di chỉ Đá cũ sơ kỳ nào được phát hiện ở các quốc gia đó. Các phát hiện phần lớn là các di chỉ hậu Pleistocene, có tính chất và kỹ nghệ hoàn toàn khác với An Khê. Các chuyên gia tiền sử học khu vực cũng đặt ra tính chân xác của sưu tập hiện vật được nhận định thuộc Sơ kỳ Đá cũ tại An Khê. Họ đề xuất các nghiên cứu ở đây phải gắn với các phân tích, nghiên cứu về địa chất, sự thành tạo địa tầng, trầm tích và đặc biệt là phải có chứng minh bằng các phân tích niên đại tuyệt đối.
Cũng tại buổi thảo luận, PGS.TS. Ben Marwick đến từ Đại học Washington, Seatle (Mỹ) đã có những gợi ý và tham góp rất ý nghĩa về việc liệu có nên sử dụng thiên thạch để xác định niên đại của một di chỉ. Theo ông, thiên thạch không có ý nghĩa để xác định niên đại của một di chỉ khảo cổ học. Hơn nữa, ông cũng đề xuất phải tiến hành nghiên cứu sưu tập công cụ bằng các phép đo thống kê khoa học, so sánh với các chỉ số công cụ tiêu biểu về kỹ nghệ trên thế giới để có cái nhìn so sánh. Ông đề xuất phải nghiên cứu sưu tập thiên thạch đồng thời việc nghiên cứu địa tầng phải cẩn trọng để xác định địa tầng các di chỉ được nhận định thuộc giai đoạn Đá cũ sơ kỳ là tái trầm tích hay được hình thành tại chỗ. Các phân tích về địa khảo cổ, địa chất phải được tiến hành song song.
Trong phần trả lời và bình luận về sưu tập công cụ được nhận định thuộc giai đoạn Sơ kỳ Đá cũ ở An Khê, các câu hỏi đặt ra của phần lớn các học giả quốc tế vẫn còn băn khoăn khi vấn đề niên đại của sưu tập công cụ và địa tầng mới chỉ là các phát hiện bước đầu. Các học giả cho rằng, công việc nghiên cứu ở An Khê phải được tiếp tục trong nhiều năm.
 
dsc_5181_3.jpg
Thực địa tại hiện trường của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế
 
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.VS. Anatoly Derevianko, chủ nhiệm chương trình Hợp tác nghiên cứu Việt - Nga tại An Khê khẳng định: việc tồn tại một nhóm di tích thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ tại khu vực An Khê, tỉnh Gia Lai là điều chắc chắn. Các di tích  sơ kỳ đá cũ ở An Khê có niên đại rất sớm so với khu vực Châu Âu. So với vùng Bách Sắc của Trung Quốc, các di tích ở An Khê có niên đại tương đương. Cần phải hết sức lưu ý đến các yếu tố tự nhiên, môi trường sống, những vấn đề địa chất tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Tây Nguyên của Việt Nam nói riêng. Trong tình hình hiện nay, căn cứ vào những nghiên cứu thực tế, tôi thấy rằng Téctít tìm được trong tầng văn hóa cùng với các công cụ là nguồn tài liệu quan trọng nhất để xác định niên đại cho các nhóm di tích ở đây. Nhìn chung, các di tích đá cũ ở An Khê có niên đại trong khoảng 70 - 90 vạn năm cách ngày nay.      
 
                                                                                                                                                                               Thực hiện: Phạm Thanh Sơn
                                                                                                                                                                               Ảnh: Nguyễn Hữu Thiết

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9028094
Số người đang online: 17