Chiều 18/3/2019. Viện Khảo cổ tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề:
 “Các hóa thạch trong tiến hóa người- giải mã các tín hiệu quá khứ” được trình bày bởi tiến sĩ Renaud Joannes-Boyau, Đại học Southern Cross.
Tác giả giới  thiệu các kĩ thuật định niên đại tương đối và tuyệt đối được sử dụng trong định niên đại tiến hóa loài người. Qua so sánh một loạt các phương pháp như: theo vết phân hạch (fission track), quang phát quang  (OSL), nhiệt phát quang (TL), cộng hưởng spin electron( ESR), tác giả cho thấy sự vượt trội của phương pháp định niên đại ESR trong định niên đại tiến hóa người hiện đại và người sớm. Trong phương pháp này, mẫu được lựa chọn là răng bởi vì men răng là tinh thể  rắn chứa 96 to 97% (Ca10 (PO4) 6 (OH) 2). Men răng có cường độ tự nhiên dưới tác dụng của bức xạ tự nhiên hoặc khi được chiếu xạ, chúng sẽ được khuếch đại và đo được cường độ ESR. Tuổi của mẫu được tính bằng tỉ lệ số electron bị bắt giữ qua thời gian ( liều lượng tương đương)  và số electron mà mẫu nhận được trong 1 năm (liều lượng hàng năm).
Với phương pháp này, nhóm tác giả đã công bố bài báo: Sự có mặt của người sớm ở đảo Sumatra cách đây 73,000-63,000 năm.
Để đánh giá các hóa thạch răng – sự tương tác với môi trường, Ts. Renaud Joannes-Boyau đề cập việc sử dụng quang phổ kế Raman, nguồn kích thích là tia laser  thu được các hình ảnh quang phổ khác nhau của men răng. Sự phân tích các khối quang phổ đó cho biết về thành phần các nguyên tố vi lượng trong thức ăn như Ba, Cu, Mg, Sr. Sự lưu chuyển các nguyên tố đồng vị và các nhân tố đánh dấu thông qua các quá trình hóa học trong các hệ thống của môi trường và các chuỗi thức ăn, chu trình nước. Để minh họa cho điều này, nhóm tác giả có bài báo: Sự phân bố của nguyên tố Barium trên răng thể hiện những chuyển biến chế độ dinh dưỡng sớm ở bộ linh trưởng.
 Ngoài việc, cho biết thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, việc phân tích isotop (đồng vị) men răng còn cho biết sự di cư của cá thể, các stress mà cá thể đó trải qua như thời điểm cá thể được cai sữa, vào thời gian chuyển từ nóng sang lạnh, các nhiễm độc chì ở khu vực sống . Phương pháp phân tích đồng vị men răng có thể ghi nhận từ 0-15 năm đời sống của cá thể và các răng được lựa chọn phân tích là răng hàm M1,M2,M3.
Bài báo minh họa của nhóm tác giả : thời gian stress vào mùa đông, sự bú mẹ và nhiễm chì ở trẻ Neanderthal.
Diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi nghiên cứu quan tâm từ các cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện. Kết thúc buổi tọa đàm, quyền Viện Trưởng - Ts. Nguyễn Gia Đối đã có trao đổi, cảm ơn diễn giả.
        
                                                
                                                 
                                                                                                                                                                    
                                                   Ảnh chụp bởi  NguyễnThắng
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                Đăng tin: Minh Trần                            

Trong hai ngày 29 và 30/3/2019 tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai về di chỉ khảo cổ học đồ đá cũ An Khê với chủ đề: “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á” do UBND tỉnh Gia Lai và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tinh Gia Lai, Viện Khảo cổ học và UBND thị xã An Khê phối hợp tổ chức.

Khai mạc hội thảo

Tham dự Hội thảo có khoảng 250 đại biểu khách mời, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các nhà khoa học quốc tế là các chuyên gia nghiên cứu tiền sử đến từ Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Myanmar và đông đảo các nhà nghiên cứu tiền sử Việt Nam cùng với nhiều cán bộ ngành văn hóa tỉnh Gia Lai quan tâm đến dự.

Cần trao cho An Khê  một tầm vóc xứng đáng - Ảnh 1.
Sưu tập hiện vật An Khê tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo, thị xã An Khê

 

Các đại biểu tham dự hội thảo đi khảo sát di tích

Để phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho Tây Nguyên trong Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu hoàn thiện bản đồ khảo cổ học của vùng Tây Nguyên, trên cơ sở các số liệu thứ cấp đã có, rà soát và phát hiện những di tích khảo cổ ở Tây Nguyên thông qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Viện Khảo cổ học giai đoạn 2013-2014. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, có 30 phát hiện về di tích khảo cổ học, trong đó có 5 di tích được xác định thuộc sơ kỳ Đá cũ ở vùng An Khê, tập trung khu trú ở các thềm cổ đôi bờ sông Ba. Đây là những phát hiện hết sức có ý nghĩa để công bố ban đầu về sơ kỳ Đá cũ ở vùng An Khê.

Nghiên cứu khảo cổ học thời kỳ Đá cũ là mối quan tâm lớn của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai)… cho thấy dấu tích văn hóa của người tối cổ ở Việt Nam, nhưng chưa có các bằng chứng thuyết phục về niên đại tuyệt đối.

Để có luận cứ xác đáng cho các di tích sơ kỳ Đá cũ mới phát hiện ở An Khê, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, đã tiến hành khai quật khảo cổ và thu thập nhiều bằng chứng xác định niên đại cho các di tích vùng An Khê trong hai năm 2015 - 2016. Kết quả khai quật đã phát hiện được nhiều di vật mới, khẳng định sự tồn tại của sơ kỳ thời Đá cũ, có niên đại xa hơn tất cả các phát hiện khảo cổ học ở Việt Nam từ trước đến nay, góp phần phản biện lại về sự khác biệt Đông - Tây trong Tiền sử học nhân loại. Đó là các cuộc khai quật di chỉ Gò Đá và Rộc Tưng năm 2016, các di tích đều có một tầng văn hóa, nguyên vẹn, duy nhất tìm thấy hiện vật đá, chưa tìm thấy di cốt người hay di tích động thực vật. Hiện tượng gia cố nơi cư trú bằng việc tôn cao nền bằng đá quartz và đá cuội lớn. Đặc trưng kỹ nghệ công cụ đá, làm từ đá cuội, chất liệu quartzite, silic, quartz; Kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, kích thước lớn, loại hình chính là mũi nhọn tam diện, biface, uniface, rìu tay… lập thành kỹ nghệ An Khê. Kỹ nghệ này khác với các kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai). Về niên đại, các nhà khảo cổ thuộc nhóm nghiên cứu dự đoán niên đại sơ kỳ Đá cũ An Khê khoảng 80 vạn năm. Về chủ nhân của di tích An Khê tương ứng với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus).

 

Rìu tay ghè hai mặt phát hiện tại An Khê

Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ trong tầng văn hóa. Đây là bước ngoặt trong nhận thức giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc; phát hiện này góp thêm bằng chứng về mốc mở đầu cổ nhất hiện biết của lịch sử Việt Nam; bổ sung vào bản đồ thế giới sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trong đó có Việt Nam; bác bỏ một số quan điểm sai lệch trước đây về sự đối lập văn hóa thời tiền sử sớm giữa hai khu vực Đông và Tây; góp thêm nhiều cổ vật trưng bày bảo tàng, là cơ sở xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển du lịch văn hóa ở Tây Nguyên. Bổ sung An Khê của Việt Nam vào bản đồ Đá cũ thế giới với kỹ nghệ rìu tay. Các di tích sơ kỳ ở An Khê cần phải được bảo vệ bởi nó không chỉ đơn thuần là di sản của một quốc gia mà là di sản của loài người.

 

Nhà trưng bày Di tích khảo cổ sơ kỳ đá cũ Rộc Tưng

 

Bảo tồn hố khai quật tại di chỉ Rộc Tưng

Hội thảo khoa học quốc tế lần này nhằm tiếp tục đánh giá, phản biện, củng cố các nhận định khoa học và thúc đẩy nghiên cứu mở rộng, chuyên sâu về sơ kỳ đá cũ phát hiện được ở thị xã An Khê từ năm 2014 đến nay. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa này trong thời gian tiếp theo.

Tại buổi khai mạc, ông Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai thay mặt lãnh đạo tỉnh Gia Lai phát biểu chào mừng và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học đến từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học Nga đến từ Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk.

PSG.TS Bùi Nhật Quang, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vui mừng thông báo những kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai với các đơn vị thực hiện là Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai kể từ sau Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất năm 2016, và tiếp tục khẳng định các giá trị văn hóa khảo cổ học ở An Khê.

Theo TS. Nguyễn Gia Đối, Q. Viện trưởng Viện Khảo cổ học: “Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá những giá trị kỹ nghệ An Khê, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Thông qua hội thảo sẽ thu hút được đông đảo sự chú ý của các học giả quốc tế để bước đầu công nhận An Khê là một trong những địa điểm xuất hiện con người đầu tiên ở Việt Nam. Những giá trị lịch sử - văn hóa khu vực An Khê có tác dụng to lớn trong việc nghiên cứu lại lịch sử, biên soạn các cuốn lịch sử quốc gia và tiến tới xây dựng khu vực này thành khu bảo tồn công viên lịch sử - văn hóa, điền tên An Khê vào bản đồ kỹ nghệ đá cũ khu vực châu Á”.

Với những phát hiện của giới khảo cổ học quốc tế về đá cũ An Khê, đây là dịp quảng bá giá trị quý báu của di tích và cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Hiện các nhà quản lý đang có những bước đi phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ và quảng bá di tích này. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, cho biết: “Chúng tôi đang triển khai xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu An Khê - Kbang trong những năm tới. Loại hình di sản này không thể tách rời di sản văn hóa khảo cổ ở An Khê”. 

Ngày 28/3/2019 Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã ra quyết định số 60A/QĐ-KCH về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phục vụ khai quật, thuộc gói thầu 5: Khai quật khảo cổ học di tích Lăng miếu Triệu Tường xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2) - Dự án: Nghiên cứu, khai quật khảo cổ học di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2).
Theo Quyết định, Phòng Tổ chức-Hành chính; Phòng Quản lý khoa học, Kế hoạch tài chính và Hợp tác Quốc tế; Ban chủ nhiệm dự án chịu trách nhiệm lựa chọn nhà thầu, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước.
Quyền Viện trưởng, TS Nguyễn Gia Đối (đã ký)
(Chi tiết xem file đính kèm)
Tác giả: Hồ Xuân Em và Hồ Anh Tuấn
- Nxb: Đà Nẵng
-  Khổ sách: 22 x 30cm
- Số trang: 199tr
- Năm xuất bản: 1999
 
Hồ Xuân Em là một nhà sưu tập và nghiên cứu đồ cổ ở Đà Nẵng, ông đã giành rất nhiều công sức và tiền bạc để sưu tập các đồ cổ Sa Huỳnh, Champa và nước ngoài trên toàn miền Trung Việt Nam. Có rất nhiều hiện vật trong sưu tập của ông độc đáo và quý hiếm.
Cuốn sách này ông và đồng tác giả Hồ Anh Tuấn công bố về những gương đồng cổ Trung Hoa tìm thấy ở các di chỉ miền Trung Việt Nam (vùng champa cổ).
Ngoài lời giời thiệu, lời dẫn, phụ lục ảnh, bản vẽ, minh văn kèm theo cuốn sách gồm các phần chính như:
1/ Những huyền thoại chung quanh gương cổ
2/ Định nghĩa gương cổ và nguồn gốc hình thành
3/ Mô tả các loại gương cổ theo từng niên đại
4/ Công dụng của các loại gương cổ cùng ý nghĩa các họa tiết trên gương
5/ Cách chế tạo gương cổ, cách tái tạo chức năng của “gương thần”.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Brian M.fagan
- Nxb: Mỹ Thuật
-  Khổ sách: 19 x 27cm
- Số trang: 296tr
- Năm xuất bản: 2003

Quá khứ nhân loại với bao bí ẩn chưa khám phá, tồn tại quanh ta trên mỗi phương diện. Giới khảo cổ quan tâm đến việc tìm ra lời đáp lịch sử của nhân loại, trong tất cả tính đa dạng trải qua cuộc theo đuổi này, họ thường nghiên cứu bí ẩn của quá khứ. Chúng ta nghiên cứu về con người, địa điểm và sự kiện thuật lại qua huyền thoại và truyền thuyết đã không còn nữa - hoặc có lẽ đã không hề tồn tại ngoại trừ trong khả năng tưởng tượng của con người. Chúng ta cảm thấy cần phải thấu hiểu quá khứ của chính mình, mặc dù khoảng cách thời gian đã tạo thêm bầu không khí huyền bí. Tổ tiên lâu đời của chúng ta từ nơi nào đến, chúng ta tiến hóa và phát triển ra sao ? chúng ta tự hỏi điều gì đã diễn ra đối với các đế quốc thành công và rõ ràng bất khả chiến bại lại có thể đột nhiên sụp đổ và biến mất, chúng ta cũng không thể hiểu ông cha của mình đã xây dựng các công trình tưởng niệm đồ sộ nhất bằng cách nào và tại sao.
Cuốn sách cung cấp đầy đủ các thông tin về 70 bí ẩn lớn của thế giới cổ đại như vườn địa đàng, xây dựng kim tự tháp như thế nào, lăng mộ Tần Thủy Hoàng, kho báu, xác ướp, chữ viết, bí ẩn tượng nhân sư v.v... Một cuốn sách rất hấp dẫn và thú vị.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Rossemarie burgh Richard cowendish. Dịch: Phong Đảo
- Nxb: Mỹ Thuật
-  Khổ sách: 19 x 27cm
- Số trang: 239tr
- Năm xuất bản: 2004

Đứng trước những kỳ tích ai ai cũng phải ngạc nhiên và than phục. Quyển sách đề cập đến 100 kỳ tích kiến trúc sẽ lôi cuốn và hấp dẫn bạn đọc. Chúng đều do hai bàn tay của loài người xây dựng nên. Từ một thôn trang còn dấu về canh tác sớm nhất tại Jericho (một ngôi cổ thành nằm về phía Bắc Tử Hải thuộc vùng Trung Á) cho tới những công trình mang tính chất kỳ tích gần đây ở Nam Mỹ và Nhật Bản, đã có một khoảng thời gian kéo dài 10.000 năm trong lịch sử loài người. Hơn nữa tất cả những kỳ tích đó đều trải rộng trên khắp hoàn cầu. Trong cuốn sách các kỳ tích này được sắp xếp theo từng châu lục và từng niên đại xa hay gần.

Từ Thạch Trận ở nước Anh, cho đến đập nước lớn ở Brazil. Rồi tòa tháp truyền hình cao 535 mét tại thành phố Toronto, Canada, cao tận mây và hơi lắc lư khi có gió thổi. Tòa cao ốc Empire State tại thành phố New York và là tòa cao ốc cao nhất thế giới đã nổi tiếng hơn bốn chục năm qua, cũng giống ngôi tháp Eiffel và giáo đường thời trung cổ, có đỉnh cao dính liền với mây trời, chứng tỏ mục tiêu của loài người muốn tạo dựng thành tích và sự nghiệp trên bầu trời cao.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: Dương Ngọc Dũng, Lê Anh Minh
- Nxb: Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
-  Khổ sách: 19 x 27cm
- Số trang: 260tr
- Năm xuất bản: 2004

Cuốn sách sẽ cung cấp đầy đủ nhất về con người và đất nước Trung  Quốc, lịch sử các triều đại, văn minh, văn hóa, kiến trúc trung quốc v.v... bao gồm 3 phần và 15 chương, mỗi phần 5 chương.
Chương 1: Với tiêu đề là Thiên Hạ. Trong chương này tác giả cung cấp các thông tin về biên cương, lãnh hải, núi non sông nước, tài nguyên sinh thái, dân cư, tỉnh thành, giao thông ... của đất nước Trung Quốc.
Chương 2: Tiêu đề là Liên tục và chuyển biến. Phần này cuốn sách nói về các nước cổ, các nước có lãnh thổ, các vương quốc đầu tiên, thời phân tranh, các vương quốc thời trung cổ, sự di chuyển về phương Nam, những triều đại chinh phục nước khác, chế độ độc tài, đỉnh thịnh và suy thoái.
Chương 3: Vai trò của nhà nước. Phần này đề cập đến thiên tử, cung điện và triều đình, công lý và luật pháp, quân sự, cai trị đất nước như thế nào.
Chương 4:Đề cập đến vấn đề gia đình và xã hội như những mối ràng buộc phụ nữ trong xã hội, quan hôn tang tế, đời sống nông thôn, thành thị, thân hào nhân sĩ.
Chương 5. Bàn về sĩ nông công thương, định cư và nông nghiệp, công nghiệp, thương mại đường bộ và đường biển.
Phần 2. Đề cập đến Tín ngưỡng và nghi lễ. Gồm 5 chương tiếp theo giới thiệu về các đạo: nho giáo, đạo giáo, đạo phật, thiên địa thái hòa, thế giới ma quỷ và thần linh.
Phần 3: Sáng tạo và khám phá. Đề cập đến các lĩnh vực của Trung Quốc như y dược, khoa học kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Gần đây, dư luận và thông tin đại chúng xôn xao về câu chuyện Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội rất có thể bị xóa sổ do một dự án xây dựng khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, theo đó, đã có nhiều sự bức xúc của các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn - bảo tàng. Vì lẽ đó, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô đã tổ chức một cuộc toạ đàm về di tích này, nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, qua các giải pháp được đưa ra, giúp cho công tác bảo tồn khu di chỉ có hiệu quả tốt nhất.

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, trong các văn liệu khảo cổ học và dân gian truyền miệng, còn có những tên gọi khác nữa: Gò Mả Phượng, Gò Dền Rắn, Gò Chùa Gio, Gò Cây Muỗng, Gò Mả Đống, Gò Chiền Vậy... Dẫu với tên gọi nào, nó vẫn là một địa danh nổi tiếng và khá quen thuộc trong giới khảo cổ học Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Quen thuộc và nổi tiếng vì di chỉ này đã có tới 8 lần khai quật, bắt đầu từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước và cuối cùng là năm 2014 với tổng diện tích lên tới trên 600m2. Quen thuộc và nổi tiếng của Vườn Chuối còn nằm ở giá trị của di tồn nằm trong tầng văn hóa, giúp cho nhận thức về thời đại Kim khí Thủ đô có thêm nhiều tư liệu mới, bổ sung cho nhận thức chung của thời đại kim khí Việt Nam. Quen thuộc và nổi tiếng của Vườn Chuối còn nằm trong nhận định của các nhà khoa học, khi 8 lần khai quật, dường như cho kết quả khác nhau về địa tầng, niên đại, tính chất của di tích, phản ánh qua các báo cáo khai quật của nhiều cơ quan và nhiều cá nhân chủ trì, thậm chí, của một cơ quan, một cá nhân chủ trì, chứng tỏ tính phức tạp của di tích, cần phải được bảo tồn để nghiên cứu kỹ càng hơn.

 Hiện trường khai quật khảo cổ học tại Vườn Vhuối (Hoài Đức, Hà Nội) năm 2013

Tôi chỉ lấy một số ví dụ, khai quật lần đầu tiên, năm 1969, một trong những người chủ trì khai quật cho rằng, Vườn Chuối thuộc giai đoạn phát triển cao của văn hóa Đồng Đậu, chưa loại bỏ hết yếu tố Phùng Nguyên. Đó là di chỉ cư trú của người Việt cổ cách ngày nay khoảng 3500 năm. Cuộc khai quật lần thứ hai, năm 2001, lại cho một địa tầng, không chỉ có Phùng Nguyên và Đồng Đậu, còn có cả lớp văn hóa Gò Mun và cư dân ở đây đã biết đúc đồng. Nghề luyện kim đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cư dân cổ, bên cạnh nghề nông trồng lúa nước. Cuộc khai quật lần thứ ba, năm 2009, căn cứ vào địa tầng và di vật chứa đựng trong đó, những người khai quật cho rằng, Vườn Chuối về cơ bản là di chỉ cư trú một tầng văn hóa thuộc giai đoạn Đồng Đậu. Tại một số điểm có mộ táng thuộc giai đoạn Đông Sơn chôn vào tầng văn hóa Đồng Đậu, cư dân Vườn Chuối đã phát triển luyện kim, trồng lúa, biết chăn nuôi, làm gốm, xe sợi, dệt vải... Cuộc khai quật lần thứ tư, năm 2011, với diện tích 286m2, đã cho một nhận thức rằng, Vườn Chuối là một làng cư trú của người Đồng Đậu - Gò Mun đã được người Đồng Đậu và Đông Sơn sử dụng làm nghĩa địa. Những cuộc khai quật tiếp theo, Vườn Chuối vẫn cung cấp nhiều tài liệu hiện vật phong phú, địa tầng phức tạp, theo đó là những nhận định mới mẻ, gây nhiều thảo luận về học thuật trong giới khảo cổ học.

Nói như vậy, để thấy được tầm ảnh hưởng và vị trí quan trọng của Vườn Chuối trong việc nghiên cứu thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam mà tư liệu từ nơi này cung cấp.

Quan trọng, nổi tiếng và quen thuộc như vậy, nên theo tôi, Vườn Chuối không thể bị xóa sổ trên bản đồ khảo cổ học Thủ đô và cả nước, như một số di tích khảo cổ học khác, khai quật để giải tỏa, lấy quỹ đất, phục vụ cho mục đích xây dựng, cho dù mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn là mối bận tâm của các nhà quản lý, không chỉ ở nước ta mà ở tất cả các quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Khai quật di chỉ Vườn Chuối năm 2013

Không khai quật để giải tỏa, theo đó, kịch bản của tôi đối với Vườn Chuối chính là một công viên khảo cổ học sẽ được xây dựng ở nơi đây. Với diện tích 19.000m2, nằm trên một gò đất tương đối cao so với quanh vùng, lại lọt trong một quy hoạch đô thị tương lai, công viên này sẽ rất hữu ích để tạo không gian sinh thái trong đô thị. Tại công viên này, những loại cây rễ nông, thân nhỏ, những vườn hoa, cây bụi và cây leo cần được nghiên cứu kỹ, trồng ở đây, để tránh rễ cây xâm hại sâu dưới lòng đất, phá hủy địa tầng khu di chỉ. Những hố khai quật từ bẩy mùa, sẽ được viền bao bằng những hàng rào cây tỉa thấp, theo đúng diện tích đã khai quật, quanh đó là những pa-nô giới thiệu kết quả khai quật (ảnh hiện vật, bản vẽ địa tầng, nhận định ngắn gọn của những người khai quật). Tên của công viên phải chăng là Vườn Chuối, Chiền Vậy... như là sự gợi nhớ về một địa danh cổ cho thế hệ mai sau, khi nơi đây sẽ là một khu đô thị hiện đại trong tương lai. Tên đường, phố, công trình công cộng, qua di tích, qua văn hóa khảo cổ, cũng là một ý tưởng hay của ngành Văn hóa Thủ đô trình UBND và Hội đồng nhân dân thành phố xét, để đưa vào ngân hàng dữ liệu đặt tên trong tương lai, thiết tưởng sẽ là một lợi thế cho sự đồng thuận với tên gọi nêu trên. Công viên, rồi đây sẽ có một phòng trưng bày bổ sung, được chuẩn bị công phu và hấp dẫn, giao cho cộng đồng quản lý và phát huy. Tại công viên này còn có những workshops để sinh viên và các nhà khảo cổ học trẻ khai quật, chủ yếu để đào tạo, với một diện tích khai quật rất hạn chế. Sau khai quật như thế, diện tích phải trả lại cho công viên và lại được trồng cây hàng rào quanh hố, pa-nô giới thiệu như những hố khai quật của bảy lần trước. Kiểu công viên này, tôi đã thấy ở Thiểm Tây (Trung Quốc) - một công viên thời Đường với Nhạn Tháp làm điểm nhấn, cùng nhiều công trình lầu tháp thời đại này được phục hồi và ban đêm, những suất biểu diễn ánh sáng 3D, kể câu chuyện Đường Tam Tạng đi lấy kinh cùng những đèn ống, được sắp đặt khoa học, trên đó có những bài thơ của những tác giả nổi tiếng thời Đường, đem đến một sự thưởng ngoạn đa dạng cho du khách.

Tôi không dám lấy mẫu công viên này để áp vào Vườn Chuối vì đó là công viên quá lớn, quá rộng, và quá hấp dẫn, nhưng sẽ là một mẫu hình tốt để tham khảo, áp dụng cho Vườn Chuối với hoàn cảnh cụ thể và tương thích để nó phát huy có hiệu quả.

TS Phạm Quốc Quân (Đăng trên thegioidisan.vn)

Câu lạc bộ khoa học Viện Khảo cổ học tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Recent advance in Geochemistry and Geochronology applied to Human evolution" – “Ứng dụng thành tựu mới của niên đại địa chất và địa hóa học trong nghiên cứu tiến hóa người”.
Trình bày: Dr. Renaun Joannnes-Boyau (Trường Đại Học Southen Cross, Úc).
Thời gian: 14:00, thứ hai ngày 18 tháng 3 năm 2019.
Địa điểm: Hội trường Viện Khảo cổ học, 61 Phan Chu Trinh - Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Trân trọng kính mời!
- Tác giả: Nguyễn Đình Chiến
- Nxb: Thanh Niên
-  Khổ sách: 24 x26cm
- Số trang: 185tr
- Năm xuất bản: 2017
Cuốn sách Đặng Huyền Thông tượng nhân gốm tài hoa thời Mạc (A talented potter of the Mac Dynasty của TS.Nguyễn Đình Chiến, Nguyên là Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Cuốn sách được ông hoàn thành sau thời gian nghiên cứu sưu tầm tài liệu hiện vật gốm của tác giả Đặng Huyền Thông - một con người rất đặc biệt của vùng Nam Sách (Hải Dương) ở thời Mạc, thế kỷ XVI.
Đây là một công trình tập hợp giới thiệu đầy đủ nhất về 45 tác phẩm gốm mang họ tên và phong cách tạo tác của ông.
Đặng Huyền Thông là một tượng nhân gốm thời Mạc mà tên tuổi còn được lưu danh trên nhiều tác phẩm gốm mem lam xám. Tên đầy đủ là Đặng Mậu Nghiệp, tự là Huyền Thông. Ông là sinh đồ, người đã thi đỗ tam trường, làm thợ gốm, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay là Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương).
 Hiện nay có tới 45 tác phẩm của ông hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam và các Bảo tàng Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Mỹ thuật cung đình Huế ... trong đó có hiện vật đã được chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Loại hình đồ gốm của Đặng Huyền Thông bao gồm các loại đồ thờ như chân đèn, lư hương, mô hình tháp thờ, hũ thơ. Trang trí hoa văn trên các tác phẩm gốm này gồm nhiều đề tài như hình rồng, hoa sen dây, hoa cúc, hình học ...đặc biệt hoa văn hình học được coi là dấu hiệu nối tiếp phong cách truyền thống văn hóa Đông Sơn.
Nội dung cuốn sách được bố cục 5 chương kèm theo phụ lục ảnh minh họa:
Chương 1: Tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông trong khoảng niên hiệu Diên Thành - Đoan Thái (1578 -1588)
Chương 2: Tác phẩm gốm của Đặng Huyền Thông trong khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 - 1591)
Chương 3: Tác phẩm gốm của Đặng Thiện Sỹ trong khoảng niên hiệu Hồng Ninh (1591 - 1592).
Chương 4: Nét tài hoa của tượng nhân gốm thể hiện qua loại hình và trang trí.
Chương 5: Đóng góp vào lịch sử nghệ thuật gốm thời Mạc.
 Xin trân trọng giới thiệu!!
Ngô Thị Nhung

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9905412
Số người đang online: 11