Hội thảo khoa học Quốc tế “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á”
Trong hai ngày 29 và 30/3/2019 tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai về di chỉ khảo cổ học đồ đá cũ An Khê với chủ đề: “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á” do UBND tỉnh Gia Lai và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tinh Gia Lai, Viện Khảo cổ học và UBND thị xã An Khê phối hợp tổ chức.
Khai mạc hội thảo
Tham dự Hội thảo có khoảng 250 đại biểu khách mời, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các nhà khoa học quốc tế là các chuyên gia nghiên cứu tiền sử đến từ Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Myanmar và đông đảo các nhà nghiên cứu tiền sử Việt Nam cùng với nhiều cán bộ ngành văn hóa tỉnh Gia Lai quan tâm đến dự.
Các đại biểu tham dự hội thảo đi khảo sát di tích
Để phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho Tây Nguyên trong Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu hoàn thiện bản đồ khảo cổ học của vùng Tây Nguyên, trên cơ sở các số liệu thứ cấp đã có, rà soát và phát hiện những di tích khảo cổ ở Tây Nguyên thông qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Viện Khảo cổ học giai đoạn 2013-2014. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, có 30 phát hiện về di tích khảo cổ học, trong đó có 5 di tích được xác định thuộc sơ kỳ Đá cũ ở vùng An Khê, tập trung khu trú ở các thềm cổ đôi bờ sông Ba. Đây là những phát hiện hết sức có ý nghĩa để công bố ban đầu về sơ kỳ Đá cũ ở vùng An Khê.
Nghiên cứu khảo cổ học thời kỳ Đá cũ là mối quan tâm lớn của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai)… cho thấy dấu tích văn hóa của người tối cổ ở Việt Nam, nhưng chưa có các bằng chứng thuyết phục về niên đại tuyệt đối.
Để có luận cứ xác đáng cho các di tích sơ kỳ Đá cũ mới phát hiện ở An Khê, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, đã tiến hành khai quật khảo cổ và thu thập nhiều bằng chứng xác định niên đại cho các di tích vùng An Khê trong hai năm 2015 - 2016. Kết quả khai quật đã phát hiện được nhiều di vật mới, khẳng định sự tồn tại của sơ kỳ thời Đá cũ, có niên đại xa hơn tất cả các phát hiện khảo cổ học ở Việt Nam từ trước đến nay, góp phần phản biện lại về sự khác biệt Đông - Tây trong Tiền sử học nhân loại. Đó là các cuộc khai quật di chỉ Gò Đá và Rộc Tưng năm 2016, các di tích đều có một tầng văn hóa, nguyên vẹn, duy nhất tìm thấy hiện vật đá, chưa tìm thấy di cốt người hay di tích động thực vật. Hiện tượng gia cố nơi cư trú bằng việc tôn cao nền bằng đá quartz và đá cuội lớn. Đặc trưng kỹ nghệ công cụ đá, làm từ đá cuội, chất liệu quartzite, silic, quartz; Kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, kích thước lớn, loại hình chính là mũi nhọn tam diện, biface, uniface, rìu tay… lập thành kỹ nghệ An Khê. Kỹ nghệ này khác với các kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai). Về niên đại, các nhà khảo cổ thuộc nhóm nghiên cứu dự đoán niên đại sơ kỳ Đá cũ An Khê khoảng 80 vạn năm. Về chủ nhân của di tích An Khê tương ứng với giai đoạn Người vượn đứng thẳng (Homo erectus).
Rìu tay ghè hai mặt phát hiện tại An Khê
Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ trong tầng văn hóa. Đây là bước ngoặt trong nhận thức giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc; phát hiện này góp thêm bằng chứng về mốc mở đầu cổ nhất hiện biết của lịch sử Việt Nam; bổ sung vào bản đồ thế giới sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trong đó có Việt Nam; bác bỏ một số quan điểm sai lệch trước đây về sự đối lập văn hóa thời tiền sử sớm giữa hai khu vực Đông và Tây; góp thêm nhiều cổ vật trưng bày bảo tàng, là cơ sở xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển du lịch văn hóa ở Tây Nguyên. Bổ sung An Khê của Việt Nam vào bản đồ Đá cũ thế giới với kỹ nghệ rìu tay. Các di tích sơ kỳ ở An Khê cần phải được bảo vệ bởi nó không chỉ đơn thuần là di sản của một quốc gia mà là di sản của loài người.
Nhà trưng bày Di tích khảo cổ sơ kỳ đá cũ Rộc Tưng
Bảo tồn hố khai quật tại di chỉ Rộc Tưng
Hội thảo khoa học quốc tế lần này nhằm tiếp tục đánh giá, phản biện, củng cố các nhận định khoa học và thúc đẩy nghiên cứu mở rộng, chuyên sâu về sơ kỳ đá cũ phát hiện được ở thị xã An Khê từ năm 2014 đến nay. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa này trong thời gian tiếp theo.
Tại buổi khai mạc, ông Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai thay mặt lãnh đạo tỉnh Gia Lai phát biểu chào mừng và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học đến từ các quốc gia khác nhau, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học Nga đến từ Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk.
PSG.TS Bùi Nhật Quang, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vui mừng thông báo những kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai với các đơn vị thực hiện là Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai kể từ sau Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất năm 2016, và tiếp tục khẳng định các giá trị văn hóa khảo cổ học ở An Khê.
Theo TS. Nguyễn Gia Đối, Q. Viện trưởng Viện Khảo cổ học: “Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá những giá trị kỹ nghệ An Khê, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Thông qua hội thảo sẽ thu hút được đông đảo sự chú ý của các học giả quốc tế để bước đầu công nhận An Khê là một trong những địa điểm xuất hiện con người đầu tiên ở Việt Nam. Những giá trị lịch sử - văn hóa khu vực An Khê có tác dụng to lớn trong việc nghiên cứu lại lịch sử, biên soạn các cuốn lịch sử quốc gia và tiến tới xây dựng khu vực này thành khu bảo tồn công viên lịch sử - văn hóa, điền tên An Khê vào bản đồ kỹ nghệ đá cũ khu vực châu Á”.
Với những phát hiện của giới khảo cổ học quốc tế về đá cũ An Khê, đây là dịp quảng bá giá trị quý báu của di tích và cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Hiện các nhà quản lý đang có những bước đi phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ và quảng bá di tích này. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, cho biết: “Chúng tôi đang triển khai xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu An Khê - Kbang trong những năm tới. Loại hình di sản này không thể tách rời di sản văn hóa khảo cổ ở An Khê”.