Hội thảo thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2024
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, Hội thảo khảo cổ học là hoạt động khoa học quan trọng hằng năm của ngành khảo cổ học, là diễn đàn để giới nghiên cứu khảo cổ học và nhiều ngành khoa học có liên quan gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới, tranh luận học thuật, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn tin tưởng, đánh giá cao nỗ lực của Viện Khảo cổ học cùng các cơ quan hữu quan trong gần 60 năm qua đã tổ chức thành công các hội thảo hằng năm cũng như thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ chuyên môn quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Hà Văn Cẩn, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học cho biết, một năm qua, ngành khảo cổ học đã thu được những thành quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến của các cộng đồng dân cư cổ trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo |
Trình bày “Hoạt động khảo cổ học Việt Nam 2 năm 2023-2024”, PGS, TS Bùi Văn Liêm, Nghiên cứu viên cao cấp, Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học nhấn mạnh: “Hội thảo đã nhận được 383 bài, trong đó có 7 bài về các hoạt động chung, 36 bài về khảo cổ học Tiền sử, 63 bài khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm, 221 bài khảo cổ học về Lịch sử, 50 bài khảo cổ học Champa-Óc Eo và 6 bài khảo cổ học Dưới nước. 383 thông báo tại Hội thảo cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam mùa điền dã 2023-2024 diễn ra rất sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả cao. Nhiều báo cáo được thực hiện công phu, nghiêm túc có nội dung phong phú. Đó chính là những thông tin khoa học mới bổ sung cứ liệu giúp nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, lịch sử hình thành và phát triển con người Việt Nam”.
Tại Hội thảo, các Tiểu ban thảo luận sâu về nội dung, loại hình tính chất, niên đại, chủ nhân, các mối liên hệ của di tích, di vật; thực trạng của di tích, phương hướng trong mục tiêu bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hội thảo tổng kết và bế mạc ngày 15-11.
Tổng hợp tin tức: Nguyễn Thơ Đình