Tác giả: Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội
Nhà xuất bản: Hà Nội
Năm xuất bản: 2019
Số trang: 983 trang

 
Cuốn sách đã góp phần bổ sung thêm nguồn tư liệu thực tế về thủ đô Hà Nội kể từ sau khi mở rộng địa giới hành chínhĐây là một công trình nghiên cứu, biên soạn vừa mang tính chất tra cứu vừa mang tính chất cung cấp thông tin như một cuốn cẩm nang cho việc tra cứu các đơn vị xã, phường trong từng quận, huyện được nhóm biên soạn sắp xếp theo thứ tự ABC.
Về nội dung, qua các hội thảo, qua ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ... nhóm biên soạn đã xây dựng được một khung tương đối thống nhất về thông tin các xã, phường, thị trấn bao gồm: Quá trình hình thành phát triển; tiềm năng về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; thành tích nổi bật và định hướng phát triển. Đây là các thông tin - tư liệu cung cấp cho bạn đọc những nét khái quát, đặc trưng của một xã, phường, thị trấn.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
 
 
Tác giả: Nguyễn Viết Chức
Nhà xuất bản: Hà Nội
Năm xuất bản: 2019
Số trang: 88 trang
Ngôn ngữ: Tiếng Việt


Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất thiêng, nơi hội tụ những tinh hoa của đất nước. Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội đã có lịch sử từ hàng trăm năm, có làng trên dưới 1000 năm, là một tài sản đặc biệt quý giá của thủ đô Hà Nội.  đã có lịch sử từ hàng trăm năm, có làng trên dưới 1000 năm, là một tài sản đặc biệt quý giá của thủ đô Hà Nội.
Đất Thăng Long xưa là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân, thợ giỏi vùng châu thổ sông Hồng về đây lập nghiệp, chế tác ra nhiều sản phẩm tinh hoa phục vụ nhu cầu của nhân dân đất kinh kỳ và của triều đình.
Hà Nội cũng có những nét đặc sắc riêng về các phường nghề - nơi các thợ thủ công, các nghệ nhân làng nghề nổi tiếng ở khắp nơi hội tụ về lập nghiệp sau khi vua Lý định đô ở Thăng Long, hình thành những tên “Phố hàng..” được lưu giữ đến ngày nay như Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Đồng ...
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Tác giả: Nguyễn Viết Chức
Nhà xuất bản: Hà Nội
Năm xuất bản: 2019
Số trang: 86 trang
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
  Người dân Thăng Long - Hà Nội trải qua nhiều thể hệ sống và làm việc trên mảnh đất ngàn năm văn hiến đã tạo dựng nên một nền văn hóa giàu bản sắc vùng miền được chắt lọc và cô đúc lại. Trong đó phải kể tới văn hóa ẩm thực tinh hoa, độc đáo, phong phú, hấp dẫn đến mức những người nước ngoài khi đặt chân đến đất này phải sửng sốt, ngỡ ngàng về sự tinh tế, phong phú, hấp dẫn đó. Vì sao văn hóa ẩm thực Thăng Long-Hà Nội phong phú, độc đáo, tinh hoa, có sức hấp dẫn lớn như vậy? Bởi có lẽ nó được tạo nên từ bàn tay của những nhà ẩm thực ưu tú khắp các vùng miền của đất nước hội tụ về đây. Các món ăn, quà bánh, các sản phẩm ẩm thực được dày công chăm chút, chọn lọc, hoàn thiện rồi lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Chúng ta hãy nhìn vào cách ăn uống của con người nơi đây. Ăn uống đối với người Hà Nội nhiều khi còn đòi hỏi không gian và thời gian thích hợp. Mùa hè, sướng nhất là lên hồ Tây, thưởng thức món bánh tôm giòn tan, ngọt ngào vị tôm tươi với những đĩa rau ghém và nước chấm vô cùng hấp dẫn. Vừa ăn vừa hưởng những làn gió mát rượi, phả lên từ những làn sóng ì oạp vỗ bờ. Mùa lạnh, thú vị nhất là cùng bạn bè, người thân quây quần bên bộ sập gụ, trong căn phòng ấm cúng, vừa cụng li vừa thưởng thức món chả cá Lã Vọng. Ăn uống đối với người Hà thành quả thật không chỉ là nhu cầu duy trì cuộc sống mà còn là một thú vui, hạnh phúc, tận hưởng những món ăn ngon, quà ngon mà chính bàn tay, khối óc của họ đã nâng lên tầm nghệ thuật và khoa học!
Sự sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa ẩm thực của người Hà thành vô cùng phong phú. Theo thời gian, trong danh sách dài của các món quà ngon mà ta đương thưởng thức chắc chắn sẽ còn được ghi thêm nhiều, bổ sung rất nhiều các món ngon, quà ngon  khác mà người Hà thành sẽ sáng tạo ra.. Tuy nhiên, thời gian cũng là liều thuốc thử khắc nghiệt đối với sự tồn tại và phát triển của ẩm thực Hà Nội. Không ít những món ngon, quà ngon đã thất truyền hoặc có nguy cơ thất truyền vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan: Đất nước cùng với Hà Nội đã trải qua nhiều năm chiến tranh dài và khốc liệt khiến  nền kinh tế kiệt quệ. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn. Nhiều nghệ nhân ẩm thực phải bỏ nghề. Nhiều vị tổ nghiệp, thày nghề già cả viên tịch không kịp truyền lại các kinh nghiệm, bí quyết cho hậu thế.
Với tâm huyết và niềm say mê văn hóa tinh hoa và phong phú của Thăng Long - Hà Nội, nhất là văn hóa ẩm thực; các tác giả của cuốn sách đã lựa chọn 10 món ngon Thăng Long - Hà Nội hiện còn đang thịnh hành, 10 món ngon Thăng Long đã thất truyền và 10 món quà đặc sắc nhất trong số những món ngon, quà ngon của Thăng Long - Hà Nội để giới thiệu trong tập sách này, theo các tiêu chí dưới đây:
- Cách chế biến công phu, độc đáo, cách trình bày có tính thẩm mỹ cao.
- Cách ăn, cách thưởng thức tinh tế của người Hà thành.
- Đánh giá của giới ẩm thực học, của các nhà văn hóa Hà thành xưa và nay như Thach Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân vv…được phản ánh trong các tác phẩm và công trình nghiên cứu được nhiều người biết đến.
- Qua cách đánh giá khách quan và khoa học của các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước có uy tín như: Discovery, CNN, Huffington Post, Buffalo tour..v.v
Cách nhìn nhận và cách tiếp cận của các tác giả về đề tài 10 món ăn ngon và 10 món quà ngon trong cuốn sách này không chỉ giới hạn trong việc chỉ ra những thức ăn “ngon”, “ăn không biết chán” mà còn gợi lên tài năng của những người làm bếp. Bằng đôi bàn tay khéo léo trong chế biến, với bộ óc thông minh trong cách lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến đầy sáng tạo như những người nghệ sỹ, họ đã thổi hồn vào tác phẩm của mình khiến cho các thực khách, trước tiên là người Hà thành khi thưởng thức nó, cảm thấy cần phải có văn hóa ứng xử sao cho đúng mà tạo cho mình một phong cách ăn lịch thiệp, tao nhã, hợp lý khi trước mắt mình là những tuyệt phẩm ẩm thực. Còn những người đi xa Hà Nội thì bồi hồi, nhớ nhung, thèm muốn khi nghĩ đến nó vì nó (phở, nem, bún thang …) đã trở thành quốc hồn, quốc túy của các con dân Việt nói chung và dân Hà thành nói riêng.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung

Diễn họa dựa trên dữ liệu sưu tập từ Bảo tàng Lịch sử Chile + Bộ sưu tập Khảo cổ Bắc Carolina

Các loại công cụ chặt bằng đá. Diễn họa dựa trên dữ liệu sưu tập từ Bảo tàng Lịch sử Chile + Bộ sưu tập Khảo cổ Bắc Carolina...

 


Đầu rồng tìm thấy ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)

Thần Shiva trong điệu múa "Sáng tạo và Hủy diệt", bằng đồng đúc cách đây hơn 1000 năm. Diễn họa dựa trên dữ liệu di sản Ấn độ của Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland

Nhận thấy nhiều hiện vật trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên đang dần bị mai một, hơn 40 năm qua, Thượng tá Đặng Minh Tâm (64 tuổi, nguyên cán bộ công an tỉnh Lâm Đồng), đã không quản ngại bỏ ra công sức, tiền bạc miệt mài sưu tầm, lưu giữ nhiều hiện vật gắn với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Ông Đặng Minh Tâm (bên trái) giới thiệu khách tham quan về gốc tích các hiện vật
Ông Đặng Minh Tâm (bên trái) giới thiệu khách tham quan về gốc tích các hiện vật
Từ tình yêu văn hóa
Là lính Tiểu đoàn 1 - Tiểu đoàn tăng cường thuộc Bộ Công an lên Tây Nguyên năm 1978, ông Đặng Minh Tâm có thời gian làm việc và sinh hoạt cùng đồng bào DTTS tại các tỉnh Tây Nguyên. Ông ấn tượng bởi cuộc sống bà con nơi đây giản dị, chân chất thật thà cùng với những nét văn hóa đặc sắc.
Ông Tâm trải lòng, để bà con tin yêu, thì mình phải nói đi đôi với làm, cũng như hiểu được phong tục tập quán, nói được ngôn ngữ của họ, thì mới dễ dàng tiếp cận, hiểu được nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Trải qua những tháng năm  làm việc, sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS; cùng đồng đội bảo vệ cuộc sống bình yên cho đồng bào, nhiều ngôn ngữ của người Cơ ho, Ba Na, Jrai, Churu... đã được ông sử dụng thành thạo.
Một góc trong “bảo tàng” hiện vật tại nhà ông Tâm
Một góc trong “bảo tàng” hiện vật tại nhà ông Tâm
Chính vị vậy, đồng bào Cơ ho ở Lâm Đồng rất tin tưởng, mặc nhiên xem người cán bộ công an này là người của dân tộc mình, yêu quý đặt cho ông cái tên trìu mến K'Tâm
“Mỗi lần chuyển sang địa bàn khác công tác, trước lúc chia tay, bà con tặng tôi nhiều nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt gắn bó với đời sống của họ. Xuất phát từ tình cảm đó, tôi bắt đầu cảm nhận được cái đẹp, cái giá trị, ý nghĩa của mỗi hiện vật gắn với đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào, nên tôi đã  tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm những hiện vật và cất giữ cẩn thận”, ông Tâm kể.
Bộ đàn đá và những vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày của đồng bào ở Tây Nguyên
Bộ đàn đá và những vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày của đồng bào ở Tây Nguyên
Theo chia sẻ của  ông,  sau cuộc chiến truy quyét Fulro, ông về công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng, thời gian rảnh ông trở lại buôn làng, tìm gặp những người quen đã gắn bó với ông từ thời chiến. Biết được tâm ý, sở thích của ông, nhiều đồng chí, đồng đội năm xưa đã hướng dẫn, giúp đỡ ông sưu tầm thêm những món đồ, nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Trong quá trình sưu tầm, tìm hiểu, ông Tâm thường khuyên bà con nên giữ lại các hiện vật truyền thống của dân tộc. Đối với những gia đình do hoàn cảnh khó khăn, buộc phải bán các hiện vật như ché, cồng chiêng... thì ông mua lại và lưu giữ từng món một.
Đến bộ sưu tập hơn 30.000 hiện vật
Sau hơn 40 năm, rong ruổi khắp các buôn làng ở các tỉnh Tây Nguyên, giờ đây ông Đặng Minh Tâm sở hữu bộ sưu tập hiện vật khá đồ sộ về đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc với hơn 30.000 hiện vật. Ông dành một phần lớn diện tích căn nhà trên đường Lương Thế Vinh, phường 3, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) để làm nơi lưu giữ. 
Chỉ tay về phía chiếc ché cổ được xếp vị trí trên cao, bên cạnh ché là những chiếc chum của người Chăm cổ, ông Tâm cho biết, đó là chiếc ché thế mạng của người Ba Na được chế tác từ thế kỷ 13. Lúc bấy giờ, giá trị chiếc ché tương đương khoảng 15 con trâu. Chiếc ché này quý hiếm đến mức, nếu chẳng may  xảy ra sự cố gây chết người, muốn dung hòa và không bị đền mạng, thì chỉ cần đem chiếc ché này đền cho gia đình, hoặc cộng đồng nơi có người bị chết, là mọi chuyện đương nhiên được hóa giải.  
Đồ trang sức của nhiều dân tộc có trong bộ sưu tập
Đồ trang sức của nhiều dân tộc có trong bộ sưu tập
Ông Tâm còn giới thiệu với chúng tôi bộ sưu tầm về đồ trang sức của nhiều DTTS ở Tây Nguyên. Ngoài những chiếc nhẫn, vòng bằng kim loại quý, ngà voi, răng nanh động vật, đá quý…; trong hiện vật sưu tầm của ông Tâm còn có cả bộ đúc nhẫn nguyên vẹn của người Churu.

“Để có được những hiện vật này, tôi phải đi xa hàng trăm km, đến các bản làng sưu tầm và mua lại. Có những thứ không đáng giá, nhưng đó là những kỷ niệm trong những năm tháng sống cùng đồng bào các dân tộc”, ông Đặng Minh Tâm nói.
Ông Tâm sử dụng được rất nhiều nhạc cụ của người đồng bào DTTS
Ông Tâm sử dụng được rất nhiều nhạc cụ của người đồng bào DTTS
Trong “kho tàng” của ông, đa số các hiện vật vẫn còn nguyên vẹn, cũng có một vài món bị sứt mẻ nhưng ông vẫn quý trọng, bảo quản kỹ lưỡng.

Được biết, nhiều hiện vật của ông Đặng Minh Tâm đang sở hữu có giá trị cao, nhiều du khách đến tham quan ngỏ ý muốn mua và trả giá rất cao nhưng ông nhất quyết không bán. Việc ông sưu tầm các hiện vật này để thỏa lòng đam mê văn hóa và cũng muốn bảo tồn, gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Hiện nay, “bảo tàng” lưu giữ hơn 30.000 hiện vật, tại gia đình ông Tâm còn là nơi tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu đời sống văn hóa vật chất, tinh thần, phong tục tập quán của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Văn Yên-Lê Thuận (Baodantoc.vn)
Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 57 của ngành Khảo cổ học Việt Nam do Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2022.
Ban tổ chức Hội nghị kính mời các tổ chức, cá nhân làm công tác Khảo cổ học và các ngành có liên quan gửi bài viết tham dự hội nghị (Chi tiết xin xem file đính kèm).
Nội dung bài viết: Những phát hiện, nghiên cứu mới về khảo cổ học từ tháng 11/2021 đến nay.
Hình thức: Mỗi bài viết tối đa 03 trang đánh máy khổ A4 và không quá 03 tên tác giả; phông chữ thống nhất Unicode - Time New Roman cỡ chữ 13. Ban tổ chức không chấp nhận các bản text định dạng Pdf.
Thời hạn nhận bài: đến hết ngày 15/10/2022.
Địa chỉ nhận bài: Viện Khảo cổ học, số 61 - Phan Chu Trinh - Hoàn Kiếm - Hà Nội
Email: hoinghitbkch@gmail.com
Chúng tôi hy vọng với sự quan tâm và hợp tác của quý cơ quan và quý vị, Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 57 sẽ thành công tốt đẹp.
Viện Khảo cổ học xin trân trọng thông báo!
TM. Ban Tổ chức Hội nghị
Q.ViệnTrưởng
Nguyễn Gia Đối đã ký.

Ngày 27/5, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2 (năm 2021 - 2022).

Chú thích ảnhDi vật khai quật được ở di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2.

Di tích khảo cổ học Thác Hai thuộc địa bàn thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được phát hiện vào đầu năm 2020 và khai quật lần thứ nhất vào tháng 3/2021. Kết quả khai quật đã thu được rất nhiều di tích, di vật, cho thấy Di tích khảo cổ học Thác Hai là một di chỉ cư trú - mộ táng - công xưởng rất quan trọng. Bên cạnh công cụ lao động như: rìu bôn đá, đồ gốm và các mộ táng, các nhà khảo cổ còn thu được hơn 1.000 mũi khoan bằng các loại đá, cùng hàng vạn mảnh tước nhỏ.

Nhận thức tầm quan trọng của Di tích khảo cổ học Thác Hai đối với việc nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khẩn cấp di chỉ quan trọng này nhằm thu thập thêm các thông tin khoa học giá trị, kịp thời đưa lên khỏi lòng đất những di tích, di vật quý giá nhằm bảo quản, lưu giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa thời đại Tiền - Sơ sử ở Tây Nguyên.

Chú thích ảnhĐại biểu tham quan di vật khai quật được ở di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2.

Từ tháng 11/2021 -tháng 5/2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk khai quật Di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ hai. Kết quả khai quật, các di tích xuất lộ trong hố khai quật gồm có mộ táng, cụm gốm, hố đất đen và nền đất cháy. Về mộ táng, phát hiện 16 mộ táng, phong tục mai táng khá thống nhất, một số mộ chôn theo công cụ đá như rìu, đục, bàn mài, bàn đập vải vỏ cây; có mộ chôn theo đồ tùy táng là 42 hạt chuỗi thủy tinh màu xanh.

Chú thích ảnhDi vật khai quật được ở di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2.

Di vật thu được ở di tích khảo cổ học Thác Hai gồm đồ đá, đồ gốm và đồ thủy tinh. Đồ đá là loại di vật chủ đạo ở Thác Hai, nhiều nhất là mũi khoan với 1.596 tiêu bản. Đáng chú ý, hầu hết mũi khoan đều chưa có dấu vết sử dụng. Đồ gốm di chỉ Thác Hai có các loại hình bình, nồi, chum, vò, bát bồng… với nhiều kích cỡ khác nhau. Đồ thủy tinh tìm được chủ yếu là loại hình hạt chuỗi với 1.244 hạt chuỗi thủy tinh… Qua tổng thể di tích và di vật cho thấy, Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn.

Chú thích ảnhBan tổ chức thông tin sơ bộ kết quả khai quật di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2 

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất cần tiếp tục khai quật di chỉ Thác Hai càng sớm càng tốt, trên quy mô lớn, nhằm thu thập các di tích, di vật quý giá còn ẩn chứa trong lòng đất. Các sở, ngành hữu quan cần sớm lập đề án Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để quản lý hiệu quả các di sản văn hóa. Nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk theo chương trình nghiên cứu dài hạn, bài bản nhằm đưa các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.


Tin, ảnh: Hoài Thu (TTXVN)

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9022065
Số người đang online: 30