- Tác giả: Trần Anh Dũng, Nguyễn Thị Thanh Hải, Lý Mạnh Thắng
- Cơ quan xb: Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang
- Nxb: Thế Giới-2021
- Số trang: 177.tr
- Khổ: 14,8 x 21 (cm)
Tuyên Quang là một trong số ít các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đang lưu giữ số lượng lớn đồ gốm men thời Lý, Trần. Những đồ gốm này được tìm thấy từ các di tích khảo cổ học đã được Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại một số địa phương trong tỉnh.
Mặc dù sở hữu số lượng lớn đồ gốm men thời Lý, Trần nhưng cho đến nay vẫn chưa có một bài báo hay một công trình nghiên cứu nào về đồ gốm men thời Lý, Trần tại tỉnh Tuyên Quang, nên việc hiểu biết về đồ gốm thời Lý, Trần ở tỉnh này nói riêng và vùng núi phía Bắc nói chung còn có nhiều hạn chế.
Trong các báo cáo khai quật, báo cáo điều tra thám sát, cũng chỉ dành một phần rất nhỏ đề cập đến đồ gốm sứ thời Lý, Trần phát hiện được trong di tích nên không thành hệ thống. Những đồ gốm được sưu tầm từ các nguồn khác, ngoài những di tích được khai quật, vì thế đã không có cơ hội để biết đến. Điều này không phản ánh được hết tiến trình và diễn biến của lịch sử, văn hóa, xã hội ở tỉnh Tuyên Quang.
Với nhiều năm kinh nghiệm tham gia nghiên cứu, khai quật, chỉnh lý hiện vật gốm sứ tại các công trường khảo cổ học và là một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về các hiện vật gốm sứ, TS. Trần Anh Dũng (Viện Khảo cổ học) cùng với sự tham gia của các cán bộ Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã cho ra mắt bạn đọc công trình nghiên cứu về Đồ gốm sứ thời Lý, Trần ở tỉnh Tuyên Quang.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương, kèm phụ lục bản ảnh, bản vẽ, bản đồ.
Chương 1: Gốm sứ thời Lý, Trần ở Tuyên Quang trong tiến trình gốm sứ Việt Nam trước và trong thời Lý, Trần.
Chương 2: Đồ gốm sứ thời Lý, Trần ở tỉnh Tuyên Quang
Chương 3: Một số vấn đề lịch sử - văn hóa thời Lý, Trần ở Tuyên Quang qua đồ gốm sứ.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
- Tác giả: TS. Thượng tọa Thích Tâm Đức
- Người dịch: Thích Phước Như
- Nxb: Đại học Quốc gia Hà Nội - 2022
- Số trang: 226 tr
- Khổ: 17 x 24cm
Cuốn sách Đường Đến Thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam không những giới thiệu về thiền Phật giáo Việt Nam dưới thời nhà Trần, nơi thiền phái Trúc Lâm được sáng lập, mà còn giới thiệu về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khi mới du nhập vào những thế kỷ đầu công nguyên cho đến cuối thế kỷ thứ XIV. Thiền Phật giáo Việt Nam dưới triều đại nhà Trần là nét văn hóa điển hình cho tinh hoa Việt Nam thời bấy giờ. Mặc dù không thể phủ nhận rằng, nó đã ít nhiều chịu sự ảnh hưởng từ Thiền tông Ấn Độ và Trung Hoa; nhưng có một thực tế đặc biệt quan trọng đó là Thiền phái này đã được khai sinh ở trên đất nước Việt Nam vào thế kỷ thứ XIV và hoàn toàn mang bản sắc Việt Nam. Bản sắc đó hiện lên rõ nét khi Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam được phân tích trong mối liên hệ của nó với nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là khảo cổ học, văn hóa, kinh tế - xã hội, cũng như chính trị và an ninh quốc phòng.
Nội dung cuốn sách gồm 10 chương:
Chương 1: Giới thiệu chung
Chương 2: Sự du nhập của phật giáo ở Việt Nam trong suốt hai thế kỷ đầu công nguyên.
Chương 3: Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ V
Chương 4: Sự du nhập của các thiền phái phật giáo Trung Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ XIII.
Chương 5: Phật giáo Việt Nam dưới các triều đại nhà Ngô, Đinh và Tiền Lê (thế kỷ thứ X).
Chương 6: Phật giáo Việt Nam dưới triều đại nhà Lý (1010 - 1225)
Chương 7: Phật giáo Việt Nam dưới triều đại nhà Lý (1225 - 1400)
Chương 8: Tổng quan về Thiền phái Trúc Lâm liên hệ với thiền của Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ và thiền Đốn Ngộ của Huệ Năng ở Trung Quốc.
Chương 9: Sự thất bại của quân Mông - Nguyên ở Việt Nam.
Chương 10: Kết luận
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ). Đây là đề án khoa học có quy mô lớn, được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện từ năm 2017 - 2021. Tham gia thực hiện đề án này là 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

 

Lễ công bố đề án có sự tham gia của nhiều chuyên gia khảo cổ học và các lãnh đạo địa phương có di tích.

Lễ công bố đề án có sự tham gia của nhiều chuyên gia khảo cổ học và các lãnh đạo địa phương có di tích.

Nhiệm vụ chính của đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và châu Á; cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị, đặc biệt là cho công tác xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới.

Ngày 25/3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức lễ công bố kết quả thực hiện Đề án khảo cổ học văn hoá Óc Eo qua ấn phẩm Văn hoá Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017-2021.

Minh chứng rõ ràng về "đô thị cổ" Óc Eo

Theo PGS.TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ năm 2017 - 2020, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê với quy mô lớn, có diện tích trên 16.000m2 tại 2 khu vực cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê. Từ năm 2018-2020, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành khai quật khu vực di tích Nền Chùa với diện tích 8.000m2. Đây là khu di tích nằm dưới cánh đồng rộng lớn, cách Óc Eo - Ba Thê khoảng 12km theo đường chim bay về phía Bắc. 

"Sau gần 4 năm thực hiện nhiệm vụ khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng như kiến trúc đến tháp, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá cùng nhiều loại hình di tích cư trú, sinh hoạt, sản xuất thủ công. Đặc biệt, cuộc khai quật này đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thuỷ tinh.

Kết quả khai quật đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của "đô thị cổ" Óc Eo", PGS.TS Bùi Nhật Quang cho biết. 

Sống dậy ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam

Đánh giá kết quả thực hiện của đề án, PGS.TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, có rất nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần làm sáng rõ hơn tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử Vương quốc Phù Nam. Trong đó, thành tựu quan trọng nhất của đề án là đã minh chứng và làm sáng rõ những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử. Đây là một trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm chính trị, trung tâm tôn giáo lớn và quan trọng nhất của Vương quốc Phù Nam. Trong đó, Óc Eo đóng vai trò là một “đô thị” hay là một “thành phố ven biển” và kết nối với Biển Tây Nam thông qua “cửa ngõ” giao thương là Nền Chùa và các tuyến thủy lộ trong vùng.

Ba Thê đóng vai trò là một trung tâm tôn giáo lớn của Vương quốc Phù Nam, và là một cấu trúc chung không thể tách rời của không gian đô thị Óc Eo. Trong hệ thống đô thị cổ ở châu Á thời kỳ sau Công nguyên, Óc Eo - Ba Thê thể hiện rõ vai trò là trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa có tầm quan trọng và có sức lan tỏa, sự ảnh hưởng lớn trong khu vực. Nhiều loại hình di vật quý có nguồn gốc từ nước ngoài như tiền và huy chương vàng La Mã, đèn đồng Ba Tư, gương đồng nhà Hán... thu thập được trong các hố khai quật chính thức và không chính thức đã hé lộ những bí ẩn của mạng lưới thương mại hàng hải thời bấy giờ.

Đặc biệt, phát hiện mới về đồ gốm đến từ đế chế La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc và Tây Á đã góp phần lý giải sâu hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa xuyên đại dương của đô thị Óc Eo trong lịch sử. Những ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời vang bóng tiếp tục được làm sống dậy bởi những khám phá quan trọng của khảo cổ học trong những năm 2017-2020. Từ đây, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa không chỉ được biết đến là một phức hợp đô thị cổ, có vai trò rất quan trọng trong lịch sử vương quốc Phù Nam, một vương quốc hình thành trên nền tảng văn hóa bản địa đặc sắc mà nó còn có mối quan hệ giao thương rất rộng mở với nhiều vương quốc cổ Đông Nam Á và cả các quốc gia ở Nam Á, Tây Nam Á, Đông Bắc Á... thông qua con đường hải thương quốc tế.

"Đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa có vị trí trung tâm trên vùng đất Nam Bộ mà trong đó vùng cảng thị hướng về phía Biển Tây Nam. Đây là một đô thị độc đáo, được xây dựng trên vùng đồng bằng màu mỡ ven biển và là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam, có tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, nhờ đó nó đã tạo nên những bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian, đưa vùng đất đầm lầy này trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên. Khu di tích Quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản văn hóa của nhân loại", PGS.TS. Bùi Minh Trí nhấn mạnh. 

Nguồn: www.vass.gov.vn
 

Ngày 23/3/ 2022 Viện Khảo cổ học ra thông báo số 56 TB-KCH về tuyển dụng viên chức Viện Khảo cổ học.
Thời gian nhận hồ sơ: Từ ngày 23/3/2022 đến 22/4/2022 .
Địa điểm nhận hồ sơ: Phòng Hành chính Tổng hợp, Viện Khảo cổ học, số 61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thông tin chi tiết về điều kiện đăng ký, hình thức và hồ sơ dự tuyển xin xem file đính kèm.
Viện Khảo cổ học Trân trọng thông báo./.
Tác giả: Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội - 2021
Tổng số trang: 545tr
Kích thước: 16x24cm
 
Cuốn sách Khảo cổ học tiền sử Nghệ An của hai tác giả Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn là kết quả thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu hệ thống các di tích hang động ở miền núi biên giới tỉnh Nghệ An (2015-2016) được nghiệm thu xuất sắc của các tác giả.
Công trình đã bao quát các nguồn tư liệu khảo cổ học tiền sử Nghệ An và đặt chúng trong bối cảnh tiền sử Bắc Trung bộ Việt Nam, phác thảo tổng quát diễn trình lịch sử văn hóa các cộng đồng cư dân tiền sử từng có mặt ở Nghệ An từ thuở bình minh của lịch sử, với sự xuất hiện người hiện đại ở hang Thẩm Ồm cách ngày nay khoảng 80 nghìn năm đến trước ngưỡng cửa của văn minh với các di tích tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Lam ngày nay khoảng 3 nghìn năm.
Thời đại đá cũ ở Nghệ An được xác nhận trong công trình phát triển qua hai giai đoạn chính. Trong đó, giai đoạn sớm từ 80 đến 40 nghìn năm trước Công nguyên, là thời kỳ xuất hiện người Homo Sapiens và công cụ mảnh đá quartz ở lớp dưới hang Thẩm Ồm. Giai đoạn muộn từ 40 đến 11 nghìn năm trước Công nguyên với sự hiện diện của những hóa thạch người Homo Sapiens và kỹ nghệ công cụ cuội mà tiêu biểu là di tích ngoài trời ở Làng Vạc và một số hang động như hang Thẩm Chàng và lớp muộn hang Thẩm Ồm.
Công trình cũng đã đề cập đến ba giai đoạn phát triển thời đại Đá mới trên đất Nghệ An. Đồng thời phác dựng bức tranh toàn cảnh về đời sống vật chất, tinh thần, cấu trúc xã hội của các cộng đồng dân cư thời tiền sử Nghệ An cũng như xác định vị trí, tính đặc sắc văn hóa của khu vực trong bối cảnh rộng hơn.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Tác giả: Phạm Xuân Nam
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân - 2018
Tổng số trang: 250tr
Kích thước: 14,5 x 20,5cm
 
Tập 3 của cuốn sách này trình bày 2 chương sau cùng như sau:
5. Tiếp xúc, giao lưu, đối thoại ngày càng rộng mở giữa văn hóa Việt Nam với nhiều nền văn hóa trên thế giới thời cận - hiện đại.
- Mấy nét về bối cảnh lịch sử
- Những nỗ lực đầu tiên trong tiến trình tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây từ nửa cuối thế kỷ XIX đến trước chiến tranh thế giới thứ nhât
- Hồ Chí Minh - người đại diện kiệt xuất cho cuộc đối thoại giữa tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại trong quá trình đi tìm đường cứu nước.
- Tiếp nhận và biến cải các hình thức, phương thức biểu đạt của văn hóa Pháp để chuyển tải nội dung nhiều giá trị văn hóa Việt
- Vận dụng tinh thần và phong cách đối thoại văn hóa trong hoạt động đấu tranh ngoại giao
- Khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo văn hóa nội sinh của dân tộc kết hợp với thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại trong quá trình đổi mới đất nước
6. Bài học lịch sử và vấn đề đương đại của việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chủ động tham gia đối thoại giữa các nền văn hóa trong giai đoạn toàn cầu hóa.
 Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
 
 
 
 
 
Tác giả: Phạm Xuân Nam
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân - 2018
Tổng số trang: 220tr
Kích thước: 14,5 x 20,5cm

Cuốn sách giới thiệu 2 chương tiếp theo gồm chương 3 và chương 4:
3. Kết hợp đối thoại văn hóa với nhiều hình thức đấu trang khác trong thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Chương này bao gồm các vấn đề như sau:
- Mấy nét về chính sách xâm lược, thống trị, đồng hóa của các thế lực phong kiến phương Bắc đối với nước ta
- Hỗn dung về chủng tộc: Việt hóa mạnh hơn Hán hóa
- Tiếp biến văn hóa thông qua đối thoại trên lĩnh vực ngôn ngữ. Sự hình thành cách đọc Hán - Việt và sự manh nha chữ Nôm
- Tiếp thu và cải biến những kiến thức và kỹ thuật ngoại lai trong một số lĩnh vực sáng tạo văn hóa vật chất
- Những cuộc tiếp xúc, giao lưu, đối thoại với Phật giáo Ấn Độ Khi nó được truyền bá đến Dâu
- Đạo giáo vào nước ta và quá trình đối thoại chuyển hóa thành đấu tranh giữa các vị thần linh Việt với đạo sĩ Cao Biền.
- Nho giáo do các chính quyền đô hộ Hán - Đường truyền bá vào nước ta - những hệ quả mà nó gây ra trong các bộ phận khác nhau của cư dân Việt.
4. Đối thoại giữa nền văn hóa Đại Việt với một số nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới thời trung đại.
- Bối cảnh lịch sử, yêu cầu và điều kiện của đối thoại giữa văn hóa Đại Việt với một số nền văn hóa khác cùng thời
- Đối thoại giữa nền văn hóa Đại Việt và văn hóa Trung Hoa trên lĩnh vực xây dựng pháp luật
- Vận dụng linh hoạt nhiều hình thức đối thoại văn hóa, góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ đối ngoại
- Thâu hóa phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa, sáng tạo phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt
- Tiếp biến văn hóa thông qua đối thoại trên lĩnh vực ngôn ngữ: sự hì nh thành hệ thống chữ Nôm và sự sáng chế chữ Quốc ngữ.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Tác giả: Phạm Xuân Nam
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân - 2018
Tổng số trang: 207tr
Kích thước: 14,5 x 20,5cm
 
Cuốn sách gồm 6 vấn đề tương ứng với 6 chương. Tuy nhiên ở tập 1 của cuốn sách chỉ tập trung nghiên cứu 2 nội dung tương ứng với 2 chương đầu tiên:
1. Nhận thức về sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa
2. Những hoạt động sáng tạo giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc ở thời đại Văn Lang - Âu Lạc.
- Người Việt cổ hay người Lạc Việt - tổ tiên của chúng ta
- Đặc điểm môi trường tự nhiên liên quan đến cuộc sống và hoạt động sáng tạo văn hóa của người Việt cổ
- Những sáng tạo văn hóa vật chất nổi bật
- Những sáng tạo văn hóa tinh thần tiêu biểu
- Tác động của những sáng tạo văn hóa đối với sự chuyển biến trong cấu trúc và hình thái tổ chức xã hội
- Tổng quan những nét đặc trưng chủ yếu thể hiện bản sắc văn hóa cội nguồn của dân tộc.
Cuốn sách cũng cố gắng phác họa đôi nét về lịch sử - văn hóa Champa và Phù Nam, là hai dòng văn hóa phát triển khá rực rỡ ở thời cổ - trung đại trên địa bàn miền Trung và miền Nam nước ta ngày nay, trước khi chúng hội nhập với nền văn hóa Đại Việt.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
 

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử hay còn gọi là hộp vàng hình Hoa Sen là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong sự phát triển mỹ thuật thời Trần.

Bảo vật trong lòng đất

Chiếc hộp vàng được phát hiện hết sức tình cờ trong quá trình thi công mở rộng con đường "hành hương tâm linh" từ thôn Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Đại đức Thích Quảng Hiển đã phát hiện một chiếc hộp bằng vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn đồi. Đến ngày 20/3/2015, UBND huyện Đông Triều giao lại hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử cho Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh lưu trữ, bảo quản và phát huy giá trị của hiện vật.

Với sự quý hiếm và tính độc bản, Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia vào cuối năm 2018.

 

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được tìm thấy khi đang đang thi công làm đường.
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được tìm thấy khi đang đang thi công làm đường. (Ảnh: QN).

Đậm nét đặc trưng văn hóa thời Trần

Hộp vàng nặng 56,44 gram (tương đương khối lượng khoảng 15 chỉ vàng), chiều cao toàn thân là 4,2cm (trong đó, phần thân cao 3,2cm tính cả nắp; chân đế cao 0,6cm); phần dưới thân, đường kính miệng bên trong của thân hộp là 4,8cm, đường kính miệng ngoài thân hộp là 5,1cm, đường kính đế là 3,5cm, đường kính nắp hộp là 5,1cm.

 

Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử được làm hoàn toàn bằng vàng, trọng lượng lên tới 56,44g.
Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử được làm hoàn toàn bằng vàng, trọng lượng lên tới 56,44g. (Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh)

Hộp có dáng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi, mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn. Khi làm xuất lộ, lưỡi gầu máy múc va chạm mạnh vào phần thân hộp làm hiện vật hơi bị biến dạng. Nắp hộp hình bán cầu, phần tiếp giáp với thân tạo 11 múi chính, là phần đầu khớp với các cánh sen ở phía dưới thân, tạo thành lớp cánh lớn ngoài cùng; giữa nắp là đài sen được bao bọc bởi lớp cánh lớn. Hoa văn được chạm khắc thủ công.

Các họa tiết hoa văn, với phần nền gấm vân mây làm nền họa tiết hoa chanh, là đặc điểm cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân chế tác đương thời. Các đường nét và họa tiết hoa văn nhỏ, với nét khắc sắc nét, khỏe khoắn trên nền cốt rất mỏng.

 

Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, được mời giám định chiếc hộp này. Ông Trí cho biết hộp được làm bằng kỹ thuật kết hợp đúc khuôn tạo hình dáng và cánh sen nổi, sau đó chạm khắc hoa văn lên trên thân và bên trong cánh sen. Tất cả hoa văn trang trí trên nắp và thân hộp trên đều mang đậm dấu ấn đặc trưng của văn hóa thời Trần, nửa đầu thế kỷ 14.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử là một di vật quan trọng liên quan đến hoàng gia hoặc nghi lễ tôn giáo tôn nghiêm. Đây là bát, cốc át già, một trong sáu pháp khí quan trọng được sử dụng trong nghi lễ Phật giáo Mật tông và rất có thể di vật này có liên quan đến di tích Ngọc Vân hoặc di tích Mộc Cảo.

Giá trị to lớn

Hoa văn trên hộp vàng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đời Trần.
Hoa văn trên hộp vàng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đời Trần. (Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh)

Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang dáng dấp của một bông sen đang độ mãn khai. Hoa văn trên hộp vàng được chạm khắc thủ công, trong lòng các cánh sen, với phần nền gấm vân mây còn trang trí hình họa tiết hoa chanh, là đặc điểm cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân chế tác đương thời.

 

Về chất liệu, theo kết quả từ Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện ngày 9/10/2012, hộp được chế tạo với 90% thành phần là vàng, còn lại là các kim loại để gia tăng độ cứng.

Có thể nói hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử đã đạt tới đỉnh cao trong chế tác và mỹ thuật thời Trần. Căn cứ vào chất liệu cũng như độ tinh xảo, có thể hộp vàng Ngọa Vân là một vật cao quý thuộc về hoàng gia, thậm chí là một vật dùng trong các nghi thức tôn nghiêm, liên quan đến đạo Phật.

Đường hoa văn vô cùng tinh xảo của báu vật thời Trần.
Đường hoa văn vô cùng tinh xảo của báu vật thời Trần. (Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh)

Vị trí phát hiện chiếc hộp nằm cạnh am Mộc Cảo, là thảo am của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu (1), con gái trưởng của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, nên rất có thể nó liên quan tới cuộc đời bà Hoàng Thái hậu.

Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Sở dĩ Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được lựa chọn là bảo vật quốc gia bởi hội tụ được nhiều giá trị độc đáo, khác biệtthứ nhất, đây là các hiện vật gốc, độc bản, tồn tại nguyên vẹn mà cho đến nay chưa một cá nhân hay địa phương nào ở Việt Nam phát hiện, lưu giữ được hiện vật tương tự; thứ hai, các hiện vật có hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí tinh xảo, bố cục chặt chẽ; thứ ba là giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử.

Đây là di vật bằng vàng thời Trần duy nhất hiện còn, có hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí tinh xảo, bố cục chặt chẽ, phản ánh trình độ kỹ thuật kim hoàn, trình độ thẩm mĩ, trí tuệ sáng tạo cao của các nghệ nhân thời Trần.

 

Theo nghiên cứu, hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một pháp khí có tên gọi là Át già khí (2), một thuật ngữ dùng để chỉ cốc/bát đựng nước thơm trong nghi lễ cúng dường của Phật giáo.

 Cận cảnh hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử.
Cận cảnh hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử. (Ảnh: Trung tâm nghiên cứu kinh thành).

Việc phát hiện hộp vàng Ngọa Vân trên con đường hành hương lên am Ngọa Vân góp tư liệu quan trọng khẳng định giá trị của di tích am Ngọa Vân, thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm, đồng thời, phản ánh tư tưởng và đời sống văn hóa tâm linh ở trung tâm Phật giáo Trúc Lâm của tầng lớp quý tộc Hoàng gia.

Bên cạnh đó, hộp vàng Ngọa Vân cũng phản ánh trình độ kỹ thuật kim hoàn, trình độ thẩm mĩ, trí tuệ sáng tạo cao của các nghệ nhân thời Trần, góp phần khẳng định giá trị nghệ thuật thời Trần từ góc độ mĩ thuật vàng bạc quý hiếm mà xưa nay rất hiếm gặp dưới các vương triều Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng.

(1) Bảo Từ Thuận Thánh Hoàng hậu (? - tháng 7, 1330), là Hoàng hậu của Trần Anh Tông, mẹ đích của Trần Minh Tông. Bà là con gái thứ của Thái úy Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, mẹ là Bảo Ân Quốc mẫu. Bà gọi Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng ông nội, gọi Khâm Minh Đại vương Trần Liễu là cụ nội, xuất thân từ Hoàng tộc nhà Trần. Bà nổi tiếng sùng đạo Phật.

(2) Át già khí là một trong lục khí (Hỏa xá, Át già khí, Đồ hương khí, Hoa mạn khí, Đặng minh khí, Ấm thực khí), chỉ vật đựng chứa Át già, phấn thơm, bông hoa cúng dường.

BTQN
 
Tác giả: GS.TS. Trịnh Sinh, KS.Nguyễn Văn Kính
Nhà xuất bản: Thế Giới - 2021
Tổng số trang: 327tr
Kích thước: 26 x 35cm
 
Trống đồng Kính Hoa được liệt vào danh mục bảo vật Quốc gia đợt 9 năm 2020, có niên đại văn hóa Đông Sơn: Thế kỷ IV-III trước công nguyên, thuộc sở hữu tư nhân, thành phố Hà Nội.
Trống đồng Kính Hoa vừa mới được phát hiện là chiếc trống khá nguyên vẹn và mang nhiều vẻ đẹp nổi trội về mặt mỹ thuật với những hình khắc các động vật sinh động, chưa từng xuất hiện trên các trống khác.
Thông qua chiếc trống này giúp các nhà khoa học dựng nên được một phần bức tranh lịch sử thời bấy giờ về cảnh quan vùng châu thổ sông Hồng, về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ, chủ nhân đúc và sử dụng trống Kính hoa nói riêng và những chiếc trống đồng được mệnh danh là trống Đông Sơn nói chung.
Trong quá trình nghiên cứu các tác giả đã phát hiện các dấu vải còn rõ nét dính trên mặt trống đồng, những dấu vải đó tương tự các dấu vải trên những đồ đồng đã được khai quật trong các địa điểm khảo cổ nổi tiếng như Làng Vạc (Nghệ An), Gò Quê (Quảng Ngãi), Động Cườm (Bình Định)...
Là một trong những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về trống đồng GS.TS. Trịnh Sinh cùng tác giả KS.Nguyễn Văn Kính đã cung cấp cho độc giả thêm những tư liệu mới về một loại trống đồng quý và độc đáo.
Nội dung cuốn sách gồm 4 phần:
- Phần 1: Quá trình phát hiện, miêu tả và phân loại
- Phần 2: Giá trị mỹ thuật của trống Kính Hoa
- Phần 3: Kỹ thuật đúc trống Kính Hoa
- Phần 4: Trống Kính Hoa kể chuyện con người và thời đại Đông Sơn.
Xin trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
 

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9022089
Số người đang online: 36