Quảng Bình: Phát hiện rìu đá của người nguyên thủy

 

 

Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa phát hiện ra hai chiếc rìu đá tại khu vực núi Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Bước đầu hai chiếc rìu đá này được xác định là của người nguyên thủy từ thời đại đồ đá.

Quảng Bình: Phát hiện rìu đá của người nguyên thủy

Hai chiếc rìu đá vừa được phát hiện nói trên là kết quả của đợt khảo sát, sưu tầm mới đây của Bảo tàng tỉnh Quảng Bình tại các bản làng của người dân tộc Vân Kiều thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.

Ông Hồ Ngã, người Vân Kiều ở bản Khe Dây (xã Trường Xuân, Quảng Ninh) là người lưu giữ một trong số hai chiếc rìu. Theo ông Ngã, chiếc rìu đá này ông nhặt được trong một chuyến đi rừng.


Theo quan sát, chiếc rìu được ghè đẽo khá nhẵn, làm từ đá silic có màu vàng, tiết diện dọc hình chữ V, lưỡi rìu đã bị mòn. Qua quá trình nghiên cứu, Đoàn khảo sát cho biết, đây là công cụ dùng để chặt của người nguyên thủy thời đại đồ đá, thuộc hậu kỳ đá mới với niên đại ước khoảng 4500 – 5000 năm trước.

Ngoài ra, tại bản Nà Lâm, đoàn khảo sát cũng phát hiện được một chiếc rìu đá có vai vuông với niên đại tương tự chiếc rìu ở nhà ông Hồ Ngã.


Được biết, thời kỳ đồ đá là một thời gian tiền sử dài trong đó con người sử dụng đá để chế tạo đồ vật và công cụ lao động. Đến nay các nhà khảo cổ trên thế giới đã tìm thấy các hiện vật cổ thời kỳ này được chế tạo từ nhiều loại đá khác nhau như: đá lửa, đá phiến silic, đá sa thạch… Đây cũng là thời kỳ mà con người bắt đầu biết sử dụng kỹ thuật trong tiến trình phát triển của mình.
Hai chiếc rìu đá nói trên là những phát hiện mới của các nhà khảo cổ học thuộc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình về vùng đất này. Những phát hiện này đã cung cấp nguồn tư liệu quý giá để từ đó tiến hành nghiên cứu, khảo sát tổng thể, góp phần hiểu rõ hơn về sự xuất hiện và tập quán sinh sống của người nguyên thủy tại Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.

 

Phát hiện làng nông nghiệp cổ trên đảo Síp

 

 

Các nhà nghiên cứu cho biết tàn tích của làng nông nghiệp cổ có nguồn gốc từ các đảo Địa Trung Hải đã được tìm thấy trên đảo Síp, theo hãng tin UPI.

Nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia, Đại học Toulouse và một số tổ chức khác của Pháp.

Các nhà khảo cổ cho biết, trước đây người ta tin rằng do sự cô lập về địa lý của đảo Síp mà những xã hội trồng trọt thời kỳ đồ đá mới chỉ đến được đây khoảng 1.000 năm sau khi nông nghiệp ở Địa Trung Hải được khai sinh trong khoảng thời gian từ năm 9400 đến 9000 trước Công nguyên.

Việc phát hiện ra Klimonas, một ngôi làng có niên đại khoảng năm 9000 trước Công nguyên cho thấy những người trồng trọt ban đầu đã di cư từ đại lục Trung Đông đến đảo Síp không lâu sau khi nông nghiệp hình thành tại đó, đem theo cùng với họ là hạt lúa mì, vật nuôi như chó, mèo.

Các cuộc khai quật tại Klimonas cho thấy tàn tích của một ngôi nhà chung làm bằng gạch bùn nung non, có đường kính hơn 30 mét và được bao bọc xung quanh bởi những ngôi nhà nhỏ hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, ngôi nhà chung có thể đã được sử dụng để lưu giữ vụ thu hoạch của làng.

Nhiều tàn tích của công cụ, kết cấu bằng đá và hạt đã hóa carbon của các loại cây trồng có nguồn gốc đại lục Trung Đông cũng được tìm thấy.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện ngôn ngữ cổ đại chưa từng biết đến

 

 

Các nhà khảo cổ học khi tiến hành khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy bằng chứng về một thứ ngôn ngữ bị lãng quên có niên đại hơn 2.500 năm thuộc triều đại của Đế chế Assyria.

Phát hiện ngôn ngữ cổ đại chưa từng biết đến

Bằng chứng ngôn ngữ ấy đến từ phiến đất sét mà nhóm nghiên cứu Đại học Cambridge (Anh) phát hiện được tại khu vực thành phố Tushan cổ đại, có thể là của những người bị đày khỏi dãy núi Zagros (biên giới Iran và Iraq ngày nay).

Theo chính sách của Đế quốc Assyria, nhiều người đã bị buộc phải rời quê hương và làm việc cũng như định cư gần Tushan phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. “Đó là cách giúp người Assyria củng cố quyền lực khi phá vỡ sự kiểm soát của lực lượng cầm quyền ở các khu vực mới chinh phục”, nhà nghiên cứu John MacGinnis cho biết. “Nếu bị trục xuất đến nơi mới, họ sẽ phải hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Assyria”.

Những dòng chữ trên phiến đất sét được khắc bằng chữ tượng hình, liệt kê tên của 60 người phụ nữ gắn với cung điện và chính quyền Assyria. Nhưng khi Tiến sĩ John MacGinnis kiểm tra chi tiết, ông nhận thấy rằng có 45 cái tên không giống với bất kỳ cái nào trong số hàng ngàn tên Trung Đông cổ đại mà các học giả từng biết đến.

45 người phụ nữ này được cho là đến từ một nơi nào đó thuộc miền trung hoặc miền bắc dãy Zagros, bởi vì đó là khu vực duy nhất mà quân đội Assyria hoạt động tại thời điểm nửa cuối thế kỷ 8 trước Công nguyên. Và đây có lẽ là kết quả của cuộc chinh phục do các vị vua Assyria như Tiglath Pilasser III hay Sargon dẫn đầu.

Phát hiện quan trọng này góp phần tiết lộ nguồn gốc văn hóa và sắc tộc của một trong những nhóm người “man rợ” đầu tiên của lịch sử thuộc nền văn minh Lưỡng Hà.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm được phiên bản lịch cổ nhất của người Maya

 

 

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một căn phòng nhỏ trong đống phế tích của người Maya. Đây là nơi các nhà thần học tận dụng tường làm bảng để theo dõi các hiện tượng thiên văn và lịch rắc rối của xã hội cách đây 1.200 năm.

Tìm được phiên bản lịch cổ nhất của người Maya

Các bức tường cho thấy những bảng thiên văn cổ nhất của người Maya từng biết đến. Các nhà khoa học biết rằng, người Maya vào thời gian đó phải theo dõi các mốc thiên văn, nhưng đến nay họ mới tìm ra bằng chứng cổ nhất về hoạt động này.

Các mốc thiên văn là yếu tố chủ chốt trong lịch của người Maya mà gần đây được nhiều người chú ý với cảnh báo về ngày tận thế vào tháng 12 năm 2012. Các chuyên gia nói rằng lịch đó không đưa ra dự đoán như vậy. Phát hiện mới cung cấp thêm một số luận điểm, rằng tính toán về lịch của họ bao trùm quãng thời gian dài hơn 6.000 năm, nên có thể kéo dài hơn năm 2012.

Aveni và William Saturno ở ĐH Boston cùng một số đồng nghiệp vừa báo cáo về phát hiện này trên tạp chí Science số ra ngày 10/5.

Căn phòng mà các nhà khoa học vừa phát hiện rộng 1,8 m2, là một phần của khu tổ hợp rộng gồm các phế tích của người Maya trong khu rừng nhiệt đới ở Xultun thuộc vùng đông bắc Guatemala. Trên các bức tường cũng có vài hình chân dung của một vị vua trong tư thế ngồi và một số nhân vật khác, nhưng rõ ràng là những người này không liên quan tới các ghi chép thiên văn.

Một bức tường ghi lịch dựa trên chu kỳ của mặt trăng, kéo dài 13 năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng lịch này có thể được sử dụng để theo dõi vị thần nào đang quan sát mặt trăng tại các thời điểm nhất định.

Lịch mặt trăng sẽ giúp các nhà thần học đoán trước khi nào có trăng tròn. Những mốc thời gian đó có vai trò chủ chốt trong các nghi lễ và chiêm tinh của người Maya, và có thể được sử dụng để cố vấn cho nhà vua khi nào nên đi chinh chiến hoặc tình hình mùa màng của từng năm.

Trên một bức tường cạnh đó là các con số nói lên bốn khoảng thời gian từ khoảng 935 tới 67.000 năm. Vẫn chưa rõ những con số này nói lên điều gì, nhưng có thể các nhà thần học tính toán bằng cách kết hợp quan sát những sự kiện thiên văn quan trọng như sự di chuyển của sao Hỏa, sao Kim và mặt trăng.

Một lần nữa, phiên bản lịch này cũng chứng tỏ lịch của người Maya không đề cập đến ngày tận thế của Thế giới trong tháng 12/2012 mà nó kéo dài hàng tỷ, nghìn tỷ, triệu triệu tỷ năm nữa. Những nghiên cứu trước đây cho rằng, lịch của người Maya tính thời gian theo các chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài 400 năm được gọi là baktun, tổng cộng gồm 13 baktun. Nhiều người tin ngày tận thế sẽ diễn ra vào 21/12/2012 trùng với chu kỳ cuối thứ 13. Song ở cột lịch mới có tới 17 baktun. Điều này cho thấy, lịch của Maya nhiều hơn 13 chu kỳ.

 

Thành phố cổ nhất châu Âu lộ diện

 

 

Các nhà khảo cổ phát hiện một đô thị ở phía đông Bulgaria và họ khẳng định nó là thành phố ra đời đầu tiên tại châu Âu.

Một khu dân cư được tạo nên bởi những ngôi nhà hai tầng ở thành phố cổ

Một khu dân cư được tạo nên bởi những ngôi nhà hai tầng trong đô thị cổ gần thành phố Provadia, Bulgaria. Ảnh: AFP.

Giáo sư Vasil Nikolov, một nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ quốc gia Bulgaria, nói với AP rằng ông và các đồng nghiệp phát hiện một đô thị cổ gần thành phố Provadia. Những bức tường đá có chiều cao tới 3 m và độ dày 2 m bao quanh thành phố. Nhóm của Nokolov tin rằng đây là thành phố ra đời đầu tiên và có hệ thống phòng thủ lớn nhất tại cựu lục địa.

"Chúng tôi bắt đầu khai quật thành phố từ năm 2005, nhưng mới đây chúng tôi mới thu thập đủ bằng chứng để khẳng định sự tồn tại của nó", Nikolov cho biết.

Nhóm chuyên gia khảo cổ đã khai quật được một số ngôi nhà hai tầng trong một khu vực có đường kính khoảng 100 m. Một bức tường kiên cố vây quanh khu dân cư này. Ngoài ra họ còn tìm thấy hàng loạt hầm và tàn tích của một chiếc cổng.

"Kết quả xác định tuổi bằng phóng xạ đồng vị carbon cho thấy những công trình mà chúng tôi phát hiện được dựng lên từ khoảng 4.200 tới 4.700 năm trước Công nguyên, tức là hơn một thiên niên kỷ trước nền văn minh Hy Lạp cổ đại", Nikolov nói.

Nikolov nhận định khoảng 350 người sống trong thành phố cổ. Rất có thể họ kiếm sống bằng nghề làm muối rồi trao đổi hàng hóa với các bộ lạc lân cận.

"Trong nhiều thiên niên kỷ, muối là một trong những mặt hàng có giá trị nhất đối với con người. Rất có thể người xưa dựng những bức tường cao để ngăn chặn kẻ gian lấy muối", Nikolov bình luận.

Minh Long

Nguồn Vnexpress

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Giải bí ẩn động ma ở Việt Nam

 

 

Người dân trong bản Hợp Thành, xã Phượng Tiến, Định Hóa, Thái Nguyên còn lưu truyền một câu chuyện về bóng ma trên đỉnh núi Phượng. Cũng vì câu chuyện ấy, mà đoàn khảo sát khảo cổ - dân tộc học ở Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và giải mã những bí ẩn phía trong động hang ma.

alt

Cảm ơn những lời đồn

Những lời đồn ma quái tưởng như chỉ có hại khi gây hoang mang trong dư luận nhưng có những trường hợp thì lại là cái lợi, chí ít là trong ngành khảo cổ học. PGS.TS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học, Viện Khảo cổ học Việt Nam thẳng thắn: "Phải cảm ơn những lời đồn, vì đó là mắt xích dẫn các nhà khảo cổ đến những nơi còn nhiều bí ẩn mà chưa được khai quật".

Theo ông Trình Năng Chung, ngoài yếu tố làm "mắt xích" dẫn đường cho các nhà khảo cổ, lời đồn ma quái còn làm người khác lo sợ mà không dám bén mảng, xâm hại tới hiện vật. Và động hang ma ở Thái Nguyên là một dẫn chứng cụ thể, vì những lời đồn ma quái bên trong hang mà bao nhiêu đời nay di tích vẫn được giữ gìn một cách nguyên vẹn.

Qua những lời đồn bí ẩn cùng những kinh nghiệm điền dã đã cho đoàn khảo sát những nghi ngờ và cả niềm phấn khích rằng, sẽ có nhiều điều bí ẩn và cả những thú vị cần phải làm sáng tỏ thông qua sự tìm tòi.

Và để làm được điều ấy, đoàn cần một "hoa tiêu" dẫn đường. Rất ít người dám đặt chân đến đó, một nỗi sợ mơ hồ truyền kiếp về tâm linh lan truyền níu chặt nhiều đôi chân vốn bạo gan nhất vùng. Nhưng có một người, vì kế mưu sinh và cũng cứng vía với "ma rừng", nên đã mấy lần ra vào hang săn thú. Đó là ông Nguyễn Văn Lượng, một người địa phương đã trên 50 tuổi. Sau một hồi thương thuyết, ông Lượng đồng ý làm "hoa tiêu" cho đoàn khảo cổ.

Vào động hang ma

Động hang ma là một hang đá lớn phân bố ở độ cao gần 600m so với thung lũng dưới chân núi. Từ dưới nhìn lên không thấy cửa hang bởi tán lá rừng che phủ. Đường lên hang vô cùng hiểm trở, nhiều chỗ dốc gần như dựng đứng, không có lối mòn, có chỗ phải đi vòng vèo tránh những vách đá dựng đứng. Có chỗ phải đu dây sang vách bên kia. Vì thế, phải mất gần 5 tiếng đồng hồ, đoàn mới tới được hang.

Cửa hang ma hình vòm nhỏ quay về hướng đông chếch nam. Từ cửa hang đi sâu vào trong khoảng 10m, nền hang bỗng tụt xuống như chiếc giếng lớn với độ sâu gần 20m. Được sự hướng dẫn đầy kinh nghiệm và có phần mạo hiểm của ông Lượng, từng thành viên đoàn khảo sát đã xuống đáy hang bằng cách quấn và đu bám dây thừng dài có buộc nút khấc.

Từ đây, lòng hang mở ra theo 2 ngách lớn, tối như bưng vì thiếu ánh sáng. Chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng được tìm thấy trong một ngách như vậy. Đó là chiếc quan tài được đẽo từ 1 thân cây gỗ lớn. Căn cứ vào những dấu vết gia công để lại, PGS.TS Trình Năng Chung nhận định, người xưa đã tách đôi thân cây gỗ theo chiều dọc, tạo thành 2 tấm có mặt cắt hình bán nguyệt khá đều nhau.

Tiếp đến, họ đẽo phần bên trong của 2 tấm gỗ lõm xuống hình lòng máng. Ở hai đầu quan tài được đẽo khá cẩn thận nhằm tạo đầu ngõng hình chữ nhật có đục một lỗ lớn có tác dụng để khóa 2 phần của quan tài lại khít với nhau, đồng thời cũng là điểm buộc dây, khiêng quan tài. Toàn bộ quan tài chỉ thấy dấu đẽo và đục, không có dấu vết của kỹ thuật cưa, bào...

Sau khi đo đạc tỉ mỉ, ông Chung cho biết, kích thước quan tài có độ dài toàn bộ là 2,80m, độ dài khoét lòng 2,20m, rộng lòng khoét 0,40m, độ sâu lòng khoét 0,20m và đường kính 0,54m.

Theo quan sát của chúng tôi, quan tài trong động hang ma được đặt trong một ngách hẹp có hướng đông - tây, ở vị trí cao cách nền hang khoảng 0,80m, con người có thể chui qua dễ dàng. Hiện tại phần nắp trên của quan tài đã bị bật mở. Đáy của quan tài, nơi đặt thi thể người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ tùy táng rơi xuống nền hang.


Những di vật lạ

Dưới nền hang là những mảnh sọ nhỏ và những mảnh xương ống bị gẫy. Hiện còn 2 chiếc bát tìm thấy ở gần vị trí mấy mảnh sọ. Trong đó có một chiếc bát chân cao, phần đáy bôi màu nâu đỏ, thân bát trang trí hoa lam với họa tiết cánh sen, bát được khoét lòng ở đáy, giữa lòng bát có chữ Phúc viết bằng chữ Hán.

Theo các nhà khảo cổ, đây là chiếc bát có niên đại khoảng thế kỷ XV thuộc dòng gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương. Chiếc bát còn lại, chân thấp, men màu trắng không có hoa văn. Cả hai bát đều có vết vỡ ở phần miệng. Có dấu hiệu di tích mộ đã bị xâm hại trước đó với mục đích lấy những vật tùy táng

Ở ngách bên cạnh, cách mộ thân cây khoảng hơn 20m là một vách đá dựng chắn lối đi, có hai chữ "Thiên thập" viết bằng chữ Hán ở tầm vừa tay với người lớn. Cạnh đó là hình một tam giác có một đỉnh quay xuống dưới. Phía dưới nền hang đã bị đào nham nhở, dấu hiệu đã có người đào bới.

Các nhà khoa học đang băn khoăn, liệu hàng chữ Hán này và ngôi mộ có liên quan gì với nhau không? Những chữ Hán và ký hiệu trên vách đá có ý nghĩa gì? Còn rất nhiều điều khác nữa tạo cho động hang ma một bí ẩn khôn cùng.

Theo ông Chung, dù còn nhiều bí ẩn chưa thể lý giải nhưng dẫu sao, những bí mật bước đầu về động hang ma đã được hé mở, cái lõi thực của những câu chuyện truyền thuyết là chiếc mộ thân cây khoét rỗng đã được khám phá một cách khá chu toàn.


"Khi chưa phát hiện ra động hang ma, đã từng có người làm nghề dò kim loại vào hang tìm kho báu nhưng chỉ thấy bát vỡ nên bỏ đi. Hiện, chúng tôi đã khoanh vùng bảo vệ hang một cách cẩn thận để chờ những kết luận chính thức".

Ông Ngô Nguyên Lạc (Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Định Hóa)

"Đây là lần đầu tiên tìm thấy loại di tích quan tài bằng thân cây, táng trong hang ở khu vực núi rừng Việt Bắc. Loại hình di tích này chúng ta đã từng biết đến ở vùng Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa) và Mộc Châu (Sơn La). Phát hiện này có giá trị khoa học cao, gợi mở nhiều nhận thức mới về lịch sử, văn hóa vùng Việt Bắc".

PGS.TS Trình Năng Chung

 

Phát hiện một thuyền cổ ở sông Đuống

 

 

Những người thợ lặn chuyên trục vớt đồ cổ vừa vớt được một chiếc thuyền cổ ở sông Đuống, đoạn trước lăng Kinh Dương Vương, Bắc Ninh.

Hiện chiếc thuyền đang đuợc lưu giữ tại sân nhà của ông Lê Thành Nghị, giáo viên tại xã Thuận Thành, Bắc Ninh.

Với kích thước 9,7m×0,84m, chiếc thuyền gỗ đã ngả đen và cứng. Ông Nghị cho biết đã mua chiếc thuyền này khi những người trục vớt điện thoại mời mua, nhưng không tiết lộ giá thành.

TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng phòng Môi trường và con người (Viện Khảo cổ) cho biết: “Tuy chưa xác định được niên đại chính xác, nhưng tôi nghĩ đây là một con thuyền cổ còn nguyên vẹn”.

Còn TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ thì cho rằng: “Theo những bức ảnh này thì đây không phải là mộ thuyền mà là con thuyền độc mộc thực thụ”. Từ mô tả hai con thuyền úp buộc vào nhau có thể thấy lúc bị vùi sâu dưới lòng sông thuyền không thực hiện chức năng vận chuyển. Rất có thể khi đó chúng đang ở bến đỗ hoặc đang ẩn giấu.

Bên cạnh đó, việc phát hiện thuyền ở đoạn sông sâu, giao lưu nhiều làn nước lại làm xuất hiện giả thuyết về việc thuyền trôi dạt do hiểm họa.

Vì không được xem trực tiếp thuyền và không có hiện vật kèm theo nên TS Bùi Văn Liêm cho rằng khó đoán định hiện vật chính xác về lọai hình, niên đại.

Tuy nhiên, theo TS Liêm, ông rất chú ý đến việc đoạn thân gỗ kê dưới thuyền có được phát hiện cùng 2 thuyền không. Bởi kiểu dáng và chất liệu gỗ (đặc biệt sau khi đưa lên khỏi nước) gần giống kiểu cọc Bạch Đằng. “Tôi cho rằng nếu xác định được niên đại gắn với địa danh vùng Kinh Dương Vương thì đây là tư liệu tốt để nghiên cứu về không gian văn hóa tại đây”, TS Liêm nhận định.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

THÁP CỔ MƯỜNG BÁM

 

 

 

alt

Suối Nậm Húa ở và từ huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La dồn nước làm thành  một nguồn của dòng “ Sông mã gầm lên khúc độc hành” “qua miền Tây Bắc”.
 Mường Bám là một vùng núi đồi và là lòng chảo thượng lưu, “bám” vào dòng Nậm Húa mà làm nên lịch sử và văn hóa của mình.
 Tháp cổ Mường Bám đóng một dấu ấn tuyệt vời lên dòng lịch  sử và văn hóa Mường Bám ấy. Cũng là di sản quí giá của Thuận Châu, của Sơn La, và của cả Tây Bắc.
 Cư dân cổ Mường Bám trong khoảng các năm 1569 – 1594 (tức Phật lịch 2113-2138) đã có tâm linh tinh ‎ý và con mắt tinh đời, nhận ra -giữa trùng điệp đồi núi quê hương – một cao điểm có dáng hình trầm mặc của bậc tu sĩ đang tọa thiền, “hua táng Keo, eo táng Lào” (đầu hướng về đất Việt, lưng tựa về phía Lào). Bên phải (hướng Bắc) và bên trái (hướng Nam) là hai “tay ngai” núi đá, tỏa ra, đánh đai quanh một quả đồi, có mặt bằng rộng( đến chừng 1 ha). Chân đồi, xoải về hướng Đông, trông ngay ra chỗ giao nước của hai nhánh suối Nậm Húa. Vào mùa nước cạn: lộ ra một bãi đất màu mỡ, còn đến mùa mưa, nước suối tràn dâng tới chân đồi.
 Những cư dân cổ Mường Bám ấy, vào và từ cuối thế kỷ 16 đã dồn công sức, dùng gạch vồ màu đỏ, kích cỡ lớn (dài: 35cm, rộng: 15cm, dày: 7cm); gắn kết với nhau bằng vôi, cát, và mật; lấy vữa tạo họa tiết hoa văn, nung đất thành những hình trang trí gắn thêm vào bên ngoài – làm nên một kiệt tác kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng và nghệ thuật, ở cao trên nơi đắc địa ấy.
 Đó  là một quần thể năm tòa tháp, gồm: một “tháp Mẹ” ở giữa, bốn “tháp Con” vây quanh trên bốn hướng: chính Đông, chính Tây, chính Nam, chính Bắc.
 “Tháp Mẹ”, cao 13mét, đế hình vuông, mỗi cạnh dài 2,6mét, có cấu trúc 4 tầng, thon dần từ chân tới đỉnh, mặt chính trông ra hướng Đông.
 “Tháp Con”, cao 3,7mét, đế hình vuông, mỗi cạnh dài 1,2mét, cũng có cấu trúc 4 tầng, mỗi chiếc ở cách “tháp Mẹ” khoảng 3mét. 
 Mặt bên ngoài của tất cả các tháp đều trát, đắp, tỉa, gắn… những hoa văn, trang trí, tuyệt đẹp, gồm: hoa văn hình người và động vật( vũ nữ, voi,  rắn, (Naga)…) và hoa văn hình kỷ hà ( tượng hình lá đề, hoa sen, hoa cúc…).
 Đấy là những di sản làm chủ cột cho một công trình chùa - tháp mà đến nay, được bảo lưu tại chỗ, dưới dạng được tu tạo vào và từ thế kỷ 19, hoặc chỉ còn dấu tích, và phế tích.
 Trong số này, có “nền chùa” ( ở cách “tháp Mẹ” khoảng 4m về phía Nam, diện tích khoảng 4mét*6mét, là di tồn của một kiến trúc, tương truyền: làm bằng gỗ, hai mái chảy, lợp bằng cỏ gianh, và cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn là nơi thường có hai nhà sư túc trực để làm lễ, đánh chuông, trông coi, quét dọn tháp) và “nhà sư ở” ( cách khu dựng tháp khoảng 200mét về phía Bắc, là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, tương truyền có mười nhà sư cư trú thường xuyên)…
 Ở cách trung tâm huyện Thuận Châu ngày nay khoảng 70km về phía Tây Nam, và cách thành phố Điện Biên khoảng 150km về phía Đông Nam, những di tích của xã Mường Bám – đang còn được gọi nữa, bằng tên: “Thạt Bản Lào” (tháp bản Lào) – vì mang đậm nét kiến trúc chùa tháp của văn hóa dân tộc Lào.
 Đồng bào Lào trong cộng đồng cư dân các dân tộc Việt Nam ở Tây Bắc, ở Sơn La,  Thuận Châu và ở ngay xã Mường Bám, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 và cho đến tận bây giờ, đã đóng góp cho sự phát triển của lịch sử - văn hóa của đất nước và dân tộc  Việt Nam công cuộc xây dựng, vận hành, và bảo tồn công trình tháp cổ Mường Bám, rất đặc sắc trên cả hai phương diện ‎sau đây:
- Làm nên một đặc sắc của sự giao thoa văn hóa Việt Lào – biểu hiện và cơ sở của mối quan hệ đặc biệt Việt Lào trong lịch sử trên đất Tây Bắc và Sơn La.
 - Cũng là nét đặc sắc của sự làm giàu nền văn hóa Phật giáo ở Việt Nam, khi đem cộng những kiến trúc Phật giáo Tiểu thừa ( có nguồn gốc Ấn Độ, nhưng đến từ phía Tây, bằng đường bộ) này, với những kiến trúc chùa tháp Đại thừa ( đến từ phía Đông bằng đường biển).
 Tháp cổ Mường Bám ( Thuận Châu), cùng với tháp cổ Mường Và ( huyện Sốp Cộp) ở Sơn La, hợp với tháp cổ Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) ở Điện Biên, một khi được chú ý ‎nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo, chắc chắn sẽ đem cả hai nét đặc sắc đó mà làm nên một hệ thống công trình tháp cổ, tham gia vào công cuộc phát triển văn hóa và du lịch của Sơn La và ở Tây Bắc.


                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          Hà Nội, tháng 5 năm 2012

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện gần 60 di chỉ khảo cổ gần Rio de Janeuro

 

 

Ngày 19/4, các nhà khảo cổ học Brazil cho biết, trong khi tiến hành mở rộng con đường gần thành phố Rio de Janeuro, họ đã phát hiện gần 60 di chỉ khảo cổ có niên đại 6000 năm.

Phát hiện gần 60 di chỉ khảo cổ gần Rio de Janeuro

Việc phát hiện các di chỉ này đã khiến việc mở rộng con đường phải tạm ngừng.

Phát biểu với báo giới, bà Jandira Neto - nhóm trưởng của 40 thành viên thuộc Viện Khảo cổ học Brazil (IAB) cho biết, họ đã tìm thấy một giếng đá nhỏ có nước trong vắt, có từ thời Brazil là thuộc địa của người Bồ Đào Nha.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn khai quật được rất nhiều di vật như hàng triệu vỏ sò của nhiều nhóm người thiểu số sinh sống ở vùng ven biển nước Mỹ trong khoảng từ 8000 đến 6000 năm trước đây, nhiều ngôi mộ cổ có niên đại 2000 năm, tẩu thuốc lá bằng gốm của người bản địa Tupi-Guarani cũng như bát đĩa bằng sành của châu Âu từ thế kỷ thứ 19.

Bà Neto nhấn mạnh, những di vật trên đã khẳng định nơi cư trú của tộc người trên là trùng khớp với những tài liệu khảo cổ được công bố trước đó, đồng thời cũng chỉ ra rằng người châu Âu đã đặt chân lên mảnh đất này, khai phá và cùng sinh sống với người dân bản địa.

Bà Neto cũng cho biết, khi bắt tay vào mở rộng con đường từ năm 2008, những nhà khảo cổ học chỉ hy vọng sẽ tìm được một vài di chỉ, nhưng trong vòng một năm họ đã phát hiện ra từ 36-58 di chỉ và sẽ còn tìm thấy một vài nơi nữa.

Các nhà khảo cổ khẳng định, việc xây dựng con đường mới đã giúp Brazil bảo tồn được nhiều di sản lịch sử của khu vực.

Theo lịch sử, khu vực này nằm bên con đường dài khoảng 70km với tên gọi "Vòng cung thủ đô" trải dài từ khu công nghiệp thuộc vùng đất trũng Fluminense ở phía Bắc đến cảng Itaguai ở phía Tây nơi từng được biết đến như một địa điểm du lịch trong các thế kỷ 16, 17 và 18.

Tuy nhiên, vận may của các nhà khảo cổ học lại là nguyên nhân gây đau đầu cho các kỹ sư thuộc Cơ quan công trình công cộng bang Rio de Janeuro.

Theo kế hoạch, dự án mở rộng con đường dự kiến hoàn thành vào năm 2011 với tổng kinh phí là 511 triệu USD, nhưng sẽ bị kéo dài đến năm 2013 do việc khai quật vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Con đường mới gần thành phố Rio de Janeuro có nhiều ý nghĩa khi giúp giải tỏa được "nút cổ chai" - nguyên nhân gây ách tắc giao thông tại khu vực này. Đây cũng là một trong những hạng mục công trình của Brazil chuẩn bị cho Vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) năm 2014 và Thế vận hội Olympics mùa Hè 2016 do thành phố này đăng cai.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện “mẻ” trứng khủng long khổng lồ

 

 

Các nhà khảo cổ Nga đã phát hiện được tới 40 quả trứng khủng long hóa thạch với niên đại lên tới 60 triệu năm tại Chechnya. Tuy nhiên, mẻ trứng này là “tác phẩm” của loài nào thì vẫn còn là một bí ẩn.

Phát hiện “mẻ” trứng khủng long khổng lồ

“Chúng tôi mới tìm thấy 40 quả, nhưng tin rằng có thể còn thêm nếu tiếp tục đào sâu hơn”, nhà khảo cổ Emin Dzhabrailov của Đại học Chêchn cho biết trên DailyMail.  Lô trứng khổng lồ được phát hiện hết sức tình cờ trong lúc người ta cho nổ sườn đồi để xây đường ở gần biên giới Chechnya với nước CH Georgia thuộc Liên xô cũ.

Những quả trứng tìm thấy có hình oval trơn nhẵn, khá giống đá với đường kính rất khác nhau, từ 25cm cho tới một mét. “Chúng tôi tình cờ đi qua đấy đúng thời điểm họ tìm thấy các quả trứng. Thật sự là một cơ may”, ông Dzhabrailov kể lại.

Họ lập tức khẳng định ngay đây chỉ có thể là trứng khủng long do kích cỡ khổng lồ của chúng. Tuy vậy, cần có sự phân tích sâu hơn của các nhà cổ sinh vật học thì mới xác định được chính xác loài khủng long nào là “phụ huynh” của mẻ trứng.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9024234
Số người đang online: 27