Tìm thấy tượng Phật quý ngàn năm tuổi

 

 

Trong đống đổ nát của tu viện Phật giáo ở Afghanistan, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một bức tượng đá được cho là tượng của hoàng tử Tất Đạt Đa trước khi ông sáng lập Phật giáo.

Theo Live Science, bức tượng được tìm thấy năm 2010 này đã được nhiều nhà khoa học nhắc tới, trong đó có Gérard Fussman, một giáo sư tại Collège de France ở Paris. Cao khoảng 28 cm và được chạm khắc trên đá, bức tượng mô tả một hoàng tử cùng với một tu sĩ. Dựa trên một đồng xu bằng đồng được tìm thấy gần đó, Fussman ước tính bức tượng này có niên đại ít nhất 1.600 năm.

Hoàng tử Tất  Đạt Đa được mô tả đang ngồi trên một chiếc ghế tròn, mắt nhìn xuống, chân phải gối lên đầu gối trái. Ông mặc dhoti (trang phục truyền thống cho nam giới ở Ấn Độ), quấn khăn tubar, trên cổ đeo một chuỗi hạt, ngồi dưới tán cây đa. Nhà sư đứng ở phía bên phải của hoàng tử, tay phải cầm một bông hoa sen hoặc cành cọ (hiện nay tay phải của bức tượng nhà sư đã bị hỏng nên chi tiết này chưa được khẳng định).

Dựa trên một số đặc điểm được mô tả lại, đặc biệt là tán lá đa, Fussman tin rằng vị hoàng tử được chạm khắc trên đá chính là Cồ Đàm Tất Đạt Đa, người sau này đã trở thành Phật. Bức tượng này mô tả hoàng tử Tất Đạt Đa khi ngài chưa bắt đầu cuộc hành trình định mệnh về giác ngộ của mình.

Fussman cũng cho biết việc phát hiện ra bức tượng này cho thấy có thể có một tu viện trong thời cổ đại dành riêng cho Tất Đạt Đa trước khi giác ngộ. Ý tưởng này lần đầu tiên được giáo sư Gregory Schopen nhắc đến năm 2005.

Schopen đã tìm thấy bằng chứng cho điều này khi nghiên cứu các phiên bản giới luận tại các tu viện của Tây Tạng. Hiện các nhà khoa học vẫn tiến hành các cuộc khai quật nhằm cứu các hiện vật quý trước khi khu vực này bị xáo trộn bởi các khai thác mỏ đồng.

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội (12/06/2012)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Nxb Hà NộiTác

Kích thước: 16 x 24 cm

Hình thức bìa: Bìa cứng

Năm xuất bản: 2011

Số trang: 571

Trong tạo hình của người Việt, yếu tố biểu tượng đã phát triển rất cao. Biểu tượng Việt gắn rất chặt với bước đi và xã hội Việt, đặc biệt là lịch sử văn hóa. Cuốn sách nhằm hệ thống hoá và đánh giá giá trị biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa, từ đó nhằm giải mã những giá trị trong di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Giới thiệu về nội dung:

Trong tạo hình của người Việt, yếu tố biểu tượng đã phát triển rất cao. Biểu tượng Việt gắn rất chặt với bước đi và xã hội Việt, đặc biệt là lịch sử văn hóa. Cuốn sách nhằm hệ thống hoá và đánh giá giá trị biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa, từ đó nhằm giải mã những giá trị trong di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Đối tượng của đề tài liên quan chặt chẽ với các hiện vật chính được bài trí dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều chất liệu khác nhau ở di tích. Tư liệu về biểu tượng chủ yếu thông qua kết quả của các đợt điền dã thực địa ở nhiều địa điểm khác nhau, mà địa bàn cơ bản là châu thổ Bắc Bộ, tức là địa bàn sinh tụ và định cư lâu đời củ người Việt với một trọng tâm là Hà Nội. Đề tài có đóng góp tích cực vào việc xác định giá trị tích cực của di tích.

Bố cục của công trình như sau:

Phần 1: Những tiên đề tiếp cận giá trị biểu tượng

I. Địa lý cảnh quan một Hà Nội cổ

II. Cư dân thời đại đồ đá ở Hà Nội với các biểu tượng văn hoá nghệ thuật

III. Cư dân thời đại đồng thau và sắt sớm với các biểu tượng văn hoá nghệ thuật

IV. Phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ Hà Nội thể hiện trên các biểu tượng

Phần 2: Giá trị biểu tượng Hà Nội dưới thời quân chủ dân tộc

I. Giá trị biểu tượng trong kiến trúc chung và Hà Nội

II. Về giá trị biểu tượng trong điêu khắc tượng tròn, đồ thờ ở Hà Nội

IV. Giá trị biểu tượng trong chạm khắc trang trí trên địa bàn Hà Nội

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm ra thủ phạm đốt lăng mộ Tần Thủy Hoàng

 

 

Các nhà khảo cổ học vừa khai quật được 120 chiến binh đất nung từ thời Tần Thủy Hoàng (221-206 BC) tại Thiểm Tây, Trung Quốc. Đợt khai quật lần này cũng tìm thấy những đồ thờ cúng chưa từng thấy như trống trận, khiên được sơn màu…

Bắt đầu từ năm 2009, đây là đợt khai quật khảo cổ lần thứ ba liên quan đến triều đại nhà Tần, sau các lần năm 1974 và 1985, theo Guardian.

Những chiến binh đất nung, được phát hiện tại khu bảo tồn di sản thế giới về Tần Thủy Hoàng tại thành phố Tây An, trước đó đã bị lấy mất vũ khí, bị đập phá và đốt, theo Nhật báo Thượng Hải.

Theo các quan chức của Bảo tàng chiến binh đất nung và ngựa chiến của Tần Thủy Hoàng thì Hạng Vũ, một tướng đương thời, người lật đổ triều Tần được cho là tác giả vụ đốt phá lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

“Chúng tôi đã tìm thấy số lượng lớn đất sét đỏ, than củi và những hố đào tại khu vực khảo cổ", Thẩm Mao Thắng, lãnh đạo nhóm khảo cổ nói: “Có dấu hiệu của sự đốt phá”.

Tính từ năm 2009 đến nay, người ta đã đã tìm thấy hàng ngàn chiến binh và ngựa bằng đất nung, cỡ bằng người thật, tại ba điểm khai quật cùng khu vực.

Năm 1974, các nông dân ở quận Lâm Đồng, thành phố Tây An, Thiểm Tây vô tình tìm thấy những tượng đất nung trong đất tại một khu vực gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đã thống nhất Trung Quốc ở thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Hơn 8.000 tượng chiến binh, 130 chiến xa, 520 ngựa và 150 kỵ binh được khai quật tại một khu vực rộng 14.000m2. Đây mới chỉ là một góc nhỏ của khu vực lăng mộ.

Tuy nhiên, hầu hết vũ khí (đồ thật) như giáo, kiếm và kích đã biến mất, Tào Ngụy, phó giám đốc bảo tàng nói.

“Chính Hạng Vũ, người đứng đầu lực lượng nổi dậy mới có đủ sức mạnh, thời gian và động cơ cướp phá khu vực lăng mộ”, nhà khảo cổ họ Thẩm nói.

Hạng Vũ rất căm ghét Tần Thủy Hoàng, và đó là động cơ ông ta cho phá hủy “những người bảo vệ lăng mộ” (các chiến binh đất nung) của vị vua nhà Tần. Hạng Vũ cũng cần vũ khí để chống lại quân đội nhà Tần bởi vào thời điểm đó, nhà Tần cấm sản xuất vũ khí trên toàn Trung Quốc, các nhà khảo cổ cho biết.

Hầu hết tượng đất nung trong đợt khai quật này đã bị vỡ thành nhiều mảnh và các nhà khoa học phải xếp lại từng phần. Từ lâu đã có nghi vấn khu lăng mộ bị đốt phá nhưng chưa ai có bằng chứng cho đến đợt khai quật lần này.


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội thảo về phát huy giá trị di sản thành nhà Hồ

 

 

Ngày 5.6, tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo nhằm tìm ra “giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ”. Có nhiều ý kiến cho rằng việc phát huy giá trị di sản phải có lộ trình cụ thể, không thể quá nóng vội, sẽ dẫn tới việc vùi dập di sản.

alt

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN: Trước tiên, phải đầu tư để tạo thành một sản phẩm đồng bộ gồm: Cơ sở vật chất dịch vụ, hệ thống trưng bày, điều kiện thiết chế để phục vụ khách, hệ thống thuyết minh, công tác quảng bá, đầu tư nguồn nhân lực... Vì vậy, không nên vội vã đưa du khách đến khi các điều kiện chưa được chuẩn bị đầy đủ. Còn GS-TS Trần Trí Dõi đến từ Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trước mắt, ngành du lịch cần đặt mục tiêu “du lịch vãng lai” trong một ngày là một bước đi hiện thực nhất.

Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) khuyến nghị: Việc trùng tu, bảo tồn di sản phải đảm bảo tính chân xác và chính danh, bởi nếu làm ẩu sẽ dẫn đến “tam sao thất bản” về di sản.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Vạn lý Trường thành dài hơn 21.000 cây số

 

 

Vạn lý Trường thành của Trung Quốc hóa ra dài hơn rất nhiều so với giả định trước đây, không phải là 8.850 km  mà là 21.196 km.

Theo các kết quả của nghiên cứu do Cục quản lý nhà nước về di sản văn hóa Trung Quốc bắt đầu tiến hành từ năm 2007, tổng chiều dài của công trình này vượt hơn gấp đôi các dữ liệu đã được biết trước đây.

Thực tế cho thấy, các cuộc khảo cổ trước đó chỉ đo đạc những đoạn tường của Vạn lý Trường thành đã được xây dựng trong triều đại nhà Minh (1368-1644). Tổng chiều dài của phần này là 8.850 km.
 
Trong khuôn khổ của cuộc  nghiên cứu khảo cổ học quy mô lớn gần đây nhất, người ta đã tiến hành khảo cứu gần 44 nghìn mảnh tường và những  tiền đồn của nó được xây dựng trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử Trung Quốc. Tổng cộng, họ đã phát hiện ra Vạn lý Trường thành là 21.196,18 km, trong đó một số mảnh tường chỉ còn trơ lại phần móng. Theo những số liệu cuối cùng, cho đến nay chỉ có 8,2% tổng chiều dài của bức tường, được xây dựng trong triều đại nhà Minh là còn giữ được nguyên trạng ban đầu.

Trái với các nhầm lẫn đang tồn tại, Vạn lý Trường thành thành chưa bao giờ là một công trình phòng thủ thống nhất. Nó đã được xây dựng tại nhiều vùng khác nhau dưới các triều đại khác nhau và nhằm nhiều mục đích khác nhau. Năm 1987, Vạn lý Trường thành đã được ghi vào Danh sách di sản thế giới của UNESCO.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện tổ tiên loài xúc tu

 

 

Các nhà khoa học đã khai quật được hóa thạch 128 triệu năm tuổi của một sinh vật được cho là tổ tiên lâu đời nhất của họ hàng nhà mực và bạch tuộc ngày nay.

Sử dụng công nghệ quét 3D, một nhóm chuyên gia của Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Áo đã tìm thấy hóa thạch của loài sinh vật trên, được đặt tên là Dissimilites intermedius. Sau đó, họ dựng mô hình nhằm ghi lại cách sống và di chuyển của chúng.

Hóa thạch trên được phát hiện dưới lớp trầm tích hình thành nơi đáy biển từ kỷ Phấn trắng cách đây khoảng 128 triệu năm, nhưng nay nằm trên đỉnh Dolomite ở dãy núi Alps.

Các nhà khoa học cho biết công nghệ chụp X-quang đã cho phép họ nhìn thấu qua lớp đá bề mặt và quan sát được sinh vật nằm bên trong khối hóa thạch.

Theo nhóm chuyên gia, đại dương Tethys thời tiền sử từng nằm giữa hai lục địa Gondwana và Laurasia trước khi xuất hiện Ấn Độ Dương.

Sau đó, lục địa Gondwana vỡ ra và hình thành hầu hết khu vực nam bán cầu, còn Laurasia hình thành hầu hết khu vực bắc bán cầu.

Qua nhiều thế kỷ, dãy núi Alps trồi lên khỏi đại dương và đẩy một số trầm tích "hàng triệu triệu năm" lên nằm ở đỉnh cao chót vót của Dolomite.

Đó cũng là nơi các chuyên gia Áo phát hiện được hóa thạch của tổ tiên loài xúc tu.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thành Nhà Hồ Thanh Hóa - Di sản Văn hóa Thế giới

 

 

Nguyễn Văn Kự Ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ đã được Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 16-6-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức trọng thể Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ.

Thành Nhà Hồ Thanh Hóa - Di sản Văn hóa Thế giới

Thành nhà Hồ nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa (còn gọi là thành An Tôn, Thành Tây Đô, Thành Tây Giai hay thành Tây Kinh). Thành được xây vào năm Đinh Sửu (từ tháng Giêng tới tháng 3 năm 1397), người chủ trương xây thành là Hồ Quý Ly lúc đó là Thái sư nắm giữ ,mọi quyền lực của Triều đình nhà Trần. Người trực tiếp tổ chức và điều hành là Thượng thư bộ lại kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh. Tháng 3 năm Canh Thân, Hồ Quý Ly lên ngôi lập ra nhà Hồ lấy tên nước là Đại Ngu (1400-1407) và Tây Đô là kinh đô.

Thành Tây Đô bao gồm thành Nội và thành Ngoại. Thành Nội có mặt bằng gần hình vuông, chiều Đông – Tây dài 877m; Nam – Bắc dài 880m, diện tích 771.760m2. Phần tường thành phía ngoài xây bằng 7 hàng đá xếp ngang, 2 hàng đá chìm dưới đất làm thành móng, 5 hàng nổi trên mặt đất, kích thước trung bình của 5 lớp đá nổi trên mặt đất kể từ trên xuống là : 0,4m; 0,6m; 0,8m; 1m; 1,1m. Các phiến đá nặng trung bình từ 10 – 20 tấn, ước tình toàn bộ phần tường đấ có khối lượng 25.000m3, phần tường đất khoảng 80.000m3; tổng diện tích bề mặt đá hiện còn đo được 10.111.000m2.

Thành Nội có 4 cổng: Nam, Bắc, Đông, Tây. Cổng Nam là cổng tiền được xây ba cửa, các cổng còn lại chỉ xây một cửa.

Các công trình kiến trúc xưa như: Điện Hoàng Nguyên, Cung Nhân Thọ, Cung Phù Cực, Đông Cung, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu… đều không còn nữa. Di vật đặc biệt còn lại là đôi rồng đá dài 3,62m. Di tích phụ cận đặc biệt là Đàn Tế Nam Giao “có mặt bằng còn tương đối nguyên vẹn, có niên đại sớm nhất nước ta, được xây dựng năm 1402”.

Tại Tây Đô, Vương triều Hồ để lại nhiều dấu ấn lịch sử dân tộc trên các phương diện, tiêu biểu nhất là những sự kiện về văn hóa, giáo dục như: Lập đàn Xã Tắc năm Đinh Sửu (1397); đắp Đàn tế Nam Giao và cử hành lễ tế vào năm Nhâm Ngọ (1402); tổ chức hai kỳ thi Thái học sinh (tương đương kỳ thi Đình) vào các năm Canh Thìn  (1400), Ất Dậu (1405), cả hai lần thi lấy đỗ 190 người, trong số đó có Nguyễn Trãi – Anh hùng dân tộc,  Danh nhân Văn hóa thế giới.

Thành nhà Hồ là một tòa kinh thành xây bằng đá độc đáo, có quy mô lớn ở Việt Nam – là Di sản Văn hóa thế giới.

Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ. Ảnh Nguyễn Văn Kự

 
 

Giải mã sự sụp đổ của nền văn minh cổ đại đầu tiên

 

 

Mới đây, các nhà khảo cổ học lý giải nguyên nhân sụp đổ của nền văn minh Indus- một trong những đô thị lớn đầu tiên trên thế giới.

Các nhà khảo cổ học tin rằng, sự biến đổi khí hậu đã xóa sổ nền văn minh Indus, từng phát triển mạnh khoảng hơn bốn nghìn năm trước đây.

Nền văn minh Indus là một trong những nền văn hóa đô thị lớn đầu tiên trên thế giới, bao quát toàn bộ Ai Cập và Lưỡng Hà.

Đế chế này trải rộng trên hơn một triệu kilomet vuông, kéo dài từ biển Ả Rập đến sông Hằng, tương ứng với khu vực phía tây bắc Ấn Độ, phía đông Afghanistan và Pakistan hiện nay.

Nền văn minh Indus đã bị lãng quên cho đến khi di tích được khai quật vào năm 1920. Kể từ sau đó, một loạt các nghiên cứu đã phát hiện một nền văn hóa đô thị phức tạp với những các tuyến đường thương mại nội thị được thiết lập.

Các nhà khảo cổ học cũng khám phá những công trình xây dựng, hệ thống vệ sinh môi trường, nghệ thuật, khoa học, cùng hệ thống chữ viết, gắn liền với nền văn minh.

Nhóm nghiên cứu quốc tế mất hơn năm năm để kết hợp những hình ảnh vệ tinh và các dữ liệu về địa chất để lập ra bản đồ địa hình kỹ thuật số toàn bộ khu vực mà nền văn minh Indus từng tồn tại.

“Chúng tôi đã tái hiện cảnh quan của khu vực đồng bằng, nơi nền văn minh Indus phát triển khoảng 5200 năm trước đây, tuy nhiên đã từ từ biến mất trong khoảng thời gian từ 3000 đến 3900 năm trước.

Cho đến nay, có rất nhiều suy đoán về sự liên kết giữa nền văn minh Indus và những con sông đem lại sự trù phú cho mảnh đất, nơi con người thời kỳ đó từng sinh sống”, nhà khảo cổ Liviu Giosan thuộc Viện Hải Dương Học Woods Hole (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Theo kết quả nghiên cứu, những con sông đem lại sự sống cho nền văn minh Indus, tuy nhiên, khi những cơn gió mùa gây mưa biến mất thì nền văn minh cổ đại này cũng biến mất theo.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lượng mưa giảm làm suy yếu các con sông, trong khi, nguồn nước sông lại đóng vai trò quyết định đến sự sống còn của nền văn hóa người Harappan - nhóm người chiếm 10% dân số thế giới thời cổ đại, tạo nên sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Indus.

Nền văn minh Indus đã biến mất một cách bí ẩn khoảng hơn 4.500 năm trước đây. Lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện, chính biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây nên sự sụp đổ của đô thị cổ đại nổi tiếng này.

 

Khai quật di tích Đồn Thứ

 

 

Viện Khảo cổ học VN phối hợp với Sở VH-TT-DL Bình Định đang khai quật di tích Đồn Thứ  thuộc hệ thống Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định.

Khai quật di tích Đồn Thứ

Di tích Đồn Thứ nằm dưới chân núi Hòn Bồ thuộc thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, H.Hoài Nhơn, Bình Định. Đồn Thứ ở độ cao 500 m so với mực nước biển. Các nhà khảo cổ cho biết đến nay đã khảo sát, phát hiện được khoảng 100 đồn trong hệ thống Trường Lũy, nhưng duy nhất Đồn Thứ có quy mô đáng kinh ngạc: diện tích 16.000 m2, chia làm 2 khu bắc và nam bởi bờ tường được đắp kiên cố như bờ thành xung quanh đồn và có một cửa thông nhau ở giữa bờ tường.

Bờ thành Đồn Thứ cao từ 2 - 3 m, đắp 2 cấp, cấp trên có bề mặt rộng từ 1 - 2 m, cấp dưới rộng từ 2 - 4 m, chân rộng 4 - 6 m, sâu khoảng 50 cm. Cửa chính ở phía nam và 2 cửa phụ: đông, tây. Riêng bờ thành bắc không có cửa. Có 5 tháp canh bố trí ở 4 góc đồn và giữa bờ thành tây.

Trong khu nam của đồn, các nhà khảo cổ phát hiện 3 chân lư lớn, 2 chân lư nhỏ và một số mảnh thân lư bằng đất nung có in hoa 7 cánh cùng hoa văn khắc vạch. Theo TS Nguyễn Tiến Đông, người chủ trì cuộc khai quật, lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện dấu vết tín ngưỡng sau 7 năm khảo sát, khai quật di tích Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số hiện vật gia dụng của người Việt bằng đất nung và gốm men Trung Quốc thế kỷ 18. Loại gạch vồ kích thước lớn cũng được tìm thấy trong Đồn Thứ. Không giống các đồn khác đã phát hiện, chủ yếu là quản lý qua lại đông - tây, Đồn Thứ có chức năng chủ yếu sơn phòng, bảo vệ khu vực rộng lớn không đắp bờ lũy, giữ an ninh cho đoạn đường kinh lý bắc - nam xung yếu.

 

 
 

Phát hiện nhạc cụ 42.000 năm tuổi

 

 

Một số cây sáo làm từ xương chim và ngà voi ma mút vừa được tìm thấy tại một hang động có tên là Geissenkloesterle thuộc dãy núi Swabian Jura ở miền nam nước Đức. Đây là bằng chứng giúp xác định thời điểm người hiện đại (Homo sapiens) tới định cư tại Châu Âu.

Phát hiện nhạc cụ 42.000 năm tuổi

Geissenkloesterle là một trong số những hang động nằm trong khu vực mà người hiện đại đã từng chế tác đồ trang sức, các biểu tượng nghệ thuật, hình ảnh thần thoại và nhạc cụ. Theo các chuyên gia khảo cổ, nhạc cụ có thể đã được dùng để giải trí hoặc trong các nghi lễ tôn giáo.

Bằng phương pháp carbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu ước tính cây sáo này có tuổi từ 42.000 đến 43.000 năm. Trước đó, vào năm 2009, Giáo sư Nick Conard thuộc trường đại học Tuebingen cũng đã phát hiện một cây sáo có 5 lỗ, dài 22cm và có niên đại 35.000 năm tại vùng núi này. Những nghiên cứu cách đây vài năm cũng đã đưa ra giả thiết về sự hiện diện của người hiện đại ở Châu Âu.

Theo đó, sông Danube là hành lang quan trọng trong quá trình di dời vào trung tâm Châu Âu cách đây khoảng 40.000 đến 45.000 năm của người hiện đại. Một giả thuyết được đặt ra rằng, âm nhạc là một bộ hành vi giúp người hiện đại phát triển hơn người Neanderthal, một chủng tộc của người hiện đại đã bị tuyệt chủng cách đây 30.000 năm.

Cách đây 39.000 đến 40.000 năm, Châu Âu rơi vào một giai đoạn lạnh giá khi những tảng băng trôi khổng lồ từ Bắc Đại Tây Dương làm nhiệt độ giảm mạnh. Bằng chứng được tìm thấy lần này đã chứng minh, người hiện đại đã đến Châu Âu trước giai đoạn lạnh giá này từ 2000 đến 3000 năm. Điều này trái ngược với những tranh luận trước đây khi các nhà khoa học cho rằng người hiện đại đã có mặt ở Châu Âu sau giai đoạn này.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9024103
Số người đang online: 23