Nhà xuất bản: Hà Nội
Năm xuất bản: 2019
Kích thước: 16x24 cm
Số trang: 720
Địa bạ huyện Thanh Trì tập 2 là 1 trong 10 đầu sách trong bộ Tuyển tập địa bạ Thăng Long-Hà Nội do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên. Tài liệu được dịch từ nguyên bản chữ Hán Nôm theo đơn vị hành chính cơ sở ở thời điểm lập địa bạ (1805). Các thông tin về đất đai như giáp giới, tình hình sử dụng của các loại đất của các xã, thôn thuộc huyện Thanh Trì được mô tả chi tiết trong tập sách này. Các đơn vị được đề cập đến trong tập 2 bao gồm các tổng Ninh Xá, Quang Liệt, Thâm Nhị, Thanh Trì, Vạn Phúc, Vân La, Vĩnh Hưng Đặng.
Trân trọng giới thiệu!
Nhà xuất bản: Thế giới, MaiHaBooks
Năm xuất bản: 2021
Kích thước: 24 cm
Số trang: 304
Cuốn sách “Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X - XIX” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên được phát triển từ luận án Tiến sĩ Sử học của chính tác giả, bảo vệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2018. Luận án có tầm cỡ một công trình nghiên cứu chuyên sâu không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn thiết thực đóng góp vào công cuộc nghiên cứu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và an ninh vùng Bắc Trung Bộ của Tổ quốc.
      Điểm nổi bật của cuốn sách mà người đọc dễ dàng nhận thấy là tính phong phú chuyên sâu của công trình với gần 500 lời dẫn chú thích rút ra từ hơn 250 nguồn tư liệu tham khảo tin cậy, bao gồm cả thư tịch cổ cũng như tài liệu thực địa, đặc biệt phần phụ lục chứa nhiều văn bản và bản đồ cổ hiếm quý, thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, công phu trong khoảng thời gian tương đối dài của người nghiên cứu.
       Như một lữ khách trong chuyến du lịch văn hóa - sinh thái trên những trang sách, người đọc có thể dừng lại, theo dõi và thưởng thức những cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, hoạt động kinh tế đến từng chi tiết hiếu kỳ và hấp dẫn của mỗi địa điểm, trong chuỗi 12 hải cảng được chọn lọc miêu tả ghi nhận từ 19 cửa sông, nằm dọc theo bờ biển vùng Bắc Trung Bộ, bao gồm 4 cảng thuộc tỉnh Thanh Hóa, 3 cảng thuộc tỉnh Nghệ An và 5 cảng thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Thực ra từ trước đến nay, đâu đó cũng đã từng có những địa chí, chuyên khảo mô tả về từng địa điểm hoặc từng nhóm địa danh trong cùng một địa phương. Nhưng có lẽ tác giả là người đầu tiên có tham vọng muốn kết nối tập hợp những cảng biển đó thành một cụm cảng, một chuỗi cảng để khảo sát và phân tích, qua từng thành tố riêng lẻ cũng như cấu trúc tổng thế. Đây có thể coi là một ý tưởng nghiên cứu mới lạ, đặc sắc.
Trân trọng giới thiệu
Nhà xuất bản: Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật
Năm xuất bản: 2021
Kích thước: 16 x 24cm
Lịch sử Hải Phòng là bộ sách thông sử, trình bày có hệ thống toàn bộ lịch sử Hải Phòng gần 2 vạn năm kể từ khi có dấu tích của con người xuất hiện cho đến năm 2020. Bộ sách bao gồm 4 tập: 
Tập 1: Từ thời nguyên thủy đến năm 938
Tập 2: Từ năm 938 đến năm 1888
Tập 3: Từ năm 1888 đến năm 1955
Tập 4: Từ năm 1955 đến năm 2020
        Với 4 tập sách với gần 2000 trang cùng nhiều hình ảnh minh họa, hình thức đẹp, nội dung sâu sắc, ý nghĩa, bộ sách thật sự làm nổi bật và phản ánh khá đầy đủ, khách quan, chân thực giá trị lịch sử đặc sắc của thành phố cảng. 
      Sách có giá trị phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng chính trị, khơi dậy niềm tự hào, mong muốn phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người Hải Phòng nói riêng, người Việt Nam nói chung trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đóng góp nguồn tư liệu quý vào lịch sử Việt Nam
Trân trọng giới thiệu
Nhà xuất bản:  KHXH, MaiHaBooks
Năm xuất bản: 2022
Kích thước:
Số trang: 534
       Cuốn sách “Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần” do MaiHaBooks liên kết cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản năm 2022, là một công trình chuyên khảo đặc sắc với 17 chuyên luận của tập thể các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu khác nhau.
       Với cấu trúc ba phần: Phần thứ nhất nghiên cứu về hình thái kinh tế; Phần thứ hai nghiên cứu về thể chế chính trị và kết cấu đẳng cấp; Phần thứ ba nghiên cứu về văn hóa – tư tưởng, cuốn sách đã thâu tóm toàn diện các khía cạnh nghiên cứu về xã hội Đại Việt thời Lý – Trần
     Đây là một công trình nghiên cứu tiêu biểu về lịch sử Việt Nam cổ trung đại, thể hiện mối quan tâm sâu sắc của giới sử học Việt Nam trong thập niên 70, 80 của thế kỷ XX trên bình diện gắn các vấn đề lịch sử dân tộc với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nhằm phục vụ phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trân trọng giới thiệu!
Tác giả: KTS. Lê Văn Lân
Nhà xuất bản: Hà Nội - 2019
Tổng số trang: 483tr
Kích thước: 16 x 24cm
 
Kể từ định đô, kiến trúc Thăng Long - Hà Nội đã biết bao đổi thay phát triển. Theo mỗi bước chuyển mình ấy là trí tuệ, mồ hôi và cả sức mạnh từ hào khí Thăng Long trong vận mệnh của dân tộc và thời đại.
Cuốn sách giúp ta hình dung được quá trình hình thành diện mạo kiến trúc Thăng Long từ những tụ cư bên sông Hồng tới Đại La, định đô Thăng Long và diện mạo ban đầu, Thăng Long thời Lý - Trần - Hồ, Thăng Long thời Lê - Mạc - Tây Sơn, thời Nguyễn, những xây dựng đầu tiên của Pháp ở Hà Nội, chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai, cấu trúc không gian đô thị thời Pháp thuộc. Bên cạnh đó là diện mạo kiến trúc Hà Nội từ hòa bình trở lại đến những năm đổi mới, những hình ảnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội năm 2011 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Vùng thủ đô, kiến trúc Hà Nội thời kỳ mới hội nhập, thời kỳ của kỹ thuật công nghệ mới và biến động của kinh tế - xã hội, kiến trúc Hà Nội nhìn về phía trước.
Nội dung cuốn sách trình bày thành 3 phần:
1/ Các thời kỳ phát triển kiến trúc Thăng Long - Hà Nội
2/ Di sản và bản sắc kiến trúc Thăng Long - Hà Nội
3/ Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, vận hội và xu thế.
Trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
c giả: PGS.TS.Nguyễn Thị Oanh
Nhà xuất bản: Hà Nội - 2019
Tổng số trang: 718tr
Kích thước: 16 x 24cm
 
Thăng Long xưa - Hà Nội nay còn lưu giữ hàng trăm thần tích, trên mảnh đất này, những di sản đình, đền, miếu mạo bền bỉ song hành với cuộc sống hiện đại.
Cuốn sách Tư liệu văn hiến Thăng Long Hà Nội - Thần tích Hà Nội do PGS.TS.Nguyễn Thị Oanh chủ trì là một công trình khảo cứu công phu, tuyển chọn 70 thần tích và bản kể sự tích viết bằng chữ Hán, chữ Nôm được chép trong 33 văn bản thần tích của huyện Hoàn Long, Hà Nội (chủ yếu thuộc 4 quận nội thành: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và trung tâm Hà Nội - quận Hoàn Kiếm) và tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm mang ký hiệu AE, hiện lưu giữ tại viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cuốn sách không chỉ dịch thuật, giới thiệu mà đã phân loại và làm nổi bật đặc điểm giá trị của thần tích Hà Nội như thần tích quan phương và bản ghi chép sự tích các thần ở địa phương. Bên cạnh đó công trình còn đi sâu làm rõ đặc điểm của thần tích Thăng Long - Hà Nội từ quá trình sao chép, niên đại, tác giả, trữ lượng giúp người đọc hiểu rõ về quá trình văn bản hóa thần tích và việc thờ cúng bách thần ở các địa phương thuộc Thăng Long - Hà Nội.
Trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Tác giả: Bùi Xuân Đính
Nhà xuất bản: Hà Nội - 2020
Tổng số trang: 603tr
Kích thước: 14,5 x 20,5cm
 
Xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam từ buổi đầu thời quân chủ tự chủ, Thăng Long - Hà Nội luôn có một vị trí rất trọng yếu. Trong hơn 778 năm, từ tháng bảy năm Canh Tuất đời Vua Lý Thái Tổ (tháng 8 năm 1010) đến cuối năm Mậu Thân, đầu năm Kỷ Dậu đời Vua Lê Chiêu Thống (tháng 2 năm 1789), Thăng Long là kinh đô, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục của cả nước, nơi các cơ quan đầu não của Nhà nước quân chủ Đại Việt đóng qua các triều: Lý - Trần - Lê sơ - Mạc và Lê - Trịnh.
Dưới thời quân chủ, những người đứng đầu cơ quan chính quyền Thăng Long - Hà Nội thường chỉ là các cá nhân với những tên gọi khác nhau, tùy từng vương triều.
Thời Lý, Thăng Long là kinh đô của cả nước nhưng sử cũ không ghi chép về tổ chức bộ máy hành chính và những người đứng đầu cơ quan này.
Thời Trần, người đứng đầu cơ quan hành chính của Kinh đô là Đại an phủ Kinh sư, Kinh sư Đại doãn.
Thời Hồ, Kinh đô dời vào Thanh Hóa gọi là Tây Đô nhưng Thăng Long (Đông Đô) vẫn là một đô thị trọng yếu của đất nước, nên nhà Hồ cử những viên quan đại thần giữ chức An phủ sứ - người đứng đầu cơ quan hành chính.
Trong suốt ba thế kỷ dưới thời Lê, Mạc và Lê - Trịnh, Thăng Long là Kinh đô của cả nước. Người đứng đầu Thăng Long là Tri phủ, sau đó đổi thành Phủ doãn.
Thời Nguyễn, Kinh đô dời vào Huế, khu vực Kinh đô Thăng Long cũ chỉ nằm trong phủ Hoài Đức nhưng lại có vị thế ngang với các trấn ngoài Bắc. Người đứng đầu phủ Hoài Đức lúc này là An phủ sứ hoặc Tuyên phủ sứ.
Đến năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Tác giả: PGS.TS.Lê Văn Yên
Nhà xuất bản: Hà Nội - 2020
Tổng số trang: 358tr
Kích thước: 14,5 x 20,5cm
 
Nghiên cứu về làng xã Việt Nam trong tiến trình lịch sử nhằm tìm hiểu những đặc trưng, kết cấu tổ chức hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và văn minh Việt Nam cổ truyền; đồng thời tìm hiểu những truyền thống quý báu của nhân dân Việt Nam còn bảo lưu, góp phần tìm hiểu lịch sử đất nước.
Vân Chàng xưa là một làng vừa có những nét chung của các làng xã Việt Nam vừa có những nét riêng. Làng có quá trình phát triển lâu dài, có nhiều ngành kinh tế: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp; trong đó nổi bật là nghề thủ công rèn sắt cổ truyền. Làng có tổ chức hành chính, văn hóa, xã hội và truyền thống khá đặc sắc. Việc nghiên cứu làm rõ những nét riêng đó giúp cho việc hiểu rõ được sự phát triển đa dạng của làng xã Việt Nam trong quá trình lịch sử và là việc cần thiết.
Về nội dung, ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, cuốn sách gồm 5 chương:
Chương 1: Khái quát điều kiện tự nhiên, xã hội và quá trình ra đời, phát triển của làng Vân Chàng
Chương 2: Sự phát triển của nghề thủ công rèn sắt làng Vân Chàng
Chương 3: Sự phát triển của thương nghiệp và sản xuất trong nông nghiệp của làng Vân Chàng.
Chương 4: Tổ chức chính trị - xã hội và những truyền thống của làng Vân Chàng
Chương 5: Tình hình văn hóa - xã hội của làng Vân Chàng
Trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung
Tác giả: Nguyễn Huy Bỉnh, Nguyễn Văn Lợi, Hoàng Thị Nhung, Tạ Văn Thông
Nhà xuất bản: Hà Nội - 2020
Tổng số trang: 507tr
Kích thước: 14,5 x 20,5cm
 
Công trình Nghiên cứu từ điển và bách khoa thư trình bày những vấn đề lý luận, lịch sử và ứng dụng biên soạn các từ điển và bách khoa thư trong hoàn cảnh thực tế hiện nay ở Việt Nam. Công trình hướng đến việc xác định rõ hơn về khái niệm, chức năng nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi và một số nguyên tắc, thể lệ cơ bản trong nghiên cứu biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư.
Sách gồm ba phần:
- Phần 1: trình bày những vấn đề lý luận về từ điển học và bách khoa thư học: khái niệm, loại hình phân loại, giới thiệu một số lý thuyết, mối quan hệ giữa chủ thể biên soạn và đối tượng tiếp nhận của từ điển
- Phần 2: Trình bày một số khía cạnh lịch sử từ điển học và bách khoa thư học ở Việt Nam: lịch sử biên soạn và nghiên cứu từ điển đối dịch, từ điển song ngữ, thành ngữ; xu hướng biên soạn từ điển ngành, lịch sử biên soạn các công trình bách khoa; thực trạng và triển vọng...
- Phần 3: Trình bày những nghiên cứu ứng dụng trong biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư: cấu trúc vĩ mô và vi mô, những thủ pháp cụ thể trong biên soạn, cách thức biên tập...
Trân trọng giới thiệu!
Ngô Thị Nhung

Tại Cần Giờ (TP.HCM), Viện Khảo cổ học phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM (Sở VH-TT TP.HCM) vừa tổ chức công bố kết quả khai quật di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ (năm 2021 - 2022), với nhiều phát hiện quan trọng.

Những hiện vật cách đây 2.000 năm

Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ (thuộc ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, H.Cần Giờ, TP.HCM) được phát hiện năm 1993, khai quật lần 1 năm 1994, thám sát năm 2018. Tổng diện tích khu Giồng Cá Vồ theo hồ sơ khoanh vùng bảo vệ năm 2000 là 29.000 m2, trong đó khu vực trung tâm - khu vực 1 của di tích nằm trên một giồng đất đỏ cao hơn khu vực xung quanh khoảng 1,5 m, có diện tích là 7.000 m2.

Phát hiện quan trọng về kho báu mộ chum tại TP.HCM - ảnh 1

Hiện trường hố khai quật thăm dò di tích Giồng Cá Vồ năm 2021

T.L CỦA LƯƠNG CHÁNH TÒNG

Thực hiện Quyết định số 43/QĐ-BVHTTDL, ngày 11.1.2021 của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, từ ngày 15.1 - 21.10.2021, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã tiến hành khai quật di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ lần thứ 2, đồng thời thực hiện tư liệu hóa tổng thể hiện trạng di tích và phối hợp với chuyên gia vật lý địa cầu thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) thực hiện công tác rađar xuyên đất để xác định tiềm năng, vị trí các di tích trong lòng đất, bổ sung tư liệu về phạm vi phân bố di tích cũng như công tác quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phát huy giá trị di tích.

Tổng diện tích thăm dò khai quật là 225 m2 gồm 5 hố thăm dò và 1 hố khai quật. Tại hố khai quật phục vụ cho công tác bảo tồn tại chỗ, trưng bày và phát huy giá trị, diện tích 200 m2, trên cơ sở được lựa chọn từ kết quả hố thăm dò, thám sát năm 2018 của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 185 mộ chum, 13 mộ đất cùng hàng trăm di vật quý bằng nhiều chất liệu: vàng, đá quý, thủy tinh, đá, nhuyễn thể... Nhiều di vật lần đầu tiên phát hiện tại di tích như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, lá vàng, vòng tay đá quý, hiện vật hình tù và, các loại hình mộ chum, di cốt.... chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt là lịch sử hình thành và phát triển TP.HCM cách đây trên 2.000 năm.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, chủ trì khai quật di tích Giồng Cá Vồ (năm 2021), khẳng định: “Đây là một phát hiện hết sức quan trọng, nhiệm vụ và mục tiêu của dự án đã thành công ngoài mong đợi. Nhờ kết quả thăm dò thám sát năm 2018 của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, với phát hiện chính xác lựa chọn vị trí hố khai quật, những phát hiện khảo cổ học hôm nay là một thành công lớn không chỉ của khảo cổ học VN mà còn mang tính quốc tế”.

Phát hiện quan trọng về kho báu mộ chum tại TP.HCM - ảnh 2
Phát hiện quan trọng về kho báu mộ chum tại TP.HCM - ảnh 3
Phát hiện quan trọng về kho báu mộ chum tại TP.HCM - ảnh 4

Nhóm di vật quý phát hiện trong đợt khai quật di tích Giồng Cá Vồ năm 2021

Đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt

Kết quả khai quật cho thấy di tích Giồng Cá Vồ ở khu vực trung tâm có địa tầng dày khoảng 1,7 m chia thành 3 giai đoạn: cư trú, mộ táng và canh tác hiện đại. Niên đại của di tích Giồng Cá Vồ được các nhà nghiên cứu xác định khoảng từ 2.500 năm trước đến khoảng đầu Công nguyên. Là một di tích cơ nền hình thành nên văn hóa Óc Eo - vương quốc Phù Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu các đặc điểm nhân chủng qua hàng trăm di cốt của mộ chum, mộ đất và các đặc điểm về di vật, PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN), một chuyên gia cổ nhân học, nhận định đó là những nhóm cư dân bản địa, chủ đạo là cư dân truyền thống văn hóa Đồng Nai có giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài trong đó có nhiều yếu tố ảnh hưởng của văn hóa hải đảo.

Theo TS Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM): “Di tích Giồng Cá Vồ với những phát hiện quan trọng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học nước ngoài là đúng khi mà mỗi lần trao đổi, hợp tác với các nhà khảo cổ học nổi tiếng thế giới, họ đều hỏi thăm và trầm trồ khen ngợi giá trị đặc biệt của di tích mộ chum Giồng Cá Vồ”.

Lần đầu tiên các nhà khảo cổ học phát hiện một di tích với mật độ mộ chum dày đặc, cột địa tầng được làm rõ với sự phát triển liên tục từ di tích cư trú đến di tích mộ táng.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN.

PGS-TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN) đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kết quả khai quật: “Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học phát hiện một di tích với mật độ mộ chum dày đặc, cột địa tầng được làm rõ với sự phát triển liên tục từ di tích cư trú đến di tích mộ táng. Di tích Giồng Cá Vồ cần kíp thực hiện công tác bảo tồn tại chỗ hố khai quật và xây dựng phương án trưng bày phục vụ phát huy giá trị di tích”. Ông cũng đề nghị TP.HCM cùng các nhà khoa học lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận Giồng Cá Vồ là di tích quốc gia đặc biệt.

Chuyên gia đầu ngành thực hiện thành công dự án khai quật PGS-TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành) cho rằng: “Các nhà khảo cổ học đã phối hợp với các chuyên gia bảo quản chú trọng bảo tồn tại chỗ hố khai quật, các di tích mộ chum, mộ đất được gìn giữ, phục hồi ngay từ trong quá trình khai quật khi phát lộ, phục vụ quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích”.

Dù di tích đã được xếp hạng và công nhận là Di tích khảo cổ học quốc gia năm 2000, tuy nhiên cho đến nay, hiện tại khu vực di tích và hố khai quật chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, người dân vẫn thực hiện canh tác gây ảnh hưởng đến di tích và khó khăn cho công tác thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Các nhà khoa học kiến nghị TP.HCM, cần thiết thực hiện gấp công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án một cách đồng bộ.

Tin và ảnh: Lương Chánh Tòng

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7676789
Số người đang online: 20