Đường dẫn có niên đại thế kỷ 12
Mới đây, Viện Khảo cổ (Bộ VH-TT-DL) phối hợp Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tiến hành khai quật thăm dò khu vực nhóm tháp K Mỹ Sơn. Trong một tháng triển khai, đoàn đã mở 5 hố thăm dò (mỗi hố có diện tích 4 m2), phạm vi thăm dò cách tường bao quanh khuôn viên tháp mới được xây dựng bởi dự án hợp tác giữa Ấn Độ - VN (thực hiện năm 2017 - 2018) khoảng từ 10 - 50 m.
Kết quả khai quật thăm dò xác định, khu vực phía đông (phía sau) tháp K mở 2 hố thăm dò, bước đầu phát hiện 2 dấu tích tường bao phía bắc và phía nam của đường đi chạy dọc theo hướng đông - tây. Khu vực phía tây (phía trước) của tháp K mở 3 hố thăm dò, phát hiện dấu tích móng đầm của con đường đi từ ngoài vào cửa tháp. Kết quả điền dã và thăm dò khảo cổ cũng xác định phía tây tháp K là khu vực bờ suối của một nhánh suối Khe Thẻ chạy qua; phía đông tháp K khả năng là một khoảng sân rộng, bằng phẳng được san lấp có chủ ý bằng đất cát tạo thành một không gian thoáng đãng.
Về di tích, các dấu tích kiến trúc nằm bên dưới lớp đất dày từ 20 - 30 cm trở xuống nằm trong các hố thăm dò 1 và thăm dò 2 ở phía đông tháp K. Dấu tích kiến trúc là hai đoạn của các tường bao kéo dài từ tháp K về phía đông, hướng vào các khu tháp E và F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn. Ngoài ra, toàn bộ đoạn tường bao đường đi ở phía đông tháp K đã xuất lộ dài khoảng 65 m; chiều rộng của con đường bao gồm cả hai tường bao là khoảng 9 m; chiều rộng lòng đường khoảng 8 m. Trong đó, khoảng chiều dài con đường đã xuất lộ do đợt trùng tu của dự án hợp tác Ấn Độ - VN tại tháp K dài khoảng trên 20 m.
TS Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học), chủ trì dự án đợt thăm dò khai quật lần này, cho biết công trình kiến trúc này hoàn toàn mới được biết đến bởi kiến trúc đã bị phá hủy từ lâu và vùi lấp bên dưới một lớp đất rừng bồi lấp khá dày. Vì công tác thăm dò khảo cổ mới chỉ được thực hiện trong một diện tích rất khiêm tốn nên chưa thể làm rõ niên đại cụ thể của di tích. Tuy nhiên, qua mối liên quan của phế tích đường dẫn với tháp K, có thể bước đầu nhận định đường dẫn có niên đại thế kỷ 12 (tương đương niên đại tháp K).
Nhiều bí ẩn còn nằm sâu trong lòng đất
Theo TS Nguyễn Ngọc Quý, kết quả đào thăm dò đợt này đã xác định có một con đường bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ 12, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến. Đồng thời, ông cho rằng con đường này là Con đường Hoàng gia - con đường dẫn để thần linh, vua chúa và tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn.
TS Nguyễn Ngọc Quý cho rằng, sở dĩ khẳng định con đường phát lộ tại tháp K là "Hoàng gia" (hoặc trục "Thần đạo") là vì ngày xưa chỉ có vua chúa và tăng lữ mới được vào thánh địa dâng lễ, người dân không được vào. Ngoài ra, tháp K nằm vị trí tách biệt và đầu tiên trong khu di tích, có vai trò như trạm đón tín đồ vào hành hương không gian thiêng bên trong. Chưa kể, qua hệ thống tư liệu có được, nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cũng nhận định khả năng từ tháp K có một con đường dẫn vào các ngôi đền bên trong.
"Kết quả thăm dò khảo cổ ở khu vực quanh tháp K đã làm phát lộ vết tích của những công trình kiến trúc chưa từng được biết đến ở Mỹ Sơn trong lịch sử tồn tại của di tích từ trước đến nay. Phát hiện trên cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K nhằm làm rõ về sự hiện diện của con đường Hoàng gia đi vào Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa. Việc hoàn thành công việc sẽ đóng góp thêm những tư liệu mới góp phần nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa - lịch sử - kiến trúc Mỹ Sơn", TS Nguyễn Ngọc Quý nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khiết, Phó giám đốc Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết Thánh địa Mỹ Sơn trước đây các học giả người Pháp đến tìm hiểu, phát lộ, nghiên cứu và vẽ lại các công trình kiến trúc đền tháp nổi trên bề mặt chứ chưa thực hiện khai quật chuyên sâu để nghiên cứu các di vật dưới lòng đất. Lâu nay chỉ dựa bản vẽ, tài liệu của Pháp cùng các thông tin được ghi lại tại các văn bia ở Mỹ Sơn để trùng tu. Vì vậy, việc những phát lộ vết tích khu vực quanh tháp K vừa qua càng khẳng định nhiều bí ẩn vẫn còn nằm sâu trong lòng đất Mỹ Sơn chưa từng được biết đến trong suốt lịch sử tồn tại của di tích này từ trước đến nay.
"Kết quả khai quật sẽ góp phần giúp Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phát huy tốt hơn giá trị lịch sử văn hóa di tích, tổ chức đưa đón du khách theo đúng con đường di sản người Chăm đã để lại, giúp du khách có cái nhìn rõ ràng hơn về Thánh địa Mỹ Sơn và văn hóa Champa trong lịch sử", ông Khiết khẳng định. Trong năm nay, việc khai quật sẽ được tiến hành.
Nguồn: Mạnh Cường