Khai mạc Hội thảo khoa học: Những phát hiện mới về Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 58 – năm 2023

Trong 3 ngày 1 - 3/11/2023, tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam), Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thông báo Khảo cổ học Toàn quốc lần thứ 58 - năm 2023”. Đây là Hội thảo khoa học thường niên, có quy mô cấp quốc gia, quốc tế của ngành Khảo cổ học Việt Nam, 456 báo cáo khoa học được công bố tại hội thảo.
 
Đoàn chủ tịch điều hành phiên khai mạc hội thảo
Dự phiên khai mạc Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam; Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học. Hội thảo có sự tham gia của gần 1000 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế như: Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Pari, Trưởng Đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội; Thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao); Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Bảo tàng tỉnh; Ban Quản lý di tích cấp tỉnh; Ban Quản lý di tích trọng điểm của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Kể từ Hội thảo “Những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 57 - năm 2022” đến nay, Viện Khảo cổ học và giới khảo cổ học nước nhà đã tiến hành nhiều hoạt động khảo cổ học sôi động trên địa bàn cả nước. Trong đó, có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Điều tra, thăm dò, khai quật nghiên cứu hệ thống di tích hang động văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam; các hoạt động khai quật một số di tích thời đại Đá ở tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Đắk Nông; khai quật các di tích giai đoạn Tiền Đông Sơn ở thành phố Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang; Khảo cổ học Lịch sử tiếp tục có nhiều cuộc khai quật quy mô lớn ở Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế... Khảo cổ học Chămpa - Óc Eo có một số cuộc khai quật đáng chú ý ở Quảng Nam, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… Khảo cổ học dưới nước cũng có một số hoạt động khảo sát đáng chú ý ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Các phát hiện và kết quả nghiên cứu di tích, di vật và khảo cổ học góp phần khẳng định các giá trị của nền văn hóa/văn minh/văn hiến của dân tộc; cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn chính sách cho việc xây dựng quy hoạch bảo vệ di sản, đánh giá giá trị và đề xuất ý kiến bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và các nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam còn ẩn dưới lòng đất…
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh đánh giá, điểm nổi bật của hoạt động khảo cổ học trong năm qua là sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Sự phối hợp giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam trong việc tổ chức Hội thảo lần này là một trong những minh chứng rõ nét. Phó Chủ tịch hy vọng phương thức làm việc mới rất có hiệu quả và sự hợp tác, phối hợp giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam sẽ ngày càng được tăng cường và bền chặt hơn.

Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu chào mừng tại hội thảo
Trong bài phát biểu chào mừng, thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Nam, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Hà Nam là mảnh đất với bề dày về lịch sử văn hóa. Toàn tỉnh có 1888 di tích, trong đó có 133 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 95 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 12 di sản được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, tại Hà Nam hiện còn lưu giữ rất nhiều hiện vật, cổ vật và bảo vật quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, tiêu biểu như: Tượng Kinari, tượng Kim Cương thời Lý ở Chùa Đọi Sơn; cuốn sách bằng đồng có tên “Cầu Không kì tứ” niên hiệu Hồng Đức 2 ở Lý Nhân; cùng với đó là 4 Bảo vật quốc gia: Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Tiên Nội dấu ấn thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn minh Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước, Bia Sùng Thiện Diên Linh, Bia đá chùa Giàu…Ý thức sâu sắc về giá trị của các di sản văn hóa mà tiền nhân để lại, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã nỗ lực trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước có các giải pháp phát huy các tiềm năng để thực sự trở thành nguồn lực và thế mạnh cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Anh Chức bày tỏ vui mừng và vinh dự khi Hà Nam được đón các vị đại biểu đến tham dự Hội thảo với quy mô lớn, đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học trong năm qua. Đồng chí Phó Chủ tịch cho rằng đây sẽ là nguồn tư liệu quan trọng, quý giá, đóng góp tích cực vào nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị các nền văn hóa/văn minh/văn hiến của các cộng đồng cư dân cổ trên lãnh thổ Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.


Quang cảnh hội thảo


TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học trình bày báo cáo đề dẫn
 Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học cho biết, trong năm qua, kế thừa và phát huy thành tựu của các giai đoạn trước, ngành khảo cổ học đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị các nền văn minh từ thời Tiền sử qua Sơ sử đến lịch sử của các cộng đồng cư dân cổ trên lãnh thổ Việt Nam, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp cách mạng của đất nước.
TS. Hà Văn Cẩn chia sẻ, năm 2023 chúng ta chứng kiến những hoạt động khảo cổ học sôi động trên địa bàn cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới rất đa dạng và có giá trị lớn. Trong đó, sơ bộ có một số hoạt động nổi bật như: Điều tra, thăm dò, khai quật nghiên cứu hệ thống di tích hang động văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam; các hoạt động khai quật một số di tích thời đại Đá ở tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Đắk Nông; Khai quật các di tích giai đoạn Tiền Đông Sơn ở thành phố Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang; Khảo cổ học Lịch sử tiếp tục có nhiều cuộc khai quật quy mô lớn ở Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế... Khảo cổ học Chămpa - Óc Eo có một số cuộc khai quật đáng chú ý ở Quảng Nam, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… Khảo cổ học Dưới nước cũng có một số hoạt động khảo sát đáng chú ý ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa…

Nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu tại hội thảo

Ngài Andrew Hardy - đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, phát biểu tại hội thảo
Hội thảo đã nhận được 456 bài báo cáo, thông báo đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học, trong đó có 10 bài viết về hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ trung ương và địa phương; 75 bài Khảo cổ học tiền sử; 54 bài khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm; 253 bài khảo cổ học lịch sử; 49 bài khảo cổ học Champa-Óc Eo; 15 bài khảo cổ học dưới nước... Với số lượng các bài thông báo, báo cáo lớn nhất từ trước tới nay, cho thấy hoạt động Khảo cổ học Việt Nam các năm 2022 - 2023 diễn ra sôi nổi, đều khắp trên toàn Quốc và đạt hiệu quả cao. Nhiều thông báo (đặc biệt là các cuộc khai quật lớn) được thực hiện công phu, nghiêm túc có nội dung phong phú. Đó là những tư liệu vật thật mới nhằm đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, quá trình phát triển con người Việt Nam.
Tại hội thảo, đồng chí Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, đại diện nhóm nghiên cứu đã báo cáo hoạt động khảo cổ học Hà Nam năm 2022 - 2023. Theo đó, năm 2021, Sở VH,TT&DL đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Viện Khảo cổ học trong nhiệm vụ điều tra, thăm dò, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2021- 2025. Từ năm 2021 – 2022, Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức điều tra, điền dã, khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bản tỉnh, bước đầu đã phát hiện và nhận diện trên 20 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu đưa vào diện tổ chức thám sát, khai quật.
Đặc biệt tại vùng lõi quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã phát hiện 11 hang động, mái đá rất có giá trị về khảo cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình; Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn và các hang động, mái đá, giếng Cacxto rất có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan sự hình thành kiến tạo địa chất hàng triệu năm. Những phát hiện trên rất quan trọng, được xem là chìa khóa cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, từng bước giải mã những bí ẩn về lịch sử văn hóa vùng đất Tam Chúc – Kim Bảng nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung trong diễn trình lịch sử dân tộc.
Tháng 3/2023, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nam và Công ty THHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc phối hợp khảo sát tại Thung Na, thuộc tổ 8, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Tại hang Thung Na 1 và mái đá Thung Na 3 đã phát hiện các dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất của giai đoạn sơ sử…
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đi sâu thảo luận những vấn đề liên đến từng di tích như: địa tầng, niên đại, chủ nhân, các quan quan hệ văn hóa, nhận diện giá trị lịch sử văn hóa; đặc biệt là những đóng góp của Khảo cổ học với bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hội thảo khoa học “Thông báo Khảo cổ học toàn quốc năm 2023: Những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 58” là sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953-02/12/ 2023); chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày thành lập tỉnh Hà Nam (20/10/1890-20/10/2023); và chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Khảo cổ học (14/5/1968-14/5/2023). Thông qua Hội thảo nhằm thông báo, thảo luận, biên tập xuất bản “Những phát hiện nghiên cứu mới về khảo cổ học Việt Nam năm 2023”. Đồng thời, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý, nghiên cứu của ngành lịch sử, văn hóa từ trung ương tới địa phương cùng với các cộng tác viên trên toàn quốc có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, hướng tới các chương trình hợp tác, góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc.
Hội thảo Những phát hiện mới về Khảo cổ học là hoạt động khoa học hàng năm của ngành khảo cổ học Việt Nam, là sự kiện nổi bật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Viện Khảo cổ học gần 60 năm qua. Đây là diễn đàn để giới nghiên cứu khảo cổ học và nhiều ngành khoa học có liên quan gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới, tranh luận học thuật, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là một cơ hội lớn để các cán bộ trẻ tiếp cận học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện năng lực khoa học của mình.
Theo:https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Nhung-phat-hien-moi-ve-khao-co-hoc-toan-quoc-lan-thu-58-nam-2023

Thông báo

Thư viện

- Tác giả: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa - Nhà xuất bản: Thanh Hóa – 2020 - Số trang: 212 tr - Khổ sách: 21 x 29,7cm
- Tác giả:  GS.TS. Nguyễn Hữu Minh PGS.TS. Phan Thị Mai Hương PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi - Năm xuất bản: ...
- Tác giả: Paul Ory - Người dịch: Phạm Văn Tuân - Nhà xb: Dân Trí, 2019 - Khổ: 14 x 20,5 - Số trang: 164tr
- Tác giả :TS.Trần Thị Phương Hoa (Chủ biên), Viện sử học - Năm xuất bản: 2023 - Số trang: 432tr  
- Tác giả: Viện KHXH vùng Nam Bộ - Năm xuất bản: 2023 - Nhà xb:Lao Động - Số trang: 500  
- Tác giả : TS. Lý Hoàng Mai (Chủ biên)​ - Năm xuất bản: 2022 - Số trang: 244
NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông - Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do...
- Tác giả: Phạm Văn Kỉnh - Nhà xb: Văn hóa dân tộc - Năm xb: 2024 - Số trang: 302tr

Tạp chí

Huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 100 - 150 km về phía tây; phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía tây giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, phía nam giáp huyện Quang Bình.
QUY ĐỊNH GỬI BÀI CHO TẠP CHÍ KHẢO CỔ HỌC    

61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9020882
Số người đang online: 25