Phiên 1 Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông”

 

 

8h30 ngày 4/8/2015, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông” tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương trình Hội thảo ngày 4/8 như sau:

8h30 - 9h00: Khai mạc Hội thảo

GS.TS Phạm Văn Đức phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc của GS.TS Phạm Văn Đức (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Phát biểu đề dẫn của PGS.TS Nguyễn Giang Hải (Viện trưởng Viện Khảo cổ học)

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo

9h00 - 10h00: Báo cáo phiên 1

Chủ trì: PGS.TS Nguyễn Giang Hải & TS Im Sokrithy

1. Khảo sát nghiên cứu hệ thống di tích thời đại Đá vùng thượng du sông Ba tỉnh Gia Lai - TS Nguyễn Gia Đối

TS Nguyễn Gia Đối trình bày tham luận

Các đợt khảo sát tại thượng du sông Ba đã phát hiện được một hệ thống các di tích thời đại Đá cũ, trong đó có các di tích mang tính chất sơ kỳ Đá cũ lần đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam. Các sưu tập đồ đá ở đây được phát hiện trong địa tầng có tuổi trung kỳ Cánh Tân với các loại hình đặc trưng như rìu tay, biface, công cụ mũi nhọn…tương đối gần gũi với các sưu tập di vật Đá cũ sơ kỳ ở Bách Sắc (Trung Quốc), Chongokni (Hàn Quốc). Do vậy, niên đại sớm nhất của nó có thể lên tới 80 vạn năm hoặc chí ít cũng vào khoảng 50-30 vạn năm. Đây là một cứ liệu góp thêm vào việc minh chứng sự xuất hiện của người vượn Homo erectus ở Việt Nam và có thể gần tương đương với người vượn Bắc Kinh ở Chu Khẩu Điếm, Trung Quốc. Phát hiện này có ý nghĩa lớn không chỉ ở phạm vi quốc gia mà có giá trị toàn cầu vì cho đến nay số những di tích phát hiện được kỹ nghệ rìu tay của người vượn Homo erectus ở khu vực châu Á không nhiều. Như đã biết, trước đây chúng ta mới chỉ biết đến lớp chứa công cụ hậu kỳ Đá cũ ở di chỉ Lung Leng (Kon Tum), còn lại ở các khu vực khác của Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ rất hiếm các di tích hậu kỳ Đá cũ như kỹ nghệ Sơn Vi ở Bắc Bộ. Việc phát hiện một số di tích và sưu tập di vật ở thượng du sông Ba hứa hẹn khả năng phát hiện thêm nhiều di tích thuộc hậu kỳ Đá cũ ở Tây Nguyên.

2. Kết quả sơ khởi cuộc khai quật tại bản Linh Xăn, huyện Thụ La Khôm, tỉnh Viên Chăn - TS Thonglith Luangkhot


TS Thonglith Luangkhot trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Linh Xăn là một trong những bản nổi tiếng về phát hiện tượng Phật nhất là pho tượng Phật ba màu vào năm 2006, với chiều cao 56 cm. Pho tượng này đã được cất giấu bởi cư dân địa phương qua nhiều thế hệ. Người dân nơi đây đã thay nhau nhận nhiệm vụ trao truyền từ nhiều thế hệ trước để cất giấu pho tượng Phật ba màu quý giá này, vì thế, pho tượng đã được tồn tại qua các cuộc chiến tranh và tránh được tệ nạn buôn bán đồ cổ. Ngày 20/05/2011, cư dân địa phương đã phát hiện được vỏ của một con thuyền buồm bằng gỗ có chiều dài 16m, rộng 02m, kỹ thuật chế tác là được gọt đẽo từ một thân cây dài (thuyền độc mộc); con thuyền này chưa xác định được niên đại và đang được trưng bày trong chùa Vạt Kang. Chiều ngày 19/06/2015 vừa qua, nhân dân đã phát hiện các pho tượng Phật bằng đồng, đất nung, bạc, sa thạch, gỗ… tại khuôn viên chùa Vạt Kang. Cuộc khai quật nghiên cứu di tích này đã được các cơ quan và nhân dân địa phương tiến hành vào tháng 6/2015.

Bản tham luận đã nhận được nhiều quan tâm của các nhà nghiên cứu nhất là những chia sẻ về việc bảo quản con thuyền bằng gỗ.

3. Nhận thức mới về hình tượng Vishnu ở Pong Tuk, tỉnh Kanchanabủi, Thái Lan - PGS.TS Jeerawan Jengspetch


PGS.TS Jeerawan Jengspetch trình bày tham luận tại Hội thảo

Vishnu là một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Vishnu giáo là tôn giáo Ấn Độ thờ thần Vishnu như là vị thần quan trọng nhất. Tại Pong Tuk, một pho tượng Vishnu bằng đá đã được tìm thấy vào năm 1943. Bức tượng này có thể coi là được tìm thấy tại khu vực xa nhất về phía tây Thái Lan. Nó bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, sau đó được ghép lại và đặt tại Wat Dong Sak để người dân địa phương thờ cúng cho đến ngày nay. Các nhà khoa học đã sử dụng bức xạ gamma tia X để phân tích bức tượng, sử dụng Iridium 192, chất rất dễ ảnh hưởng đến mật độ phân bố các phân tử của hiện vật, cũng như có khả năng xâm nhập khác nhau đối với từng loại chất liệu. Trên cơ sở kết quả phân tích, tác giả tạm thời đưa ra giả thuyết nghiên cứu mới về bức tượng Vishnu này. Phong cách nghệ thuật của nó có thể liên quan đến các bức tượng Vishnu ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là nghệ thuật thời kỳ tiền Angkor, đế quốc Khmer.

10h00 - 10h15: Giải lao

10h15 - 11h00: tiếp tục Phiên 1

4. Di sản văn hoá cự thạch ở miền đông bán đảo Đông Dương - PGS.TS Phạm Đức Mạnh & Ths Nguyễn Hồng Ân

PGS.TS Phạm Đức Mạnh trình bày tại Hội thảo

5. Dương Long nơi hội tụ hai dòng nghệ thuật Chanpa - Khmer - TS Lê Đình Phụng

TS Lê Đình Phụng trình bày tại Hội thảo

Nghệ thuật điêu khắc đá Champa và điêu khắc đá Khmer là hai nền nghệ thuật lớn trên bán đảo Đông Dương trong lịch sử. Do cùng nằm trên khu vực địa lý, hai tộc người có quan hệ chặt chẽ với nhau lại cùng chịu ảnh hưởng từ văn hóa tôn giáo Ấn Độ, nên hai nền nghệ thuật này có mối quan hệ mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại và phát triển. Nghiên cứu của tác giả đã cho thấy tháp Dương Long thuộc văn hoá Champa ngoài nghệ thuật kiến trúc Champa còn hội tụ nghệ thuật kiến trúc văn hoá Khmer.

6. Tư liệu mới từ nghiên cứu so sánh và niên đại di tích Khaokhlangnhok, đô thị cổ Si Thep, Phetchabun, Thái Lan - Anurak Depimai

Di tích KhaoKhlangNhok, đô thị cổ Si-Thep, tỉnh Phetchabun, hoạt động khảo cổ học vẫn đang được tiến hành ở khu vực tháp chính, những ngôi tháp phụ và khu vực xung quanh. Hoạt động này còn kéo dài trong thời gian tới. Kết quả khai quật đã đưa ra những nhận thức và giả thuyết nghiên cứu mới. Những yếu tố tác động đến sự hình thành các công trình kiến trúc to lớn này cũng nên được xem xét đồng thời bằng phương pháp nghiên cứu so sánh trong đó kinh tế, chính trị và tôn giáo là ba yếu tố chủ đạo. KhaoKhlangNhok có lẽ được xây dựng trong thế kỷ 9-10, thời kỳ thịnh vượng của đô thị cổ Si-Thep dưới ảnh hưởng của nghệ thuật Dvaravati.

11h00 - 12h00: Thảo luận

Nguyễn Thơ Đình

 

 

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phiên 2 Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông”

 

 

13h30 chiều 4/8, Phiên báo cáo thứ 2 của Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông” bắt đầu. Điều hành phiên làm việc này là TS Nguyễn Gia Đối (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học) và TS Thonglith Luangkhot (Lào).

13h30 - 15h00: Báo cáo phiên 2

Chủ trì: TS Nguyễn Gia Đối & TS Thonglith Luangkhot

7. Những di tích Ấn Độ giáo và Phật giáo mới phát hiện tại Rattanaki (Campuchia), Attapue (Lào) và Tây Nguyên (Việt Nam): Một tiếp cận khảo cổ học cảnh quan về con đường giao thương trên bộ giữa các vương quốc cổ ở tiểu vùng Mê Kông - Trần Kỳ Phương và nnk

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương trình bày tại Hội thảo

Qua kết quả khảo sát một số di tích khảo cổ học lịch sử tại các tỉnh Stueng Treng và Rattanakiri ở Đông Bắc Campuchia; Champasak và Attapue ở Nam Lào; và Tây Nguyên Việt Nam kết hợp với các di tích Ấn Độ/Hindu giáo và Phật giáo khác phát hiện tại các tỉnh Kon Tum và Gia Lai trong những năm qua nhóm nghiên cứu đã phác họa một con đường thương mãi nối kết từ miền duyên hải của các tỉnh Bình Định và Phú Yên lên đến vùng Tây Nguyên và Đông Bắc Cam-pu-chia cũng như thung lũng Attapue và cao nguyên Boloven ở Nam Lào. Tham luận này đóng góp một cái nhìn toàn cảnh các mối quan hệ kinh tế- xã hội giữa các tiểu quốc ở tiểu vùng Mekong qua các giai đoạn lịch sử từ thế kỷ thứ 8 trở về sau.

8. Từ LARP đến CRMA: Dự án nghiên cứu về mối quan hệ văn hoá Đông Nam Á lục địa - PGS.TS Surat Lertlum & TS Im Sokrithy

Các tác giả trình bày tại Hội thảo

Sau khi kết thúc nghiên cứu về con đường hoàng gia từ Angkor đến Phimai, các tác giả tiếp tục tiến hành tìm hiểu các tổ chức xã hội, các nền văn hóa cổ dọc theo hành lang văn hóa Đông-Tây, Bắc-Nam ở Thái Lan và các quốc gia láng giềng. Những nghiên cứu khảo cổ học kết hợp phân tích dữ liệu không gian, đã dựng lên một bức tranh rộng hơn về các mối quan hệ trên bình diện khu vực ở Hành lang văn hóa Đông-Tây và Bắc-Nam, đưa ra cái nhìn đầy đủ hơn về sự chia sẻ và thích ứng văn hóa trong quá khứ. Đồng thời, cung cấp những nhận thức mới về sự phát triển của mạng lưới giao thông, kỹ thuật...

9. Tiếp xúc và giao thoa văn hoá Sa Huỳnh qua những phát hiện và nghiên cứu mới - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung trình bày tham luận

Các di tích của văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở hầu khắp các dạng địa hình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, từ vùng đồi gò, cồn cát ven sông, ven biển đến các đảo ven bờ, những yếu tố tự nhiên, xã hội mối quan hệ văn hoá khác nhau theo cả chiều không gian và thời gian đã tạo nên những dạng/nhóm địa phương của văn hoá này. Bức khảm văn hoá Sa Huỳnh được cấu thành từ những mảnh ghép đậm nhạt với những vùng lõi, vùng biên, vùng bắc, vùng nam, vùng núi, vùng đồng bằng duyên hải, hải đảo... Văn hoá Sa Huỳnh, đặc biệt ở giai đoạn cuối do vị thế địa lý cầu nối của mình là nơi gặp gỡ và hội tụ của nhiều luồng văn hoá/văn minh khu vực và thế giới. Những cuộc tiếp xúc và giao lưu ấy ít nhiều đều để lại dấu ấn trong di tích, di vật của văn hoá Sa Huỳnh và góp phần làm tăng tính đa dạng của văn hoá này.

Là một trong ba trung tâm văn hoá lớn thời đại kim khí Việt Nam phân bố trên dải đất miền Trung, một địa hình dài hẹp lưng dựa vào Đông Nam Á lục địa, mặt ngoảnh ra Đông Nam Á hải đảo, văn hoá Sa Huỳnh ngay từ nền gốc là các văn hoá Tiền Sa Huỳnh (Bàu Tró, Bàu Trám, Bình Châu, Long Thạnh, Xóm Cồn) luôn luôn là trung tâm thu và phát tín hiệu xa gần. Có thể nói lợi thế môi trường và địa hình đã tạo cho vùng đất này một vị thế trung điểm, vị thế cầu nối và chuyển giao của nhiều luồng văn hoá khác nhau Đông Á, Đông Bắc Á, Đông Nam Á (lục địa, hải đảo), Nam Á. Đường bờ biển dài2, nhiều vụng vịnh và những hải lưu theo gió mùa cùng với những dòng sông chảy từ núi xuống biển, tất cả đã trở thành những điều kiện vô cùng thích hợp giúp cho các xã hội Sa Huỳnh tham gia tích cực vào con đường tơ lụa trên biển, hình thành và phát triển từ những thế kỷ trước sau Công nguyên, kết nối thị trường từ tây sang đông, từ bắc xuống nam.

10. Công tác nghiên cứu khai quật và bảo vệ tại Di sản thế giới đô thị cổ Pyu ở Myanmar - Nuynt Han

Tác giả giới thiệu sự phát triển của nghiên cứu khảo cổ học ở các đô thị cổ Pyu trong thời kỳ thuộc địa của Anh và tóm lược lịch sử của Khoa Khảo cổ học ở Myanmar. Ở phần 2, U Nyunt Han sẽ trình bày sơ lược về các cuộc khai quật khảo cổ học ở các đô thị cổ Pyu sau khi đất nước giành được độc lập, các kết quả khai quật và phát hiện ở 3 đô thị Pyu (Halin, Beikthanoand và Sri-ksetra) đã được công nhận là di sản văn hóa Thế giới vào tháng 6 năm 2014. Tiếp đến, U Nyunt Han sẽ thảo luận về các vấn đề mà Khoa Khảo cổ học đang đối mặt ở di sản thế giới các đô thị cổ Pyu và phương thức bảo vệ di sản này bằng pháp lý nhằm tránh nguy cơ đào trộm, cướp phá, xâm lấn và sức ép từ việc phát triển.

11. Khảo cổ học biển ở Quảng Nam và Quảng Ngãi - PGS.TS Bùi Văn Liêm & Ths Bùi Văn Hiếu

PGS.TS Bùi Văn Liêm trình bày tại Hội thảo

Bài trình bày của nhóm tác giả cho thấy tiềm năng khảo cổ học dưới nước nói riêng và khảo cổ học biển nói chung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi là rất lớn. Hệ thống sông ngòi ở hai tỉnh này khá dày đặc, dọc bở biển đều có những cửa, vụng biển thuận lợi cho tàu thuyền ra vào và cũng nằm trong tuyến thương mại biển của khu vực với những thương cảng nổi tiếng trong lịch sử. Ở đây, có đầy đủ những loại hình di tích chính của khảo cổ học biển như thương cảng cổ, tàu đắm, xưởng đóng ghe tàu thuyền và các cộng đồng ngư dân biển với lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Tuy nhiên nền khảo cổ học biển ở đây vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó và đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Thực tế cuộc sống và việc phát triển kinh tế địa phương đang dần xâm hại nguồn di sản văn hóa này. Do vậy, xác định, nghiên cứu hệ thống những di tích khảo cổ học dưới nước, các di tích bị chìm ngập và mối liên hệ lịch sử với các di tích trên đất liền ở các khu vực này trong phạm vi không gian và thời gian rộng hơn là việc làm hết sức cần thiết nhằm cung cấp hồ sơ khoa học làm cơ sở cho đề xuất những phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của chúng. Chỉ có như thế những thông tin về quá khứ còn ẩn chìm ở khu vực này không còn là những vết mờ.

12. Mối quan hệ đa dân tộc ở Đông Dương - GS Ang Chouléan

GS Ang Chouléan trình bày tại Hội thảo

15h00 - 15h30: Giải lao

15h30 - 16h30: Thảo luận

16h30 - 17h00: Bế mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Giang Hải tổng kết và bế mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Giang Hải thay mặt Ban tổ chức tổng kết và bế mạc Hội thảo. Ban tổ chức đánh giá cao kết quả trình bày và thảo luận tại hai phiên trình bày. Năm 2007, theo sáng kiến của Viện Khảo cổ học, Hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "Khảo cổ học Việt Nam - Lào Campuchia: hướng tới một sự hợp tác bền vững". Các nhà khảo cổ học ba nước đã đem đến Hội thảo những thành tựu nghiên cứu và cả những triển vọng trong sự hợp tác của nước mình. Tại Hội thảo, vấn đề xây dựng một chương trình nghiên cứu hợp tác đã được các đại biểu hết sức quan tâm và thống nhất cao về việc thường xuyên tổ chức những hội thảo như thế này để chia sẻ những kinh nghiệm, những kết quả nghiên cứu, cùng giúp nhau đào tạo các cán bộ nghiên cứu trẻ với mục tiêu chung là cùng nhau phát triển.  Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai về khảo cổ học Việt Nam - Lào - Campuchia là dịp để chúng ta cùng nhau chia sẻ những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm. Giữa hai kỳ hội thảo, đã có những chương trình nghiên cứu chung được thực hiện. Đó là chương trình nghiên cứu về Hành lang văn hóa Đông Tây do các nhà khảo cổ học Thái Lan chủ trì, chương trình nghiên cứu xuyên biên giới về Nhà nước sớm do Việt Nam chủ trì. Những báo cáo và thảo luận tại Hội thảo quốc tế lần này là những gợi ý thú vị để từ đó chúng ta xây dựng một chương trình nghiên cứu chung vì những lợi ích cao cả của khoa học. Năm 2016, Viện Khảo cổ học sẽ phối hợp với Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức một hội thảo quốc tế quan trọng: Di sản văn hóa dưới nước vì lợi ích cộng đồng. Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Giang Hải mong các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm và dành tâm huyết cho Hội thảo này góp phần đưa Khảo cổ học dưới nước phát triển theo kịp khu vực; Đưa Di sản văn hoá dưới nước phát huy giá trị đem lại lợi ích cho cộng đồng từ đó cộng đồng sẽ chung tay bảo vệ Di sản văn hoá dưới nước.

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Thơ Đình

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông”

 

 

8h30 ngày 4/8/2015, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông” tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được trên 29 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài nước về các lĩnh vực:

+ Nghiên cứu: những nghiên cứu tiêu biểu ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

+ Bảo tồn và quản lý di sản: chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong bảo tồn, bảo vệ di tích và di vật khảo cổ học; giáo dục di sản và phát huy giá trị của di sản.

+ Hợp tác quốc tế: tìm kiếm và phát triển cơ hội hợp tác quốc tế và xây dựng nguồn nhân lực.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 3/8 đến 5/8 với sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Ngày 3/8 các đại biểu đi khảo sát khu di tích Cổ Loa (Hà Nội) và di tích Chùa Dạm (Bắc Ninh). Ngày 4/8 khai mạc Hội thảo và trình bày các tham luận tại hội trường tầng 2 khách sạn Hanvet, thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ngày 5/8 là các hoạt động ngoại khoá tại thị trấn Tam Đảo.

Nghiên cứu di tích Cổ Loa qua sa bàn tại Nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa

Các đại biểu thăm phòng trưng bày và các hiện vật thời An Dương Vương tại khu di tích Cổ Loa

Khảo sát các vòng thành Cổ Loa

Nghiên cứu tại di tích Chùa Dạm (Bắc Ninh)

Nghiên cứu tại di tích Chùa Dạm (Bắc Ninh)

Nguyễn Thơ Đình

 

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội thảo khoa học: “Linh nhân Hoàng thái hậu và Khu di tích Đền Ghênh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên”

 

 

Ngày 2 tháng 8 năm 2015, tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học “Linh nhân Hoàng thái hậu và Khu di tích Đền Ghênh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên” .Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học; Ông Đỗ Tiến Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên; Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Ông Phạm Anh Quân, Bí thư huyện ủy huyện Văn Lâm, cùng các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu như: Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm; Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các đại biểu đến từ Cục Di sản, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh Hưng Yên; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm,
phát biểu tại Hội thảo
     
PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học,
phát biểu tại Hội thảo

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học đã khẳng định ý nghĩa quan trọng và mục đích của Hội thảo nhằm làm rõ hơn nữa thân thế, sự nghiệp của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của Khu di tích Đền Ghênh ngang tầm với công lao to lớn của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là bậc “Nữ trung hào kiệt”, danh nhân lịch sử - văn hóa nổi tiếng của đất nước ở thế kỷ XI - XII, Người phụ nữ đã trở thành biểu tượng cho lòng can đảm, trí thông minh, khéo léo, có trách nhiệm lo toan, gánh vác công việc chung Vương triều Lý nói riêng, của quốc gia, dân tộc nói chung .Tên tuổi và sự nghiệp của Linh nhân Hoàng Thái hậu gắn liền với sự nghiệp vua Lý Thánh Tông (chồng Bà) và vua Lý Nhân Tông (con trai Bà).

Ban Tổ chức đã nhận được 24 báo cáo tham luận, đã có 8 báo cáo khoa học được trình bày tại Hội thảo và 10 ý kiến phát biểu thảo luận. Nội dung các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, mang tính khoa học cao tại Hội thảo đều tập trung làm rõ hơn vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của Linh nhân Hoàng Thái hậu đối với Vương triều Lý và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của quân Tống. Một nội dung quan trọng khác thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự là quê hương của Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Các tham luận và các ý kiến thảo luận đều nhất trí cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu tài liệu và tìm kiếm các cơ sở khoa học để có thể khẳng định chắc chắn về quê hương của Linh nhân hoàng Thái hậu. Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để khẳng định Khu di tích Đền Ghênh là một di sản lịch sử - văn hóa có giá trị, vốn đã được khởi dựng từ thời Lý, tồn tại suốt dưới triều Trần, Lê sơ và đến thời Lê Trung hưng được quy hoạch, xây dựng lại hoàn toàn mới với quy mô rộng lớn hơn. Hiện nay, cùng với Khu di tích Đến Gênh là hệ thống các di tích đình, chùa miếu... hiện hữu trên địa bàn huyện Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng yên và các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội có  liên quan mật thiết đến Linh nhân Hoàng Thái hậu.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, khẳng định: Hội thảo đã khẳng định giá trị cổ kính, đặc sắc và rất có giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc của Khu di tích Đền Ghênh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Khu di tích Đền Ghênh nằm trong quần thể những di tích thờ Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan ở Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên, vì vậy cần có sự kết nối, đoàn kết, một hướng đi cho sự liên kết, phát triển kinh tế -xã hội của ba địa phương là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh cùng nhiều tỉnh thành khác vì một đất nước Việt Nam hòa bình và thịnh vượng. Từ kết quả đã đạt được của Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức nêu một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Toàn cảnh Hội thảo
     
Toàn cảnh Hội thảo

1. Chính quyền và nhân dân thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Linh nhân Hoàng Thái hậuỶ Lan, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của Khu di tích Đền Ghênh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hưng Yên chỉ đạo sát sao hơn nữa định hướng quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các hạng mục thuộc Khu di tích, để Khu di tích Đền Ghênh ngày càng khang trang, bề thế và linh thiêng, tương xứng với vai trò, vị thế của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan trong lịch sử.

3. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh cần xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thế trong việc tri ân và tôn vinh Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa các di tích thờ thờ Bà nhằm tạo thành một tuyến du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh, phục vụ phát triển du lịch của các địa phương.

4. Sau khi Hội thảo kết thúc, Ban Tổ chức tiến hành việc sửa chữa, bổ sung nội dung các tham luận để in thành Kỷ yếu Hội thảo, phục vụ đông đảo bạn đọc.

Theo Nguyễn Thu Hà (vass.gov.vn)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lại đổ xô tìm cổ vật ở vùng biển Bình Châu

 

 

Bất chấp lệnh cấm của tỉnh Quảng Ngãi, hàng chục ngư dân lại đổ xô trục vớt cổ vật ở vùng biển Bình Châu - nơi phát hiện nhiều tàu cổ chìm. 

Nhiều ngư dân trục vớt cổ vật trái phép ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Trí Tín.

Nhiều ngày qua, khoảng 40 ngư dân đã đưa sáu tàu thuyền đến bơm thổi cát, lặn vớt cổ vật trái phép ở vùng biển thôn Châu Tân (xã Bình Châu) và xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đoàn Ánh Dương (đơn vị được phép khảo sát, thăm dò cổ vật ở vùng biển Bình Châu) cho biết, tháng 8 hàng năm khi gió Đông Nam về, thủy triều rút đi kéo lớp cát ra xa phát lộ dấu tích tàu cổ kèm theo mảnh gốm sứ vỡ ở vùng gần bờ. Đây cũng là thời điểm tình trạng trục vớt cổ vật trái phép tái diễn.

Căn cứ một số mảnh vỡ cổ vật còn vương lại trên bãi biển, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi - nhận định, có thể người dân đang tìm kiếm, trục vớt cổ vật có niên đại từ thời Minh, khoảng thế kỷ 14-15.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan chức năng phải bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động tìm kiếm, trục vớt trái phép. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 8, các chuyên gia, nhà khảo cổ sẽ kết thúc sau ba tháng thăm dò, khảo sát cổ vật ở vùng biển Bình Châu.

Thời gian qua các nhà khoa học khảo sát 10 km2 ở eo biển Vũng Tàu (xã Bình Châu) phát hiện 10 tàu cổ đắm. Trong đó, hai con tàu đã được khai quật, số còn lại có nhiều cổ vật gốm sứ, vật dụng thủy thủ đoàn được xác định với nhiều niên đại khác nhau từ thế kỷ 8 đến 18 nằm gần bờ.

Tỉnh Quảng Ngãi đã mời chuyên gia quốc tế nghiên cứu lập bản đồ, hồ sơ di sản văn hóa biển Bình Châu, đề xuất Bộ Văn hóa thể thao - Du lịch công nhận là quần thể di tích tàu cổ đắm cấp quốc gia; mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch gắn với lặn biển ở những khu vực có tàu cổ đắm.

Trí Tín - Vnexpress

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Khảo cổ học Champa sau năm 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng

 

 
Du khách nước ngoài thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
 Du khách nước ngoài thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
 

Chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (1915-2015), sáng 25-7, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức chương trình tọa đàm Khảo cổ Champa sau năm 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng; khai mạc trưng bày ba chuyên đề: Di tích Champa tại Đà Nẵng, văn hóa và chữ viết Champa, Cổ vật văn hóa Sa Huỳnh và Champa. Tọa đàm thu hút nhiều nhà khoa học, khảo cổ, các chuyên gia và người yêu văn hóa Champa tham gia.

Năm 1915, theo đề nghị của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp), một tòa nhà đã được xây dựng tại địa điểm này để bảo quản, trưng bày các hiện vật và là tiền thân của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng ngày nay.

100 năm qua, hình ảnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trở nên thân thiết trong lòng người dân Đà Nẵng và du khách gần xa.

Trải qua 100 năm, với những biến cố của đất nước, sự ra đời, phát triển của bảo tàng này luôn là kết quả của những nỗ lực và tâm huyết. Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng hạng 1, cùng danh sách với 11 bảo tàng loại 1 của Việt Nam.

Sau năm 1975, hoạt động khảo cổ được bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chú trọng, đây là hoạt động cốt lõi của bảo tàng. Bộ sưu tập quý giá của bảo tàng là kết quả của các cuộc khai quật, sưu tầm từ các di tích Champa trên khắp địa bàn miền trung. Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, những nhà khảo cổ người Pháp đã có công trong việc thu thập các hiện vật để đưa về bảo quản ở bảo tàng, nhờ đó đã cứu vãn được phần lớn những hiện vật tiêu biểu tại các di tích Chăm khỏi bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh khốc liệt trong gần một thế kỷ qua. Những nhà khảo cổ và hoạt động văn hóa của Việt Nam tiếp tục có những đóng góp cho việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật Champa. Bộ sưu tập tiếp tục được bổ sung, đáng chú ý là tượng đồng Bồ Tát Tara/Laskmindra Lokesvara sưu tầm ở Đồng Dương, nhóm hiện vật từ di tích Phú Hưng, An Mỹ. Việc phát hiện các hiện vật này tạo nên những bước phát triển mới trong nhận thức, khám phá về nghệ thuật Champa cùng hàng ngàn hiện vật vừa được khai thác tại di tích chăm làng Phong Lệ, Cấm Mít và Quá Giáng.

Nhiều tham luận nghiên cứu sâu của các nhà khoa học, khảo cổ từng có nhiều năm gắn bó với công tác khảo cổ học về Champa được trình bày tại tọa đàm đã phần nào đánh giá được thực trạng bảo tồn, bảo tàng trong thời gian qua.

Tham luận của Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Trưởng phòng nghiên cứu khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học: Khảo cổ học về Champa sau năm 1975, những nhận định chung; Gốm cổ Champa Bình Định, thành tựu mới trong nghiên cứu khảo cổ học sau năm 1975 của Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc bảo tàng Bình Định; Cấu trúc và trang trí chân tháp tại Chiên Đàn và Khương Mỹ, sự gắn kết giữa nghiên cứu khảo cổ và trùng tu, bảo tồn của ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam; Suy nghĩ về một phương thức đầu tư và quản lý mới phát huy giá trị của bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng của Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng…

Thống kế sau năm 1975, tại khu vực miền trung, khảo cổ học đã tiến hành khai quật 24 kiến trúc tháp Champa; bốn tòa thành, năm lò gốm cổ, bốn di tích cư trú… Nhìn chung, nền văn hóa Champa là một nền văn hóa lớn, độc đáo giữ vai trò chủ đạo theo suốt chiều dài lịch sẻ văn hoá miền Trung, nổi bật lên là kiến trúc tôn giáo và điêu khắc. Đây là nền văn hóa có nguồn gốc bản địa, được kế thừa, phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh trước đó.

Hàng trăm hiện vật trong ba bộ sưu tập lớn được trưng bày là các hiện vật và thông tin liên quan đến văn hóa Champa, gồm Di tích Champa tại Đà Nẵng với gốm, thạch anh, kim loại vàng, chữ bia; Cổ vật gốm Sa Huỳnh; Các loại văn khắc, bia, văn bản chữ viết Champa…là một nét xuyêt suốt trong công tác khảo cổ, bảo tồn, bảo tàng văn hóa Champa.

(Theo nhandan.org.vn)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm thấy hóa thạch ốc biển hơn 240 triệu năm ở Nghệ An

 

 

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam mới tiếp nhận mẫu hóa thạch ốc biển có kích thước lớn nhất, lần đầu tiên được phát hiện trong địa tầng của kỷ Trias ở Việt Nam.

  • Phát hiện vỉa hóa thạch ốc biển trong động Thiên Đường
  • Phát hiện san hô hóa thạch dưới đáy sông Hương

Phát hiện hóa thạch hơn 240 triệu năm ở Nghệ An

Mẫu do anh Trương Văn Đại, 27 tuổi, công nhân mỏ đá Hoàng Mai, trú tại xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) thu thập được. Cách đây 7 năm, khi đập đá tại mỏ Hoàng Mai, tình cờ anh Đại nhìn thấy một miếng đá vỡ ra có hình dạng, màu sắc rất giống với những con ốc biển, nhưng kích thước lớn hơn nhiều. Cho đây là điều kỳ lạ, anh Đại mang về khoe với gia đình và hàng xóm.

Tìm thấy hóa thạch ốc biển hơn 240 triệu năm ở Nghệ An
Hóa thạch chân bụng Naticopsis spp., có niên đại 247,2-242 triệu năm.

Giống như anh Đại, người dân xung quanh chẳng hiểu hòn đá kỳ lạ từ đâu mà có và nó dần bị lãng quên, thậm chí đã có lúc được mang ra kê chân giàn giáo. Gần đây, anh Đại mang câu chuyện hòn đá có hình dạng và màu sắc tựa những con ốc biển kể với bạn bè. Họ khuyên anh hỏi các nhà khoa học ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Ngày 15/7, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cùng các nhà khoa học Phòng Địa chất đã vào giám định và xác nhận, đây là hóa thạch của một loài ốc biển. Loài ốc này thuộc ngành động vật thân mềm (Mollusca), lớp chân bụng (Gastropoda), họ Naticopsidae, giống Naticopsis.

Tìm thấy hóa thạch ốc biển hơn 240 triệu năm ở Nghệ An
Cấu tạo vỏ của Naticopsis spp..

Hóa thạch sưu tập được cao 145 mm, rộng 130 mm, dày 7 mm, được xác nhận nằm trong lớp đá vôi màu xám sáng, ứng với khoảng 247,2-242 triệu năm trước. Mẫu hóa thạch được bảo tồn hoàn hảo cấu trúc mặt ngoài của mảnh vỏ, có ý nghĩa khoa học rất cao, đủ tiêu chuẩn để định loại cấp loài.

"Hiện vì chưa đủ văn liệu đối chiếu, chúng tôi tạm thời xác định dưới dạng bỏ ngỏ (Naticopsis spp.), nhưng hoàn toàn có đủ cơ sở để xác nhận đây là một loài có kích thước lớn nhất, lần đầu tiên được phát hiện trong địa tầng của kỷ Trias ở Việt Nam", thạc sĩ Doãn Đình Hùng, chuyên viên của Bảo tàng Thiên nhiên nói.

Ông Hùng cho biết, đến nay các nhà nghiên cứu cổ sinh trên thế giới đã phát hiện được hóa thạch của 85 loài ốc biển thuộc giống Naticopsis trong các đá trầm tích thuộc các tướng biển nông ven bờ, tướng thềm lục địa, trong các rạn ám tiêu san hô cổ; có niên đại từ 449,5 triệu năm (kỷ Ordovic) đến 66,043 triệu năm (cuối kỷ Creta) ở châu Úc, Nam Mỹ, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Nguồn: Khoa học

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Giải mã thành công cuộn kinh thánh 1.500 tuổi

 

 

Ngày 20/7, Cơ quan khảo cổ Israel (IAA) cho biết công nghệ số tiên tiến đã giúp các nhà khoa học lần đầu tiên đọc được một cuộn sách kinh thánh 1.500 tuổi.

  • Giải mã thành công bản thảo Hebrew cổ nhất
  • Điều bí ẩn trong cuộn sách 2000 năm tuổi

Các nhà khoa học Israel giải mã được cuộn kinh thánh 1.500 tuổi

Một cuộn giấy da có chữ viết tay từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên đã được tìm thấy năm 1970 tại một giáo đường ở ốc đảo Ein Gedi, gần Biển Chết ở miền Nam Israel.

Giải mã thành công cuộn kinh thánh 1.500 tuổi
Một phần cuộn kinh thánh cổ 1.500 năm tuổi. (Nguồn: timesofisrael.com)

Theo các nhà nghiên cứu, đây là bản viết bằng tiếng Hebrew (ngôn ngữ Do Thái cổ) lâu đời nhất được tìm thấy sau lần phát hiện các cuộn Biển Chết vào những năm 40 của thế kỷ XX.

Tuy nhiên, thời điểm đó các nhà khoa học chưa đọc được cuộn sách trên do nhiều phần văn bản bị cháy sém.

Cho đến năm ngoái, công ty Công nghệ Merkel của Israel đã đề xuất hỗ trợ bằng cách sử dụng máy quét micro-CT scanner.

Kết quả quét 3D đã được gửi tới trường Đại học Kentucky (Mỹ) để phát triển phần mềm dựng ảnh kỹ thuật số và cho ra những hình ảnh đầu tiên, qua đó các nhà nghiên cứu đã xác định được nội dung bản viết trên cuộn giấy da này chứa 8 điều đầu tiên trong Kinh Cựu Ước Leviticus.

Giám đốc Dự án của IAA Pnina Shor cho biết cần nghiên cứu thêm để giải mã toàn bộ nội dung cuộn văn bản trên.

Bà Shor cho biết thêm cuộn sách trên là một cầu nối quan trọng giữa cuộn Biển Chết cổ nhất thế giới được viết từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên đến thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên và sách Aleppo Codex ra đời vào thế kỷ thứ X sau Công nguyên./.

Nguồn: Khoa học

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện 21 di tích tiền sử hang động ở biên giới Việt - Lào

 

 

Tháng 6 - 2015, triển khai nhiệm vụ: Nghiên cứu hệ thống các di tích khảo cổ hang động miền núi tỉnh Nghệ An do PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử làm chủ nhiệm, đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học đã tiến hành thẩm định 28 di tích hang động đã được biết trước đây. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã phát hiện mới: 21 di tích tiền sử hang động, 7 hang động danh thắng và 6 di tích ngoài trời thuộc các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn và Quỳ Châu.

Kết quả khảo sát cho thấy, các di tích này phản ánh các giai đoạn nhất định trong diễn trình phát triển lịch sử của miền núi Nghệ An:

Sớm nhất là di tích Thẩm Ồm, nơi có di tích hóa thạch người khôn ngoan sớm và kỹ nghệ công cụ đá quartz, với niên đại được xác định vào khoảng: 60.000-40.000 BP.

Giai đoạn tiếp theo là các di tích hậu kỳ Đá cũ (khoảng 40.000-15.000 BP), thuộc kỹ nghệ công cụ đá quartz, quartzite với kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, nằm cùng hóa thạch động vật trong trầm tích màu vàng rắn chắc, tiêu biểu là Thẩm Ồm (hang ngoài) Thẳm Chàng, vách Hang Bua và Cỏ Ngụn (Quỳ Châu).

Giai đoạn sơ kỳ Đá mới (khoảng 15.000-5.000 BP): xuất hiện của các công cụ kiểu văn hóa Hòa Bình trong trầm tích bở rời chứa vỏ nhuyễn thể nước ngọt, tiêu biểu là các hang: Thẩm Hoi, hang Ong (lớp dưới 3 hang), hang Noọng Mu 1, hang Ông Trạng (huyện Con Cuông), lớp dưới các hang Đồng Trương, Mái đá Bò 1 và 3, hang Vận Động, hang Cửa Lũy và hang Khe Dầu (huyện Anh Sơn); hang Thẳm Bạc Quàng (xã Yên Na, huyện Tương Dương); hang Cỏ Ngụn, hang Bông (lớp dưới), Hang Bua, (huyện Quỳ Châu Châu). Niên đại C14 hang Thẩm Hoi là 10.875±175 BP và 10.125±175 BP.

Giai đoạn hậu kỳ Đá mới (khoảng 5.000-3.000 BP): xuất hiện rìu bôn đá mài toàn thân và đồ gốm thô, văn thừng, tìm thấy trong các hang Đồng Trương (lớp trên), Hang Ong 1 (lớp trên), hang Noọng Mu 2 (Con Cuông); Mái đá Bò 2 (Anh Sơn), Hang Bông (lớp trên), hang Cỏ Ngụn (lớp trên) (Quỳ Châu). Sơ kỳ Kim khí tiêu biểu là các di tích ngoài trời ở huyện Tương Dương như: Đền Vạn, Đền Đồi, Cửa Rào 2 và Khe Hấu.

Từ thực tế khảo sát trên cho thấy, khảo cổ học hang động Nghệ An, đặc biệt là khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào có tiềm năng rất lớn. Qua đây chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần xây dựng dự án điều tra tổng thể đối với các di tích hang động trên địa bàn. Từ những kết quả thu được sẽ là tiền đề cho việc xây dựng qui hoạch bảo tồn và tiến tới khai thác du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở các huyện miền núi Nghệ An. 

Ảnh 1. Hang Đồng Trương, huyện Anh Sơn, Nghệ An 2015

 

Ảnh 2. Khảo sát mái đá Bò 2, huyện Anh Sơn

 

Ảnh 3. Khảo sát thẳm Cỏ Ngụn (hang Cây Gạo), huyện Quỳ Châu

 

Ảnh 4. Hóa thạch động vật Thẩm Ồm

 

Ảnh 5. Công cụ ghè đẽo Thẩm Ồm

 

Ảnh 6.Trụ và nhũ đá trong hang Tôn Thạt

 

Ảnh 7Nhũ đá trong hang Tôn Thạt

 

Ảnh 8Nhũ đá (hình Linga) hang Tôn Thạt

 

Ảnh 9. Cảnh khai thác đá gần hang Đồng Trương, huyện Anh Sơn

 

Phan Thanh Toàn

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Gương mặt văn hóa Việt Nam qua nhiều thế kỷ

 

 

- Tác giả: GS. Vũ Ngọc Khánh

- Nxb: Văn hóa - Thông tin

- Số trang: 515 trang

- Khổ sách: 16 x 24 cm.

- Hình thức bìa: mềm

Năm 2004, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin đã xuất bản cuốn sách Văn hóa Việt Nam những điều học hỏi, tập hợp các bài viết và nói chuyện của GS. Vũ Ngọc Khánh. Những bài này của tác giả phát biểu rải rác ở nhiều nơi, chứ không ở một tác phẩm riêng nào, tập hợp lại vẫn có một giá trị nhất định.

Tuy nhiên, những bài viết ấy được thu thập vẫn chưa đầy đủ, vì suốt những năm 60 của thế kỷ trước cho đến bây giờ, tác giả vẫn không ngững nghiên cứu và đăng tải những bài viết về văn hóa. Hầu như ở tất cả các cuộc hội thảo về các sự kiện văn hóa Việt Nam trong Nam ngoài Bắc suốt hàng chục năm nay, GS. Vũ Ngọc Khánh vẫn luôn được mời góp ý kiến và các ý kiến của ông đều có giá trị phát hiện hay sơ kết nhất định. Từ những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử như Trần Hưng Đạo, Chu An …, đến những bài thơ lãng mạn của Xuân Diệu, các hoạt động chính trị kết thúc thời đại phong kiến (như Phạm Khắc Hòe) rồi đến người đương thời vừa quá cố (như linh mục Trương Bá Cần), tác giả đều điểm đến và đều có sự đóng góp mới.

Cuốn sách Gương mặt văn hóa Việt Nam qua nhiều thế kỷ được xuất bản lần này gom góp lại các bài tham luận của GS. Vũ Ngọc Khánh ở nhiều cuộc hội thảo về các vấn đề văn học, sử học kể từ 1960 đến nay. Hầu hết các bài viết đều mang nội dung đề cập đến các nhân vật quen tên biết tiếng với thời đại, còn đối với 3 nhân vật lớn như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn hay Trường Chinh thì được nhóm soạn giả đề cập trong một công trình quy mô hơn.

Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9600134
Số người đang online: 18