Di tích Triền Tranh: Tiếp tục khai quật đến cuối tháng 8

 

 
Sau một thời gian dài tạm dừng khai quật vì vướng một số vấn đề về chuyên môn, những ngày gần đây, Viện Khảo cổ học VN đã trở lại xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) tiếp tục khai quật phần còn lại của di tích Triền Tranh và mở rộng thêm diện tích khai quật di tích này. Công tác khai quật đang được tiến hành để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Công trường khai quật di tích Triền Tranh

Ông Nguyễn Ngọc Quý - Viện khảo cổ học Việt Nam - cho biết: “Tính đến hôm nay cũng đã gần 10 ngày, đoàn của Viện khảo cổ học VN tiếp tục khai quật trở lại di tích này để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.

Cũng theo ông Quý, vì chủ trương ban đầu là khai quật một phần diện tích di tích. Tuy nhiên, vì vướng phải vấn đề chuyên môn, khi khai quật với diện tích như dự kiến ban đầu thì khó thể hình dung kết luận được di tích, nên thời gian qua, Viện khảo cổ học phải tạm dừng khai quật, đề xuất, xin giấy phép mới để tiếp tục và mở rộng diện tích khai quật thêm 800m2. Dự kiến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành việc khai quật và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - đơn vị chi trả kinh phí cho việc khai quật. Về việc hình dung đây là di tích gì, niên đại nào thì vẫn còn chờ thời gian, ý kiến tham luận của các chuyên gia, dựa trên những phế tích đã được khai quật, phát hiện.

(LĐ) - NGUYỄN THỊNH

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Cao Bằng thời tiền sử và sơ sử

 

 

- Tác giả: PGS. TS. Trình Năng Chung

- Nxb: Khoa học Xã hội-2012

- Số trang: 447 trang

- Khổ: 14,5 x 20,5 cm

- Hình thức bìa: mềm

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới Đông Bắc nước ta, là một vùng cao nguyên núi non trùng điệp, đất rộng người thưa, địa hình đa dạng, hai mặt Đông và Bắc tiếp giáp với Trung Quốc.

Là một vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hiến, Cao Bằng còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử - văn hóa cần được khám phá và nghiên cứu.

Cuốn sách Cao Bằng thời tiền sử và sơ sử là một chuyên khảo viết công phu, nghiêm túc, tổng kết toàn bộ thành tựu phát hiện, nghiên cứu về khảo cổ học tiền - sơ sử Cao bằng từ trước đến nay do PGS.TS Trình Năng Chung, người đã dành nhiều tâm sức và trí lực tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát khai quật cùng các đồng nghiệp của mình để nghiên cứu hoàn thành công trình này.

Nội dung cuốn sách gồm 6 chương:

- Chương 1: Thiên nhiên và con người Cao Bằng

- Chương 2: Thuở bình minh của lịch sử - thời đại đá cũ Cao Bằng.

- Chương 3: Các di tích sơ kỳ đá mới ở Cao Bằng.

- Chương 4: Văn hóa hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí ở Cao Bằng

- Chương 5: Non nước Cao Bằng thời kim khí

- Chương 6: Tiền - sơ sử Cao Bằng trong bối cảnh Việt Nam và khu vực.

Thông qua cuốn sách này, tác giả đã nêu rõ được những đặc trưng cơ bản của văn hóa tiền sử Cao Bằng: có những đặc điểm chung của văn hóa tiền sử khu vực miền núi phía Bắc, có những đặc điểm riêng chỉ Cao Bằng mới có, như là nơi gặp gỡ giao thoa của hai văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hà Giang và văn hóa Mai Pha.

Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Chùa Bối Khê - Nhìn từ Khảo cổ học Phật giáo

 

 

-Tác giả: TS. Nguyễn Quốc Tuấn

- Nxb: Từ điển Bách Khoa

- Khổ: 14,5 x 20,5 cm

- Số trang: 367 trang.

Chùa Bối Khê - Đại Bi nằm trên địa phận thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, được xem là một di sản tôn giáo, kiến trúc và nghệ thuật tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Cuốn sách này xuất phát từ luận án tiến sĩ lịch sử mà tác giả thực hiện tại Viện Khảo cổ học. Trên căn bản, cuốn sách giữ nguyên cấu trúc và những luận điểm chính của luận án, song như mọi công trình nghiên cứu, cuốn sách có bổ sung thêm một vài tài liệu, nhận xét, mà nay tác giả thấy cần phải đưa vào, hoặc là một sự nhìn nhận lại chính những tài liệu và luận điểm đã có trong luận án, hoặc là những vấn đề khoa học chưa thể đưa vào luận án.

Nhằm góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu các ngôi chùa ở Bắc Bộ nói chung, trên cơ sở những tài liệu thu thập được và những nghiên cứu trước đây, TS. Nguyễn Quốc Tuấn đã hoàn thành công trình nghiên cứu “Chùa Bối Khê-nhìn từ khảo cổ học Phật giáo”. Qua công trình này, bằng phương pháp của khảo cổ học và các bộ môn khoa học liên quan, tác giả đã tái tạo lại, trước hết là những chứng tích vật chất, và sau đó là một góc tâm linh của cha ông ta.

Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thầy giáo làng hơn 30 năm tìm kiếm di chỉ khảo cổ học

 

 
Tại xã Phú Định (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) thầy giáo Lê Quốc Tường (giáo viên Trường THCS Phú Định) đã hơn 30 năm nay ngày ngày cần mẫn ra sức tìm kiếm những hiện vật quý hiếm của người cổ.
Thầy Tường giới thiệu về một chiếc rìu đá cổ có vai hình đuôi cá
Có “duyên” với những di chỉ khảo cổ

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, giữa bạt ngàn cây cao su, thầy giáo Lê Quốc Tường bồi hồi nhớ lại: Vào năm 1985, thầy được phân công dạy môn lịch sử các lớp tại Trường THCS Phú Định. Nhằm minh họa cho bài dạy của mình thêm phần sinh động và cuốn hút, sau những giờ lên lớp, thầy tranh thủ đi tìm kiếm những tư liệu, tranh ảnh, các hiện vật liên quan. “Trong một lần đến thăm người học trò bị ốm, tôi thấy người cha cậu học trò mình đang lụi cụi mài một vật chi đó cho con mình uống chữa bệnh. Tiến lại gần, tôi phát hiện đó là chiếc rìu đá của người cổ”, thầy Tường nói.

Để chắc chắn hơn, ông đã mượn vật lạ đó đem về tham khảo và đối chiếu với những tư liệu mà mình cất giữ sau bao năm học hành tại trường. Bằng những kiến thức và đối chiếu tư liệu, thầy Tường khẳng định, đây đúng là rìu đá của người cổ.

Ngay sau đó, bằng cảm nhận của một người học lịch sử, thầy đã phát động phong trào “Chúng em làm khảo cổ học”, “Nhân dân làm khảo cổ học” nhằm vận động học sinh, phụ huynh tìm kiếm, thu thập các hiện vật bằng đá cổ. Kết quả thật bất ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều mẫu hiện vật rìu đá cổ được các em phát hiện, tìm thấy từ lòng hồ Cỏ Đắng, khe suối hay những lần đi chăn trâu bên đồi.

Tính đến thời điểm này, sau 30 năm theo đuổi, đam mê với công việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, bộ sưu tập đá cổ của thầy Tường đã có trên 50 hiện vật. Ngoài những hiện vật tặng cho các thầy cô giáo trong trường và người thân quen làm kỉ niệm, thầy Tưởng chỉ giữ lại 36 hiện vật, trong đó chủ yếu là các loại rìu đá. Đặc biệt, vào năm 2002, thông qua phong trào “Chúng em làm khảo cổ học”, các học trò của thầy đã tìm thấy tới 22 hiện vật đồ đá cổ ở các thôn, xã trong địa phương. Hiện tại, những hiện vật rìu cổ được thầy Tường trân trọng lưu giữ cẩn thận. Thầy sắp xếp, phân loại rìu vai ngang, rìu vai xuôi, lưỡi cuốc, bôn, mảnh tước thành từng hộp để dùng dạy học. Vì vậy, không chỉ riêng những giờ dạy sử, những tiết ngoại khóa trong chương trình, qua các hiện vật, thầy Tường thổi vào đó niềm đam mê, tự hào của quê hương cho các em học sinh.

Vùng đất chứa đựng những di chỉ tiền sử

Lịch sử đã chứng minh, Phú Định là vùng đất khá đặc biệt, với địa hình có nhiều khe suối, hang đá, cây cối rậm rạp, rất thích hợp để người nguyên thủy di cư, cư trú tạm thời. Ở đây đã diễn ra sự trao đổi công cụ sản xuất giữa các nhóm người với nhau, chính điều này làm nên sự có mặt của những hiện vật của các nền văn hóa tại vùng đất này.

Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Tường cho biết, qua việc sưu tầm hiện vật, cộng với kinh nghiệm sau bao nhiêu năm dạy môn lịch sử, thầy nhận định, đó là những di chỉ của các nền văn hóa được phân bố theo hình cánh cung từ huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa về Khương Hà, Phú Định (huyện Bố Trạch), xuống tận Bàu Tró (TP.Đồng Hới). “Giá trị của những hiện vật này không phải ở số lượng nhiều hay ít mà chính là sự đa dạng, phong phú về chủng loại, hình thức, mẫu mã, chất liệu đá. Đây là cơ sở cực kì quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận, tìm hiểu và có những lí giải sâu hơn về dấu tích của người Việt cổ ở vùng đất Phú Định này”, thầy Tường chia sẻ.

Với mong muốn có những công trình nghiên cứu sâu hơn nữa về vùng đất của mình đang sống, đồng thời thông qua các hiện vật sưu tập được, cần có sự tìm hiểu sâu hơn của các nhà khoa học về những hiện vật trên vùng quê này, thầy Lê Quốc Tường đã tặng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình 28 hiện vật trong bộ sưu tập đồ đá cổ của mình.

Bà Trần Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình - cho biết, bộ sưu tầm hiện vật đồ đá cổ của thầy Lê Quốc Tường thuộc giai đoạn đầu của nền văn hóa Hòa Bình kéo dài đến hậu kỳ đồ đá mới văn hóa Bàu Tró, có niên đại khoảng 12.000 năm đến 4.000 năm trước công nguyên. Những hiện vật mà thầy Tường sưu tầm được rất phong phú bao gồm: Mảnh tước, bôn đá, lưỡi cuốc, lưỡi rìu, phác vật rìu đá…

Đây chính là những công cụ mà người nguyên thủy chế tạo sử dụng trong lao động, sản xuất. Chất liệu được sử dụng khá phong phú từ những lưỡi rìu bằng đã cuội ghè đẽo một mặt đến các mẫu rìu vai xuôi, vai vuông được mài toàn thân. Đặc biệt, còn có một mẫu rìu một bên vai vuông, một bên vai cắt hình đuôi cá trên chất liệu đá cẩm thạch là hiện vật độc đáo, duy nhất ở vùng đất Phú Định này. Những hiện vật đồ đá cổ được phát hiện tại vùng đất Phú Định và những giá trị khoa học to lớn của nó mà thầy Lê Quốc Tường đã mất 30 năm “gom nhặt” đã đánh dấu địa danh Phú Định trở thành một địa chỉ mới trên bản đồ khảo cổ học của tỉnh Quảng Bình.

Nói về mong ước của mình sau hơn 30 năm tự tìm tòi, nghiên cứu, thầy Tường tâm sự: “Tôi mong rằng, sẽ có những nhà khoa học, nhà chuyên môn trong cả nước sớm quan tâm, tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa vùng đất này, nhằm phát hiện nhiều hơn nữa những bí ẩn của lịch sử. Để từ đó giúp người dân và những thế hệ sau này càng thêm yêu mảnh đất quê hương mà mình đang sống”.

(Theo Laodong.com.vn)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện nhiều hang động và di tích có giá trị ở Nghệ An

 

 

Thời gian vừa qua, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam đã khảo sát tại các huyện miền núi Nghệ An qua đó đã phát hiện và thu thập được nhiều hiện vật và hang động có giá trị khảo cổ và danh thắng.

Một số hiện vật có giá trị về mặt lịch sử được phát hiện tại Nghệ An

Viện Khảo cổ học cho biết họ đã phát hiện được 20 hang động và hàng chục di tích ngoài trời, di tích danh thắng như: Di chỉ đền Vạn - Cửa Rào; Đồi Đền; Khe Ngậu; hang Thẳm Cũng (hang Tôm). Đặc biệt, tại di tích bản Cửa Rào còn phát hiện nhiều công cụ đá, đồng, gốm thô,… ở huyện Tương Dương.

Đợt khảo sát cũng phát hiện nhiều hang động đẹp, phục vụ cho sự phát triển du lịch của địa phương

Tại huyện Con Cuông phát hiện 9 di tích hang động và 2 di tích ngoài trời, 1 di tích danh thắng, ngoài ra tại huyện này các nhà khảo cổ đã thu được nhiều mảnh tước, xương và vỏ nhuyễn thể có niên đại cách ngày nay khoảng 1 vạn năm. Huyện Anh Sơn, đoàn phát hiện 7 di tích khảo cổ hang động, 1 di tích danh thắng. Hay di tích Thẳm Chàng; Cỏ Ngụn, Thẳm Bua, Thẳm Bông, Tôn Thạt, Thẩm Ồm…

Qua đợt phát hiện này, cho thấy tiềm năng khảo cổ học ở Nghệ An là rất lớn. có ý nghĩa quan trọng trong diễn trình phát triển lịch sử dân tộc, đồng thời sẽ là động lực thúc đẩy về mặt phát triển du lịch địa phương.
(Theo Laodong.com.vn)
 
 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện dấu vết tàu đắm trong cuộc xâm lược Nhật Bản của đế quốc Mông Cổ thể kỷ 13.

 

 

MATSURRA, JAPAN-The Asahi Shimbun báo cáo rằng, các nhà khảo cổ học đang khảo sát khu vực quanh đảo Takashima đã xác định được vị trí của những phần còn lại của một con tàu đắm thế kỷ 13 trong cuộc xâm lược của Mông Cổ năm 1281.

Phần tàu đắm của đế quốc Mông Cổ phát hiện ở Takashima trong cuộc xâm lược Nhật Bản 1281

Nó đã bị phá hủy bởi “cơn bão có cường độ gió rất mạnh-Kamikaze”. Các hiện vật từ cuộc xâm lược lần II đã được phát hiện xung quanh đảo Takashima, và một chiếc bình cổ từ đội quân đó được tìm thấy năm 2011. Phần con thuyền phát hiện gần đây có kích thước dài 65 feet, rộng khoảng 20 feet đồng thời cũng mang theo những đồ gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 13. Nhà khảo cổ học Yoshifumi Ikeda nói rằng “Chúng tôi đã thành công trong việc xác minh cuộc xâm lược của Mông Cổ và những nghiên cứu thêm về điều này mong rằng sẽ dẫn đến những phát hiện về những con tàu bị chìm của đế quốc Mông Cổ”.

Theo: http://www.archaeology.org

(Dịch: Phạm Thanh Sơn)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Quy hoạch khu di tích Cổ Loa thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn

 

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 1004/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2000 với quy mô 860,4ha (vùng Lõi 31,2ha; vùng Trung 225,3ha; vùng Ngoại 247,3ha; vùng Biên 356,6ha). Dự kiến kinh phí đầu tư quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa khoảng 7.400 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa.

Phạm vi quy hoạch thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, được giới hạn bởi: Phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch nối Khu đô thị 34 đi Khu công nghiệp Đông Anh; Phía Đông Bắc giáp đường Cổ Loa - Yên Viên; Phía Đông Nam giáp thôn Lý Nhân và sông Ngũ Huyện Khê; Phía Nam giáp đường liên khu vực cầu Đuống đi thị trấn Đông Anh.

Phối cảnh đền thờ An Dương Vương

Một trong những mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của thủ đô Hà Nội. Tính chất của khu di tích thành Cổ Loa là khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt, là một trong những công viên chính của thành phố Hà Nội, trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử có nhiều đặc trưng văn hóa.

Định hướng quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa sẽ dần chuyển đổi từ vùng dân cư nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình “công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn”, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học.

Quy mô khách du lịch đến khu di tích Cổ Loa, dự kiến đến năm 2020 là 229.000 lượt khách/năm; năm 2030 đạt 373.000 lượt khách/năm.

Josdar

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn

 

 

- Tác giả: Nguyễn Thừa Hỷ

- Nxb: Thông tin và Truyền thông

- Số trang: 599 trang.

- Hình thức bìa: cứng

- Khổ sách: 16 x 24 cm.

 

Văn hóa là một lực lượng tinh thần, có thể chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, là ngọn nguồn, xung lực của phát triển xã hội. Tuy nhiên, văn hóa cũng có thể trở thành một lực cản kìm hãm và phá hoại lịch sử, đời sống con người với những hậu quả và tổn thất khó lường.

Ở Việt Nam trong vòng một thế kỷ qua, chúng ta đã chứng  kiến nhiều cuộc biến động, đổi thay, xáo trộn và đấu tranh văn hóa. Ngày nay trong quá trình hội nhập và phát triển, trước cơn lốc xoáy về tư tưởng, lối sống và hệ giá trị, chúng ta lại đang đứng giữa giao lộ của những ngã rẽ chưa có biển chỉ đường rõ ràng. Chúng ta đang động viên, khích lệ, mà cũng đồng thời đang bị đe dọa, dối lừa bởi văn hóa.

Trong một hoàn cảnh tình huống đặc biệt như vậy, có lẽ một sự quay về, nhận diện và suy ngẫm nghiêm túc về nền văn hóa Việt Nam truyền thống sẽ là một điều bổ ích không thừa, nếu không muốn nói là cần thiết. Nền văn hóa truyền thống đã từng ngự trị hàng thiên niên kỷ trong một xã hội hầu như rất ít thay đổi, sau đó lại chịu những va đập, và biến động lớn trong hơn một thế kỷ qua, đã có một bộ mặt đích thực như thế nào, xu thế  chuyển biến ra sao ? nó đã để lại cho chúng ta những giá trị gì cần phải kế thừa và những hệ lụy gì cần phải gạt bỏ ?

Đó là những câu hỏi trăn trở mà tác giả muốn tiếp cận trong cuốn sách Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn.

Nội dung cuốn sách gồm 6 chương:

  • Đại cương văn hóa Việt Nam truyền thống
  • Đời sống vật chất - kinh tế
  • Đời sống xã hội - chính trị
  • Đời sống tư tưởng tâm linh
  • Đời sống văn hóa nghệ thuật
  • Đời sống cộng đồng văn hóa Việt Nam

Mong rằng cuốn sách sẽ giúp ích ít nhiều cho những ai đang quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

 

 

- Tác giả: PGS.TS. Cao Văn Liên

- Nxb: Chính trị Quốc Gia - 2012

- Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm

- Số trang: 195 trang.

 

Quốc hiệu luôn là một trong những cái tên thiêng liêng nhất đối với mỗi dân tộc, mỗi con người. Nó khẳng định sự tồn tại và chủ quyền của một quốc gia, thể hiện ý thức và niềm tự hào, tự tôn của mỗi dân tộc cũng như sự bình đẳng với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới.

Quốc hiệu còn là những cột mốc ghi lại những bước thăng trầm, những bước phát triển trong tiến trình lịch sử dân tộc, đồng thời nói lên khát vọng của ông cha ta về một đất nước toàn vẹn chủ quyền, độc lập, thống nhất, giàu mạnh, vững bền.

 Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, từ thuở khia sinh cho đến nay, đất nước ta đã mang nhiều quốc hiệu ứng với từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Thông qua cuốn sách GS.TS Cao Văn Liên muốn giới thiệu tới bạn đọc các quốc hiệu của Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể trên các lĩnh vực: lịch sử hình thành nhà nước, thiết chế chính trị, thể chế, các đơn vị hành chính, kinh tế, quân sự, văn hóa, tư tưởng chính trị, tôn giáo .v.v…

Cuốn sách cho bạn đọc thấy một lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, đồng thời hun đúc lòng tự hào dân tộc, ý chí xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mỗi người dân tộc Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học Đà Nẵng năm 2015

 

 

Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa Viện Khảo cổ học và Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng (2015-2020). Năm 2015, 2 cơ quan đã phối hợp thực hiện các công việc nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gồm: Khai quật khảo cổ học tại vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn); Đào thám sát phế tích tháp Chăm-pa Xuân Dương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu); và điều tra, khảo sát phế tích tháp Chăm-pa Gò Giản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Kết quả khai quật đã cung cấp thêm các hiểu biết mới, bổ sung các tư liệu mới khẳng định giá trị của các di tích.

  1. Di dỉ vườn đình Khuê Bắc:

Kết quả đã tìm được 03 di tích hố đen, 17 di tích cụm gốm và 4.554 hiện vật, bao gồm: 13 đồng tiền thời Tống và thời Minh, 25 mảnh nhuyễn thể, 207 hiện vật đá (rìu, bôn, bàn mài, hòn kê, bàn nghiền,… và các di vật đá khác: cuội, mảnh đá nguyên liệu, mảnh đá có dấu vết kỹ thuật chế tác, mảnh đá có dấu vết sử dụng. mảnh đá nguyên liệu chế tác đồ trang sức ) và 4.309 hiện vật gốm (4.309 mảnh gốm Sa Huỳnh, 175 mảnh gốm Chăm, 37 hiện vật gốm Việt Nam và 10 hiện vật gốm có nguồn gốc Trung Quốc). Cùng với kết quả khai quật lần 1, năm 2001 cho thấy, Đoàn đã sơ bộ kết luận:

- Tính chất của di chỉ: qua kết quả khai quật năm 2015, so sánh với kết quả khai quật nghiên cứu năm 2001 chúng tôi thấy có tính thống nhất với tính chất của di chỉ như sau: đây là di chỉ cư trú, mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, với sự có mặt bàn mài với số lượng lớn trong tổng thể các loại hình công cụ, cùng với các mảnh đá nguyên liệu sản xuất công cụ và đồ trang sức thì khả năng đây có thể còn là nơi chế tác công cụ, trang sức phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của cư dân.

Hình 1. Rìu vai cân

Địa tầng hố khai quật cho thấy người Sa Huỳnh đã cư trú trên gò đất cao, gần với sông suối, thuận lợi cho việc khai thác các điều kiện tự nhiên phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt, thuận lợi trong việc giao thương với cư dân ở các khu vực khác. Di vật để lại vô cùng phong phú với nhiều loại hình khác nhau, hoa văn trên gốm thể hiện phong phú phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cư dân.

- Niên đại: gồm 2 lớp văn hóa:

+ Lớp văn hóa 1: bắt đầu từ khoảng thế kỷ 2, và kéo dài liên tục đến thế kỷ 19-20, trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh.

+ Lớp văn hóa 2: địa tầng hố khai quật và các di tích, di vật phát hiện được cho thấy đây là lớp văn hóa Sa Huỳnh, thuộc giai đoạn văn hóa Long Thạnh, có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Long Thạnh (Quảng Ngãi), niên đại khoảng trên 3000 năm BP.

Đây là di chỉ cư trú điển hình của văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn Đà Nẵng, làm nền tảng cho sự phát triển của các nền văn hóa ở các thời kỳ tiếp theo. Di chỉ vườn đình Khuê Bắc phản ánh bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất, góp phần dựng nên diện mạo văn hóa của Đà Nẵng trong nền văn hóa chung của dân tộc.

  1. Phế tích tháp Chăm-pa Xuân Dương:

Ngay từ thế kỷ 19, sách Đại Nam nhất thống chí, trong mục chép về núi Xuân Thiều đã nhắc đến di tích tháp Trà Vương. Năm 1928, trong tác phẩm “Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ”, H.Parmentier đã mô tả “Dấu vết Chăm tại Nam Ô thuộc địa phận làng Xuân Thiều …có thể nhận ra dấu vết của các bức tường và nền móng vuông của một ngôi tháp”.

Trong phạm vi của 2 hố thám sát (10m2), đã tìm được dấu tích đầm nền của di tích hố thiêng và phạm vi xung quanh, và 219 mảnh gạch Chăm. Ngoài ra trong bảo tàng điêu khắc Chăm, đình Xuân Dương và miếu bà Bô Bô còn lưu giữ được các hiện vật của di tích như: bệ thờ chạm khắc voi, đế bệ Yoni, đá mi cửa,…

Hình 2. Các hiện vật đá đình Xuân Dương

Cùng với các di vật hiện biết, kết quả đào thám sát của di tích cho thấy nơi đây đã từng tồn tại một kiến trúc Chăm-pa, có giá trị lịch sử văn hóa trên vùng đất Đà Nẵng. Di tích tháp Xuân Dương được xây dựng trên địa điểm vùng đất sát biển, trấn giữ và nhìn ra cửa Hàn (vịnh Đà Nẵng), trong lịch sử nơi đây vừa là trung tâm tôn giáo, vừa như ngọn hải đăng để định hướng đi biển của người Chăm.

Qua địa tầng hố thám sát, dựa vào những tác phẩm điêu khắc tìm được ở đây có thể thấy tháp Xuân Dương được xây dựng vào thế kỷ 11 và được duy trì sử dụng theo suốt chiều dài lịch sử tộc người Chăm cho đến khi vùng đất này sát nhập vào lãnh thổ dân tộc.

  1. Địa điểm Gò Giản:

Đầu năm 2015, khi trùng tu xây dựng lại miếu, nhân dân đã phát hiện được số hiện vật điêu khắc Chăm-pa bằng đá sa thạch, như: bệ thờ Yoni, chóp tháp, đầu tượng thần Shiva, những hiện vật này đã được đưa về Bảo tàng điêu khắc Chăm. Đây là những hiện vật liên quan đến vật thờ của kiến trúc tháp đã bị sụp đổ. Qua khảo sát, điều tra đã thu được các di vật quan trọng như: 15 mảnh gốm Sa Huỳnh, 8 mảnh gốm Chăm thế kỷ 2-6 (vòi ấm, ngói,…), và các hiện vật gốm men, đồ sành của thế kỷ 17-18.

Các di vật còn lại trên bề mặt di tích và các hiện vật sưu tầm được đã chứng minh đây là một kiến trúc Chăm-pa được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 đã bị sụp đổ. Quy mô và phạm vi kiến trúc khá lớn, ngoài kiến trúc tháp chính còn có thể có các công trình kiến trúc khác được xây dựng tạo thành một tổ hợp kiến trúc hoàn chỉnh.

Hình 3. Đầu tượng Shiva Gò Giản

Phía trước di tích là hệ thống đầm cổ gắn liền với sông Túy Loan nên khả năng đây là di chỉ cư trú của người Sa Huỳnh được người Chăm kế thừa. Với những hiện vật tìm được cho thấy địa điểm phế tích tháp Chăm có thể nằm trên di chỉ cư trú của cư dân Sa Huỳnh.

Đây là địa điểm cư trú có tính chất lâu dài, với nhiều loại hình di tích thuộc các thời kỳ khác nhau: di chỉ cư trú Sa Huỳnh, kiến trúc Chăm-pa, do vậy khu vực di tích còn ẩn chứa tiềm năng lớn các giá trị lịch sử-văn hóa trong lòng đất, là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của cư dân Sa Huỳnh và tiếp tục trong văn hóa Chăm-pa.

Phạm Văn Triệu

(Nguồn: Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học Đà Nẵng năm 2015)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9026306
Số người đang online: 22