Những khám phá hang động ở Tây Ban Nha cho thấy người Neanderthals đã sử dụng nước nóng và có phòng ngủ.

 

 

Các nhà khảo cổ học ở Tây Ban Nha tiến hành một số khám phá bên cạnh một hang động tiền sử ở Catalonia. Các phát hiện này cho thấy, người Neanderthals đã sử dụng nước nóng và có các không gian sống riêng biệt từ 60.000 năm trước. Phát hiện này bổ sung thêm số lượng bằng chứng rằng, người Neanderthals phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ của chúng ta trước đây, ít nhất là tương đối tiến bộ, nếu không muốn nói là họ hơn những người Homo Sapiens sớm.  

Viện Cổ sinh thái người và Tiến hóa xã hội Catalan (IPHES) báo cáo rằng, hơn 10.000 di tồn hóa thạch và hiện vật thu được từ các hang động phân bố ở Abric Romani, thuộc Catalonia có thể giúp các nhà khoa học khẳng định một thời kỳ chiếm cư lâu dài (long-term occupation) tại di chỉ mà người Neanderthals đã sinh sống.

Trong số những khám phá có ý nghĩa hơn cả là một hố hình lòng chảo (40 x 30 x 10cm), nó được tạo ra ngay bên cạnh một số nền lò với bằng chứng về việc sử dụng lửa. Các nhà khảo cổ học tin rằng, người Neanderthals đã sử dụng chính cái hố đó để đun nước bằng cách đặt các viên đá bị nung nóng từ các nền lò bên cạnh đó.

“Các nền lò đã được khám phá trong các khu vực trú ngụ của người Neanderthals” Mail Online báo cáo như vậy, “Đồng thời nó cũng đã gợi ý, thậm chí họ còn nấu thức ăn của họ bằng cách đun nó trong một cái túi được làm bằng da hoặc từ một cái khay bằng vỏ cây bạch dương để làm mềm thức ăn”.

Tiếp sau đó là một phân tích chi tiết về hang động, các nhà khảo cổ học đã có thể xác minh người Neanderthals sử dụng các khu vực khác nhau của hang động cho các hoạt động khác nhau, nó bao gồm cả cho việc chế tác công cụ, xẻ thịt động vật và chuẩn bị thức ăn, khu vực vứt bỏ rác thải và khu vực để ngủ. Khu vực sử dụng để ngủ được xác định bởi một thực tế đó là số lượng hiện vật và các mảnh tách vụn vỡ rất hiếm.

Khu vực được xác định như một phòng ngủ ở hang động Catalonia.

Trong khi đó các nhà khảo cổ học ở IPHES khẳng định rằng, phát hiện này chỉ ra bằng chứng đầu tiên về một ‘phòng ngủ’ của người Neanderthals, các phát hiện trong một mái đá bị đổ ở Italy năm 2013 cũng khẳng định rằng, người Neanderthals có một không gian sử dụng được săp xếp có tổ chức.

Bức tranh miêu tả về gia đình của người Neanderthal.

Một trưng bày về người Neanderthal tại Bảo tàng Krapina, Croatia.

Mái đá ở Italy bao gồm các cấp độ riêng biệt. Khu vực cao nhất được sử dụng để xẻ thịt động vật, bởi vì nó hàm chứa tỷ lệ cao di tồn xương động vật. Khu vực trung gian bao gồm rất nhiều vết tích quá trình chiếm cư của con người và dường như được sử dụng là nơi để ngủ trong thời gian dài. Các hiện vật bị phân bố để tránh khu vực lộn xộn quanh nền lò ở đằng sau của hang động. Cuối cùng, phần thấp nhất là một khu vực để sinh sống trong thời gian ngắn hơn. Xương động vật và công cụ đã được tập trung ở trước hơn là phía sau của mái đá gợi ý rằng quá trình chế tạo công cụ diễn ra ở đó để tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời nhiều nhất có thể. Như vậy, với nhiều nghiên cứu qua các thập kỷ gần đây có thể khẳng định rằng, sự thông minh của người Neanderthal ít nhất cũng tương đương với những người Homosapien sớm.

Nguồn: http://www.ancient-origins.net

(Dịch: Phạm Thanh Sơn)

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thành phố cổ khổng lồ dưới đáy biển

 

 

Một nhóm chuyên gia khảo cổ tìm thấy tàn tích của thành phố khổng lồ thời đồ đồng dưới đáy biển Aegea ở Địa Trung Hải.

Khu tàn tích của thành phố cổ đại trải rộng trên 48.500 km2

Khu vực tàn tích thuộc thời đồ đồng, có niên đại 4.500 năm, bao phủ diện tích hơn 48.500 km2, bao gồm nhiều công trình phòng ngự, mặt thềm, lối đi, ngọn tháp, đồ gốm sứ, công cụ và các vật tạo tác khác.

Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Geneva, Thụy Điển và Trường Khảo cổ Thụy Sĩ phát hiện thành phố khổng lồ ở vịnh Kiladha trên bán đảo Peloponnese phía nam Athens khi đang tìm kiếm dấu tích ngôi làng cổ nhất châu Âu.

Theo Spero News, các nhà nghiên cứu xác định một loạt nền nhà hình móng ngựa cạnh chân tường có thể là một phần của những tháp canh bảo vệ thành phố. Các kiến trúc thời kỳ đồ đồng này rất độc đáo và chưa từng được phát hiện trước đây.

Giáo sư Julien Beck ở Đại học Geneva cho biết, phát hiện về thành phố cổ đại có tầm quan trọng lớn bởi số lượng và chất lượng các vật tạo tác thu được, bao gồm đồ gốm, gốm đỏ, công cụ đá và những lưỡi rìu thuộc thời Helladic (năm 3200 – 2050 trước CN).

Những mảnh đồ gốm dạt lên bãi biển Lambayanna ở Athens

Các nhà khoa học đã thu thập hơn 6.000 đồ tạo tác từ khu vực tàn tích. Những lưỡi rìu có nguồn gốc từ đá núi lửa trên đảo Milos ở quần đảo Cyclade, nơi con người đến sống từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Theo International Business Times, nhóm nghiên cứu hy vọng những món đồ tạo tác sẽ cho phép họ nghiên cứu sâu hơn về thương mại, hàng hải và cuộc sống ở thời kỳ đó.

Những bức tường ở khu tàn tích được xây cùng thời với kim tự tháp Giza (năm 2600 – 2500 trước CN) cũng như nền văn minh Cyclade (năm 3200 – 2000 trước CN). Tuy nhiên, chúng đã tồn tại 1000 năm trước Mycenae, nền văn minh lớn đầu tiên của Hy Lạp.

Theo: http://vnexpress.net

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Chiến binh mặc áo choàng dát vàng trong mộ cổ

 

 

Các nhà khảo cổ học tìm thấy ngôi mộ chứa thi hài của một chiến binh Scythia cổ đại, được chôn cốt với chiếc áo choàng dát vàng cùng nhiều đồ tùy táng.

Ngôi mộ thuộc về một chiến binh người Scythia

Ngôi mộ của chiến binh Scythia nằm dưới một gò (gọi là kurgan) trên dãy núi Altai, gần làng Krasny Yar ở phía nam nước Nga. Theo các nhà khảo cổ học, ngôi mộ có niên đại từ năm 500 đến 400 trước Công nguyên, và đây có thể là thi hài của một vị vua Scythia.

Chiến binh Scythia trên được chôn cùng với con ngựa của mình và các vũ khí gồm một thanh kiếm sắt Akinak và một con dao bằng đồng giống cái đục. Những bộ xương cừu tìm thấy trong khu mộ có thể là thức ăn trong nghi lễ cúng tế.

Hình minh họa gò chôn kurgan của người Scythia

"Mặc dù vải của chiếc áo choàng đã mục nát từ lâu, những vẩy vàng từng đính trên đó vẫn nằm trên đất. Cho đến nay, chúng ta biết rất ít về cách mai táng của người Scythia," Ancient Origins hôm qua dẫn lời Giáo sư Alexander Kazakov, nhà khảo cổ học đứng đầu nhóm khai quật cho biết.

Người Scythia là dân du mục sống trong vương quốc trải dài từ Iran đến Trung Quốc và mở rộng về phía tây đến Đông Âu ngày nay. Họ từng được nhắc đến trong các văn kiện Hy Lạp và Trung Quốc cổ đại như những kỵ binh thiện chiến. Vũ khí ưa thích của họ là cung tên và kiếm ngắn

Một chiếc vòng cổ của người Scythia được tìm thấy ở Tolstaya Mogila, Ukraine

Vương quốc Scythia được cai trị bởi tầng lớp quý tộc giàu có. Họ dần dần kết hôn với người Hy Lạp và diệt vong vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Những vẩy vàng nhỏ dát trên áo choàng của vị vua cho thấy người Scythia rất yêu thích đồ trang sức.

Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ngôi mộ Scythia khác vào đầu tháng 8, là nơi yên nghỉ của một nữ chiến binh. Ngôi mộ này chứa 100 đầu mũi tên, một bộ yên cương, một thanh kiếm và nhiều dao găm.

Theo: http://vnexpress.net

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Móng vuốt 3.300 năm của loài chim không cánh

 

 

 

Kết quả phân tích cho thấy chiếc móng vuốt bí ẩn là phần cơ thể còn lưu lại từ xác khô có niên đại 3.300 năm của chim moa vùng cao, một loài chim tiền sử đã biến mất từ nhiều thế kỷ trước.

Chiếc móng vuốt của chim moa còn nguyên vẹn sau 3.300 năm

Chim Moa vùng cao (Megalapteryx didinus) là loài chim moa đặc thù của New Zealand. Phân tích DNA công bố trên trang Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ hôm 7/2/2014 chỉ ra chim Moa xuất hiện lần đầu tiên cách đây 18,5 triệu năm và bao gồm ít nhất 10 loài.

Với chiều cao hơn ba mét, chim Moa từng là loài chim lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, chim Moa vùng cao lại là loài Moa nhỏ nhất khi chỉ cao 1,3 m. Loài chim này có lông bao phủ toàn cơ thể, trừ mỏ và bàn chân. Chúng không có cánh hay đuôi. Đúng như tên gọi, chúng sống ở những vùng cao mát mẻ ở New Zealand.

Chim Moa được phát hiện lần đầu vào năm 1839 bởi John W. Harris, một thương gia yêu thích lịch sử tự nhiên. Sau đấy, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng nghìn mẫu vật thuộc về chim Moa, trong đó có nhiều phần cơ thể còn nguyên mô mềm với cơ bắp, da và lông. Phần lớn hóa thạch nằm dưới những đụn cát, đầm lầy, hang động, nơi chim Moa làm tổ hoặc tránh thời tiết xấu. Mẫu vật được bảo tồn nhờ quá trình làm khô khi chim Moa chết ở một khu vực tự nhiên khô ráo.

Đại bàng Haast tấn công chim moa ở New Zealand

Khi người Polynesia nhập cư vào New Zealand giữa thế kỷ 13, chim moa đang phát triển mạnh. Chúng là động vật ăn cỏ thống trị trong những cánh rừng, đồng cỏ và vùng phụ cận bên các dãy núi cao trong hàng nghìn năm và chỉ có một kẻ thù duy nhất là đại bàng Haast. Tuy nhiên, khi con người xuất hiện, chim Moa nhanh chóng bị tuyệt chủng do nạn săn bắn và môi trường sống bị phá hủy.

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh, do chim Moa trưởng thành rất chậm, chúng không thể sinh sản đủ nhanh để duy trì nòi giống, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cao hơn. Chim Moa đã tuyệt chủng trước khi những người châu Âu đến New Zealand vào năm 1760.

Theo: http://vnexpress.net

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Mẩu xương niên đại 3,4 triệu năm có vết cắt.

 

 

ATLANTA, GEORGIA- Các dấu vết trên một đoạn xương động vật có niên đại 3,4 triệu năm trước tìm thấy ở di chủ khu vực Dikka, Ethiopia có thể bị cắt bởi các công cụ đá, Jessica Thompson của Đại học Emory và những đồng nghiệp của cô ấy thảo luận trong tạp chí Journal of Human Evolution. Nghiên cứu mới này sử dụng phân tích thống kê những dấu vết trên hơn 4000 mảnh xương tìm thấy ở di chỉ để bác bỏ một tuyên bố được tiến hành bởi nhóm các nhà khoa học khác từ năm 2011 rằng, những dấu vết cắt đó được gây ra bởi quá trình giẫm đạp ngẫu nhiên.

Đoạn xương có vết cắt được phát hiện ở Dikka, Ethiopia

Thompson nói rằng “Nghiên cứu của chúng tôi với những thống kê tin cậy cho thấy những vết cắt trên hai mảnh xương đó không phải bị gây ra một cách ngẫu nhiên”. “Trong khi đó có rất nhiều bằng chứng chứng minh rằng những mẩu xương ở di chỉ bị phá hủy bởi những lần giẫm đạp lên, nhưng hai mảnh xương này nằm ngoài số đó. Những dấu vết trên chúng tương tự như những vết cắt”.

Theo: http://www.archaeology.org

(Dịch Phạm Thanh Sơn)

 

 
Tags: Vết cắt  Dikka  Ethiopia...  
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam- Lào-Campuchia trong tiểu vùng Mê Kông”

 

 

- Tác giả: Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

- Số trang: 339 trang

- Hình thức bìa: mềm

Cuốn kỷ yếu là kết quả của Hội thảo khoa học Quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam- Lào-Campuchia trong tiểu vùng Mê Kông” do Viện Khảo cổ học-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội chủ trì, được tổ chức trong 3 ngày từ 3/8/2015-5/8/2015 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc với sự tham dự của các nhà khảo cổ học Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Cuốn sách tập hợp gần 30 bài viết của các tác giả quốc tế và Việt Nam nghiên cứu về các vấn đề khảo cổ học của các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.

Xin trân trọng giới thiệu (Danh sách tác giả và các bài viết) đến các độc giả quan tâm tới bất cứ chủ đề hoặc bài viết nào. Có thể tham khảo cuốn kỷ yếu này.

 PHẠM VĂN ĐỨC

 

Phát biểu khai mạc của GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tại hội thảo Khoa học quốc tế “Khảo cổ học Việt Nam - Lào - Campuchia trong tiểu vùng Mê Kông” Tam Đảo, Vĩnh Phúc ngày 03/8/2015-5/8/2015

NGUYỄN GIANG HẢI

Khảo cổ học Việt Nam - Lào - Campuchia trong tiểu vùng Mê Kông

NGUYỄN GIA ĐỐI

Khảo sát nghiên cứu hệ thống di tích thời đại Đá vùng Thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai

THONGLITH

LUANGKHOTH

Kết quả sơ khởi cuộc khai quật tại bản Linh Xăn, huyện Thụ La Khôm, tỉnh Viên Chăn

JEERAWAN SANGPETCH

Nhận thức mới về hình tượng Vishnu ở Pong Tuk, tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan

PHẠM ĐỨC MẠNH

NGUYỄN HỒNG ÂN

Di sản văn hóa cự thạch đặc sắc ở miền Đông bán đảo Đông Dương

LÊ ĐÌNH PHỤNG

Tháp Dương Long - Nơi hội tụ hai dòng nghệ thuật.

ANULAK DEPIMAI

Tư liệu mới từ nghiên cứu so sánh và niên đại di tích KhaokhlangNhok, đô thị cổ Si-Thep, Phetchabun, Thái Lan

 

TRẦN KỲ PHƯƠNG

SURAT LERTLUMM

THONGLITH LUANGKHOTH

IM SOKRITHY

Những di tích Ấn Độ giáo và Phật giáo mới phát hiện tại Rattanakiri (Campuchia), Attapue (Lào) và Tây Nguyên (Việt Nam): Một tiếp cận khảo cổ học cảnh quan về con đường giao thương trên bộ giữa các vương quốc cổ ở tiểu vùng Mê Kông.

SURAT LERTLUM

IM SOKRITHY

Từ LARP ĐẾN CRMA: Dự án nghiên cứu về mối quan hệ văn hóa ở Đông Nam Á lục địa (CRMA)

LÂM THỊ MỸ DUNG

Tiếp xúc và giao thoa của văn hóa Sa Huỳnh qua những phát hiện và nghiên cứu mới

UNYUNT HAN

Công tác nghiên cứu, khai quật và bảo vệ tại Di sản thế giới các đô thị cổ Pyu ở Myanmar.

 

BÙI VĂN LIÊM

BÙI VĂN HIẾU

Khảo cổ học biển ở Quảng Nam và Quảng Ngãi

ANG CHOULEAN

Mối quan hệ đa dân tộc ở Đông Dương một thoáng nhìn về tính phức tạp của nó.

 

NGUYỄN KHẮC SỬ

PHAN THANH TOÀN*

Các di tích tiền sử trong hệ thống sông Mê Kông ở Tây Nguyên

 

NGUYỄN VĂN ĐOÀN

ĐINH VĂN MẠNH

Giới thiệu sưu tập hiện vật đá tiền sử Lào tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

 

LÊ VĂN CHIẾN

ĐINH VĂN MẠNH

Di tích Hòa Diêm và mối quan hệ văn hóa của nó

TRÌNH NĂNG CHUNG

Văn hóa Đông Sơn trong bối cảnh văn hóa tiền - sơ sử khu vực Nam TQ và Đông Nam Á

TRỊNH SINH

Những trống đồng Đông Sơn ở Lào và Campuchia

 

BÙI THỊ TUYẾT

NGUYỄN THỊ THANH HIỀN

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Đông Sơn khu vực các vùng huyện biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa

NGUYỄN TIẾN ĐÔNG

Di tích Cát Tiên, nghiên cứu và vấn đề

ĐẶNG VĂN THẮNG

Thần Vishnu trong văn hóa Ốc Eo

QUẢNG VĂN SƠN

Phật viện Đồng Dương ở Quảng Nam và vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Chăm ở Việt Nam

NGÔ THỊ LAN

 

Tìm hiểu nghệ thuật trang trí hình lá đề trong một số di tích kiến trúc Khmer thời kỳ Angkor, Campuchia và nghiên cứu so sánh với Việt Nam

BÙI THỊ THU PHƯƠNG

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (Việt Nam)

PHAN LÊ CHUNG

Gìn giữ và phát huy các giá trị di sản triều Nguyễn trong hoạt động đào tạo tại Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế

TẠ QUỐC KHÁNH

Vài ý kiến cho công tác bảo tồn, tu bổ di tích trong giai đoạn hiện nay

 

NGUYỄN THỊ HẬU

NGUYỄN THỊ TÚ ANH

Bảo tồn di sản văn hóa đô thị của ba nước Đông Dương: Trường hợp Tp. Hồ Chí Minh - Việt Nam

NGUYỄN DUY BÍNH

TRẦN ĐÌNH PHIÊN

Công tác giảng dạy và học tập khảo cổ học ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học sư phạm Hà Nội và những bài học kinh nghiệm trong giáo dục sinh viên ý thức bảo tồn và bảo vệ di tích, di vật khảo cổ học; giáo dục di sản và phát huy giá trị của di sản

 (*) Đích chính: Bài viết: "Các di tích tiền sử trong hệ thống sông Mê Kông ở Tây Nguyên" do 2 tác giả Nguyễn Khắc Sử và Phan Thanh Toàn viết chung. Tuy nhiên do sơ xuất trong quá trình biên tập sách đã không ghi tên tác giả Phan Thanh Toàn.

 

Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lịch sử tỉnh Cao Bằng

 

 

- Tác giả: Viện sử học Việt Nam

- Nxb: Chính trị Quốc Gia

- Số trang: 1207 trang

- Khổ sách: 15 x 22 cm

Nội dung cuốn sách gồm 13 chương:

Chương I. Đất và người Cao Bằng, giới thiệu những thông tin cơ bản về Cao Bằng, phần này được xem như là bối cảnh, là môi trường sống của cộng đồng các dân cư sinh sống trên địa bàn đó.

Chương II - Cao Bằng thời tiền và sơ sử, có thể xem như là một chuyên đề tổng kết về những kết quả, những phát hiện của ngành khảo cổ học nước ta qua những dẫn chứng cụ thể, cung cấp cho người đọc trước hết là những người dân địa phương - những kiến thức mới về nguồn gốc xa xưa của cộng đồng cư dân bản địa.

Chương III - Cao bằng thế kỷ XI-XIV

Chương IV - Cao bằng thế kỷ XV-XVIII

Chương V - Cao bằng thời Nguyễn (1802-1884)

Chương VI - Cao Bằng dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

Chương VII - Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện (1945-1950).

Chương VIII - Xây dựng hậu phương, góp sức cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược (1951-1954).

Chương IX - Hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội (1955-1965).

Chương X - Cao Bằng củng cố hậu phương, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc (1965-1975).

Chương XI - Cao Bằng sau ngày đất nước thống nhất, cùng cả nước xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975-1985).

Chương XII - Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn 1986-2000.

Chương XIII - Đẩy mạnh đổi mới toàn diện trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2009).

Tất cả các chương trên lần lượt giới thiệu lịch sử tỉnh Cao Bằng qua các thời kỳ cụ thể trong sự phát triển không ngừng đi lên, với những mốc thời gian có căn cứ thực tế, với những sự kiện hào hùng, oanh liệt, có cả những lúc thăng trầm, gắn liền với vùng đất biên cương địa đầu của Tổ quốc.

Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí

 

 

- Tác giả: Lưu Công Đạo

- Nxb: Thanh Hóa

- Số trang: 208 trang.

- Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm

Vĩnh Lộc là một huyện trung du của tỉnh Thanh Hóa. Thời Bắc Thuộc, Vĩnh Lộc thuộc huyện Tư Phố, bộ Cửu Chân, đến thời Trần thuộc huyện Vĩnh Ninh, thời lê Trung Hưng đổi thành huyện Vĩnh Phúc, thời Tây Sơn mới có tên là Vĩnh Lộc.

Vĩnh Lộc là vùng đất cổ, từ thời tiền sử nơi đây đã sớm có người tụ cư sinh sống. Thời đồ đá mới, với di tích khảo cổ học Đa Bút (xã Vĩnh Tân), cùng với di chỉ Bản Thủy (xã Vĩnh Thịnh), di chỉ Làng Còng (xã Vĩnh Hưng) đã tạo cho vùng đấtcó bề dày về lịch sử - văn hóa.

Thời kỳ phong kiến tự chủ, Vĩnh Lộc đã từng là kinh đô của nước Đại Ngu, dưới vương triều Hồ (1400-1407), cũng là quê hương của Kim Ngô Long hổ Lưỡng vệ Thượng tướng quân Trần Khát Chân, một danh tướng thời Trần.

Vùng đất Vĩnh Lộc là nơi phát tích của chúa Trịnh, tạo nên các đời chúa nối nhau điều hành đất nước. Tại vùng đất này đã sinh ra trạng nguyên Trịnh Tuệ là là nơi sinh thành và nuôi dưỡng cụ Tống Duy Tân mà tên tuổi của cụ gắn liền với phong trào Cần Vương chống Pháp (1886-1892)

Toàn huyện có 131 thôn làng nhưng có tới 147 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nhiều văn bia, sắc phong, thần tích, gia phả chữ Hán Nôm hiện đang được lưu giữ tại địa phương.

Tác giả xuất bản cuốn sách Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí với mục đích giới thiệu thêm cho bạn đọc hiểu thêm về vùng đất này.

 Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phiên 1 Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông”

 

 

8h30 ngày 4/8/2015, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông” tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương trình Hội thảo ngày 4/8 như sau:

8h30 - 9h00: Khai mạc Hội thảo

GS.TS Phạm Văn Đức phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc của GS.TS Phạm Văn Đức (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Phát biểu đề dẫn của PGS.TS Nguyễn Giang Hải (Viện trưởng Viện Khảo cổ học)

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo

9h00 - 10h00: Báo cáo phiên 1

Chủ trì: PGS.TS Nguyễn Giang Hải & TS Im Sokrithy

1. Khảo sát nghiên cứu hệ thống di tích thời đại Đá vùng thượng du sông Ba tỉnh Gia Lai - TS Nguyễn Gia Đối

TS Nguyễn Gia Đối trình bày tham luận

Các đợt khảo sát tại thượng du sông Ba đã phát hiện được một hệ thống các di tích thời đại Đá cũ, trong đó có các di tích mang tính chất sơ kỳ Đá cũ lần đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam. Các sưu tập đồ đá ở đây được phát hiện trong địa tầng có tuổi trung kỳ Cánh Tân với các loại hình đặc trưng như rìu tay, biface, công cụ mũi nhọn…tương đối gần gũi với các sưu tập di vật Đá cũ sơ kỳ ở Bách Sắc (Trung Quốc), Chongokni (Hàn Quốc). Do vậy, niên đại sớm nhất của nó có thể lên tới 80 vạn năm hoặc chí ít cũng vào khoảng 50-30 vạn năm. Đây là một cứ liệu góp thêm vào việc minh chứng sự xuất hiện của người vượn Homo erectus ở Việt Nam và có thể gần tương đương với người vượn Bắc Kinh ở Chu Khẩu Điếm, Trung Quốc. Phát hiện này có ý nghĩa lớn không chỉ ở phạm vi quốc gia mà có giá trị toàn cầu vì cho đến nay số những di tích phát hiện được kỹ nghệ rìu tay của người vượn Homo erectus ở khu vực châu Á không nhiều. Như đã biết, trước đây chúng ta mới chỉ biết đến lớp chứa công cụ hậu kỳ Đá cũ ở di chỉ Lung Leng (Kon Tum), còn lại ở các khu vực khác của Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ rất hiếm các di tích hậu kỳ Đá cũ như kỹ nghệ Sơn Vi ở Bắc Bộ. Việc phát hiện một số di tích và sưu tập di vật ở thượng du sông Ba hứa hẹn khả năng phát hiện thêm nhiều di tích thuộc hậu kỳ Đá cũ ở Tây Nguyên.

2. Kết quả sơ khởi cuộc khai quật tại bản Linh Xăn, huyện Thụ La Khôm, tỉnh Viên Chăn - TS Thonglith Luangkhot


TS Thonglith Luangkhot trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Linh Xăn là một trong những bản nổi tiếng về phát hiện tượng Phật nhất là pho tượng Phật ba màu vào năm 2006, với chiều cao 56 cm. Pho tượng này đã được cất giấu bởi cư dân địa phương qua nhiều thế hệ. Người dân nơi đây đã thay nhau nhận nhiệm vụ trao truyền từ nhiều thế hệ trước để cất giấu pho tượng Phật ba màu quý giá này, vì thế, pho tượng đã được tồn tại qua các cuộc chiến tranh và tránh được tệ nạn buôn bán đồ cổ. Ngày 20/05/2011, cư dân địa phương đã phát hiện được vỏ của một con thuyền buồm bằng gỗ có chiều dài 16m, rộng 02m, kỹ thuật chế tác là được gọt đẽo từ một thân cây dài (thuyền độc mộc); con thuyền này chưa xác định được niên đại và đang được trưng bày trong chùa Vạt Kang. Chiều ngày 19/06/2015 vừa qua, nhân dân đã phát hiện các pho tượng Phật bằng đồng, đất nung, bạc, sa thạch, gỗ… tại khuôn viên chùa Vạt Kang. Cuộc khai quật nghiên cứu di tích này đã được các cơ quan và nhân dân địa phương tiến hành vào tháng 6/2015.

Bản tham luận đã nhận được nhiều quan tâm của các nhà nghiên cứu nhất là những chia sẻ về việc bảo quản con thuyền bằng gỗ.

3. Nhận thức mới về hình tượng Vishnu ở Pong Tuk, tỉnh Kanchanabủi, Thái Lan - PGS.TS Jeerawan Jengspetch


PGS.TS Jeerawan Jengspetch trình bày tham luận tại Hội thảo

Vishnu là một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Vishnu giáo là tôn giáo Ấn Độ thờ thần Vishnu như là vị thần quan trọng nhất. Tại Pong Tuk, một pho tượng Vishnu bằng đá đã được tìm thấy vào năm 1943. Bức tượng này có thể coi là được tìm thấy tại khu vực xa nhất về phía tây Thái Lan. Nó bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, sau đó được ghép lại và đặt tại Wat Dong Sak để người dân địa phương thờ cúng cho đến ngày nay. Các nhà khoa học đã sử dụng bức xạ gamma tia X để phân tích bức tượng, sử dụng Iridium 192, chất rất dễ ảnh hưởng đến mật độ phân bố các phân tử của hiện vật, cũng như có khả năng xâm nhập khác nhau đối với từng loại chất liệu. Trên cơ sở kết quả phân tích, tác giả tạm thời đưa ra giả thuyết nghiên cứu mới về bức tượng Vishnu này. Phong cách nghệ thuật của nó có thể liên quan đến các bức tượng Vishnu ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là nghệ thuật thời kỳ tiền Angkor, đế quốc Khmer.

10h00 - 10h15: Giải lao

10h15 - 11h00: tiếp tục Phiên 1

4. Di sản văn hoá cự thạch ở miền đông bán đảo Đông Dương - PGS.TS Phạm Đức Mạnh & Ths Nguyễn Hồng Ân

PGS.TS Phạm Đức Mạnh trình bày tại Hội thảo

5. Dương Long nơi hội tụ hai dòng nghệ thuật Chanpa - Khmer - TS Lê Đình Phụng

TS Lê Đình Phụng trình bày tại Hội thảo

Nghệ thuật điêu khắc đá Champa và điêu khắc đá Khmer là hai nền nghệ thuật lớn trên bán đảo Đông Dương trong lịch sử. Do cùng nằm trên khu vực địa lý, hai tộc người có quan hệ chặt chẽ với nhau lại cùng chịu ảnh hưởng từ văn hóa tôn giáo Ấn Độ, nên hai nền nghệ thuật này có mối quan hệ mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại và phát triển. Nghiên cứu của tác giả đã cho thấy tháp Dương Long thuộc văn hoá Champa ngoài nghệ thuật kiến trúc Champa còn hội tụ nghệ thuật kiến trúc văn hoá Khmer.

6. Tư liệu mới từ nghiên cứu so sánh và niên đại di tích Khaokhlangnhok, đô thị cổ Si Thep, Phetchabun, Thái Lan - Anurak Depimai

Di tích KhaoKhlangNhok, đô thị cổ Si-Thep, tỉnh Phetchabun, hoạt động khảo cổ học vẫn đang được tiến hành ở khu vực tháp chính, những ngôi tháp phụ và khu vực xung quanh. Hoạt động này còn kéo dài trong thời gian tới. Kết quả khai quật đã đưa ra những nhận thức và giả thuyết nghiên cứu mới. Những yếu tố tác động đến sự hình thành các công trình kiến trúc to lớn này cũng nên được xem xét đồng thời bằng phương pháp nghiên cứu so sánh trong đó kinh tế, chính trị và tôn giáo là ba yếu tố chủ đạo. KhaoKhlangNhok có lẽ được xây dựng trong thế kỷ 9-10, thời kỳ thịnh vượng của đô thị cổ Si-Thep dưới ảnh hưởng của nghệ thuật Dvaravati.

11h00 - 12h00: Thảo luận

Nguyễn Thơ Đình

 

 

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phiên 2 Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông”

 

 

13h30 chiều 4/8, Phiên báo cáo thứ 2 của Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học Việt Nam, Lào, Campuchia trong tiểu vùng sông Mê Kông” bắt đầu. Điều hành phiên làm việc này là TS Nguyễn Gia Đối (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học) và TS Thonglith Luangkhot (Lào).

13h30 - 15h00: Báo cáo phiên 2

Chủ trì: TS Nguyễn Gia Đối & TS Thonglith Luangkhot

7. Những di tích Ấn Độ giáo và Phật giáo mới phát hiện tại Rattanaki (Campuchia), Attapue (Lào) và Tây Nguyên (Việt Nam): Một tiếp cận khảo cổ học cảnh quan về con đường giao thương trên bộ giữa các vương quốc cổ ở tiểu vùng Mê Kông - Trần Kỳ Phương và nnk

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương trình bày tại Hội thảo

Qua kết quả khảo sát một số di tích khảo cổ học lịch sử tại các tỉnh Stueng Treng và Rattanakiri ở Đông Bắc Campuchia; Champasak và Attapue ở Nam Lào; và Tây Nguyên Việt Nam kết hợp với các di tích Ấn Độ/Hindu giáo và Phật giáo khác phát hiện tại các tỉnh Kon Tum và Gia Lai trong những năm qua nhóm nghiên cứu đã phác họa một con đường thương mãi nối kết từ miền duyên hải của các tỉnh Bình Định và Phú Yên lên đến vùng Tây Nguyên và Đông Bắc Cam-pu-chia cũng như thung lũng Attapue và cao nguyên Boloven ở Nam Lào. Tham luận này đóng góp một cái nhìn toàn cảnh các mối quan hệ kinh tế- xã hội giữa các tiểu quốc ở tiểu vùng Mekong qua các giai đoạn lịch sử từ thế kỷ thứ 8 trở về sau.

8. Từ LARP đến CRMA: Dự án nghiên cứu về mối quan hệ văn hoá Đông Nam Á lục địa - PGS.TS Surat Lertlum & TS Im Sokrithy

Các tác giả trình bày tại Hội thảo

Sau khi kết thúc nghiên cứu về con đường hoàng gia từ Angkor đến Phimai, các tác giả tiếp tục tiến hành tìm hiểu các tổ chức xã hội, các nền văn hóa cổ dọc theo hành lang văn hóa Đông-Tây, Bắc-Nam ở Thái Lan và các quốc gia láng giềng. Những nghiên cứu khảo cổ học kết hợp phân tích dữ liệu không gian, đã dựng lên một bức tranh rộng hơn về các mối quan hệ trên bình diện khu vực ở Hành lang văn hóa Đông-Tây và Bắc-Nam, đưa ra cái nhìn đầy đủ hơn về sự chia sẻ và thích ứng văn hóa trong quá khứ. Đồng thời, cung cấp những nhận thức mới về sự phát triển của mạng lưới giao thông, kỹ thuật...

9. Tiếp xúc và giao thoa văn hoá Sa Huỳnh qua những phát hiện và nghiên cứu mới - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung trình bày tham luận

Các di tích của văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở hầu khắp các dạng địa hình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, từ vùng đồi gò, cồn cát ven sông, ven biển đến các đảo ven bờ, những yếu tố tự nhiên, xã hội mối quan hệ văn hoá khác nhau theo cả chiều không gian và thời gian đã tạo nên những dạng/nhóm địa phương của văn hoá này. Bức khảm văn hoá Sa Huỳnh được cấu thành từ những mảnh ghép đậm nhạt với những vùng lõi, vùng biên, vùng bắc, vùng nam, vùng núi, vùng đồng bằng duyên hải, hải đảo... Văn hoá Sa Huỳnh, đặc biệt ở giai đoạn cuối do vị thế địa lý cầu nối của mình là nơi gặp gỡ và hội tụ của nhiều luồng văn hoá/văn minh khu vực và thế giới. Những cuộc tiếp xúc và giao lưu ấy ít nhiều đều để lại dấu ấn trong di tích, di vật của văn hoá Sa Huỳnh và góp phần làm tăng tính đa dạng của văn hoá này.

Là một trong ba trung tâm văn hoá lớn thời đại kim khí Việt Nam phân bố trên dải đất miền Trung, một địa hình dài hẹp lưng dựa vào Đông Nam Á lục địa, mặt ngoảnh ra Đông Nam Á hải đảo, văn hoá Sa Huỳnh ngay từ nền gốc là các văn hoá Tiền Sa Huỳnh (Bàu Tró, Bàu Trám, Bình Châu, Long Thạnh, Xóm Cồn) luôn luôn là trung tâm thu và phát tín hiệu xa gần. Có thể nói lợi thế môi trường và địa hình đã tạo cho vùng đất này một vị thế trung điểm, vị thế cầu nối và chuyển giao của nhiều luồng văn hoá khác nhau Đông Á, Đông Bắc Á, Đông Nam Á (lục địa, hải đảo), Nam Á. Đường bờ biển dài2, nhiều vụng vịnh và những hải lưu theo gió mùa cùng với những dòng sông chảy từ núi xuống biển, tất cả đã trở thành những điều kiện vô cùng thích hợp giúp cho các xã hội Sa Huỳnh tham gia tích cực vào con đường tơ lụa trên biển, hình thành và phát triển từ những thế kỷ trước sau Công nguyên, kết nối thị trường từ tây sang đông, từ bắc xuống nam.

10. Công tác nghiên cứu khai quật và bảo vệ tại Di sản thế giới đô thị cổ Pyu ở Myanmar - Nuynt Han

Tác giả giới thiệu sự phát triển của nghiên cứu khảo cổ học ở các đô thị cổ Pyu trong thời kỳ thuộc địa của Anh và tóm lược lịch sử của Khoa Khảo cổ học ở Myanmar. Ở phần 2, U Nyunt Han sẽ trình bày sơ lược về các cuộc khai quật khảo cổ học ở các đô thị cổ Pyu sau khi đất nước giành được độc lập, các kết quả khai quật và phát hiện ở 3 đô thị Pyu (Halin, Beikthanoand và Sri-ksetra) đã được công nhận là di sản văn hóa Thế giới vào tháng 6 năm 2014. Tiếp đến, U Nyunt Han sẽ thảo luận về các vấn đề mà Khoa Khảo cổ học đang đối mặt ở di sản thế giới các đô thị cổ Pyu và phương thức bảo vệ di sản này bằng pháp lý nhằm tránh nguy cơ đào trộm, cướp phá, xâm lấn và sức ép từ việc phát triển.

11. Khảo cổ học biển ở Quảng Nam và Quảng Ngãi - PGS.TS Bùi Văn Liêm & Ths Bùi Văn Hiếu

PGS.TS Bùi Văn Liêm trình bày tại Hội thảo

Bài trình bày của nhóm tác giả cho thấy tiềm năng khảo cổ học dưới nước nói riêng và khảo cổ học biển nói chung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi là rất lớn. Hệ thống sông ngòi ở hai tỉnh này khá dày đặc, dọc bở biển đều có những cửa, vụng biển thuận lợi cho tàu thuyền ra vào và cũng nằm trong tuyến thương mại biển của khu vực với những thương cảng nổi tiếng trong lịch sử. Ở đây, có đầy đủ những loại hình di tích chính của khảo cổ học biển như thương cảng cổ, tàu đắm, xưởng đóng ghe tàu thuyền và các cộng đồng ngư dân biển với lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Tuy nhiên nền khảo cổ học biển ở đây vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó và đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Thực tế cuộc sống và việc phát triển kinh tế địa phương đang dần xâm hại nguồn di sản văn hóa này. Do vậy, xác định, nghiên cứu hệ thống những di tích khảo cổ học dưới nước, các di tích bị chìm ngập và mối liên hệ lịch sử với các di tích trên đất liền ở các khu vực này trong phạm vi không gian và thời gian rộng hơn là việc làm hết sức cần thiết nhằm cung cấp hồ sơ khoa học làm cơ sở cho đề xuất những phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của chúng. Chỉ có như thế những thông tin về quá khứ còn ẩn chìm ở khu vực này không còn là những vết mờ.

12. Mối quan hệ đa dân tộc ở Đông Dương - GS Ang Chouléan

GS Ang Chouléan trình bày tại Hội thảo

15h00 - 15h30: Giải lao

15h30 - 16h30: Thảo luận

16h30 - 17h00: Bế mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Giang Hải tổng kết và bế mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Giang Hải thay mặt Ban tổ chức tổng kết và bế mạc Hội thảo. Ban tổ chức đánh giá cao kết quả trình bày và thảo luận tại hai phiên trình bày. Năm 2007, theo sáng kiến của Viện Khảo cổ học, Hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "Khảo cổ học Việt Nam - Lào Campuchia: hướng tới một sự hợp tác bền vững". Các nhà khảo cổ học ba nước đã đem đến Hội thảo những thành tựu nghiên cứu và cả những triển vọng trong sự hợp tác của nước mình. Tại Hội thảo, vấn đề xây dựng một chương trình nghiên cứu hợp tác đã được các đại biểu hết sức quan tâm và thống nhất cao về việc thường xuyên tổ chức những hội thảo như thế này để chia sẻ những kinh nghiệm, những kết quả nghiên cứu, cùng giúp nhau đào tạo các cán bộ nghiên cứu trẻ với mục tiêu chung là cùng nhau phát triển.  Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai về khảo cổ học Việt Nam - Lào - Campuchia là dịp để chúng ta cùng nhau chia sẻ những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm. Giữa hai kỳ hội thảo, đã có những chương trình nghiên cứu chung được thực hiện. Đó là chương trình nghiên cứu về Hành lang văn hóa Đông Tây do các nhà khảo cổ học Thái Lan chủ trì, chương trình nghiên cứu xuyên biên giới về Nhà nước sớm do Việt Nam chủ trì. Những báo cáo và thảo luận tại Hội thảo quốc tế lần này là những gợi ý thú vị để từ đó chúng ta xây dựng một chương trình nghiên cứu chung vì những lợi ích cao cả của khoa học. Năm 2016, Viện Khảo cổ học sẽ phối hợp với Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức một hội thảo quốc tế quan trọng: Di sản văn hóa dưới nước vì lợi ích cộng đồng. Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Giang Hải mong các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm và dành tâm huyết cho Hội thảo này góp phần đưa Khảo cổ học dưới nước phát triển theo kịp khu vực; Đưa Di sản văn hoá dưới nước phát huy giá trị đem lại lợi ích cho cộng đồng từ đó cộng đồng sẽ chung tay bảo vệ Di sản văn hoá dưới nước.

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Thơ Đình

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9026274
Số người đang online: 17