Đồ đồng Thời Nguyễn

Thứ tư, 30 Tháng 3 2016 14:08

 Trong những di sản thuộc thời Nguyễn (1802-1945) còn lưu lại, sản phẩm bằng đồng là loại hiện vật phong phú, đa dạng với nhiều kiểu loại và nhiều cách chế tác độc đáo. Sản phẩm chất liệu đồng thời Nguyễn được các cơ quan chuyên môn thuộc triều đình hoặc các cơ sở đúc đồng sản xuất ra theo lệnh vua, phục vụ nhu cầu của vua, hoàng gia, hoàng tộc và triều đình, còn nhân dân và quan lại từ cấp cao đến cấp thấp cũng tự chế tác đồ đồng từ các lò địa phương để sử dụng trong sinh hoạt hoặc trong thờ tự. Như vậy, đã tồn tại hai dòng đồ đồng dưới thời Nguyễn: dòng thuộc nhà nước và dòng trong dân gian.

 

Dòng đồ đồng thuộc nhà nước có nhiều loại hình với đặc điểm khác nhau, từ loại có ý nghĩa đặc biệt đến những vật dùng trong trang trí kinh thành, cung điện, những vật dụng trong tế tự, các loại vũ khí .v.v… đồ đồng dòng này còn lại ngày nay chủ yếu tập trung ở Huế: một số trong Bảo tàng cung đình Huế, trong các lăng tẩm vua Nguyễn.

Đồ đồng trong dân gian thời Nguyễn cũng rất phong phú, đó là những loại dùng trong tôn giáo, trong sinh hoạt hay mục đích mỹ thuật.

Nội dung cuốn sách gồm 2 phần lớn là: dòng đồ đồng thuộc nhà nước và dòng đồ đồng trong dân gian.

Đồ đồng Thời Nguyễn được hình thành trên cơ sở luận án Phó Tiến sĩ “Cửu Đỉnh và cổ khí đúc thời Minh Mạng (1820-1840)” của tác giả. Có thể  xem là công trình bước đầu hệ thống đồ đồng thời Nguyễn và là tài liệu học tập, tham khảo cho sinh viên Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

- Tác giả: Đặng Văn Thắng - Phạm Hữu Công

- Nxb: Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

- Số trang: 564 trang.

- Khổ sách: 14,5x 20,5cm

Xin trân trọng giới thiệu!

Ngô Thị Nhung

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Mối quan hệ Văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa thời đại Kim Khí ở Nam Trung Quốc

 

 

- Tác giả: PGS. TS. Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

-Nxb: Khoa học xã hội

- Năm xuất bản: 2015

- Số trang: 363 trang

- Khổ sách: 16x 24cm

Văn hóa Đông Sơn đã trải qua 90 năm được phát hiện và nghiên cứu, việc nghiên cứu về Văn hóa Đông Sơn đã đạt được những thành tựu to lớn. Các nhà khảo cổ học Việt nam đã giải quyết nhiều vấn đề nhưng có những vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ hoặc chưa được giải quyết một cách toàn diện và sâu sắc. Đó là vấn đề mối quan hệ giữa Văn hóa Đông Sơn với các văn hóa Kim Khí cùng thời ở miền Nam Trung Quốc.

Quyển sách chuyên khảo Mối quan hệ Văn hóa Đông Sơn với các nền văn hóa thời đại Kim Khí ở Nam Trung Quốc của PGS. TS. Trình Năng Chung là một công trình rất công phu, đã cập nhật và hệ thống hóa các tư liệu mới nhất các kết quả nghiên cứu về Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Bằng phương pháp nghiên cứu so sánh tác giả đã chọn trình bày một số địa điểm tiêu biểu, hội đủ các tài liệu địa tầng, với những bộ sưu tập đặc trưng, tiêu biểu được xác định niên đại chuẩn xác như địa điểm Thạch Trại Sơn, Lý Gia Sơn, Ngân Sơn Lĩnh, Phổ Đà Tây Lâm .v.v… làm những trường hợp nghiên cứu điển hình từ đó khái quát nên những đặc trưng văn hóa của từng khu vực Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu và nhiều vùng khác ở Nam Trung Quốc.

Quyển sách là tổng kết các công trình nghiên cứu nhiều năm của tác giả về đề tài này (gồm 46 công trình đã được công bố). Tác giả đã nhiều lần đến các tỉnh miền Nam Trung Quốc, trực tiếp nghiên cứu các di tích, di vật. Ở trong nước, tác giả đã tiến hành nhiều cuộc điền dã trong nhiều năm ở nhiều vùng, đã phát hiện nhiều di tích, di vật ở thời đại Kim Khí.

Nội dung cuốn sách gồm 6 chương:

Chương 1: Tổng quan về văn hóa Đông Sơn

Chương 2: Mối quan hệ giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa thời đại Kim Khí ở Vân Nam.

Chương 3: Mối quan hệ giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa thời đại Kim Khí ở Quảng Tây.

Chương 4: Mối quan hệ giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa thời đại Kim Khí ở Quảng Đông.

Chương 5: Mối quan hệ giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Khả Lạc ở Quý Châu

Chương 6: Vị trí của văn hóa Đông Sơn trong văn hóa tiền - sơ sử khu vực

Đây là một công trình có giá trị của tác giả, xin trân trọng giới thiệu đến độc giả, những ai đang quan tâm đến vấn đề mối quan hệ văn hóa tiền - sơ sử Việt Nam với các văn hóa cùng thời ở khu vực Nam Trung Quốc.

 Xin trân trọng giới thệu!

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tiền vàng 2.000 năm đúc hình hoàng đế La Mã được phong thần

 

 

Một người leo núi tìm thấy đồng xu vàng quý hiếm đúc hình hoàng đế La Mã Augustus có niên đại gần 2.000 năm, giống hệt phiên bản đang trưng bày ở Bảo tàng Anh tại London.

Theo Discovery News, đồng xu ra đời vào năm 107, nằm trong loạt tiền xu mà hoàng đế Trajan cho đúc để tưởng nhớ những người tiền nhiệm. Theo Cơ quan Cổ vật Israel, đây là đồng xu vàng La Mã thứ hai được tìm thấy. Đồng xu còn lại với hình dáng giống hệt đang đặt ở khu trưng bày của Bảo tàng Anh tại London.

Mặt trước và sau của đồng tiền xu bằng vàng.
Mặt trước và sau của đồng tiền xu bằng vàng. (Ảnh: Shai Halevy).

Laurie Rimon phát hiện đồng xu trên bãi cỏ khi đang leo núi cùng nhóm bạn ở phía đông vùng Galilee. Theo mô tả của Danny Syon, chuyên gia về tiền xu từ Cơ quan Cổ vật Israel, đồng xu 2.000 năm tuổi này là phát hiện hiếm hoi trên khắp thế giới.

"Ở mặt sau đồng xu có biểu tượng của quân đoàn La Mã cổ đại bên cạnh tên hoàng đế Trajan và mặt trước đúc chân dung hoàng đế Augustus, người được các nguyên lão phong thần khi qua đời", Syon cho biết.

Donald T. Ariel, người quản lý phòng tiền xu ở Cơ quan Cổ vật Israel, cho rằng đồng xu có liên quan đến sự hiện diện của quân đội La Mã trong khu vực cách đây 2.000 năm nhằm đàn áp những người ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bar Kochba (132 - 136) chống lại Đế chế La Mã.

Trong khi tiền xu bạc và đồng rất phổ biến dưới thời hoàng đế Trajan, tiền xu vàng vô cùng quý hiếm. "Theo sử sách ghi chép, một số người lính La Mã được trả mức lương cao là ba đồng xu vàng, tương ứng với 75 đồng xu bạc, một ngày. Do tiền xu vàng có giá trị cao, những người lính không thể dùng chúng để mua hàng hóa ở chợ vì người bán hàng không đủ tiền trả lại", Ariel nói.

Theo VnExpress

 
 

Tạp chí Khảo cổ học số 6 - 2015

Thứ ba, 08 Tháng 3 2016 14:59

Tạp chí Khảo cổ học số 6 - 2015

Dày 100 trang (cả bìa) - khổ 19cmx27cm

Trong số này:

 - Có 09 bài viết về tổng quan Khảo cổ học ở Việt Nam

- Có 01 bài viết về cố PGS.TS Diệp Đình Hoa

- Thông tin hoạt động Khảo cổ học

-Danh mục các bài đã đăng trên Tạp chí Khảo cổ học trong năm 2015.

 

 

 

 

 

 

7 kỳ quan thế giới lạ mắt từ góc nhìn trên cao

 

 
Công nghệ ngày càng hiện đại giúp con người chiêm ngưỡng rõ ràng hơn toàn cảnh kì quan thế giới. Với fly cam (thiết bị bay không người lái gắn máy ảnh), những kì quan từ lâu đời trở nên lạ mắt và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Hình ảnh Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) nhìn từ trên cao.

Tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro, Brasil. Tượng cao 30m, cánh tay dài 28m. Tượng nặng 635 tấn và nằm trên đỉnh của núi Corcovado cao 700 mét thuộc công viên quốc gia rừng Tijuca trông về phía thành phố.

Tāj Mahal là một lăng mộ nằm tại Agra, Ấn Độ. Công trình được Hoàng đế Môgôn Shāh Jahān xây dựng cho người vợ yêu dấu của ông là Mumtaz Mahal. Công việc xây dựng bắt đầu năm 1632 và hoàn thành năm 1653.

Chichen Itza là một địa điểm khảo cổ thời tiền Colombo do người Maya xây dựng, nằm ở trung tâm phía bắc Bán đảo Yucatán, Mexico ngày nay.

Đấu trường La Mã Colosseum hay Colosseo, là một đấu trường lớn ở thành phố Roma, Italia. Công suất chứa lúc mới xây xong là 50.000 khán giả. Đấu trường được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu thi đấu và trình diễn công chúng.

Petra là một khu vực khảo cổ học ở phía Tây Nam Jordan, nằm trên sườn núi Hor. Nơi đây nổi tiếng vì có rất nhiều bức tượng được tạc trên vách đá. Khu vực được che giấu trong một thời gian rất dài này được công bố với thế giới bởi nhà thám hiểm người Thuỵ Sĩ, Johann Ludwig Burckhardt, vào năm 1812.

Machu Picchu là một khu tàn tích Inca thời tiền Columbo trong tình trạng bảo tồn tốt ở độ cao 2.430 m trên một quả núi có chóp nhọn. Machu Picchu nằm trên Thung lũng Urubamba tại Peru.

Theo dantri.com.vn

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Những kho báu nghìn năm dưới băng tuyết ở Thụy Sĩ

 

 

Biến đổi khí hậu đã khiến một số khu vực băng tuyết ở Thụy Sĩ tan ra. Nhiều cổ vật đã phát lộ rất quan trọng với ngành khảo cổ học.

Những kho báu nghìn năm dưới băng tuyết ở Thụy Sĩ

Hộp sọ được tìm thấy của Người đàn ông trên đèo Theodul. Ảnh: Greenbuzzz.

Một hộp sọ, thanh kiếm, vài khúc xương, khẩu súng lục và những đồng tiền xu là tất cả những gì còn lại của một người đàn ông qua đời vào khoảng năm 1600 tại đèo Theodul, Zermatt, Thụy Sĩ. Người này mang theo 184 đồng tiền cùng nhiều vũ khí như một khẩu súng lục, một thanh kiếm và một con dao găm.

Theo phán đoán của nhà khảo cổ học Sophie Providoli, đây không phải là một người lính đánh thuê mà là một người du lịch giàu có, dựa vào trang phục bằng tơ tằm và bộ râu. Hơn nữa, theo Matthias Senn, quản lý của bảo tàng quốc gia Thụy Sĩ, đồng thời là một chuyên gia về vũ khí, khẩu súng lục và con dao găm khá cách điệu. Xương và các cổ vật khác bị sông băng tan chảy làm trôi dạt cũng dần được tìm thấy vào khoảng năm 1984-1990. Hiện nay, những di vật còn sót lại của người đàn ông trên đèo Theodul được trưng bày ở thị trấn Brig, Thụy Sĩ.

Những kho báu nghìn năm dưới băng tuyết ở Thụy Sĩ

Xác Người băng Ötzi. Ảnh: National Geographic.

Người đàn ông trên đèo Theodul và những vật dụng ông mang theo là những di vật bị đóng băng lâu nhất ở châu Âu. Nhưng nổi tiếng hơn cả là Người băng Ötzi, có niên đại hơn 5.000 năm, được "giải thoát" do biến đổi khí hậu. Thi thể Người băng Ötzi được hai người leo núi tìm thấy ở độ cao trên 3.200 m năm 1991, tại một sông băng ở Ötztal Alps, gần biên giới giữa Áo và Italy. Khám phá này đánh dấu một mốc quan trọng khởi đầu cho khảo cổ học băng hà.

Tại đèo Schnidejoch (Thụy Sĩ), đợt gió nóng năm 2003 cũng đã làm băng tan. Người leo núi phát hiện ra một chiếc cung và một số mũi tên có niên đại hơn 7.000 năm, lâu hơn cả Người băng Ötzi. Khoảng 900 vật thể cũng được khai quật ở khu vực này có từ thời kỳ đồ đá mới, đồ đồng hay thời kỳ đồ sắt, từ thời La Mã trung cổ.

 Những kho báu nghìn năm dưới băng tuyết ở Thụy SĩKhai quật khảo cổ tại một số vùng băng tan ở Thụy Sĩ. Ảnh: Worldcrunch.

Từ năm 2011-2014, dự án nghiên cứu khảo cổ học số của Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sĩ mang tên Frozen Passes and Historical Remains đã khám phá được 13 khu vực ở độ cao 3.000-3.500 m.

Hiện nay, các nhà khảo cổ học thường tổ chức khám phá những khu vực này vào mùa thu, khi băng tan. Tại đèo Theodul, nhiều công cụ có niên đại từ thời trung cổ và gỗ đánh bóng từ thời La Mã đã được tìm thấy. Nhà địa lý Ralph Lugon dự đoán, năm 2080, băng sẽ hoàn toàn biến mất ở một số khu vực, phát lộ nhiều "kho báu" hơn nữa.

Nguồn: Thương Phan (zing.vn)
 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hóa thạch mới được tìm thấy trong hang Sterkfontein ở Nam Phi

 

 

 JOHANNESBURG, Nam Phi- Trong một khoang ở hang động Sterkfontei, Nam Phi đã thu được 4 hóa thạch người sớm. Chúng có thể liên quan đến các công cụ đá niên đại hơn 2 triệu năm.

 

 

(Nguồn: http://archaeology.org)

Hai mẫu hóa thạch gồm 1 xương ngón tay và 1 răng đều là những bằng chứng mới với các nhà khoa học. Xương ngón tay khá lớn và cong, nhưng thiếu sự tham gia của các bó cơ mạnh mẽ được cho rằng là một loài họ người sống trên cây. “Ngón tay này tương tự như hình dáng với một tiêu bản khác từ Olduvai Gorge mà đã được đặt tên là Homo habilis nhưng lại lớn hơn. Nhìn chung, mẫu hóa thạch này là duy nhất trong các hóa thạch người thế Plio-Pleistocene đã thu thập được và xứng đáng được nghiên cứu hơn nữa”, Dominic Stratford của Đại học Witwatersrand đã nói. Răng khá nhỏ, răng hàm tương tự như răng của Homo habilis và có lẽ cả Homo naledi, được tìm thấy năm 2013 ở hang Rising Star. Các mẫu hóa thạch đó rất thú vị không chỉ bởi vì chúng có liên quan đến các công cụ đá sớm, mà còn bởi vì chúng chứa đựng nhiều đặc điểm gây sự tò mò mà bản thân chúng đặt ra một số vấn đề nghiên cứu hơn là đưa ra các câu trả lời”, Stratford nói vậy.

(Nguồn: http://archaeology.org)

Người dịch: Phạm Thanh Sơn

 

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm thấy chiếc thuyền lớn của người Ai Cập cổ đại gần kim tự tháp

 

 

Các nhà khảo cổ Séc mới đây đã khai quật một chiếc thuyền lớn được dùng trong lễ tang ở thời Ai Cập cổ đại gần quần thể kim tự tháp ở Abusir, phía Nam thủ đô Cairo. Đây được xem là một phát hiện quan trọng bởi rất ít tàu thuyền thuộc nền văn minh Ai Cập cổ đại có thể tồn tại tới thời điểm hiện tại.

Các nhà khảo cổ khai quật một ngôi mộ cổ 4.000 năm tuổi được phát hiện ở Abusir, ngoại ô thủ đô Ai Cập.
Các nhà khảo cổ khai quật một ngôi mộ cổ 4.000 năm tuổi được phát hiện ở Abusir, ngoại ô thủ đô Ai Cập. (Nguồn: AFP).

Trong một tuyên bố, Bộ Di tích Ai Cập cho biết con thuyền gỗ trên dài khoảng 18m và có niên đại trên 4.500 tuổi. Các nhà khảo cổ đã phát hiện con thuyền này bị vùi dưới cát và nằm trên một phiến đá trong khi họ đang nghiên cứu một lăng mộ cổ đại. Đây là con thuyền được sử dụng trong lễ an táng và được cho là đóng tại nghĩa trang Nam Abusir.

Các nhà khảo cổ đánh giá đây là một phát hiện đáng chú ý bởi vì loại thuyền có kích thước lớn như trên vào giai đoạn đó chỉ dành cho các thành viên cấp cao của xã hội, những người xuất thân hoàng gia.

Theo họ, chiều dài con thuyền và số đồ gốm được tìm thấy cùng nó cho thấy những đồ vật này có thể thuộc thời điểm cuối triều đại thứ 3 và nửa đầu thứ 4 của Ai Cập cổ đại.

Các nhà khảo cổ cũng nhận định việc khai quật chiếc thuyền ở Abusir sẽ là một đóng góp to lớn đối với việc tìm hiểu về nghề đóng tàu thuyền của người Ai Cập cổ đại.

Theo TTXVN/Vietnam+

 
 
 
Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Di chỉ Hòa Bình cổ nhất được phát hiện tại Tây Nam Trung Quốc

 

 

Văn hóa Hòa Bình cổ nhất, một thích nghi kỹ thuật quan trọng bởi những cư dân săn bắn và hái lượm với khí hậu nhiệt đới ẩm và môi trường á nhiệt đới ở Đông Nam Á từ 43.000 năm trước đã được tìm thấy ở Trung Quốc.

Nghiên cứu mái đá Tiêu Nham Động, khu vực tây nam của Trung Quốc (Nguồn:http://www.china.org.cn)

Phát hiện ở mái đá Tiêu Nham Động, là di chỉ của văn hóa Hòa Bình đầu tiên được tìm thấy ở Trung Quốc theo một nhóm nghiên cứu ở Viện Di sản văn hóa và Khảo cổ học Vân Nam.

Văn hóa Hòa Bình (和平文化) lần đầu tiên được phát hiện vào những năm 1920 ở tình Hòa Bình, ở miền Bắc Việt Nam bởi học giả người Pháp M. Colani. Thuật ngữ này được định nghĩa vào năm 1932 trong Hội nghị về Khảo cổ học tiền sử ở Viễn Đông.

Phức hợp kỹ thuật Hòa Bình đặc trưng cho kiểu công cụ cuội một mặt rộng và thon dài, nó được cho là đã được sử dụng trên những vật liệu chủ yếu là gỗ với những địa điểm cư trú trong rừng, gồm những khu vực có cảnh quan núi đá vôi độ dốc lớn và di chỉ Tiêu Nham Động (硝洞岩) cũng phân bố ở kiểu địa hình tương tự như vậy.

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là Ji Xueping đã nói rằng, hầu hết các di chỉ văn hóa Hòa Bình đã được xác định niên đại từ 25.000BP tới 5.000BP và địa điểm cổ nhất là 29.000 cách ngày nay.

Như một sự thích nghi kỹ thuật bởi những cư dân săn bắn hái lượm phải đương đầu với môi trường ẩm ướt của Đông Nam Á, các di chỉ Hòa Bình đã cung cấp những mắt xích quan trọng để hiểu về chiếc lược tồn tại và sự chuyển biến từ cư dân du mục sang xã hội định cư nông nghiệp, Ji nói.

Di chỉ đá cũ Tiêu Nham Động lần đầu được phát hiện năm 1981. Năm 2004, các nhà khảo cổ học tiến hành khảo sát một cách hệ thống đầu tiên ở mái đá này và đã thu thập được một số hiện vật đá.

Từ năm 2007 tới 2015, việc khảo sát tiếp tục được tiến hành tại di chỉ này. Địa tầng dày hơn 4m có chứa trầm tích văn hóa được khai quật. Các mẫu đã khẳng định rằng sự tương đồng với các di chỉ văn hóa Hòa Bình sau khi đã tiến hành so sánh với các loại hình ở khu vực Đông Nam Á. Niên đại carbon cho thấy, cư dân đã có mặt ở đây từ 43.500 tới 24.000 cách ngày nay. Tầng ở đáy là cổ nhất.

Tiêu Nham Động được cho là di chỉ Hòa Bình điển hình, di chỉ lần đầu được tìm thấy ở Trung Quốc và Đông Nam Á hiện lại là cổ nhất. Ji nói, phát hiện mới này có lẽ là dấu hiệu cho thấy các nguồn gốc của sự lan tỏa các di chỉ văn hóa Hòa Bình ở Đông Nam Á có thể là ở khu vực thượng lưu hệ thống sông Mê Công-Lancang ở tây nam Trung Quốc.

“Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thung lũng sông Lancang có thể là nguồn gốc của văn hóa Hòa Bình và nguồn gốc di cư của người hiện đại và sự phát tán của cư dân văn hóa này ra Đông Nam Á”. Ji nói. “Sự thích nghi của cư dân Hòa Bình sớm ở tây nam Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn hậu kỳ Đá cũ tới sơ kỳ Đá mới ở Đông Nam Á và Nam Trung Quốc”.

Đội nghiên cứu đã mất gần 10 năm cho việc điền dã khảo sát trên 10.000 km2, và tiêu tốn nhiều tiền để thăm một số quốc gia châu Á cho nghiên cứu so sánh. Các học giả Pháp và Nam Phi cũng tham gia chương trình nghiên cứu này.

Kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí "Quaternary International" on Dec. 23.

Nguồn: http://www.china.org.cnhttp://www.yndaily.com

Người dịch: Phạm Thanh Sơn

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện trống đồng Đông Sơn 2.000 năm tuổi ở Timor Leste

 

 

Tại Timor Leste, quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, vừa có phát hiện khảo cổ đáng chú ý khi tìm thấy một chiếc trống đồng Đông Sơn còn khá nguyên vẹn. Chiếc trống đồng với đường kính 1,03m, cao 78cm, nặng 80kg này được phát hiện tình cờ tại một địa điểm xây dựng ở Baucau, thành phố lớn thứ hai của Timor Leste, vào cuối năm 2014.

Phát hiện trống đồng Đông Sơn 2.000 năm tuổi ở Timor Leste
Bề mặt trống đồng. (Ảnh: Trung Sơn/Vietnam+).

Theo nhà khảo cổ Nuno Vasco Oliveira thuộc Ủy ban Văn hóa Nghệ thuật thuộc Chính phủ Timor Leste, người đã bỏ nhiều công sức vào công trình nghiên cứu này, có thể khẳng định 99,99% đây là trống đồng Đông Sơn, vốn là một biểu tượng cho văn hóa Đông Sơn (700​TCN-100) của người Việt cổ.

Đây không phải lần đầu tiên trống đồng Đông Sơn được phát hiện tại Timor Leste. Tuy nhiên, hai lần trước đây chỉ có phần mặt trống và hư hại nhiều, trong khi chiếc trống đồng được phát hiện lần này ở nguyên trạng khá tốt. Nhà khảo cổ Oliveira đánh giá đây là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy ở Đông Nam Á.Trên mặt chiếc trống vừa được phát hiện có 4 khối tượng cóc, giữa mặt trống là ngôi sao 12 cánh.

Phát hiện trống đồng Đông Sơn 2.000 năm tuổi ở Timor Leste
Ngôi sao 12 cánh giữa bề mặt trống. (Ảnh: Trung Sơn/Vietnam+).

Do công tác phục chế mới được tiến hành không lâu, nhiều họa tiết ở mặt trống và thân trống chưa được làm rõ. Chiếc trống đồng này thuộc nhóm C (phân loại theo sự phân bố của những hình khắc và hoa văn trên trống).

Hiện chiếc trống đồng này đang được bảo quản tại Ủy ban Văn hóa Nghệ thuật Timor Leste. Những công tác tiếp theo được dự kiến tiến hành từ đầu năm tới là tiếp tục phục chế, mở rộng tìm kiếm, khảo cổ ở khu vực xung quanh địa điểm tìm thấy trống đồng; gửi mẫu phẩm tới Pháp để đánh giá chính xác về chất liệu và niên đại (theo các chuyên gia ở Timor Leste, chiếc trống đồng Đông Sơn này có niên đại ít nhất 2.000 năm). Đây sẽ là một hiện vật trưng bày tiêu biểu tại Bảo tàng Quốc gia Timor Leste đang được xây dựng.

Ông Oliveira nhấn mạnh phát hiện này mang ý nghĩa rất lớn với Timor Leste, một quốc gia còn non trẻ. Trước đó, các nhà khảo cổ từng tìm thấy nhiều hoa văn, họa tiết, hình khắc trên đá tương tự như trên trống đồng Đông Sơn ở các tỉnh phía Đông nước này.

Phát hiện trống đồng Đông Sơn 2.000 năm tuổi ở Timor Leste
Một trong 4 khối tượng cóc trên mặt trống. (Ảnh: Trung Sơn/Vietnam+).

Phát hiện trống đồng Đông Sơn 2.000 năm tuổi ở Timor Leste
Hình ảnh chiếc trống đồng Đông Sơn đang được lưu giữ, bảo quản tại Ủy ban Văn hóa Nghệ thuật Timor Leste. (Ảnh: Trung Sơn/Vietnam+).

Phát hiện trống đồng Đông Sơn 2.000 năm tuổi ở Timor Leste
Thân trống được tái hiện bằng công nghệ đồ họa. (Ảnh: Trung Sơn/Vietnam+).

Phát hiện trống đồng Đông Sơn 2.000 năm tuổi ở Timor Leste
Công tác phục chế. (Ảnh: Trung Sơn/Vietnam+).

Thông qua nghiên cứu, lịch sử mảnh đất này sẽ được hiểu rõ hơn đồng thời cũng cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về văn hóa thời cổ ở khu vực Đông Nam Á. Ông Oliveira cũng bày tỏ hy vọng sẽ có thể cùng các chuyên gia khảo cổ Việt Nam chia sẻ thông tin, nghiên cứu về chiếc trống đồng này.

(Theo khoahoc.tv)

 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9600729
Số người đang online: 16