Phát hiện di chỉ khảo cổ trên huyện đảo Cô Tô

 

 

Các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ Việt Nam vừa phát hiện một di chỉ khảo cổ tại huyện đảo Cô Tô và đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra kết luận cuối cùng. 

Phát hiện di chỉ khảo cổ trên huyện đảo Cô Tô

Di chỉ khảo cổ này được phát hiện ở một bãi cát lớn nằm trên con đường từ thị trấn Cô Tô đến xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

Trên bề mặt di chỉ, bước đầu các nhà khảo cổ tìm thấy một số hiện vật như Hòn Kê (hòn đá có lỗ vũm trên một hoặc hai mặt) và bàn mài rãnh.

Trước đó, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã phát hiện một số công cụ bằng đá thuộc thời kỳ Sơ kỳ đồ đá mới tại đảo Mã Cháu (nằm trong các đảo thuộc huyện đảo Cô Tô) và số hiện vật này đang được trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô.

Đây là những hiện vật khảo cổ được tìm thấy tại vị trí xa nhất trên vùng biển Đông Bắc của Việt Nam. Theo nhận định ban đầu, đây là dấu hiệu cho thấy, có thể huyện đảo Cô Tô là một trong những địa điểm cư trú của cư dân thuộc Văn hoá Hạ Long (có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm).

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Khai quật nơi cư trú của cư dân cổ tại Hà Nội

 

 

Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) vừa tiến hành khai quật tầng văn hóa liên quan đến cư dân cổ tại di chỉ Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, H.Hoài Đức, TP Hà Nội. Theo PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, niên đại của tầng cư trú này thuộc trung kỳ thời đại đồ đồng (văn hóa Đồng Đậu) cách nay khoảng 3.000 năm.

Tầng văn hóa còn nguyên vẹn, di tích liên quan đến đời sống của cư dân cổ khá đa dạng, di vật nhiều về số lượng và phong phú về loại hình như rìu, bôn đá, trang sức, các loại nồi, bát, bình gốm... Cuộc khai quật lần này còn cung cấp thêm nhiều tư liệu về sự phát triển của kỹ thuật đúc đồng của cư dân Đồng Đậu với nhiều hiện vật.

Đoàn cũng phát hiện được 2 ngôi mộ thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn được chôn vào tầng cư trú Đồng Đậu. Địa điểm Vườn Chuối là một trong số ít địa điểm giai đoạn Tiền Đông Sơn và Đông Sơn có diện tích rộng, tầng văn hóa dày và bảo tồn khá nguyên vẹn của Hà Nội, tuy nhiên dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung đang đe dọa sự tồn tại của địa điểm này.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hàng ngàn cổ vật quý

 

 

Sáng 28.12, tại TP Nha Trang, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội thảo về di chỉ làng cổ Vĩnh Yên (thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).

Phát hiện hàng ngàn cổ vật quý
Tại đây, từ tháng 7 - 10.2009, các nhà khảo cổ đã khai quật khu vực khoảng 2.000m2, phát hiện trên 2.000 hiện vật đá (đồ trang sức, rìu, bàn mài, cưa, đục...), 24 hiện vật kim loại (lục lạc đồng, đinh sắt, tiền đồng...), 190 hiện vật gốm (bát bồng, bình, nồi, vò...) và trên 10 tấn gốm các loại. Đặc biệt, hiện vật thu được còn có 6 mộ nồi vò, khuôn đúc rìu đồng, một số vật bằng thạch anh được cho là Linga. Niên đại của di chỉ Vĩnh Yên cách đây 2.000 - 2.500 năm. Việc khai quật di chỉ này được coi là sự kiện khảo cổ năm 2009 và mở ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu.
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thanh Hóa: Công bố nghiên cứu di chỉ hang Con Moong

 

 

Ngày 27-12, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết Sở phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa công bố kết quả nghiên cứu về di chỉ khảo cổ hang Con Moong ở xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

alt
Các nghiên cứu cho thấy địa tầng hang Con Moong là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa đã mất, là nơi quần cư liên tục của ba nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á: Văn hóa Sơn Vi qua văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Bắc Sơn, là tiếp nối giữa thời kỳ đá cũ đến đá mới, từ kỹ thuật ghè đẽo đến mài lưỡi công cụ, từ săn bắt, hái lượm đến trồng trọt sơ khai.
Trong đợt khai quật vừa qua, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số công cụ như rìu mài lưỡi kiểu Bắc Sơn, đồ gốm, các công cụ bằng đá, công cụ mũi nhọn xương, đặc biệt tìm thấy mộ táng tiền sử được chôn theo tư thế bó gối. Đây là tư liệu khoa học rất có giá trị nhằm đánh giá tổng thể về di chỉ này để tỉnh Thanh Hóa xây dựng lộ trình hồ sơ khoa học di chỉ hang Con Moong trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tiếp tục khai quật di chỉ khảo cổ học Bãi Cọi, Hà Tĩnh

 

 

Sáng 29/12, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức khai quật di tích khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. 

alt

Di tích khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi được phát hiện vào năm 1974. Đến năm 1976, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức khai quật lần 1 và có kết luận về niên đại thuộc Hậu kỳ đá mới.

Cuối năm 2008, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức khai quật lần thứ 2 và đã có những phát hiện mới về sự giao thoa giữa nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh – hai nền văn hóa cổ nổi tiếng của nước ta.

Đợt khai quật lần này nhằm nghiên cứu những nét đặc trưng của sự giao thoa giữa hai nền văn hóa trên, tìm kiếm những giá trị đích thực còn ẩn chứa trong lòng Phôi Phối – Bãi Cọi để đưa ra những kết luận khoa học về một vùng văn hóa khá đặc thù, đồng thời xác định chỉ giới để khoanh vùng bảo vệ, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di chỉ khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi là di tích quốc gia.

Dự kiến, đợt khai quật sẽ kết thúc vào đầu tháng 4/2010.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện 2 mộ cổ hơn 2.000 năm tuổi

 

 

Sau hai tuần tiến hành khai quật hai hố với diện tích 60m2 tại di chỉ gò Vườn Chuối (Hà Nội), đoàn khảo cổ đã phát hiện 2 mộ cổ thời kì văn hóa Đông Sơn (cách nay khoảng hơn 2.000 năm). Trong đó, 1 mộ hung táng và 1 mộ cải táng.

alt

Sáng 29/12, có mặt tại gò Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), PV Báo CAND được PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Khoa Lịch sử - Đại học KH-XH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sau hai tuần tiến hành khai quật hai hố với diện tích 60m2 tại di chỉ gò Vườn Chuối, kết quả thu được rất khả quan.

Hai tầng văn hóa ở đây là thời đại đồ đồng (văn hóa Đồng Đậu) và văn hóa Đông Sơn. Tầng văn hóa Đồng Đậu còn khá nguyên vẹn với nhiều vật dụng phong phú như rìu đá, trang sức bằng đá, chày bằng đá, vòng đeo tay, khuyên tai bằng các loại đá cứng như đá ngọc, đá đen; một số loại bình gốm, nồi, bát, dọi xe chỉ...

Một số nồi gốm còn nguyên vết muội bám, củi gỗ đang cháy dở còn cả than, cùng một số hố bếp hình lòng chảo... chứng tỏ đây từng là nơi cư trú của cư dân cổ cách đây hơn 3.000 năm trước.

Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, những đồ trang sức bằng đá tại di chỉ này có hoa văn khá đẹp không kém gì đồ trang sức của văn hóa Phùng Nguyên. Về đồ đồng, không có nhiều như đồ gốm, song cũng thu được một số mũi tên đồng, mũi nhọn bằng đồng, nhiều sỉ đồng, một lò đúc đồng cùng các khuôn đúc đồng. Ngoài ra, còn thu được một số hạt gạo cháy, xương động vật...

Đáng chú ý, ở hố khai quật thứ hai, cách bề mặt gò khoảng 30-40cm, đã phát hiện 2 mộ cổ thời kì văn hóa Đông Sơn (cách nay khoảng hơn 2.000 năm). Trong đó, 1 mộ hung táng và 1 mộ cải táng.

Mộ hung táng là cốt một người có răng đen, gần như đã hóa hết; đồ tùy táng gồm rìu lưỡi xéo bằng đồng, mũi tên đồng và 1 nồi gốm đặt ở phía dưới chân người. Mộ cải táng, cốt được xếp lại vào một quách gỗ, còn khá nguyên vẹn, sẽ được đưa về lưu giữ để các chuyên gia nhân chủng học nghiên cứu nhằm xác định độ tuổi, giới tính, chủng tộc...

Vui mừng trước kết quả đợt khảo sát, song PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung tỏ ra rất băn khoăn: "Di chỉ gò Vườn Chuối nằm trọn trong dự án khu đô thị Kim Chung của TP Hà Nội. Chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng Hà Nội đề nghị báo cáo thành phố bảo vệ di tích này theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm nào. Trong khi đó, Ban quản lí dự án Khu đô thị Kim Chung ngày 28/12 đã lập đàn cầu siêu để di dời những ngôi mộ quanh khu vực gò Vườn Chuối vào khu nghĩa trang mới, để tiến hành giải phóng mặt bằng. Nếu TP Hà Nội không có biện pháp kịp thời, rất có thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối sẽ bị xóa sổ hoàn toàn".

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trung Quốc phát hiện mộ Tào Tháo

 

 

Các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa tìm thấy khu lăng mộ được cho là của Tào Tháo ở Xigaoxue - một ngôi làng nhỏ gần cố đô An Dương ở tỉnh Hồ Nam.

Trung Quốc phát hiện mộ Tào Tháo

Khu lăng mộ rộng 740 mét vuông - cỡ lăng của một vị vua, có lối đi dài 40m dẫn xuống một căn phòng ngầm.

Trong gần một năm làm công tác khảo cổ ở khu lăng mộ này, người ta tìm thấy xương của ba người, trong số đó, một hài cốt được xác định là của một người đàn ông tuổi cỡ 60 - theo các chuyên gia đó chính là Tào Tháo - người mất ở tuổi 65 vào năm 220 sau Công nguyên.
 
Bộ hài cốt thứ hai được xác định là của một phụ nữ tuổi tầm ngoài 50 - là (người vợ) chính thất của Thào Tháo; bộ cuối cùng cũng của một phụ nữ tầm 20 đến 25 tuổi, là nàng thiếp của Tào Tháo.

Người ta còn tìm thấy ở đây hơn 250 đồ vật bằng vàng, bạc, gốm, trong đó nhiều đồ vật được cho là thuộc về Tào Tháo. Ngoài ra còn 59 phiến đá miêu tả cuộc sống xã hội thời Tam Quốc, khắc tên và các đồ vật chôn trong lăng mộ, hoặc khắc hình những món vũ khí thường được Tào Tháo sử dụng.

Tào Tháo viết trong di chúc rằng nơi chôn cất ông phải đơn giản. Hao Benxing - Giám đốc Viện Khảo cổ học Hà Nam - cho rằng, điều đó phù hợp với thực tế là các bức tường trong khu lăng mộ không được vẽ trang trí và trong khu mộ cũng ít các đồ vật quý giá. Vị trí của khu lăng phù hợp với những gì sử sách đã ghi về thời Tào Tháo. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, mặc dù họ còn phải tiếp tục tiến hành khảo sát, song các bằng chứng hiện giờ đã chứng minh đây là mộ của Tào Tháo.

Từ trước khi công tác khai quật được tiến hành tháng 12.2008, khu mộ này đã một vài lần bị đột nhập lấy trộm di vật. Cảnh sát đang nỗ lực để truy tìm những đồ vật bị đánh cắp. Chính quyền tỉnh Hồ Nam và An Dương dự định sẽ mở cửa khu mộ cho công chúng.

Tào Tháo được lịch sử ghi nhận là một tài năng quân sự và chính trị, người đã xây dựng nước Đông Hán thịnh vượng và hùng mạnh nhất thời Tam Quốc từ năm 208 tới 280 sau Công nguyên. Nhưng ông cũng được coi là tay đại gian hùng, đa nghi, mưu mẹo, gian xảo, song thông minh và biết cách dùng người.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trung Quốc phát hiện mộ Tào Tháo

 

 

Các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa tìm thấy khu lăng mộ được cho là của Tào Tháo ở Xigaoxue - một ngôi làng nhỏ gần cố đô An Dương ở tỉnh Hồ Nam.

Khu lăng mộ rộng 740 mét vuông - cỡ lăng của một vị vua, có lối đi dài 40m dẫn xuống một căn phòng ngầm.

Trong gần một năm làm công tác khảo cổ ở khu lăng mộ này, người ta tìm thấy xương của ba người, trong số đó, một hài cốt được xác định là của một người đàn ông tuổi cỡ 60 - theo các chuyên gia đó chính là Tào Tháo - người mất ở tuổi 65 vào năm 220 sau Công nguyên.
 
Bộ hài cốt thứ hai được xác định là của một phụ nữ tuổi tầm ngoài 50 - là (người vợ) chính thất của Thào Tháo; bộ cuối cùng cũng của một phụ nữ tầm 20 đến 25 tuổi, là nàng thiếp của Tào Tháo.

Người ta còn tìm thấy ở đây hơn 250 đồ vật bằng vàng, bạc, gốm, trong đó nhiều đồ vật được cho là thuộc về Tào Tháo. Ngoài ra còn 59 phiến đá miêu tả cuộc sống xã hội thời Tam Quốc, khắc tên và các đồ vật chôn trong lăng mộ, hoặc khắc hình những món vũ khí thường được Tào Tháo sử dụng.

Tào Tháo viết trong di chúc rằng nơi chôn cất ông phải đơn giản. Hao Benxing - Giám đốc Viện Khảo cổ học Hà Nam - cho rằng, điều đó phù hợp với thực tế là các bức tường trong khu lăng mộ không được vẽ trang trí và trong khu mộ cũng ít các đồ vật quý giá. Vị trí của khu lăng phù hợp với những gì sử sách đã ghi về thời Tào Tháo. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, mặc dù họ còn phải tiếp tục tiến hành khảo sát, song các bằng chứng hiện giờ đã chứng minh đây là mộ của Tào Tháo.

Từ trước khi công tác khai quật được tiến hành tháng 12.2008, khu mộ này đã một vài lần bị đột nhập lấy trộm di vật. Cảnh sát đang nỗ lực để truy tìm những đồ vật bị đánh cắp. Chính quyền tỉnh Hồ Nam và An Dương dự định sẽ mở cửa khu mộ cho công chúng.Tào Tháo được lịch sử ghi nhận là một tài năng quân sự và chính trị, người đã xây dựng nước Đông Hán thịnh vượng và hùng mạnh nhất thời Tam Quốc từ năm 208 tới 280 sau Công nguyên. Nhưng ông cũng được coi là tay đại gian hùng, đa nghi, mưu mẹo, gian xảo, song thông minh và biết cách dùng người.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát biểu của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại lế khai mạc Hội nghị IPPA

 

 

Phát biểu tại đại hội lần thứ 19 Hội tiền sử Ấn Độ- Thái Bình Dương (IPPA)      (ngày 29/11/2009- 5/12/2009)

                                                           Trần Đức Lương

                               Chủ tịch danh dự Hội Khảo cổ học VN

                            Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

  

          Thưa các vị lãnh đạo Hội tiền sử Ấn Độ- Thái Bình Dương;

            Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Khảo cổ học Việt Nam,

             Thưa các quí vị khách quý,

            Thưa quý bà, quý ông.

 

            Nhân danh Chủ tịch danh dự Hội Khảo cổ học Việt Nam và cá nhân tôi xin nhiệt liệt chào mừng Đại hội lần thứ 19 Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệt liệt chào mừng trên 400 đại biểu từ 33 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới và trên 100 nhà khoa học Việt Nam tham dự đại hội này. Chúc đại hội thành công tốt đẹp.

            Thưa quý vị, tôi rất quan tâm đến 4 nội dung chính của đại hội đã được Ban lãnh đạo Hội và Ban tổ chức đề ra:

            - Văn hoá và sự phát triển của Thế Pleistocen.

            - Lịch sử văn hoá trong Thế Holocen.

            - Các vấn đề trọng tâm liên quan đến các lĩnh vực như sinh học, xã hội, môi trường...

            - Quản lý và giáo dục di sản.

            Theo tôi được biết thì đây cũng chính là những nội dung xuyên suốt mà Hội Tiền sử Ấn Độ- Thái Bình Dương đã theo đuổi và đạt được nhiều thành tựu to lớn trong suốt 18 kỳ đại hội trước đây.

            Nói đến Thế Pleistocen và Thế Holocen là chúng ta nói đến Kỷ Đệ tứ, Kỷ xuất hiện con người trên trái đất, nói đến lịch sử của xã hội loài người. Văn hoá là phạm trù riêng có của con người và loài người. Một trong những mục tiêu của chúng ta khi nghiên cứu về quá khứ, về văn hoá của xã hội loài người là để có thể rút ra từ lịch sử những kết luận soi sáng cho sự phát triển trong hiện tại và định hướng cho tương lai.

            Theo tinh thần đó, nhân diễn đàn này tôi muốn được bày tỏ với quý vị đôi điều suy nghĩ của tôi về một trong những vấn đề mang tầm vóc thời đại: Đó là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng đang xảy ra.

            Hiện tượng nhiệt độ bề mặt trái đất đang liên tục ấm nóng lên, kéo theo sự rối loạn của chế độ thời tiết khí hậu đang đe dọa cuộc sống của con người trên khắp hành tinh, nhất là ở những nước nghèo đông dân, đời sống còn ở trình độ phát triển nông nghiệp lạc hậu; Hiện tượng nước biển dâng liên tục dâng cao đang đe doạ trực tiếp đến nơi ăn chốn ở của hàng trăm triệu người dân đang sinh sống ở các quần đảo và các vùng đồng bằng ven biển có cao độ thấp so với mặt biển hiện tại. Việt Nam là một trong những nước bị đe doạ nghiêm trọng.

            Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã và đang được huy động nghiên cứu làm sáng tỏ nguyên nhân của hiện tượng này và đề xuất các giải pháp ứng phó với hiểm họa này. Tuyến chủ đạo của các kết luận hiện nay là: về nguyên nhân: các loại khí thải nhân tạo gây hiệu ứng nhà kính làm tăng hấp thụ năng lượng trên bề mặt địa cầu. Về giải pháp: phải có sự đồng tâm hiệp lực quốc tế trong một lộ trình giảm khí thải nhân tạo đủ nhanh trên phạm vi toàn cầu, trước hết là ở những nước tạo ra lượng khí thải lớn nhất. Minh chứng khoa học cho các kết luận này là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác cho rằng những kết luận đó đúng song chưa đủ. Những nghiên cứu của các nhà đọa chất học và khảo cổ học về Kỷ Đệ tứ đã cho thấy rằng Kỷ Đệ tứ không hề là Kỷ có chế độ khí hậu thời tiết bình ổn. Trong Kỷ Đệ tứ đã xảy ra nhiều chu kỳ băng hà - gian băng kéo theo sự biến động lớn về thời tiết khí hậu và mực nước biển dâng hạ với biên độ lớn. Băng hà cuối cùng diễn ra vào cuối Pleistocen cách ngày nay 20.000 năm, lúc đó mực nước biển ở các vùng biển quanh Đông Nam Á đã hạ thấp đến -120m so với mực nước biển hiện tại. Vào khoảng 6000 năm cách ngày nay, với biển tiến Flandrian mực nước biển đã dâng cao hơn mức nước biển hiện tại 4- 6m. Từ đó đến nay là một quá trình biển thoái song không một chiều, có những thời đoạn dừng và dâng tuy với biên độ không lớn (1- 2m). Nguồn năng lượng tạo nên các biến đổi này đương nhiên là từ những biến động nội tại của trái đất thông qua động đất, núi lửa, phun trào đáy đại dương.v.v... (những thời đó chưa có vấn đề khí thải nhân tạo gây hiệu ứng nhà kính). Cần lưu ý rằng những hiện tượng này đã và đang được gia tăng cả về tần suất và cường độ ở nhiều nơi trên thế giới trong những năm gần đây. Các tài liệu khảo cổ học cho thấy các cộng đồng dân cư cổ trên cả vùng Đông Nam Á đã từng trải qua ứng phó với những diễn biến thời tiết và mực nước biển dâng hạ trong từng thời đoạn. Trong các thời cổ đại, khi trình độ phát triển còn rất thấp và mật độ dân cư còn rút lui. Tuy nhiên, cùng với thời gian, con người đã phát triển rất nhanh về dân số, địa bàn cư trú lại tập trung với mật độ cao ở các vùng đồng bằng thấp, ven biển, hải đảo. Họ đã bắt buộc phải vừa thích nghi vừa ứng phó từng phần bằng việc xây dựng các công trình hạ tầng như: đê, đập, kênh, cống, trạm bơm; điều chỉnh nơi cư trú, dự trữ nguồn lực xã hội v.v...

            Nói những điều này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng trong nhận thức không nên chỉ đề cập một chiều, dẫn đến tâm lý thụ động chờ đợi việc khí thải nhà kính trên phạm vi toàn cầu, mà từng quốc gia, dân tộc phải có một chương trình đủ tầm vóc vừa tham gia tích cực nhất vào giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa tích cực xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng nhà kính, vừa tích cực xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm đủ sức “chung sống với biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng”. Việc giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, nhất là từ các nước phát triển đối với các nước nghèo, các nước bị uy hiếp nặng như Việt Nam rất cần những hỗ trợ đủ lớn và đủ tích cực. Việt Nam rất cần xây dựng một hệ thống đê liên hoàn biển- sông đủ bền vững; hệ thống cống điều tiết lớn ở các cửa sông và nhánh sông lớn; hệ thống các trạm bơm thoát nước cho các vùng bị ngập úng nặng; hệ thống các công trình dự phòng ở những vùng có nguy cơ lũ lụt và hạn háng nặng v.v...

            Những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khảo cổ học, địa chất học và các ngành khoa học có liên quan về những biến động của thời tiết khí hậu trong mối tương quan với đời sống của các cộng đồng cư dân cổ, nhất là trong Thế Holocen, sẽ giúp ích rất nhiều cho nhận thức và cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của các quốc gia, dân tộc trong hiện tại và trong tương lai.

            Mọi người đều biết, trong tháng 12 tớí đây tại Copenhagen- thủ đô Đan Mạch sẽ diễn ra một sinh hoạt quốc tế lớn- hội nghị thượng đỉnh toàn cầu để bàn thảo chuyên đề về vấn đề này. Điều đáng lo ngại là, theo các nguồn tin quốc tế việc hưởng ứng của Nguyên thủ các nước, nhất là các nước lớn xem ra còn chưa đủ rõ ràng kể cả trong việc cam kết giảm khí thải nhà kính cũng như việc hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước nghèo, các nước bị đe doạ nghiêm trọng.

            Tôi kêu gọi đại hội chúng ta, các nhà khoa học tham dự đại hội hãy dùng tri thức và uy tín cả mình lên tiếng và tác động thích đáng đến cộng đồng quốc tế và từng quốc gia về vấn đề đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống nhân loại này.

            Rất mong được sự chia sẻ và quan tâm của quý vị.

            Xin cám ơn.

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Nhiều phát hiện khảo cổ mới tại di tích Bờ Lũy

 

 

Từ đầu năm 2009, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội đã mở đợt thám sát, khai quật khảo cổ học tại di tích Bờ Lũy (tỉnh Quảng Ngãi). Đây là di tích có chiều dài khoảng 200km, đi qua nhiều địa hình khác nhau.

Trên địa hình có độ dốc lớn, vượt qua những ngọn núi cao như ở một vài địa điểm thuộc các huyện Tư Nghĩa, Ba Tơ, Đức Phổ... lũy được xây hoàn toàn bằng đá, kỹ thuật này giúp cho lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt ngay cả khi có hiện tượng bất thường về thời tiết như mưa to gió lớn. Nhiều nơi quy mô của lũy rất lớn, có khi cao đến 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m như ở Ba Động, Ba Tơ. Nói chung, di tích lũy hiện tại còn khá nhiều và rõ ràng; ở các điểm núi cao, hiểm trở, di tích gần như còn nguyên vẹn, nhất là phần lũy xây bằng đá.

Các nhà khoa học đã thám sát và khai quật tại một số địa điểm như đồn xóm Đèo, đồn Thiên Xuân (huyện Nghĩa Hành)... và cho rằng, bờ lũy được xây dựng vào thời vua Gia Long, đầu thế kỷ XIX. Tại đây, người ta đã phát hiện được rất nhiều đồ gốm không men, đất nung, sành. Về cấu trúc và kỹ thuật xây dựng, phát hiện cho thấy kỹ thuật xếp đá hoàn hảo, thể hiện cách sử dụng loại vật liệu này mang tính chuyên nghiệp. Điều tra dân tộc học và chứng cứ khảo cổ học cho thấy người H`Re chính là chủ nhân của kỹ thuật xếp đá.

Theo TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học), việc nghiên cứu trên toàn tuyến lũy vẫn tiếp tục được tiến hành. Trong thời gian này, cần xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận đây là di tích cấp quốc gia để tránh bị xâm hại như những gì đang diễn ra.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7676674
Số người đang online: 23