VN: Phát hiện bãi đá cổ chưa từng thấy giữa rừng thẳm

 

 

Mới đây, ông Trần Ngọc Lâm, người sống hơn 10 năm nay trên đỉnh Fansipan, xuống núi thông báo với tôi rằng, ông đã phát hiện một bãi đá có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Ông Lâm đề nghị tôi lập tức vào trong rừng để tìm hiểu, viết bài, nhằm kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu, bảo tồn trước khi nó biến mất.

VN: Phát hiện bãi đá cổ chưa từng thấy giữa rừng thẳm

Ông Trần Ngọc Lâm vốn bị bệnh ung thư phổi, bị bệnh viện trả về chờ chết. Tuy nhiên, nhờ có kỳ duyên với các thiền sư Tây Tạng, ông đã học được bài thuốc bí truyền, nên vẫn sống khỏe đến ngày hôm nay.

Để có thuốc chữa bệnh, ông phải định cư trong một cái hang nhỏ trên độ cao 2.900m, gần đỉnh Fansipan. Hàng ngày, ông ngồi thiền trong giá lạnh để cái lạnh âm độ hạn chế sự phát triển của khối u, rồi lang thang đi khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn tìm những cây thuốc quý.


Hơn 10 năm trời lang thang trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn, ông Lâm đã phát hiện ra nhiều điều thú vị trong khu rừng ít dấu chân người này.

Trong những lần xuyên rừng đi tìm các loài kỳ hoa dị thảo cùng ông Lâm, đôi lúc, ông cứ úp mở nói với tôi rằng, các nhà khoa học, từ thời Pháp đến bây giờ, vẫn chưa phát hiện hết được bãi đá cổ Sapa. Đâu đó trong khu vườn rộng lớn này, vẫn có những hòn đá có hình khắc cổ…

Vài lần tôi gặng hỏi, nhưng ông Lâm chỉ im lặng. Cho đến gần đây, ông bất ngờ gọi điện bảo tôi lên gấp để đi xem bãi đá cổ có hình khắc trong rừng.

Theo ông Lâm, ông phát hiện bãi đá cổ này từ 3 năm trước, trong một chuyến đi vòng sang bên kia đỉnh Fansipan, sang đất Lai Châu, rồi vòng về Trạm Tôn.

Khi xuyên qua cách rừng vân sam, với những thân cây ngàn tuổi, gốc mấy người ôm, cao 40-50m để tìm nấm phục linh, một loại nấm ngàn năm, giá trị hơn vàng, ông đã phát hiện ra một bãi đá cổ, mà trên mặt những khối đá đều có hình khắc.

Những khối đá này nằm dưới tán rừng pơ-mu ngút ngát tầm mắt. Những khối đá cổ đen xì đen xịt, ẩm ướt có những hình khắc loằng ngoằng, sâu hoắm, đã gây sự chú ý cho “người rừng” Trần Ngọc Lâm.

Ông Lâm bảo, ông đã từng vài lần đi theo các nhà khoa học vào bãi đá cổ Sapa ở thung lũng Mường Hoa, thuộc các xã Hầu Thào, Tả Van. Ông cũng đã tận mắt cả chục hòn đá có hình khắc ở bãi đá này, nên hiểu đôi chút về những viên đá cổ và những hình khắc cổ xưa.

Do đó, ngay khi tận mắt những khối đá đen xì giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông Lâm biết ngay đây là những hình khắc cổ. Với kinh nghiệm đi rừng, sống với đồng bào dân tộc nhiều năm, ông cũng chắc chắn rằng, những hình khắc này không phải do con người thời hiện đại tạo nên.

Đại ngàn Hoàng Liên Sơn rộng mênh mông, ngút tầm mắt. Những dãy núi đá vôi trập trùng, những thung lũng hiểm trở chỉ có vết chân thú, không có dấu chân người. Những hòn đá cổ đã nằm im lìm giữa sườn núi, trong đại ngàn hàng triệu năm nay.

Ông Lâm cũng chính là người đã dẫn tôi đi thăm bãi đá cổ Sapa từ mấy năm trước và ông lên án mạnh mẽ cái cách bảo tồn bảo tàng thiếu trách nhiệm của ta. Những hòn đá tuổi đời trăm triệu, những hình khắc đã có từ ngàn năm, vậy mà chỉ vài năm đã tan nát bởi du lịch, bởi sự thiếu ý thức của con người.

Vì lẽ đó, khi phát hiện bãi đá cổ có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông Lâm đã yên lặng. Ông không kể chuyện này cho bất kỳ ai, kể cả lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên, kể cả các đồng chí kiểm lâm, những người hàng ngày xuyên rừng, ngủ hang cùng ông nhiều năm trời.

Ông Lâm sợ rằng, khi những hòn đá cổ có hình khắc này được công bố, các nhà khoa học tìm vào nghiên cứu, rồi các dự án bảo tồn, rồi phát triển du lịch… Và rồi, những hình khắc sẽ biến mất. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được câu trả lời. Và như vậy, ông sẽ là người có lỗi với tổ tiên.

Ngay cả chuyện ông phát hiện, rồi hì hục mở ra con đường lên Fasipan ngắn nhất, nhanh nhất, dễ đi nhất, tưởng là chiến công được người đời ghi tạc, nhưng thực tế, người ta đã bỏ quên ông. Nhưng điều ông thấy đau nhất, đó là, khi con đường mở ra, du lịch phát triển, Nhà nước thu lợi chẳng bõ bèn, nhưng rừng bị tàn phá từng ngày, những con thú cuối cùng đang bị tiêu diệt, những cây thuốc quý chảy tuồn tuột ra nước ngoài…

Nhưng bí mật về bãi đá cổ có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn ấy ông không giữ được mãi. Bởi vì, mới đây, khi xuyên qua đại ngàn vân sam, ông đã giật mình khi thấy một con đường mòn mới mở. Trên con đường mòn ấy, lâm tặc cùng với trâu mộng rồng rắn kéo gỗ như đàn kiến nhẩn nha suốt ngày đêm.

Những bước chân bầm dập của đàn trâu, những cú va chạm của những súc gỗ, đến núi cũng mòn, đá cũng nát, nói chi đến những hình khắc mềm mại, dễ vỡ kia!

Ông Lâm đã chết lặng khi thấy con đường kéo gỗ ấy đè nghiến lên những khối đá cổ có hình khắc kỳ lạ. Ông lại phải đau lòng mà rằng, nếu không công bố để các nhà khoa học nghiên cứu, thì những hình khắc trên bãi đá sẽ vĩnh viễn biến mất dưới bước chân đàn trâu mộng.

Vậy là, tôi cùng ông Lâm, với cơm nắm, bánh mỳ, thịt hộp, túi ngủ… lên đường vào đại ngàn Hoàng Liên Sơn.


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi

 

 

Ngày 20.1, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi và Viện Khảo cổ học VN đã cơ bản hoàn thành việc thăm dò khảo cổ trên vùng ngập lòng hồ công trình thủy điện Nước Trong (thuộc huyện miền núi Sơn Hà và Tây Trà). Tại hơn 100 hố đào thám sát, đã tìm thấy nhiều hiện vật như đồ gốm, đồ đá, đồ đồng... dùng trong sinh hoạt có niên đại cách đây trên 3.000 năm.

PGS-TS Trịnh Sinh - Viện Khảo cổ học VN cho rằng các hiện vật trên có niên đại thời hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí theo dòng chảy từ Tây Nguyên qua vùng Đông Trường Sơn xuống. Đây là những chứng cứ xác đáng cho biết sự hình thành và phát triển của nền văn hóa Sa Huỳnh. Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi sẽ trình UBND tỉnh và Bộ VH-TT-DL cho phép khai quật với quy mô lớn các di chỉ này. 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Ai Cập phát hiện đền thần mèo

 

 

Hội đồng tối cao khảo cổ học Ai Cập hôm qua thông báo, các nhà khảo cổ nước này đã phát hiện một ngôi đền 2.000 năm tuổi có thể là nơi thờ thần mèo thời Ai Cập cổ đại - Bastet.

Ai Cập phát hiện đền thần mèo
Tàn tích của ngôi đền thời Ptolemaic được phát hiện tại Alexandria - thành phố cảng nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải được Alexander Đại Đế sáng lập vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Ngôi đền tọa lạc ở khu Kom el-Dekkah gần nhà ga chính của thành phố, nơi có giảng đường thời La Mã và những bức khảm còn nguyên vẹn.
Thành phố này từng trung tâm văn hóa dưới triều đại nói tiếng Hi Lạp Ptolemaic, thống trị Ai Cập trong khoảng 300 năm cho tới khi Nữ hoàng Cleopatra tự sát.
Tuyên bố của Hội đồng tối cao khảo cổ học Ai Cập cho hay, ngôi đền được tin là thuộc về Nữ hoàng Berenice, vợ của Vua Ptolemy III, người trị vì Ai Cập trong thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Mohammed Abdel-Maqsood, nhà khảo cổ học Ai Cập dẫn đầu đoàn khai quật, cho biết phát hiện trên có thể là dấu tích đầu tiên về vị trí đóng đô của triều đại Ptolemaic tại Alexandria mà các nhà khảo cổ vẫn tìm kiếm lâu nay.
Ông Abdel-Maqsood cho hay, rất nhiều bức tượng mô phỏng thần mèo Bastet đã được tìm thấy trong ngôi đền, điều đó chứng tỏ đây có thể là ngôi đền đầu tiên thời Ptolemaic thờ thần mèo được phát hiện ở Alexandria.
Phát hiện cũng chỉ ra rằng thần mèo của người Ai Cập cổ đại vẫn được tôn thờ trong suốt thời đại Ptolemaic, vốn bị ảnh hưởng bởi Hi Lạp. Tượng về các vị thần Ai Cập cổ khác cũng được phát hiện tại đây.
Nhà khảo cổ Ai Cập Zahi Hawass cho rằng ngôi đền sau đó có thể đã biến thành một mỏ đá, dựa vào bằng chứng là sự biến mất của rất nhiều khối đá.
Thành phố Alexandria ngày nay được xây dựng trên đống đổ nát của thành phố thời cổ đại và nhiều ngôi đền lớn, các cung điện và thư viện của thành phố cổ vẫn chưa được phát hiện.
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hà Tĩnh: Phát hiện dấu tích cư trú của cư dân cổ

 

 

 Từ 2-12.1, Viện Bảo tàng Lịch sử VN phối hợp với Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên (H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đợt 3.

alt
Đoàn nghiên cứu đã có thêm tư liệu về không gian cư trú, khu vực phân bố mộ táng và các loại táng thức của cư dân cổ. Đoàn đã mở 5 hố khai quật, diện tích hơn 100m2, đã phát hiện thêm: 2 cụm mộ chum, 1 huyệt mộ đất và vết tích cư trú, cùng một số hiện vật khác... Cho thấy khu mộ táng có mật độ khá dày, tỷ lệ mộ chum cao và cũng đã xuất lộ vết tích cư trú của cư dân cổ.
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện khảo cổ đáng chú ý về đế chế Kushite tại Sudan

 

 

Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy nhiều bức tượng Pharaon và một số vị vua niên đại từ thế kỷ thứ 8 đến thứ 6 trước Công nguyên tại Dangai, cách thủ đô Khartoum của Sudan khoảng 350 km. Phát hiện này khiến giới khảo cổ sửng sốt vì nó cho thấy sự bành trướng đến khó tin của đế chế Cusai.

Trong số các hiện vật được khai quật có tượng của Pharaon Taharqa, trị vì từ năm 690 đến 664 trước Công nguyên, được ghi trong Kinh thánh là người đã cứu Jelusalem khỏi tộc người Assyrians. Các bức tượng được tìm thấy đều làm từ đá granit, có kích thước bằng người thật. Mỗi bức nặng khoảng 1 tấn rưỡi và đều bị nứt vỡ một cách có chủ ý ở cổ, đầu gối và mắt cá chân - có thể là do mối bất hòa trong nội bộ vương triều hoặc một Pharaon từ Ai Cập đi về phía Nam để giành quyền trị vì. Tên của các vị vua được viết theo chữ tượng hình ở phía sau mỗi bức tượng. Biên giới phía Nam của Vương quốc Cusai đến nay vẫn chưa được biết tới. Nền văn minh Cusai tồn tại từ thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ tư sau Công nguyên.
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Khai quật nền văn minh bị `chôn vùi` ở Amazon

 

 

Các nhà khoa học mới đây khám phá hàng trăm khối hình học nằm sâu dưới lòng đất trong khu vực Amazon, được cho là thuộc sở hữu của nền văn minh cổ xưa chưa từng được biết đến.

Khai quật nền văn minh bị `chôn vùi` ở Amazon

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hơn 200 khối hình dưới lòng đất như hình tròn, hình vuông được nối bằng những đường thẳng. Chúng có “tuổi đời” khoảng 1.283 năm sau Công nguyên, một số khác có số năm tồn tại ít hơn, vào khoảng 200 năm sau Công nguyên.

Các khối hình này được tìm thấy ở một khu vực có diện tích kéo dài hơn 241 km, bao trùm cả phía Bắc Bolivia và bang Amazon của Brazil.

Những khối hình đầu tiên được khai quật từ năm 1999, sau khi một vùng rừng nguyên thủy lớn được khai khẩn để dùng cho chăn thả gia súc. Được chạm khắc từ khối đất sét màu mỡ của vùng Amazon, các công trình này có chiều rộng trung bình 9,14 m, sâu 3,05 m và cao 0,91 m. Vòng tròn lớn nhất được tìm thấy cho đến nay có đường kính lên tới 304,8 m.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích tất cả các kết quả tìm được trên tạp chí Di tích cổ. Họ cho biết, hầu hết các công trình này tụ lại thành một cụm trong một khu vực tương đối bằng phẳng có độ cao khoảng 200 m trên thượng lưu sông. Điều này sẽ đem lại lợi thế phòng thủ cho cư dân sống ở đây.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng, các công trình này có vai trò trong các nghi lễ cổ xưa, do các hình dáng mang tính chất tượng trưng mà nền văn minh đó để lại.

Đồng tác giả nghiên cứu Denise Schaan, đến từ ĐH Liên bang Para, Brazil, cho biết: “Dù các công trình này dùng để phòng thủ hay nghi lễ thì chúng cũng nói lên rằng, trước đây khu vực này rất đông dân cư và họ đã định cư ở đây trong một thời gian dài”.

Bà Schaan cũng cho biết thêm, ít nhất có khoảng 300 người tham gia vào việc xây dựng một khối hình, do đó dân số của nền văn minh này có thể lên tới hơn 60.000 người.

Việc khai quật tại một số điểm cũng tiết lộ các bằng chứng về môi trường sống, bao gồm cả nghệ thuật làm gốm, hay các mảnh đá và than chì.

Các kết quả này đã xóa bỏ những kết luận của các nghiên cứu trước đó rằng khu vực này chỉ đủ chỗ cho một làng nhỏ người sinh sống, thay vào đó khu vực này lại ẩn chứa một tổ hợp xã hội tương đối phức tạp. Nền văn minh này có thể đã bị “xóa sổ” bởi các dịch bệnh do những đội quân xâm chiếm mang đến từ 500 năm trước.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

“Kim tự tháp Ai Cập không phải do nô lệ xây dựng”

 

 

Các nhà khảo cổ học Ai Cập mới phát hiện một loạt mộ của những người đã xây dựng kim tự tháp, giúp khám phá được bí ẩn xung quanh thân phận, cuộc sống và cách ăn uống của những người này cách đây hơn 4.000 năm.

“Kim tự tháp Ai Cập không phải do nô lệ xây dựng”

Theo ông Zahi Hawass, người đứng đầu Hội đồng Tối cao Các di tích cổ Ai Cập, những ngôi mộ này có từ triều đại thứ 4 của Ai Cập (khoảng từ năm 2.575 đến 2.467 trước Công nguyên), khi các kim tự tháp khổng lồ được xây dựng.

“Những ngôi mộ này được xây bên cạnh các kim tự tháp. Điều này cho thấy họ không phải là những nô lệ mà là những người lao động được trả lương”, ông Hawass nói, “vì nếu là nô lệ, họ không thể được xây mộ mình cạnh lăng mộ của vua”.

Những bằng chứng tìm thấy tại hiện trường khai quật còn cho thấy những người Ai Cập giàu có đã gửi 21 con trâu và 23 con cừu mỗi ngày từ các nông trại ở phía bắc và nam Ai Cập để nuôi gần 10.000 công nhân xây dựng kim tự tháp.

Mộ của những người xây dựng kim tự tháp được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Ai Cập phát hiện thành phố 3.500 năm tuổi

 

 

Bộ Văn hóa Ai Cập thông báo các nhà khảo cổ vừa tìm thấy tàn dư của một thành phố có niên đại chừng 3.500 năm trong ốc đảo ở phía tây nước này.

Ai Cập phát hiện thành phố 3.500 năm tuổi

Xinhua dẫn lời ông Farouk Hosni, Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập, cho hay thành phố cổ được phát hiện tại khu vực Umm El-Mawagir trong ốc đảo El-Kharga ở phía tây Ai Cập. Ốc đảo này cách thủ đô Cairo khoảng 200 km về phía nam.

Các nhà khoa học Ai Cập cho rằng thành phố mới được phát hiện hình thành trong khoảng thời gian từ năm 2134 tới năm 1569 trước Công nguyên.

Thành phố cổ chiều dài 1.000 m và chiều rộng 250 m. Nó nằm dọc theo những tuyến đường nối thung lũng Nile và ốc đảo El-Kharga.

Theo tiến sĩ Zahi Hawass, Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập, những di vật dưới lòng đất cho thấy những người dân tại đây từng kiếm sống bằng nghề nướng bánh với quy mô lớn. Các nhà khảo cổ tìm thấy một cửa hàng bánh, hai lò nướng và một bàn xoay để làm gốm. Họ cũng phát hiện phần còn lại của một số công trình từng là nơi làm việc của bộ máy chính quyền.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Kho vũ khí cổ dưới lòng hồ Ngọc Khánh

 

 

Gần 30 năm trước, nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh (nguyên Viện phó Viện Sử học Việt Nam) (ảnh) - trong một lần khai quật, đã "choáng váng" khi vớt được hàng ngàn vũ khí chìm sâu dưới lòng hồ Ngọc Khánh (Hà Nội) và các ruộng rau muống.

alt

Hình dung về một Giảng Võ đường

Với GS-TS sử học Đỗ Văn Ninh, bộ sưu tập vũ khí hồ Ngọc Khánh có thể coi là một trong những bộ di vật quý vào bậc nhất so với tất cả những phát hiện nhiều năm nay dưới lòng đất Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội. Có thể khẳng định đây là một phát hiện chưa từng có trong lịch sử ngành khảo cổ. Nếu cứ đơn giản mà tính đếm, coi mỗi hiện vật là một di vật vũ khí, thì bộ sưu tập này lên tới con số hàng ngàn.

Mặt khác, cuộc trục vớt hàng ngàn hiện vật vũ khí ở khu vực phía tây kinh thành Thăng Long cùng với sự xuất lộ nền móng kiến trúc của một trường võ bị gồm các hòn đá tảng kê chân cột, những đầu gỗ thừa, những chân cột đang gia công, những đầm nén đất - lần đầu tiên - đã đem đến những cơ sở khoa học cho việc hình dung về một Giảng Võ đường được xây mới vào năm 1481 (trước đó, thời Lý, thời Trần đều có Giảng Võ đường), quanh năm sôi động tiếng gươm khua, trống đánh, quân reo, ngựa hí.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết tháng 10 tới, nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long -Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày bộ sưu tập vũ khí thời Lê trong khuôn viên mới của bảo tàng.

Đúng như sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đã chép: "Tháng 10 năm Tân Sửu (1481) đào hồ Hải Trì. Hồ này đào ở góc Tây Nam thành Thăng Long, giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên cạnh hồ dựng điện Giảng Võ để luyện tập, điểm duyệt binh mã".

Minh chứng cho nghệ thuật tư duy quân sự

Có hàng ngàn viên đạn bằng đá nằm dưới ruộng rau muống quanh khu vực hồ Ngọc Khánh được nhà khảo cổ Đỗ Văn Ninh tìm thấy. Ngoài ra, còn có súng lệnh bằng đồng, giáo đồng, câu liêm, móc câu, chông, mác, kiếm. Thô sơ, đơn giản, nhỏ gọn và nhẹ - đó là đặc điểm chung của các loại vũ khí có niên đại thời Lê tìm thấy trong khu vực Ngọc Khánh. Thế nhưng, điều đáng nói là với những vũ khí thô sơ kiểu này, quân dân Đại Việt lại đánh đâu thắng đấy.

Thí dụ, súng lệnh - một loại súng dùng để phóng pháo hiệu chỉ huy, quân đội Đại Việt do vậy, chỉ cần nhìn màu sắc pháo hiệu cháy phát ra mà biết nên tiến hay lùi trong lúc nguy cấp. Điều ngạc nhiên là súng này lại được tra thêm một cái cán dài bằng... gỗ lim, chứ không phải bằng đồng. Trong khi đó, giáo câu liêm lại được chế tạo cực kỳ đơn giản. Phần lưỡi giáo chỉ là một thanh sắt nhọn, phần câu liêm là một thanh sắt được uốn cong. Không bề thế, không đẹp đẽ, nhưng bộ sưu tập có một không hai này là những minh chứng sinh động cho nghệ thuật tư duy quân sự ở trình độ cao.

Cũng theo GS Ninh, kho vũ khí được tìm thấy dưới lòng hồ Ngọc Khánh có lẽ chủ yếu phục vụ việc đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. So sánh với vũ khí của quân Minh, GS Ninh nhận thấy vũ khí của đối thủ thường được chế tác cầu kỳ hơn, tinh xảo hơn. Tuy nhiên, xét về độ sát thương thì chưa chắc đã hơn các loại vũ khí thô sơ của Đại Việt.


Tuy nhiên, điều làm GS. Ninh bất ngờ nhất lại là việc tìm thấy những hũ gạo nuôi quân thời Lê sơ..."Nghiên cứu kỹ thuật chế tác vũ khí, cách đánh trận của thời Lê cũng thấy nhiều điều kỳ diệu lắm", GS Ninh thốt lên. Người Đại Việt đã phát minh ra những loại vũ khí rất đặc biệt, không đâu có. Ví dụ, vũ khí ba chạc có hình dáng, trọng lượng rất nhỏ gọn. "Nhiều khả năng, ta đánh địch theo kiểu "dụ" chúng đến gần, dùng ba chạc móc vào chân kẻ thù, rồi hất chúng ngã ngựa. Cách đánh như vậy rõ ràng không tốn công sức, nhưng lại rất hiệu quả", GS Ninh suy đoán. Cùng với bộ sưu tập vũ khí, nhà khảo cổ Đỗ Văn Ninh còn tìm thấy những mảnh vỡ từ xác những con thuyền đắm. Trên những mảnh vỡ đó có dấu vết của những chiếc đinh cắm vào...

Vũ khí trong nhà kho của... chùa

Bộ sưu tập vũ khí nói trên đã được Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận từ gần 30 năm nay. Thế nhưng, do cơ sở vật chất chật chội, số vũ khí này đã được ký gửi trong một nhà kho ở... chùa Hưng Ký (thuộc địa bàn phường Minh Khai, Hà Nội). Cho đến nay, theo GS Ninh, không ít hiện vật trong bộ sưu tập đã không còn nguyên vẹn. "Ngày ấy, chúng tôi đào được hàng ngàn viên đạn đá. Lúc mới đào được dăm ba viên thì ai cũng thấy quý. Nhưng rồi, càng đào, càng thấy nhiều, người canh giữ lại không thấy tiếc, thấy quý nên thậm chí người ta còn lấy đạn đá cho con cháu nghịch... Chúng tôi biết vậy, nhưng sức mỏng nên nhiều khi cũng bỏ qua", GS Ninh ngậm ngùi.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lâm Đồng: Phát hiện xưởng chế tác đá thời tiền sử.

 

 

Trong các ngày từ 30.12.2009 - 5.1.2010, Bảo tàng Lâm Đồng cùng Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển bền vững TPHCM) đã tiến hành khai quật khu di tích khảo cổ học Phú Hưng thuộc xã Tân Hà, huyện Lâm Hà và phát hiện tại đây nhiều hiện vật bằng đá và dấu vết của một xưởng chế tác đá.

Tại di chỉ khảo cổ học này, nhiều mảnh tước đá, phác vật và công cụ bằng đá với nhiều kích cỡ được trải rộng trên diện tích hơn 2.000m2.

Theo TS Bùi Chí Hoàng - người phụ trách hiện trường khai quật, đây rất có thể là một trung tâm chế tác đá chuyên chế tác các công cụ lao động và vũ khí bằng đá (như rìu đá, cuốc đá, mũi lao đá...) có niên đại từ 3.500 – 4.000 năm của người tiền sử. Hiện, việc khai quật khu di tích này vẫn tiếp tục và dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 1 này.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9020781
Số người đang online: 18