Cát Tiên, câu hỏi còn bỏ ngỏ

 

 

Cuối năm 1985, hai cán bộ bảo tàng địa phương đã bất ngờ phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của một quần thể di tích thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Ðồng.Bắt đầu từ đây đã hé mở về một quần thể di tích vô cùng giá trị. Tháng 9-1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Cát Tiên là "Di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quốc gia". Rồi tiếp đến là tám cuộc khai quật và hai cuộc hội thảo khoa học quy mô lớn. Nhưng, những gì cần quan tâm về di tích này vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết...

alt

Những phát hiện vô giá

Trong suốt hơn 20 năm, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm khảo cổ học - Viện KHXH vùng Nam Bộ và Bảo tàng Lâm Ðồng đã phối hợp tổ chức tám cuộc khai quật. Dưới lòng đất Cát Tiên đã xuất lộ dần những di vật vô cùng quý giá. Suốt dọc bờ bắc sông Ðồng Nai, trong chiều dài gần 20 km, một quần thể di tích dần dần hiện ra. Ðó là hàng chục ngôi đền tháp, đền mộ lớn nhỏ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện trong kiểu dáng, vươn lên trong một không gian huyền diệu, thể hiện một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ. Ðó là vô vàn những hiện vật quý báu: những cặp ngẫu tượng linga- yoni, biểu tượng của cư dân cổ xưa với tín ngưỡng phồn thực; là những bức tượng phúc thần Ganesa, Siva, Uma... bằng chất liệu đá quý, thủy tinh và kim loại. Ðặc biệt, tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hàng trăm lá vàng và phù điêu bằng vàng với kỹ thuật vẽ nổi và khắc chìm điêu luyện. Ở trên đó là những hình ảnh chung một chủ đề tôn giáo thần bí với tín ngưỡng "thần mẹ" như thần Siva, nam thần, nữ thần...; hình ảnh các tu sĩ, vũ nữ, người dâng lễ, chiến binh...; muông thú dưới dạng vật tổ và hoa lá...  

Hiện vật phát hiện được từ di tích Cát Tiên ngày càng nhiều và phong phú. Theo TS Lê Ðình Phụng: "Ðây là khu di tích thu được hiện vật nhiều về số lượng, các hiện vật được chế tác từ nhiều chất liệu có giá trị nhất không những ở vùng Ðông Nam Bộ mà cả vùng đất phương nam trong lịch sử. Quy mô kiến trúc, số lượng hiện vật hòa nhập với nhau thành một thể thống nhất đã khẳng định đây là một khu di tích giữ vị trí trọng yếu trong lịch sử vùng đất phương nam".

Những bí ẩn chưa được giải mã

Văn hóa Cát Tiên ra đời trong thời gian nào và thuộc phong cách nghệ thuật nào? Ai là chủ nhân thật sự của di tích Cát Tiên? Sau những phát hiện đầu tiên, các nhà khảo cổ học tại TP Hồ Chí Minh dự đoán: Cát Tiên có thể là đô thị tôn giáo của Vương quốc Phù Nam thế kỷ II - VII (SCN).

Trong hai đợt khai quật mới nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện một phế tích kiến trúc bằng gạch của một đền thờ có hình vuông (3,35x3,35m), tiền điện xây theo hình bán nguyệt, mà theo đánh giá là "chưa hề thấy trước đây". Cũng tại lần khai quật này còn phát hiện tượng Phật cũng "chưa hề xuất hiện trong những lần khai quật trước". Ðặc biệt là một hộp kim loại hình bầu dục dài cỡ 9x18cm bằng bạc trên nắp chạm một con sư tử oai vệ, rồi con dấu bằng đá có khắc chữ cổ và máng nước thiêng (somasutra)... Từ những gì đã thấy, TS Ðào Linh Côn cho rằng, ở đây có yếu tố văn hóa bên ngoài, rất giống văn hóa Lưỡng Hà. Còn TS Bùi Chí Hoàng bổ sung thêm: Những hiện vật phát hiện lần này là một bằng chứng cho thấy, cư dân chủ nhân của vùng đất Cát Tiên cổ xưa đã có sự giao lưu mạnh mẽ với bên ngoài, và khung niên đại của di tích này có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ IV-VIII, so với nhận định trước đây là thế kỷ VIII đến X...

Vẫn là những thách thức

Những giả thiết nêu trên vẫn còn bỏ ngỏ, nó như một thách thức đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. "Có lẽ còn lâu mới xác định được chủ nhân của di tích Cát Tiên, vấn đề này không hề đơn giản", xin dẫn lời phát biểu của GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại cuộc hội thảo tổ chức tháng 12-2008 để khái quát cho khó khăn này.

Tại cuộc hội thảo nói trên với sự chủ trì của Cục Di sản- Bộ VH-TT và DL, có sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu chuyên nghiên cứu về văn hóa Phù Nam, Chân Lạp, Chăm-pa và... Cát Tiên. Hội thảo này đã có 30 tham luận, ý kiến, thảo luận chung quanh các vấn đề: vị trí và giá trị của di tích văn hóa Cát Tiên trong mối quan hệ với văn hóa Óc Eo - Phù Nam, Chân Lạp và Chăm-pa; niên đại của di tích Cát Tiên; chủ nhân văn hóa Cát Tiên; khả năng và hướng tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở khoa học xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa di tích vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Các nhà khoa học đều thống nhất rằng, di tích Cát Tiên không chỉ có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ nước ta mà còn có giá trị trong khu vực. Dù vẫn còn một vài nhận thức có chỗ khác nhau, nhưng ý kiến chung đều cho rằng, khu di tích Cát Tiên là một thánh địa của tiểu vương quốc cổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Ðộ; Cát Tiên có mối quan hệ với Phù Nam nhưng không phải là thuộc quốc của Phù Nam, rất gần với dòng Chăm-pa nhưng không phụ thuộc vào Chăm-pa. Văn hóa Cát Tiên đứng giữa giao lưu hỗn dung cả ba nền văn hóa: Phù Nam, Chân Lạp và Chăm-pa...    

Xác định phong cách nghệ thuật, niên đại và chủ nhân của di tích Cát Tiên là một công việc có ý nghĩa vô cùng khó khăn nhưng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vì nó chính là tiền đề cho sự hoạch định những công việc tiếp theo. Ðặc biệt, đó là yếu tố cấp thiết nhằm có cái nhìn thống nhất giúp các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn đưa ra phương án tốt nhất cho việc bảo vệ, tu bổ và phát huy những giá trị của di tích. Việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di tích Cát Tiên là Di sản Văn hóa thế giới cũng chưa thể thực hiện khi chúng ta chưa có câu trả lời cho những vấn đề cơ bản đó. Nói vậy, nhưng ngay cả khi các nhà khoa học chưa có cái nhìn thống nhất về những câu hỏi nêu trên thì việc bảo tồn và trùng tu di tích cũng cần phải được gấp rút tiến hành. Bởi, hiện trạng của những đền tháp sau khi khai quật là thả cho mưa nắng. Thách thức cho những phế tích ở Cát Tiên là nó nằm sát bên dòng sông Ðồng Nai, ngự trong một vùng lòng chảo, lại chung sống với khí hậu nhiệt đới gió mùa nên những kiến trúc cổ này đã già cỗi lại lâm vào hoàn cảnh lão hóa nhanh hơn...

Trong khi vẫn cần có những công trình nghiên cứu chuyên ngành sâu hơn về giá trị tiêu biểu của di tích, thì, công việc cấp thiết là cần có một quy hoạch tổng quan và chi tiết đối với khu di tích. Hãy tạm dừng việc khai quật mà nên tiến hành bảo vệ và tu bổ bằng những dự án khoa học và quy mô chứ không phải là "ứng xử tạm thời".

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh

 

 

Cùng với Óc Eo (miền Nam) và Đông Sơn (miền Bắc), văn hoá Sa huỳnh (miền Trung) đã góp phần hoàn thiện diện mạo văn hoá cổ đại Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hoá Sa Huỳnh (1909- 2009), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh. Hội thảo diễn ra từ ngày 22 đến 24 tháng 7 năm 2009 với nhiều chương trình tham quan, trình diễn và kỷ niệm kèm theo.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội nghị lần thứ 19 của Hội tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA)

 

 

Hội tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA) phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Khảo cổ học (VIA) tổ chức. Thời gian: Từ ngày 29/11 đến ngày 5/12/2009. Địa điểm: Trung tâm Hội thảo Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Số 1 - Liễu Giai - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam.

Hội nghị IPPA lần thứ 19 được tổ chức tại Hà Nội - Việt Nam từ ngày 29/11 đến ngày 5/12/2009. Hội nghị tập trung 4 nhóm vấn đề sau:

1. Văn hoá và sự phát triển của kỷ Pleitoxen.

2. Lịch sử văn hoá trong kỷ Holoxen.

3. Các vấn đề trọng tâm liên quan đến một chủ đề hoặc một ngành nào đó (sinh học, xã hội, môi trường).

4. Quản lý và giáo dục về di sản.

Nếu anh/chị quan tâm và muốn tham dự Hội nghị xin hãy điền vào mẫu đăng kí gửi kèm và chuyển đến cho chúng tôi theo địa chỉ:

      Ban Thư ký Hội nghị IPPA lần thứ 19 Viện Khảo cổ học - 61 Phan Chu Trinh - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

      Điện thoại: (04)38.240.478.         Fax: (04)39.331.607.

      Email: ippa2009@vnn.vnĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. .

 

Bản đăng ký tham dự Hội nghị lần thứ 19

của Hội tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương

 

 

Chức danh:…………………………………………………………………………………….

Họ và tên:………………………………………………………………………………………

Đơn vị công tác:………………………………………………………………………………

Địa chỉ:………………………………….Điện thoại:……………………Fax:………………

Email:………………………………………………………………………………………….

Anh/chị có định trình bày tham luận tại Hội nghị không?       Có: □        Không:  □    

Tên tham luận (nếu có) :…………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………….     
          

Tóm tắt tham luận xin gửi đến cho chúng tôi trước ngày 01/07/2009 (bản tiếng Anh và tiếng Việt kèm theo file điện tử được ghi trên đĩa CD hoặc gửi đến địa chỉ email nêu trên).

Chúng tôi mong muốn có những bài viết hấp dẫn về (tiền) sử Ấn Độ - Thái Bình Dương theo nghĩa rộng nhất gồm các chủ đề từ khảo cổ học đến ngôn ngữ học so sánh, nhân học, nhân sinh học, di truyền học và các ngành khoa học tự nhiên (tác động về môi trường, lịch sử mùa vụ, thuần hoá động vật….).

Ban Tổ chức sẽ gửi giấy mời chính thức đến anh/chị nếu bài tham luận của anh/chị được lựa chọn.

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông báo hội thảo về khảo cổ học cộng đồng

 

 

Ngày 26/7/2009, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sẽ diễn ra một cuộc trao đổi quốc tế về khảo cổ học cộng đồng

 Báo cáo viên là các nhà khảo cổ học đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Úc và Việt Nam. Cuộc trao đổi này do Hội khảo cổ học Việt Nam tổ chức.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội nghị thông báo khảo cổ học hàng năm năm 2009 sẽ diễn ra

 

 

Hội nghị thông báo khảo cổ học hàng năm năm 2009 sẽ được tiến hành vào cuối tháng 9/2009 tại Trung tâm Hội nghị Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Hội nghị do Viện Khảo cổ học tổ chức. Thông tin về hội nghị sẽ tiếp tục được cập nhật.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội thảo về khảo cổ học cộng đồng

 

 

Ngày 26/7/2009, tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chương trình đào tạo nâng cao kĩ năng nghiên cứu cho các nhà khảo cổ trẻ phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức buổi giới thiệu về kinh nghiệm khảo cổ học cộng đồng.

Tham gia có các chuyên gia về khảo cổ học cộng đồng Thái Lan, Anh, Nhật Bản, Đài Loan và các nhà khảo cổ học Việt Nam. Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe các báo cáo của tiến sĩ Natapintu Surapol (Đại học Silpakorn, Thái Lan), tiến sĩ Nishimura Masanari (Đại học Kansai, Nhật Bản), tiến sĩ Ian Glover (Viện Khảo cổ học- Đại học London, Anh).

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2009 sắp diễn ra

 

 

Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 24, 25/9/2009 tại Trung tâm Hội nghị Viện KHXH Việt Nam tại số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

  Như thường lệ, Hội nghị sẽ bao gồm 4 tiểu ban

 1. Tiểu ban nghiên cứu thời đại đá.

 2. Tiểu ban nghiên cứu thời đại kim khí.

 3. Tiểu ban nghiên cứu khảo cổ học lịch sử.

 4.  Tiểu ban nghiên cứu Chămpa- Óc eo.

    Mọi thông tin xin liên hệ:

Ban tổ chức Hội thảo: 61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: 0438255449, 0439330732.

Email: tapchikhaoco@gmail.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. , tapchikhaoco@hotmail.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. .

 

Ông “khùng” ở Bát Tràng và kho báu 2.000 cổ vật

 

 

14 năm nay, ở xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội có một ông già tên Nguyễn Việt Hồng, ngày ngày vẫn lặng thầm đi gom nhặt những mảnh gốm, sành lở ra ở bãi Hàm Rồng của dòng sông Hồng ngàn năm, mang về chất đầy nhà. Mọi người vẫn coi ông là “khùng”, vì cho rằng việc làm của ông là… vô tích sự. Chỉ khi Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Bảo tàng lịch sử về khai quật và Nhà nước công nhận đây là Di chỉ quốc gia, dân ở đây mới hiểu hết giá trị công việc mà ông “khùng” đã làm lâu nay.

Ông “khùng” ở Bát Tràng và kho báu 2.000 cổ vật

Người "giàu có" của Bát Tràng

Khi chúng tôi tìm đến nhà, cũng là lúc ông Hồng đang cho mẻ gốm cuối cùng vào lò. Trong cái nắng oi nồng ngày đầu tháng 9, người ông ướt sũng mồ hôi. Đã bước sang tuổi 74, nhưng trông ông vẫn rất nhanh nhẹn.

Ngôi nhà 5 gian hai chái cũ kỹ nằm chênh vênh sát bên bờ sông Hồng, trước cửa là cái sân lát gạch Bát Tràng nâu đỏ đã được phơi kín các loại khuôn gốm, bát, đĩa...

Dẫn chúng tôi ra bờ sông Hồng vào mùa này nước nổi, ông Hồng chỉ tay cho biết, bên kia là bãi ngô ngút ngàn của đất Lĩnh Nam, được phù sa bồi đắp còn bên này là bãi lở Hàm Rồng đang ngày ngày ngậm ngùi ngoạm từng thớ đất của làng, cuốn theo bao di chỉ quý của đất Kim Lan.

“Bây giờ tôi đang sở hữu cả vài hũ tiền Khai nguyên thông bảo, Hoàng tống thông bảo, Thiên phúc chân bảo... Có trong tay hàng nghìn di chỉ gốm, sành thuộc các niên đại từ thế kỷ VII-XVII. Tất cả đều được tôi nhặt nhạnh từ bãi Hàm Rồng đấy!”, ông Hồng hãnh diện khoe.

Trong “Bảo tàng cổ vật mini” của mình ở ngay trong gian buồng chỉ rộng chừng chục mét vuông, ông xếp chật kín các loại đồ gốm cổ, từ đồ gốm thời Đường thế kỷ VIII-IX, thời Trần thế kỷ XIV cho đến các loại đồ gốm thời Lê, Mạc thế kỷ XVI.

Ông Hồng cho biết, mọi việc bắt đầu vào một ngày đầu năm 1996. Hôm ấy, hai ông bà đang cho mẻ gốm ra lò thì nghe mấy đứa cháu kháo nhau chuyện lũ trẻ trong xóm lúc tắm sông nhặt được một hũ tiền xu bằng đồng và đem đi đổi kem. Ông vội vã bỏ dở công việc, chạy theo chị đồng nát để chuộc lại hũ tiền xu, nhưng không tìm được.

Lúc này bọn trẻ vẫn còn chừng 2kg tiền xu, ông đã mua về và mân mê nhìn ngắm những đồng tiền đã hoen gỉ. Bỏ lại đằng sau những cái nhìn lạ lẫm của người dân, ông Hồng vui sướng vì biết rằng, đó là những đồng tiền cổ, có niên đại hàng nghìn năm vô cùng quý giá.

Ông giải thích cho bọn trẻ hiểu được giá trị của những đồng tiền cũ kỹ ấy và dặn trong làng hễ nhặt được những mảnh gốm sứ hay tiền xu nào thì đem đến, ông sẽ cho tiền mua kem, mua kẹo.

Và rồi, bọn trẻ trong làng lại vớt được một hũ tiền đồng mang đến tìm ông, cả thảy cân được 18kg tiền đồng, ông đã mua lại của bọn trẻ.

Chủ nhân của 2.000 cổ vật

Với kinh nghiệm gần 30 năm làm đồ gốm, ông Hồng hiểu rằng, đây là những di chỉ quý giá, nên sau đó, những lúc rảnh rỗi, ông đã âm thầm theo chân lũ trẻ ra bờ sông tìm kiếm, nhặt nhạnh những mảnh gốm vỡ vô hồn kia đem về xếp đầy góc nhà, coi đó như một thú vui.

Rồi một “đoàn khảo cổ” của làng Kim Lan đã được thành lập, dẫn đầu là ông già đầu tóc bạc phơ và theo sau là một lũ nhóc nhí nhố. Ông Hồng vui vì “được đi sưu tầm “lịch sử” của làng, của nước”.

Ông Hồng tự học thêm chữ Hán, tìm đọc sách lịch sử, ông cũng không ngại gian khó đi tìm các văn bản, đồ vật, văn bia ở các đình chùa, miếu mạo để nghiên cứu.

Chúng tôi đã bị hút hồn khi nghe ông say sưa giảng giải về lịch sử, ý nghĩa của các di chỉ, cổ vật và phần nào hiểu được tấm lòng yêu mến, gắn bó của ông đối với những đồng tiền xu, những mảnh gốm sứ và với làng quê, đất nước.

“Trong quá trình hình thành và phát triển, đã có nhiều nền văn hóa của các dân tộc phát triển trên đất Việt. Trong đó, riêng thời đại kim khí ở Việt Nam đã có 3 nền văn hóa là văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở phía Nam. Cổ vật văn hóa Đông Sơn thường được biết đến là đồ đồng và đồ gốm, trong đó nổi tiếng là những chiếc trống đồng loại I và các loại dao găm đồng...”, ông nói.

Hiện nay, ngoài những di vật đã đem tặng cho Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học Việt Nam, ông Hồng vẫn còn sở hữu khoảng trên 2.000 cổ vật. Trong đó, có những di vật cổ quý như bản Ngọc Phả của làng do Nguyễn Bính (Đại học sĩ Viện Đông các Hàn lâm) soạn năm 1472, Phù hương Long Mã (lư hương thân rồng đầu ngựa), tháp nhiều tầng bốn mặt gắn tượng phật… và rất nhiều tiền cổ thuộc nhiều niên đại khác nhau.

Vợ chồng Tiến sỹ Khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari và Noriko đã nhiều lần về Kim Lan, tìm đến nhà ông Hồng để nghiên cứu và làm luận văn về những cổ vật nơi đây. Theo họ, những cổ vật mà ông Hồng đang sở hữu là vô cùng quý giá.

Cũng qua vợ chồng Tiến sỹ người Nhật Bản này, con đường bê tông dài 700m của làng đã được Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ xây dựng.

Ông Trương Mạnh Truyền - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Lan cho biết tháng 10 tới, nhà trưng bày cổ vật của xã Kim Lan sẽ được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng do vợ chồng Tiến sỹ người Nhật Bản và những “Mạnh Thường Quân” khác tài trợ.

Dự kiến, nhà trưng bày cổ vật sẽ khánh thành vào đầu tháng 10/2010, đúng dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

 

Hội nghị Thông báo khảo cổ học lần thứ 44

 

 

Ngày 24-9 và 25-9, tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức hội nghị khảo cổ học thường niên lần thứ 44 với sự tham gia của nhiều nhà khảo cổ học, chuyên gia bảo tàng, bảo tồn, nhà quản lý văn hóa trong cả nước.

alt

Năm 2009, Viện khảo cổ học đã nhận được 424 thông báo về những phát hiện khảo cổ học từ các địa phương trên khắp mọi miền đất nước, công trình nghiên cứu thuộc các thời đại: Đá, Kim khí, Chăm pa - Óc Eo… Một số kết quả đáng chú ý như: Lần đầu phát hiện di cốt người cổ ở Sơn La; quần thể động vật tại hang Mỏ Tuyển ở Lào Cai (thuộc khảo cổ học thời đại Đá); 12 thông báo phát hiện mới ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắc Lắc (thuộc khảo cổ học thời đại Kim khí); khai quật di tích Thành Hồ, Phú Yên, khu tháp Dương Long... bổ sung thêm nhiều phát hiện mới thuộc khảo cổ học Chăm Pa-Óc Eo. Thông qua các phát hiện đó đã giúp các nhà quản lý lập quy hoạch bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, xếp hạng, khai thác nhiều di tích, di sản tiêu biểu như các di tích thời Trần (Nam Định), đàn Nam Giao (Thanh Hóa), đàn Xã Tắc (Thừa Thiên-Huế), tháp Dương Long (Bình Định)... Ngoài ra, các cuộc khai quật lớn để di dời các di tích ra khỏi vùng có dự án kinh tế lớn của Nhà nước được thực hiện có hiệu quả như ở 62-64 Trần Phú (Hà Nội) và các di chỉ vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, Vĩnh Yên (Khánh Hòa)... Khảo cổ học đã tiếp tục đóng góp thêm nhiều tư liệu mới cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc.

 Sau 2 ngày thảo luận, trao đổi về các kết quả khai quật, nghiên cứu trong năm 2009, điểm chung dễ nhận thấy là nhiều vấn đề chưa thể "kết luận", mà lại mở ra những hướng mới, đòi hỏi tiếp tục đi sâu trong những năm tới. Liên tục có những đề xuất khai quật mở rộng được đưa ra. Nhiều kiến nghị được đưa ra tại hội nghị, như việc phải có một "chủ đề" riêng về khai quật khảo cổ học phục vụ công tác giải tỏa để giới khảo cổ chia sẻ kinh nghiệm, hay mỗi hội nghị hàng năm phải có kiến nghị với chính phủ về những vấn đề thiết thực với quản lý di sản... Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS - TS Tống Trung Tín một lần nữa tha thiết đề xuất những người yêu di sản hợp tác cùng giới khảo cổ học để ngăn chặn tình trạng đào phá di chỉ đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, bởi "Nếu không có di tích, di chỉ có nghĩa là khảo cổ học sẽ "chết". Nhiều di tích được khai quật khảo cổ học 1, 2 lần, sau đó nếu cơ quan quản lý của tỉnh không quan tâm thì một thời gian sau quay lại đã biến mất. Những nội dung cũng cần được tập trung trong thời gian tới được PGS Tín "điểm danh" gồm việc tiến hành quy hoạch khảo cổ học cho các tỉnh để phục vụ công tác bảo vệ và nghiên cứu; phải có những nhóm tác giả - đề tài đi sâu vào tổng kết các vấn đề của Khảo cổ học!

 

Di tích lịch sử- khảo cổ học Hắc Y (25/11/2009)

 

 

Cơ quan soạn thảo: Sở Văn hoá Thông tin Yên Bái

Kích thước: 14,5x20,5cm

Hình thức bìa: Bìa cứng

Năm xuất bản: 2008

Số trang: 200

Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái

Nơi xuất bản: Sở Văn hoá Thông tin Yên Bái
  Năm xuất bản: 2008
  Số trang: hơn 200
  Kích thước: 14,5x20,5cm
  Hình thức bìa: bìa cứng

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 7676493
Số người đang online: 32