Sách mới: Sách (23/08/2010)
Sách mới: Sách (23/08/2010)
Thứ hai, 23 Tháng 8 2010 10:44
Cơ quan soạn thảo: Nxb Thế Giới
Kích thước: 22x 26cm.
Hình thức bìa:
Năm xuất bản: 1992
Số trang: 536
Điểm nổi bật của lần xuất bản này là chùa trong cả nước đã được phủ kín trong cuốn sách, đặc biệt thêm hai dạng chùa mới hiếm thấy xuất hiện là: chùa miền núi và chùa miền hải đảo.
Điểm nổi bật của lần xuất bản này là chùa trong cả nước đã được phủ kín trong cuốn sách, đặc biệt thêm hai dạng chùa mới hiếm thấy xuất hiện là: chùa miền núi và chùa miền hải đảo.
Kính mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới vừa phát hành cuốn Chùa Việt Nam của các tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long. Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Chỉ trong một năm sách sau lần in trước, sách đã được tái bản lần thứ tư với nhiều chỉnh lý bổ sung, khổ sách 22x26cm, dày 536 trang với trên 1000 bức ảnh, bản vẽ, bản đồ.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng đầu công nguyên. Trong khoảng thời gian đó, các ngôi chùa đã dần mọc lên. Những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam đã xuất hiện ở những thế kỷ đầu Công nguyên – hai nghìn năm trước. Chùa là trung tâm tâm linh của cộng đồng làng xã Việt Nam, là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa lễ hội ở các vùng miền đất nước, đồng thời cũng là nơi tinh kết các giá trị kiến trúc nghệ thuật dân gian. Qua lịch sử, ta thấy rõ là ở mỗi thời kỳ, các ngôi chùa, ngọn tháp đều có một kiểu dáng riêng biệt. Bao giờ cái truyền thống cũng gắn liền với cái cách tân. Ngoài chùa của người Kinh, còn có chùa của một số dân tộc anh em khác ở Việt Nam, như chùa của người Mường làm bằng tranh tre đơn giản, chùa của người Khmer được xây dựng đẹp với bộ mái mang ảnh hưởng của chùa Cămpuchia và chùa Thái Lan. Chùa của người Hoa cũng có sắc thái kiến trúc riêng.
Phần mở đầu sách là bài dẫn luận nghiên cứu công phu của Giáo sư Hà Văn Tấn giúp cho người đọc có thể nắm bắt về toàn cảnh các ngôi chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, và trong đời sống văn hóa dân tộc. Tác giả đã làm rõ những đặc điểm Phật giáo và văn hóa tâm linh của dân tộc được thể hiện ở các ngôi chùa Việt Nam như thế nào. GS Hà Văn Tấn viết: “Khảo sát những ngôi chùa đó, chúng ta không những thấy được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, đặc điểm của tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam mà còn giúp chúng ta hiểu được một mặt quan trọng của lịch sử văn hóa và tư tưởng Việt Nam” …
Phần tiếp theo, các tác giả đưa bạn đọc đến với 118 ngôi chùa tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước qua các thời kỳ: Từ đầu Công nguyên, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Nguyễn đến những ngôi chùa mới phục dựng gần đây như chùa Non (Hà Nội), chùa đang trong giai đoạn hoàn thiện như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Thanh Long (Bình Phước)... Các chùa được sắp xếp từ sớm đến muộn, từ Bắc vào Nam. Mỗi ngôi chùa đều có bài và ảnh về lịch sử hình thành, phát triển, về kiến trúc, cảnh quan, nội thất, tượng Phật, đồ thờ…
Với trên 1000 bức ảnh nghệ thuật rất đẹp của các tác giả: Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, với sự cộng tác của các tác giả khác, đặc biệt là ảnh của Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương Tích Hà Nội, đưa bạn đọc đến những “ngôi chùa đang sống thật sự giữa các cộng đồng làng xã Việt Nam”
Mở đầu sách là chùa Dâu, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đất này, xưa kia gọi là Luy Lâu. Đó là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Rồi đến những chùa cổ ở bắc sông Đuống (Bắc Ninh): Chùa Tiêu Sơn, Chùa Phật Tích, Chùa Dạm. chùa cổ ở Đại La (Hà Nội): Chùa Trấn Quốc, chùa Kiến Sơ, Chùa Một Cột, chùa Kim Liên, chùa Lý Quốc Sư, chùa Tảo Sách,… Ở vùng Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình có chùa Thông huyện Kim Bôi, xây dựng từ đời Trần. Chùa Khánh huyện Cao Phong của người Mường không thờ Phật mà thờ đá. Đó là những tảng đá thiêng, tự nhiên, hình giống người, được cuốn vải đỏ để hở đầu mà theo đồng bào thì đó là Ngọc Hoàng, vợ ông và hai con gái của ông bà được đặt lên những chiếc ngai thờ. Tỉnh Sơn La có chùa Chiền Viện ở huyện Mộc Châu, xây dựng từ thế kỷ XVIII, bị đổ nát năm 1947. Ở đây có nhiều tượng Phật và mang phong cách tượng Lào. Chùa ở Miền Trung với chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm (ở Huế). Chùa ở các tỉnh Tây Nguyên, chùa ở đảo Lý Sơn, đảo Phú Quốc, chùa Việt, chùa Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Khmer Nam Bộ... Mỗi ngôi chùa đều có một sắc thái riêng. Phật giáo Việt Nam có lúc thịnh lúc suy, nhưng cho đến nay ngôi chùa vẫn có một vị trí quan trọng trong hoạt động văn hóa của người Việt Nam.
Phần cuối cung cấp cho bạn đọc một danh sách để dễ dàng tra cứu 730 ngôi chùa được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2009).
Nhận xét về công trình này TS Nguyễn Việt (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) viết:
“Cuốn sách “Chùa Việt Nam” ở lần tái bản thứ tư này đã tạo ra một công trình đồ sộ về Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam, với hơn 500 trang in và hàng ngàn ảnh chất lượng cao. Đây không chỉ là cuốn sách tôn giáo thuần túy dành cho tăng ni, phật tử hay những người mến mộ đạo Phật, mà còn là sách đầu tay cho nhiều đối tượng độc giả khác nữa, từ nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo đến những người yêu mến kiến trúc lịch sử, yêu mến mỹ thuật cổ truyền, giáo viên, sinh viên, học sinh,…Để có một công trình tuyệt vời này,các tác giả đều là những người đã từng lăn lộn gần như cả đời người với chuyên nghành khảo cổ học và đã vượt qua ngưỡng “thất thập”, đã đầu tư một lượng công sức và tiền của rất lớn vào cuộc điền dã đến các chùa ở miền Tây Bắc, Miền Nam Trung Bộ, đồng bằng Nam Bộ, Tây Nguyên,… trong nhiều năm tháng …”.
Ban Biên Tập
Sách “Chùa Việt Nam” tái bản lần thứ 4 -
Cuộc “hành hương qua 118 ngôi chùa cả nước
TS.Nguyễn Việt
(Trung tâm Tiền Sử Đông Nam Á)
Trong gian trưng bày đầu tiên của Bảo tàng Khảo cổ học mang tên Giáo sư Viện sĩ Phạm Huy Thông của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, các bạn dễ dàng nhận ra phần giới thiệu các “Bản thảo công trình khảo cổ học”. Đó là một bàn hộp màu trắng sắp đặt một số hiếm hoi những bản thảo chuyên ngành mà cán bộ bảo tàng này cất công sưu tầm từ gần chục năm nay. Trong đó, chiếm vị trí trang trọng là công trình “ CHÙA VIỆT NAM” của ba tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long. Đây có lẽ là một trong rất ít công trình sách khảo cổ học được tái bản nhiều lần đến như vậy. Bản thảo cuối cùng được trưng bày ở đây là bản thảo dành cho lần tái bản thứ tư do Nxb Thế giới ấn hành, vừa nhận được từ nhóm tác giả vào ngày 5-6-2010, ngày “Môi trường thế giới” , cạnh đó còn các bản thảo lần thứ hai, thứ ba. Và hôm nay, tôi nhận được thông tin từ Ban biên tập :” Sách mới đã chính thức phát hành, rất đẹp, rất dày dặn, trang trọng, in và trình bày đẹp”.
Tôi có may mắn quen biết cả ba tác giả và cũng được đọc “Chùa Việt Nam” từ lần ra mắt đầu tiên, năm 1993 do Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành. Các tác giả đều là những người đã từng lăn lộn gần như cả đời người với chuyên ngành khảo cổ học mà số tuổi đời của cả ba cộng lại cũng vượt quá con số 200 năm. Họ đều là những ngòi bút đã vượt qua hoặc vừa bước tới ngưỡng “thất thập”. Giáo sư Hà Văn Tấn vốn là một tên tuổi đã quá quen biết với chúng ta. Ngoài chức danh giáo sư khảo cổ từ khi vừa qua tuổi 40, ông còn làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam gần 20 năm trời (1988 – 2006) và ít người biết rằng ông còn đảm nhiệm công việc của một Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Hà Nội. Nguyễn Văn Kự bắt đầu những nhát cuốc khảo cổ đầu tiên khi còn rất trẻ, với tư cách thành viên của Đội Khảo cổ học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Là một cử nhân chuyên ngành khảo cổ, ông đã chuyển tải những góc nhìn chuyên môn rất sâu sắc và sống động vào ống kính nhiếp ảnh của mình. Nguyễn Văn Kự còn là tác giả Di sản văn hoá Chăm, đồng tác giả của nhiều chuyên khảo di tích văn hoá rất nổi tiếng, như Điêu khắc Chăm, Đình Việt Nam, Nhà mồ Tây Nguyên, Nhà Rông Tây Nguyên, Người Xơ Đăng ở Việt Nam, Du khảo văn hoá Chăm,…. Và hiện đang sở hữu hàng vạn bức ảnh tư liệu nghệ thuật lịch sử có giá trị. Cùng với nhiếp ảnh gia đã quá cố Phạm Ngọc Long, cũng là đồng tác giả Điêu Khắc Chăm ,Chùa Việt Nam, Du khảo Văn hóa Chăm, ông cũng là người say mê ống kính nhiếp ảnh từ khá sớm. Đặc biệt các tác giả đều là những người làm việc rất cần cù, nghiêm túc và mộ đạo. Họ đã hiến dâng toàn bộ trí tuệ, công sức và cả tiền của cá nhân để tạo nên tác phẩm có giá trị lớn lao này.
Công trình “Chùa Việt Nam” ra mắt lần này là sự tiếp nối mạch đề tài đày hấp dẫn ở một quy mô lớn hơn nhiều lần. Nếu như ở lần in thứ nhất năm 1993 (bằng hai thứ tiếng Việt, Anh),
“Chùa Việt Nam” chỉ giới thiệu được 42 ngôi chùa trên 19 tỉnh (chủ yếu ở đồng bằng bắc bộ và bắc trung bộ), lần in thứ hai bằng tiếng Anh ở NXB Thế giới năm 2008, các tác giả đã bổ sung lên 53 chùa. Đặc biệt lần ra mắt sau đó một năm, năm 2009, tức lần xuất bản thứ 3 cũng do NXB Thế giới, số chùa được khảo cứu, giới thiệu đã gần gấp đôi, với 99 chùa của 51 tỉnh thành. Để có một bứt phá như vậy, nhóm tác giả đầu bạc này đã đầu tư một lượng công sức và tiền của rất lớn vào công cuộc điền dã các chùa miền nam Trung Bộ, đồng bằng Nam Bộ, Tây Nguyên …trong nhiều tháng ròng. Không dừng lại ở đó, nhận thấy “Chùa Việt Nam” còn thiếu vắng ở một số tỉnh miền núi, hải đảo, nhóm tác giả lại quyết tâm đi điền dã, lấy tư liệu để “phủ kín” phạm vi khảo cứu trên toàn bộ lãnh thổ đất nước. Kết quả đã tiếp tục phát hiện, bổ sung thêm ở lần xuất bản thứ tư này 19 ngôi chùa hiếm hoi và hẻo lánh nữa, đưa con số chùa Việt Nam được khảo cứu lên con số 118 ngôi của 61 tỉnh thành (còn hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa phát hiện được chùa). Đó chính là một bước tiến vượt bậc so với ba lần xuất bản trước. Các tác giả đã gắng bao quát được kiến trúc Phật giáo ở phạm vi toàn quốc, cập nhật tư liệu phát hiện mới nhất cho đến tận vào hè năm 2010.
Với ý thức luôn cập nhật thông tin và miệt mài bổ sung, sửa chữa như vậy, nhóm tác giả dù cao niên vẫn luôn mang đến nhiều điều mới mẻ, trẻ trung cho cả những độc giả khó tính nhất. Sách Chùa Việt Nam ở lần tái bản này vẫn giữ vững tư thế một công trình khoa học chững chạc với phần mở đầu khảo cứu rất uyên bác, chuyên sâu về lịch trình Phật pháp và kiến trúc Phật giáo. Tuy sách mang giá trị nghiên cứu cao, nhưng nhờ cách trình bày sáng sủa, đặc biệt có nhiều hình ảnh chất lượng cao của chính nhóm tác giả có tay nghề và điều kiện lăn lộn trên mọi nẻo đường tổ quốc và trên nhiều công trường khai quật khảo cổ học từ bốn chục năm nay, đã khiến người đọc không bị cảm giác khô khan nhàm chán, dường như luôn thấy mình trong những cảnh chùa thân quen gần gũi đó. 118 ngôi chùa trong sách được trình bày từ “vùng lõi” Phật giáo Việt Nam (Bắc Ninh, Hà Nội) mở ra xung quanh các tỉnh miền bắc rồi đi vào miền trung đến tận mũi Cà Mau. Ở mỗi ngôi chùa, người đọc dễ dàng tìm thấy vị trí địa lý, lịch sử xây dựng chùa, gốc tích thờ Phật, phân bố và ý nghĩa của các tượng thờ, bia ký, câu đối bên trong cũng như niên đại, giá trị của các tác phẩm nghệ thuật khác trong chùa. Đó không phải chỉ là những mô tả khô khan mang tính liệt kê, mà thực sự là những chỉ dẫn sinh động, sắc gọn, kèm theo nhiều hình ảnh chi tiết, sinh động. Để giúp độc giả dễ tra cứu, các tác giả đã rất công phu sưu tầm các bình đồ chung nhất bố trí tượng Phật trong chùa, xây dựng phụ lục tra cứu chùa theo tên tỉnh thành cũng như theo danh mục xếp hạng quốc gia của Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du Lịch. “Chùa Việt Nam” vì thế không phải chỉ là cuốn sách tôn giáo thuần tuý dành cho tăng ni phật tử hay những người mến mộ đạo Phật, mà còn là sách đầu tay cho nhiều đối tượng độc giả khác nữa, từ nhà nghiên cứu văn hoá, tôn giáo đến những người yêu mến kiến trúc lịch sử, yêu mến mỹ thuật cổ truyền, giáo viên, sinh viên, học sinh…
Cùng với những công trình mang tính chuyên khảo khác như Đình Việt Nam, Nhà rông Tây Nguyên, Nhà Mồ Tây Nguyên, Điêu khắc Chăm, Du khảo văn hoá Chăm… cuốn sách Chùa Việt Nam mang lại cho người đọc nhiều tư liệu và thông tin có giá trị để hiểu rõ hơn về tâm hồn nghệ thuật kiến trúc tôn giáo đa dạng của các dân tộc trong bề dày lịch sử dân tộc. Cuốn sách “Chùa Việt Nam” ở lần tái bản thứ tư này đã tạo ra một công trình đồ sộ về Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam, với hơn 500 trang in và hàng ngàn hình ảnh chất lượng cao.
Sách Chùa Việt Nam tái bản lần thứ 4
Món quà quý đối với công chúng yêu mến di sản văn hóa Việt Nam
PGS.TS. Tống Trung Tín- Viện khảo cổ học
(Viện khoa học xã hội Việt Nam)
Năm 2010, sách Chùa Việt Nam, in lần thứ tư là món quà quý đối với công chúng yêu mến di sản văn hoá Việt Nam nói chung, giới nghiên cứu chùa Việt Nam nói riêng mà cụ thể ở đây là các ngôi chùa Việt Nam. Đó là chưa kể đến một số lần sách này đã bị “đạo” sách mà tôi từng được nghe. Về phương diện bản quyền tác giả thì đó là chuyện buồn cho các tác giả, nhưng về phương diện phổ cập kiến thức thì âu cũng là một niềm vui, cho dù đó là một niềm vui bất đắc dĩ, niềm vui an ủi. Sách không có giá trị, không hấp dẫn, thì ai người ta “đạo”. Sao chăng nữa, tôi thiển nghĩ rằng: Sách khoa học mà được tái bản nhiều lần và được bạn đọc yêu mến như vậy có thể coi là một hiện tượng trong kho tàng ấn phẩm Khoa học xã hội Việt Nam.
Sách có kết cấu 2 phần:
Phần 1: là phần khái quát về lịch sử chùa Việt Nam.
Phần 2: là phần giới thiệu những ngôi chùa tiêu biểu ở Việt Nam và ảnh minh hoạ. Hai phần này bổ sung cho nhau một cách hài hoà, cân xứng tạo nên một tác phẩm khoa học và phổ cập khoa học vừa súc tích, vừa quy mô, vừa chuyên sâu, vừa dễ hiểu.
Phần I của Chùa Việt Nam do GS. Hà Văn Tấn – Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đảm nhận là một bài tổng luận nghiên cứu tuyệt vời gồm 3 phần nhỏ:
- Phần “Chùa Việt Nam: một cái nhìn chung”: trình bày các kiến thức chung quanh ngôi chùa Việt Nam: từ khái niệm về chùa đến công việc xây chùa, từ việc chọn đất xây chùa đến các kiểu chùa và cách bài trí tượng thờ trong chùa.
- Phần “Chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”: giải quyết diễn biến của một ngôi chùa Việt Nam theo niên đại. Theo đó, chùa Việt Nam từ lúc khởi đầu từ đầu Công nguyên vốn hãy còn là các giả thiết đến dấu tích tháp Nhạn (Nghệ An) thế kỷ 7 - 9, từ các cột kinh Phật thế kỷ 10 ở Hoa Lư cho đến tình hình xây dựng chùa tháp thời Lý, thời Trần, thời Mạc, thời Trung hưng, từ các ngôi chùa ở phía Bắc cho đến các ngôi chùa ở Trung Bộ, Nam Bộ.
- Phần “Chùa Việt Nam trong đời sống văn hoá cộng đồng” trình bày vai trò của ngôi chùa trong đời sống văn hoá Việt Nam, trong đó mỗi ngôi chùa cổ vừa là một bảo tàng lắng đọng quá khứ, một bảo tàng sống khi nó vẫn hàng ngày tham gia vào đời sống văn hoá cộng đồng, khi mà chùa chiền là nơi siêu độ cho các linh hồn, nơi tiến hành các nghi lễ gắn bó chặt chẽ với việc cầu mưa, nơi diễn ra các lễ hội, các nghi lễ cổ truyền.
Ba phần viết có kết cấu lôgích, chặt chẽ, rõ ràng thể hiện rõ một trình độ học thuật rất cao, một tài năng trác việt khiến người đọc có thể nắm bắt rất nhanh nhiều tri thức cũng như các bước đi quanh ngôi chùa Việt Nam. Vì là dạng sách phổ cập kết quả nghiên cứu khoa học nên tác giả viết đã viết với văn phong hết sức sáng sủa, dễ đọc, dễ hiểu. Và mặc dù chủ yếu là một dạng phổ cập kiến thức nhưng bài viết vẫn hàm chứa chất nội dung khoa học rất cao. Chỉ một đoạn mở đầu ngắn thôi, tác giả đã chỉ ra các biến diễn phong phú, phức tạp của ngôi chùa xoay quanh chỉ độc có từ “Chùa” mà nguồn gốc thực ra đến nay vẫn chưa được làm rõ. Và, cũng chỉ có thế thôi, nếu ai đó mẫn cảm nghề nghiệp một chút sẽ thấy điều đó hé mở một điều là quanh ngôi chùa Việt Nam vẫn còn biết bao các bí ẩn kỳ thú cần được tiếp tục đi sâu khám phá.
Lần lượt như vậy, GS. Hà Văn Tấn tuần tự giải quyết các vấn đề từ giản đơn đến phức tạp, từ các vấn đề dễ hiểu đến các vấn đề rắc rối liên quan ngôi chùa phật Việt Nam bằng khối lượng kiến thức uyên bác. Tôi rất phục việc ông chưa đến chùa Lấm thời Trần ở Quảng Ninh, và chỉ đọc tài liệu của người khai quật nhưng ông đã có các xét đoán chức năng các kiến trúc ở đây rất xác đáng. Ngoài các kiến thức chuyên sâu, thỉnh thoảng tác giả lại hé lộ những chi tiết thật nhỏ nhưng cũng thật bất ngờ mà hết sức thú vị như bi ký chùa Non Nước (Ninh Bình) cho biết chùa ở đây có “bệnh điền” để minh họa cho chùa Việt một chức năng vô cùng quan trọng, nơi trồng thuốc chữa bệnh cho dân. Đọc bia chùa Đông Môn (Hà Nội), tác giả phát hiện ra chi tiết ở Việt Nam có chùa tư (tư tự) để làm rõ thêm tính đa dạng của chùa Phật thế kỷ 17. Những điều này tôi mới chỉ thấy được đề cập ở công trình này.
Những trang viết dung dị về chùa Việt Nam trong đời sống cộng đồng đã gợi lên một không khí lễ hội Phật giáo vô cùng sống động gắn bó chặt chẽ với các làng quê Việt Nam. Người đọc sẽ hiểu và yêu mến ngôi chùa Việt Nam biết bao thì hiểu thêm các giá trị văn hóa phi vật thể ngàn đời gần gũi và thân thương qua phần viết này. Trên hết từ những ngôi chùa Việt Nam, GS. Hà Văn Tấn, và hiển nhiên là cả hai tác giả đồng hành là Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long còn nhận thấy những ngôi chùa Phật Việt Nam phản ánh sự sáng tạo của văn hoá bản địa trên cơ sở sự tiếp biến văn hoá có lợi để làm phong phú thêm các giá trị của văn hoá Việt Nam.
Viết về chùa Việt Nam nói chung, tôi chưa thấy có tài liệu nào viết hay và hấp dẫn như phần viết trong cuốn Chùa Việt Nam. Tôi đã thấy khắp nơi, các nhà nghiên cứu của Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo, các bài giảng Đại học, các sinh viên Đại học và nghiên cứu sinh các cơ sở đào tạo sau Đại học đều tham khảo và trích dẫn ít nhiều từ phần viết của cuốn sách này.
Phần 2: Chùa Việt Nam giới thiệu 118 ngôi chùa tiêu biểu ở Việt Nam qua các thời kỳ ở mọi vùng miền khác nhau.
Mỗi một ngôi chùa có một phần viết tóm tắt lịch sử chùa. Kèm theo đó là các bản ảnh minh hoạ đẹp về di tích và di vật. Các bức ảnh này được tiến hành kiên trì trong nhiều năm ở mọi vùng miền của Tổ quốc là một kỳ công của hai nhà nhiếp ảnh khảo cổ Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long. Nhiều di tích các ông phải đi lại rất nhiều lần, nhiều bức ảnh cũng được chụp đi chụp lại nhiều lần. ảnh của hai ông rất đẹp với nhiều góc độ khác nhau, khi thì toàn cảnh di tích khá hoành tráng, khi cận cảnh từng pho tượng, từng di vật hay bất ngờ là một thành phần trang trí nào đó trong từng ngôi chùa. Xem lịch sử các ngôi chùa với những bức ảnh đẹp này, công chúng nói chung như được tham quan một chuyến du lịch nhanh mà có thể thâu tóm được khá đủ thần thái cơ bản của mỗi ngôi chùa mà các tác giả cần chuyển tải, nhà nghiên cứu chuyên sâu cũng có thể thu được rất nhiều các minh hoạ quý mà trong điều kiện hiện nay không phải lúc nào cũng sẵn có trong tay.
Các tác giả còn cố gắng sưu tầm được thêm một số bản vẽ minh hoạ, sơ đồ làm phong phú thêm cho sách.
Tóm lại Chùa Việt Nam là một công trình khoa học phổ cập kiến thức chùa Việt Nam đạt trình độ cao. Nó vừa khoa học, vừa hấp dẫn, vừa trí tuệ, vừa công phu.
Trước và sau cuốn Chùa Việt Nam cũng có một số công trình về chùa Việt Nam hoặc dưới dạng phổ cập toàn bộ, hoặc dưới dạng chuyên sâu chi tiết, nhưng sách dưới dạng vừa khoa học và phổ cập kiến thức tôi thấy khó có công trình nào thú vị, hấp dẫn như sách Chùa Việt Nam. Đó là cuốn sách mà các nhà nghiên cứu Phật giáo nói chung, các nhà nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo nói riêng hẳn sẽ phải mở đi mở lại nhiều lần tựa như một loại sách tham khảo “gối đầu giường” vậy.
Hiểu các giá trị văn hóa vô giá qua các ngôi chùa mà cha ông ta đã để lại. Chùa Việt Nam không quên nhắc nhở các thế hệ con cháu cần cố gắng bảo tồn vốn quý đó trong thời kỳ hội nhập đừng để cho nó hòa tan mất bản sắc dân tộc, một bài học chưa bao giờ cũ trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Hiểu và thực hiện được điều đó chúng ta ngày càng thấy không hề dễ dàng chút nào cả trong bối cảnh trùng tu, tôn tạo và xây mới xô bồ như hiện nay.
Khi viết xong, tôi đưa bài viết cho một bạn nghề xem và xin nhận xét. Bạn nói: anh không thấy” Chùa Việt Nam” có “gợn” gì à? Tôi nói: yêu cầu của một nhà nghiên cứu thì vô cùng. ở đây tôi chỉ đánh giá trên phương diện đây là loại sách vừa khoa học, vừa phổ cập khoa học thì như thế là rất tuyệt.
Hiển nhiên tôi cũng tiếc là thiếu chùa Keo (Hành Thiện - Nam Định). Đấy là một trong ba ngôi chùa lớn nhất còn lại của Việt Nam (Keo Thái Bình, Keo Nam Định và Keo Bút Tháp) tiêu biểu cho những ngôi chùa lớn của Việt Nam.
Nếu có lần xuất bản thứ 5, tôi tin chắc ông Nguyễn Văn Kự sẽ bổ sung cho sự thiếu hụt này.
Chắc chắn đây là cuốn sách có sức sống lâu bền trong đời sống khoa học cũng như đời sống tinh thần của những bạn đọc yêu mến văn hóa dân tộc. Chắc chắn đây là cuốn sách có sức sống lâu bền trong đời sống khoa học cũng như đời sống tinh thần của những bạn đọc yêu mến văn hóa dân tộc.
Mời quý khách mua sách tại: Ô. Nguyễn Văn Cự, Số 8A, ngách 17, ngõ 378, Đường
Lê Duẩn, Hà Nội. ĐT: 04.38521820. M: 0903265331. Email: nguyenvanku@gmail.com .
Một số hình ảnh minh họa
Nguồn: Sách chùa Việt Nam
Chùa Dâu, Bắc Ninh |
Chùa Bửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh |
Chùa Khleang
|