Phát hiện đôi giày cổ nhất thế giới

 

 

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện nguyên bản của chiếc giày da được xác định là cổ xưa nhất thế giới tại một hang động ở đông - nam Armenia. Chiếc giày có tuổi khoản 5.500 năm, làm bằng da bò và được bảo quản tốt.

Chiếc giày này xuất hiện trước thời điểm bắt đầu nền văn minh đồ đá 400 năm và lớn hơn tuổi của các kim tự tháp tại Giza khoảng 1.000 năm.

Nó được ghép lại từ những mảnh da riêng và được tạo hình phù hợp với bàn chân của của người mang – các nhà nghiên cứu nói.

Bên trong giày có chứa cỏ nhưng các nhà khảo cổ học không dám khẳng định liệu rằng cỏ ấy dùng để giữ ấm bàn chân hay chỉ để tạo hình cho chiếc giày.

Thông tin về chiếc giày cổ xưa này vừa được các nhà nghiên cứu công bố chi tiết trên tạp chí Plos One.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Israel: Phát hiện cổ vật 3.500 năm tuổi

 

 

Mới đây, các nhà khảo cổ Israel đã khai quật được một kho cổ vật quý giá 3.500 tuổi được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

Những cổ vật này được phát hiện khi các nhà khảo cổ đang tiến hành khai quật dọc theo một đường dẫn khí đốt ở miền bắc Israel. Hơn 100 cổ vật được tìm thấy bao gồm những chiếc bình được dùng để đốt hương và những chiếc chén được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo. Edwin van den Brink, nhà khảo cổ chỉ đạo cuộc khai quật cho biết, đây là cuộc khai quật thứ 42 của ông trong 15 năm qua và là lần đầu tiên ông tìm thấy những cổ vật giá trị như vậy. Theo ông Brink, một số bình nhỏ có xuất xứ từ đảo Cyprus và Mycenae ở Hy Lạp cách đây 3.500 năm. Những chiếc bình này có thể được sử dụng trong các nghi lễ tại một ngôi đền gần nơi khai quật. Chúng được chôn xuống đất có thể để bảo quản tránh vụ hỏa hoạn xảy ra tại đây vào cuối thời kì Đồ đồng hoặc vì chúng không còn được sử dụng. Cơ quan Cổ vật Israel dự định  triển lãm các cổ vật này trong năm tới. 
 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Australia: Phát hiện bức tranh trên đá 40.000 tuổi

 

 

Một bức tranh vẽ lên đá từ thời tiền sử miêu tả một loài chim đã tuyệt chủng cách đây hơn 40.000 năm đã được khám phá ở Arnhem Land, thuộc lãnh thổ Bắc Australia, làm dấy lên hy vọng trong giới khoa học rằng đây là bức họa trên đá cổ xưa nhất được phát hiện từ trước tới nay ở nước này.

Cách đây hai năm, một nhóm thổ dân đã phát hiện một bức họa bằng đất sét đỏ (hoàng thổ) trong một hang đá, khắc họa hình ảnh hai con chim cao lớn với chiếc cổ vươn dài, tương tự như loại đà điểu sa mạc Australia (chim êmu).

Tuy nhiên, mãi đến cuối tháng Năm vừa qua, các nhà khảo cổ mới đặt chân đến hang động này tìm hiểu. Sau khi nghiên cứu bức họa, nhà khảo cổ học Ben Guun cho rằng hình dáng hai con chim này giống như loài chim khổng lồ genyornis đã tuyệt chủng, hơn là giống với loài đà điểu.

Giới cổ sinh vật học cho rằng con chim trong bức họa trên có tất cả các đặc tính của loài genyornis, đó là tầm vóc cao lớn, không biết bay, chân ngắn nhưng ngón chân rất dầy, hình dáng giống như ngỗng hoặc vịt. Điều này có nghĩa là bức tranh trên được vẽ vào thời của loài chim genyornis hoặc loài chim này đã tồn tại lâu hơn chúng ta tưởng.

Ông Ben Guun cho rằng, nếu con chim trong bức tranh không phải là loài genyornis thì có thể là một loại chim khổng lồ khác mà giới khoa học chưa từng biết đến. Những chi tiết trên bức họa cho thấy nó được sáng tác bởi một người hiểu loài động vật này rất rõ.

Ông Gunn cho biết, ngoài bức họa chim trên còn có nhiều bức tranh của các động vật đã bị tuyệt chủng khác tại các hang động nằm rải rác trong khu vực này, trong đó có loài Thylacine hay hổ Tasmanian, thú lông nhím khổng lồ và kangaroo khổng lồ.

Các chủ nhân truyền thống của mảnh đất nằm ở lãnh thổ phía Bắc cho biết họ rất phấn khích với việc bức họa trên có thể là tác phẩm nghệ thuật trên đá cổ xưa nhất của Australia.

Wes Miller, thuộc Hiệp hội người Jawoyn, cho biết bức tranh trên là một trong hàng nghìn tác phẩm được phát hiện tại khắp khu vực Arnhem Land trong những năm gần đây.

Ông Miller nhấn mạnh phát hiện trên cho thấy người Jawoyn đã sống ở vùng đất này từ rất sớm. Một lần nữa thực tế đã chứng minh rằng người Jawoyn cũng như các nhóm thổ dân bản địa khác đã sinh sống tại đất nước này lâu như thế nào.

Nhà khảo cổ học Bruno David, thuộc Đại học Monash, cho biết có thể còn vài trăm ngàn bức tranh vẽ trên đá của thổ dân Australia đang chờ đợi các nhà khoa học khám phá. Tuy nhiên việc xác định tuổi của chúng không hề đơn giản.

Theo ông David, bức tranh mới được tìm thấy gần đây nhất này có thể là bức tranh cổ nhất được khám phám nếu hình đó đúng là chim genyornis. Theo ông, các nhà khoa học cần phải khai quật địa điểm này trong năm tới để có thể xác định mức độ cổ của bề mặt và khẳng định đây là một dự án trường kỳ.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hố chôn tập thể của đấu sĩ La Mã

 

 

Các nhà khảo cổ học Anh tìm thấy phần thi thể 2.000 năm tuổi của 80 người đàn ông trẻ đã mất một phần thân thể bởi chấn thương, ở khu dân cư thành phố York, phía Bắc nước Anh.

Phát hiện hố chôn tập thể của đấu sĩ La Mã

Theo một số chuyên gia, đây là phần mộ chôn những nạn nhân của một cuộc hành hình tập thể. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học khác khẳng định, những vết thương của 80 người này, gồm có bị chặt đầu và cả vết hổ cắn, cho thấy họ có thể là những đấu sĩ La Mã cổ, đã phải chiến đấu đến chết để mua vui cho khán giả.

Các nhà sử học cho rằng, hố chôn mới được khai quật này là phần mộ đấu sĩ được bảo tồn tốt nhất trên thế giới hiện nay. Người Roma đã đưa đấu sĩ của mình tới Anh gần 2.000 năm trước và cho xây dựng đấu trường, đài giác đấu ở những thành phố chính, bao gồm cả London và Chester.

Theo kết quả nghiên cứu, những người này khỏe mạnh và cao lớn, phần xương cho thấy họ đều trải qua một quá trình luyện tập nhiều với vũ khí.

Tiến sĩ Michael Wysocki, giảng biên môn nhân chủng học biện luận, cho biết: “Sự xuất hiện của các vết cắn là một trong những bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy sự liên hệ với đấu trường La Mã. Không có lẽ nào những người này bị hổ tấn công khi về nhà từ một quán rượu tại York, 2.000 năm trước”.

Phần hố chôn tìm thấy ở York có tuổi đời từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên cho tới thế kỷ thứ 4, khi đế chế Roma bị sụp đổ ở Anh.


Phân tích các mẫu xương cho thấy họ đến từ nhiều vùng địa lý khác nhau, cả châu Phi và Địa Trung Hải, có nghĩa là người Roma đã tuyển chọn kỹ lưỡng những đấu sĩ điêu luyện từ nhiều nơi.
Kurt Hunter-Mann, thuộc Tổ chức Khảo cổ học York, nhận định, những người đàn ông này đã phải chịu rất nhiều vết thương, gồm vết búa tạ giáng vào đầu, một phương pháp và các đấu sĩ cổ xưa thường dùng để hạ gục đối thủ.

Rất nhiều người trong số họ được chôn cất trong danh dự do trước đó đã tạo dựng được danh tiếng đáng nể. Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một bộ xương của đấu sĩ tuổi 18 - 23 được chôn cùng bốn con ngựa, và một số lợn, bò.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hóa thạch chủng loại khủng long mới

 

 

Các nhà khoa học Canada cho biết bộ hóa thạch khủng long được phát hiện cách đây 15 năm tại khu vực phía Nam sông Milk, đoạn giao nhau giữa tỉnh Alberta của Canada và bang Montana của Mỹ là chủng loại khủng long mới.

Phát hiện hóa thạch chủng loại khủng long mới

Bộ hóa thạch này do công ty hóa thạch Canada chuyên phụ trách việc thu thập hài cốt động vật cổ, phát hiện. Các nhà khoa học cho rằng đây chính là tổ tiên của loài khủng long ba sừng (Triceratops) nổi tiếng.

Loài khủng long mới được phát hiện này có chiều dài khoảng 7m, trọng lượng khoảng 2 tấn, sinh sống vào thời kỳ Kỷ Phấn trắng, có niên đại khoảng 80 triệu năm và được cho là tổ tiên của khủng long ba sừng. Đây là thành viên sớm nhất xuất hiện tại khu vực Bắc Mỹ thuộc chủng loại khủng long có sừng.

Điều gây sự chú ý của mọi người là phía sau hộp sọ của chúng có một “lá chắn” rất lớn, xung quanh có nhiều sừng hình móc câu.

Giáo sư sinh vật học cổ đại Michael Ryan, thuộc Đại học Carleton (Canada) cho rằng, “lá chắn” này có thể không phải dùng để đề phòng kẻ săn mồi, mà nhiều khả năng là để thu hút bạn tình.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát lộ quần thể mộ chum ở Phú Yên

 

 

Ngành văn hóa Phú Yên đang khảo sát một quần thể mộ chum vừa phát lộ sau trận lũ hồi cuối năm 2009 tại một khu vực rộng hơn 10 ha dọc theo sông Kỳ Lộ thuộc 2 thôn Tân An và Tân Phú (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân).

Phát lộ quần thể mộ chum ở Phú Yên

Nước lũ đã cuốn lớp đất đá, cây cối làm lộ ra hàng trăm ngôi mộ lớn, nhỏ không giống nhau, quay ngang, quay dọc theo nhiều hướng khác nhau và một số nổi hẳn trên mặt đất… Phần nắp của những ngôi mộ nổi trên mặt đất đều bị vỡ, đất và cát đã tràn vào bên trong.

Những ngôi mộ có hình bầu dục, xung quanh bao bọc bằng vỏ đất nung rắn chắc, hai đầu có chừa những khoảng trống giống như “cửa ra vào”. Quanh các ngôi mộ có nhiều mảnh chum vỡ, nhiều chén dĩa vỡ, có cả những viên gạch tuy mỏng nhưng rất nặng. Chiều dài có những mộ chỉ khoảng 1,2 mét, rộng khoảng 0,5 mét, nhưng có mộ dài đến 2 mét và rộng hơn 0,6 mét. Phần thân bằng đất nung đều dày khoảng 5 cm đến 6 cm.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Công an thôn Tân Phú, vài năm trước đây những người rà sắt đã đào được một thanh kiếm và một chiếc vương miện bằng vàng nhưng đã vội vàng bán cho những người buôn đồ cổ với giá rất rẻ vì sợ bị… tịch thu. Thạc sĩ Lê Thế Vịnh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết đang tiếp tục khảo sát, chưa có kết luận về niên đại của khu mộ cũng như thời gian và lý do vì sao cả quần thể rộng lớn này bị vùi sâu xuống cát sông Kỳ Lộ mà không để lại dấu vết gì trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sự hiện diện của quần thể này cũng cho thấy xưa kia vùng ngã ba sông này đã từng có thời kỳ phồn thịnh, cư dân sinh sống đông đúc.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Đắk Nông phát hiện chum chứa nhiều hiện vật cổ

 

 

Các hiện vật này được sắp xếp theo kiểu hình xoắn ốc có thứ tự từ trên xuống. 

Đắk Nông phát hiện chum chứa nhiều hiện vật cổ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bảo tàng tỉnh Đắk Nông vừa tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học tại thôn 17, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp và phát hiện một chum cổ bằng đất nung, bên trong có 36 công cụ lao động bằng đá, gồm: cuốc hình thang, rìu đá, các vật hình trụ và 20 hòn cuội.

Mở rộng phạm vi khảo sát, đoàn khảo cổ đã thu thập thêm 16 hiện vật, gồm có 2 cuốc tay, 3 phác vật và 11 mảnh gốm.

Qua nghiên cứu, so sánh với các hiện vật đã thu thập trước đây, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông kết luận, khu vực này có sự tồn tại của hai nền văn hóa thời kỳ tiền sử, đó là sự chuyển tiếp từ nền văn hóa thời đại Hậu kỳ Đá cũ (cách đây một vạn năm) đến thời đại đá mới (cách nay khoảng 3.500 năm).

Các hiện vật thu thập được đều mang dấu ấn văn hóa địa bàn cư trú của người tiền sử.

Đoàn khảo cổ và Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã đề nghị chính quyền xã Nhân Cơ và người dân có đất rẫy thuộc khu vực di chỉ tránh đào bới để bảo vệ hiện trường phục vụ công tác nghiên cứu di chỉ sau này.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Sẽ khai quật mộ cổ trong khuôn viên Viện Pasteur

 

 

Năm 2006, cũng trong khuôn viên Viện Pasteur, nhóm chuyên gia khảo cổ của Trường Đai học KHXH & NV TP.HCM đã khai quật thành công một ngôi mộ cổ được táng theo kiểu “trong quan ngoài quách”.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định cho phép Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa thành phố tổ chức khai quật khẩn cấp ngôi mộ cổ đơn táng tại phường 8, quận 3. Ngôi mộ này nằm trong khu vực thi công công trình xây dựng cải tạo, mở rộng trong khuôn viên Viện Pasteur. Thời gian khai quật được xác định từ ngày 1 – 15/6.

Theo tư liệu, năm 2006, cũng trong khuôn viên Viện Pasteur, nhóm chuyên gia khảo cổ của Trường Đai học KHXH & NV TP.HCM đã khai quật thành công một ngôi mộ cổ được táng theo kiểu “trong quan ngoài quách”, bên ngoài được bao bọc bằng hợp chất ô dước, có niên đại khoảng 200 năm.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Ai Cập phát hiện mộ cổ hơn 3.000 năm

 

 

Các nhà khảo cổ Ai Cập ngày 30-5 thông báo vừa phát hiện một ngôi mộ được cho là của một tướng lĩnh quân đội cấp cao có từ cách đây 3.300 năm.

Ai Cập phát hiện mộ cổ hơn 3.000 năm

Theo Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập (CSA), ngôi mộ được nhóm khảo cổ Trường ĐH Cairo tìm thấy tại khu nghĩa địa Saqqara, nằm ở phía nam thủ đô Cairo. Giám đốc SCA Zahi Hawwas cho biết ngôi mộ có chiều dài 70m, có nhiều lối đi và nhiều phòng cầu nguyện.

Ngôi mộ được cho là của Ptahmes - người giảng giáo lý trong hoàng cung và đứng đầu về quân sự và tài chính thuộc triều vua Ai Cập thứ 19 (khoảng 1320-1200 trước Công nguyên).

Bà Ola el-Egaizi, trưởng nhóm khảo cổ, cho biết cũng tìm thấy nhiều bức bích họa, trong đó có bức miêu tả cảnh Ptahmes đang cầu nguyện Chúa ba ngôi. Ngoài ra còn nhiều bức tượng của Ptahmes và vợ ông; nhiều đồ vật bằng gốm, bùa hộ thân, tượng các vị thần…

Hiện nhóm khảo cổ đang tiếp tục khai quật để tìm hầm mộ chính. Họ hi vọng tìm thấy những bằng chứng sống động về một thời hoàng kim của đế chế các pharaon ở Ai Cập.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện kho cổ vật trong cung điện Nữ hoàng Cleopatra dưới đáy biển

 

 

Khi lặn xuống vùng biển ngoài khơi cảng Alexandria, Ai Cập, các thợ lặn đã phát hiện nhiều cổ vật quý từ đống đổ nát của một khu phức hợp đền thờ và cung điện thuộc về Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra - một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thời cổ đại.

 Phát hiện kho cổ vật trong cung điện Nữ hoàng Cleopatra dưới đáy biển

Đội thợ lặn quốc tế đã cẩn thận khai quật một trong những địa điểm khảo cổ tráng lệ nhất dưới đáy biển và phát hiện nhiều cổ vật từ triều đại cuối cùng trị vì Ai Cập cổ đại trước khi chế đế La Mã thôn tính nó vào năm 30 trước Công nguyên.
 
Sử dụng công nghệ tiên tiến, đội thợ lặn dẫn đầu là nhà khảo cổ học dưới nước người Pháp Franck Goddio đã nghiên cứu Khu phố Hoàng gia của thành phố Alexandria cổ đại, khu vực bên dưới lớp trầm tích của bến cảng và xác nhận tính chính xác những miêu tả của các nhà địa lý và sử gia Hi Lạp về một thành phố tồn tại cách đây hơn 2.000 năm.
 
Họ đã phát hiện nhiều cổ vật, từ tiền xu, các vật dụng hàng ngày… cho tới những bức tượng lớn bằng đá granite mô phỏng các vị Vua Ai Cập và các ngôi đền bị chìm vốn xưa kia là nơi tôn thờ vị thần. “Đó là một khu vực độc nhất vô nhị trên thế giới”, ông Goddiom, người dành 20 năm để tìm kiếm các xác tàu đắm và các thành phố bị thất lạc dưới đáy biển, nói.
 
Khu phố Hoàng gia của thành phố Alexandria - bao gồm các cảng, một mũi đất, các hòn đảo với nhiều điện thờ, cung điện và các khu quân sự - đã bị chìm dưới đáy biển sau các trận động đất kinh hoàng vào khoảng thế kỷ thứ 4 và thứ 8. Nhóm nghiên cứu của ông Goddio đã tìm thấy thành phố chìm vào năm 1996. Nhiều trong số các kho báu của nó vẫn còn nguyên vẹn, được bao bọc trong lớp trầm tích giúp bảo vệ chúng khỏi nước biển mặn.
 
Ngày 25/5, các thợ lặn đã khám phá khu điện thờ và cung điện ngổn ngang nơi Cleopatra, vị vua Pharaông cuối cùng của Ai Cập, quyến rũ vị Tướng La Mã Mark Antony trước khi cặp đôi tự sát sau khi Ai Cập bị La Mã xâm chiếm.
 
Các thợ lặn đã phát hiện nơi Cleopatra và Antony từng sống. Họ còn phát hiện một bức tượng đầu lớn bằng đá được tin là thuộc về Caesarion, con trai Cleopatra và người tình cũ Julius Caesar, và hai tượng nhân sư - một trong số đó có thể mô phỏng cha của Cleopatra, Ptolemy XII, cùng nhiều cổ vật khác.
 
Những cổ vật được phát hiện dọc bờ biển Ai Cập sẽ được đem trưng bài tại Viện Franklin ở Philadelphia từ 5/6/2010-2/1/2011 trong một cuộc triển lãm mang tựa đề: “Cleopatra: Cuộc tìm kiếm Nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập”.

Xem thêm về các cổ vật được tìm thấy từ cung điện Nữ hoàng Cleopatra dưới đáy biển ở nguồn: dantri.com.vn.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9586329
Số người đang online: 14