Phát hiện hóa thạch rùa 45 triệu năm ở Nam Cực

 

 

Hóa thạch của rùa cổ đại, sống cách đây khoảng 45 năm triệu năm, vừa được các nhà khảo cổ học người Argentina  phát hiện trên một hòn đảo thuộc châu Nam Cực.

Phát hiện hóa thạch rùa 45 triệu năm ở Nam Cực

Các nhà khảo cổ học thuộc Viện nghiên cứu về Nam Cực của Argentina đã phát hiện được hai mảnh xương mai rùa tại trên ngọn núi La Meseta ở hòn đảo Seymour thuộc châu Nam Cực. Mặc dù không xác định được những mảnh hóa thạch này là của loài rùa nào, nhưng các nhà khoa học khẳng định hai mảnh xương này có thể là của hai loài rùa khác nhau cùng sống trong thời kỳ tiền sử Eocene (cách đây khoảng hơn 40 triệu năm).

Những mẫu hóa thạch trên được xác định có niên đại khoảng 45 triệu năm. Nhóm nghiên cứu cho rằng phát hiện của họ có ý nghĩa quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về điều kiện môi trường và nhiệt độ của vùng Nam Cực trong thời kỳ Eocene.

"Những hóa thạch trên cho thấy loài rùa ở Nam Cực trong thời kỳ Eocene đa dạng hơn so với chúng ta nghĩ trước đây”, giáo sư Marcelo S. de la Fuente, thuộc Viện bảo tàng quốc gia ở San Rafael (Argentina) và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Trong suốt thời kỳ Eocene, Trái đất khác rất nhiều so với bây giờ. Ở đầu thời kỳ này, châu Nam Cực vẫn chưa tách biệt với châu Đại Dương và điều kiện khí hậu của Nam Cực ấm hơn nhiều so với hiện nay và thậm chí tồn tại cả các khu rừng nhiệt đới. Nhưng qua một thời gian dài Nam Cực đã trở thành nơi lạnh giá nhất trên Trái đất.

Việc phát hiện thấy những hóa thạch của loài rùa cổ đại chính là bằng chứng cho thấy châu Nam Cực đã từng có một điều kiện khí hậu ấm hơn chúng ta nghĩ bởi vì loài rùa chỉ phát triển đa dạng trong điều kiện thời tiết ấm áp.

"Sự đa dạng của các loài động vật chủ yếu xuất hiện ở các vùng có khí hậu ấm. Vì thế, phát hiện những hóa thạch của các loại động vật có xương sống như rùa chứng tỏ vùng Nam Cực đã từng có điều kiện khí hậu ấm hơn nhiều so với điều kiện lạnh giá như bây giờ”, tiến sĩ  Fuente giải thích.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện cánh cửa thời kỳ Đồ đá 5.100 tuổi

 

 

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện một cánh cửa 5.100 năm tuổi “được bảo quản còn nguyên vẹn đến kinh ngạc” ở thành phố Zurich của Thụy Sỹ.

Phát hiện cánh cửa thời kỳ Đồ đá 5.100 tuổi

Theo trưởng nhóm khảo cổ học Niels Bleicher, cánh cửa có thể được làm vào năm 3.063 trước công nguyên.

Đây là một trong những cánh cửa “cao tuổi” nhất từng được tìm thấy ở châu Âu và rất đáng được lưu ý “bởi cách các phiến gỗ được ghép lại với nhau”, ông Niels Bleicher cho hay.

Cánh cửa cao 153cm, rộng 88cm, là một trong số những bằng chứng về sự tồn tại của ít nhất 5 ngôi làng Neolithic ở khu vực.

Cánh cửa được làm từ loại gỗ thông dụng, “đặc và mịn”, với bản lề còn nguyên vẹn, ông Bleicher cho hay.

Đây có thể là cánh cửa của một ngôi nhà sàn bằng gỗ, nhằm tránh gió lạnh thổi từ hồ Zurich tới. “Đó là một thiết kế rất thông minh”, nhà khảo cổ học nhận xét.

Các nhà khảo cổ dự kiến sẽ trưng bày cánh cửa khi nó được đưa lên khỏi lòng đất và được nhúng trong hỗn hợp đặc biệt để tránh bị mục nát.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện mộ của 1 giáo sỹ cổ cách đây 4.000 năm

 

 

Chủ tịch Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập (CSA) Zahi Hawass ngày 18/10 thông báo, các nhà khảo cổ Ai Cập đã tìm thấy ngôi mộ của một giáo sỹ cổ đại chịu trách nhiệm cầu kinh trước những bức tượng của một vị vua đã mất cách đây 4.000 năm.

Phát hiện mộ của 1 giáo sỹ cổ cách đây 4.000 năm

Tiến sỹ Zahi Hawass cho biết, ngôi mộ này là của giáo sỹ Rudj-Ka, người có rất nhiều chức danh, và chắc chắn là một thành viên quan trọng của triều đình vào thời đó, thuộc vào triều đại thứ 5 (2514-2374 trước Công nguyên) được tìm thấy ở gần khu kim tự tháp Giza, thủ đô Cairo.

Theo tiến sỹ Hawass, một trong những nhiệm vụ của giáo sỹ này là thực hiện các buổi cầu kinh trước các bức tượng của một vị vua đã mất và được tôn kính như một vị Thánh.

Ngôi mộ này có khắc chân dung của giáo sỹ và người vợ trước một cái bàn để đồ làm lễ. Bức tường của ngôi mộ khắc cảnh tượng điền viên của đàn gia súc đang gặm cỏ, cũng như hình ảnh hiếm có một con bò cái đang đẻ.

Tiến sỹ Hawass nhấn mạnh, ngôi mộ có thể sẽ là điểm khởi đầu giúp tìm ra những ngôi mộ của các tầng lớp xã hội khác, cũng như mộ của những người công nhân xây kim tự tháp.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hóa thạch loài thực vật cổ nhất thế giới

 

 

 Các nhà nghiên cứu cổ sinh học thuộc Viện Nghiên cứu băng, tuyết và môi trường cho biết họ đã phát hiện hóa thạch nhiều năm tuổi nhất của một loài thực vật tại Argentina. Đó là một khám phá đầy ấn tượng, vì hóa thạch thực vật này có đến 472 triệu năm tuổi.

Hóa thạch loài thực vật cổ nhất thế giới

Các chuyên gia xác định rằng đó là loài thực vật đơn giản với tên gọi livewort, có thể coi là tổ tiên của các thực vật trên đất liền, nó không có rễ và thân cây.

Claudia Rubinstein và cộng sự đã tìm thấy 5 mẫu hóa thạch trong các khối trầm tích thu thập được từ Sierras Subandinas thuộc lưu vực Andean, phía tây bắc Argentina. Bào tử của loài liverwort rất đơn giản, được gọi là cryptospores. Hãng BBC dẫn lời tiến sĩ Rubinstein rằng cryptospores được nhóm nghiên cứu mô tả là có niên đại xa xưa nhất mà con người từng biết đến. Trước khi phát hiện hóa thạch này, nghiên cứu khảo cổ từng biết đến loài liverwort crytospores có niên đại 462 triệu năm tuổi tìm thấy tại Cộng hòa Czech và Ai Cập.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện một nền văn minh thời kỳ đồ đồng ở Nga

 

 

Nhờ những bức ảnh chụp từ trên không cách đây 40 năm (thời Liên Xô cũ), các nhà khoa học đã phát hiện những dấu vết của một nền văn minh lạ có từ thời kỳ đồ đồng trên các ngọn núi của vùng Caucasia (Liên bang Nga).

Phát hiện một nền văn minh thời kỳ đồ đồng ở Nga

Trưởng nhóm thám hiểm khu vực trên Andrei Belinski cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện trên các ngọn núi ở phía Bắc vùng Caucasia một nền văn minh có từ thế kỷ 16-14 trước Công nguyên.”

Cũng theo ông Belinski, móng bằng đá của gần 200 địa chỉ khảo cổ ở khu vực này được xây dựng thẳng hàng từ sông Kouban ở phía Tây tới Naltchik, thủ phủ của Kabardino-Balkarie và ở độ cao từ 1.400-2.400 mét.

Đồ trang trí và hình dạng của của những đồ đồng đã giúp các nhà khảo cổ thiết lập mối quan hệ giữa nền văn hóa và nền văn minh Koban được phát hiện vào cuối thế kỷ 19 ở trung tâm của vùng Caucasia, dưới chân núi Kazbek.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện nhiều hiện vật niên đại 7 vạn năm

 

 

Các chuyên gia khảo cổ học vừa phát hiện 9 hiện vật gồm: rìu đá và mảnh tước tại di tích La Vuông (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn). Theo các nhà nghiên cứu thì các hiện vật này xuất hiện cách đây khoảng 7 vạn năm.

alt

Những hiện vật này được phát hiện trong quá trình khảo cổ do Bảo tàng tổng hợp Bình Định phối hợp với Viện nghiên cứu khảo cổ học thực hiện ở vị trí có độ cao từ 600 - 800m so với mực nước biển.

Theo nhận định ban đầu thì đây là những vật, có hình dáng kiểu Cleaver, giống một số hiện vật đã từng phát hiện tại Định Quán và lưu vực sông Đồng Nai, tương tự những hiện vật được tìm thấy ở thung lũng Lenggon (Malaysia) có niên đại từ 40.000 - 70.000 năm.

Theo các nhà nghiên cứu thì đây là những công cụ mà người Việt cổ dùng để chặt cây, chế biến thức ăn… thuộc thời kỳ đá cũ.

Trước đó, ngày 1/10, tại khu vực đầm Thị Nại, các công nhân làm việc trên xà lan nạo vét luồng tàu ra vào cảng Quy Nhơn đã tình cờ vớt lên được ba khẩu thần công.

Ba khẩu thần công này có kích thước khác nhau, khẩu lớn nhất bằng đồng dài 2,7m, đường kính nòng 0,25m, đường kính thân 0,35m, hai khẩu còn lại ngắn hơn, được đúc bằng đồng và gang dài 2,37m, đường kính nòng 0,25m, đường kính thân 0,39m.

Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, tiến sĩ Đinh Bá Hòa cho biết, có thể đây là những khẩu thần công từ thời Tây Sơn, đã bị chìm cùng các tàu chiến trong trận thủy chiến tại đầm Thị Nại vào năm 1801 giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh.

Hiện các hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện "tiểu Pompeii" ở Na-uy

 

 

Các nhà khảo cổ học Na-uy vừa phát hiện ra một thành phố "tiểu Pompeii" thuộc thời kỳ đồ đá tại một khu vực gần biển Bắc.

Phát hiện

Được phát hiện ở Hamresanden, không xa sân bay Kristiansand ở Kjevik, miền nam Na-uy, khu định cư này đã "ngủ yên" trong 5.500 năm, bị chôn vùi dưới các lớp cát.

"Chúng tôi đã chỉ dám hi vọng tìm thấy một công trình thời kỳ đồ đá "bình thường" của người X-căng-đi-na-vi. Nhưng thay vào đó, chúng tôi đã phát hiện ra một công trình độc đáo, bị chôn vùi dưới lớp cát dày", ông Lars Sundström, công tác tại Bảo tàng lịch sử văn hóa thuộc trường ĐH ở Oslo, trưởng nhóm khai quật cho biết.

Đào khoảng 80m từ đường biển, ở mũi biển được tạo thành bởi sông Topdalselva và biển Bắc, nhóm các nhà khảo cổ học do ông Lars Sundström chỉ huy đã lần đầu khai quật được những thứ xuất hiện như là phế tích của một công trình có tường bao quanh.

Công trình này được tạo thành bởi những khối đá lớn và chiều dài của công trình hiện vẫn còn chưa xác định được hết do giới hạn của rãnh khai quật.

"Chúng chắc hẳn đã được vận chuyển từ một nơi xa tới đây, bởi thời điểm đó ở khu vực này không có đá tự nhiên", ông Sundström cho biết.

Khá giống với một khu tập trung theo mùa vụ thường được đặt giữa sông và biển, khu định cư này đầy những mảnh vỡ của những chiếc vại có hình dáng cốc vại, nhiều trong số này có thể được phục hồi lại nguyên trạng.

Được trang trí tinh xảo với việc sử dụng các con dấu, phần lớn các dây thừng được sử dụng để tạo hoa văn, các đồ gốm này thuộc về thời kỳ sơ khai nhất của thời kỳ Trichterrandbecherkultur, hay còn gọi là Văn hóa cốc vại hình phễu. Đây là nền văn hóa thuộc thời kỳ đồ đá trải rộng ở vùng trung bắc châu Âu từ năm 4000 đến năm 2700 trước Công nguyên.

"Những đồ gốm cho phép chúng tôi xác định niên đại của khu vực này là từ năm 4000-3600 trước công nguyên. Chúng tôi đã phát hiện ra nó ở tầng cao nhất của lớp văn hóa ảnh hưởng đến sự kiện cuối cùng của thời hạn cư ngụ", ông Sundström nói.

Theo các nhà khảo cổ học, cách mà các đồ gốm được tìm thấy gợi mở rằng, những người định cư theo thời vụ ở thời kỳ đồ đá đã bỏ những chiếc bình của mình lại với mục đích sẽ lại dùng nó khi họ quay trở lại.

Nhưng đột nhiên, một sự kiện thảm khốc đã chôn vùi mọi thứ.

"Sự tạo thành của lớp cao hơn vẫn còn lưu lại một chút gì bí ẩn. Khu vực này có thể thình lình bị ngập lụt và bị bao phủ bởi cát từ con sông gần kề. Không có bất cứ dấu hiệu nào của sự cư ngụ bên trong lớp cát dày này. Đó là một chỉ dẫn quan trọng về một quá trình tương đối nhanh", ông Sundström nói.

Được bao bọc giữa lớp cát và một lớp bùn và đất sét bên dưới, công trình này thực sự chưa bị ai động đến.

Các nhà khảo cổ học, hiện đã đào được khoảng 500m2 trong số khoảng 700m2, hi vọng sẽ khám phá ra nhiều thứ hơn trong những tháng tới.

"Công trình này đang nằm trên lớp bùn và đất sét mà chúng ta biết là để bảo vệ gỗ, vì vậy, chúng ta có thể hi vọng vào việc tìm thấy gỗ bị chôn vùi trong giai đoạn cư ngụ sau đó từ cuộc khai quật", ông Sundström cho biết.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xét nghiệm AND và nhưng bí mật về đế quốc Viking

 

 

Những bộ hài cốt bí ẩn dưới nền nhà Trước khi xây dựng một toà nhà dùng làm nhà ở cho sinh viên tại một trong 38 trường cao đẳng thuộc Đại học Oxford, các nhà khảo cổ học đã được mời đến khu công trình đang chuẩn bị xây dựng vào tháng Giêng năm 2008. Sau vài giờ đào bới, một trong số các nhà khảo cổ học đã khám phá ra vết tích của một khu phức hợp tôn giáo có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm, đó là một đoạn tường thành được dựng bằng đất nung được xây dựng bởi bộ lạc thời kỳ cuối đồ Đá Mới, có lẽ đây là di chỉ thờ cúng thần Mặt Trời từ thời xa xưa.

Xét nghiệm AND và nhưng bí mật về đế quốc Viking

Với đường kính đo được lên tới 122 mét, ngôi đền vừa được tìm thấy được công nhận là một trong những ngôi đền Tiền Sử lớn nhất nước Anh. Kế tiếp đó, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một vài hố có chôn khá nhiều các loại đồ vật bằng gốm sứ đã bị vỡ và các mẫu vụn thức ăn từ đây dẫn đến giả thuyết cho rằng người xưa đã sử dụng những cái hố này làm nơi vất bỏ rác thải. Thú vị hơn, bằng việc đào bới các hiện vật khiến cho các nhà khảo cổ tin rằng đã có thể phác hoạ ra bức tranh chi tiết về đời sống thường nhật của con người thời kỳ Trung Cổ.

Họ cũng đã phát hiện ra những khúc xương, chính xác đây là xương người xưa. Ông Sean Wallis từ Cục khảo cổ Thung lũng Thames (TVAS), đơn vị chịu trách nhiệm khai quật, phát biểu: “Lúc đầu, chúng tôi ngỡ rằng những hài cốt đó là thuộc về một người. Kế tiếp đó, chúng tôi ngạc nhiên khi khám phá ra rằng những hài cốt đó nằm bên trên những hài cốt khác đang nằm bên dưới lòng đất. Nếu cứ tiếp tục đào, chắc chắn sẽ tìm thấy thêm nhiều xương người và các hiện vật hơn nữa. Chúng tôi không chỉ tìm thấy vết tích của một ngôi đền cổ có từ thời kỳ Tiền Sử với 4.000 năm tuổi mà quan trọng hơn còn là đụng chạm đến một nấm mộ khổng lồ”.

Sau một tháng đào bới khu nghĩa địa khổng lồ và mất tới 2 năm để xét nghiệm chi tiết trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kết quả rằng có từ 34 đến 38 người đã được chôn cùng một ngôi mộ, tất cả họ đều là nạn nhân của một hành vi tội ác ghê tởm. Có 20 bộ hài cốt được tìm thấy với những vết đâm gãy xương sống và xương chậu của họ và 27 cái đầu lâu bị rạn nứt hay bị đập vỡ với những chấn thương vùng đầu hết sức nghiêm trọng. Quan sát chi tiết những khúc xương sườn, ít nhất là có hơn 1 tá xương đã bị đâm bằng những vết đâm chí mạng từ phía sau. Một hài cốt cho thấy dấu hiệu đã bị chặt rụng đầu.

Phân tích bằng phóng xạ Carbon từ những đoạn xương vừa tìm được đã đem tới cho các nhà khảo cổ học bằng chứng rằng những nạn nhân này đã qua đời trong khoảng thời gian từ năm 960 đến 1020, cùng thời điểm khi mà chế độ quân chủ Anglo-Saxon đang ở trên đỉnh cao về quyền lực.

Khởi nguồn từ nước Đức, người Anglo-Saxon đã tiến hành xâm lược nước Anh trong suốt 6 thế kỷ, sau khi đế quốc La Mã rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Người Anglo-Saxon đã xây dựng các kinh đô của riêng họ và cải sang đạo Công giáo.

Sau hàng thập kỷ xung đột, nước Anh đã thiết lập lại sự cân bằng chính trị trong nước vào thế kỷ thứ 10 dưới thời trị vì của Vua Edgar Hoà Bình. Nhưng “hoà bình” chỉ là từ mang tính tượng trưng mà thôi vì thực sự những cuộc hành quyết vẫn diễn ra như cơm bữa.

Các nhà khảo cổ học Anh đã khám phá ra khoảng 20 “nghĩa trang xử tử” trên khắp đất nước Anh, ước tính có khoảng 3% dân số đàn ông đã bị triệt tiêu. Chỉ một nơi như ở Đông Yorkshire đã tìm thấy 6 hài cốt đàn ông bị xử chém đầu. Tuy nhiên nghĩa trang tại Oxford các nhà khảo cổ không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc xử chém đầu, nó giống như những người đã chết qua hàng thế kỷ. Và các nạn nhân bị xử tử cũng có độ tuổi và thể trạng hoàn toàn khác nhau. Các hài cốt tại Oxford đều thuộc về những người đàn ông trong độ tuổi tham chiến dao động từ 16 đến 35 tuổi. Các cuộc xét nghiệm xa hơn đã chỉ ra rằng hầu hết các nạn nhân đều có thể trạng mạnh khoẻ sung sức tuyệt đối. Một số nạn nhân bị đốt cháy ở đầu, lưng, vùng xương chậu và cánh tay. Các cuộc xét nghiệm còn chỉ ra rằng các nạn nhân nam giới đã ăn nhiều cá và cua ghẹ hơn người Anglo-Saxon.

Cướp bóc là nền tảng hình thành nên đế quốc Viking

Các cuộc xét nghiệm xa hơn còn đem đến một thông tin hết sức chấn động, ngôi mộ chôn người khổng lồ đích thực là nơi chôn cất các chiến binh Viking! Vào cuối thế kỷ thứ 8, Viking – một giống người sinh sống ở bán đảo Scandinavia từ Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, đã bắt đầu một trận chiến kéo dài 300 năm với các hành vi cướp bóc và cướp biển, tung hoành và bá đạo trên toàn cõi Châu Âu. Một số học giả cho rằng sự thay đổi về cơ cấu chính trị đã đẩy những thủ lĩnh Viking tìm kiếm những nguồn thu nhập mới thông qua các cuộc chinh phục nước ngoài. Một lý do không kém phần thuyết phục khác đó là những thành tựu từ ngành công nghiệp đóng tàu biển đã tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến hải hành dài ngày – cho phép người Viking thành lập nên một mạng lưới buôn bán trải rộng xa đến khu vực Địa Trung Hải. Nhưng khi nền kinh tế suy thoái tác động mạnh tại Châu Âu vào thế kỷ thứ 9, người Viking chuyển hoạt động từ buôn bán sang hình thức cướp bóc tàn bạo trên biển hay bất cứ nơi nào mà họ đặt chân tới.

Hầu hết các sử gia tin rằng Anh là quốc gia gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề hơn là các quốc gia khác ở Châu Âu. Vào năm 793, quân Viking đổ bộ vào một cộng đồng chủng viện không phòng vệ ở Lindisfarne, phía Đông Bắc nước Anh. Alcuin of York, một học giả chuyên nghiên cứu về Anglo-Saxon đã ghi nhận về vụ tập kích dữ dội này như sau: “Cha ông chúng tôi từng sống tại Lindisfarne trong gần 350 năm và chưa bao giờ hình dung đến một ngày có một lũ khủng bố dám tập kích trên nước Anh, thế nhưng điều không ngờ đã trở thành sự thật khi có những kẻ ngoại giáo đã kéo tới vùng đất này. Nhà thờ St. Cuthbert tại Lindisfarne nhuộm đỏ máu của những con chiên ngoan đạo tử vì Chúa”. Cũng trong cuốn sách “Biên niên sử Anglo-Saxon” – một trước tác lịch sử đương đại, đã ghi nhận rằng người Viking đã thực hiện khoảng 50 cuộc viễn chinh và cướp bóc tàn khốc, cũng như đã hủy hoại và tàn phá bất kỳ thứ gì mà họ đã đi qua. Dublin, một trong những thành phố lớn nhất của đế quốc Viking trên quần đảo British Isles đã trở thành một trong tâm buôn bán nô lệ lớn nhất Châu Âu, nơi mà các sử gia ước tính có khoảng 10.000 người Ireland, Scotland, Anglo-Saxon và các dân tộc khác đã bị bắt cóc, rồi được mua và bán lại qua tay như một món hàng hoá không hơn kém.

Ông Simon Keynes, Giáo sư lịch sử Anglo-Saxon tại trường Đại học Cambridge (Anh) phát biểu: “Trong nhiều phương diện, người Viking là một tổ chức tội phạm thời Trung Cổ. Họ thường tập trung cướp bóc trên quy mô lớn, sử dụng vũ lực để thực hiện các hành vi để bóp nặn sạch sành sanh một số lượng lớn kim loại bạc từ nước Anh và một số quốc gia dễ bị tổng thương khác ở khu vực Tây Âu. Chắc chắn là người Viking sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được những mục đích cao nhất”.

Ông Dagfinn Skre, giáo sư khảo cổ học tại trường Đại học Oslo (Na Uy) nói: “Vai trò của người Viking có phạm vi ảnh hưởng khá rộng rãi”. Trong khoảng giữa các thế kỷ 6 và 9, người Vikings trên bán đảo Scandinavia ưa thích sinh hoạt theo một tổ chức thống nhất, đó là “một liên minh gắn bó nhưng không quá chặt chẽ”. Chỉ có duy nhất một vương quốc của người Anglo-Saxon là Wessex, được cai trị bởi Alfred Đại Đế, là có thể đứng vững trong cuộc xâm lược của người Viking. Alfred và con trai ông ta là Edward, đã xây dựng một hệ thống quân đội và hải quân thông qua một mạng lưới các pháo đài phòng thủ khá kiên cố. Cũng chính Edward và những người kế thừa quyền lực của ngài là người thống nhất nên nước Anh từ tay người Viking.

Nạn nhân trong ngôi mộ khổng lồ đã bị thảm sát dã man?

Sau hàng thập kỷ sống trong hoà bình, người Viking lại xâm lược nước Anh lần 2 vào năm 980 sau Công Nguyên. Cùng thời điểm đó, người cai trị đế quốc Anglo-Saxon là Vua Aethelred the Unraed, ngài là người kế thừa sự nghiệp của Vua Alfred Đại Đế và Vua Edgar Hoà Bình.

Vào thế kỷ 12, sử gia William of Malmesbury đã viết về vua Aethelred the Unraed như sau: “Nhà vua đã cai trị toàn dân tộc bằng tính độc đoán ngay từ thủa lên ngôi, làm bần cùng đất nước vào lứa tuổi trung niên và gây nỗi ô nhục cho cả dân tộc khi về già”. Nhằm ngăn ngừa chiến tranh sắp sửa xảy ra, Vua Aethelred đã cống nạp cho người Viking một số bạc tương đương 26.000 bảng Anh trong khoảng thời gian năm 991 và 994. Đầu năm 1002, nhằm ngăn ngừa người Viking có thể quay lại tấn công nước Anh, vua Aethelred bèn “hối lộ” người Viking số bạc tương đương 24.000 bảng Anh.

Địa chính trị của nước Anh thay đổi kể từ khi Vua Aethelred thiết lập liên minh với xứ Normandy bằng việc kết hôn với người em gái của Công tước Normandy vào năm 1002. Những dữ liệu phân tích từ phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng những nạn nhân được chôn trong hơn 1.000 năm qua, đã ăn nhiều hải sản trước khi chết, cộng với những vết cháy nám trên xương cùng những dấu hiệu khác, khiến các nhà khảo cổ học tin rằng những nạn nhân trong ngôi mộ khổng lồ trên có thể là nạn nhân trong vụ thảm sát Ngày St. Brice. Trong vụ thảm sát kinh hoàng này, người Đan Mạch là nạn nhân chính đã bị giết rất thê thảm tại Anh, diễn ra vào ngày St. Brice (ngày 13 tháng 11 năm 1002) theo lệnh của Vua Ethelred the Unready. Ông Wallis, nhà khảo cổ học tại Oxford, đưa ra lời phỏng đoán rằng có lẽ dân Anh đã dồn những xác chết lên xe ngựa và chở xuyên ra cửa Bắc của thành phố Oxford, rồi chôn vùi những xác chết này xuống nền đất mà ngày nay thuộc trường cao đẳng Balliol của Oxford.

Nguồn cơn của tội ác và một đế quốc Anh hùng mạnh

Một năm sau khi khám phá về ngôi mộ khổng lồ đến lượt một nhóm các nhà điều tra từ Cơ quan Khảo cổ Oxford đã tình cờ phát hiện thêm dấu vết của một di chỉ thời Tiền sử nằm cách hạt Dorset (Anh) khoảng 90 dặm về hướng Tây Nam, gần Weymouth, tại đó họ đã khám phá ra một ngôi mộ khổng lồ thứ 2. Ngôi mộ này chứa đến 54 bộ hài cốt, đều là hài cốt nam giới, nạn nhân là các chiến binh, tất cả bọn họ đều bị chặt đầu bằng những loại vũ khí sắc bén, có thể là bằng gươm. Xét nghiệm răng các nạn nhân cho thấy họ là người vùng Scandinavia.

Xét nghiệm các nguyên tử Oxy có trong răng các nạn nhân đã cho kết quả rằng họ đến từ xứ lạnh (trong đó có một nạn nhân đến từ Vòng Bắc Cực). Xét nghiệm Carbon phóng xạ, cho biết thời gian các nạn nhân qua đời nằm trong khoảng năm 910 và 1030, trong đó người Viking đã triển khai sức ảnh hưởng của họ ở Anh trong khoảng thời gian năm 980 và 1009. Có dấu vết của sự đánh dấu bằng phấn, có thể các hài cốt đã được khai quật lên vài trăm năm trước đây, có lẽ là trong suốt thời kỳ La Mã. Các nhà khảo cổ học tin rằng người Viking đã đem các nạn nhân đến đây để hành quyết.

Việc khám phá ra hai ngôi mộ khổng lồ đã góp phần giải quyết câu hỏi từng làm bực mình với các sử gia. Đó là trong hàng thế kỷ sau khi xảy ra vụ thảm sát St. Brice, nhiều sách biên niên sử tin rằng cộng đồng người Đan Mạch đang sống ở Anh là nạn nhân chính của vụ mưu sát đẫm máu. Nhưng gần đây vụ thảm sát đã được nhìn dưới góc độ như hành động của cảnh sát chống lại những kẻ có âm mưu gây nguy hại cho chính quyền. Nạn nhân trong các ngôi mộ rõ ràng là các phiến quân nổi loạn.

Mặt khác, dựa trên các tư liệu lịch sử cho thấy rằng giữa các nạn nhân của Vua Aethelred đều có chung mối quan hệ huyết thống với tầng lớp quý tộc Đan Mạch. Người Đan Mạch đã chinh phục nước Anh vào năm 1016. Canute, con trai của Svein, kẻ đã đội lên đầu chiếc vương miện cao quý ngay tại Nhà thờ lớn St. Paul ở London (Anh) vào tháng Giêng năm 1017. Tháng 9 năm 1066, người Scandinavia tuyên bố chống lại nước Anh, chỉ chưa đầy 2 tuần sau đó, William “Nhà Chinh Phục” là Công tước xứ Normandy, đã tiến hành kế hoạch xâm chiếm nước Anh của riêng ông ta. Nhưng sau đó người Anglo-Saxon đã vươn mình lớn dậy, đánh đuổi người Scandinavia, sáng lập nên một nước Anh hiện đại mà đế quốc của họ có thời gian bao trùm cả nửa Trái đất.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Pháp xác nhận thêm một mỏ hóa thạch khủng long

 

 

Các nhà khoa học Pháp cho biết chiến dịch khai quật khảo cổ học được thực hiện hồi mùa hè năm nay tại các công trường đá ở xã Angeac-Charente đã khẳng định rằng khu vực này là một trong những mỏ hóa thạch khủng long lớn nhất của Pháp.

Pháp xác nhận thêm một mỏ hóa thạch khủng long

Theo Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Viện bảo tàng Angoulême và Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên của Pháp, tổng cộng đã có hơn 400 bộ xương khủng long tại mỏ trên được công bố, trong đó có hơn 200 bộ xương của ba loài khủng long liên quan tới hài cốt của hai loài rùa và ba loài cá sấu.

Những phát hiện trên diễn ra tại các lớp hóa thạch có từ kỷ hạ Phấn trắng cách đây 130 triệu năm.

Cũng theo các nhà khoa học Pháp, bộ hài cốt gây ấn tượng nhiều nhất là hài cốt của con thằn lằn lớn nhất châu Âu với xương đùi vượt quá 2,4m, một chi tiết gợi lên cho các nhà khoa học về trọng lượng khoảng 40 tấn và chiều dài 35m của nó.

Các mối quan hệ họ hàng của con vật ăn thịt này tuy vẫn chưa được xác định, nhưng mô hình giải phẫu của nó đã gợi lại mô hình giải phẫu của các loài động vật trong cùng thời kỳ ở Tây Ban Nha.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Tìm thấy nhiều hiện vật khảo cổ

 

 

Tại một khu vực phía nam thủ đô Kabul của Afghanistan, các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ra nhiều pho tượng Phật cổ cùng các di chỉ Phật giáo. Đây chính là bằng chứng về một thời kỳ Phật giáo hưng thịnh tại đất nước này.

Tìm thấy nhiều hiện vật khảo cổ

Khu vực khai quật trải dài hơn 12km ở tỉnh Logar phía nam thủ đô Kabul, các nhà khảo cổ Afghanistan đã tìm được nhiều di chỉ Phật giáo tại đây. Nhiều hiện vật được tìm thấy có niên đại từ thế kỷ thứ 5. Những hiện vật khác còn lâu đời hơn, từ Trước Công nguyên, thậm chí còn ở giai đoạn tiền sử.

Ông Mohammad Nader Rasouli, Người đứng đầu Ban Khảo cổ Afghanistan cho biết: “Các tòa tháp nói chung đã bị kẻ gian phá hủy, chúng đã ăn cắp nhiều hiện vật quý ở khu vực này. Mặc dù ở đây bị phá hoại như vậy, nhưng chúng tôi cũng đã tìm kiếm được những bức tượng Phật rất lớn, có những bức cao đến 8-9 mét. Đây là một thành quả lớn”.

Là một quốc gia gần như Hồi giáo toàn phần, nhưng trong quá khứ Afghanistan đã trải qua những giai đoạn lịch sử mà đạo Hindu và đạo Phật rất phổ biến, nhiều di tích và địa điểm lịch sử đã bị phá hủy do nội chiến và can thiệp ngoại bang.

Đỉnh điểm là từ năm 1996 đến năm 2001, khi phong trào Taliban cực đoan lên nắm quyền đã phá hủy nhiều bức tượng Phật quý giá, bởi Taliban coi tượng phật là sự báng bổ đối với đạo Hồi. Những di tích, hiện vật may mắn còn lại hiện nay đang cần được quan tâm bảo tồn, và đất nước Afghanistan vốn rất khó khăn vì chiến tranh đang trông đợi vào sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế để bảo vệ những báu vật vô giá này.


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9022556
Số người đang online: 24