Triển lãm hóa thạch sọ thỏ 54 triệu năm tuổi

 

 

Mùng 3 Tết (ngày 5.2), người dân thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) nô nức tới thăm Bảo tàng động vật học cổ Bắc Kinh, để chiêm ngưỡng một hóa thạch sọ thỏ cổ đại còn nguyên vẹn, có tuổi thọ trên 54 triệu năm, theo tin từ Tân Hoa Xã.

Triển lãm hóa thạch sọ thỏ 54 triệu năm tuổi

Sọ thỏ cổ đại nói trên được tìm thấy từ năm 2007, tại lưu vực sông Eren, miền tây bắc Trung Quốc. Các nhà khảo cổ học phỏng đoán rằng đây là hóa thạch cổ xưa nhất của loài thỏ từng được phát hiện.

Triển lãm sọ thỏ 54 triệu năm tuổi là một trong những hoạt động văn hóa đặc biệt của Trung Quốc được tổ chức trong những ngày đầu xuân.

Ngoài ra, để chào đón năm con Thỏ, sẽ còn rất nhiều triển lãm giới thiệu về nguồn gốc và sự tiến hóa của loài vật này diễn ra trên khắp đất nước Trung Quốc trong thời gian tới đây.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Giới thiệu chùa Chiền Viện, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

 

 

Mùa Xuân – mời quý vị đến thăm chùa miền núi Tây bắc – Một dạng chùa mới ít thấy xuất hiện (*)CHÙA CHIỀN VIỆN, HUYỆN MỘC CHÂU, TỈNH SƠN LA Chùa Chiền Viện, còn gọi là  chùa Vát Hồng, nay thuộc bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

alt

Tài liệu thư tịch quan phương, nói về ngôi chùa này sớm nhất, là sách "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn. Theo bộ sách viết vào giữa thế kỷ XIX này thì ít nhất là đến khi ấy, chùa Chiền Viện vẫn còn là một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây Bắc, với số tượng Phật được thờ trong chùa là: 1 pho tượng lớn, 8 pho vừa, 56 pho nhỏ đều bằng đồng, 2 pho bằng thiếc, 1 pho nhỏ bằng ngà…(1)
Trước đấy - theo nhà Thái học Cầm Trọng - có thể chùa đã được tạo lập từ thế kỷ XIII, do đồng bào Thái Mộc Châu xây dựng, với nghĩa Thái của địa danh nơi xây chùa - "bản Vặt" - chính là âm chệch của "Phật" và tên hội chùa lễ Phật vào tháng 5 âm lịch ở đây là "Chách Vặt, Chách Và".(2)
Nhưng di tích chùa Chiền Viện đó bị đổ nát từ năm 1947, còn đến ngày nay, lại chỉ là một nền chùa khoảng 100m2, mấy trụ cột và mảng tường xây bằng đá với những vòm cửa đã xuống cấp, đổ nát và 2 bệ thờ. Đặc biệt là còn một tấm bia đá (99cm x 64cm x 15cm), một nửa khắc chữ Thái (mà theo giáo sư dân tộc học Hoàng Lương thì đây là chữ "Thái trắng" ở vùng này) và một nửa khắc chữ Hán. Nội dung văn bia, cả hai ngữ đều thống nhất nói về việc xây dựng "vắt ni" (chùa này - tiếng Thái), với những người đóng góp tính bằng "công" và "hào" (tiếng Thái), trong đó có một số chức sắc (tên là "Tạo Tiêng", "Chiêu Tổn" -  tiếng Thái). Phần Hán ngữ của bia (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chiếm) nói rõ: đây vốn là ngôi chùa cổ thờ Phật, đã bị huỷ hoại. Ngày 10 tháng 3 năm Duy Tân thứ XI (Mậu Thân, 1908) khởi công xây dựng lại, và đến ngày lành, tháng giêng năm Kỷ Dậu, 1909 thì hoàn thành. Ông Xa Văn Kỳ, tri châu, cùng nhân dân trong vùng Mộc Châu, hưng công xây dựng. Đóng góp vào việc xây dựng là rất nhiều người địa phương và cả từ phương xa, trong đó có "Đà Bắc tri châu Đinh Công Nội", "Đà Bắc tri châu Xa Văn Nghĩa", "Mai Châu tri châu Hà Công Chính"…
Trong số những di vật của chùa tản mát, thất tán ở nhiều nơi, đặc biệt  đã thu thập lại được nhiều tượng Phật (hiện trữ ở phòng Văn hoá huyện Mộc Châu và bảo tàng tỉnh Sơn La), trong đó - theo PGS.TS. Nguyễn Lệ Thi - có một số pho là tượng Phật của Lào, thuộc phái Tiểu Thừa, niên đại khoảng thế kỷ XVI - XVII và XVIII. Một số pho có thể đã được chế tác ngay tại địa phương, nhưng mô phỏng tượng Phật Lào…
Lễ Hội chùa Chiền Viện (Vát Hồng) ngày xưa - theo các cố lão địa phương - rất được nhân dân sùng nộ. Một năm 2 lần "chính tiệc", vào tháng 3 -4, với "Lễ cúng xin nước - cầu mưa", và vào tháng 5 - 6, với "Lễ rửa tượng - tắm tượng".
Chùa Chiền Viện, một di tích quý hiếm, một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây bắc đã bị đổ nát trên 60 năm rồi, tâm tư nguyện vọng của bà con trong vùng rất mong được phục dựng lại ngôi chùa này. Mong các cấp chính quyền, Hội Phật giáo Trung ương và địa phương quan tâm đến đời sống tâm linh của bà con.
-----------------------------------------------
(1) Ngô Đức Thọ (chủ biên) Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, Trang 150.
(2) Cầm Trọng: “Người Thái ở Tây bắc ở Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, Trang 43

Nguồn: Chùa Việt Nam. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long.  Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Nxb Khoa học Xã hội, in lần thứ tư. 2010 có chỉnh lý bổ sung, tr.294. Ảnh bài: Nguyễn Văn Kự - Nguyễn Mai Lâm


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thư chúc mừng hội thảo Khảo cổ học cộng đồng của Nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương

 

 

Từ 20- 22/12/2010, Hội thảo “Khảo cổ học vì lợi ích cộng đồng: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia” diễn ra tại Thanh Hoá đã thành công tốt đẹp.

Hơn 10 báo cáo của các nhà khoa học đến từ các quốc gia Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Italia, Campuchia, Hàn Quốc, Lào và Việt Nam đã được trình bày tại Hội thảo, cho thấy những kinh nghiệm trong việc tiến hành Khảo cổ học cộng đồng giữa các quốc gia. Hội thảo cũng giành được sự quan tâm của UBND tỉnh Thanh Hóa, Viện Khảo cổ học, Ủy ban quốc gia UNESCO ở Việt Nam... 

Nguyên chủ tịch Nước Trần Đức Lương, chủ tịch danh dự Hội Khảo cổ học Việt Nam đã gửi thư chào mừng hội thảo. Nguyên chủ tịch nước cũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo cũng như sự lựa chọn tỉnh Thanh Hóa là nơi tổ chức.

 

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện hóa thạch của một loài khủng long mới

 

 

 Theo một nghiên cứu khoa học được công bố ngày 13/1 tại Mỹ, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của một loài khủng long mới thời tiền sử cách đây 230 triệu năm tại vùng Ischigualasto, được biết đến như một cái nôi khảo cổ nằm phía Tây Bắc của Argentina.

Phát hiện hóa thạch của một loài khủng long mới

Hóa thạch trên là của một con khủng long nhỏ thuộc họ Eodromaeus có hai chân, cổ dài và đuôi. Chiều dài tổng thể của hóa thạch là gần 2m.

Theo các nhà khoa học, khám phá này góp phần đưa ra ánh sáng về sự tiến hóa của họ khủng long Terópodos, được biết đến như “quái vật hai chân,” trong đó có loài khủng long bạo chúa Tiranosaurio Rex nổi tiếng.

Nhà cổ sinh vật học Paul Sereno, thuộc trường Đại học Chicago, cho biết đây là hóa thạch cổ đại nhất mà nhóm các nhà khoa học của ông tìm thấy trong suốt chiều dài tiến hóa của loài ăn thịt, mà kết thúc bởi loài Tiranosaurus Rex - loài bò sát săn mồi đáng sợ nhất được biết tới trong lịch sử - gần cuối kỷ khủng long.

Các nhà khoa học tin rằng phát hiện trên giúp phân biệt sự khác nhau giữa các loài Eodromaeus và các loài đương đại Eoraptor, thuộc dòng Saurópodos to lớn cổ dài và bốn chân. Cả hai họ đều có kích thước tương đương và chạy bằng hai chân, điều này đưa đến giả thuyết ba họ khủng long chính sống ở cuối kỷ Đệ Tam là Ornitisquios, Sauropodomorfos và Terópodos có hình dạng tương tự nhau.

Nhưng hóa thạch Eodromaeus mới phát hiện có hộp sọ giống như các loài Terópodos, trong khi Eoraptor ăn cỏ có đặc điểm tương tự với các loài Saurópodos với lỗ mũi mở rộng và răng hàm dưới.

Ghi nhận hàng nghìn mẫu hóa thạch được khám phá tại vùng Ischigualasto, từ những sinh vật giống như thằn lằn đến các các loài bò sát trong giống như động vật có vú mà nhiều hơn cả là khủng long, các nhà khoa học tin rằng loài khủng long có lẽ đã thống trị môi trường sống trong hàng triệu năm.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện lò rượu sớm nhất ở Armenia

 

 

 Nhà máy rượu sớm nhất từng được biết đến đã được phát hiện trong một hang động ở vùng núi của Armenia.

Phát hiện lò rượu sớm nhất ở Armenia

Một thùng ép nho, các ình lên men và thậm chí một chiếc cốc và tô uống rượu có niên đại khoảng 6.000 năm trước đây đã được phát hiện trong một khu hang động bởi một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế.

Trong khi những bằng chứng cổ hơn về việc uống rượu đã được tìm thấy, đây là bằng chứng sớm nhất về việc sản xuất rượu hoàn chỉnh, theo Gregory Areshian thuộc Đại học California, Los Angeles, đồng giám đốc của cuộc khai quật.

Những phát hiện này được Hội Địa lý Mỹ công bố hôm 11/1 trong ấn bản online của tạp chí Khoa học khảo cổ.

Việc sản xuất rượu quy mô lớn như vậy cho thấy, nho Á-Âu đã được thuần hóa, McGovern, tác giả của cuốn sách "Mở nút chai quá khứ:. Cuộc tìm kiếm rượu, bia và đồ uống có cồn khác" nói.

Cùng tại khu vực Armenia này là khu vực đã phát hiện ra giày da cổ nhất, có niên đại khoảng 5.500 năm trước. Phát hiện đó nằm tại khu vực được gọi là Areni-1 và đã được thông báo mùa hè năm ngoái.

Theo các nhà khảo cổ, trong hang động là một bể nông khoảng 1m, được bố trí để chảy vào một thùng sâu.

Bể này có thể đã được dùng để ép rượu, nơi mọi người dùng chân dẫm nho, một phương pháp mà người Areshian lưu ý là truyền thống trong nhiều thế kỷ.

Họ cũng phát hiện các hạt nho, phần còn lại của những quả nho bị ép và hàng chục cây nho khô. Các hạt giống thuộc về cùng một loại nho - Vitis vinifera vinifera - vẫn được sử dụng để làm rượu vang.

Những di vật sớm nhất có thể so sánh được tìm thấy trong lăng mộ của vua Ai Cập cổ đại Scorpion I, có niên đại khoảng 5.100 năm trước.

Bởi cơ sở sản xuất rượu vang được tìm thấy bao quanh bởi các ngôi mộ, các nhà nghiên cứu cho rằng, rượu vang có thể đã được dành cho nghi lễ.

Điều này thực sự có ý nghĩa với McGovern, người đã lưu ý rằng rượu là đồ uống chính tại tang lễ và sau đó được sử dụng cho việc cúng tế các hầm mộ.

Thật vậy, ông nói, "Ngay cả ở các vùng đất thấp như Ai Cập cổ đại, nơi bia trị vì tối cao, các loại rượu vang đặc biệt từ đồng bằng sông Nile đã được yêu cầu để cúng tế cho các tang lễ và một lượng lớn rượu vang đã được tiêu thụ tại các lễ hội hoàng gia và các lễ hội tôn giáo lớn".

McGovern đã lưu ý rằng, những chiếc thùng tương tự để giậm nho và lọ để đựng đã được tìm thấy xung quanh khu vực Địa Trung Hải.

Trong cuốn sách của ông, McGovern đã gợi mở rằng, "văn hóa rượu vang", bao gồm sự thuần hóa nho Á-Âu, lần đầu tiên được hợp nhất ở các vùng núi quanh Armenia trước khi chuyển về phía nam.

 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hà Tĩnh phát hiện xương hoá thạch khủng long?

 

 

Một nông dân ở Hà Tĩnh trong khi đang đào vườn nhà vô tình phát hiện một mảnh xương hóa thạch động vật lạ, có niên đại hàng vạn năm.

Hà Tĩnh phát hiện xương hoá thạch khủng long?

Ngày 5/1/2011 thông tin từ Phòng Quản lý Di sản Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết thông tin trên. Cụ thể, trong quá trình sưu tầm hiện vật, cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh vô tình phát hiện tại gia đình ông Trần Hải ở xóm Đông Tiến, xã Thạch Đồng, thành phố Hà Tĩnh lưu giữ mảnh xương hóa thạch này.

Mảnh xương động vật hoá thạch màu nâu vàng, cứng (chất sừng) chiều dài 32cm, cao 15cm. Quan sát theo thế úp thì phía trên có lớp như gai sừng và mỗi bên có 7 sống nổi. Quan sát theo thế nằm ngang thì thấy rõ 11 lớp màu trắng tựa hình elip, giống như mặt nhai của hàm răng động vật và 11 lớp màu trắng đó thu nhỏ dần về hai đầu.

Chủ nhân của hoá thạch trên cho hay, gia đình ông phát hiện mảnh xương này khi đang đào hố thoát nước cách đây một thời gian. Mảnh xương được tìm thấy ở độ sâu khoảng 1m. Đã có nhiều người sưu tầm cổ vật đến hỏi mua nhưng ông không bán bởi không hiểu hoá thạch đó có giá trị như thế nào?

Theo các chuyên viên văn hóa, mẩu hóa thạch trên có thể là hàm dưới của một con vật khổng lồ, rất có thể là khủng long, niên đại cách đây hàng vạn năm. Vị trí phát hiện mẩu xương bước đầu được xác định cách bờ biển ở Hà Tĩnh theo đường chim bay khoảng 6 km.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Quảng Ngãi: Phát hiện bộ sinh thực khí Chămpa cổ

 

 

Sáng 28.12.2010, trong khi đi điền dã, nghiên cứu một ngôi miếu cổ tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi đã phát hiện một bộ sinh thực khí (linga và yoni) bằng đá còn nguyên vẹn có niên đại khoảng thế kỷ thứ XI.

Quảng Ngãi: Phát hiện bộ sinh thực khí Chămpa cổ

Linga có chiều cao 20cm, hình trụ tròn, đường kính 18cm, chu vi 61cm. Yoni có đế hình vuông, mỗi cạnh 67cm, dày 14cm.

Được biết, người địa phương gọi ngôi miếu này là “dinh Bà Sở”, toạ lạc tại thôn 5, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, trong khu vườn của gia đình ông Biện Tấn Ngọc (87 tuổi). Địa điểm này có tên dân gian là “Vườn Dinh” nằm cạnh một dòng sông cổ, thuộc Bàu Huyện, trước đây có tên là cửa Ngõa, xứ Hạ Tân, làng Bồ Đề, phủ Mộ Hoa, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát hiện một bộ sinh thực khí của người Chăm cổ còn nguyên vẹn. “Bà Sở” là cách gọi tắt của Bà Mẹ Xứ Sở (Pô Inư Nưga – Mẹ Xứ Sở) trong tín ngưỡng của người Chăm, và cách gọi này cũng đã cho thấy đây là một di tích Chăm cổ.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Khu di tích lò-mộ bằng đất nung đầu tiên ở Việt Nam

 

 

Theo kết quả thẩm định hiện vật của Viện Khảo cổ học Việt Nam, khu di tích lò-mộ bằng đất nung vừa được phát hiện tại thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam, huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) có niên đại  từ thế kỷ 13.

alt

Ngày 22/12, Phó Giám đốc Sở văn hóa-thể thao và du lịch tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết, Khu di tích lò-mộ Xuân Sơn Nam phát lộ sau trận lũ lịch sử năm 2009 có diện tích 3.725m2.

Cuối tháng 10/2010, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp cùng tỉnh Phú Yên tiến hành khai quật một phần khu di tích. Tại đây, nhóm khai quật đã phát hiện hàng loạt hiện vật lớn bằng đất nung hình thoi, có chiều dài từ 1,5-2m; rộng từ 0,8-1m. Bên trong những hiện vật này có dấu tích của than tro và xương người bị cháy.

Với kết quả trên, các nhà khoa học cho rằng đây là khu di tích lò-mộ bằng đất nung đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam và chủ nhân của chúng là người Chăm.

Khu di tích thể hiện phong tục hỏa táng bên trong mộ đất nung của người Chăm ở giai đoạn lịch sử, văn hóa khoảng thế kỷ 13. Điều này càng làm phong phú hơn về nền văn hóa Chăm đã từng tồn tại trên vùng đất Phú Yên.

Theo ông Phan Đình Phùng, với nét độc đáo như trên, khu di tích lò-mộ bằng đất nung Xuân Sơn Nam cần được bảo quản. Tỉnh Phú Yên cần được sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành ở Trung ương và cả nước ngoài để tiếp tục nghiên cứu khu di tích này.

Hiện tại, khu lò-mộ bằng đất nung vẫn chưa được thực hiện bất kỳ biện pháp bảo quản nào. Khu di tích nằm sát bờ hữu ngạn sông Kỳ Lộ, một trong những dòng sông lớn và có địa hình dòng chảy phức tạp, khu vực di tích rất dễ bị sạt lở.

Cùng với khu lò-mộ bằng đất nung Xuân Sơn Nam, tại Phú Yên, các nhà khoa học đã tìm ra được nhiều di tích Chăm cổ có giá trị văn hóa, lịch sử lớn và có nét độc đáo riêng biệt.

Tháp Chăm trên đỉnh Núi Nhạn (thành phố Tuy Hòa) có niên đại thế kỷ 11; di tích Núi Bà (huyện Tây Hòa) có niên đại thế kỷ 13. Đối diện với di tích Núi Bà, phía tả ngạn sông Ba là khu di tích Thành Hồ có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ 5 đến khoảng thế kỷ 15, 16 khi người Việt bắt đầu đặt chân đến vùng đất này...

Điều đặc biệt là ở các địa phương khác, di tích văn hóa Chăm thường được tìm thấy phía hữu ngạn các dòng sông khi Vương quốc Chămpa chịu áp lực di dân từ phương Bắc. Riêng tại Phú Yên, vẫn tồn tại những di tích hai bên dòng sông trải qua cùng một giai đoạn lịch sử.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Người hiện đại có nguồn gốc từ Trung Đông?

 

 

Giới khoa học có thể phải viết lại lịch sử tiến hóa của loài người hiện đại sau khi các nhà khảo cổ Israel phát hiện một bộ hóa thạch răng người có niên đại 400.000 năm ở Trung Đông.

Người hiện đại có nguồn gốc từ Trung Đông?

Các nghiên cứu khoa học trước đây tin rằng, người hiện đại bắt đầu phát triển ở châu Phi cách đây 200.000 năm. Những người này sau đó dần di cư sang Trungg Đông, châu Âu và châu Á.

Tuy nhiên, phát hiện hóa thạch răng người hiện đại cách đây khoảng 400.000 năm tại một hang động ở Rosh Ha’Ayin (Israel) có thể khiến các nhà khoa học phải viết lại lịch sử tiến hóa của loài người hiện đại.

Theo tờ Daily Mail, các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Tel Aviv (Israel) đã phát hiện 8 chiếc răng của người hiện đại ở hang động Qesem, gần sân bay quốc tế của Israel. Kết quả phân tích cho thấy, những chiếc răng này là của người hiện đại sống ở thời kỳ Middle Pleistocene cách đây khoảng 400.000 năm.

Đây được coi là những hóa thạch có niên đại lâu đời nhất của loài người hiện đại từng được phát hiện từ trước tới nay. Nghiên cứu này cũng mở ra một giả thuyết mới về khả năng người hiện đại có nguồn gốc từ Trung Đông thay vì châu Phi như những giả thuyết trước đây.

Cùng với những chiếc răng người có niên đại 400.000 năm, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hóa thạch xương người và các công cụ bằng đá được mài sắc có niên đại từ 80.000 năm đến 100.000 năm tại hang động Qesem.

Các nhà khoa học cho rằng, những công cụ được phát hiện cho thấy người tiền sử ở Trung Đông cách đây 100.000 năm đã có thể sử dụng lửa để sửa ấm và nấu chín thức ăn, hay có thể dùng những vật sắc nhọn để đi săn và xẻ thịt.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện thêm một chủng người cổ tại Siberia

 

 

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện hóa thạch bộ xương người cổ thần bí tại một hang động ở Siberia.

Phát hiện thêm một chủng người cổ tại Siberia

Phát hiện này cho thấy trong đại gia tộc người cổ cách nay 30.000 năm, ngoài tổ tiên người hiện đại và người Neanderthals đã tuyệt chủng, vẫn còn một chủng người cổ thứ ba.

Theo các nhà khoa học, hóa thạch chủng người cổ mới được phát hiện có tên gọi "người Denisova," được các nhà khảo cổ học phát hiện tại di tích cổ Denisova Cave, nằm trên dãy núi Altai, phía nam Siberia.

Năm 2008, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hóa thạch xương ngón tay, răng người và nhiều đồ vật trang sức tại hang động Denisova. Kết quả kiểm tra DNA phát hiện, những hóa thạch này là của một bé gái khoảng 5 đến 7 tuổi.

Trên cơ sở đó các nhà khoa học phán đoán "người Denisova" đi bằng hai chân, tuy nhiên kết cấu thể hình lại hoàn toàn khác biệt so với người hiện đại và người Neanderthals.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9905408
Số người đang online: 11