Quảng Ngãi: Phát hiện bộ sinh thực khí Chămpa cổ

 

 

Sáng 28.12.2010, trong khi đi điền dã, nghiên cứu một ngôi miếu cổ tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi đã phát hiện một bộ sinh thực khí (linga và yoni) bằng đá còn nguyên vẹn có niên đại khoảng thế kỷ thứ XI.

Quảng Ngãi: Phát hiện bộ sinh thực khí Chămpa cổ

Linga có chiều cao 20cm, hình trụ tròn, đường kính 18cm, chu vi 61cm. Yoni có đế hình vuông, mỗi cạnh 67cm, dày 14cm.

Được biết, người địa phương gọi ngôi miếu này là “dinh Bà Sở”, toạ lạc tại thôn 5, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, trong khu vườn của gia đình ông Biện Tấn Ngọc (87 tuổi). Địa điểm này có tên dân gian là “Vườn Dinh” nằm cạnh một dòng sông cổ, thuộc Bàu Huyện, trước đây có tên là cửa Ngõa, xứ Hạ Tân, làng Bồ Đề, phủ Mộ Hoa, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát hiện một bộ sinh thực khí của người Chăm cổ còn nguyên vẹn. “Bà Sở” là cách gọi tắt của Bà Mẹ Xứ Sở (Pô Inư Nưga – Mẹ Xứ Sở) trong tín ngưỡng của người Chăm, và cách gọi này cũng đã cho thấy đây là một di tích Chăm cổ.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Khu di tích lò-mộ bằng đất nung đầu tiên ở Việt Nam

 

 

Theo kết quả thẩm định hiện vật của Viện Khảo cổ học Việt Nam, khu di tích lò-mộ bằng đất nung vừa được phát hiện tại thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam, huyện miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) có niên đại  từ thế kỷ 13.

alt

Ngày 22/12, Phó Giám đốc Sở văn hóa-thể thao và du lịch tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết, Khu di tích lò-mộ Xuân Sơn Nam phát lộ sau trận lũ lịch sử năm 2009 có diện tích 3.725m2.

Cuối tháng 10/2010, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp cùng tỉnh Phú Yên tiến hành khai quật một phần khu di tích. Tại đây, nhóm khai quật đã phát hiện hàng loạt hiện vật lớn bằng đất nung hình thoi, có chiều dài từ 1,5-2m; rộng từ 0,8-1m. Bên trong những hiện vật này có dấu tích của than tro và xương người bị cháy.

Với kết quả trên, các nhà khoa học cho rằng đây là khu di tích lò-mộ bằng đất nung đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam và chủ nhân của chúng là người Chăm.

Khu di tích thể hiện phong tục hỏa táng bên trong mộ đất nung của người Chăm ở giai đoạn lịch sử, văn hóa khoảng thế kỷ 13. Điều này càng làm phong phú hơn về nền văn hóa Chăm đã từng tồn tại trên vùng đất Phú Yên.

Theo ông Phan Đình Phùng, với nét độc đáo như trên, khu di tích lò-mộ bằng đất nung Xuân Sơn Nam cần được bảo quản. Tỉnh Phú Yên cần được sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành ở Trung ương và cả nước ngoài để tiếp tục nghiên cứu khu di tích này.

Hiện tại, khu lò-mộ bằng đất nung vẫn chưa được thực hiện bất kỳ biện pháp bảo quản nào. Khu di tích nằm sát bờ hữu ngạn sông Kỳ Lộ, một trong những dòng sông lớn và có địa hình dòng chảy phức tạp, khu vực di tích rất dễ bị sạt lở.

Cùng với khu lò-mộ bằng đất nung Xuân Sơn Nam, tại Phú Yên, các nhà khoa học đã tìm ra được nhiều di tích Chăm cổ có giá trị văn hóa, lịch sử lớn và có nét độc đáo riêng biệt.

Tháp Chăm trên đỉnh Núi Nhạn (thành phố Tuy Hòa) có niên đại thế kỷ 11; di tích Núi Bà (huyện Tây Hòa) có niên đại thế kỷ 13. Đối diện với di tích Núi Bà, phía tả ngạn sông Ba là khu di tích Thành Hồ có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ 5 đến khoảng thế kỷ 15, 16 khi người Việt bắt đầu đặt chân đến vùng đất này...

Điều đặc biệt là ở các địa phương khác, di tích văn hóa Chăm thường được tìm thấy phía hữu ngạn các dòng sông khi Vương quốc Chămpa chịu áp lực di dân từ phương Bắc. Riêng tại Phú Yên, vẫn tồn tại những di tích hai bên dòng sông trải qua cùng một giai đoạn lịch sử.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Người hiện đại có nguồn gốc từ Trung Đông?

 

 

Giới khoa học có thể phải viết lại lịch sử tiến hóa của loài người hiện đại sau khi các nhà khảo cổ Israel phát hiện một bộ hóa thạch răng người có niên đại 400.000 năm ở Trung Đông.

Người hiện đại có nguồn gốc từ Trung Đông?

Các nghiên cứu khoa học trước đây tin rằng, người hiện đại bắt đầu phát triển ở châu Phi cách đây 200.000 năm. Những người này sau đó dần di cư sang Trungg Đông, châu Âu và châu Á.

Tuy nhiên, phát hiện hóa thạch răng người hiện đại cách đây khoảng 400.000 năm tại một hang động ở Rosh Ha’Ayin (Israel) có thể khiến các nhà khoa học phải viết lại lịch sử tiến hóa của loài người hiện đại.

Theo tờ Daily Mail, các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Tel Aviv (Israel) đã phát hiện 8 chiếc răng của người hiện đại ở hang động Qesem, gần sân bay quốc tế của Israel. Kết quả phân tích cho thấy, những chiếc răng này là của người hiện đại sống ở thời kỳ Middle Pleistocene cách đây khoảng 400.000 năm.

Đây được coi là những hóa thạch có niên đại lâu đời nhất của loài người hiện đại từng được phát hiện từ trước tới nay. Nghiên cứu này cũng mở ra một giả thuyết mới về khả năng người hiện đại có nguồn gốc từ Trung Đông thay vì châu Phi như những giả thuyết trước đây.

Cùng với những chiếc răng người có niên đại 400.000 năm, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hóa thạch xương người và các công cụ bằng đá được mài sắc có niên đại từ 80.000 năm đến 100.000 năm tại hang động Qesem.

Các nhà khoa học cho rằng, những công cụ được phát hiện cho thấy người tiền sử ở Trung Đông cách đây 100.000 năm đã có thể sử dụng lửa để sửa ấm và nấu chín thức ăn, hay có thể dùng những vật sắc nhọn để đi săn và xẻ thịt.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện thêm một chủng người cổ tại Siberia

 

 

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện hóa thạch bộ xương người cổ thần bí tại một hang động ở Siberia.

Phát hiện thêm một chủng người cổ tại Siberia

Phát hiện này cho thấy trong đại gia tộc người cổ cách nay 30.000 năm, ngoài tổ tiên người hiện đại và người Neanderthals đã tuyệt chủng, vẫn còn một chủng người cổ thứ ba.

Theo các nhà khoa học, hóa thạch chủng người cổ mới được phát hiện có tên gọi "người Denisova," được các nhà khảo cổ học phát hiện tại di tích cổ Denisova Cave, nằm trên dãy núi Altai, phía nam Siberia.

Năm 2008, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hóa thạch xương ngón tay, răng người và nhiều đồ vật trang sức tại hang động Denisova. Kết quả kiểm tra DNA phát hiện, những hóa thạch này là của một bé gái khoảng 5 đến 7 tuổi.

Trên cơ sở đó các nhà khoa học phán đoán "người Denisova" đi bằng hai chân, tuy nhiên kết cấu thể hình lại hoàn toàn khác biệt so với người hiện đại và người Neanderthals.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Khảo cổ học cộng đồng: Xu hướng mới bảo tồn di sản

 

 

“Khảo cổ học (vì lợi ích) cộng đồng giúp nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, người dân hiểu biết địa phương hơn, di sản được quản lý tốt hơn, sinh lợi nhiều hơn” - TS Nguyễn Giang Hải - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học VN - nói trong hội thảo “Khảo cổ học vì lợi ích cộng đồng: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia” diễn ra tại Thanh Hoá từ 20-22.12.

alt

Ảnh hưởng toàn cầu hoá nhìn từ Pang Mapha

Giống như các khu vực khác trên thế giới, toàn cầu hoá, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, đã có tác động mạnh đến nền kinh tế Thái Lan trong những năm gần đây. Chính quyền ở cao nguyên Pang Mapha (Thái Lan) đã có một chính sách sử dụng các nguồn lực tự nhiên và khảo cổ để thu hút khách du lịch. Vì vậy, khu vực này ngày càng được dù khách biết đến, như một địa điểm du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm. Họ tới đây để thám hiểm hang động, leo núi và tham quan các di chỉ khảo cổ được phát lộ.

Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch tại Pang Mapha đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Phần lớn các địa điểm khảo cổ là các khu mộ táng, các địa điểm chế tác đồ đá, các địa điểm có thạch họa và các phế tích. Một số bộ tộc thiểu số (chẳng hạn người Lahu đen ở làng Jabo) tin rằng các vị thần linh của bộ tộc ngự trị tại các địa điểm này, đặc biệt là tại các khu mộ táng - nơi có các quan tài bằng thân cây. Vài năm trước, một số cộng đồng đã không cho phép các nhà khảo cổ làm việc tại những địa điểm trong làng của họ, bởi họ sợ rằng dân làng sẽ có người bị chết. Tuy nhiên, thái độ này đang thay đổi nhanh chóng do ảnh hưởng của du lịch.

“Đầu tiên, chúng tôi phải lôi kéo sự tham gia của cộng đồng” - TS Rasmi Shoocongdep (Thái Lan) nhớ lại. “Chúng tôi họp rất nhiều cuộc họp với dân làng, lấy ý kiến của họ, cùng họ suy nghĩ về cách quản lý các địa điểm này. Chúng tôi lấy ý kiến phản hồi của họ về các quá trình bảo tồn và trưng bày cũng như việc phát triển địa điểm này thành điểm du lịch. Sau chúng tôi xác định được các nhóm người quan tâm đến dự án của chúng tôi tuyển dụng trẻ em, giáo viên và một số người lớn làm việc cùng và trong giai đoạn tiếp theo, các mô hình, phục dựng được thực hiện, từ cảnh quan, đến hàng rào, thanh chắn. Tre và nguyên liệu địa phương được sử dụng trong xây dựng thiết kế các khu trưng bày. Việc phục dựng cơ bản các di vật và các hạng mục khai quật do nhóm dự án đảm nhận. Như thế, chúng tôi đã có một khu bảo tàng trưng bày riêng” - TS Rasmi nói.

Giờ đây, Pang Mapha đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách, còn bảo vệ di sản khảo cổ trở thành điều người dân luôn tâm niệm, tự hào. Họ đã yêu di sản của mình hơn sau khi hiểu thêm về nó và càng yêu hơn nữa khi sự tồn tại của di sản mang lại cho họ ổn định kinh tế. Khảo cổ học cộng đồng ở Pang Mapha đã phát huy giá trị của mình.

Khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam

“Khi chúng tôi đến Bạch Đằng khai quật những cọc gỗ trong trận chiến Bạch Đằng năm xưa, rất nhiều người đã đến. Họ giúp đỡ chúng tôi đào, người già thì ngồi hát và kể rất nhiều chuyện về những sự tích liên quan đến bãi cọc. Có những câu chuyện đã trở thành bài hát nói. Và điều quan trọng, sau những cuộc trò chuyện như thế, họ càng tự  hào về bãi cọc hơn. Khi chúng tôi đi khỏi, đã có những người đến, hỏi mua cọc gỗ với giá hàng triệu đồng  mỗi cọc. Nhưng người dân cương quyết không bán và bảo vệ bãi cọc đến cùng. Điều đó là gì nếu không là khảo cổ học cộng đồng” - TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ) “bật mí”.

Có nghĩa là, khảo cổ học cộng đồng không phải điều quá xa vời. “Ở góc độ giáo dục, tinh thần khảo cổ học cộng đồng cũng được phản ánh trong những bài viết về khảo cổ học trên báo chí VN, nhất là những năm gần đây, những bộ phim về phổ biến kiến thức văn hoá khảo cổ, hay vấn đề khảo cổ do VTV2 và một số đài địa phương thực hiện, phổ biến. Tuy vậy, với tư cách là một chuyên ngành của khảo cổ học với phương pháp, chiến lược và đường hướng phát triển riêng, thì khảo cổ học cộng đồng ở VN chỉ mới hình thành” - PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung nói.
Chính vì thế, theo bà Dung, khó khăn của chúng ta nằm ở những điểm như: Chưa có chuyên gia về lĩnh vực này, chưa xác định được chiến lược thực hiện, chưa có những đảm bảo vững chắc về pháp lý và thực sự tất cả chúng ta - cả cộng đồng các nhà khảo cổ - chưa nhận thức được tầm quan trọng của khảo cổ học cộng đồng.

Và cũng vì thế, giáo dục trở thành điều quan trọng trong phát triển khảo cổ học cộng đồng. “Trong những workshop của trẻ em, các em được cung cấp những dữ liệu khảo cổ và được yêu cầu xâu chuỗi rồi kể chúng thành những câu chuyện” - TS Rasmi chia sẻ.

TS Phạm Minh Huyền (Viện Khảo cổ) cũng cho rằng, việc đưa giáo dục khảo cổ học vào chương trình ngoại khoá, chính khoá cho học sinh phổ thông không quá phức tạp mà còn giúp các em yêu lịch sử hơn. Về điều này, TS Kwon Sujin - đại diện Quỹ Văn hoá - giáo dục Toyota - cho biết: “Là một tổ chức đã 30 năm hoạt động vì các di sản văn hoá, tài trợ các dự án văn hoá, chúng tôi sẵn sàng cung cấp kinh phí cho dự án giáo dục khảo cổ học cộng đồng tại VN. Đề nghị các bạn gửi sớm hồ sơ để quỹ có thể xét duyệt hỗ trợ cho năm tới”.

Khảo cổ học (KCH) cộng đồng có thể được hiểu một cách đơn giản là KCH của mọi người, dành cho mọi người, bằng nhiều biện pháp và cách thức đơn giản dễ hiểu, dễ tiếp nhận để đẩy mạnh sự tương tác giữa người nghiên cứu khảo cổ với công chúng và phổ biến kiến thức khảo cổ cho mọi người. KCHCĐ nỗ lực phục vụ cộng đồng bằng cách mở rộng sự tiếp cận của họ với tri thức khảo cổ và khuyến khích sự tham gia của người dân vào những nghiên cứu, bảo tồn khảo cổ học và phát huy giá trị khảo cổ địa phương.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hàn Quốc phát hiện xương hóa thạch 100 triệu năm tuổi

 

 

 Phát hiện này góp phần cung cấp cho các nhà khảo cổ học những nghiên cứu có giá trị về giai đoạn mà loài khủng long ngự trị trên trái đất.

Hàn Quốc phát hiện xương hóa thạch 100 triệu năm tuổi

Bộ xương mới được tìm thấy bao gồm: xương hông, xương sống lưng và toàn bộ xương đuôi.

Các nhà khoa học đã xác định đây là bộ xương khủng long hóa thạch có niên đại 103 triệu năm tuổi thuộc giai đoạn thời kỳ đầu của Kỷ Phấn trắng.

Châu Á là khu vực gần đây chứng kiến nhiều phát hiện thú vị về các bộ xương hóa thạch của các loài khủng long thời tiền sử.

Mới đây, một nhóm khảo cổ học Trung Quốc cũng đã tìm thấy nhiều xương khủng long hóa thạch ở huyện Kỳ Giang, tỉnh Trùng Khánh.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Nghệ An: Phát hiện cổ vật Chăm tại Quỳ Hợp

 

 

Gia đình ông Vi Văn Biển, dân tộc Thái ở bản Cố, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp đang cất giữ vật gia bảo của gia đình là một số cổ vật dân tộc Chăm, gồm 4 miếng hình bầu dục có đường kính từ 5 -7 cm, dày 1,5-2 cm được chế tác từ chất liệu chưa xác định có màu đen bóng của sừng, nhẹ, khó cháy và không thấm nước.

Nghệ An: Phát hiện cổ vật Chăm tại Quỳ Hợp

Trên hai  mặt  của  các miếng này được chạm khắc những hình tượng khá độc đáo như hình tháp Chăm, hình chữ viết dạng Sanskrit, đặc biệt  trong đó có một miếng có hình tượng thần Ga Jasimha (đầu voi, mình ngựa), đây là linh vật lưỡng hợp  trong tôn giáo khá phổ  biến trong nghệ thuật  điêu khắc của  người  Chăm.

Hiện  những cổ vật này vẫn đang được ông Biển cất giữ cẩn thận, rất cần cơ quan chuyên môn khảo cứu và xác định.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Quảng Ninh: Phát hiện mộ cổ triều Trần

 

 

Mộ được làm bằng gỗ, chưa rõ chất liệu nhưng có hương thơm, mặt trên mộ được xếp thành 02 lớp, thành mộ được ghép bằng gỗ có những kẹp liên kết bằng đồng

Quảng Ninh: Phát hiện mộ cổ triều Trần

Ông Trần Trọng Hà – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cho hay đã xác định chính xác niên đại thời Trần cho ngôi mộ cổ mới được phát hiện tại xã An Sinh, huyện Đông Triều.

Ông Hà cũng cho biết thêm: Tiến sĩ Vân Anh – Viện Khảo cổ học quốc gia nhận định ngôi mộ cổ này có rất nhiều nét tương đồng với mộ của Trần Thừa – cụ thân sinh ra vua Trần Thái Tông (vi vua đầu tiên của triều Trần). Do đó, Bảo tàng tỉnh đang tích cực phối hợp với Viện khảo cổ học và các sở ban ngành địa phương có biện pháp khoanh vùng khẩn cấp, tập trung nghiên cứu làm rõ nguồn gốc của ngôi mộ cổ. 

Theo phán đoán ban đầu, đây là ngôi mộ của một vị có chức sắc. Việc nghiên cứu ngôi mộ cổ trong quần thể các di tích nhà Trần tại An Sinh sẽ góp phần quan trọng khẳng định lại một lần nữa vùng đất An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh là nơi phát tích của triều Trần.

Trước đó, chiều ngày 12/12/2010, người dân thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh đã phát hiện dấu tích của một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ này nằm ở sườn của một ngọn núi nhỏ, cuối của xã An Sinh, giáp với địa giới xã Bình Khê. Căn cứ hiện trường thì ngôi mộ nằm sâu khoảng 3,5m so với mặt đất, khu vực có đất tơi xốp (khả năng là biên mộ) khoảng 7m X 15m, nằm dọc theo hướng lên đỉnh đồi.

Mộ được làm bằng gỗ, chưa rõ chất liệu nhưng có hương thơm, mặt trên mộ được xếp thành 02 lớp, thành mộ được ghép bằng gỗ có những kẹp liên kết bằng đồng. Số gỗ được bóc lên mặt đất gần vuông có chiều rộng 0,35m, dài khoảng 3,9m. Hiện vật được phát lộ gồm có gỗ, đinh đồng và mảnh sành.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thanh Hóa: Phát hiện nhiều di vật và kiến trúc cổ tại thành nhà Hồ

 

 

Sau hơn hai tháng thăm dò, khai quật khảo cổ học tại khu vực Thành nội và La thành, nằm trong khu di sản thành nhà Hồ, Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ và Viện khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật và vết tích kiến trúc cổ.

Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ phối hợp với Viện khảo cổ học thực hiện cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ học tại khu vực Thành nội và La thành, nằm trong khu di sản thành nhà Hồ. Sau hơn hai tháng đã phát lộ nhiều di vật và vết tích kiến trúc cổ.
 
Những vết tích kiến trúc được phát hiện trong khu vực khai quật thuộc thời Trần, thời Hồ và thời Lê như: Sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá được làm trên cơ sở sử dụng lại vật liệu kiến trúc của thời Hồ.

Tại khu vực Thành nội, sau khi khai quật xuống độ sâu 2m tính từ lớp mặt, các nhà khảo cổ còn tìm thấy vết tích rãnh thoát nước thời Hồ. Đặc biệt, tại hố khai quật số 2, góc Đông Nam khu vực trên diện tích 50m2, các nhà khảo cổ phát hiện hàng đá kè nền với chiều dài xuất lộ là 10m và còn ăn sâu vào hai vách phía Tây và phía Đông hố khai quật. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn thấy xuất lộ hàng gạch lát nền thời Hồ với những viên gạch vuông, kích thước 50 x 8cm.

Còn tại khu vực La thành, sau khi bóc các lớp đất ở độ sâu 4,5m từ lớp mặt trở xuống, các nhà khảo cổ đã xác định được bảy lớp đất cấu tạo nên La thành, chủ yếu là những lớp đất sét màu vàng, ít tạp chất nên có độ dẻo và độ gắn kết rất cao.

Theo ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành Nhà Hồ cho biết, sau hơn hai tháng thực hiện, đến nay cuộc thăm dò, khai quật trong hai khu vực trên đã hoàn thành sơ bộ.

Đây là những cơ sở quan trọng giúp các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý để có được các thông tin chính xác trong việc nghiên cứu và bảo tồn di sản thành nhà Hồ trong quá trình đề cử Di sản văn hóa thế giới.

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Phát hiện dấu tích người nguyên thủy ở Hà Giang

 

 

Tin từ Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, đơn vị này và Bảo tàng tỉnh Hà Giang vừa tiến hành khai quật khảo cổ học tại hang Khuổi Nấng (xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê, Hà Giang) và đã phát hiện dấu tích cư trú của nhiều thế hệ người tiền sử với niên đại cách đây khoảng 4.000 - 7.000 năm.

PGS-TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam) Trưởng đoàn khai quật cho biết, tại 2 hố khai quật với diện tích 30m² các nhà khảo cổ học phát hiện tầng văn hóa hang Khuổi Nấng dày từ 60 - 70cm, thể hiện 2 giai đoạn văn hóa phát triển khác nhau. Đáng chú ý là đã phát hiện dấu tích của 2 ngôi mộ. Các dấu tích xương răng còn lại cho thấy chủ nhân 2 ngôi mộ là của một người trưởng thành và của một đứa trẻ. Người chết được đặt trên lớp đá rải, có cắm đá đánh dấu mộ.

Theo các nhà khảo cổ, đây là hình thức mai táng hiếm gặp trong văn hóa tiền sử ở nước ta. Nó xuất phát từ quan niệm nguyên thủy con người sinh ra từ đá, khi chết lại trở về với đá, những viên đá rải dưới mộ là nơi trú ngụ linh hồn người chết. Các nhà khảo cổ còn tìm được ở đây hàng trăm di vật đá gồm công cụ mũi nhọn giống như chiếc cuốc tay để đào xới đất; công cụ rìu, dao dùng để chặt đập; công cụ nạo cắt, chày nghiền...

Theo TS Trình Năng Chung, dựa vào kết quả nghiên cứu các di vật khảo cổ, có thể cho rằng Khuổi Nấng là một địa điểm cư trú của nhiều thế hệ người tiền sử có niên đại cách đây khoảng 4.000 - 7.000 năm. 


 

 
 
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Trang


61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

+8424 38255449
Copyright © 2016 by khaocohoc.gov.vn.
Thiết kế bởi VINNO
Tổng số lượt truy cập: 9023006
Số người đang online: 37